WHĐ (01.01.2024)
- Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành
mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy
ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục
Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
I/ VĂN
KIỆN
- Sau bài đọc
thứ nhất là Thánh vịnh đáp ca, bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ lời
Chúa và rất quan trọng về mặt phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm lời Chúa.
Thánh vịnh đáp ca phải thích hợp với mỗi bài đọc và thường phải lấy từ Sách Bài
đọc. Nên hát Thánh vịnh đáp ca, ít là câu đáp của cộng đoàn. Người xướng hoặc
hát Thánh vịnh sẽ xướng hoặc hát Thánh vịnh tại giảng đài hay tại một nơi thích
hợp, đang khi toàn thể cộng đoàn ngồi nghe và hơn thế, thông thường còn tham dự
bằng những câu đáp, trừ khi Thánh vịnh được hát liên tục, nghĩa là không có câu
đáp. Tuy nhiên, để cộng đoàn có thể hát những câu đáp dễ dàng hơn, một số bản
văn của các câu đáp và các Thánh vịnh đã được chọn sẵn cho từng mùa trong năm,
hoặc cho từng bậc thánh nhân, để mỗi khi hát Thánh vịnh, có thể dùng các bản
văn này thay cho bản văn tương ứng với bài đọc. Nếu không thể hát Thánh vịnh,
thì đọc cách nào cho phù hợp để giúp suy niệm lời Chúa. Thay thế cho Thánh vịnh
được chỉ định trong Sách bài đọc, cũng có thể hát ca tiến cấp lấy ở sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma hoặc
Thánh vịnh đáp ca, hoặc Thánh vịnh đáp ca và lời tung hô Alleluia lấy ở sách Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ
Rôma, như được trình bày trong các sách đó (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 61).
- Đoạn người đọc Thánh vịnh hoặc chính thầy đọc
sách/độc viên xướng các câu Thánh vịnh; cộng đoàn đáp theo thường lệ (QCSL 129).
II/ LỊCH
SỬ
Nối tiếp thực hành của hội đường Do Thái, theo
truyền thống, các Kitô hữu hát Thánh vịnh hay một bài thánh ca Kinh Thánh sau
Bài đọc I. Ca khúc này thoạt tiên được gọi là đáp ca (resporum/resonporium).
Trong Graduale Romanum (Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma),
nó mang tên là Gradulae nghĩa là Ca khúc trên bậc hay Bài ca tiến cấp vì ở Rôma thời cổ, một
ca viên hay thầy phụ phó tế tiến đến giảng đài, đứng ở bậc thấp hơn của giảng
đài và bắt đầu hát; thời Trung cổ, người xướng không đứng tại giảng đài, nhưng
tại bậc tam cấp của cung thánh mà hát.[1]
Trước thời kỳ bình yên của Hội Thánh (năm
313), có rất ít bằng chứng về việc sử dụng Thánh vịnh làm lời đáp đối với Bài đọc
Sách Thánh. Vào thế kỷ III, Tertulianô đã viết: “Trước tiên, chúng tôi nghe đọc một đoạn sách các tông đồ, rồi hát một
Thánh vịnh, và cuối cùng nghe đọc bài Tin Mừng
về 10 người phong cùi..” Thánh Augustinô (thế kỷ IV) cũng
thường nói đến những Thánh vịnh đáp ca: “Thánh
vịnh mà chúng tôi nghe hát và chúng tôi hát câu đáp, thì vắn.”[2]
Dưới thời Đức Celestine I (422-432), ngài quyết định đưa 150 Thánh vịnh vào
Thánh lễ. Vì thế, trong thời của Đức Lêô
I (440- 461), người ta thường hát Thánh vịnh với sự tham gia đáp lại
của dân chúng bằng một câu điệp ca vắn gọn sau mỗi triệt của chính Thánh vịnh
đó. Đến thế kỷ VIII, sách Ordo Romanus I
đã mô tả rằng một thừa tác viên tiến đến giảng đài với cuốn Cantatorium (sách dùng cho nhạc đáp ca)
trong tay để xướng đáp ca và một thừa tác viên khác thì xướng Alleluia. Đáp ca
được thể hiện bởi một mình thừa tác viên, bằng không như Ordo Romanus V cho biết ca viên hát luân phiên với ca đoàn.[3]
Vào thời
Trung cổ, có hai điểm đặc biệt xảy ra: [i]
Ca tiến cấp mất đi ý nghĩa và bản chất đáp ca: từ một ca khúc để suy niệm và
đáp lại Lời Chúa vừa nghe, chúng trở thành một “phút giải lao” cho dân chúng.
