SỨ
ĐIỆP KHÔNG THỂ LÃNG QUÊN
BẢY DI NGÔN CUỐI CÙNG CỦA CHÚA GIÊSU TRÊN THÁNH
GIÁ
Lm.
GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
1. Lời mở đầu.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu mang nhiều nét đặc sắc. Một trong những
nét đó là các lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá. Theo các Tin Mừng có tất cả
bảy lời Chúa Giêsu nói, khi Ngài bị treo trên Thánh Giá. Bảy lời cuối cùng này
của Chúa được thánh Bonaventure chú giải và được các tu sĩ dòng Phanxico quảng
bá[1]. Các
nhà thiêng liêng học đã chý ý đến những lời này của Đấng chịu đóng đinh, và qua
những lời đó, họ muốn diễn tả cách sống động về ý nghĩa và tinh thần của cuộc
thương khó của Chúa Giêsu. Vào thời Trung Cổ, bảy lời cuối cùng của Chúa
Giêsu thường được mọi người suy niệm như là một kho tàng thiêng liêng, và đặc
biệt trong thời gian Tuần Thánh hoặc thời gian chuẩn bị cho Con Đường Thương
Khó của Chúa Giêsu. Cũng thế, truyền thống thiêng liêng luôn yêu mến những lời
cuối cùng này của Chúa Giêsu, những lời diễn tả tâm tình của Chúa một cách sống
động.
Trong loạt bài Giáo Lý về cầu nguyện, ĐTC. Benedicto XVI cũng đã có ba
bài suy niệm về các lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Ngài viết
trong bài suy niệm thứ 26 về cầu nguyện: “Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy
niệm về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi giờ chết đã gần, bằng cách nói về những
điều được kể trong Tin Mừng Thánh Máccô và Thánh Mátthêu. Hai Thánh Sử diễn tả
lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lúc sinh thì trên Thánh Giá không chỉ bằng tiếng
Hy Lạp, là ngôn ngữ các ngài dùng để viết câu chuyện, nhưng cũng vì tầm mức
quan trọng của những lời cầu nguyện đó, nên chúng đã được viết bằng sự pha trộn
giữa tiếng Do Thái và tiếng Aram. Các ngài cũng đã truyền lại cho chúng ta
không những chỉ nội dung, mà cả âm thanh mà lời cầu nguyện này được thốt ra
trên môi miệng Chúa Giêsu: chúng ta thực sự nghe những lời của Chúa Giêsu như
Người đã thốt ra. Đồng thời, các ngài mô tả cho chúng ta thái độ của những người
hiện diện lúc đóng đinh, là những người không hiểu hoặc không muốn hiểu lời cầu
nguyện này”[2].
Thần học gia lỗi lạc Karl Rahner cũng nhìn thấy nơi bảy lời cuối cùng của
Chúa Giêsu như là bảy lời mà Chúa muốn nói với từng cá nhân, và luôn mang một
ý nghĩa sâu xa: “Con muốn suy niệm bảy lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá,
trước khi Chúa – Đấng là Ngôi Lời vĩnh hằng của Thiên Chúa – sẽ phải câm lặng
trong cái chết trên trái đất này. Chúa đã nói bảy lời này với đôi môi khô khan
và từ trái tim tràn đầy đau khổ. Đó là các lời của trái tim. Chúa đã nói các lời
này cho tất cả mọi người. Chúa cũng đã nói với chính con. Xin hãy để cho các lời
của trái tim Chúa thấm nhập vào trái tim con. Thật sâu và vào tận sâu kín hồn
con, Chúa ơi. Nhờ đó con có thể hiểu được các lời đó. Nhờ đó những lời này sẽ
không bao giờ bị quên lãng, mà ngược lại các lời từ trái tim Chúa luôn sống động
và trở nên sức mạnh cho trái tim chết yểu của con. Vì thế, xin hãy nói các lời
đó với con. Như thế, con sẽ đón nhận và nghiễn ngẫm âm thanh cao quý này.
Một lần nào đó Chúa sẽ nói với con trong cái chết của con và sau cái chết
của con. Như thế, những lời này từ trái tim của Chúa sẽ là sự khởi đầu vĩnh cửu
hay là một kết thúc vô tận.
