WHĐ (11.03.2024) - Ngày
5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành
mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy
ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục
Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
“Đoạn linh mục đứng cạnh bàn thờ, thừa tác viên đưa các bình rượu nước,
linh mục đổ rượu và một chút nước vào chén thánh, đọc thầm: Nhờ dấu chỉ nước
hòa rượu này … rồi trả bình rượu cho thừa tác viên giúp lễ. Trở lại giữa bàn thờ,
linh mục hai tay cầm chén, nâng cao một chút, đọc thầm: Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất… rồi đặt chén thánh xuống trên khăn
thánh, và tùy nghi lấy tấm đậy đặt lên trên chén. Nếu không hát ca tiến lễ hoặc
không đánh đàn thì khi dâng bánh và rượu, linh mục nên đọc lớn tiếng công thức
chúc tụng, và cộng đoàn tung hô đáp lại bằng câu: Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời” (QCSL 142).
II/ LỊCH SỬ & Ý NGHĨA
Việc hòa nước vào rượu là một tập tục đã có
trong phụng vụ cũng như trong xã hội cổ xưa. Thực hành này là của người Hy Lạp nhưng được tuân giữ tại Palestin vào
thời Chúa Giêsu.[1] Lý do
thực tiễn là muốn giữ được lâu, người ta làm
rượu nguyên chất với nồng độ cao, vì thế mỗi khi uống, phải pha thêm
nước vào cho dễ uống và cảm giác uống ngon hơn (x. 2 Mcb 15,39).[2]
Trong Kitô giáo, các tín hữu thời Hội Thánh sơ
khai vẫn theo tập tục này khi cử hành Thánh Thể. Sau này, phụng vụ gán cho hành
vi hòa nước vào rượu những giải thích mang tính biểu tượng như sau:
(1) Bên Tây phương: việc hòa chung nước vào rượu
tượng trưng cho sự kết hợp làm một giữa các tín hữu với Chúa Kitô, là Đầu Nhiệm
Thể Hội Thánh (Dz 1320), rượu tiếp nhận nước như thế nào thì Chúa Kitô cũng tiếp
nhận chúng ta và cả tội lỗi chúng ta vào trong Ngài như vậy. Vào thế kỷ VIII,
người ta đọc thấy lời nguyện này: “Như nước
và rượu trong chén thánh không thể nào tách rời được, vì thế xin cho chúng con
đừng bao giờ tách rời khỏi Chúa Cha và Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và Con Chiên
Cứu Độ.”[3]
Ngay từ thế kỷ II, thánh Justinô đã nhắc tới việc pha
nước vào rượu: “Rồi một người sẽ mang
bánh và một chén rượu đã hòa với nước lên cho vị chủ tọa trên anh em.”[4]
Trong bức thư của thánh Cyprianô thành Carthage hồi thế
kỷ III (200/210-258), ngài viết: “Chúng ta biết rằng nước tượng
trưng cho các tín hữu trong khi rượu tượng trưng cho máu Đức Kitô. Khi nước được
kết hợp với rượu trong chén thánh, các tín hữu được nên một với Đức Kitô; những
người tin (muôn dân = Giáo Hội) được tham dự và
hợp nhất với Ngài là Đấng họ tin”; ngài cũng viết: “Nếu ai đó chỉ dâng rượu,
rượu khởi sự để trở thành máu của Đức Kitô mà không có chúng ta; Cũng vậy, nếu
chỉ dâng nước, chỉ có dân chúng mà không có Đức Kitô. Nhưng khi cả hai được hòa trộn và hòa nhập với
nhau bởi sự nên một khăng khít, Bí tích thiên đàng và thiêng liêng được hoàn tất”
(Ep.
