WHĐ (30.06.2024) - Đoạn văn Cv 2,42-47 được biết đến như là một trong 3 kết luận của sách Công vụ Tông đồ,[1] và là một bản tóm lược mô tả đời sống và sứ vụ của Giáo hội sơ khai.[2] Trong năm Giáo hội Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội, là một phần tử của Hội thánh, tôi muốn đọc lại bản văn này để suy tư về sự tham gia đầy năng động của các tín hữu trong Hội thánh thời sơ khai, hầu làm cho đời sống đức tin của mình thêm triển nở.
1. Tham gia như con đường hoán cải và triển nở đời sống đức tin của chính mình
Bản văn mở đầu với cụm từ “các tín hữu” (x. Cv 2,42), họ là những người mới hoán cải[3] đã nhận phép Rửa và được đầy tràn ân sủng của Thánh Thần (x. Cv 2,38.41). Việc giới thiệu đến phép Rửa cho thấy một điểm mốc khơi nguồn cho việc quy tụ những người tin này thành một cộng đoàn có nhiều cái chung: nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông, làm lễ bẻ bánh và cầu nguyện.[4] Thái độ sám hối “đau đớn trong lòng” và câu hỏi “chúng tôi phải làm gì” đã giúp họ đón nhận phép Rửa, nay tiếp tục thúc đẩy họ tham gia và xây dựng cộng đoàn, nhưng không như những người tham quan hờ hững, gắn bó hời hợt với cộng đoàn, mà như một người dấn thân hết mình vào kinh nghiệm đời sống của một Kitô hữu đích thực.[5] Họ tham gia tích cực vào đời sống cộng đoàn của những người tin ấy, vì họ cần đào sâu đức tin cá vị của mình vào Đức Kitô Giêsu,[6] cần được nuôi dưỡng, được triển nở đời sống đức tin của mình và được ơn cứu độ.[7]
Như vậy, bản văn soi sáng cho mỗi người Kitô hữu hôm nay nhận ra rằng: sự tham gia vào đời sống của Giáo hội không phải là một nghĩa vụ nặng nề, hoặc bị ép buộc; mà nó là một thái độ hoán cải và ước muốn làm triển nở đời sống đức tin của chính mình. Đó là một thái độ tích cực và năng động của người tín hữu trưởng thành, người ý thức rằng chính họ phải chịu trách nhiệm với ơn cứu độ của mình, và họ chỉ có thể triển nở đời sống đức tin qua các phương thế và sự nâng đỡ của cộng đoàn những người tin. Liên quan đến vấn đề này, tài liệu Công đồng Vaticanô II đã nói rằng: “dù được tháp nhập vào Giáo hội [qua bí tích thánh tẩy], nhưng nếu không kiên trì sống trong đức ái thì vẫn không được cứu rỗi, vì tuy ‘thể xác’ họ thuộc về Giáo hội, nhưng ‘tâm hồn’ họ không ở trong Giáo Hội. […] con cái của Giáo hội phải nhớ rằng, địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.”[8]
2. Tham gia vì được kêu gọi làm nên “một Dân Mới của Thiên Chúa”
Trong Công vụ Tông đồ, Luca đã gọi các Kitô hữu là “dân” (x. Cv 15,14).[9] Bên cạnh đó, mở đầu và kết thúc bản văn cho thấy sự lớn mạnh của cộng đoàn sơ khai (x. Cv 2, 41.47), điều này gợi lên sự phát triển của cộng đoàn Israel (x. Đnl 1,11; Cv 4,4; 6,7).[10] Như thế, cộng đoàn Kitô hữu là một dân Israel mới của Thiên Chúa với 12 Tông đồ đại diện cho 12 chi tộc, có luật mới được ghi trong tâm hồn vào ngày lễ Ngũ tuần. Hơn nữa, câu 42 trình bày một chuỗi hoạt động có tính cách tập thể, được thực hiện trong sự tích cực và chuyên cần của từng cá nhân. Điều này cho thấy, Thiên Chúa kêu gọi mỗi người tham gia tích cực và cùng làm nên một dân mới của Thiên Chúa.
