WHĐ (16.01.2024)
- Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành
mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy
ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục
Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
I/ VĂN KIỆN
- Bài đọc Tin Mừng là đỉnh cao của phụng vụ lời
Chúa. Chính Phụng vụ dạy ta phải hết lòng tôn kính bài đọc này, vì Phụng vụ
dành cho bài Tin Mừng sự tôn kính đặc biệt hơn các bài đọc khác: về phía thừa
tác viên được đề cử để đọc thì phải dọn mình nhờ lời chúc lành hay lời cầu nguyện;
về phía các tín hữu, thì phải tung hô để nhìn nhận và tuyên xưng Đức Kitô đang
hiện diện và nói với họ; họ đứng để nghe Tin Mừng; ngoài ra còn có những dấu chỉ
tôn kính đặc biệt dành riêng cho Sách Tin Mừng (QCSL 60).
- Tại giảng đài, linh mục mở sách rồi chắp tay
đọc: Chúa ở cùng anh chị em. Cộng đoàn đáp: Và ở cùng cha. Linh mục đọc tiếp:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô..., đưa ngón tay cái làm dấu trên sách và trên mình,
nơi trán, miệng và ngực, mọi người khác cũng làm như vậy. Cộng đoàn tung hô: Lạy
Chúa Kitô, vinh danh Chúa. Linh mục xông hương sách Tin Mừng, nếu có xông hương
(x. số 277-278). Đoạn linh mục công bố Tin Mừng, và đến cuối, xướng câu tung
hô: Đó là lời Chúa. Mọi người đáp: Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa. Linh mục hôn
sách, đọc thầm: Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con (QCSL 134).
II/ LỊCH SỬ
Từ những ngày đầu tiên, Hội Thánh đã nhấn mạnh tính ưu việt của Tin Mừng bằng
những dấu chỉ tôn kính xung quanh nghi lễ công bố Tin Mừng như:
(1) Người công bố: phải là một thừa
tác viên đặc biệt (phó tế hay linh mục) và phải chuẩn bị cho mình bằng một phép
lành hay một lời nguyện.[1] Vào thế kỷ IV, tại Constantinopoli,
Đức Giám mục công bố Tin Mừng trong lễ Phục sinh; tại Alexandria, Phúc Âm được
công bố bởi một tổng phó tế; còn trong nhiều thánh đường khác, bởi một phó tế
hay một linh mục.[2]
(2) Cuộc rước: Sách Tin Mừng được
tôn kính như chính Chúa Kitô và hơn tất cả những cuốn sách phụng vụ khác vì trực
tiếp đề cập đến lời nói và hành động của Ngài. Bởi vậy, ngay từ thời cổ, trong
cả nghi điển Đông phương lẫn Tây phương, đã có cuộc rước Sách Tin Mừng trọng thể
đến giảng đài vào dịp lễ Lá như rước Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Đến
thế kỷ X-XI, cuộc rước này vẫn quan trọng, thậm chí được thực hiện trong các
Thánh lễ tư riêng, Sách Phúc Âm có chứa cả Bài đọc khác được giúp lễ mang từ
“phía Thánh thư” sang “phía Tin Mừng.”[3]
(3) Tư thế đứng: từ đầu thế kỷ IV, tại Đông phương,
cộng đoàn ngồi khi nghe các Bài đọc khác, nhưng đứng khi nghe công bố Phúc Âm
nhằm tôn kính và tỉnh thức trước sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Bên Tây
phương cũng vậy, khi hát Phúc Âm, tất cả dân chúng đứng lên để lắng nghe.[4]
(4) Làm dấu thánh giá trên sách, trán, miệng và ngực (từ
thời Trung cổ) diễn tả người nghe sẵn sàng mở rộng tâm trí trước Lời Chúa,
tuyên xưng Lời ngoài miệng và bảo toàn Lời trong tâm trí;
(5) Hôn kính: theo sách Ordo Romanus I, từ thế kỷ VIII, tại Rôma, một số thừa tác viên hôn
Sách Tin Mừng được giữ bởi một phụ phó tế sau khi nghe công bố. Về sau, đối tượng
hôn sách Tin Mừng được mở rộng ra cho tất cả giáo sĩ và thậm chí cho mọi người.[5] Thế kỷ XIII-XVIII, tập tục hôn kính
này nơi còn nơi mất.[6] Đến nay, cử điệu hôn Sách Tin Mừng
chỉ dành riêng cho những vị có chức thánh làm nhiệm vụ công bố Tin Mừng hay Đức
Giám mục chủ tế. Đang khi hôn, thừa tác viên công bố Tin Mừng đọc công thức: “Nhờ những Lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa
thanh tẩy tội lỗi chúng con.” Thực hành này xuất hiện khoảng năm 1000.[7]
(6) Tung hô: những câu tung hô hướng về Chúa
Kitô lúc khởi đầu và kết thúc công bố Tin Mừng xuất hiện vào thời Charles đại đế
(768-814), tức vua Charlemagne của nước Frank và vị hoàng
đế thứ II của vương triều Carolingian, người đã được Đức Lêô III trao vương miện.