63 ad
Caecilianum 13).[5] Lời giải
thích này có nền tảng trong sách Khải huyền 17,15, trong đó thánh Gioan coi nước
tiêu biểu cho muôn dân.[6]
(2) Bên Đông phương: nhấn mạnh đến hình ảnh máu và nước
từ cạnh sườn Chúa chảy ra. Vì thế, khi pha nước vào rượu người ta đọc Ga 19, 34: “Một
người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa. Tức thì, nước cùng máu chảy ra...”[7]. Sự kiện này biểu trưng cho ngày
khai sinh Hội Thánh và các bí tích.[8] Công đồng
Florence (năm 1439) yêu cầu các tư tế phải hòa nước vào rượu trong chén thánh vừa
vì có lẽ Đức Kitô đã làm như thế, vừa vì máu và nước từ cạnh sườn Người chảy
ra. Phát biểu của Công đồng không phải là giáo huấn về đạo lý đức tin nhưng chỉ
ra sự đồng ý về biểu tượng này trong các Hội Thánh khác nhau của cả bên Đông lẫn
bên Tây phương, cụ thể là Hội Thánh Armenia và La Mã.[9]
(3) Rượu và nước
còn tượng trưng cho thiên tính (rượu) và nhân tính (nước) của Chúa Giêsu, hoặc
là mối hiệp thông giữa Chúa Kitô (rượu) và Hội Thánh (nước). Cũng có thể hiểu về
mầu nhiệm nhập
thể: Con Thiên Chúa làm con của loài người để con của loài người trở nên con
Thiên Chúa. Ơn gọi của chúng ta là được thông dự vào sự sống thần linh của Đức
Kitô, để trở nên “người dự phần vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4).[10] Đó là
lý do truyền thống Roma cổ xưa dùng lời kinh: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng
con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của
chúng con” làm lời
nguyện nhập lễ
Giáng sinh nhằm nói lên cuộc trao
đổi kỳ diệu trong mầu nhiệm nhập thể cũng như kính mừng sự
hiệp nhất giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại nơi Chúa Kitô.[11]
Sách Ordo
Romanus I (thế kỷ VIII) có chứa lời hướng dẫn thầy phụ phó tế tiếp nhận nước
và trao cho vị tổng phó tế. Vị này đổ nước vào trong chén rượu theo hình Thánh
giá.[12]
Sách lễ 1474 thì ghi lại lời nguyện đi kèm với hành động hòa nước vào rượu. Năm 1523, Luther đã chất
vấn việc sử dụng nước hòa vào với rượu vì cho rằng đó chỉ là sáng kiến của con
người, do đó không nên là một nghi thức bắt buộc.[13]
Thế nhưng, theo tinh thần của Công đồng Trentô, Sách lễ 1570 vẫn giữ lại và nhấn
mạnh nghi thức này với lời nguyện kèm theo như đã có trong Sách lễ 1474. Lời
nguyện này đã được rút vắn lại kể từ Sách lễ 1970.[14]
Ngày nay, khi pha nước vào rượu, linh mục đọc thầm: “Nhờ
dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng
đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” (NTTL 24). Lời kinh này gợi lại bài
thánh ca
Philiphê: “Người lại còn hạ mình, vâng lời
cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”
(Pl 2,8). Kinh này do Đức Lêô I soạn (trong sách Sacramentarium Leonianum) để làm lời
nguyện nhập lễ của lễ Giáng sinh và vẫn còn tồn
tại trong lời nguyện nhập lễ của lễ Giáng sinh ban ngày hiện nay (xin cho chúng con được chia sẻ
chức vị làm con Chúa với Ðức Kitô là Ðấng đã chia sẻ kiếp người với chúng con) là lễ mừng sự hiệp nhất giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại
nơi Chúa Kitô, mở rộng ra đến bí tích Thánh Thể. Điều này phù hợp với quan niệm của Gíao Hội Đông
phương như đã nói trên.[15]
III/ KỶ LUẬT
1/ Hy tế Thánh Thể phải được
cử hành với bánh không men, bằng bột mì nguyên chất và mới chế biến, không chút
nào sợ hư. Do
đó, bánh được làm với một chất khác, dù đó là một loại ngũ cốc, hay là bánh mà
người ta đã thêm vào đó một chất khác hơn bột mì, với một số lượng đến nỗi,
theo ý kiến chung, người ta không thể xem đó là bánh làm bằng lúa mì, thì bánh
đó không làm thành chất thể thành sự cho việc cử hành Hy Tế và Bí Tích Thánh Thể. Việc
đưa vào những chất thể khác để làm bánh dùng cho Phép Thánh Thể, như là trái
cây, đường hay mật, là một lạm dụng nặng nề. Dĩ nhiên, bánh lễ phải được làm bởi
những người không những có tiếng là liêm khiết, mà còn có khả năng trong lãnh vực
này và dùng những dụng cụ thích hợp (Huấn
thị Bí Tích Cứu Độ [BTCĐ], 48).
2/ Hy Tế Thánh Thể phải được
cử hành với rượu nho tự nhiên, nguyên chất và không biến chất, nghĩa là không
pha vào đó những chất khác. Trong lúc cử hành Thánh Lễ, người ta thêm một chút
nước vào rượu. Phải cẩn thận gìn giữ rượu nho dùng cho Phép Thánh Thể ở tình trạng
hoàn hảo, và theo dõi đừng để rượu lễ bị chua đi. Tuyệt đối cấm sử dụng rượu mà
người ta nghi ngờ về tính xác thực và nguồn gốc của nó: Quả nhiên, Giáo Hội đòi
hỏi sự chắc chắn về vấn đề những điều kiện cần thiết để các bí tích được thành
sự. Không có lý do nào có thể chứng minh cho việc dùng một thức uống khác, dù
chúng là thế nào, vì không phải là một chất thể thành sự (BTCĐ 50).
