Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Tình yêu hoàn hảo trên Thánh Giá Lời hoàn tất dành
cho những người đang sống Bài tập sống di ngôn thứ sáu của Chúa Giê-su trên Thánh Giá. |
Tin Mừng
“Nhắp xong, Đức Giê-su
nói: ‘Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga
19,30).
Bối cảnh di ngôn thứ sáu
Phúc âm của thánh Mát-thêu và Mác-cô diễn tả cảnh tượng Chúa
Giê-su kêu lớn một tiếng rồi trút linh hồn (x.Mt 27,50 và Mc 15,37). Phúc âm của
Luca thì trước khi tắt thở, Chúa đã kêu lên với Cha rằng: “Lạy Cha, con xin phó
thác hồn con trong tay Cha”, sau đó Ngài tắt thở, còn phúc âm thánh Gio-an tường
thuật lời Chúa Giê-su nói “thế là đã hoàn tất”, sau đó Ngài gục đầu xuống và
trao Thần Khí (x.Ga 19,30). Như thế, Gioan đã diễn tả cái chết của Đấng mặc khải,
của Đấng cứu thế đến cuối cùng đã hoàn tất sứ mạng của Ngài theo thánh ý của
Cha trên trời.
Ngoài ra, lời này của Chúa Giê-su nối kết với câu Gioan nói
trước đó: “Sau đó, Đức Giê-su biết
là mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,28a). Tiếp
đến là bối cảnh Ngài được người ta cho nhấm chút giấm chua, khi Ngài lên tiếng
nói “Ta khát” (Ga 19,28b). Bên ngoài, Chúa bị cơn khát thân xác hành hạ. Nhưng
bên trong, Ngài khát mong thấy Vương Quốc của Cha được thiết lập trên trái đất
này, cũng như Ngài khát tất cả mọi tâm hồn, mong tất cả khám phá được giá trị của
Nước Trời, và sẵn sàng chọn Nước Trời là ưu tiên hàng đầu cho cuộc sống của họ.
Sự khát khao của Chúa chắc chắn vẫn còn đó. Nhưng sứ vụ của Ngài thì đã được
Ngài thực hiện cách mỹ mãn. Nên trước khi Ngài tắt thở, Ngài đã lên tiếng: “Thế
là đã hoàn tất”.
Cụm từ “thế là đã hoàn tất”
Cụm từ “thế là đã hoàn tất” trong bản văn tiếng Hy-lạp chỉ vỏn
vẹn có một từ “tetelestai”. Ở trong từ này có từ telos có nghĩa đích đến, là hoàn tất.
Theo Ratzinger, trong bản tiếng Hy-lạp, chữ “đã hoàn tất –
telelestai” đưa chúng ta trở về thời điểm khởi đầu cuộc khổ nạn, thời điểm Đức
Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Khi mở đầu tường thuật này, thánh sử Gioan đã
viết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su
biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn
yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến
cùng” (Ga 13,1). Ở đây, Gioan nhấn mạnh là Đức Giê-su yêu thương các môn
đệ Người “cho đến tận cùng” (telos). Cái “tận cùng” này đã tới đích với cái chết
của Đức Giê-su. Đó là tận cùng của biên cương và vượt qua biên cương. Tận cùng
của yêu thương trọn vẹn: Người đã trao ban chính mình.
Qua lời cầu nguyện của Chúa
Giê-su ở núi cây Dầu mà thánh Phao-lô đã thuật lại trong thư gửi tín hữu
Do-thái: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người
đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi
chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho
tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9). Ở đây, từ ngữ thập toàn
(cha Nguyễn Thế Thuấn dich là thành toàn) trong tiếng Hy-lạp là teleioun. Theo
Ratzinger, từ ngữ này trong sách Tô-ra, nó có nghĩa là thánh hiến, trao ban phẩm
tước tư tế, như vậy cũng có nghĩa là thánh hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Ratzinger nói tiếp, tôi nghĩ xuất phát từ lời cầu Thượng Tế của Đức Giê-su, ở
đây chúng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa đó. Đức Giê-su đã hoàn thành hành động
thánh hiến, trao chính mình trong tư cách tư tế và trao thế giới lại cho Thiên
Chúa (x.Ga 17,19). Như vậy, chữ đó đã toả lên mầu nhiệm to lớn của thập giá. Phụng
vụ vũ trụ mới đã được hoàn thành. Thập giá Đức Giê-su đã thay thế mọi hành vi
phụng tự khác; nó là sự vinh danh Thiên Chúa đích thực duy nhất, qua đó chính
Thiên Chúa tự vinh danh bằng cách trao ban cho chúng ta tình yêu của Người, và
bằng cách đó kéo chúng ta lên với Người.[1]
Thánh ý được hoàn tất.
