ƠN GỌI, CĂN TÍNH VÀ
SỨ MẠNG CỦA GIÁO LÝ VIÊN
WHĐ (11.8.2022) – Giáo lý viên
trước hết là một ơn gọi được Thiên Chúa ban tặng cho Giáo Hội. Ơn gọi đó trao
ban cho họ một sứ mạng và vai trò nào trong Hội Thánh?
DANH MỤC VIẾT TẮT
AM: Thừa tác vụ cổ kính (Antiquum Ministerium). 2021
GC: Guide for Catechists. 1993
GDFC: General Directory for Catechesis, 1997.
GDFC 2020: Directory for Catechesis, 2020.
GH: Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”. 1964
GL: Bộ Giáo luật 1983.
KTHGD: Tông huấn Kitô hữu giáo dân “Christifideles Laici”.1988
1. ƠN GỌI GIÁO LÝ VIÊN
Ơn gọi giáo lý viên được Hội
Thánh xác nhận và coi đó là đặc sủng Thiên Chúa ban cho Hội Thánh. Ơn gọi này
mang tính chuyên biệt và tổng quát.
1.1 Ơn gọi giáo lý viên được công nhận bởi Hội
thánh
Trong
Hội Thánh có nhiều bậc sống khác nhau tùy theo đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho[1]. Thánh Phaolô ví các thành
viên trong Hội Thánh như những chi thể trong một thân thể[2].
Mỗi chi thể đó là những viên đá sống động xây dựng toà nhà Hội Thánh[3]. Thánh Bộ Phúc Âm hóa các
Dân tộc hướng dẫn về ơn gọi như sau:
“Trong Hội Thánh, mỗi người được rửa tội đều được Chúa Thánh Thần mời gọi
một cách riêng tư, góp phần làm cho Nước Thiên Chúa mau đến. Bậc giáo dân có
nhiều ơn gọi khác nhau hay nhiều con đường thiêng liêng và hoạt động tông đồ
khác nhau liên quan đến mỗi tín hữu giáo dân. Trong ơn gọi “chung” là giáo dân, nhiều ơn gọi “riêng” nảy sinh” (GC 2).
Trong ơn gọi chung là giáo dân,
ơn gọi giáo lý viên nảy sinh. Đó là một đặc sủng Thiên Chúa ban cho Giáo Hội để
phục vụ cộng đoàn. Họ phục vụ Hội Thánh qua công việc dạy giáo lý và hoạt động
tông đồ truyền giáo.
Ơn gọi Giáo lý viên được Hội
Thánh công nhận:
“Giáo lý viên không phải đơn thuần chỉ là người giúp đỡ linh mục, nhưng
thực sự là chứng nhân của Đức Kitô trong cộng đoàn của mình” (GC 4).
Bởi thế, giáo lý viên không chỉ
là người cộng tác với các linh mục, mà họ có một ơn gọi riêng: ơn gọi làm giáo
lý viên. Ơn gọi đó bắt nguồn từ Bí tích
Thánh tẩy và Thêm sức[4].
Ngày 10/5/2021, Đức Thánh Cha
Phanxicô trong Tông thư dưới dạng tự sắc Antiquum Ministerium đã lượt lại những
điểm quan trọng của thừa tác vụ cổ kính này trong Hội Thánh và ngài đã quyết định
thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên[5] cho giáo dân đã được chuẩn bị
đầy đủ . Ngài cũng đề nghị các Hội Đồng Giám mục hãy làm cho thừa tác vụ giáo
lý viên trở nên hiệu quả bằng việc huấn luyện cho họ về toàn diện nhất là về
“Thánh Kinh, thần học, mục vụ và sư phạm” để họ có thể chu toàn sứ mạng được
trao[6]. Ngày 13/12/2021, Đức tổng
giám mục Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành
hướng dẫn và nghi thức phụng vụ mới trao thừa tác vụ giáo lý viên. Nghi thức
này sẽ là một trong những nghi thức phụng vụ được sử dụng để trao thừa tác vụ
giáo lý viên.