Lạy Chúa, xin hãy cho con được lắng nghe lời nhân hậu và lời tình yêu của
Chúa trong chính cái chết của con, những lời mà con sẽ không bao giờ xao lãng bỏ
qua. Xin hãy giúp con ngay bây giờ biết đón nhận vào trong trái tim quảng đại sẵn
sàng của con các lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá”[3]. Thật
vậy, các lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá có một sức mạnh đặc biệt.
Nếu chúng ta đọc kỹ lưỡng và suy niệm từng lời một, và để từng lời vang vọng và
đi vào trong tâm hồn, chúng ta sẽ khám phá ra giá trị cao quý của những lời đó,
như là sứ điệp thiêng liêng hay nói một cách khác là những di ngôn thiêng liêng
cao quý của Đấng Cứu Độ để lại cho mỗi người chúng ta. Các lời này giúp chúng
ta đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng chết trên Thánh Giá để cứu độ chúng
ta. Các lời này của Chúa diễn tả những nỗi đau khổ và sợ hãi của Chúa, nhưng
cũng giúp chúng ta đụng tới những hãi sợ và khổ đau của đời người chúng ta. Và
qua đó, với Chúa và với sức mạnh của Lời Chúa, sự sợ hãi và mọi khổ đau của
chúng ta sẽ được biến đổi và thánh hoá vào trong niềm tin tưởng và phó thác. Niềm
tin và phó thác vào bàn tay nhân hiền và trái tim giàu lòng thương xót của Chúa
Giêsu, nơi chúng ta tìm thấy niềm hy vọng, ngay lúc chúng ta không còn hy vọng.
Những lời cuối cùng của Chúa hay còn gọi là những di ngôn của Chúa không
phải là những bài giảng cao siêu, mà là những lời thật ngắn gọn nhưng chất chứa
ý nghĩa sâu xa, đụng tới chỗ thẳm sâu nhất của phận người.
Các lời cuối cùng này cũng được một số nhạc sĩ phổ nhạc. Ở đây có thể nhắc
tới nhạc sĩ Heinrich Schuetz (* 1585, + 1672), người Đức sống trong thế kỷ thứ
16, với tác phẩm Thánh Ca Sieben Letzten Worte Jesu – Bảy Lời
Cuối cùng của Chúa Giêsu (khoảng 1645). Sau hơn một thế kỷ, nhạc sĩ
Franx Joseph Haydn (* 1732, + 1809) người Áo, sáng tác tác phẩm Die
sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze – Bảy lời cuối
cùng của Đấng Cứu Độ chúng ta ở trên Thánh Giá (1785). Với tác phẩm âm
nhạc này, Haydn muốn đưa người nghe đi vào tinh thần chiêm niệm những lời cuối
cùng của Chúa Giêsu. Có cả một nghi thức giúp cầu nguyện, kết hợp với tác phẩm
âm nhạc của Haydn: đầu tiên Đức Giám Mục hay Linh Mục chủ sự nghi thức bước lên
bục giảng, đọc từng lời cuối cùng của Chúa Giêsu, và ngài sẽ suy niệm lời đó,
sau đó ngài bước đến trước bàn thờ và quỳ xuống thờ lạy Thiên Chúa, trong khi
đó tác phẩm âm nhạc Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze vang
lên, để từ từ hướng lòng mọi người vào tinh thần chiêm niệm từng lời của Chúa
Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, đang nói với chúng ta từ trên Thánh Giá.
Ngoài ra, có thể kể thêm tác phẩm khác là Les sept paroles du
Christ en croix – Bảy Lời của Đức Kitô trên Thánh Giá, của
César Franck (* 1822, + 1890), người Pháp. Đó là một số tác phẩm Thánh Ca nổi
tiếng, diễn tả những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu.
Bảy lời cuối cùng trên Thánh Giá là sứ điệp đầy ý nghĩa mà Chúa Giêsu,
Đấng Cứu Độ để lại cho chúng ta. Sứ điệp đó vang lên từ Thánh Giá của Ngôi Hai
Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại, đến nỗi Ngài sẵn sàng hiến dâng chính
mình, để chuộc lại mỗi con người Ngài yêu thương. Dưới đây là bảy lời cuối cùng
của Chúa, là sứ điệp không thể quên lãng.
2. Sứ điệp từ Thánh
Giá không thể quên lãng.
- Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm
(Lc 23,34).
- Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên
đàng (Lc 23,43).
- Thưa Bà, đó là con Bà – Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27).
- Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người đã
bỏ Con? (Mt 27,46; Mc 15,34).
- Ta khát (Ga 19,28).
- Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30).
- Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46).
Đọc bảy lời này, chúng ta thấy rằng các Tin Mừng trình bày cho chúng ta
cái chết của Đấng Cứu Độ, khi thì như một tổng thể đầy đủ, khi lại như một tổng
thể gồm những phần tách biệt nhau.
Thánh Phaolô Tông Đồ nói về Thánh Giá như một tổng thể đầy đủ không bị
phân chia ra, khi ngài nói trong thư gửi tín hữu Philipphê (Pl 2,8) rằng: Chúa
Giêsu Kitô “đã trở nên vâng phục cho đến chết và chết trên Thánh Giá”.
Ngược lại, các Tin Mừng trình bày chi tiết những thời khắc và những cảnh
tượng Thánh Giá. Và qua 4 Tin Mừng, chúng ta có được bảy lời cuối cùng như là sứ
điệp của Chúa Giê-su để lại.
3. Số 7 – con số ngẫu nhiên?
Con số 7 ở đây, theo một số nhà thiêng liêng học, không phải là một con
số ngẫu nhiên. Số 7 mang một ý nghĩa biểu tượng trong Kinh Thánh. Đó là con số
hoàn hảo và con số mang tính cách biến đổi.
Mỗi tuần có 7 ngày. Chúng ta cũng biết đến 7 Bí Tích, 7 ơn Thánh của
Chúa Thánh Thần, và khi nhắc đến sự tha thứ, Phêrô cũng hỏi Chúa có phải tha đến
7 lần không, Chúa Giêsu đã trả lời Phêrô: “Không phải chỉ tha 7 lần
nhưng là 70 lần 7” (x. Mt 18, 22).
Hơn nữa, Radcliffe còn coi 7 lời cuối cùng của Chúa như là phương thuốc trị liệu cho 7 mối tội đầu[4]. Như thế, con số 7 của trần thế đã được Thần Khí của Chúa làm cho đầy tràn và biến đổi trở thành con số hoàn hảo, con số Thánh[5] được gắn với Đức Kitô. Qua đó, con số bảy đó muốn diễn tả chân dung của Đức Kitô, Đấng Cứu Rỗi, Đấng hoàn hảo trong suốt cuộc đời của Ngài, trong Lời Giảng, trong những sứ mạng Ngài đã thực thi theo thánh ý Chúa Cha và để cứu rỗi loài người.
7 Lời đó được Ngài nói trong khoảng thời gian Ngài bị treo trên Thánh Giá.
4. Mốc thời gian của sứ điệp từ Thánh Giá.
Qua bốn Tin Mừng, có thể nhận ra được thứ tự thời gian của 7 lời cuối cùng
của Chúa Giêsu. Cụ thể 7 lời này có thể được chia ra làm 3 phần nhỏ: trước,
trong và sau 3 giờ chiều.
– Trước 3 giờ chiều là lời thứ nhất đến lời thứ ba:
- Lạy Cha, xin
tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34).
- Quả thật, Ta
bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43).
- Thưa Bà, đó
là con Bà – Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27).
– Trong thời gian 3 giờ chiều, Chúa Giêsu nói lời thứ Tư:
- Lạy Thiên
Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người đã bỏ con? (Mt 27,46; Mc
15,34).
– Sau 3 giờ chiều, Chúa Giêsu nói ba lời cuối:
- Ta khát (Ga
19,28).
- Mọi sự đã được
hoàn tất (Ga 19,30).
- Cha ơi, Con
phó tâm hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46).
Đó là mốc thời gian của 7 lời này. Ngoài ra, chúng ta có thể tìm thấy cấu
trúc của bảy di ngôn.
5. Vài nét đặc sắc của sứ điệp từ Thánh Giá.
Trước hết là sự tương quan gần gũi của Chúa Giêsu với Cha trên trời.