Điều được hoàn tất mà Chúa nói chính là thánh ý Chúa Cha. Lật
trong sách Tin mừng rất nhiều chỗ nói “để
ứng nghiệm lời Thiên Chúa, để lời các Ngôn sứ được hoàn tất”. Trong cuộc đời
dương thế, Đức Giêsu luôn thực thi thánh ý. Và giờ đây trong giây phút cuối đời
trên thập giá, hình như Đức Giêsu làm bảng tổng kết: mọi sự Chúa Cha đã đặt ra,
Ngài đã chu toàn, mọi sự đã hoàn tất từ ngày lọt lòng mẹ tại Bê-lem cho đến khi
Ngài nghiêng đầu trước khi chết. Ở đây, chúng ta thử chiêm ngắm lại hành trình
sứ vụ của Chúa Giê-su, xem Ngài sống thánh ý của Cha như thế nào.
Ngay từ những ngày đầu tiên trên hành trình sứ vụ, Đức Kitô
đã thốt lên rằng: “Lương thực của Thầy là
thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga
4,34). Điều này có ý nghĩa gì ? “Lương thực”, nghĩa là cái làm cho Thầy sống
và hoạt động được. Ý muốn của Cha chính là lý do khiến Đức Giêsu đến trần gian
và thi hành sứ mạng. Nói cách khác, trở nên một với thánh ý của Cha chính là
nguyên lý đời sống của Chúa Kitô. Và “nên một với ý Cha” chính là điều cốt lõi
của sự hiện diện của Ngài trên trần gian. Cũng trong phúc âm thánh Gio-an chúng
ta nghe Chúa Giê-su nói rằng: “vì
tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã
sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi
sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy,
ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được
sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (6,38-40).
Như vậy, Chúa Giê-su là người thi hành ý Cha, và vì thế Ngài
không bao giờ để cho những người thuộc về Ngài, thuộc về cộng đoàn của Ngài bị
mất đi, mà ngược lại như người mục tử nhân lành, Ngài luôn bảo vệ những con
chiên của Ngài, và Ngài sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên của Ngài (x.Ga
10,14-15). Hơn nữa, là mục tử nhân lành, Ngài luôn sống tâm tình: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không
bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga
10,28). Đó cũng chính là thánh ý Cha trên trời. Cha trên trời không ao ước điều
gì hơn là tất cả những ai tin vào Đức Kitô, đều được gìn giữ và không bao giờ bị
diệt vong. Hơn nữa, qua Người Con của Cha, họ sẽ tìm được sự sống muôn đời, sự
sống vĩnh cửu. Đó là thánh ý cứu rỗi, thánh ý diễn tả một tình yêu tuyệt vời của
Thiên Chúa dành cho con người từ ngày đầu tiên và có giá trị cho đến muôn muôn
đời.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, khi sống ý Cha, Đức Kitô
kết hiệp với Cha cách đặc biệt. Ngài và Cha là một (x.Ga 10,30). Ở những đoạn
khác của phúc âm thánh Gio-an, chúng ta đọc được : “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không
để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29). Một
sự kết hiệp nên một của Cha với Con, sự nên một này diễn tả tình yêu tuyệt hảo
trong “ngôi nhà Cha Con”, và sau này trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, Ngài
diễn tả tâm tình ao ước mỗi người chúng ta đều được thông hiệp và sống trong
ngôi nhà đó, nghĩa là chúng ta cũng được nên một với Ngài và với Cha (x.Ga
17,23). Nhưng không chỉ là lời ao ước hay là lời cầu nguyện thông thường, mà Đức
Kitô còn hiến dâng chính mình để hiện thực điều Ngài ao ước, nghĩa là Ngài tiếp
tục sống đúng theo ý của Cha, đặc biệt ngay trong chính hoàn cảnh đau thương nhất.
Khi Người tùng phục ý Cha với tâm tình con thảo, thì chẳng những
không làm cho cuộc sống của Người hết bi thảm, mà còn khiến nó bị người đời
công kích và bị đưa ra đương đầu với tội lỗi thế gian; tội lỗi này rốt cuộc Người
vừa phải gánh lấy vừa phải chiến thắng. Nhìn hoạt cảnh xảy ra ở vườn Giệt-sê-ma-ni,
ta có thể đo lường được tấm bi kịch đè trên vai Đức Kitô nặng tới mức
nào: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin
cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý
Cha… Lạy Cha, nếu con cứ phải uống
chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26,39 và
42).
Người bị chấn động không phải do ý muốn của Người và ý muốn
của Cha đối chọi nhau, nhưng vì Người kinh hãi khi đứng trước nhiệm vụ mà kế hoạch
cứu độ đòi Người phải thi hành. Trước công việc mà mình có bổn phận phải hoàn
thành, Con Người ấy đã run sợ nhưng không khước từ thực hiện.
Lời cầu nguyện này của Đức
Kitô đã được thánh Phao-lô giải thích trong thư gởi tín hữu Do-thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn
tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu
Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên
Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.
Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh
cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9). Tiếp đến, Phao-lô
còn nói cách sống động hơn: “Vì vậy,
khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo
cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ
con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách
Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).[2]
Tóm lại, theo Martini, ngay
trong những bối cảnh đầu tiên, các Tin Mừng đã chỉ ra rằng, Đức Kitô hoàn toàn
“chìm” vào trong thánh ý của Cha trên trời. Khi Ngài kêu lên “xin cho ý Cha được
thể hiện”, thì Ngài muốn diễn đạt mục đích sâu kín nhất trong sứ mạng của
Ngài : làm cho Nước Cha được trị đến bằng cách sống trọn vẹn ý Cha trên trời.[3]
Ratzinger đã suy tư rất sâu
sắc: “Như vậy, lời cầu ‘không phải ý con, mà là ý cha’ (Lc 22,42) quả thật là lời
cầu của Người Con với Cha, trong đó toàn bộ ý chí tự nhiên con người đã được
đưa vào cái tôi của Người Con, và Người Con này, qua câu thốt lên ‘không phải
con, mà là Cha’ đã trao phó cái tôi của mình hoàn toàn vào Cha của mình. Cái
‘tôi’ này đã nhận sự chống đối của bản tính loài người vào mình và đã chuyển
hoá nó, nên tất cả chúng ta giờ đây đều được cùng hiện diện trong sự vâng lời của
Người Con đó, tất cả chúng ta đều được kéo vào diễm phúc làm con Thiên Chúa”.[4]
Như thế, trong những giây phút cuối cùng, với lời “thế là đã
hoàn tất”, Người Con viết hoa là Chúa Giê-su đã thực hiện thánh ý Cha cách trọn
vẹn, dù cho thánh ý đó có trao cho Chúa chén đắng khổ đau.
Chén đắng được uống cạn
“Thế là đã hoàn tất”. Có thể nói lời này cũng diễn tả được
chính việc Chúa Giê-su đã uống cạn chén đắng và đã đón nhận biết bao sỉ nhục.
Chén đắng này có lần Ngài xin Cha cho Ngài không phải uống, nhưng rồi Ngài vẫn
một lòng theo ý Cha để đón nhận chén, nâng chén và uống cho trọn chén đắng này.
Đó chính là biến cố trong
vườn cây Dầu mà Chúa Giê-su đã trải nghiệm. Karl Rahner đã suy niệm: “Vâng, Lạy
Chúa, Chúa đã hoàn tất mọi việc. Chúa hoàn tất sứ mạng mà Chúa Cha đã trao cho
Chúa. Chén đắng cần phải được uống, chén đắng không thể để lướt qua được. Cái
chết cần phải được đón nhận, dù cái chết đó có dễ sợ đến mấy”.[5]
Về chén đắng mà Chúa Giê-su uống, Henri Nouwen giúp chúng ta
suy niệm: “Khi đến lúc phải uống chén này, Đức Giêsu nói: ‘Tâm hồn Thầy buồn đến chết được’ (Mt
26,38). Cơn hấp hối của người quá cực độ đến nỗi mồ hôi người như những giọt
máu rơi xuống đất (x.Lc 22,44). Các bạn Giacôbê và Gioan, hai người mà Người hỏi
họ có uống được chén Người sắp uống, đi theo Người nhưng họ đã ngủ, họ không
còn sức để thức với Người, chia sẻ nỗi buồn và lo lắng của Người. Trong một lúc
cô đơn cùng cực, Người té xuống đất và thốt lên lời cầu xin: ‘Lạy Cha, nếu được
xin Cha cất chén này!’ Đức Giêsu không thể nào đối diện với chén đắng. Thật quá
đau khổ và quá lo lắng. Người không nghĩ sẽ có thể uống được chén đau khổ này.
Làm sao Người có thể nói vâng? Phải trả lời gì bây giờ? Dù bị
đau khổ vì bị ruồng bỏ và bỏ rơi, Đức Giêsu luôn luôn kết hiệp mật thiết với Đấng
mà Người gọi là ‘Abba’ (tiếng ‘cha’ trong nghĩa thân tình như tiếng bố – ba). Lòng tin tưởng của người vượt
quá thái độ bất trung, lòng tuân thuận vào tình phụ tử vượt quá tuyệt vọng,
tình yêu vượt quá hãi sợ. Chính tình mật thiết vượt quá tất cả tình mật thiết của
nhân loại này mà Đức Giêsu mới có thể xin Đấng đã gọi Người là ‘Con yêu dấu’ cất
chén đắng cho Người. Dù trong cơn lo lắng tột độ, mối dây liên hệ này không bị
cắt đứt. Đó là mối dây không sờ và không nói lên bằng lời được, mối dây tuyệt vời
và không hủy hoại được. Chính trong hiệp thông mật thiết với Cha mà Người chấp
nhận uống chén đắng: ‘Nhưng xin đừng
theo ý con, mà xin theo ý Cha’ (Mt 26,39).