Rõ ràng là, sự tham gia ở đây mang tính tất yếu, vì Thiên Chúa muốn cứu độ con người không phải một cách riêng lẻ, nhưng như một dân. Thánh hóa họ trong các mối tương quan nhân vị đan xen với nhau.[11] Trong dân mới này, vì được tái sinh và tha tội nhờ bí tích thánh tẩy, được lãnh nhận đầy tràn ân huệ Chúa Thánh Thần, nên các tín hữu có cùng phẩm giá, cùng ơn gọi và đồng trách nhiệm với nhau.[12] Ở đó, không có sự phân biệt cao thấp, mà chỉ có sự đa dạng để hỗ trợ và phục vụ nhau. Thật vậy, trong đoàn dân mới này của Thiên Chúa, Chúa Kitô không kêu gọi các mục tử một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo hội đối với thế giới. Đúng hơn, Thiên Chúa mời gọi các ngài chăn dắt tín hữu và nhận ra các phận sự và đoàn sủng của giáo dân, để rồi mời gọi cũng như tạo điều kiện cho mọi người cùng góp phần xây dựng cộng đoàn theo cách riêng của mình.[13]
a/ Dân ngôn sứ của Thiên Chúa
Sự chuyên cần của các tín hữu trước hết gắn liền với τῇ διδαχῇ τῶν ἀποστόλων (tē didachē tōn apostolōn). Cụm từ này có thể đề cập đến nội dung của việc giảng dạy của các Tông đồ, hoặc là chính hoạt động giảng dạy của các ngài.[14] Nội dung giảng dạy của các Tông đồ là lời Kinh thánh được giải thích trong ánh sáng của Đức Kitô Phục sinh. Các tín hữu chuyên cần gắn bó với chính chân lý đức tin mà các ngài truyền dạy, không ngừng đào sâu đức tin cá vị của họ vào Đức Giêsu và gắn bó với Ngài.[15] Liên quan đến chính việc giảng dạy của các Tông đồ, các tín hữu biểu lộ thái độ chuyên cần lắng nghe và kính sợ đối với việc các ngài làm, vì các ngài là những người tiếp tục sứ vụ giáo huấn của Chúa Giêsu (x. Lc 4,15.31-32; 5,3.17; 6,6; 13,10.22; 19,47; 20,1.21; 21,37; Cv 1,1-2; 10,41),[16] và là những kho chứa sống động của sức mạnh Chúa Thánh Thần.[17] Để rồi, sau này, đến lượt mình, các tín hữu có thể đánh liều mạng sống, mạnh dạn nói về Đức Kitô Giêsu (x. Cv 4,31; 7,1-60; 8,4).
Nội dung và hoạt động giảng dạy của các Tông đồ đã được đi kèm bởi “điềm thiêng dấu lạ” (x. Cv 2,43). Cụm từ này gợi nhớ đến lời sấm trong sách ngôn sứ Giôen về Thần khí ngôn sứ (x. Cv 2, 18-19) đã hoạt động trên Chúa Giêsu (x. Lc 9,1-2; 24,19; Cv 2,22) nay cũng hoạt động trên các Tông đồ, để chọn lựa và ghi dấu trên họ như những người tham gia quan trọng trong kỷ nguyên mới của lịch sử cứu độ,[18] hỗ trợ lời chứng[19] và xác chuẩn thẩm quyền thiêng liêng này của các ngài.[20] Việc thực hiện những dấu lạ điềm thiêng này là kết quả của phép Rửa trong Thánh Thần, cho phép họ có khả năng làm và dạy trong sự tiếp nối liên tục đối với Chúa Giêsu (x. Cv 1,1-2).[21]
Nếu như các Tông đồ lãnh nhận Thần khí ngôn sứ của Đức Kitô qua việc giảng dạy, thì các tín hữu chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô qua khả năng nghe và gắn bó với lời giảng. Thật vậy, Thần khí ngôn sứ của Chúa Giêsu đã làm cho người nghe trong lễ Ngũ tuần có thể hiểu được lời giảng trong chính ngôn ngữ riêng của họ (x. Cv 2,7), nay tiếp tục qua phép Rửa làm cho họ có khả năng chuyên cần lắng nghe và gắn bó với đức tin đã truyền lại cho các Tông đồ và không ngừng đào sâu đức tin ấy (x. Cv 2, 37.41-42). Như vậy, cả tín hữu và các Tông đồ đều lãnh nhận Thần khí ngôn sứ của Đức Giêsu và tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Ngài, nhưng mỗi người một cách thức khác nhau. Để rồi mọi người cùng làm nên một dân ngôn sứ (x. Cv 2,17).
Chính sự tham gia của các Tông đồ và của các tín hữu vào sứ vụ ngôn sứ đã mang lại một bầu khí kinh sợ thánh thiêng vì sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ φόβος (phobos) “kinh sợ” theo nghĩa Kinh thánh không phải là sự kinh hãi hoảng hốt của người nô lệ, mà là thái độ tôn kính thích hợp trước sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa (x. Lc 1,12.65; 7,16; Cv 5,5.11; 19,17), giữ con người tránh phạm tội và sinh ra lòng ăn năn thống hối khi đã lỡ sa ngã (x. 2 Cr 7,1). Lòng kính sợ này đã thúc đẩy con người để cho Thiên Chúa tự do hành động nơi mình, tạo nên một sự thay đổi lớn cả trong thái độ lẫn hành vi.[22] Kính sợ cũng là một trong bảy món quà của vị Mêsia (x. Is 11,1-3). Và dân Mêsia của Thiên Chúa tìm thấy sự vui thỏa trong sự kính sợ này (x. Is 11,3).[23]