1.2 Ơn gọi giáo lý viên một đặc sủng
Ơn
gọi giáo lý viên không phải là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu. Đó là ơn gọi
riêng biệt được dành cho việc huấn giáo. Ơn gọi này đến từ lời mời gọi đặc biệt của Chúa Thánh Thần [7] hay “một đặc sủng được Hội Thánh
nhìn nhận” và được Giám mục minh nhiên uỷ nhiệm:
“Ơn gọi giáo lý viên không những bắt nguồn từ bí tích Thánh tẩy và Thêm
sức, mà còn do lời mời gọi đặc biệt của Chúa Thánh Thần hay một “đặc sủng được Hội Thánh nhìn nhận” và được Giám mục minh nhiên uỷ nhiệm. Điều
quan trọng là làm thế nào để ứng sinh giáo lý viên nhận ra ý nghĩa siêu nhiên
và giáo hội của lời mời gọi ấy, hầu có thể đáp trả như Ngôi Lời: “Này đây, Con
xin đến” (Dt 10, 7) hoặc như ngôn sứ Isaia: “Này con đây xin hãy sai con” (Is
6, 8)” (GC 2).
Như thế, ơn gọi giáo lý viên được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn và mời gọi, được Hội Thánh công nhận làm cộng tác
viên trong nhiệm vụ đặc biệt là rao truyền Lời Chúa và làm chứng cho Chúa Kitô.
Thánh Phaolô cũng nói lên đặc sủng được Thiên Chúa kêu gọi rao giảng Tin Mừng:
“Làm sao kêu lên với Đấng mà họ không
tin, làm sao tin Đấng mà họ đã không được nghe, làm sao nghe được nếu không có
người rao giảng, làm sao rao giảng nếu người ấy không được sai đi” (Rm 10,
14 - 15). Qua Đức Giám mục giáo phận[8],
giáo lý viên được gọi, được chọn và sai đi. Đặc biệt năm 2021, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã nâng giáo lý viên lên thừa tác vụ và giao cho Bộ Phụng Tự và Kỷ luật
các Bí tích ban hành nghi thức nhận thừa tác vụ quý báu này[9].
Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành nghi thức trao thừa tác vụ giáo lý
viên vào ngày 13/12/2021[10]. Như thế, từ khi nghi thức
này được ban hành, các giáo lý viên được tuyển chọn đúng theo yêu cầu của Tòa
Thánh sẽ được nhận sứ mạng và ân sủng theo nghi thức phụng vụ được Tòa Thánh
ban hành.
1.3 Ơn gọi giáo lý viên: tính chuyên biệt và
tổng quát
Thánh bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc
còn nhấn mạnh đến giá trị và tính chuyên biệt của ơn gọi làm giáo lý viên trong
các xứ truyền giáo và mời gọi mọi người dấn thân để khám phá, nhận định và vun
trồng ơn gọi của mình:
“Trong thực tế truyền giáo, ơn gọi giáo lý viên vừa mang tính “chuyên
biệt” vì dành riêng cho việc huấn giáo, vừa mang tính “tổng quát” vì tham gia
vào các tác vụ tông đồ để gieo trồng và phát triển Hội Thánh” (GC 2).
Như thế ơn gọi giáo lý viên là ơn
gọi vô cùng cao quý. Hội Thánh luôn luôn quan tâm và mời gọi con cái mình khám
phá ra ơn gọi cao quý này để biết dấn thân không mệt mỏi cho công việc huấn
giáo và rao giảng Tin mừng.
2. CĂN TÍNH GIÁO LÝ VIÊN
Thánh bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc
xác định căn tính giáo lý viên trong các xứ truyền giáo gồm 4 đặc điểm:
(1) Được Chúa
Thánh Thần kêu gọi
(2) Được Giáo hội
ủy nhiệm và sai đi
(3) Được cộng
tác với Đức Giám mục giáo phận trong sứ vụ rao giảng Tin mừng
(4) Được liên kết
đặc biệt với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh
“Giáo lý viên trong các xứ truyền giáo được nhận diện căn cứ vào 4 yếu
tố chung và riêng: Lời mời gọi của Chúa Thánh Thần; Sự sai đi của Hội Thánh; Sự
cộng tác với chức vụ tông đồ của Giám mục; một mối liên hệ đặc biệt đến với hoạt
động truyền giáo của Hội Thánh, hoạt động đến
với muôn dân.” (GC 2)
Qua
sự chỉ dẫn của Thánh bộ, ta nhận diện được ai là giáo lý viên nhờ 4 đặc điểm:
2.1 Giáo lý viên là người được Chúa Thánh Thần
kêu gọi.