Đức Giêsu không nhường bước
trước tuyệt vọng và không đẩy lui chén đắng. Người cầm chén chắc nịch trong
tay, muốn uống đến giọt cuối cùng. Đó không phải là một hành vi biểu lộ ý chí
trước thử thách hay biểu lộ tính anh hùng, nhưng hành vi xuất phát từ sâu thẳm
tâm hồn, đó là tiếng ‘vâng’ với Abba, thiết tha vì tình yêu của một quả tim tan
vỡ”.[6]
Và “tiếng vâng không điều
kiện của Đức Giêsu với Chúa Cha đã cho người sức mạnh để uống chén, không phải
trong thái độ thụ động cam chịu, nhưng tin chắc giờ chết sẽ là giờ vinh quang.
Tiếng vâng tuân thuận là hành vi sáng tạo, một hành vi mang nhiều thành quả. Tiếng
vâng cất bỏ được số mệnh phũ phàng: sứ mệnh của Người được tiếp tục. Thay vì một
kết thúc không tránh được, thì cái chết của Người trở thành khởi đầu của một đời
sống mới. Tiếng vâng là lời loan báo hạt giống gieo vào lòng đất sẽ cho một mùa
gặt dồi dào”.[7]
Và tiếng vâng của Chúa cũng là tiếng nói của tình yêu trọn vẹn
và hoàn hảo.
Tình yêu hoàn hảo trên Thánh Giá
“Thế là đã hoàn tất”. Tiếng kêu của Chúa Giê-su không chỉ
mang ý nghĩa mọi sự đã xong xuôi và
đã qua đi. Tiếng kêu của Chúa còn là tiếng kêu của chiến thắng, vì Chúa đã
thực hiện sứ mạng của Ngài cách hoàn hảo. Buổi tiệc chia tay của Chúa là buổi
tiệc của tình yêu cho đến tận cùng (x.Ga 13,1), còn trên Thánh Giá thì tình yêu
của Chúa đạt được mức hoàn hảo, một tình yêu tròn đầy, một tình yêu nở hoa trên
Thánh Giá. Nói khác đi, trên Thánh Giá, Chúa Giê-su sống tình yêu thương cách
hoàn hảo. Thật vậy, tình yêu đó được biểu lộ qua nhiều hình ảnh thật tuyệt vời.
Tình yêu cầu xin Cha trên trời tha thứ cho người bách hại Chúa “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho chúng, vì
chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,32). Tình yêu đã lên tiếng với
người trộm lành thành khẩn kêu xin với một tâm hồn thống hối ăn năn thực sự.
Chúa đã nói với anh ta: “Tôi bảo thật
anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Tình
yêu nở hoa của Chúa trên Thánh Giá còn toả hương thơm, khi Ngài ban tặng cho
chúng ta người Mẹ yêu dấu của Ngài: “Đức
Giê-su nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói
với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà
mình” (Ga 18,26-27). Và tình yêu luôn cho chúng ta biết rằng: “Ta khát” (Ga 19,28). Ngài khát
chúng ta, Ngài khát tấm lòng chúng ta dành cho Ngài, Ngài luôn khao khát đợi
chúng ta đến với Ngài, để Ngài làm cho tình yêu giữa Ngài và chúng ta được nên
hoàn hảo.
Thật vậy, trên Thánh Giá,
Chúa Giê-su đã làm cho tình yêu trở nên hoàn hảo. Trên Thánh Giá, Chúa đã đưa tất
cả nhân loại, dù tốt lành hay tội lỗi, vào trong tình yêu của Ngài. Trong tình
yêu hoàn hảo của Thiên Chúa, Ngài biến đổi chúng ta. Nói cách khác, Chúa đã biến
đổi chúng ta, những người đánh mất khả năng yêu thương, tìm lại khả năng yêu
thương đó. Như thế, trên Thánh Giá, tình yêu của Chúa được biểu lộ cách rõ ràng
nhất, và chung với tình yêu của Chúa là vinh quang và chiến thắng của Ngài.
Karl Rahner đã suy niệm như sau: “Chúa ơi, Chúa đã nói rằng: thế là đã hoàn tất.
Lạy Chúa, sự kết thúc của Chúa đã tới. Sự kết thúc cuộc đời của Chúa. Sự kết
thúc của vinh quang Chúa, của niềm hy vọng mang tính cách con người, sự kết
thúc của cuộc chiến đấu của Chúa và của sứ mạng của Chúa. Tất cả đã hoàn tất và
đã qua đi. Tất cả trở nên trống rỗng. Cuộc sống của Chúa đã đi đến hồi kết. Vô
vọng và bất lực. Nhưng sự kết thúc này là sự hoàn tất của Chúa. Vì sự kết thúc ở
trong trung tín và tình yêu chính là sự hoàn hảo. Và cuộc đi xuống của Chúa là
chính sự chiến thắng”.[8]
Thật vậy, Chúa đã chiến thắng trên Thánh Giá. Cuộc chiến thắng
của tình yêu hoàn hảo đưa lại ơn cứu độ cho muôn người.