(7) Xông hương: từ ban đầu, hương chỉ được
mang đi trong cuộc rước, đến thế kỷ XI
người ta mới xông hương sách Tin Mừng .[8]
Ngày nay, Nghi thức Thánh lễ vẫn giữ lại những dấu chỉ long trọng và tôn
kính thật đẹp như thế đối với Sách Tin Mừng.[9] Rõ ràng, những thực hành này cũng gần
như tương tự như dành cho bàn thờ: hôn kính, cúi chào, xông hương, rước kiệu với
đèn nến và giúp lễ...
Sách Ordo Romanus I (thế kỷ
VIII) cho biết, phó tế đến gần Đức Giám mục trước khi công bố Tin Mừng. Đức
Giám mục chỉ đơn giản nói với thầy phó tế: “Xin
Chúa ở trong tâm hồn và môi miệng thầy.” Cũng có bằng chứng là ngài ghi dấu
thánh giá trên phó tế nhưng dường như được phát triển sau này (Ordo Romanus I: 59). Trong Sách lễ 1474, đã thấy ghi những lời
nguyện cá nhân dành cho phó tế và linh mục đọc riêng ở những thời khắc quan trọng
trong Thánh lễ và cả những lời nguyện vào lúc công bố Tin Mừng. Thực hành như
hiện nay, nghĩa là phó tế đến xin vị chủ tế ban phép lành cho mình, hoặc linh mục
công bố Phúc Âm sẽ tự đọc lời nguyện riêng cho mình, đã có kể từ Sách lễ 1570.
Đến nay lời nguyện riêng này vẫn chưa thay đổi. Lời chào dân chúng: “Chúa ở cùng ...”, lời loan báo “Tin Mừng
Đức Giêsu Kitô theo...” và dấu thánh giá cũng xuất hiện kể từ Sách lễ
1570 và tồn tại đến nay.[10]
III/ Ý NGHĨA
Sách Tin Mừng được kính trọng
trong phần Phụng vụ Lời Chúa bằng những
nghi thức và cử điệu gần tương tự như dành cho bàn thờ và Thánh Thể. Làm như thế,
Hội Thánh tỏ bày sự tôn kính đối với Lời Chúa và niềm tin của Hội Thánh vào sự
hiện diện của Đức Kitô, Người đang nói với dân theo một cách thế đặc biệt trong
việc công bố những văn bản thánh trong phụng vụ.
Trước khi công bố Tin Mừng, linh mục/phó tế sẽ ngỏ lời chào truyền thống
(nói hay hát) đến dân chúng: “Chúa ở cùng anh chị em” (Nghi thức Thánh lễ [NTTL], số 15; Mục Lục Các Bài Đọc Trong
Thánh Lễ [BĐ], số 65) với đôi tay chắp lại (x. QCSL 134, 175) và dân chúng thưa “và ở
cùng cha (thầy).” Lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” ở đây là nhằm
chuẩn bị người nghe trước khoản khắc mới của việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Lời
chào và đáp lại này thể hiện sự trao tặng cho nhau món quà đức tin vào sự hiện
diện của Chúa Kitô mà Lời của Ngài sắp được nghe công bố.[11]
Lời mở đầu khi công bố Tin Mừng là: “Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh...” và dân chúng đáp lại: “Lạy Chúa vinh danh Chúa.” Khi công bố
xong, phó tế/linh mục sẽ xướng: “Đó là Lời
Chúa” và cộng đoàn đáp lại: “Lạy Chúa
Kitô ngợi khen Chúa” (NTTL 16; QCSL 134).