Phải xác tín rằng mọi ơn gọi
trong Hội Thánh đều khởi đi từ Thiên Chúa. Chính vì thế, mỗi Kitô hữu cần lắng
nghe Chúa Thánh Thần để nhận ra lời mời gọi của Ngài[11].
2.2 Giáo lý viên là người được Hội Thánh uỷ
nhiệm và sai đi.
Làm sao ta biết chắc chắn mình được
Chúa Thánh Thần mời gọi làm giáo lý viên? Dấu chỉ cho biết Chúa Thánh Thần gọi
đó là mình được Hội Thánh uỷ nhiệm, sai đi, cụ thể là qua Đức Giám mục giáo phận.
2.3 Giáo lý viên được cộng tác với Đức Giám
mục giáo phận trong sứ mệnh tông đồ của ngài.
Giáo lý viên làm tông đồ là thông
phần vào chính sứ mạng cứu độ của Hội Thánh[12],
sứ mạng mà các Giám mục được tham dự cách trọn vẹn nhờ Bí tích Truyền chức
thánh. Như thế, giáo lý viên được cộng tác và chia sẻ trách nhiệm với các Giám
mục trong sứ vụ cao cả đó. Vì là người cộng tác, nên giáo lý viên không làm việc
tông đồ theo ý riêng của mình, nhưng theo sự hướng dẫn của Giám mục giáo phận.
2.4 Giáo lý viên là nhà truyền giáo
Giáo lý viên có mối liên hệ hết sức
chặt chẽ với hoạt động truyền giáo truyền
giáo của Hội Thánh. Thiếu yếu tố này, giáo lý viên đánh mất căn tính của
mình vì tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo, và mỗi kitô hữu cũng là nhà truyền
giáo[13].
3. VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ GIÁO LÝ VIÊN
Sau khi xác định được ơn gọi và
căn tính giáo lý viên, chúng ta cần tìm hiểu sứ mạng của họ trong Hội Thánh.
3.1 Vai trò của giáo lý viên
Thánh bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc
cho chúng ta thấy được vai trò của giáo lý viên trong Hội Thánh:
“Vai trò của giáo lý viên được thực thi đúng đắn trong tương quan với
hoạt động truyền giáo. Phục vụ này vừa rộng lớn, vừa đa dạng: trước tiên, minh nhiên rao truyền sứ điệp Kitô
giáo, đồng hành với các dự tòng từ việc lãnh nhận các bí tích cho đến việc trưởng
thành đức tin trong Đức Kitô; kế đến, hiện
diện và làm chứng bằng cách thăng tiến con người, nỗ lực hội nhập văn hoá,
đối thoại” (GC 3).
3.1.1 Minh nhiên rao truyền sứ điệp Kitô giáo
Chỉ dẫn giáo lý viên của Thánh bộ
cho ta biết được vai trò của giáo lý viên liên
hệ chặt chẽ với hoạt động truyền giáo. Trước tiên họ phải minh nhiên loan báo sứ điệp Kitô giáo.
Minh nhiên loan báo sứ điệp kitô giáo là phải loan báo bằng lời nói. Điều này
khác với loan báo Chúa Kitô cách mặc nhiên như cầu nguyện, hy sinh; làm chứng bằng
đời sống nhất là bằng việc bác ái… Loan báo cách mặc nhiên không đủ vì vai trò
của giáo lý viên là phải loan báo minh
nhiên, loan báo bằng lời nói sứ điệp Tin Mừng cho những những người tin và
những người chưa tin để họ biết, yêu mến và bước theo và sống thông hiệp với
Người.
3.1.2 Đồng hành với các dự tòng, hiện diện và làm chứng
Tiếp đến, vai trò của giáo lý
viên là đồng hành với các dự tòng, hiện diện và làm chứng bằng cách thăng tiến con người, hội nhập và đối thoại.
Thánh bộ còn trích lại Thông điệp
Sứ vụ Đấng Cứu Độ để nói lên mối quan tâm đặc biệt của Hội Thánh đối với giáo
lý viên, coi họ là thành phần không thể thiếu được trong các Hội Thánh trẻ:
“Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu độ mô tả giáo lý viên như “những chuyên viên,
những chứng nhân trực tiếp, những người loan báo Tin mừng không thể thiếu; họ
là những người tiêu biểu cho sức mạnh cơ bản của các cộng đoàn tín hữu, đặc biệt
trong các Giáo Hội trẻ”(GC 3).