Lời hoàn
tất và ơn cứu độ
“Thế là đã hoàn tất”. Chúa hoàn tất điều gì vậy? Chúa hoàn tất
sứ mạng cứu độ nhân loại của Chúa, Đấng có tên là Emmaunuen – Thiên Chúa ở cùng
chúng ta, Đấng còn được gọi là Giê-su – Thiên Chúa cứu thoát.
Qua việc thực thi ý Cha, và nhờ việc Ngài uống cạn chén đắng
và đón nhận cái chết trên Thánh Giá, Chúa Giê-su trở nên Đấng Cứu Thế cho mọi
người. Giờ đây, phần việc và sứ vụ của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người đã
hoàn tất. Cuộc đời trần thế của Con Thiên Chúa đã kết thúc, và từ hạt giống được
gieo vào lòng đất này sẽ sinh con người mới.
Nói khác đi, công cuộc cứu độ trần gian của Chúa đã được thể
hiện. Đây là lời Ngài thưa với Chúa Cha và đây cũng chính là lời loan báo sự
chiến thắng của Ngài. Quyền lực bóng tối đã giết được thân xác Ngài, vị vua
Messia. Nhưng qua cái chết này, ơn cứu độ được trao ban cho mọi người và giải
thoát con người khỏi vòng bóng tối, khỏi tội lỗi, và khỏi sự thống trị của
Xa-tan. Đúng như Thánh Gioan đã suy niệm “sự
sáng đã rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được ánh sáng” (Ga
1,5).
Paglia cũng suy niệm:
“Thánh Gio-an muốn ‘viết’ tất cả tạo vật, tất cả công trình của Thiên Chúa,
không chỉ những gì được nhắc đến trong Thánh Kinh, mà toàn thể lịch sử nhân loại
vào trong từ ngữ này, hay đúng hơn ‘viết’ vào trong cái chết của Chúa Giê-su. Tất
cả mọi tạo vật được hiển hiện trong giây phút đó và trong biến cố đó. Vì cái chết
của Chúa Giê-su giải thoát tất cả lịch sử nhân loại với những bi kịch thê lương
nhất, và với sự cô đơn thê thảm nhất. Ngài đã gánh vác tội trần gian trên đôi
vai của Ngài và cùng với tội này, Ngài cũng mang vác cái chết, tất cả cái chết,
tất cả mọi đau khổ và tất cả mọi bi kịch đã diễn ra trong lịch sử của nhân loại
và của các tạo vật. Đây là đỉnh điểm của cuộc đời Chúa Giê-su, và cũng là đỉnh
điểm của toàn thể lịch sử của các tạo vật: Trong cái chết của Chúa Giê-su sự cứu
rỗi được hoàn tất”.[9]
Thật vậy, “ơn cứu độ thế giới
được hoàn tất. Tội lỗi đã được tẩy trừ. Sức mạnh của thần lực đêm đen đã trở
nên bất lực. Cánh cửa của sự sống đã được mở ra. Sự tự do của con cái Thiên
Chúa đã chiến thắng…Và thế giới tràn đầy đêm tối bắt đầu từ từ bùng lên một ánh
dương của buổi hoàng hôn, nhờ chính than hồng của tình yêu của Thiên Chúa. Và
chỉ một chốc lát ngắn ngủi – một chốc lát mà lịch sử thế giới gợi lên, chốc lát
này sẽ bừng lên với ánh sáng của ngọn lửa của Thiên Chúa, và tất cả thế giới sẽ
được chìm trong biển lửa tràn đầy phúc lành của Chúa, Chúa ơi. Thế là đã hoàn tất”.[10]
Ngoài ra, Paglia còn đi sâu hơn nữa, khi ở trong truyền thống
Đông Phương nhắc đến một lời trong kinh Tin Kính, để gợi lên hình ảnh Chúa
Giê-su trong thời gian giữa ngày thứ sáu tuần thánh và buổi sáng ngày Phục Sinh
đã “xuống ngục tổ tông”.
