CÂU CHUYỆN “CON LỪA” VÀ “NGƯỜI THỢ VƯỜN NHO”
(Hành trang giúp người giáo lý viên sống và chu toàn sứ vụ)

Trương Đình Hiền


DẪN NHẬP:

I. GIÁO LÝ VIÊN, ANH CHỊ LÀ AI?. 3

       1. Tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô: Giáo lý viên là Kitô hữu. 3

       2. Đặc sủng “giáo lý viên” và “Thừa tác vụ cổ kính”: 4

       3. Giáo lý viên trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh: 5

II. SỐNG ĐỜI GIÁO LÝ VIÊN CÓ GÌ HAY?. 6

       1. Giáo lý viên luôn mang “kho tàng vô giá”: Thiên Chúa và Giáo Hội: 6

       2. Giáo lý viên luôn được tiếp cận thực hành đời sống đức tin để nên thánh: 7

III. GIÁO LÝ VIÊN, ĐỨNG BÊN LỀ HAY HIỆP HÀNH VỚI GIÁO HỘI 8

       1. Thái độ của Giáo lý viên trước “những đám mây đen đồi trụy và tục hóa”. 9

       2. Sự đáp trả của Giáo lý viên trước tiếng gọi “Tân phúc âm hóa” (Evangelii Gaudium) và “Nên thánh” (Gaudete et Exsultate). 9

       3. Giáo lý viên trong định hướng “Hiệp Hành” của Giáo Hội. 10

IV. GIÁO LÝ VIÊN LỚN LÊN TRONG “TỪ ĐƯỜNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN. 11

       1. Giáo lý viên trân trọng gia tài và công đức của các vị “tiền nhân đức tin”: 11

       2. Giáo lý viên trung thành với truyền thống đức tin: Các Vị Tử đạo của Giáo Phận: 12

       3. Giáo lý viên sống linh đạo “tình yêu đáp trả” của Á Thánh Thầy giảng Anrê Phú Yên: 13

KẾT LUẬN:


DẪN NHẬP:

Từ câu chuyện con lừa: “Vì Chúa cần đến nó”

Đọc chung trích đoạn Tin Mừng Mc 11,1-3:

Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy?”, thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay.” (Mc 11,1-3).

Vài gợi ý suy tư về “sứ điệp Con Lừa”:

Xin được mượn đôi dòng suy tư và cảm nghiệm của Đức cố Hồng y Etchegarey[1] về “câu chuyện con lừa”; con lừa mang Đức Kitô trên lưng để Ngài tiến vào Giêrusalem hoàn tất hành trình cứu độ theo chương trình và thánh ý Chúa Cha trong chính tác phẩm Như một con lừa…tôi tiến bước[2]:

Tôi tiến bước, như con lừa vùng Giêrusalem mà Đấng Mêsia, vào ngày Lễ Lá, đã cưỡi lên như một ông vua hiền lành. Tôi chẳng biết gì nhiều, nhưng tôi biết là tôi đang cõng Đức Kitô trên lưng tôi, và tôi thì quá hãnh diện còn hơn được là người Basque. Tôi cõng Người, nhưng chính Người dẫn tôi đi. Tôi biết rằng Người dẫn tôi đến Vương Quốc của Người, ở đó tôi sẽ được nghỉ ngơi muôn đời trên những đồng cỏ xanh tươi.

Tôi tiến bước, những bước đi chậm chạp. Qua những con đường hiểm trở, cách xa những đại lộ cao tốc, (…). Khi tôi vấp phải hòn đá, ông Chủ của tôi chắc bị dằn mạnh lắm, nhưng Ông chẳng hề trách mắng tôi nửa lời…

Tôi tiến bước…lặng thinh (…). Câu nói duy nhất của Người mà tôi hiểu được thì hình như chỉ để cho tôi thôi, và tôi cũng chứng thực được điều đó: “Ách của Ta thì dễ mang và sức nặng của Ta cũng nhẹ.” (Mt 11,30). Cũng như khi, Mẹ của Người ngồi trên lưng tôi, đi tới Bêlem, vào một buổi tối Giáng Sinh, sao lúc đó tôi vui sướng làm sao (…).

Tôi tiến bước…trong sướng vui. Khi tôi muốn hát lên, ca ngợi, thì tôi lại thốt ra những tiếng ồn ào như lũ quỷ, vì tôi lạc giọng. Còn Người, lúc đó, Người cười ngả nghiêng, một tiếng cười khiến những vết lằn xe trên đường làm nên một điệu vũ, còn những móng chân tôi thành những đôi dép tung trên gió. Những ngày như thế, tôi thề đấy, chúng tôi đi được nhiều lắm!

Tôi tiến bước, tiến bước như một con lừa đang cõng Đức Kitô trên lưng[3].

Sở dĩ chọn hình ảnh “con lừa” cùng với những “suy tư gợi ý” trên của Đức cố Hồng Y Etchegarey như một “dẫn khởi” cho bài nói chuyện đầu tiên trong chương trình Huấn Luyện Giáo lý viên Giáo phận Qui Nhơn, là muốn nhấn mạnh đến vai trò rất cần thiết nhưng đầy khiêm tốn của người Giáo lý viên trong sứ mệnh và công cuộc “Tông Đồ” của Giáo Hội.

Vâng, một cách nào đó, mọi ơn gọi Kitô hữu trong Nhiệm Thể Đức Kitô, đều có chung một “xuất phát điểm”: lời mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa qua Người Con Một được ban tặng cho thế gian; và ý nghĩa nầy có thể được tóm gọn trong một câu nói của chính Chúa Giêsu: “VÌ CHÚA CẦN ĐẾN NÓ”.