Lý do là Thánh vịnh bị thu vắn lại chỉ còn một hai câu, người ta “trang mỹ hóa”
Thánh vịnh bằng những giai điệu phức tạp khó hát đến độ cần có ca sĩ chuyên
nghiệp mới hát nổi. Thế là hát Thánh vịnh thành việc riêng của ca đoàn, dân
chúng chỉ ngồi nghe ngâm nga hàng chục phút; [4]
[ii] Phát triển việc tư tế cử hành
Thánh Thể một mình cho nên chính ngài đọc luôn đáp ca. Sách lễ Rôma 1570 đã quy định thành luật rằng linh mục đọc luôn tất
cả Thánh thư, ca tiến cấp (đáp ca), Alleluia hay Tractus và ca tiếp liên. Trong
Thánh lễ trọng, tư tế đọc ca tiến cấp và Alleluia hay tractus nhưng những phần
này cũng được ca đoàn hát. Cuối cùng, mẫu của bản văn ca tiến cấp được cố định
thành một lời đáp, là một đoạn văn trích từ một Thánh vịnh và đáp ca được lặp
đi lặp lại sau mỗi triệt của Thánh vịnh.[5]
Hiện nay, Thánh vịnh đáp ca được phục hồi trở
lại vị trí quan trọng đặc biệt trong Phụng vụ Lời Chúa. QCSL 61 xác định Thánh
vịnh đáp ca “có tầm quan trọng lớn về phụng
vụ và mục vụ” vì giúp tín hữu suy niệm Lời Chúa và người xướng Thánh vịnh
có một vai trò đặc biệt khi đọc/ngâm vịnh hay hát Thánh vịnh (QCSL 129).[6]
Dựa theo những chỉ dẫn của Hội Thánh, hiện nay
có hai thể thức được phép để hát Thánh vịnh đáp ca. [i] Thể thức xướng đáp:
người xướng Thánh vịnh hay lĩnh xướng viên hát những lời Thánh vịnh, toàn thể
dân chúng đáp lại bằng việc hát câu đáp ca; [ii] Thể thức trực tiếp:
toàn bộ bài Thánh vịnh được hát liên tục (không có câu đáp ca) bởi người xướng
Thánh vịnh hay lĩnh xướng viên (hát solo), mọi người thinh lặng lắng nghe; hoặc
bởi toàn thể cộng đoàn hát chung với nhau (QCSL 61; BĐ 20). Tuy nhiên, giữa hai
thể thức này, nên ưu tiên chọn hát Thánh vịnh đáp ca theo thể thức đối đáp giữa người xướng Thánh vịnh hay lĩnh xướng viên với
toàn thể dân chúng bởi vì đáp ca thuộc về cộng đoàn hơn là được phân bổ cho ca
đoàn hay một nhóm khác (QCSL 61; BĐ 20; CHTL 162).[7]
III/ Ý
NGHĨA
Sau khi lắng nghe Lời Chúa qua Bài đọc I, dân
chúng sẽ đáp lại bằng việc hát hay đọc Thánh vịnh đáp ca cũng như Dân Chúa xưa
kia khi thấy những việc kỳ diệu Chúa đã làm, họ đáp lại bằng những lời chúc tụng
ngợi khen Ngài. Chẳng hạn khi Thiên Chúa dẫn đưa dân Ngài qua Biển Đỏ, Myriam
đã đáp lại bằng việc tán tụng Chúa vì đã xô đẩy chiến mã cùng kỵ binh của
Pharaon xuống lòng biển (x. Xh 15 -21); khi Thiên Chúa cho bà Anna một mụn con,