Suy nghĩ về Giáo hội hôm nay, qua bí tích Rửa tội, các tín hữu được tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa Giêsu, mỗi thành viên được mời gọi sống tròn đầy ơn gọi ngôn sứ theo cách thức và vai trò riêng của mình trong tập thể dân ngôn sứ của Thiên Chúa. Người tín hữu không thể sống được ơn gọi này một cách độc lập, vì ơn ngôn sứ là để phục vụ cho tập thể. Các mục tử được tham gia vào sứ mạng giáo huấn của Chúa Giêsu nên các ngài có nhiệm vụ trước tiên là loan báo Tin mừng của Chúa cho mọi người.[24] Vì thế, các ngài cần dành thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm, sáng tạo mục vụ và sống Lời Chúa để có thể loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu.[25] Lời loan báo Tin mừng của các mục tử cần tích cực, đem lại hy vọng, và diễn tả tình mẫu tử của Hội thánh.[26] Trong khi đó, các tín hữu được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Thiên Chúa bằng cảm thức đức tin khi không ngừng gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các Tông đồ, không ngừng đào sâu hiểu biết đức tin và làm chứng nhân cho Chúa ở trần gian này.[27] Người tín hữu cũng thực thi sứ vụ ngôn sứ của mình qua việc loan báo Chúa Kitô bằng chính đời sống và bằng lời nói trong mọi cảnh huống của đời sống thường nhật cho người chưa biết Chúa hoặc cho các tín hữu.[28] Họ còn có thể thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình qua việc dạy giáo lý,[29] khoa học thánh, loan báo lời Chúa qua các phương tiện truyền thông xã hội.[30] Hơn nữa, vì là một dân ngôn sứ, nên mỗi người phải có trách nhiệm góp ý xây dựng nhau nhưng trong tinh thần kính sợ Thiên Chúa. Họ có quyền và bổn phận bày tỏ cho các mục tử về lợi ích của Giáo hội và phẩm giá của tha nhân nhưng trong thái độ kính trọng các mục tử.[31]
b/ Dân vương đế của Thiên Chúa
Từ κοινωνίᾳ (koinōnia) có một sự đa dạng về ngữ nghĩa trong Tân ước,[32] nhưng trong bối cảnh của bản văn này thì κοινωνίᾳ không chỉ đề cập đến sự hiệp thông tinh thần như nghe các Tông đồ, bẻ bánh, cầu nguyện, hiệp nhất[33] nhưng còn cả trong việc chia sẻ vật chất như để mọi sự làm của chung, chia sẻ cho mọi người tùy theo nhu cầu, và dùng bữa với nhau.[34] Đây là một sự hiệp thông được mang lại bởi Chúa Thánh Thần qua phép Rửa.
Sự hiệp thông này đã thúc đẩy các tín hữu thời sơ khai có một cảm thức sâu sắc về trách nhiệm đối với nhau, tương trợ nhau.[35] Sự tương trợ sâu xa này là kết quả từ những thực hành đức tin của họ và sự trân trọng quà tặng vô giá từ Thiên Chúa Cha qua Đức Kitô. Điều này thúc bách họ dám từ bỏ mọi dính bén vật chất và dâng hiến của cải để giúp đỡ những ai cần.[36] Tuy nhiên, việc không có bất cứ mô tả nào về quy trình thu góp hay phân phát ở đây cho thấy Luca muốn trình bày việc chia sẻ của cải đến từ tinh thần tự phát hơn là như một định chế. Những người Kitô hữu khá giả đã tự do dâng nộp của cải để phục vụ những ai cần, đặc biệt là cô nhi và quả phụ (x. Cv 6,1). Điều này cho thấy sự bác ái tuyệt vời của họ.[37]
Sự chia sẻ của cải này đối lập trực tiếp với nhu cầu sở hữu của con người, đó là một chứng từ hùng hồn về sự hiện diện của vương quốc Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Giêsu.[38] Hơn nữa, không có gì để nghi ngờ rằng thánh Luca biết đến lý tưởng về tình bạn nổi tiếng của quan niệm Hy lạp-La mã,[39] nhưng lý tưởng này còn cắm rễ sâu hơn trong ý tưởng về năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Lv 25,10; Is 61,2a; Lc 4,19), tư tưởng này đã định hình trước tiên trong Tin mừng của Luca về sứ vụ của Chúa Giêsu ở giữa người nghèo (x. Lc 4,16-21; 6,20-36; 12,22-34; 15,1-16,31; 17,20-18,4; 19,1-10).[40] Liên kết điều này với Cv 2,1-42, thì rõ ràng sự chia sẻ quảng đại nơi Giáo hội sơ khai là kết quả của sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần, Đấng được ban qua phép Rửa, đã mang đến một xã hội canh tân đổi mới. Cộng đoàn những người tin giờ đây có thể kinh nghiệm được năm hồng ân của Đức Chúa (x. Lc 4,19) và thời kỳ an lạc (x. Cv 3,20).[41] Thật vậy, theo mẫu thức của Thánh kinh thì việc tái phân phối lại thu nhập từ việc bán của cải phản ánh đặc điểm xã hội của Vương quốc Thiên Chúa, nơi mà tất cả chia sẻ đồng đều những món quà tốt lành của Thiên Chúa. Cộng đoàn để chung của cải trong Công vụ là một ám chỉ đến những thực hành kinh tế của Israel phục hồi của Thiên Chúa.[42] Mà trong vương quốc này, Chúa Giêsu Kitô, sau khi đã phục vụ đến hiến mạng sống mình, đã phục sinh và trở thành Đấng lãnh nhận lời hứa vương quyền trường tồn của nhà Đavít (x. Lc 1,32; 3,31; Cv 2,30; 13,22–23, 33–40).