“Nó” là “Con Lừa” ngày xưa, hay “Nó” là chính chúng ta hôm nay đều thuộc về lời mời gọi đầy yêu thương đó!

Sau đây là một vài gợi ý, như là những định hướng cơ bản cho công cuộc thường huấn dành cho các Giáo lý viên mang tính vừa “gợi mở nẻo đường linh đạo” vừa “rọi sáng định hướng mục vụ huấn giáo”. Ước mong sao “cuộc thường huấn giáo dân” đặc biệt nầy thực sự mang lại hoa trái thiêng cho đời sống đức tin và sứ vụ của các anh chị em Giáo lý viên và cho sự phát triển phong phú công cuộc truyền giáo của giáo phận.

I. GIÁO LÝ VIÊN, ANH CHỊ LÀ AI? 

(Để xác tín về về ơn gọi và sứ mệnh cao quý của mình)

Dân gian, đặc biệt, giới lao động, công nhân, bộ đội… có câu tục ngữ nầy: “Tư tưởng không thông vác bình không cũng nặng”. Chắc chắn có không ít anh chị em Giáo lý viên chúng ta rất nhiều khi cảm thấy trách nhiệm làm giáo lý viên thật nặng nề; đôi khi muốn “bỏ quách” cho nhẹ nhàng thoải mái; và chắc chắn, cũng không ít người quan niệm việc đi làm giáo lý viên, đi dạy giáo lý… chẳng qua chỉ là công việc phụ, là “nghề tay trái”, là công việc hay thời gian dư thừa “bố thí” cho Chúa, cho Giáo Hội, giáo xứ… được bao nhiêu thì được… chứ chẳng phải chuyện cao quý, quan trọng gì để phải trân trọng, lo lắng, hết mình…

Phải chăng chính vì những “tư tưởng không thông” đó mà các Giáo lý viên chưa cảm thấy vui và hạnh phúc, chưa cảm thấy bị “cám dỗ”, thuyết phục hay được “quyến rũ” như ngôn sứ Giêrêmia[4] khi dấn thân cho sứ vụ giảng dạy giáo lý. Sau đây là vài gợi ý nhắc lại để giúp chúng ta một lần nữa ý thức và xác tín về ơn gọi và sứ vụ làm “Giáo Lý Viên” của mình.

1. Tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô: Giáo lý viên là Kitô hữu.

1.1. Ơn gọi Kitô hữu trên nền tảng Bí tích (Thánh Tẩy và Thêm Sức):

Có một điểm giáo lý tuy xưa cũ nhưng các Giáo lý viên cũng cần phải xác tín trở lại và thường xuyên; bởi vì đây là một “ân ban cao cả” làm nên phẩm giá tuyệt vời cho tất cả những ai mang danh “Kitô hữu”, trong đó có các Giáo lý viên.

Thật vậy, mọi thành phần trong Hội Thánh (Giáo Hoàng, Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân…) đều có chung một tước hiệu cao cả “nói lên ơn cứu độ”, diễn tả một hồng ân vĩ đại… đó là Kitô hữu (Christifideles); tất cả đều thuộc “hàng tư tế thánh”, cùng “tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô”. Ấn tín của bí tích Rửa Tội và Thêm Sức đã làm cho mọi thành phần Dân Chúa đều có được một phẩm giá cao cả như nhau, chẳng bên trọng chẳng bên khinh, như Hiến chế  Giáo Hội và Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định:

“Thật vậy, nhờ sự tái sinh và việc xức dầu Thánh Thần, những người đã nhận ơn Thánh tẩy được thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh… Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật…. theo cách thức riêng của mình, mỗi bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô” (GH 10). (Xem thêm: GH 7)[5].

“Như vậy, toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do Phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Kitô là Tư Tế, Tiên tri và Vương đế. Nhờ bí tích Rửa tội và Thêm Sức, các tín hữu “được thánh hiến để trở nên…một hàng tư tế thánh” (GLHTCG 1546).

1.2. Ơn gọi của Giáo lý viên giáo dân:

Đó chính là “ơn gọi đặc thù của giáo dân”: sống giữa đời, như men như muối giữa mọi hoàn cảnh và môi trường cuộc sống: “Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể đã dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hoá thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt, bằng chứng từ đời sống toả sáng đức tin, đức cậy, đức mến.” (GH 31). (x. Sắc lệnh Tông Đồ giáo dân số 2)[6].

2. Đặc sủng “giáo lý viên” và “Thừa tác vụ cổ kính”:

2.1. Đặc sủng “giáo lý viên”:

Phát xuất từ một ơn gọi chung “Kitô hữu”, các Giáo lý viên được trao ban một ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, một “đặc sủng” được Hội Thánh nhìn nhận và ủy nhiệm: “Ơn gọi giáo lý viên không những bắt nguồn từ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, mà còn do lời mời gọi đặc biệt của Chúa Thánh Thần hay một “đặc sủng được Hội Thánh nhìn nhận” và được Giám mục minh nhiên uỷ nhiệm. Điều quan trọng là làm thế nào để ứng sinh giáo lý viên nhận ra ý nghĩa siêu nhiên và giáo hội của lời mời gọi ấy, hầu có thể đáp trả như Ngôi Lời: “Này đây, Con xin đến” (Dt 10, 7) hoặc như ngôn sứ Isaia: “Này con đây xin hãy sai con” (Is 6, 8)”[7](x. TS. TÔMA NGUYỄN DƯ DANH, Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên)[8].

