WHĐ (26.12.2023) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 12: BÀI ĐỌC I & BÀI ĐỌC II

I. VĂN KIỆN

- Dứt lời nguyện nhập lễ, mọi người ngồi. Linh mục có thể nói mấy lời rất vắn tắt, dẫn tín hữu vào phụng vụ lời Chúa. Thầy/người đọc sách tiến tới giảng đài đã có Sách Bài đọc đặt sẵn từ trước Thánh lễ, đọc bài thứ nhất, mọi người lắng nghe. Đến cuối, thầy/người đọc sách xướng lời tung hô: Đó là lời Chúa, mọi người đáp lại: Tạ ơn Chúa. Bấy giờ, có thể tùy nghi giữ thinh lặng giây lát, để mọi người suy gẫm những lời đã nghe (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 128).

- Sau đó, nếu có Bài đọc thứ hai trước bài Tin Mừng, thì độc viên cũng đọc tại giảng đài như trên, mọi người ngồi nghe và đến cuối thì đáp lời tung hô, như đã nói trên (x. số 128). Rồi, có thể tùy nghi giữ thinh lặng giây lát (QCSL 130).

II/ LỊCH SỬ

Trong hội đường Do Thái xưa, người ta vẫn lần lượt đọc các sách Luật cách liên tục từ phần này sang phần khác (lectio continua); còn các sách Ngôn sứ thì được đọc theo kiểu chọn lọc (lectio selecta). Cho đến nay, Hội Thánh vẫn thừa kế cách thức cử hành Lời Chúa như vậy.[1]

Thời Hội Thánh sơ khai, các sách Cựu Ước được công bố trong hội đường và ở những nơi khác nhau (nhà tư hay nghĩa trang) khi nổi nên chiến dịch bách hại Kitô giáo.[2] Ban đầu, các tín hữu đọc sách Luật và sách các Ngôn sứ, xen kẽ bằng những Thánh vịnh hay những bài Thánh ca Cựu Ước khác. Dần dần, Hội Thánh đã thêm vào những bài Tân Ước, đó là những Bút tích của các tông đồ (Cv 4,42; 2 Tm 2,2). Bài kết thúc luôn luôn là Tin Mừng, được coi như đỉnh cao tỏa sáng trên các Bài đọc khác, và nhờ ánh sáng này, những sự việc được nói đến trong các sách khác trở nên sáng tỏ. Điều này thật đúng với lời thánh Augustinô (354-430): “Tân Ước ẩn tàng trong Cựu Ước và Cựu Ước ẩn tàng trong Tân Ước” và cũng phù hợp với tư tưởng của thánh Irênê (130-200): “Những gì Môsê viết đều là những lời của Chúa Kitô.”[3]

Thật ra, không có sự đồng nhất giữa các gia đình phụng vụ về số lượng các Bài đọc được công bố trong mỗi Thánh lễ cũng như việc lựa chọn những đoạn Sách Thánh nào cho mỗi mùa phụng vụ hay mỗi Thánh lễ.[4] Tuy nhiên, các nghi điển phụng vụ lại có hai điểm đồng nhất này: [i] Trong Thánh lễ, chỉ được công bố những bản văn trích từ Sách Thánh;[5] [ii] Luôn phải có ít là hai Bài đọc, và Bài đọc sau cùng luôn phải là bài Tin Mừng.

Việc công bố hơn một Bài đọc Sách Thánh trước bài Tin Mừng đã được ghi nhận trong tài liệu Hiến chế các Tông đồ (năm 380). Lúc bấy giờ, dường như trong phần Phụng vụ Lời Chúa, hai Bài đọc trích từ Cựu Ước được công bố và theo sau là Thánh vịnh đáp ca. Tiếp đến, hai Bài đọc Tân Ước, rồi cuối cùng là bài Tin Mừng.[6]