Suy tư về sự tham gia của tín hữu trong ơn gọi vương đế của dân Thiên Chúa, qua bí tích Rửa tội, mọi thành phần trong Giáo hội đều tham dự vào quyền vương đế của Chúa Giêsu. Thế nên, mọi người đều có phẩm giá cao trọng như nhau, cần được nhìn nhận, tôn trọng và phát huy vai trò vương đế của nhau. Ơn gọi vương đế này là phục vụ Đức Kitô khi quy phục Thiên Chúa cả thân xác lẫn tinh thần của mình.[43] Với vai trò vương đế này, các tín hữu có sự tự do vương giả khi chiến thắng ách thống trị của tội lỗi và vươn tới sự thánh thiện cả trong đời sống cá nhân lẫn tập thể. Hơn nữa, “Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình” bằng sự thánh thiện, những nỗ lực và sáng kiến của họ.[44] Quyền bính vương đế trong dân mới của Thiên Chúa là quyền bính phục vụ, nó đòi hỏi mỗi người phải dùng hết khả năng của mình để “dấn thân phục vụ gia đình/cộng đoàn, hội đoàn, giáo xứ/hội dòng, giáo phận. Tham gia vào các hoạt động bác ái, từ thiện, viếng thăm mục vụ những người nghèo, người bệnh, người neo đơn, người khác tôn giáo, người khô đạo, người có quan điểm trái ngược. Và bởi vì Đức Kitô là vua vũ trụ, nên người tham gia vào chức vương đế của Ngài cũng phải biết bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên, làm sao để qua cách chăm sóc và sử dụng chúng, họ được thăng tiến phẩm giá của mình. Hơn nữa, quyền vương đế cũng nhắm tới việc điều hành cộng đoàn sao cho mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, nên các vị hữu trách cần lắng nghe những người mà mình có trách nhiệm, nhất là những người nghèo hèn, kém cỏi, đơn côi; đồng thời cổ võ, tổ chức các sinh hoạt sao cho phù hợp với các thành viên làm cho họ cảm thấy họ thuộc về cộng đoàn và tìm được nguồn an ủi và sức sống nơi cộng đoàn ấy.”[45] Như vậy, rõ ràng khi nói đến chức vương đế là đang nhắm tới tương quan với nhau và với thụ tạo. Không thể thi hành quyền vương đế đích thực nếu người Kitô hữu sống như một hòn đảo, không chịu tham gia vào đời sống chung.
c/ Dân tư tế của Thiên Chúa
Một số nhà chú giải giải thích việc bẻ bánh ám chỉ đến những bữa ăn thông thường với những lý do sau: thứ nhất, việc thực hành lễ bẻ bánh và dùng bữa với sự vui vẻ hồi tưởng lại thực hành của những gia đình Do thái đạo đức chia sẻ những bữa ăn với nhau như biểu tượng của một tình đoàn kết về tinh thần và xã hội của họ.[46] Thứ hai, bản văn không đề cập đến việc uống rượu, mà lại đề cập đến một bối cảnh rộng lớn hơn liên quan đến việc phân phát của cải cho những ai cần, điều này đề nghị một thực hành mang tính vật chất và thông thường hơn của việc bẻ bánh (x. Cv 42.46).[47] Thứ ba, việc chia sẻ bánh với một đoàn hàng mấy nghìn người đã đón nhận lời giảng và phép lạ của các Tông đồ dễ dàng gợi nhớ đến việc phép lạ hóa bánh nuôi khoảng 5000 người ở gần biển hồ Galilê (x. Lc 9,10-17) hơn là bữa tiệc của Chúa Giêsu với các môn đệ trên lầu trên.[48]
Trong khi đó, một số học giả lại cho rằng Lễ bẻ bánh, hẳn phải đề cập bữa tiệc Thánh Thể.[49] Trước hết, đó là vì thuật ngữ này trong Tân ước thường được dùng để chỉ về bữa tiệc ly và phép lạ hóa bánh của Chúa Giêsu. Thứ hai, ở thời đại của Luca thì hầu như không thể nhắm đến cái gì khác hơn là bữa ăn phụng tự đã được biết với Thánh Phaolô (x. 1 Cr 10,16; 11,24).[50] Thứ ba, sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh được nhận ra với việc bẻ bánh ở Luca 24,35. Trong các tác phẩm của mình, Luca nhấn mạnh đến sự liên kết giữa bữa ăn với sự hiện diện của Chúa Giêsu (x. Lc 24,41-42; Cv 1,4; 10,41), nghi thức được nhận ra một lần nữa ở Cv 2,46; 20,7.11; 1Cr 10,16; 11,24.[51] Thứ tư, vì chung quanh bản văn đề cập đến hai thuật ngữ tôn giáo là hiệp thông và cầu nguyện, nên việc bẻ bánh ở đây cũng phải là một nghi lễ tôn giáo.