2.2. Giáo lý viên và “Thừa tác vụ cổ kính”:

Giáo lý viên không bao giờ “tự coi” hay “được coi” như “người giúp việc của các linh mục”[9] mà là người được trao một “Thừa tác vụ” (Ministerium); và chính Thừa tác vụ này đã “đi cùng năm tháng” với sự hình thành và phát triển Hội Thánh: “Thừa tác vụ của Giáo lý viên trong Giáo hội là một thừa tác vụ cổ kính. Cách chung các nhà thần học cho rằng những mẫu gương đầu tiên đã có trong các bản văn Tân Ước. Việc dạy giáo lý đã khởi sự từ “các thầy dạy”, được Thánh Tông Đồ đề cập đến trong thư gửi cộng đoàn Cô-rin-tô: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy,…”[10].

3. Giáo lý viên trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh:

3.1. Mục vụ huấn giáo (Dạy giáo lý) luôn gắn liền với công cuộc phúc âm hóa: “Lịch sử của việc phúc âm hóa suốt hai thiên niên kỷ qua cho thấy rõ sự hữu hiệu của sứ vụ giáo lý viên. Các giám mục, linh mục và phó tế, cùng với những người nam và nữ sống đời thánh hiến, đã dâng trọn cuộc đời cho việc dạy giáo lý, để đức tin có thể trở nên sự nâng đỡ hữu hiệu cho đời sống của mỗi người. Một số trong các vị này cũng tập họp xung quanh mình những anh chị em khác có cùng đặc sủng, và lập nên những hội dòng toàn hiến cho việc dạy giáo lý” (Thừa tác vụ cổ kính số 3)(x. VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad Gentes – Viết tắt: AG), 17)[11].

3.2. Giáo lý viên giáo dân trong dòng chảy đức tin của Dân Chúa:Chúng ta không thể quên vô số giáo dân nam nữ tham gia trực tiếp vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng qua việc dạy giáo lý. Họ là những người nam và nữ có đức tin sâu xa, những chứng nhân đích thực của sự thánh thiện, trong một số trường hợp cũng là những vị sáng lập các Giáo hội và cuối cùng đã chết như các vị tử đạo. Ngày nay cũng vậy, nhiều giáo lý viên có khả năng và tận tụy là những người lãnh đạo cộng đoàn trong những miền khác nhau của thế giới và thực hiện một sứ vụ vô giá là truyền thụ và làm tăng trưởng đức tin. Một dòng dõi thật dài các chân phước, các thánh và các vị tử đạo từng là giáo lý viên đã thăng tiến vượt bực sứ mạng của Giáo hội và đáng được công nhận, vì họ là nguồn phong phú không chỉ cho việc dạy giáo lý, mà còn cho toàn bộ lịch sử linh đạo Kitô giáo.” (Thừa tác vụ cổ kính số 3). (Xem thêm:Tông huấn Loan Tin mừng (Evangelii Nuntiandi - EN)[12]

Giáo Hội luôn nghĩ và xác tín như thế về Giáo lý viên. Nói cách khác, ơn gọi và đời sống mang tên “giáo lý viên” thuộc “cảm thức đức tin” của Dân Chúa chứ không là “sự đáp ứng nhu cầu” mang tính thời sự. Vì thế, điều còn lại là chúng ta hãy luôn mang tâm tình cảm tạ, tự hào và xác tín về chính ơn gọi và sứ mệnh của mình: một ơn gọi cao quý, một sứ mệnh cần thiết.

II. SỐNG ĐỜI GIÁO LÝ VIÊN CÓ GÌ HAY? 

(Để xác tín về con đường nên thánh và hạnh phúc của mình)

Trước khi đến gặp gỡ và “ở lại” với Thầy Giêsu, Nathanaen đã có một nhận định khá tiêu cực: “Ở Nadarét có cái gì hay đâu?” (Ga 1,45-46). Nhưng một khi đã gặp Đức Kitô và được chính Ngài dạy dỗ bảo ban, Nathanaen “biến đổi 180 độ” để trở nên Tông đồ sống chết cho sứ mệnh.

Đối với chúng ta, những Giáo lý viên, cũng thế thôi. Hiểu biết, ý thức về ơn gọi, về phẩm giá của Giáo lý viên thì bất cứ ai cũng có thể có; nhưng phải dấn thân, phải sống chính ơn gọi đó bằng chính cuộc đời mình… thì mới cảm nhận được “cái hay”, cái “giá trị đích thực và cao quý” của ơn gọi nầy, sứ mệnh nầy, mà một Kitô hữu bình thường, không tham gia gì hết, sẽ không có được.

Và đây là vài nét đặc trưng trong đời sống của một “giáo lý viên đích thực”:

1. Giáo lý viên luôn mang “kho tàng vô giá”: Thiên Chúa và Giáo Hội:

1.1. Một đức tin luôn sống động:

Có Chúa Ba Ngôi luôn ở cùng: Trong tài liệu “Hành trang Giáo lý viên có những lời sau: “Giáo lý viên phải có một đức tin sống động, thực vậy, chỉ có ai có kinh nghiệm bản thân về Thiên Chúa mới có thể đưa anh em mình đến Thiên Chúa. Kiến thức chuyên môn của một viên kỹ sư không cần phải ăn khớp với hạnh kiểm của mình, những trái lại một giáo lý viên không thể truyền đạt giáo lý nếu không sống chính điều mình dạy, bởi vì giáo lý không phải là một kiến thức mà là một sự sống”[13].