Theo thánh Justinô, vào thế kỷ II, Hội Thánh thường đọc những bài trích từ sách các Ngôn sứ và từ các sách Hồi ký của các tông đồ (Tin Mừng). Tertulianô (thế kỷ II-III) cũng đề cập đến việc các Kitô hữu đọc các sách Kinh Thánh, Thánh vịnh (có thể đọc cả Hạnh các vị tuẫn đạo); thời gian cho phép chừng nào thì các Bài đọc này dài chừng ấy. Rồi khi độc viên ngừng, vị chủ tọa ban giáo huấn miệng, khuyến dụ tín hữu hãy noi gương bắt chước mà làm những việc tốt đẹp như mới được nghe. Sau cùng, cộng đoàn dâng lên Chúa những lời nguyện xin.[7]

Từ thế kỷ VI trở đi, đối với phụng vụ Rôma, chỉ hai Bài đọc được công bố trong Thánh lễ: Thánh thư và Tin Mừng. Từ thế kỷ XII, các nghi điển Tây phương bắt chước phụng vụ tại Rôma nên cũng chỉ có hai Bài đọc trong các Chúa nhật mùa Chay và mùa Phục sinh.

Sang thời kỳ Công đồng Trentô, do nhận thấy số các Bài đọc trong vòng một năm quá ít, một đề nghị đã được đưa ra: đó là đưa thêm 3 Bài đọc trích từ thư của thánh Phaolô và 3 bài Tin Mừng vào Thánh lễ các ngày trong tuần. Nhưng dự án này bất thành.[8] Vì vậy, Sách lễ Rôma 1570 vẫn chỉ còn chứa đựng những Bài đọc bị cắt tỉa và thiếu sức sống. Tình trạng này kéo dài cho tới thời gian canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II.

Một trong những đóng góp lớn nhất Công đồng Vaticanô II thực hiện trong lãnh vực phụng tự chính là thúc đẩy cho ‘bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra dồi dào hơn cho các tín hữu, mở ra cho họ những kho tàng Kinh Thánh phong phú hơn’ (Hiến chế Phụng vụ Thánh [PV], số 51). Vì vậy, sau Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã sớm cho tu chính và xuất bản cuốn “Mục lục Sách Bài đọc cho Thánh lễ” mới (Ordo Lectionum Missae) vào ngày 25/05/1969, trong đó Hội Thánh trở lại truyền thống xa xưa, tức là: [i]  Cho công bố ba Bài đọc vào các Thánh lễ Chúa nhật/lễ trọng thay vì chỉ hai bài; [ii] Công bố hai Bài đọc trong những lễ khác. Hội Thánh phân phối các Bài đọc và cho công bố các sách khác nhau trong bộ Kinh Thánh theo những cách thức sau: Cách thứ I là Lectio continua (Đọc liên tục): đọc liên tục từ quyển này đến quyển khác, từ chương này đến chương khác; Cách thứ II là Lectio semi - continua (Đọc bán liên tục): cũng đọc Sách Thánh theo thứ tự các quyển và chương nhưng có thể bỏ qua những câu, đoạn, chương không thích hợp; Cách thứ III là Lectio antologica: chọn lọc những đoạn thích hợp với đề tài của mùa phụng vụ hay ngày lễ.[9] 

Bài đọc II luôn trích từ bản văn Tân Ước và được công bố theo cách đọc liên tục (lectio continua). Đôi khi bản văn Tân Ước được chọn công bố theo cách bán liên tục (semi-lectio continua). Thông thường Hội Thánh chủ đích kết nối chủ đề giữa Tin bài Mừng và Bài đọc I, Bài đọc II thường không liên quan, vì nó tuân theo kiểu đọc bán liên tục riêng biệt. Tuy nhiên, cả 3 Bài đọc đều tham dự vào một mục đích chung là công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.[10]

III/ MỤC LỤC CÁC BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ, SÁCH BÀI ĐỌC & SÁCH TIN MỪNG

1/ Mục Lục Các Bài đọc Trong Thánh Lễ

Nhằm thực thi ý định và lệnh truyền của Công đồng Vaticanô II (PV 35, 51) cuốn “Mục lục Các Bài đọc Thánh lễ” [BĐ] (Ordo Lectionum Missae) cho nghi lễ Rôma đã được tu chính và xuất bản vào ngày 25/05/1969. Tiếp đến, ngày 21/01/1981, Hội Thánh cho công bố ấn bản mẫu thứ hai. Cuốn Ordo Lectionum Missae mới này hướng dẫn như sau:

(1) Liên quan đến ngày Chúa nhật và lễ trọng (BĐ 66-68)

(a) Các Bài đọc cho Chúa nhật được sắp xếp theo chu kỳ 3 năm (A-B-C) và được đọc theo hình thức bán liên tục (lectio semi - continua) hầu các tín hữu có thể nghe được những đoạn văn quan trọng nhất của Kinh Thánh (BĐ 58, 60). Tính chất đặc thù của mỗi năm dựa trên Sách Tin Mừng: Năm A dựa trên Tin Mừng  theo thánh Matthêu; Năm B, theo thánh Maccô, nhưng vì Tin Mừng  theo thánh Maccô quá ngắn, không đủ phân phối cho một năm, nên chương 6 của Tin Mừng  theo thánh Gioan sẽ được phân phối để đọc trong các Chúa nhật XVII- XXVI của năm B; Năm C, theo thánh Luca.

(b) Ba Bài đọc của các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay hay lễ trọng thường liên kết với nhau bởi vài tư tưởng chung. Còn trong các Chúa nhật Thường niên, chỉ có sự tương đồng ý tưởng giữa bài Cựu Ước và bài Tin Mừng.

(c) Trong các ngày lễ trọng cũng có ba Bài đọc: Cựu Ước, thư các tông đồ, Tin Mừng, trừ mùa Phục sinh cả ba bài đều lấy trong Tân Ước. Nhờ đó, chúng ta thấy rõ mối duy nhất của hai Giao Ước, của lịch sử cứu độ, mà trọng tâm là Chúa Kitô được kính nhớ trong mầu nhiệm Vượt qua của Người.

(2) Liên quan đến ngày thường trong tuần (BĐ 69)

(a) Khối “Riêng” (mùa Vọng, Giáng sinh, Chay và Phục sinh) gồm một chu kỳ với 2 Bài đọc: Bài đọc I (Cựu Ước hoặc Tân Ước) và bài Phúc Âm. Giữa 2 Bài đọc này, có sự tương đồng về chủ đề (hoà hợp ý nghĩa).

(b) Khối “Thường niên” gồm 2 Bài đọc (Bài đọc I + Tin Mừng). Bài đọc I được chia theo chu kỳ 2 năm và được sắp xếp theo nguyên tắc liên tục tương đối. Bài Tin Mừng dùng chung cho cả năm chẵn lẫn năm lẻ theo nguyên tắc liên tục tương đối, nhưng Bài đọc I thay đổi (theo năm chẵn và năm lẻ) và được trích hoặc từ Cựu Ước hoặc từ Tân Ước. Không có sự tương đồng về đề tài giữa 2 Bài đọc. 

2/ Sách Bài đọc

Cuốn “Mục lục Các Bài đọc Thánh lễ” (Ordo Lectionum Missae) định ra danh sách/mục lục tất cả các Bài đọc Kinh Thánh dùng trong cử hành thánh lễ nhằm cung cấp cho các tín hữu sự hiểu biết toàn bộ Lời Chúa, theo một lối giải thích phù hợp (BĐ 60). Chúng được sắp xếp theo thứ tự lịch phụng vụ với các trích dẫn nguồn [chứ không có bản văn Kinh Thánh]. Dựa vào “Mục lục Các Bài đọc Thánh lễ”, HĐGM sẽ sử dụng bản dịch/bản văn Kinh Thánh của HĐGM hay do HĐGM chọn để hình thành và xuất bản Sách Bài đọc (BGL 825#1; 838#2, 3) dùng cho thánh lễ. Vì số lượng các Bài đọc quá lớn, nên thường phải in Sách Bài đọc ra thành nhiều cuốn (BĐ 112-113). Khi cử hành phụng vụ, các sách phụng vụ, chẳng hạn như Sách Bài đọc cũng là dấu chỉ/biểu tượng cho những thực tại siêu nhiên, nên phải liệu sao cho chúng thật xứng đáng, trang nhã và đẹp mắt (PV 122; BĐ 35).