Tuy nhiên, một số học giả khác cho rằng không nghi ngờ gì việc bẻ bánh này ám chỉ đến bữa tiệc Thánh Thể,[52] nhưng cũng không nên giới hạn trong bối cảnh phụng vụ mà thôi, nhưng còn đề cập đến những bữa ăn thường nhật nữa.[53] Vì “biết” lẫn nhau cách thân mật thâm sâu là cốt lõi của những bữa ăn thông thường, nên nó cũng vang vọng lại cách thức các môn đệ biết và nhận ra Chúa Giêsu khi người bẻ bánh.[54] Hơn nữa, bữa ăn thường nhật của người Do thái bao giờ cũng có một ý nghĩa thánh thiêng trong đó, với lại trong bối cảnh Kitô hữu sơ khai, với một tinh thần dấn thân nhiệt thành như thế hẳn phải nối kết với niềm vui, tình yêu và lời chúc tụng quy hướng về Chúa Giêsu. Thế nên, việc bẻ bánh ở đây phải đề cập đến bữa tiệc Thánh Thể nữa.[55]
Trong khi làm lễ bẻ bánh, các tín hữu cũng hát thánh vịnh và thánh thi.[56] Các vị cũng cầu nguyện cộng đoàn (x. Cv 1,14; 1,24-25; 3,1; 4,23-31; 6,4; 8,15; 9,11).[57] Họ còn đến đền thờ để cầu nguyện (x. Lc 2453; Cv 2,46; 3,1).[58] Các tín hữu xem đền thờ như nhà của Thiên Chúa, nhà của Cha của Đức Giêsu, nên nó vẫn là trung tâm của phụng vụ và cầu nguyện.[59] Qua việc bẻ bánh, cầu nguyện tại tư gia lẫn đền thờ, Luca cho thấy thờ phượng là một thực hành phục sinh của một dân Israel sám hối.[60]
Một điều thú vị nữa là việc các tín hữu đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ phép Rửa (x. Cv 2,38) và từ đó “siêng năng làm lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” cũng như “chuyên cần đến đền thờ” gợi lên hình ảnh cộng đoàn các tín hữu sơ khai là một dân tư tế của Thiên Chúa (x. Xh 9,1). Hơn nữa, κοινωνίᾳ cũng ở trung tâm của việc thờ phượng như thấy ở Xuất hành 24,1-12,[61] thì trong cộng đoàn sơ khai này, qua lễ bẻ bánh, các môn đệ được thông hiệp vào mình và máu thánh Chúa Giêsu (x. 1 Cr 10,16-17). Trong bối cảnh ấy, các tín hữu đã đầy niềm vui trong tâm hồn. Từ “vui vẻ” khi cử hành lễ bẻ bánh đề cập đến niềm vui cánh chung trong sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Lc 1,14.44.47; 10,21). Vậy nên, không có gì có thể dẫn đến một niềm vui hơn là cảm thức được thuộc về đời sống cộng đoàn, mà trung tâm là Chúa Giêsu.[62]
Cũng vậy, mỗi người Kitô hữu khi gia nhập vào dân Thiên Chúa nhờ đức tin và bí tích Rửa tội, cũng được tham gia vào ơn gọi tư tế của dân Thiên Chúa.[63] Trong đoàn dân tư tế này, Đức Kitô thượng tế đã mời gọi cả mục tử lẫn giáo dân tham gia vào chức tư tế của Ngài. Tuy nhiên, họ sẽ tham dự theo cách thức riêng. Hai ơn gọi này tuy khác nhau về bản chất lẫn cấp bậc nhưng lại bổ túc và phục vụ cho nhau trong đoàn dân tư tế của Thiên Chúa. Tư tế thừa tác đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế cộng đồng, họ cũng cộng tác dâng thánh lễ, cầu nguyện, dâng lên Thiên Chúa cuộc sống tinh tuyền và lương tâm trong sạch, đời sống chứng tá thánh thiện, và tất cả mọi biến cố, công việc, sự nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc lẫn đau thương của đời sống họ.[64] Cách riêng trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam, chính việc tham gia cử hành phụng vụ cách ý thức và trọn vẹn là khi các tín hữu tham dự trọn vẹn chức tư tế của mình. Thêm vào đó, người tín hữu cũng được mời tham gia vào các sinh hoạt phục vụ của giáo xứ như đọc sách, ca đoàn, lễ sinh, phục vụ phòng thánh. Bên cạnh đó, sự tham gia vào cộng đoàn nơi mình thuộc về còn thể hiện qua việc tham dự Thánh lễ và các cử hành phụng vụ tại nhà thờ giáo xứ/cộng đoàn của mình.[65] Như vậy, bởi chức tư tế thánh thiêng này, mà mỗi thành phần dân Chúa phải có thái độ kính trọng chức tư tế của nhau như là người được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu. Hơn nữa, sự khác biệt này là để phục vụ lẫn nhau và làm phong phú hóa cộng đồng tư tế của Thiên Chúa.