Tất cả những lời mở đầu và kết thúc như trên nhằm tôn vinh Chúa Kitô và tuyên
xưng niềm tin của đoàn dân vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong lời của
Ngài bởi vì Tin Mừng là sứ điệp của chính của Chúa Cha được truyền tải đến nhân
loại qua môi miệng của Con Ngài. Chúng ta không chỉ gặp gỡ Đức Giêsu trong một
tường thuật lịch sử mà còn cảm nhận chính mình đang được đi cùng với Ngài trên
những nẻo đường dương thế.[12] Lúc này, chúng ta không chỉ nghe về
Chúa Giêsu nhưng đang nghe chính Ngài nói trực tiếp với mình.[13] Những lời mở đầu và kết thúc đó cũng
nhằm xác nhận rằng lời được công bố là Lời của Thiên Chúa, không phải lời người
phàm, đồng thời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì đã mạc khải Lời Ngài cho nhân
loại.[14]
Sau khi thừa tác viên công bố Phúc Âm nói: “Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo thánh...”, thì “Ngài
làm dấu thánh giá trên sách, trên trán, môi và ngực” và “mọi người khác cũng làm như thế” (x. QCSL 134, 175;
NTTL 15; BĐ 17). Đây là một thực hành bất thành văn được phổ biến từ lâu đời,
mãi đến nay mới được Hội Thánh quy định bằng văn bản tại số 134 của QCSL
[2002]:
- Ý nghĩa của phần nhỏ bé này là xin Chúa ban ơn và chúc phúc cho thừa
tác viên đọc Tin Mừng (NTTL 14). Cử điệu này là sự nhắc nhở không lời cho những
thừa tác viên công bố Tin Mừng rằng, quả thực, đó chính là “Tin Mừng”, và trong
khi công bố bản văn này phó tế hay linh mục phải cung kính sứ điệp trong những
những gì ngài suy nghĩ (trí), trong những gì ngài nói (môi miệng) và trong trái
tim của ngài (ngực). Qua việc ghi dấu này, thừa tác viên cầu xin cho mầu nhiệm
Chúa chịu chết và sống lại được công bố trong lời Tin Mừng thấm nhập trọn vẹn
trong con người của ngài, bám rễ sâu trong trí khôn và tâm hồn của ngài; cho
trí tuệ của ngài được soi sáng để thông hiểu Lời Chúa và tâm hồn ngài được sưởi
ấm để đón nhận Tin Mừng; cho ngài can đảm để dùng môi miệng mà rao giảng giáo
lý của Chúa. Điều này gần tương tự như thái độ cần có của dân Israel mà Chúa đã
truyền dạy: “Những lời này tôi truyền cho
anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng (Đn 6,4-9).[15]
- Việc ghi dấu thánh giá trên trán cũng nhắc nhở chúng ta không nên đơn
giản chỉ biết về Tin Mừng nhưng phải biết Tin Mừng; cũng như biết về Đức Giêsu
Kitô thôi chưa đủ mà phải biết Đức Giêsu Kitô. Nếu Lời Chúa ở trong tâm trí, Lời
sẽ hướng dẫn chúng ta hành động và ban cho chúng ta một sự bình an đích thực.