nghĩa là giải thoát bà khỏi nỗi tủi nhục hiếm muộn con cái, bà cũng đáp lại bằng
lời ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã làm cho phụ nữ son sẻ sinh con bảy lần (1Sm
2,5); khi Thiên Chúa giải thoát Tôbia khỏi đui mù, ông cũng đáp lại bằng lời ca
khen Đấng đã tỏa sáng trên Giêrusalem và nơi tâm hồn ông (x. Tb 13,11); Điều
này được thấy rõ ràng hơn trong Tân Ước, khi Thiên Chúa làm cho Đức Mẹ thụ thai
mà vẫn còn khiết trinh, Mẹ đã cất lời hoan ca nhảy mừng trong Thiên Chúa là “Đấng
Cứu Độ tôi” (Lc 1,45-55).
Hội Thánh đã dùng Thánh vịnh để diễn tả cùng một
tâm tình như thế để đáp lại tình thương của Thiên Chúa, nhằm dâng lên Ngài lời
ca khen chúc tụng, vì trước hết, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Bộ Thánh vịnh
chính là sách nguyện của Hội Thánh. Các Thánh vịnh là những lời nguyện được cả
dân Israel và Hội Thánh Kitô giáo hát lên. Như vậy, ý nghĩa thật rõ ràng: Thánh
vịnh giúp cộng đoàn hiểu ý nghĩa Bài đọc Thánh Kinh hơn, nhất là tạo ra nơi tâm
hồn tín hữu một tâm tình đáp lại Lời Chúa, vì Thiên Chúa vừa mới nói với chúng
ta qua bản văn Bài đọc.[8]
Rất thường xuyên, Bài đọc I và Thánh vịnh đáp
ca đan kết với nhau. Chúng có mối liên hệ với nhau xét về bản văn hay về ý
nghĩa thiêng liêng. Vì thế, đáp ca còn được coi là “âm vang” của Bài đọc I.[9]
Tuy nhiên, trong tiếng La-tinh, bài đáp
ca được gọi là responsorium,
không chỉ hiểu là đáp lại Lời Chúa, nhưng còn muốn nói đến thể văn xướng - đáp
giữa ca viên với cộng đoàn nữa.[10]
Chức năng đầu tiên của Thánh vịnh đáp ca là
cung cấp “khoảng không gian” nào đó cho cộng đoàn, để họ cá nhân hóa Lời Chúa vừa
được công bố vì Thánh vịnh đáp ca thường vang vọng chủ đề của chính bài Sách
Thánh, nhất là được tóm tắt trong lời đáp ca/điệp ca mà cộng đoàn lập lại vài lần.[11]
Bởi lẽ Thánh vịnh đáp ca tóm tắt ý tưởng của Lời Chúa trong Phụng vụ Lời Chúa,
hay nói cách khác là chìa khóa mở ra cánh cửa ý nghĩa của Phụng vụ Lời Chúa,
cho nên Thánh vịnh đáp ca là con đường dẫn đến chỗ hiểu được toàn bộ Phụng vụ Lời
Chúa. Bởi thế, người xướng Thánh vịnh nên đọc và nghiền ngẫm trước Thánh lễ
toàn bộ các Bài đọc của Thánh lễ.[12]
Câu điệp ca giải thích ý nghĩa Kitô giáo của
Thánh vịnh. Thông thường, câu này được rút ra từ chính Thánh vịnh đáp ca nhưng
đôi khi lại được lấy từ một Thánh vịnh khác, hay từ một sách Cựu Ước hoặc Tân Ước.