Đây cũng chính là điều được tài liệu “Hướng dẫn Giáo lý viên” (GC) nhấn mạnh: Giáo lý viên phải được lôi cuốn vào bầu khí của Chúa Cha, Đấng ngỏ lời; của Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng chỉ loan báo mọi lời đã nghe được từ Chúa Cha (Ga 8, 26; 12, 49); của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí và sưởi ấm con tim để giúp hiểu Lời Chúa, trung thành yêu mếu và thực thi Lời Chúa (Ga 16, 12 –14). Như thế linh đạo giáo lý viên bén rễ trong Lời hằng sống theo chiều kích Ba Ngôi, như thấy trong ơn cứu độ và trong sứ mạng phổ quát. Điều này bao hàm một thái độ liên kết bên trong, tức là tham dự vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ (1 Tm 2, 4); là hiệp thông với Đức Kitô, bằng cách chia sẻ các “tâm tình” của Người (Pl 2,5) và như thánh Phaolô, sống kinh nghiệm về sự hiện diện thường xuyên và khích lệ của Đức Kitô; “Đừng sợ… vì Ta ở cùng con” (Cv 18, 9 – 10), bằng cách để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi thành chứng nhân can đảm của Đức Kitô và thành người loan báo Lời Chúa có kinh nghiệm.” (GC 7).

1.2. Một đời sống hiệp thông với Hội Thánh để “kể câu chuyện tình yêu”:

Khi một đời sống thấm nhuần niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi chắc chắn sẽ làm cho người giáo lý viên gắn kết và hiệp thông sâu xa với Hội Thánh để cùng với Hội Thánh chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Đức Kitô đã ủy thác. Đây chính là điểm nhấn được Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI lưu ý trong tông huấn Loan Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi): “đã được sai đi và đã được Phúc Âm hóa, nên chính Giáo Hội lại sai phái những kẻ loan truyền Tin Mừng. Giáo Hội đặt nơi miệng họ lời cứu rỗi, Giáo Hội giải thích cho họ sứ điệp mà chính Giáo Hội gìn giữ, Giáo Hội ban cho họ quyền mà Giáo Hội đã lãnh nhận và sai họ đi rao giảng… Như thế giữa Đức Kitô, Giáo Hội và việc Phúc âm hóa có một mối liên hệ sâu xa. Trong “Thời của Giáo Hội này” chính Giáo Hội có bổn phận rao giảng Tin Mừng. Bổn phận không thể hoàn tất mà không có Giáo Hội, càng không thể hoàn tất nếu chống lại Giáo Hội.” (EN 15,16).

Thế nhưng, giáo lý viên cần luôn ghi nhớ lời cảnh giác của Đức Giáo hoàng Phanxicô: Giáo Hội không là một “tổ chức phi chính phủ”, một cơ cấu mang dáng đứng kinh tế xã hội phàm trần hay “bộ máy hành chính”, mà đích thị là “câu chuyện về tình yêu”; và trong câu chuyện đó có chúng ta, “chúng ta chính là Hội Thánh” chứ không phải ai khác; bởi vì chúng ta chính “cành nho trong thân nho” (Ga 15,5), là “chi thể trong một Thân mình” (1 Cr 12,27)[14].

Như vậy, có thể tóm tắt những “chiều kích thiêng liêng” gắn liền với đời sống của một giáo lý viên đích thực, đó là:

- Tinh thần con thảo với Chúa Cha để phục vụ thánh ý.

- Đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để làm chứng và chia sẻ.

- Được thánh hóa và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần để kiện toàn ơn gọi Kitô hữu.

- Được hiệp thông với Hội Thánh để dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

2. Giáo lý viên luôn được tiếp cận thực hành đời sống đức tin để nên thánh:

2.1. Thường xuyên tiếp xúc với “nguồn thánh thiện”:

Người ta vẫn thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Được trang bị những “hành trang thiêng liêng” tuyệt vời như thế, đời sống của giáo lý viên lại có cơ hội thường xuyên để tiếp cận, chia sẻ, chuyển tải, dạy dỗ… những “chân lý đức tin”,”Tin mừng ơn cứu độ”…, thì chắc chắn, con đường “nên thánh”, hoàn thiện bản thân của người giáo lý viên phải luôn như ngọn đèn cháy sáng.

Chúng ta dễ dàng tìm thấy ý nghĩa và nội dung nầy nơi tài liệu “Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017” của Văn Phòng Ủy Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN:

Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với nhân loại.” (số 39)

Việc dạy giáo lý có nhiệm vụ làm cho sự hoán cải ban đầu được hoàn hảo, việc tuyên xưng đức tin trở nên sống động, minh nhiên và hữu hiệu: sống động nhờ luôn biết học hỏi, khám phá, tìm kiếm; minh nhiên bởi đức tin được biểu lộ một cách rõ ràng qua việc tham gia các hoạt động mục vụ; hữu hiệu nghĩa là đức tin được sống, được chuyển thành kinh nguyện, được chia sẻ và được rao giảng. Tóm lại, việc dạy giáo lý phải chu toàn các nhiệm vụ khác nhau nhưng bao hàm lẫn nhau, đó là giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo.” (Số 40).

2.2. Giáo lý viên luôn là một “chứng nhân” hơn là “thầy dạy”:

Không gì hơn, chúng ta nghe lại chính lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trong tông huấn Loan Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi): “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thây dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”.

Thánh Phêrô đã diễn tả rõ rệt điều này khi Ngài đưa ra một cách sống trong sạch và đáng kính “Không dùng lời nói nhưng lại chinh phục được cả những kẻ từ chối tin vào Lời” (1P 3,1). Vì vậy chính bằng cách xử thế, bằng đời sống mà Giáo Hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng.” (EN 41).