3. Tham gia: một vinh dự được cộng tác vào sứ vụ của Thiên Chúa
Qua phân tích cấu trúc văn chương của bản văn, Echard J. Schnabel đã xếp câu 43 và 47b như là hiệu quả của đời sống Giáo hội đối với những người chưa tin.[66] Theo cấu trúc cú pháp thì mọi người kinh sợ vì các tông đồ làm điều thiêng dấu lạ. Nhưng theo cấu trúc của đoạn văn, thì sự kinh sợ này được đề cập đến sau khi mô tả những đặc điểm của đời sống Giáo hội. Ngang qua những mô tả về sự tham gia vào đời sống Giáo hội của các tín hữu thời sơ khai, có thể thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi cộng đoàn Hội thánh. Cụ thể là chính Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài qua đời sống được biến đổi của các tín hữu, cũng như qua những dấu lạ điềm thiêng mà các Tông đồ thực hiện. Điều này đã khiến cho các môn đệ và những người nghe[67] đã nhận ra sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa và đáp lại bằng thái độ kính sợ.[68]
Hơn nữa, Chúa Giêsu đã nói là khi Ngài quay trở lại với Chúa Cha, Ngài sẽ thực hiện những việc lạ lùng hơn những gì mà các ông đã từng thấy ngài thực hiện (x. Ga 14,12).[69] Thực vậy, chính Đức Giêsu đã làm cho Hội thánh gia tăng, làm cho cộng đoàn có thêm nhiều người được cứu độ (x. Cv 2,47), Ngài cũng đã cho những thành viên hiện thời đặc quyền được đón nhận những thành viên mới, những người Ngài đã kêu gọi, vào trong tình hiệp thông của họ.[70] Ngài tận dụng những nỗ lực và cách thức của các tín hữu sơ khai để làm cho có thêm nhiều người được cứu.[71] Hay nói cách khác, Ngài cho họ được tham gia vào sứ vụ của Ngài. Bằng lời rao giảng, một đời sống bác ái yêu thương, và hết lòng thờ phượng Thiên Chúa của các tín hữu đã cộng tác vào sự phát triển của Giáo hội, tác động truyền giáo đến mọi người chung quanh.[72]
Như vậy, cả hai câu cho thấy, chính Thiên Chúa là chủ của cộng đoàn, Ngài hoạt động chính yếu và lôi kéo mọi người đến với Người, nhưng Người cần sự cộng tác và tham gia tích cực của mọi thành phần Hội thánh. Chính khi người Kitô hữu tham gia tích cực vào trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội là họ đang tham dự vào sứ mạng của Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện, là chủ và đang hoạt động trong cộng đoàn Giáo hội. Ngài mời gọi các tín hữu tham gia vào sứ vụ của Ngài, và Ngài cũng ở đó nhìn thấy thái độ tham gia của họ.
Tóm kết
Trước hết, bản văn cho thấy việc tham gia vào đời sống Giáo hội có một thái độ tích cực, trưởng thành và năng động. Tham gia là một con đường được thúc đẩy bởi thái độ ăn năn sám hối, là con đường để đào sâu làm triển nở đời sống đức tin và tìm kiếm ơn cứu độ cho chính bản thân mình. Thứ hai, vì qua bí tích Rửa tội và ân huệ của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn Hội thánh được kêu mời lãnh nhận ơn cứu độ trong tính cách tập thể như là một dân mới của Thiên Chúa, chứ không phải riêng lẻ. Trong dân mới này, đoàn dân ngôn sứ, tư tế và vương đế, cả ba ơn gọi đó đều hướng tới chiều kích cộng đồng. Thế nên để chu toàn ơn gọi đó, mỗi tín hữu phải tích cực tham gia vào đời sống cộng đoàn như là một con đường mà Chúa muốn. Thứ ba, chính Thiên Chúa là trung tâm và đang hoạt động trong cộng đoàn, Ngài cần sự tham gia của con người để có thể kêu gọi mọi người đến ơn cứu độ và mở rộng Hội thánh.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 140 (Tháng 03 & 04 năm 2024)
________
[1] Cf. José María Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, The Navarre Bible (Dublin: Four Courts, 1984), 51; cf. William S. Kurz, Acts of the Apostle (Grand Rapids, Michigan: Baker Academic, 2013), 62; cf. Leander E. Keck and others, eds., Acts, Introduction to Epostolary Literature, Romans, 1 Corintians, vol. 10, The New Interpreter’s Bible (Nashville: Abingdon, 2002), 71; cf. Joseph A. Fitzmyer, The Actts of the Apostles: A New Translation with Introduction and Commentary, vol. 31, The Anchor Bible (New York: Doubleday, 1998), 268.
[2] Cf. Eckhard J. Schnabel, Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament: Acts (Grand Rapids, Michigan: Zondervan, 2012), 174; cf. Justin Taylor, “Acts of the Apostle” in The International Bibble Commentary: A Catholic and Ecumenical Commentary for the Twenty-First Century, edited by William R. Farmer (Quezon: Claretian Publications, 2001), 1513.
[3] Cf. Ajith Fernando, Acts, The NIV Application Commentary (Grand Rapids, Michigan: Zondervan, 1998), 119.
[4] Cf. Raymond E. Brown, An Introduction to the New Testament (New York: Doubleday, 1997), 287.
[5] Cf. Conrad Gempf, “Acts” in New Bible Commentary 21St Century Edition, 1393, [Gordon J. Wenham] New Bible Commentary 21st Century Edition 1994.pdf
[6] Cf. Taylor, “Acts of the Apostle,” 1513; cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 52.