3/ Chủ tế chỉ thêm
một chút nước vào trong chén rượu [được làm tự nhiên từ trái nho, và không bị hư chua], bởi vì bí tích không thể được cử hành nếu
như thêm quá nhiều nước đến nỗi phá hủy tính chất rượu (Bộ Giáo Luật, số 924). Theo nhiều tác giả, nước chiếm tới
1/3 rượu thì kể như là mất tính rượu.[16] Nước chiếm tới 1/2 rượu, không phải là kể
như mà chắc chắn không còn phải là rượu nữa. Trong trường hợp này, tốt nhất là
đừng tiến hành truyền phép, nếu không nói là sẽ truyền phép bất thành.[17] Trước khi truyền phép, chủ tế nhớ ra là mình
chưa pha nước vào rượu, nên pha xong mới truyền phép. Nếu truyền phép xong mới
nhớ ra thì thôi. Cũng nên nhớ rằng, pha nước vào rượu phải làm trong Thánh lễ.
Trong trường hợp sau khi truyền phép rượu mới biết chỉ toàn là nước, nên làm
theo chỉ dạy của QCSL số 324: “Nếu
sau truyền phép hay lúc rước lễ, linh mục mới thấy đó là nước chứ không phải rượu,
thì đổ nước đó vào một bình, rồi rót rượu có pha nước vào chén và đọc phần tường
thuật liên quan đến việc truyền phép chén rượu mà không buộc phải truyền phép
bánh một lần nữa.”[18]
IV/ MỤC VỤ
1) Nếu không có phó tế/linh mục đồng tế, người giúp lễ trao các bình rượu,
bình nước cho chủ tế. Ngài đứng phía cạnh bàn thờ [để đổ rượu và sau đó đổ chút
nước vào trong chén] chứ không đứng ở giữa bàn thờ vì vị trí này vốn chỉ dành
cho những hành động quan trọng và trực tiếp liên quan đến hành vi hiến dâng hy
tế lên Thiên Chúa.[19]
2) Nếu có phó tế/linh mục đồng tế, việc chuẩn bị chén thánh và pha chút nước
do phó tế/linh mục đồng tế thực hiện, sau đó trao chén thánh cho chủ tế. Phó tế
cũng có thể chuẩn bị chén thánh và pha chút nước vào chén rượu tại bàn thờ phụ
rồi mang lên cho chủ tế tại bàn thờ (x. QCSL 73, 178).[20]
3) Trong trường hợp phải sử dụng nhiều chén rượu (x. QCSL 207), tốt nhất nên hòa nước vào rượu trước rồi mới
rót rượu vào từng chén;[21] bằng không thì chỉ cần thêm chút nước vào chén lễ chính (chén chủ tế) là đủ. Không cần thiết phải nhỏ
nước vào tất cả chén lễ đã sắp sẵn trên bàn thờ.[22] Lập
trường của Toà Thánh được tìm thấy trong bức thư của đức tổng giám mục J.
Augustino Di Noia, OP đề ngày 30/04/2012 (Prot. N. 1193/11/L), với vai trò là
Thư ký của Bộ Phụng tự Thánh và Kỷ luật Bí tích bấy giờ, ngài khẳng định quan
điểm của Bộ là chỉ cần đổ chút nước vào chén rượu được sử dụng bởi chủ tế là đủ
[theo đòi hỏi của Bộ Giáo Luật tại điều
924§1]. Tất nhiên, sẽ không bị coi là sự lạm dụng phụng vụ nếu đổ nước vào tất
cả các chén rượu khác (x. Committee
on Divine Worship, Newsletter, May-June 2012).[23]
IV/ SUY NIỆM
Lạy Chúa Giêsu, tính
hiếu kỳ của chúng con trỗi dậy trước thực hành lạ thường trong phần chuẩn bị lễ
vật khi linh mục chủ tế đổ vài giọt nước vào chén rượu. Phải chăng Chúa cũng đã
làm như thế trong Bữa tiệc ly? Nếu là loại rượu mới cất và Chúa phải uống đến bốn
chén rượu như là một phần của nghi thức, thì nước pha vào rượu hẳn sẽ làm giảm
đi độ cồn của rượu cho dễ uống. Có lẽ vì uống nhiều rượu mà các môn đệ của Chúa
hầu như buồn ngủ đến nỗi không thể mở mắt nổi đang khi Chúa đổ mồ hôi máu trong
vườn Giệtsimani.
Thói quen hoà nước với
rượu đã có từ rất xa xưa đến nỗi bây giờ ý nghĩa nguyên thuỷ của hành động này
cũng mất đi theo chiều dài của lịch sử. Lạy Chúa, chúng con sẽ phải làm gì đây?