Việc ghi dấu thánh giá trên môi nhắc nhớ chúng ta những lời của thánh Giacôbê
(Gc 3,6-10) và khuyến cáo chúng ta đừng bao giờ là chứng nhân giả trá của Chúa
Kitô bởi những lời chúng ta nói ra (Mt 5,22; Cl 3,8), trái lại “hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và
làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Việc ghi dấu thánh giá trên ngực mời gọi
chúng ta bắt chước Đức Mẹ Maria “hằng ghi
nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).[16] Cộng đoàn ghi dấu thánh giá còn với mục đích là cầu xin Thiên Chúa
chúc phúc cho tâm trí và trái tim, để có thể chấp nhận, ôm trọn sứ điệp Tin Mừng
được công bố bởi phó tế/linh mục, và đến phiên mình, tín hữu sẽ công bố sứ điệp
ấy qua đôi môi và đời sống.[17]
Cộng đoàn ngồi khi nghe đọc Sách Thánh (Bài đọc I + Thánh vịnh đáp ca +
Bài đọc II) như môn sinh ngồi nghe sư phụ dạy dỗ, nhưng như trên đã nói, mọi
người sẽ đứng lên và hòa nhập vào lời tung hô Alleluia
cũng như cuộc rước Sách Tin Mừng, rồi họ hướng về giảng đài để nghe công bố Tin Mừng. Tư thế đứng lúc này
đúng theo những gì nêu ra trong sách Nakhum (Nk 8,5). Tư thế đứng vừa tiếp nối thái độ cung kính mà các Kitô hữu đã tuân giữ
từ những thế kỷ đầu tiên (Constitutiones
Apostolicae II, 57),[18] vừa là dấu chỉ
tỏ lòng tôn trọng Sách Tin Mừng vì Tin
Mừng chứa đựng những lời của Đức Giêsu, là giáo huấn của chính Đức Giêsu, gợi
cho chúng ta nhớ về những biến cố và hành động trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Với Lời Chúa
tác động trên mình, chúng ta đứng như một cộng đoàn phục sinh để chào đón và lắng
nghe Đức Kitô Phục Sinh một cách vững vàng bằng chính đôi chân của mình cũng
như bước đi một cách can đảm và hân hoan hướng về vùng đất hứa, hướng về vương
quốc của Thiên Chúa trên thiên đàng.[19]
Công bố Tin Mừng xong, thừa tác viên xướng: “Đó là Lời Chúa”, cộng đoàn đáp lại: “Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa” [nhưng không
cúi đầu] (x. NTTL 16; QCSL 134, 175)
như diễn tả điều kỳ diệu của mầu nhiệm Nhập thể: Ngôi Lời đến cư ngụ giữa chúng
ta và chúng ta đang được gặp gỡ Lời sống động của Thiên Chúa nên cất tiếng ngợi
khen Ngài. Tiếp đó, thừa tác viên đọc
Phúc Âm hôn vào trang sách đang mở của cuốn Sách Bài đọc/Sách Tin Mừng. Đó là một
dấu hiệu cổ xưa để bày tỏ lòng kính trọng và yêu mến. Chạm môi miệng vào một đối
tượng nào có nghĩa là mong ước đưa tất cả đối tượng ấy vào trong tâm hồn mình,
hợp nhất mình với đối tượng mà mình trọng kính. Khi phối hợp việc hôn kính với
lời nguyện trong thinh lặng, hành động hôn kính Sách Bài đọc/Sách Phúc Âm này
chứng tỏ sự thánh thiện cũng như quyền năng của Lời Chúa vừa được công bố, nhờ
sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, sẽ lau sạch và đổi mới trái tim và cả cuộc
sống của tất cả những ai hấp thụ Lời Chúa trong tinh thần đức tin.[20]
Đang khi hôn Sách Tin Mừng, phó tế/linh mục hôn sách đọc thầm: “Nhờ những lời Tin Mừng
vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con” (NTTL 16; QCSL 134, 175; BĐ 17). Câu này quy chiếu đến lời trong sách
Ngôn sứ Isaia: “Một trong các thần Xê-ra-phim
bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn
thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến
môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6,1-9). Câu này cũng liên hệ đến đoạn
Tin Mừng theo thánh Gioan: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai
nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét
xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24).
Đây là một trong số nhiều lời nguyện
riêng để linh mục dâng lên trong Thánh lễ, vừa xin ơn tha thứ vừa nhằm diễn tả
quyền năng cứu độ của Lời Chúa (QCSL 33)[21] vì việc công bố Tin Mừng
không phải là một sự mô tả về ơn cứu độ nhưng là một biến cố cứu độ ở đây và
bây giờ cho chúng ta; chúng ta đang trải nghiệm ơn cứu độ ấy mỗi khi lắng
nghe/công bố Tin Mừng trong Thánh lễ.[22]
IV/
ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ
1) Công bố Tin Mừng thuộc nhiệm vụ của người có chức thánh, nhưng phải theo
thứ tự ưu tiên sau: phó tế – vị đồng tế – chủ tế; nếu phó tế không hiện diện, một
linh mục đồng tế mới công bố Tin Mừng; chỉ trong trường hợp vắng mặt cả phó tế lẫn linh mục đồng tế, chủ
tế mới đọc Tin Mừng
(x. QCSL 59, 94, 175; BTCĐ 63).