Giáo luật 1983 cũng dành một mục
cho các giáo lý viên đang dấn thân hoạt động truyền giáo và mô tả họ như “những giáo dân có trình độ và đời sống đạo hạnh,
dưới sự hướng dẫn của nhà truyền giáo, hiến thân lo giảng dạy giáo lý Tin mừng
và tổ chức các cử hành phụng vụ cũng như các việc bác ái.” (GL 785 § 1; hoặc
GC 3).
3.2 Nhiệm vụ
Các giáo lý viên trong các xứ
truyền giáo được giao phó cho nhiều nhiệm vụ:
3.2.1 Chuyên trách về huấn
Các giáo lý viên chuyên trách về huấn giáo được trao phó cho những hoạt
động như “giáo dục đức tin cho giới trẻ và người lớn, chuẩn bị cho các ứng sinh
và gia đình họ lãnh nhận các bí tích khai tâm, tham gia vào việc nâng đỡ giáo
lý viên như tĩnh tâm, gặp gỡ…” (GC 4). Con số giáo lý viên này rất đông trong
những giáo hội quan tâm đến việc phát triển vai trò giáo dân. Giáo hội Công
giáo Việt Nam hiện có hơn 64.000 giáo lý viên[14]
dạy giáo lý trong các nhà thờ, giáo xứ giáo họ và vùng truyền giáo.
3.2.2 Cộng tác với các thừa tác viên có chức thánh
Các giáo lý viên cộng tác với các thừa tác viên có chức
thánh trong yêu mến và vâng phục, dưới
nhiều hình thức hoạt động tông đồ khác nhau. Những người này được trao phó
cho các việc như: loan báo Tin mừng cho người ngoài Kitô giáo, dạy giáo lý cho
các dự tòng, giúp cộng đoàn cầu nguyện, đặc biệt là chủ toạ cử hành phụng vụ
ngày Chúa nhật khi không có linh mục, giúp đỡ bệnh nhân, cử hành nghi lễ an
táng, huấn luyện giáo lý viên trong các trung tâm đến việc đồng hành với các
giáo lý viên tự nguyện và hướng dẫn những sáng kiến mục vụ, thăng tiến con người
và công lý đến việc giúp đỡ người nghèo. Những giáo lý viên này thường chiếm ưu
thế trong các giáo xứ có địa hạt quá rộng, có nhiều tín hữu xa trung tâm, hay
những nơi thiếu các linh mục[15].
+ Các giảng viên giáo lý trong các trường học với nhiệm vụ là dạy giáo lý
cho các học sinh sinh viên đã chịu phép Thánh Tẩy và loan báo Tin mừng cho những
người chưa biết Chúa. Các giảng viên này đóng một vai trò rất quan trọng ở những
nơi mà chính quyền cho phép dạy giáo lý trong các trường công lập. Họ cũng có
vai trò quan trọng trong những nơi mà cơ cấu học đường trực thuộc Hội Thánh, và
ở những nơi đang có nỗ lực tái lập việc dạy giáo lý trong các trường học do nhà
Nước quản lý[16]. Ở Việt Nam chúng ta, hiện
chưa có trường Công giáo nào được hoạt động nên giáo lý chưa được dạy tại các
nhà trường. Việc học và dạy giáo lý chủ yếu được diễn ra ở các giáo xứ, giáo họ,
giáo điểm truyền giáo.
+ Các giáo lý viên ngày Chúa nhật, những người dạy giáo lý trong các trường
của giáo xứ. Những giáo lý viên này đóng vai trò quan trọng trong những nơi mà
chính quyền không cho phép dạy giáo lý trong các trường học. Bên cạnh giáo lý
viên ngày Chúa nhật còn có các giáo lý viên cho các nhu cầu mục vụ khác: giáo
lý viên linh hoạt trong các cộng đoàn cơ bản, các giáo lý viên cho binh sĩ, tù
nhân, di dân[17].