Đây cũng là điều mà Thánh bộ Phúc Âm hóa các dân tộc lặp lại riêng cho các giáo lý viên: “Giáo lý viên phải có một đời sống thống nhất và đích thực. Trước khi dạy giáo lý, họ phải là giáo lý viên. Chân lý về đời sống giáo lý viên xác định tính cách họ phải có khi thực thi sứ mạng. Thật chẳng tương hợp chút nào, nếu giáo lý viên không sống điều mình dạy, và chỉ nói theo sách vở về một Thiên Chúa mình chẳng mấy thân thuộc. Chớ gì giáo lý viên áp dụng cho mình điều thánh sử Maccô đã nói về ơn gọi các tông đồ: ‘Người lập nhóm Mười Hai để sống với Người và để Người sai đi rao giảng Tin Mừng’ (Mc 3, 14 – 15)” (GC 8).

Như vậy chúng ta có thể tóm tắt: Giáo lý viên dễ dàng thực hiện hoàn thiện bản thân nhờ:

- Hiểu biết và canh tân kho tàng giáo lý đức tin (Nhờ đào sâu, học hỏi, chuẩn bị...)

- Thường xuyên áp dụng thực hành chân lý đức tin (Nhờ việc dạy giáo lý…)

- Luôn sống đời nhân chứng (nhờ sống nhân bản, cầu nguyện, bí tích, phục vụ).

III. GIÁO LÝ VIÊN, ĐỨNG BÊN LỀ HAY HIỆP HÀNH VỚI GIÁO HỘI 

(Để canh tân đời sống và sứ vụ)

Không là những “kẻ đứng bên lề” nhưng giáo lý viên luôn hòa chung nhịp đập với trái tim Giáo Hội (Sentire cum Ecclesia), luôn sống và bước đi trong ánh sáng “hiệp hành” của dân Chúa.

1. Thái độ của Giáo lý viên trước “những đám mây đen đồi trụy và tục hóa”.

1.1. Không ảo tưởng về một Giáo Hội tại thế “không tì ố, không vết nhăn”:

Đứng trước những “đám mây mù”, những sự kiện “hổ mặt hổ mày” trong lòng Hội Thánh, ngay cả từ nơi “các đấng có chức quyền”…, giáo lý viên không nãn lòng, thất vọng; nhưng luôn vững lòng trông cậy và ý thức rằng: chúng ta, các giáo lý viên, những người thuộc “đàn chiên nhỏ” của Chúa Giêsu, chúng ta luôn ý thức thân phận của mình và của cả Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập cũng như sứ mạng được Ngài giao phó, đó là: nuôi dưỡng , thương yêu, nâng đỡ cho mọi con cái không phân biệt mầu da, tiếng nói và văn hóa; đặc biệt lưu tâm đến các đứa con bệnh hoạn, tức những người tội lỗi để ân cần  chữa lành cho chúng, theo gương Chúa  Kitô, Đấng  đến “như Thầy thuốc đi tìm người đau ốm để chữa trị chứ không tìm người mạnh khỏe, không cần thấy thuốc”. Hay nói khác đi, “Chúa không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” ( Mt 9,13). Đây cũng chính là chân lý mà mục sư Richard Wurmbrand đã nại đến khi dùng hình ảnh Hội Thánh như “nhà thương” (hôpital), như “người mẹ”, như “biển cả” để luôn bênh vực, cưu mang những đứa con tội lỗi, mang đầy thương tích[15].

1.2. Nhận diện “bàn tay lông lá của ma quỷ” và chiến thắng bằng vũ khí của Chúa Giêsu:

Chính Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý chúng ta: “Anh chị em ơi, ngày nay chúng ta thấy mình trước một biểu hiện của một sự xấu xa trơ trẽn, hung dữ và hủy hoại. Đằng sau và bên trong nó, là ma quỷ,… chúng ta cần phải sử dụng các phương thế siêu nhiên mà chính Chúa dạy chúng ta: đó là khiêm nhường, tự cáo buộc mình, cầu nguyện và đền tội. Đây là cách duy nhất để thắng vượt ma quỷ. Đó chính là cách Chúa Giêsu đã chiến thắng nó…”[16].

2. Sự đáp trả của Giáo lý viên trước tiếng gọi “Tân phúc âm hóa” (Evangelii Gaudium) và “Nên thánh” (Gaudete et Exsultate).

2.1. Giáo lý viên luôn cần “hoán cải mục vụ”: Không phải sống đạo theo lối “xưa bày nay làm”, loay hoay củng cố một cộng đoàn khép kín và ngại dấn thân, mở lối mới... Phải nghe lệnh truyền của Chúa Giêsu mà mạnh dạn “chèo ra chỗ nước sâu” (Lc 5,4), nghe lời Hội Thánh gọi mời “đi ra” qua tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (EG) của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG 20); “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình…” (EG 49).

2.2. Giáo lý viên: người rao giảng vui tươi: Chúng ta có thể tiếp tục lắng nghe: “Do đó người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (EG 10).

2.3. Giáo lý viên hãy là “những vị thánh trẻ của thời đại”[17]: phải sống anh hùng, khao khát nên thánh; không sống cách mỏi mệt, thất vọng nhưng luôn tràn đầy sức sống thần linh, nhiệt huyết của tuổi trẻ Công Giáo…, như lời hiệu triệu của Đức Phanxicô trong tong huấn “Hãy vui mừng và hoan hỷ” (Gaudete et Exsultate): “Các bạn trẻ thân mến, tốt hơn hết các con đừng đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Các con đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời mình trước cái màn hình. Đừng để mình rơi vào cảnh tượng thê thảm như của một chiếc ôtô phế thải. Đừng như những chiếc xe nằm trong bãi đậu xe, nhưng hãy ước mơ thỏa chí  và hãy đưa ra những quyết định. Các con hãy mạo hiểm, dù có thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn đã tê dại và đừng nhìn thế giới như những khách du lịch. Hãy lên tiếng! Hãy xua tan những nỗi sợ khiến các con tê liệt, để không trở thành những người trẻ như xác ướp. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở các cánh cửa lồng ra và bay đi! Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé.” (GE 43).