Chúng ta tuyên xưng lời này
trong kinh Tin Kính vào mỗi Chúa Nhật, dù ít khi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của
câu này. Ý nghĩa của điều này được các Tông Đồ truyền lại, như thánh Phê-rô
nói: “Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một
lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta
đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người
đã được phục sinh. Người đã đến
rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1Pr 3,18-19). Sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo giải thích rằng, “Chúa Giê-su đã chết giống như mọi người, và
linh hồn Người đã xuống với họ, ở nơi của những người chết. Nhưng Người xuống
đó với tư cách là Đấng Cứu Độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị cầm giữ
ở dưới đó…Vì vậy, Đức Ki-tô đã xuống cõi thâm sâu của sự chết, để các kẻ chết
nghe tiếng Con Thiên Chúa, ai nghe thì sẽ được sống (Ga 5,25)”.[11]
Hơn nữa, với Paglia, “Thật
vậy, Chúa Giê-su đã đi xuống chỗ tĩnh lặng tâm sâu của kiếp người, và việc đi
xuống này vẫn còn được thể hiện cho đến hôm nay. Ngài đã đi xuống, để tập họp lại
tất cả những ai đang chịu đau đớn, cả những người đang phải chạy trốn trên đường
với nỗi tuyệt vọng, cả những người trên đường chạy trốn ở trên biển Địa Trung Hải
và đã bị chết đuối, mà không thể đạt tới bến bờ họ ao ước. Chúa Giê-su cũng đến
với họ, để đón nhận họ và đưa họ về Trời với Chúa”.[12]
Vâng, “hôm nay mặt đất hoàn
toàn thinh lặng, hoàn toàn thinh lặng và hoàn toàn cô quạnh; hoàn toàn thinh lặng
vì Đức Vua an giấc; trái đất đã sợ hãi rồi yên tĩnh , vì Thiên Chúa đang ngủ
trong xác phàm, và Người đánh thức những kẻ đang ngủ từ bao đời…Chắc chắn Người
đi tìm nguyên tổ như tìm con chiên lạc. Người muốn đến thăm tất cả những ai
đang ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết; Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là
con cháu của nguyên tổ đến để giải thoát ông A-đam đang bị cầm giữ cùng với bà
E-và bị cầm giữ khỏi những sự đau buồn. Ta là Thiên Chúa của ngươi, nhưng vì
ngươi, Ta đã trở thành con của ngươi…Hãy trỗi dậy, hỡi người ngủ mê: vì Ta dựng
nên người không phải để cho ngươi ở lại đây trong gông cùm âm phủ. Hãy trỗi dậy
từ cõi chết; Ta là sự sống của những kẻ đã chết”.[13]
Lời hoàn
tất dành cho những người đang sống
Ơn cứu độ của Thiên Chúa được Chúa Giê-su đem đến cho chúng
ta, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đó là một công trình đã hoàn tất của
Chúa. Ngoài ra, lời Chúa nói “thế là đã hoàn tất” cũng được Chúa tiếp tục nói với
chúng ta những người đang sống. Chúa nói lời đó ngay khi chúng ta đang đối diện
với những nỗi sợ hãi của chính chúng ta, sợ hãi trước một cuộc sống bị gãy đổ,
một cuộc đời nửa đường gãy cánh.
Có nhiều người luôn cảm thấy rằng, cuộc sống của họ không có nền tảng, như ngôi
nhà không có móng, để họ có thể xây dựng đời mình. Nếu họ nhìn lại cuộc sống thời
thơ ấu, họ thấy nhiều “vết nứt” trên đường đời của họ. Vì thế, nơi họ đã thiếu
một sự tin tưởng căn bản. Thay vào đó, sự bất an chiếm ngự cuộc đời và họ thường
cảm thấy rằng, cuộc đời của họ đã đánh mất nền móng vững chắc.
Rồi có những người sống trong tình trạng âu lo, cuộc đời của
họ có thể sẽ nứt rạn vào bất cứ lúc nào, nếu họ bị thất nghiệp, nếu họ thất bại
trong sự nghiệp đời họ, nếu đời sống hôn nhân của họ rơi vào khủng hoảng và thử
thách, nếu con cái của họ vì lý do này lý do khác đánh mất khả năng học hành và
xây dựng sự nghiệp, hay nếu một người thân của họ bỗng chợt phải ra đi vì một
tai nạn hay vì một cơn bệnh hiểm nghèo. Ai sống trong tình trạng đó đều cảm thấy
cuộc đời mình như bị chẻ ra làm nhiều mảnh. Thật vậy, đời sống gia đình tan vỡ,
thì vợ chồng phải chia tay, con cái tuần này thì ở với mẹ, tuần khác thì ở với
cha. Đó là cảnh chia ly của một gia đình bị chẻ ra nhiều mảnh. Có nhiều em bé mới
có năm sáu tuổi đã trở thành nạn nhân của thất bại gia đình, thất bại hôn nhân,
đời em thay vì được sống trên nền tảng vững chắc của một gia đình, được “chèo
và đu đưa” vui vẻ trên một “cây gia đình” tươi tốt, thì ngược lại em phải trở
thành người “chạy sô” để bám “cành của má” ở đàng xa kia một thời gian, rồi chạy
về bám “cành của ba” ở nhà cũ một thời gian khác. Đời em như khúc củi bị chẻ ra
cùng gia đình em bị chia năm sẻ bảy. Thật buồn và đau lòng biết bao. Chiếc bình
sành thật quý của ngày hôn nhân với những cành hoa đẹp và thơm phức đã bị bể
tan nát. Trước những mảnh vỡ đó con người tiếp tục sống kiếp người đầy buồn bã
và lo âu.