Thánh bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc
cho biết: “những chức vụ trên được xem là
chức vụ chuyên biệt của giáo lý viên hoặc như những hình thức phục vụ người
giáo dân dành cho Hội Thánh và cho sứ mạng của Hội Thánh” (GC 4). Sự phong phú của các chức năng trên
cho ta thấy được hoạt động tích cực của Chúa Thánh Thần trong những giáo hội trẻ.
Ơn gọi giáo lý viên thật cao quý vì đó là đặc sủng Chúa ban cho Hội Thánh. Làm thế nào để giúp cho giáo lý viên sống ơn gọi của mình, phát huy tối đa vai trò của mình trong đời sống Hội Thánh? Bản thân giáo lý viên cần làm gì để sống ơn gọi này? Các giám mục, các linh mục chánh xứ và các vị hữu trách đã đang và sẽ hỗ trợ các giáo lý viên sống ơn gọi ra sao? Những trở ngại mà giáo lý viên gặp phải trong việc thực thi sứ vụ và nhiều vấn đề tương tự sẽ được trình bày trong những bài kế tiếp.
THAM KHẢO
Code of Canon Law. 1983. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for the Clergy, General Directory for Catechesis, 1997.
Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for Evangelization
of Peoples, Guide for Catechists. Document
of vocational, formative and promotional orientation of Catechists in the
territories dependent on the Congregation for Evangelization of Peoples.1993.
Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Francis, Antiquum Ministerium (10 May, 2021). Retrieved from Vatican.va on
21 March 2022
GM Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật,
Giáo lý viên giáo phận Xuân Lộc Bước Đi (Catechists of Xuan Loc Diocese – Step
forwards). 2001
GM Phêrô Nguyễn Văn Viên, Quy chế
Huấn luyện Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam, 21/4/2019.
John Paul II, Post-synodal
Apostolic Exhortation, Christifedeles
Laici (30 December 1988). Retrieved
from Vatican.va on 21 March 2022
Pontifical Council for the
promotion of the New Evangelization, Directory
for Catechesis, 2020.
Vatican Council II, Dogmatic
Constitution on the Church Lumen Gentium (21
November 1964). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022.
[7] GDFC 2020, số 110 – 113 nói đến ơn gọi giáo lý viên và giáo lý viên là
“một chứng nhân đức tin và là người giữ kỷ niệm về Thiên Chúa; Một thầy giáo và
là nhà thần bí; một người đồng hành và là nhà giáo dục
GDFC 231 cho biết ơn gọi này
cũng đến từ lời mời gọi của Chúa Giêsu:
“Chúa Giêsu mời những người nam và những người
nữ, theo một cách đặc biệt, theo Ngài, thầy và là nhà đào tạo các môn đệ. Lời mời
gọi riêng của Đức Giêsu Kitô và mối tương quan đối với Ngài là sức mạnh sống động
thực sự của hoạt động giáo lý.
[8] Việc công nhận giáo lý viên trong giáo phận Xuân Lộc được Đức Giám mục
chỉ dẫn như sau: Giáo lý viên cấp I được đào tạo tại giáo xứ và do cha xứ công
nhận. Giáo lý viên cấp II được đào tạo tại giáo hạt và do cha quản hạt công nhận.
Giáo lý viên cấp III được đào tạo tại giáo phận và do Đức Giám mục giáo phận
công nhận (x. Toà Giám mục Xuân Lộc, Bước đi, số 17 – 27, tr. 13 –16).
Theo quy chế huấn luyện Giáo
lý viên – Huynh trưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam 2019, giáo lý viên –
huynh trưởng được thăng tiến qua 3 cấp: Cấp 1, cấp 2 và cấp 3 với Lễ tuyên hứa.
Nội dung huấn luyện về giáo lý và phong trào TNTT. Đào tạo giáo lý cho giáo lý
viên cấp 2 và cấp 3 tùy thuộc vào các giáo phận.
[10] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-12/bo-phung-tu-nghi-thuc-phung-vu-trao-thua-tac-vu-giao-ly-vien.html
[11] “Công Đồng Vatican II trình bày
các tác vụ và đoàn sủng như là những ân huệ của Thánh Thần để xây dựng Thân
Mình Đức Kitô và vì sứ vụ của Thân Mình đó trong trần gian” (KTHGD 21; x.
GH 4). Thân Mình này là Hội Thánh.
[17] x. GC 4