3. Giáo lý viên trong định hướng “Hiệp Hành” của Giáo Hội.

3.1. Giáo lý viên là những người “rủa chân cho anh chị em”, người “mang lấy mùi chiên”: “mùi chiên” đó là các học viên giáo lý, là những người thân yêu trong gia đình, là bạn bè, anh chị em trong giáo xứ, là những người tiếp xúc gặp gỡ hằng ngày trong công việc mưu sinh… Giáo lý viên không đặt mình thành một thứ “luật sĩ hay biệt phái” cách biệt, ăn trên ngồi trước, mà là, như giáo huấn của Chúa Giêsu, “Người rửa chân cho anh chị em” (Ga 13,5-14); hay như gọi mời của Đức Phanxicô: “Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; công đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu. Cộng đoàn này cũng quen với việc kiên nhẫn chờ đợi và sự chịu đựng tông đồ.” (EG 24).

3.2. Đặc biệt, giáo lý viên sống và thực thi định hướng “hiệp hành” mà Thượng Hội Đồng Gám Mục thứ XVI đang triển khai trên Giáo Hội hoàn vũ: Không làm việc một mình mà luôn biết cọng tác; không độc đoán chủ quan mà luôn biết khiêm hạ lắng nghe; không gây bè kết nhóm để rẽ chia, phân tán mà quy tụ, hiệp nhất để xây dựng tình hiệp thông…: “Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…”[18].

IV. GIÁO LÝ VIÊN LỚN LÊN TRONG “TỪ ĐƯỜNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN

1. Giáo lý viên trân trọng gia tài và công đức của các vị “tiền nhân đức tin”:

Giáo lý viên Giáo phận Qui Nhơn chúng ta rất tự hào và hãnh diện là cháu con của các vị tiền nhân thuộc thế hệ đầu tiên[19] mang hạt giống Tin Mừng gieo trồng trên mảnh đất “Miền Trung đất cày lên sỏi đá” nầy, như Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục Giáo phận, đã tóm tắt trong Bài giảng Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 400 năm Giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng vào chiều 26.7.2027 tại Làng Sông: “Hòa chung với dòng máu tử đạo của các chứng nhân đức tin, còn có biết bao mồ hôi và nước mắt của các thế hệ tiền nhân qua dòng thời gian suốt 400 năm qua, từ buổi sơ khai tại cảng thị Nước Mặn một thời vang bóng cho đến hôm nay. Đó là các thừa sai Dòng Tên đã lập cư sở đầu tiên của dòng tại Nước Mặn, vừa làm khởi điểm truyền giáo, vừa làm chiếc nôi của chữ quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất. Tiếp đến là Đức cha Phêrô Lambert de La Motte, vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của Giáo  Đàng Trong, người đã truyền chức linh mục cho người Việt tiên khởi là cha Giuse Trang, quê ở Quảng Ngãi, vào ngày 31 tháng 03 năm 1668 và đã thành lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá của Đàng Trong tại An Chỉ (Quảng Ngãi) vào năm 1671. Từ đó đến nay các vị Giám mục cùng với các linh mục, tu sĩ, thầy giảng và giáo dân, đã đồng lao cộng khổ để canh tác trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận, để làm cho hạt giống Tin Mừng tiếp tục sinh sôi nẩy nở, bất chấp mọi khó khăn thử thách…”.

Mà không chỉ tự hào và hãnh diện, quan trọng đó là biết vận dụng kinh nghiệm truyền giảng Tin Mừng và di sản đức tin và văn hóa các ngài để lại hầu để phát huy và và canh tân công cuộc huấn giáo trong điều kiện và hoàn cảnh hôm nay.

2. Giáo lý viên trung thành với truyền thống đức tin: Các Vị Tử đạo của Giáo Phận:

Giáo lý viên Giáo phận Qui Nhơn lại càng tự hào và hãnh diện hơn nữa khi chúng ta hôm nay chính là hoa trái của những hạt lúa mì mục nát là các cha ông tiên tổ anh hùng tử đạo. Vâng, chúng ta chính là thế hệ con cháu các vị tử đạo, một thiên trường ca mà Đức Cha Matthêô đã tóm tắt cũng trong Bài Giảng Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 400 năm: Chân phước Anrê Phú Yên được gọi làNgười chứng thứ nhất” vì Ngài là người đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam đã làm chứng cho Tin Mừng một cách công khai và chính thức trước mặt quan quyền, mở màn cho cả một truyền thống chứng nhân tử đạo ở những thế kỷ tiếp theo tại Việt Nam nói chung, và tại Giáo phận Đàng Trong, Đông Đàng Trong, rồi Qui Nhơn nói riêng. Thực vậy, chỉ ít năm sau ngày Giáo phận Đàng Trong được thành lập, vào cuối năm 1664 sang đầu năm 1665, một cuộc bách hại đã xảy ra, nhiều tín hữu đã can đảm hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin, trong số đó nổi tiếng nhất là cuộc tử đạo của bốn anh hùng đức tin Quảng Ngãi: ông Tôma Tín, ông Tôma Nghệ, ông Đa Minh và ông Bênêđictô. Một hồ sơ xin phong chân phước cho các vị tử đạo trong cuộc bách hại này đã được Đức cha Phêrô Lambert de la Motte gửi về Rôma, nhưng rất tiếc đã bị thất lạc. Tiếp đến, tại Bình Định có ba khuôn mặt chứng nhân đức tin nổi bật là thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính, linh mục, tử đạo năm 1833; thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả, tử đạo năm 1855; thánh Stêphanô Théodore Cuénot Thể, Giám mục, tử đạo năm 1861; nhiều vị tử đạo trong những năm 1860 đến 1862, trong số đó có 16 vị đã được Giáo Hội đưa vào danh sách các Tôi tớ Chúa. Đó là những đại diện tiêu biểu của cả một truyền thống anh hùng tử đạo qua các thời kỳ bao gồm mọi thành phần dân Chúa từ giáo sĩ, tu sĩ, thầy giảng và giáo dân. Nhưng đông đảo nhất là số người bị giết vì đạo trong cuộc tàn sát của phong trào Văn Thân vào năm 1885 tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Quảng Ngãi: 5.600 người, Bình Định: 8.940 người, Phú Yên: 5.780 người. Tổng cộng: 20.320 người…”