Nhờ câu điệp ca, cộng đoàn bắt đầu đáp lại Lời Chúa, họ sẽ sử dụng chính Lời
Chúa để suy niệm và hấp thụ Lời Chúa vì Thánh vịnh đáp ca không chỉ liên quan đến
Lời Chúa mà còn là chính Lời Chúa được linh hứng bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần
(QCSL 61; CHTL 161). Câu điệp ca còn giúp mở đầu cuộc đối thoại cho các phần
sau của Phụng vụ Lời Chúa cũng như trong phần Phụng vụ Thánh Thể tiếp theo.[13]
IV/ ĐỀ
NGHỊ MỤC VỤ
1) Dù có thể đọc hoặc hát Thánh vịnh đáp ca,
nhưng các Thánh vịnh đã được dệt nhạc để hát, tức do bản chất, Thánh vịnh phải
được hát lên. Vậy hát Thánh vịnh đáp ca là chọn lựa tốt nhất hơn là đọc/ngâm tụng
(x. QCSL 61; NTTL 11; BĐ 20). Thánh vịnh được hát lên sẽ tạo ra một sự đổi
thay, tức là hát chứ không phải là đọc bản văn như áp dụng cho Bài đọc (I/II)
trước và sau Thánh vịnh. Đọc Thánh vịnh đáp ca chỉ như “đọc” là cách thức bất đắc
dĩ khi không còn phương cách nào khác. Rất may, hầu như tín hữu Việt Nam nếu
không hát thì “ngâm tụng” Thánh vịnh đáp ca [như khi đọc kinh bổn].[14]
Cách “đọc mà như hát” này cũng thuận lợi cho việc suy niệm của cộng đoàn (BĐ
22).[15]
2) Nhằm giúp cho cộng đoàn hát Thánh vịnh dễ
dàng, tránh gặp khó khăn khi phải hát những đáp ca mới mỗi tuần: “Một số bản văn đáp ca và Thánh vịnh đã được
lựa chọn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng loại thánh nhân, để mỗi khi hát
Thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn hợp với Bài đọc liên hệ”
(QCSL 61; MVTN 145):
a) Mùa Vọng: Lạy Chúa, xin ngự đến để giải thoát chúng
con;
b) Mùa Giáng sinh:
Lạy Chúa, hôm nay chúng con được chiêm
ngưỡng vinh quang Ngài;
c) Mùa Chay: Lạy Chúa, xin nhớ lại lòng trung tín và nhân
hậu của Ngài.
d) Mùa Phục sinh:
Alleluia (hát hai hoặc ba lần).
e) Mùa Thường niên:
(i) Thánh vịnh ca ngợi: Hãy ca tụng Chúa
vì Người nhân hậu/ Lạy Chúa, chúng con ca ngợi Chúa, vì những kỳ công Ngài đã
thực hiện/ Hát lên mừng Chúa một bài ca mới. (ii) Thánh vịnh cầu xin: Chúa ở gần những ai kêu cầu Chúa/ Lạy Chúa,
xin nhận lời chúng con và cứu độ chúng con/ Chúa là Đấng nhân hậu từ bi.