Rồi còn nỗi sợ hãi bị cho ra rìa, không còn được tôn trọng,
không còn là điểm trung tâm để nhiều điều, nhiều người và nhiều vật được bám
vào, đang làm giao động nhiều người.
Kể cả những người sống trong sợ hãi bởi tự ti mặc cảm, bởi
mình không đẹp như mình mong muốn, bởi mình không thông minh hiểu biết như người
bên cạnh, bởi mình không giàu sang sung sướng như người đối diện, bởi mình
không thành đạt như người thương gia được ca ngợi trên trang bìa của tờ nhật
báo.
Hôm nay, Đức Ki-tô muốn nói với tất cả những anh em đang sống
trong mọi thứ sợ hãi lời mà Ngài đã nói trên Thánh Giá: “thế là đã hoàn tất”.
Thật vậy, nếu họ không thể tìm thấy sự hoàn tất trong cuộc đời này, thì nơi Đức
Ki-tô họ chắc chắn tìm thấy sự trọn vẹn, sự hoàn tất của cuộc sống trong tình
yêu và lòng thương xót. Chính Chúa sẽ nhặt tất cả mọi cây củi bị chẻ ra để ghép
lại thành một cây thật đẹp. Chính Chúa giàu lòng thương xót sẽ lượm mọi mảnh vỡ
của chiếc bình cuộc đời bị nát tan, và Ngài sẽ hàn gắn lại, và như người thợ gốm
lành nghề Ngài làm mới lại chiếc bình mang vẻ đẹp hơn cả vẻ đẹp của ngày xưa.
Ở tại Thánh Giá của Chúa, Chúa dang tay ôm trọn tất cả mọi
người đang sống trong đổ vỡ, trong chia ly, trong rạn nứt vào tâm lòng của
Ngài.
Chúa tiếp tục nói với chúng
ta, những người đang sống, và không ít thì nhiều con đường đời đã và đang bị rạn
nứt, lời mạnh mẽ “thế là đã hoàn tất”, “thế lại đã trọn vẹn”, “thế là đã trở
nên hoàn toàn rồi”. Thánh Giá của Chúa, Thánh Giá “ôm trọn” mọi “mảnh vỡ” của
cuộc đời, là bảo chứng cho lời của sự hoàn tất, lời của sự trọn vẹn, lời của sự
hoàn toàn. Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su đã hoàn tất công trình tình yêu của Ngài
cách mỹ mãn. Tình yêu của Chúa làm cho mọi sự đang rạn nứt và đang đổ vỡ trong
chúng ta được tìm lại sự gắn kết và trọn vẹn hoàn toàn. Tình yêu của Chúa
giữ chặt lại mọi sự ở trong chúng ta như đang chuẩn bị đỗ vỡ, đang ở trong tình
trạng có thể bị “chẻ đôi”. Chúa gìn giữ tất cả trong tình yêu hiệp nhất và
thành toàn của Chúa. Chúa đã trải qua ngày thứ sáu tuần thánh, nhưng không dừng
lại ở thời điểm “đổ vỡ” đó, mà Chúa đã bước vào hoàng hôn của ngày Phục Sinh, thời
điểm sự hoàn tất được nở hoa kết trái.[14]
Vì thế, thật đẹp biết bao, khi chúng ta cùng dâng Chúa mọi sự
của đời mình, đặc biệt dâng Chúa các mảnh vỡ trong cuộc đời của mình mà chúng
ta còn lượm lại được. Tất cả những mảnh vỡ đó như là năm chiếc bánh và hai con
cá đơn sơ. Nhưng khi dâng Chúa, Chúa sẽ thánh hoá của lễ đơn sơ và bất toàn này
thành lương thực dồi dào và phong phú nuôi sống cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong giờ đối diện với cái chết,
cũng có thể nói như Chúa: “thế là đã hoàn tất”. Hoàn tất sứ mạng Chúa trao ban,
hoàn tất trách nhiệm của đời người, đời làm Cha, đời làm Mẹ, đời làm con, đời của
người tu sĩ, đời của người giáo dân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong giờ đối diện với cái chết,
cũng có thể nói như Chúa: “thế là đã hoàn tất”, dù cho đời chúng con ở tại giây
phút cuối cùng vẫn có nhiều mảnh vỡ vương vãi mọi nơi. Cậy vào lòng thương xót
của Chúa và tin tưởng vào tình yêu vô bờ của Chúa, xin Chúa lượm lại tất cả các
mảnh vỡ đó, gắn kết và làm mới lại thành một tạo vật đúng như lòng Chúa ước
mong, tạo vật với rượu ngon hảo hạng và đầy tràn ở tiệc Cưới Cana, tạo vật chỉ
có năm chiếc bánh và hai con cá nhưng lại được hưởng một bữa no nê chung với
hàng ngàn người đang đói.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trước cánh cửa của cái chết trên
trần gian này, có thể nói lời cầu nguyện của Chúa: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga
17,1), và “trong tay Ngài, lạy Chúa
con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46).
“Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ chúng con.
Biết bao người đang âu sầu phiền muộn, xin nhớ lại giờ Chúa
hấp hối.
Biết bao người còn phải mang thương tích, xin nhớ lại những
cực hình Chúa chịu.
Biết bao người bị nhạo báng chê bai, xin nhớ lại vòng gai
Chúa đội đầu.
Biết bao người đang chán ngán cuộc đời, xin nhớ lại tiếng
kêu than của Chúa.
Biết bao người ngày hôm nay lìa thế, xin nhớ lại cái chết nhục
nhằn của Chúa trên thập tự.
Biết bao người gặp thử thách mà vẫn cậy trông, xin cho họ được
ánh sáng Phục sinh soi chiếu”.
(Lời cầu Kinh Chiều Thứ
Sáu tuần III thường niên).
Bài tập sống di ngôn thứ sáu của Chúa Giê-su trên
Thánh Giá.
Đến trước Thánh Giá Chúa,
nhắm mắt lại bạn đứng thẳng và từ từ dang tay ra hai bên, như tư thế của Chúa
Giê-su trên Thánh Giá. Giờ đây, bạn hãy mường tượng như Chúa Giê-su với Ngài bạn
cũng đang bị đóng đinh trên cây Thánh Giá. Và cũng có thể bạn tự mình đóng đinh
bạn vào Thánh Giá, và tự mình bạn không thể trốn chạy khỏi Thánh Giá. Ở lại
trong tư thế này và trạng thái này. Bạn hãy ý thức rằng, mọi sự đều được giữ lại
trên cây Thánh Giá. Tất cả mọi mảnh vỡ của cuộc đời bạn. Chúa muốn giữ lại tất
cả và hàn gắn tất cả.
Vẫn đứng trong tư thế trên, giờ đây bạn mường tượng, như
Chúa Giê-su bạn ôm ấp tất cả mọi sự trong đời bạn vào lòng, cả những thành công
lẫn thất bại, nỗi vui mừng và sợ hãi, hạnh phúc và buồn đau, hiện tại và tương
lai, trách nhiệm và sứ mạng. Bạn cầu xin Chúa giúp bạn biết nói lời “xin vâng”
với tất cả những điều đó, như Chúa đã đón nhận tất cả và thánh hoá tất cả.
“Thế là đã hoàn toàn”. Đứng trước Thánh Giá Chúa, bạn có thể
chắp lại hoặc bạn có thể dang đôi tay ra và hướng về Thánh Giá Chúa, và bạn nhẩm
đi nhắc lại lời của Chúa. Bạn có muốn dâng Chúa đời bạn, những dự định và kế hoạch
trong đời bạn, và cả trách nhiệm cùng sứ mạng mà bạn nhận được không? Bạn hãy
âm thầm tâm tình với Chúa và xin Chúa giúp bạn thực hiện những điều đó cách trọn
vẹn.
Bạn đứng thẳng và hướng mắt nhìn Chúa Giê-su trên Thánh Giá.
Chúa Giê-su dang tay và ôm ấp những người nghèo hèn, bất hạnh và bị bỏ rơi vào
lòng, để chở che nâng đỡ, để ấp ủ và yêu thương, để an ủi và thêm sức. Trong những
người đó có thể có bạn nữa.
Sau đó, từ từ bạn dang tay ra, và giờ đây bạn tự hỏi xem, bạn
muốn ôm ấp ai đang đau khổ, đang buồn đau vào lòng. Bạn hãy mường tượng khuôn mặt
của họ cách sống động, và nhẹ nhàng bạn ôm ấp họ vào lòng. Hãy ở lại trong tư
thế và trạng thái này một lúc. Cuối cùng bạn hãy cầu nguyện cho người bạn đang
ôm ấp trong đôi tay của bạn.
Nguồn: dongten.net (07.4.2023)
[1] RATZINGER J., Đức
Giê-su thành Nazareth, phần II, từ lúc vào Giêrusalem cho đến phục sinh, bản dịch của Phạm Hồng Lam,
NXB.Tôn Giáo 2011, t.271-272.
[6] NOUWEN H., Can you
drink the cup? – Con có thể uống chén này?, chương 02: Chén đắng. Bản tiếng tiếng Việt của An Nguyễn. Nguồn:
nguoitinhuu.com
[11] Uỷ Ban Giáo Lý Đức
Tin, HĐGMVN, Sách
Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, NXB. Tôn Giáo 2011, số 632 và 635.
[14] x. GRUEN A., Vater,
vergib ihnen, die sieben letzten Worte Jesu am Kreuz, s.99-101.