Thánh giám mục Cypriano thành Carthage đã ghi chú khéo léo về ý nghĩa biểu tượng
trong nghi thức này: Chúa là rượu và chúng con là nước. Chúng con có thể suy rằng
khi nước và rượu hoà lẫn với nhau, chúng con cũng sẽ được liên kết chặt chẽ với
Chúa. Vì thế, chén rượu và nước biểu hiện cho sự kết hiệp thường xuyên giữa
chúng con và Chúa. Khi nhận ra ý nghĩa biểu tượng của chén là nỗi khổ đau,
chúng con liền bàng hoàng và thức tỉnh. Chúng con sẽ mãi kết hiệp với cuộc khổ
nạn và cái chết của Chúa. Đây là một gánh nặng nhưng cũng là một vinh dự cho
chúng con. Chúng con sẽ cùng với Chúa mà thưa lên với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha,
xin hãy cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con mà vâng theo ý Cha”.
Lạy Chúa, chúng con
hay biết rằng giám mục Cypriano đã khiển trách một phụ nữ giàu có vì bà không
dâng lễ vật gì khi tham dự Thánh lễ, lại còn dám ăn bánh dành cho người nghèo.
Những lời khó nghe của ngài không những thực sự khai lòng mở trí người ta mà
còn làm sáng tỏ sự thật về Thánh lễ. Đó là Thánh lễ của người nghèo, những người
đã hào phóng dâng tiến từ những của cải nghèo hèn của mình để giúp đỡ những người
có hoàn cảnh khó khăn hơn chính họ. Đức giáo hoàng Lêô đáng kính đã có một nhận
định sắc bén: “Nhiều người không có khả năng cho đi nhiều như người khác nhưng
tình yêu bên trong trái tim họ lại không thua kém bất kỳ ai”.
Thực hành này vẫn đang tiếp tục diễn ra ở các giáo xứ giàu có nhất cũng như nghèo khó nhất. Rượu và nước hoà lẫn với nhau nói lên rằng Hội Thánh luôn là Hội Thánh của người nghèo; Hội Thánh luôn xác quyết rằng Hội Thánh không chỉ ra sức làm việc vì lợi ích của người nghèo mà cũng là một Hội Thánh nghèo. Chúng con khám phá ra rằng sự hoà lẫn nước và rượu chính là dấu chỉ diễn tả một lối sống của Tin Mừng, một lối sống trái ngược với thế gian: khó nghèo là một nhân đức gắn liền với thừa tác viên của Chúa, họ được sai đi để phục vụ người nghèo vốn bị vướng bận bởi nhiều gánh nặng của cơm áo gạo tiền. Rượu và nước hoà lẫn với nhau là một lời nhắc nhớ kịp thời cho chúng con rằng sống giữa thế gian giàu có và hào nhoáng thì thừa tác viên của Chúa phải sống trong sự đơn nghèo. Amen.
[1] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and
Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 38.
[2] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order
of the Mass (Washington DC: FDLC,
NE, 2003), 67; A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 54.
[3] Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith, trans.
Robert C. Schultz (Collegeville: A Pueblo Book/The Liturgical Press, 1994), 59.
[4] Justin, First
Apology 67. Trích lại trong Paul
Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago:
Liturgy Training Publications, 2011), 54.
[5] X. Jean Yves Garneau,SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 101;
Paul Turner, At the Supper of the Lamb,54.
[9] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997),164.
[10] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and
Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press,
1976), 191; Lawrence J. Johnson, The
Mystery of Faith, 67; Edward Sri, A
Biblical Walk through the Mass (Pennsylvania: Ascension Press, 2011), 89.
[11] X. Robert
Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans.
Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 162.
[13] X. Luther’s Works, vol. 53, Liturgy
and Hymns, ed. Ulrich s. Leupold (1965, 1973, Fortress Press,
Philadelphia), 26-27.
[16] X. St. Anphonsus, Theologia Moralis, t. III, lib. VI, no. 210; Nicholas Halligan, The Sacraments and Their Celebration
(New York: Alba House, 1986), 67.
[18] X. Thomas
Pazhayampallil, SDB, Pastoral Guide: Moral - Canonical - Liturgical, vol.
II (KJC Publications, 1984), 98.
[19] DeGrocco, A
Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011),
no. 142.
[20] Catholic Bishops’ Conference of England and
Wales, Celebrating the Mass (London:
Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 182.
[22] X. McNamara, “Water and Multiple Chalices” (18 June
2013), https://www.scribd.com/document/158365992/CBCP-Monitor-Vol-17-No-13
[23] Nhiều vị chủ tế muốn nhỏ nước trong tất cả các
chén lễ, cùng với rượu, ngõ hầu mọi người rước lễ có thể rước lễ từ rượu đã được
pha với nước theo truyền thống Giáo Hội cổ xưa.