[7] Cf. Keck and others, eds., Acts, Introduction to Epostolary Literature, Romans, 1 Corintians, 71.
[8] Vatican II, Lumen Gentium: Dogmatic Constitution on the Church, 1964, no. 14.
[9] Cf. Jaroslav Pelikan, Brazos Theological Commentary on the Bible: Acts (Grand Rapids: Brazos, 2005), 58.
[10] Cf. Taylor, “Acts of the Apostle, 1513.
[11] Cf. LG, no. 9; cf. Francis, Evangelii Gaudium: Apostolic Exhortation on The Proclamation of The Gospel in Today’s World, 2013, nos. 113.
[12] Cf. LG, no. 32.
[13] Cf. LG, no. 30.
[14] Cf. Richard I. Pervo, Acts: A Commentary (Minneapolis: Fortress, 2009), 92.
[15] Cf. Taylor, “Acts of the Apostle,” 1513; cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 52.
[16] Cf. Luke Timothy Johnson, The Acts of the Apostles, vol. 5, Sacra Pagina (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 58; cf. Fitzmyer, The Acts of the Apostles, 270; cf. Keck and others, eds., Acts, 71.
[17] Cf. Keck and others, eds., Acts, 71.
[18] Cf. Ernst Haenchen, The Acts of the Apostles, a Commentary (Philadelphia: The Westminter, 1971), 192; cf. Fitzmyer, The Acts of the Apostles, 271; cf. Keck and others, eds., Acts, 71; cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 58; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 62.
[19] Cf. Taylor, “Acts of the Apostle,” 1513.
[20] Cf. Keck and others, eds., Acts, 71.
[21] Ibid.
[22] Cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 53; cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 58; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 62-63; cf. Haenchen, The Acts of the Apostles, 192; cf. Fitzmyer, The Actts of the Apostles, 271.
[23] Cf. Kurz, Acts of the Apostle, 63.
[24] Cf. Vatican II, Presbyterorum ordinis: Decree on The Ministry and Life of Priests, 1965, no. 4.
[25] Cf. EG nos. 145. 150.153.
[26] Ibid., 140.159.
[27] Cf. LG, no.12.
[28] Cf. LG, no. 35; cf. Vatican II, Apostolicam actuositatem: Decree on the Apostolate of The Laity, 1966, no. 6; cf. Vatican II, Ad Gentes: Decree on the Mission Activity of The Church, 1996, no. 15.
[29] Cf. Vatican II, Apostolicam Actuositatem: Decree on the Apostolate of the Laity, 1965, no. 10.
[30] Cf. Vatican II, Inter Mirifica: Decree on the Media of Social Communications, 1963, no. 3; cf. Paul VI, Evangelii Nuntiandi: Apostolic Exhortation on Evangelization, 1975, no. 45.
[31] LG, no. 37.
[32] Cf. Frederik William Danker, ed., A Lexicon of the New Testament and other Early Christian Literature, 3rd ed. (Chicago: The University of Chicago Press, 2000), 552; cf. Gerhard Kittel, ed., Theological Dictionary of the New Testament, vol. 3, translated by Geoffrey W. Bromiley (Grand Rapids, Michigan: WM. B. Eerdmans, 1999), 809; cf. Pelikan, Brazos Theological Commentary on the Bible: Acts, 59.
[33] Cf. Gerhard Kittel, ed., Theological Dictionary of the New Testament, vol. 3, translated by Geoffrey W. Bromiley (Grand Rapids, Michigan: WM. B. Eerdmans, 1999), 809; cf. Danker, ed., A Lexicon of the New Testament and other Early Christian Literature, 552; cf. Ben Witherington, The Acts of the Apostles: A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids, Michigan: WB. Eerdmans, 1998), 160; cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 58; cf. Pelikan, Brazos Theological Commentary on the Bible: Acts, 59; cf. Taylor, “Acts of the Apostle,” 1513.
[34] Cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 58; cf. Pelikan, Brazos Theological Commentary on the Bible: Acts, 59; cf. Taylor, “Acts of the Apostle,” 1513; cf. Witherington, The Acts of the Apostles: A Socio-Rhetorical Commentary, 160.
[35] Cf. William Barclay, The New Daily Study Bible: The Acts of the Apostles (Louisville, London: Westminster John Knox, 2003), 34.
[36] Cf. Jeffrey Cole and others, eds., The Didache Bible with Commentaries based on the Catechism of the Catholic Church (Downers Grove, USA: Midwest Theological Forum, 2015), 1864; cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 52; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 62.
[37] Cf. José Enrique Aguilar Chiu and others, eds., The Paulist Biblical Commentary (New York: Paulist, 1993), 1195; cf. James L. Mays, ed., The HarperCollins Bible Commentary (New York: The HarperCollins, 2000), 991; cf. Schnabel, Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament: Acts, 181; cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 53; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 63; cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 59; cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 53; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 63; cf. Haenchen, The Acts of the Apostles, a Commentary, 192.
[38] Cf. Kurz, Acts of the Apostle, 63.