3. Giáo lý viên sống linh đạo “tình yêu đáp trả” của Á Thánh Thầy giảng Anrê Phú Yên:

Trong buổi đầu Tin Mừng vừa đến với quê hương Việt Nam “đang thời mở cõi”, đã có một Kitô hữu tân tòng, một Giáo lý viên, cũng đã sống và làm chứng cho “TÌNH YÊU” bằng một sự “ĐÁP TRẢ” tuyệt vời là chính cuộc “Tử Đạo” oai hùng của mình. Đó chính là Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hoàn tất hiến lễ tình yêu và chiều ngày 26.7.1644 và được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh ngày 5.3.2000 mà di chúc thiêng liêng của ngài còn lưu lại có thể tóm tắt trong một linh đạo mang tên: TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU: “Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống…”… “Hỡi anh chị em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta.”… “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”[20].

Người Giáo lý viên hôm nay, phải chăng, chỉ cần sống trọn hảo “sáu từ” mà Á Thánh Anrê Phú Yên trối lại như một di chúc tinh thần “TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU”, thì chắc chắn đã hoàn thành trọn hảo ơn gọi và sứ vụ của mình.

KẾT LUẬN: 

Đến câu chuyện vườn nho: “Hãy đi vào vườn nho!”

Đọc chung Tin Mừng: Mt 20,6-7:

Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? “Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”.

Xin được mượn chính lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn “Kitô hữu giáo dân” (Christifideles Laici) để hiểu thêm về ngụ ý của chính Chúa Giêsu trong “dụ ngôn vườn nho”; đặc biệt câu nói của “ông chủ vườn nho”: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”

Cả các anh nữa: Lời mời gọi không chỉ gửi tới các vị Chủ chăn, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhưng tới mọi người: cả các giáo dân cũng được mời gọi đích danh, nhận lãnh từ Ngài một sứ vụ đối với Giáo Hội và thế giới. Khi giảng thuyết cho các Kitô-hữu, Thánh  Grêgôriô Cả nhắc lại điều đó khi ngài diễn giải dụ ngôn thợ làm vườn nho trong một bài giảng cho dân chúng: “Anh em thân mến, hãy lưu ý một chút về cách sống của anh em, hãy nghiêm chỉnh xét xem anh em có phải đã là thợ làm vườn của Chúa không. Mỗi người hãy tự xét việc mình làm và nhận định xem mình có làm việc trong vườn nho của Chúa hay không…”  (KTHGD số 2).

Các bạn giáo lý viên ơi! Khiêm hạ làm chú “lừa con còng lưng cõng Chúa Giêsu vào thành” hay sẵn sàng chấp nhận “dãi dầu mưa nắng làm anh thợ vườn nho Giáo Hội” chắc chắn sẽ không được nhiều fan hâm mộ hay thu nhập cao như nhóm nhạc nữ BlackPink của Hàn Quốc vừa biểu diễn và gây hiện tượng “lên đồng” nơi giới trẻ tại Hà Nội. Tuy nhiên không vì thế mà các bạn nãn lòng hay “bỏ cuộc chơi”, đúng hơn, một cuộc dấn thân trong “cuộc chơi xây dựng vương quốc Nước Trời”; một công việc xem ra âm thầm, lặng lẽ như “một cánh rừng đang mọc”.

Nếu có khi nào bạn nãn lòng hay mệt mỏi với sứ vụ, có khi nào bạn bị cám dỗ buông trôi hay thoái thác chối từ đặc sủng được ân trao, bạn hãy nhớ lại hai Lời của Thầy Chí Thánh: “Vì Ta cần đến nó” – “Hãy đi vào vườn nho ta”.

Lễ Thánh Gioan Maria Vianney – 04.08.2023

Nguồn: gpbuichu.org (29.07.2023)



[1] Roger Marie Élie Etchegaray  (sinh ngày 25 tháng 9 năm 1922)  là một Hồng y người Pháp của Giáo hội Công giáo Rôma.  Etchegaray từng là tổng giám mục của Marseille từ năm 1970 đến năm 1985 trước khi vào giáo triều Rôma, nơi ngài từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình (1984-1998) và Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum (1984 - 1995). Ngài đã được vinh thăng hồng y trong Công nghị Hồng y năm 1979. Ngài đã đến viếng thăm Việt Nam 3 lần trong thời gian từ 1989-1990 như một đặc sứ của Tòa Thánh để xây dựng những bước tích cực trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam cụ thể đó là: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 13/ 1/ 2011 đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện Tòa Thánh không thường trú đầu tiên tại Việt Nam… Đức Hồng Y Etchegaray qua đời ngày 2.9.2019, hưởng thọ 97 tuổi.