Như vậy, cộng đoàn có thể hát điệp khúc/đáp ca
theo mùa phụng vụ, còn lĩnh xướng viên hát Thánh vịnh theo ngày.[16]
3) Người xướng hoặc hát Thánh vịnh có thể xướng
hoặc hát Thánh vịnh tại giảng đài hay tại một nơi thích hợp. Thế nhưng tốt nhất,
nên thể hiện Thánh vịnh đáp ca tại giảng đài (x. QCSL 61; MVTN 145; BĐ 22),[17]
vì không những Thánh vịnh là Lời Chúa mà còn nhằm phân biệt việc hát Thánh vịnh
khác với những phần hát khác trong Thánh lễ.[18]
4) Dù có hai cách hát Thánh vịnh đáp ca là (i)
cách hát đối đáp và (ii) cách hát trực tiếp, nhưng nên ưu tiên cho cách đối
đáp, nghĩa là một người hát các câu Thánh vịnh, còn toàn thể cộng đoàn tham gia
bằng hát câu đáp (x. QCSL 61; BĐ 20; MVTN 145). Các tài liệu phụng vụ không bao
giờ đề cập đến việc chỉ riêng ca đoàn hát Thánh vịnh đáp ca.[19]
5) Nên có khoảng thinh lặng từ sau Bài đọc I đến
lúc hát/đọc Thánh vịnh, khoảng chừng 15-30 giây là đủ (x. (QCSL 45, 56, 128; BĐ
28). Sự thinh lặng sau khi lắng nghe Bài đọc I/ Bài đọc II, như QCSL 45 đề nghị,
có chức năng giúp cho các tín hữu đón nhận được “âm thanh trọn vẹn từ tiếng nói
của Thánh Linh” và hợp nhất kinh nguyện cá nhân của họ “một cách gần gũi hơn với
Lời Chúa và tiếng nói công khai của Hội Thánh.”[20]
6) Thánh vịnh đối đáp là thành phần của Phụng
vụ Lời Chúa, do đó, không thể lấy một bài hát “không Thánh Kinh” / bài ca “suy
niệm” thay thế cho Thánh vịnh đáp ca hoặc xem như tương đương với Thánh vịnh
đáp ca (thánh ca Cựu ước và Tân ước) đã được ghi trong Sách Bài đọc (x. QCSL 57, 61; BĐ 89; MVTN 146).
7) Khi tiến vào cung thánh đến chỗ giảng đài để
hát/ngâm tụng Thánh vịnh đáp ca, cũng như sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ để trở
về chỗ của mình, người xướng hát/ngâm tụng nhớ cúi chào bàn thờ [và vị chủ tế]
(x. LNGM 72).
V/ SUY
NIỆM
Lạy Chúa Giêsu, mùi thơm của Lời Chúa vẫn tiếp
tục tỏa hương qua những vần thơ của Thánh vịnh. Sau Bài đọc thứ nhất, chúng con
cần ngưng nghỉ trong thinh lặng để ấp ủ, suy đi nghĩ lại trong lòng về hành động
quyền năng và những lời của Chúa. Những Bài đọc từ Cựu Ước hướng chúng con đến
với biến cố Chúa đến với nhân loại trong thân xác phàm nhân. Cựu Ước báo trước
giao ước mới sẽ được thiết lập bằng máu của Chúa. Qua những vần thơ của Thánh vịnh,
chúng con ngắm nhìn sự mênh mông của vũ trụ. Lòng chúng con được đổ đầy những
điều kỳ diệu vốn nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã quy tụ
dân Itraen thành một dân thánh. Và chúng con cũng được ngập tràn những tư tưởng
về sự viên mãn của thời gian, sau khi Chúa đến để thi hành kế hoạch của Chúa
Cha, chúng con đã được ban cho ân huệ ưu tiên là được kể vào số những người
Chúa chọn.
Chúa đã nói rằng mọi điều đã được viết về Chúa
trong sách luật Môsê, trong sách các ngôn sứ và trong các Thánh vịnh phải được
hoàn tất. Chúa đã muốn chúng con nhìn thấy bức linh họa về Chúa trong thi ca của
Thánh vịnh. Chúa muốn chúng con ca hát ngợi khen công trình trác tuyệt Chúa đã
hoàn thành trong sự tuân phục thánh ý Chúa Cha. Khi cất lên Thánh vịnh, chúng
con nhận ra tiếng nói của Chúa đang thưa lên với Chúa Cha để ngợi khen và cảm tạ
công trình tạo dựng và cứu độ của Người.