Chúa Giêsu đã kêu lên Cha, đã cầu nguyện với Cha, trong những giây phút đầu
tiên khi Ngài vừa bị đóng đinh trên Thánh Giá, cũng như Ngài kêu lên Cha, khi
Ngài cảm thấy nỗi cô đơn tột cùng như bị Thiên Chúa bỏ rơi hoàn toàn, và cuối
cùng khi Ngài trút hơn thờ cuối cùng, Ngài phó thác linh hồn của Ngài trong tay
Cha. Mối tương quan gần gũi và gắn bó với Cha trên trời là một trong những nét
rất đặc biệt trong đời sống của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta trở về lại khung cảnh
của vườn Giêt-si-ma-ni, sẽ thấy thật rõ ràng tâm tình của Chúa Giê-su với cha
mình: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng
làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”. (Lc 22,42).
Điểm đặc sắc thứ hai nằm trong hai lời đầu tiên diễn tả lòng nhân từ của
Chúa Giêsu. Lòng nhân từ đó đầu tiên được Chúa giành cho những người đóng đinh
Chúa vào Thánh Giá. Lạy Cha, xin tha cho chúng. Sau đó Ngài còn
gián tiếp xin lỗi Cha trên trời thay cho những kẻ đó, khi Ngài nói vì
chúng không biết việc chúng đang làm (x. Lc 23,34).
Lời của Chúa Giê-su giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa của bài giảng của
Thánh Phêrô trong sách Tông Đồ Công Vụ. Bài giảng này Thánh Phêrô giảng tại đền
thờ Giêrusalem cho dân chúng đang tụ họp ở đó. Ngài diễn tả sống động về Tôi
Trung của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô, “Đấng mà chính anh em đã nộp
và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối
bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em
đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ
cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng”. (TĐCV 3, 14-15). Sau
khi nói với đám đông như thế, Phêrô lên tiếng tiếp: “Thưa anh em, giờ đây
tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh
em”. (TĐCV 3, 17).
Như thế, Chúa Giêsu cảm thông cho sự không biết hay không hiểu biết của
những kẻ hại Ngài, để tha thứ cho họ. Qua đó, Chúa Giêsu phân biệt rõ rệt sự ác
(thần dữ) và con người. Đặc biệt Ngài yêu thương những con người bị sự ác và thần
dữ chế ngự và điều khiển, dù họ có hãm hại Ngài, Ngài vẫn đồng cảm và hiểu họ,
thông cảm và tha thứ cho họ. Thật vậy, tất cả những gì Chúa Giêsu giảng về
tinh thần tha thứ, Ngài đều sống và thực thi cách trọn vẹn. Cũng diễn tả lòng
nhân từ cách sống động, khi Chúa Giêsu đã nói với một kẻ trộm cùng chịu đóng
đinh với Ngài: “Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng”. (Lc
23,43).
Nét đặc sắc khác là lời Ngài nói với Mẹ mình và nói với môn đệ yêu dấu: “Thưa
Bà, đó là con Bà – Đó là Mẹ của con” (Ga 19,26-27). Một lời thân
thương với Mẹ mình, người Mẹ đã sinh con trong hang lừa Bê-lem nghèo nàn và ấp ủ
con trong lòng, để dưỡng nuôi và chở che cũng là người Mẹ ôm xác con vào lòng,
một cái xác với biết bao thương tích và dính đầy vết máu của khổ đau, của bất
nhân. Người Mẹ đó được Con phó thác cho người môn đệ yêu dấu trông nom, và Ngài
cũng trao chính người môn đệ cho Mẹ trông coi, đó chính là gia đình mới của Mẹ,
và là chính mỗi người trong Giáo Hội, trong Cộng Đoàn Dân Chúa.
Hai lời kế tiếp của Chúa Giêsu diễn tả sự đau khổ.
Lời đầu tiên nói về sự đau khổ tâm hồn, sự đau khổ bị bỏ rơi: “Lạy
Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người đã bỏ
con?” (Mt 27,46; Mc 15,34). Lời này được lấy từ Thánh Vịnh 22, diễn tả
lời kêu cầu của người lành thánh gặp hoạn nạn, và kêu cầu Thiên Chúa.
Sự đau khổ thứ hai thuộc về thân xác: “Ta khát” (Ga
19,28). Một thân xác khô cằn, một thân xác cần nước cũng là một thân xác khao
khát biết bao tâm hồn.