3/ Sách Tin Mừng

Trong khi Sách Bài đọc chứa đựng cả Bài đọc I, thánh vịnh đáp ca, Bài đọc II, tung hô Tin Mừng và bài Tin Mừng, thì Sách Tin Mừng chỉ chứa đựng những bài Tin Mừng. Ngoài khác biệt về nội dung, vì loan báo Tin Mừng luôn được coi là chóp đỉnh của phụng vụ Lời Chúa, cho nên truyền thống cả Đông lẫn Tây luôn dành cho Sách Tin Mừng một sự phân biệt nào đó với các Sách Bài đọc như được đóng cẩn thận và trang trí mỹ thuật đặc biệt hơn (BĐ 36). Đây chính là sách dùng trong cuộc rước nhập lễ (x. QCSL 172, 117, 120d), rước tung hô Tin Mừng (QCSL 133, 175), trao cho ứng viên phó tế trong lễ truyền chức phó tế, đặt và giữ trên đầu ứng viên giám mục trong lễ truyền chức giám mục.[11]

IV/ Ý NGHĨA  

Thiên Chúa mặc khải tiệm tiến trong lịch sử cứu độ. Các sách Cựu Ước (Luật, Lịch sử, Ngôn sứ và Giáo huấn) không phải chỉ viết riêng cho dân Israel, nhưng viết cho toàn thể nhân loại.[12] Bởi vậy, các Bài đọc Cựu Ước được chọn lọc để công bố trong Thánh lễ giúp tín hữu xác tín rằng chỉ có một Thiên Chúa đã và đang hoạt động trong cả thời kỳ Cựu Ước lẫn Tân Ước và Thiên Chúa của Israel cũng là Thiên Chúa của người Kitô hữu. Đọc và lắng nghe Lời Chúa trong Cựu Ước để tín hữu nhớ lấy những hành động của Thiên Chúa không bị chôn vùi trong quá khứ, để họ thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ của hai Giao Ước, giúp họ hợp nhất với dân của Cựu Ước như một dân của Chúa.[13]

Đọc và lắng nghe Lời Chúa trong Cựu Ước còn giúp tín hữu nhận ra cách tỏ tường tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua lịch sử được mặc khải qua các tổ phụ, các ngôn sứ và sau cùng là qua Đức Giêsu Kitô như thế nào (x. Dt 1,1-4). Thiên Chúa nói với dân của Người (cả Cựu Ước lẫn Tân Ước), để họ biết được kế hoạch tình yêu của Người mà thờ phượng, tôn vinh, tạ ơn và đền tội. Lời nói tối hậu của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu Kitô. Muốn hiểu được lời cuối cùng của Thiên Chúa, phải nghe những lời đầu tiên và đã qua của Người. Đó chính là nghe các Bài đọc Cựu Ước.[14]

Khi nghe đọc Bài đọc II, thường là thư các tông đồ, tín hữu được đón nhận trực tiếp lời giáo huấn của các tông đồ, chính các ngài truyền lại cho tín hữu giáo huấn của Đức Giêsu Kitô. Việc công bố thư các tông đồ trong phụng vụ soi sáng cho các tín hữu biết đón nhận ý Chúa và hướng dẫn Hội Thánh qua mọi thời đại vì thư các tông đồ cũng chính là Lời Chúa được mặc khải. Ngoài ra điều này còn chứng tỏ mãnh liệt rằng Hội Thánh của Chúa Kitô được xây dựng trên nền tảng các tông đồ.[15]