2) Khi linh mục/phó tế công bố Tin Mừng, (i) những người giúp lễ mang nến (nếu có)
đứng đối diện nhau ở hai bên giảng đài nhưng không được cản trở tầm nhìn của
dân chúng hướng về đây (x. QCSL 309);[23] (ii) người cầm bình hương (nếu có) đứng lui ra sau một chút bên phải của
linh mục/phó tế, có thể nhẹ nhàng đung đưa bình hương [qua bên trái và bên phải]
cho tỏa khói hương như dấu chỉ của lòng cung kính đối với Lời Chúa;[24] (iii) mọi người hướng về giảng đài để tỏ lòng đặc biệt tôn kính Tin Mừng
Chúa Kitô (x. QCSL 133, 29, 309; LNGM 74, 141).[25]
3) Mọi tín hữu phải kính cẩn lắng nghe các Bài đọc Lời Chúa vì thế không được chia vai khi đọc Tin Mừng [và các
Bài đọc Sách Thánh], cũng không được
cùng đọc Tin Mừng chung với thừa tác viên công bố Tin Mừng (x. Bộ Giáo Luật [BGL], số 762; Huấn thị Bí
tích Cứu độ [BTCĐ], số 63; QCSL 29, 59) trừ Bài Thương khó trong Tuần Thánh (x.
QCSL 109).[26]
4) Vào những dịp lễ trọng hay Chúa nhật,
có thể hát Bài Tin Mừng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của
Tin Mừng trong Thánh lễ. Tuy nhiên, việc ca hát phải làm nổi bật ý
nghĩa lời Chúa, đừng làm lu mờ những lời ấy” (BĐ 14). Nếu không hát chính Bài Tin Mừng, thì các lời
trước và sau Bài Tin Mừng [như “Chúa ở cùng anh chị em”, “Bài trích Phúc Âm
theo thánh…”, “Đó là Lời Chúa”] nên được hát. Đây là cách vừa làm
nổi bật tầm quan trọng của bài Tin Mừng vừa khơi động đức tin của
những người đang lắng nghe (x. QCSL
40; BĐ 17; MVTN 157-158).[27]
5) Linh mục/phó tế mở sách rồi chắp tay đọc: “Chúa ở cùng anh chị em” chứ không dang tay ra rồi chắp lại, bởi vì
hành động công bố Tin Mừng không thuộc về chức năng/vai trò của chủ tế mà là chức
năng của phó tế. Xét như nhân vật đứng đầu cộng đoàn, chủ tế thường chào cộng
đoàn với tay dang ra rồi chắp lại. Nhưng phó tế thi hành chức năng thừa tác của
mình trong Thánh lễ sẽ không được dang tay rồi khép tay lại khi chào như chủ tế. Bởi vậy lúc này, linh mục đồng tế/chủ
tế đang đảm nhận nhiệm vụ/chức năng công bố Tin Mừng của phó tế nên cũng không
dang tay và khép tay lại trong lời chào. Lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” ở
đây là nhằm chuẩn bị người nghe trước khoản khắc mới của việc gặp gỡ Chúa Phục
Sinh (x. NTTL 15; QCSL 59, 134, 175; LNGM 141; BĐ 65).[28]
6) Linh mục/phó tế xướng câu “Đó là Lời Chúa” (x. NTTL 16; QCSL 134, 175;
BĐ 17) nhưng không giơ cao Sách Thánh
lên, vì câu “Đó là Lời Chúa” trước tiên quy chiếu
đến bản văn vừa được công bố chứ không phải đến cuốn sách chứa đựng bản văn.[29] Việc giơ cao này là nhầm lẫn vì có
thể lôi kéo sự chú ý của các tín hữu vào đối tượng là cuốn sách chứ không vào Lời
vừa được công bố và như vậy sẽ gây tổn hại cho Lời Chúa được mọi người trong cộng
đoàn tiếp nhận vào tâm hồn họ.[30]
7) Trong những Thánh lễ long trọng (in
more solemn celebrations) do đức giám mục chủ sự, khi công bố Tin Mừng
xong, phó tế/linh mục đưa Sách Tin Mừng
cho đức giám mục hôn (LNGM 74, 141).