Thánh giám mục Ambrosio đã giải thích rất mê
ly mầu nhiệm này: “Trong các Thánh vịnh, không chỉ Chúa Giêsu được sinh ra cho
chúng con, Chúa cũng trải qua cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ trong thân xác của
Người, Người đã chịu chết và đã trỗi dậy, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”. Lạy
Chúa, điều các tác giả Thánh vịnh nhìn thấy trước thì đã được công bố sau này
trong Phúc Âm.
Lạy Chúa, khi chúng con hát Thánh vịnh, xin nhắc
nhớ chúng con hát không phải nhân danh chúng con nhưng nhân danh Chúa và Hội
thánh. Xin phù trợ chúng con để chúng con quên đi những mối quan tâm và hy vọng
của cá nhân mình mà quy thuận theo khát vọng của Chúa để rồi thích ứng những
tâm tư tình cảm chất chứa trong các Thánh vịnh thành tâm tư tình cảm của chúng
con.
Xin để cho những tâm tư tình cảm trong các Thánh vịnh lắng đọng trong chúng con. Vị tông đồ Phaolô khuyên chúng con “hãy vui với người vui và buồn khóc với ai sầu khổ”. Lạy Chúa, trong thế giới và trong Hội thánh, có hàng triệu lý do khiến chúng con hân hoan hay buồn khóc. Xin ban cho chúng con ân sủng để hợp nhất với những anh chị em đang hạnh phúc hay than khóc sầu buồn. Khi cất lên Thánh vịnh ngợi khen, xin làm lòng chúng con đầy tràn cảm nhận về niềm hạnh phúc vui tươi của người khác, thậm chí đang lúc tâm hồn chúng con u buồn tê tái. Khi hát lên Thánh vịnh than vãn, xin để chúng con cảm nhận sự buồn sầu ít là trong lòng, gạt khỏi chúng con trạng thái phấn khởi hân hoan khi chúng con phải đối diện với những cảnh ngộ đau buồn của những anh chị em khác. Lạy Chúa, qua các Thánh vịnh, xin dạy chúng con biết trở nên tất cả cho mọi người. Amen.
[1] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 67; Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh
Giuse, 2001), 56.
[2] CCL 40:1776, trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago:
Liturgy Training Publications, 2011), 29; X. Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành Mầu nhiệm Tạ ơn (Sài Gòn: Tủ
sách Đại Kết, 1996), 79-80.
[3] X. Michael Witczak, “History of the Latin
Text and Rite”, trong A Commentary on the
Order of Mass of the Roman Missal, ed. Foley Edward,164.
[4] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order
of the Mass (Washington DC: FDLC,
NE, 2003), 54; Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 67.
[6] Martin Connell - Sharon McMillan, “The
Different Forms of Celebrating Mass”, trong A
Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Foley Edward,
241.
[7] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville:
The Liturgical Press, 1997), 143.
[8] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St.
Paul Publications, 1991), 63.
[12] Trích lại trong Kathleen Harmon, The Ministry of Music (Collegeville: The
Liturgy Press, 2004), 48, 56.
[14] Cung “Đọc kinh” mà ta đã quen, thực ra khác hẳn
cách đọc sách, đọc báo, hay đọc tin trên đài (radio) vì có nhạc tính cao hơn
nhiều. Người ngoại quốc coi đó là cách tụng kinh, ngâm vịnh , là hát bình ca Việt
Nam.
[15] Catholic Bishops’ Conference of England and
Wales, Celebrating the Mass (London:
Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 161-162.
[17] Peter J. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press,
2004), no. 260.
[18] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral on the General
Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 42.
[19] Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville:
The Liturgical Press, 2012), no. 306.
[20] Foley, “The Structure of the Mass, Its
Elements and Its Parts”, trong A
Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, ed. Edward
Foley, et al. (Collegeville: The Liturgical Press, 2007), 133.