V/ ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

1) Chỉ sử dụng duy nhất một giảng đài trong nhà thờ để nói lên tính duy nhất của Lời Chúa cũng giống như chỉ có một bàn thờ nhằm biểu tỏ một Chúa Kitô và một Hy Lễ Tạ Ơn của Hội Thánh.  Tại giảng đài chỉ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục sinh. Cũng tại đó, có thể giảng và đọc lời nguyện chung, tức là lời nguyện tín hữu. Để giữ sự trang nghiêm của giảng đài, chỉ có thừa tác viên mới được bước lên đó (x. QCSL 309; BĐ 32-34; LNGM 51); đối với các phần việc khác như dẫn lễ/đánh nhịp/thông báo… thì sử dụng một cái bục/cái giá khác và chúng phải thật đơn giản hơn mọi mặt so với giảng đài, nghĩa là không nên làm giống hay trội hơn giảng đài.[16] 

2) Vì phẩm giá của Lời Chúa, không nên thay thế những Sách Bài đọc dùng trong các cử hành phụng vụ với những trợ giúp mục vụ khác, ví dụ, với những tờ in cho giáo dân chuẩn bị bài đọc hoặc sách dành cho việc suy niệm (BĐ 37).

3) Có thể đọc những lời dẫn trước các Bài đọc, đặc biệt là trước Bài đọc I/Bài đọc II. Lời dẫn phải được soạn kỹ trước và phải vắn tắt rõ ràng: không dài dòng hơn chính Bài đọc, bao gồm một hay hai ý tưởng liên quan đến buổi lễ là đủ (x. QCSL 105b). Lời dẫn phải giống như lời “khai vị” làm cho người tham dự thèm khát lắng nghe Lời Chúa sắp được công bố nhưng không phải là bài suy niệm, bài giảng hay bài huấn dụ (BĐ 15, 42; QCSL 31).[17]

4) Theo truyền thống và quy định phụng vụ, thừa tác viên đã lãnh tác vụ đọc sách phải được ưu tiên trước hết cho nhiệm vụ công bố hai Bài đọc trước Tin Mừng. Khi họ không hiện diện, các tín hữu khác với những điều kiện cần thiết như có khả năng và đoàn sủng để thi hành chức năng này cũng như được chuẩn bị kỹ càng được ủy thác làm độc viên Sách Thánh để đọc thay (x. QCSL 99, 101; BĐ 49, 51-52, 55; Paul VI, Ministeria quædam, August 15, 1972, § V).[18] Độc viên Sách Thánh thuộc về một đội/một nhóm chuyên đọc Sách Thánh của giáo xứ, chứ không phải bị chỉ định đột xuất.[19] Vì là người công bố và chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đồng tín hữu, cho nên ngoài thái độ cung kính và cách ăn vận, phục sức đứng đắn chỉnh tề, độc viên còn phải thấu hiểu Bài đọc và có khả năng truyền thông Lời Chúa.[20] Độc viên Sách Thánh không những cần chuẩn bị cho việc công bố mà còn phải chuẩn bị về mặt thiêng liêng trước Thánh lễ.[21]

5) Y phục cho thừa tác viên đọc Sách Thánh có thể là áo alba (trắng dài), tu phục của các dòng tu (đối với tu sĩ) hay thường phục xứng đáng được Hội Đồng Giám Mục chấp thuận cách hợp pháp nhằm mục đích vừa diễn tả chức vụ của thừa tác viên vừa diễn tả lòng tôn kính và trang trọng của nghi lễ thánh. Tại Việt Nam, HĐGM dạy rằng ngoài áo trắng dài chung cho các thừa tác viên phụng vụ, các thừa tác viên nam không chức thánh, có thể mặc âu phục với cà vạt hoặc áo dài khăn đóng; nữ có thể mặc áo dài thông thường hoặc áo dài với khăn vành truyền thống Việt Nam (x. Lễ Nghi Giám Mục [LNGM], số 65; QCSL 336, 335; BĐ 54).