[2] ĐHY ROGER ETCHEGARAY. Nguyên tác: J'avance comme un âne – Như một con lừa…tôi tiến bước, dịch giả: Nguyễn Thị Chung, nxb Tôn Giáo 2010.

[3] Sđd, tr. 5-6.

[4] Gr 20,7: “Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mnh hơn con và Ngàđã thng”.

[5] GH, số 7: “Như tất cả các chi thể của thân thể, tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một hân thể, thì các tín hữu trong Đức Kitô cũng vậy (x. 1 Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô, rất cần đến sự đa dạng của các chi thể và phận vụ. Chỉ có một Thần Khí duy nhất là Đấng ban những ân huệ khác nhau theo sự sung mãn của Người và tuỳ nhu cầu của các tác vụ vì ích lợi của Giáo Hội” (x. 1 Cr 12,1-11).

[6] TĐGD, số 2: “Tính cách đặc thù của bậc giáo dân là sống giữa thế gian và giữa các công việc trần thế, họ được Thiên Chúa mời gọi để nhiệt thành thực thi việc tông đồ với tinh thần Kitô hữu như chất men thấm vào thế giới”

[7] THÁNH BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC, Hướng dẫn Giáo lý viên (Guide for Cathechists, 1993 – Viết tắt: GC), số 2.

[8] TS. TÔMA NGUYỄN DƯ DANH, Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viênwebsite https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/on-goi-can-tinh-va-su-mang-cua-giao-ly-vien-46361

[9] GC, sđd, số 4:Giáo lý viên không phải đơn thuần chỉ là người giúp đỡ linh mục, nhưng thực sự là chứng nhân của Đức Kitô trong cộng đoàn của mình”.

[10] ĐGH PHANXICÔ, Thừa Tác vụ cổ kính (Antiquum Ministerium), Bản dịch của Ủy Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN 2021, số 1.

[11] AG, số 17: “Cũng thế, liên quan đến việc truyền giáo cho lương dân, phải thật sự đề cao công lao to lớn của đội ngũ giảng viên giáo lý, nam cũng như nữ, những người thấm nhuần tinh thần tông đồ, đã vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và vô cùng cần thiết cho việc truyền bá đức tin và mở rộng Giáo hội. Hiện nay, vì số giáo sĩ không đủ để đáp ứng cho việc rao giảng Tin Mừng cũng như thi hành mục vụ cho lượng người quá đông, nên phận vụ của các giảng viên giáo lý lại càng trở nên quan trọng hơn”

[12] EN, số 73: “Chắc chắn bên cạnh những thừa tác vụ có chức thánh, nhờ đó một số người được gọi vào hàng ngũ các chủ chăn và đặc biệt hiến thân phục vụ cộng đoàn, Giáo Hội còn nhìn nhận chỗ đứng của các thừa tác vụ, tuy không có chức thánh nhưng có đủ khả năng đảm nhận một dịch vụ đặc biệt của Giáo Hội.”

[13] TỦ SÁCH ĐỨC KITÔ NGUỒN SỐNG, Hành trang Giáo Lý Viên, Baton Rouge 1996, Bài 4, tr. 25.

[14] Định hướng mục vụ của Giáo phận Qui Nhơn trong năm 2023: MỘT CÂY NHO MỘT THÂN MÌNH (Ga 15,5; 1Cr 12,27).

[15] RICHARD WURMBRAND, Mes prisons avec dieu, Édition Francaise, Casterman 1969. P. 32, tạm dịch: “Một nhà thương có thể ươm mùi mủ và máu; nhưng đó là nơi mang vẻ đẹp tuyệt vời, vì là nơi đón nhận bệnh nhân với những vết thương ghê tởm và những căn bệnh khủng khiếp. Hội Thánh chính là nhà thương của Chúa Kitô. Hàng triệu bệnh nhân được tình yêu chữa lành. Hội Thánh chấp nhận tội nhân - họ tiếp tục phạm tội - và Hội Thánh mang lấy tội lỗi của họ.

[16] ĐGH PHANXICÔ, Diễn từ bế mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội, J.B. Đặng Minh An dịch, website http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/249056  

[17] ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II, Bài giảng trong đêm bế mạc Đại Hội giới trẻ thế giới lần thứ 17 năm 2002 tại Toronto“Vì thế, tối hôm nay, tôi nói với các bạn: hãy để cho ánh sáng Chúa Kitô chiếu sáng trong cuộc sống các bạn! Ðừng đợi đến lúc già hơn mới dấn thân tiến bước trên con đường thánh thiện! Sự thánh thiện luôn trẻ trung, cũng như sự trẻ trung trường cửu của Thiên Chúa”.

[18] CẨM NANG CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH (VADEMECUM FOR THE SYNODE ON SYNODALITY), tiểu mục 2: Các nguyên tắc của một Tiến trình hiệp hành (Sau đây sẽ dùng VADEMECUM).

[19] X. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017, Chương II, các thừa Sai Dòng Tên từ Ma Cao đến Đàng Trong, tr. 43-55.

[20] NHIỀU TÁC GIẢ, CHỦ BIÊN: LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Rực sáng một vì sao (Tài liệu tổng hợp về Á Thánh Anrê Phú Yên), nxb Tôn giáo 2006, tr. 4. (Xem thêmPositio super Martyrio, vol. Ii, Rapport de la commission historique et appendices sumarrium, Romae, 1998, p. 17-18, notes 24,25,26).