“Mọi sự đã được hoàn tất” (Ga
19,30). Đó là lời thứ sáu của Chúa Giêsu. Ngài đã thực hiện trọn vẹn sứ mạng
được Cha trên trời tin tưởng giao phó. Sự trọn vẹn đó được biểu lộ qua sự hiến
dâng toàn bộ con người của Ngài cho Cha, và cho nhân loại. Tất cả những gì được
viết trong các Cựu Ước giờ đây tìm thấy dấu chấm hoàn hảo nơi Thánh Giá của
Chúa Giê-su.
Và cuối cùng Chúa Giêsu thốt lên: “Cha ơi, Con phó tâm hồn của
con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trong niềm tin tưởng tuyệt đối, Chúa Giê-su
đã phó thác hồn mình trong bàn tay dấu ái của Cha. Tâm tình này diễn tả sống động
Thánh Vịnh 16, 1.10-11:
“Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!”.
Đó là vài nét đặc sắc của bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh
Giá. Ngoài ra, cũng có thể nói về cấu trúc của bảy lời này.
6. Thử đi tìm cấu trúc của bảy di ngôn.
Khi đọc kỹ bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu, có thể nhận ra rằng, trong
bảy lời này, thì 3 lời đầu tiên: (1) Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì
chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34), (2) Quả thật, Ta bảo với anh:
Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43), (3) Thưa Bà, đó là
con Bà – Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27), cho thấy ân sủng tuôn trào
cho cuộc sống nhân loại từ cái chết của Đấng Cứu Độ: Sự tha thứ các người xúc
phạm, việc được vào thiên đàng, những mối tương quan của tình yêu của đời sống
Ki-tô hữu. Đó là phần thứ nhất.
Phần thứ hai gồm bốn lời cuối cùng: (4) Lạy Thiên Chúa của Con,
lạy Thiên Chúa của Con, sao Người đã bỏ Con? (Mt 27,46; Mc 15,34).
(5) Ta khát (Ga 19,28). (6) Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30). (7) Cha ơi, Con
phó tâm hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46). Bốn lời này diễn tả bản
chất và những đặc tính của đời sống Kitô hữu: Đau khổ tuyệt đối, như trong trường
hợp của Chúa Giê-su bị Thiên Chúa bỏ rơi trong ba giờ hấp hối; cơn khát; công
việc hoàn tất; sự lệ thuộc với Chúa Cha trên trời cho đến giờ cuối cùng trên thế
gian[6].
7. Thay cho lời kết.
Cuối cùng, xin mời mọi người dành thời gian trong tuần thánh suy niệm bảy
di ngôn này với 3 dấu đinh của Chúa trên Thánh Giá, như là biểu tượng cho ba
tâm tình:
- Dấu đinh thứ nhất: Với tất cả tấm lòng yêu
thương Chúa, hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa, như Mẹ Maria và các phụ nữ cùng
Thánh Gioan ngày xưa.
- Dấu đinh thứ hai: Dang tay hướng về trời cao,
như Đấng Đấng Chịu Đóng Đinh, để cùng Ngài, chúng ta trở thành con người thờ
phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự. Ngài là Thiên Chúa duy nhất không còn Chúa
nào khác. Ngài là trung tâm điểm duy nhất, không có trung tâm điểm nào khác.
- Dấu đinh thứ ba: Đôi tay dang ra như Chúa
trên Thánh Giá, để ôm ấp Chúa và anh chị em đồng loại. Đó là cử chỉ của tình
huynh đệ tròn đầy, trọn vẹn.
Chúng ta tín thác những giờ phút suy niệm về sứ điệp từ Thánh Giá Chúa,
sứ điệp không thể quên lãng, cho Mẹ Maria, Nữ Vương Bình An, và cho các Thánh Tử
Đạo nước Việt Nam, những vị thánh theo chân Chúa Giê-su đã chọn Thánh Giá là
báu vật của tình yêu dâng hiến, là nền tảng của niềm tin sắt đá.
Nguồn: dongten.net (30.03.2023)
Xem thêm:
[2] ĐTC. BENEDICTO
XVI, Bài Giáo Lý Thứ 26 về Cầu Nguyện: Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su
trên Thánh Giá, http://www.giaoly.org/
[6] x. REGARD P., Bảy Lời Trên Thánh Giá – BTGH chuyển
ngữ, nguồn http://www.simonhoadalat.com/