[39] Παντα (hay ἅπαντα) κοινά (panta koina) “mọi sự làm của chung” rõ ràng là một lời ám chỉ đến tục ngữ Hy lạp liên quan đến tình bạn, trình bày một viễn tượng về một xã hội lý tưởng. Cf. Brian. J. Capper, “The Judean Cultural Context of Community of Goods in the Early Jesus Movement: Part 1,” Qumran Chronicle 24, no. 1-2 (2016): 42-45; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 64; cf. Beverly Roberts Gaventa, The Acts of the Apostles, Abingdon New Testament Commentaries (Nashvile: Abingdon, 2003), 81; cf. Keck and others, eds., Acts, 71-72; cf. Pervo, Acts: A Commentary, 92; cf. Chiu and others, eds., The Paulist Biblical Commentary, 1195; cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 59.
[40] Cf. Keck and others, eds., Acts, Introduction to Epostolary Literature, Romans, 1 Corintians, 72; cf. Taylor, “Acts of the Apostle,” 1514; cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 59.
[41] Cf. Schnabel, Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament: Acts, 181-182.
[42] Cf. Keck and others, eds., Acts, 72.
[43] Cf. LG, nos. 36-37.
[44] LG, no. 36.
[45] HĐGMVN, “Chiều Kích Tham Gia Trong Đời Sống Hiệp Hành Của Giáo Phận,” truy cập ngày 6/2/2024, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chieu-kich-tham-gia-trong-doi-song-hiep-hanh-cua-giao-phan-46308.
[46] Cf. Keck and others, eds., Acts, 72.
[47] Cf. F. Scott Spencer, Journeying through Acts: A Litterary-Cultural Reading (New York, USA: Hendrickson, 2004), 49.
[48] Cf. Spencer, Journeying through Acts, 49.
[49] Cf. John Barton and John Muddiman, eds., The Oxford Bible Commentary (Oxford, New York: Oxford University Press, 2001), 1033; cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 52.
[50] Cf. Cole and others, eds., The Didache Bible with Commentaries based on the Catechism of the Catholic Church, 1864; cf. Barton and Muddiman, eds., The Oxford Bible Commentary, 1033.
[51] Cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 58.
[52] Cf. George Arthur Buttrick and others, eds., The Holy Scriptures in the King James and Revised Standard versions with General Articles and Introduction, Exegesis, Expostion for each Book of the Bible, vol. 9, The Interpreter’s Bible (New York: Abingdon, 1954), 51; cf. Spencer, Journeying through Acts, 49; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 64; cf. Chiu and others, eds., The Paulist Biblical Commentary, 1195; cf. Schnabel, Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament: Acts, 174; cf. Taylor, “Acts of the Apostle,”1513.
[53] Cf. F.F. Bruce, The Book of the Acts, rev. ed., the New International Commentary on the New Testament (Grand Rapids, Michigan: William Eerdmans, 1988), 74; cf. Spencer, Journeying through Acts: A Litterary-Cultural Reading, 49; cf. Buttrick and others, eds., The Holy Scriptures in the King James and Revised Standard versions with General Articles and Introduction, Exegesis, Expostion for each Book of the Bible, 51; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 64; cf. Schnabel, Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament: Acts, 174.
[54] Cf. Crobie Barnes, Behold! The Kingdom (Devon, UK: Crosbieandwilma, 2011), 551.
[55] Cf. Frank E. Gabelein, ed., John and Acts, vol.9, The Expositor’s Bible Commentary with the New International Version (Grand Rapids, Michigan: Zondervan, 1981), 290.
[56] Cf. Cole and others, eds., The Didache Bible, 1864.
[57] Cf. Schnabel, Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament: Acts, 180; cf. Cole and others, eds., The Didache Bible, 1864.
[58] Cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 59; Cf. Bruce, The Book of the Acts, 74.
[59] Cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 54.
[60] Cf. Keck and others, eds., Acts, 72.
[61] Cf. Barnes, Behold! The Kingdom, 549.
[62] Cf. Buttrick and others, eds., The Holy Scriptures in the King James and Revised Standard versions with General Articles and Introduction, Exegesis, Expostion for each Book of the Bible, 51.
[63] Cf. LG, no. 10.
[64] Cf. LG, nos. 10.34.
[65] Cf. HĐGMVN, “Chiều Kích Tham Gia Trong Đời Sống Hiệp Hành Của Giáo Phận.”
[66] Cf. Schnabel, Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament: Acts, 47. 173.
[67] Cf. Ajith Fernando, Acts, The NIV Application Commentary (Grand Rapids, Michigan: Zondervan, 1998), 122; cf. Witherington, The Acts of the Apostles: A Socio-Rhetorical Commentary, 161.
[68] Cf. Casciaro and others, eds., The Acts of the Apostles, 53; cf. Johnson, The Acts of the Apostles, 58; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 62; cf. Haenchen, The Acts of the Apostles, a Commentary, 192; cf. Fitzmyer, The Actts of the Apostles, 271; cf. Kurz, Acts of the Apostle, 63.
[69] Cf. Bruce, The Book of the Acts, 73.
[70] Ibid., 75.
[71] Cf. Fernando, Acts, 124.
[72] Cf. Kurz, Acts of the Apostle, 65; cf. Fernando, Acts, 124.