6) Nếu ở vị trí gần/sát cung thánh, phải chờ cho chủ tế đọc xong lời nguyện nhập lễ và cộng đoàn đáp lại Amen, tức là sau khi đã kết thúc phần nghi thức đầu lễ, thừa tác viên/độc viên Sách Thánh mới di chuyển tiến đến giảng đài (x. NTTL 10; QCSL 32; LNGM 137) và công bố Lời Chúa ở đây chứ không ở bất kỳ nơi đâu khác (x. QCSL 58, 128, 130; BĐ 16, 33). Nếu ở vị trí xa cung thánh, thừa tác viên/độc viên Sách Thánh phải di chuyển sớm hơn đang khi cộng đoàn hát khúc cuối của kinh thương xót/kinh vinh danh và tạm đứng ngay trước cung thánh cho tới khi cộng đoàn đáp Amen thì mới tiến lên giảng đài. Chỉ khi quan sát thấy cả cộng đoàn đã ngồi yên trong thinh lặng chăm chú, độc viên mới bắt đầu công bố.[22]

7) Thừa tác viên công bố Bài đọc II không lên giảng đài trước khi bài Thánh vịnh đáp ca kết thúc (NTTL 12).

8) Thay vì đọc, độc viên Sách Thánh có thể hát Bài đọc, tuy nhiên phải hát sao cho không lấp lời, nhưng làm cho lời dễ nghe hơn, phải tôn trọng vần điệu và sự tinh túy của ngôn ngữ (BĐ 14).[23] Trong những dịp lễ đặc biệt/trọng thể, cho dù thừa tác viên không hát chính Bài đọc thì vẫn nên hát câu “Đó là Lời Chúa” khi kết thúc Bài đọc vì đây là hình thức thích hợp hơn đối với lời tung hô.[24] Độc viên hay thậm chí một người khác có thể hát câu “Đó là Lời Chúa” và cộng đoàn hát đáp lại “Tạ ơn Chúa”. Bằng cách này, cộng đoàn đang tụ họp tỏ lòng cung kính trong tinh thần đức tin và tâm tình tri ân đối với Lời Chúa vừa tiếp nhận (BĐ 18).

9) Khi lễ kính được nâng lên bậc lễ trọng thì thêm Bài đọc lấy từ phần Chung lễ các thánh (tử đạo, mục tử, đồng trinh…);[25] còn khi gặp lễ nhớ không có Bài đọc riêng thì đọc theo ngày trong tuần (x. QCSL 357; BĐ 70, 83-84). Khi lễ trọng và lễ kính rơi vào các ngày trong tuần, phải ưu tiên công bố những Bài đọc của lễ trọng và lễ kính.[26]

10) Khi công bố xong Bài đọc, độc viên nên dừng khoảng 15-30 giây trước khi loan báo “Đó là Lời Chúa”, và nên chờ cộng đoàn đáp lại “Tạ ơn Chúa” xong [nếu không ở lại đọc/hát Thánh vịnh đáp ca] như là dấu chỉ cộng đoàn lắng nghe và tán thành Lời Chúa được công bố,[27] thì thừa tác viên mới từ từ rời khỏi giảng đài, di chuyển về lại chỗ ngồi của mình (x. NTTL 10; QCSL 59, 128).[28]

11) Khi thừa tác viên đang công bố Lời Chúa, mọi người phải hướng về giảng đài và chăm chú lắng nghe (QCSL 309). Do đó, không cầm sách dò theo hay cùng đọc chung với nhau vì Thánh lễ không phải là lớp giáo lý và càng không phải là nơi tập đọc Sách Thánh.

12) Sự thinh lặng sau khi lắng nghe các Bài đọc I/II (x. QCSL 45, 56) có chức năng giúp cho các tín hữu đón nhận được “âm thanh trọn vẹn từ tiếng nói của Chúa Thánh Linh” và hợp nhất kinh nguyện cá nhân của họ “một cách gần gũi hơn với Lời Chúa và tiếng nói công khai của Hội Thánh.” [29]

VI/ SUY NIỆM

Lạy Chúa Giêsu, chúng con nghe thấy giọng đọc của độc viên Sách Thánh, nhưng thực ra chúng con đang lắng nghe chính lời của Chúa. Tiếng đọc của độc viên vang tới tai chúng con, và ước chi Lời Chúa chạm đến tâm trí chúng con. Ước gì lòng chúng con bừng cháy lên ngọn lửa mến yêu Lời Chúa như kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau, khi Chúa đồng hành và giải thích Sách Thánh cho họ.