Ngài sẽ dùng Sách Tin Mừng này để ghi
dấu thánh giá ban phép lành cho dân
chúng (LNGM 175; Verbum Domini, các số 56&53).[31] Nếu không đưa Sách Tin Mừng cho đức giám mục hôn,
chính phó tế/linh mục vừa hôn sách vừa đọc thầm: “Nhờ những Lời Tin Mừng vừa đọc,
xin Chúa xóa tội chúng con” (x. NTTL 16; QCSL 134, 175; LNGM 74, 141). Sau đó,
Sách Tin Mừng được mang để ở bàn phụ hoặc một nơi nào khác thích hợp và xứng
đáng (x. QCSL 175; LNGM 141).[32]
8) Nếu trong tuần có ngày lễ đặc biệt (lễ trọng/lễ kính) thì phải công bố Bài Tin Mừng của ngày lễ đó thay thế cho Bài Tin Mừng trong tuần.[33] Tuy nhiên, để tín hữu có thể lắng nghe toàn vẹn Tin Mừng của tuần lễ đó theo cách thức “đọc liên tục” (lectio continua), nên công bố Bài Tin Mừng vốn không được đọc trong ngày lễ đặc biệt vào hôm trước hoặc là hôm sau của ngày lễ mừng bằng cách gộp đọc hai Bài Tin Mừng của hai ngày thành một.[34]
[1] PL 4:319, trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training
Publications, 2011), 35.
[2] PG 67:1477-1478, trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 35; x. Josef A. Jungmann, SJ, The Mass: A Historical, theological & Pastoral
Survey, trans. Julian Fernamdes
(Collegeville: The Liturgical Press,
1976), 176-77.
[3] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997),
146; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and
Development (Missarum Sollemnia), vol. 1, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 446.
[7] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order
of the Mass (Washington DC: FDLC,
NE, 2003), 41.
[12] Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith, trans.
Robert C. Schultz (Collegeville: A
Pueblo Book/The Liturgical Press,1994),
41-42.
[15] Vũ Thái Hòa, 40
câu hỏi về Thánh lễ, 27; Le
Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray:
C.L.D, 1992), 83-84.
[17] X. Edward McNamara, “Gestures at the Gospel” (26 Aug. 2014), acc. 04/11/2023, https://www.ewtn.com/catholicism/library/gestures-at-the-gospel-4735.
[19] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991),
69-70.
[20] John D. Laurance (ed.), The Sacrment of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 137.
[22] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman
Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004),
no. 263; Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 66-67.
[23] Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 340.
[24] X. André
Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe
à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la
pratique léguée du rit romain, 2nd
ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 104; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General
Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 134.
[26] X. ĐGH Biển Đức XVI, Sacramentum caritatis, số 53; Thánh Bộ Giáo sĩ và các Thánh Bộ khác
của Giáo triều; Huấn Thị Ecclesiae de
mysterio (15/08/1997): AAS 89
(1997), 852-877.
[27] X. McNamara, “Singing the Gospel” (16
April 2013 & 5 July 2013), https://www.ewtn.com/catholicism/library/singing-the-gospel-4675.
[28] X. McNamara,
“Deacons Praying with Extended Hands” (14 Feb. 2017), https://www.ewtn.com/catholicism/library/deacons-praying-with-extended-hands-4839; DeGrocco,
A Pastoral Commentary on the General
Instruction of the Roman Missal, no. 134; Turner, Let Us Pray, no. 345; Denis Gill, “Ars Celebrandi, Part 4: Handing Out Blessings Left and Right” (Oct. 25, 2018), https://adoremus.org/2018/10/ars-celebrandi-part-4-handing-out-blessings-left-and-right/.
[29] X. McNamara, “Words after the Gospel” (21
Oct. 2003), https://www.ewtn.com/catholicism/library/words-after-the-gospel-4971.
[31] X. Marco Benini, “The Blessing with the Book of the
Gospels: A Recent Adoption from the Byzantine to the Roman Rite,” trong Antiphon: A Journal for Liturgical Renewal,
volume 24, Number 1 (2020): 50-66.
[34] Irwin, Responses
to 101 Questions on the Mass,
58-59.