Khi ngồi lắng nghe Bài đọc, đức tin của chúng con vẫn thường xuyên bị thử thách. Một vài điều có thể làm chúng con sao nhãng, mất tập trung vào Lời Chúa, đầu óc có lúc lang thang đây đó …. Lạy Chúa, xin giúp chúng con vượt qua những cản trở như thế. Xin nhắc cho chúng con biết khi Kinh Thánh được công bố thì Chúa đang nói với cộng đoàn phụng vụ; Chúa hiện diện trong Lời Chúa; Chúa vẫn đang công bố Tin Mừng thứ tha, yêu thương và bình an. Xin ban cho chúng con một đức tin sống động để cảm nhận sự hiện diện của Chúa khi Lời Chúa được vang lên từ những trang Kinh Thánh của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Lạy Chúa, Chúa là Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng con. Chúa đã trở về bên lòng Chúa Cha nhưng Chúa đã không bỏ rơi chúng con. Chúa ở ngay trong lời mà Hội thánh công bố từ Sách Thánh. Trong mỗi Thánh lễ, Lời Chúa cùng với Bánh sự sống như của ăn được đặt trên bàn tiệc của Hội thánh hầu nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin nói Lời Chúa cho chúng con. Xin để chúng con ăn Lời Chúa. Và để Lời Chúa đốt cháy trái tim chúng con bằng tình yêu của Chúa. Amen.




[1] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 157. 

[2] X. Heliodoro Lucatero, The Living Mass (Missouri: Liguori Publications, 2011), 12.

[3] X. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003), 33.

[4] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 54.

[5] X. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 55. 

[6] AC 2:57, 5-9, trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 30.

[7] X. Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), số 67; Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 54.

[8] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 158. 

[9] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu,157. 

[10] John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 134.

[11] x. Nghi Thức Phong Chức Phó Tế, Linh Mục và Giám Mục (Nxb. Đa Ngữ Vaticanô 1968), p. 28, số 24; p.58, số 21; p.85, số 24; p. 70, số 25; p. 110, số 25.

[12] Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa [MK], số 15.

[13] X. Charles E. Miller, The Celebration of the Eucharist (NY:  Alba House, 2010), 119.

[14] Nguyễn Cao Luật, Hãy Làm Việc Này, 72.  

[15] Ibid., 78.

[16] J. Gélineau, Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập I (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992), 323.

[17] X. J. Gélineau, Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992), 226; Nguyễn Thế Thủ, Giải Đáp Các Vấn Nạn Về Phụng Vụ, tập I (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2001), 159-160.

[18] X. Monique Brulin, “Các Dịch vụ và Thừa tác vụ trong Cộng đoàn,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb Đồng Nai, 1992), 80; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 93.

[19] X. Lucien Deiss, It’s the Lord’ Supper: The Eucharist of Christians (NY: HarperCollins Publishers, 1986), 126-127.

[20] Xc. “Giáo dân với các thừa tác vụ” trong Hợp Tuyển Thần Học số 34, Năm thứ XII (2002); Joseph Lionel, Speak O Lord (Bangalore: Asian Trading Corporation, 2006), 67-70.

[21] X. James A. Wallace, The Ministry of Lector (Collegeville: Liturgical Press, 2004), 27; Joseph Lionel, Speak O Lord (Bangalore: Asian Trading Corporation, 2006), 61-64.

[22] Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 281.

[23] X. Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), no. 160.

[24] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 128; Deiss, It’s the Lord’s Supper, 128.

[25] X. Edward McNamara, “Tìm Bài Đọc 3 cho lễ kính trở thành lễ trọng ở đâu?” (03/07/2018), dg. Nguyễn Ngọc Đa, https://gpquinhon.org/q/phung-vu/tim-bai-doc-3-cho-le-kinh-tro-thanh-le-trong-o-dau-1193.html

[26] Bộ Phụng Tự, Những Quy luật Tổng quát về Năm Phụng vụ và Lịch chung Rôma (1969), số 16c.

[27] X. Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 27.

[28] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 128.

[29] Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville:  The Liturgical Press, 2011), 133.