Di ngôn thứ bảy của Chúa trên Thánh Giá: Con xin phó thác hồn con!

08/04/2023


DI NGÔN THỨ BẢY CỦA CHÚA TRÊN THÁNH GIÁ:
LẠY CHA, CON XIN PHÓ THÁC HỒN CON TRONG TAY CHA
(Lc 23,46)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.


Bài Tin Mừng

Bối cảnh của di ngôn cuối cùng. 1

Chúa Giê-su với Thánh Vịnh trong việc cầu nguyện. 2

Lời Thánh Vịnh 31 trên Thánh Giá. 4

Lời cầu nguyện của Người Con với Cha. 5

Lời cầu nguyện tín thác tuyệt đối của Chúa Giê-su. 7

Hãi sợ trước cái chết và đôi tay dịu dàng mạnh mẽ hơn cái chết 9

Số phận con nằm trong tay của Đấng giàu lòng thương xót 12

Sức mạnh của lời cầu nguyện trên hành trình Đức Tin. 14

Bài tập sống sứ điệp cuối cùng của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.


Bài Tin Mừng

44 Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.45 Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.46 Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.

47 Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính! “48 Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về. 49 Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy (Lc 23,44-49).

Bối cảnh của di ngôn cuối cùng

Lời thứ sáu Chúa Giê-nói trong Phúc Âm thánh Gio-an “Mọi sự đã hoàn tất”, như là lời chia tay với trần gian. Còn lời thứ bảy cuối cùng được thánh Luca thuật lại như là lời phó thác của Chúa Giê-su trong tay Cha. Dưới đây, xin tìm hiểu bối cảnh của di ngôn cuối cùng của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

Chúa Giê-su thốt lên lời này trong bối cảnh trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng. Luca diễn tả rằng, lúc đó bóng tối bao phủ khắp mặt đất và mặt trời ngưng chiếu sáng. Đó là khung cảnh toàn cầu của thiên nhiên. Còn khung cảnh của Đền Thờ lúc đó thì sao? Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Về thời gian thì Luca nhắc đến giờ thứ sáu là thời gian buổi trưa và giờ thứ chín là lúc ba giờ chiều.

Đọc nguyên văn lời của Luca viết: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23,44-46).

Ở đây, chúng ta lắng nghe lời suy niệm của Karl Rahner: “Chúa Giê-su ơi, kẻ bị bỏ rơi nhất trong loài người, ôi trái tim tan nát vì đau đớn, Chúa đã kiệt lực. Đây là lúc cùng tận, lúc mà hết thảy đều bị tước bỏ, ngay cả linh hồn, ngay cả tự do chọn lựa giữa ưng thuận hay từ chối, lúc mà ta không còn thuộc về ta. Bóng thần chết đã lấp ló đứng chờ. Nhưng ai và cái gì tước bỏ như thế? Hư vô ư? Định mệnh mù quáng ư? Thiên nhiên tàn nhẫn ư? Không, chính là Cha! Thiên Chúa khôn ngoan và lân mẫn. Vì thế mà Chúa đã tự phó mình. Hoàn toàn tin tưởng, Chúa trao phó mình lại trong đôi tay vô hình nhưng hiền dịu của Cha. Vì không tin và vì quá bám víu lấy mình, chúng con cứ coi đôi tay đó là thòng lọng gớm ghê của định mệnh mù quáng và của thần chết. Còn Chúa, Chúa biết đấy là tay Cha. Và đôi mắt Chúa, dù tối mờ vì thần chết, vẫn còn nhận ra Cha, vẫn còn đặt trong ánh mắt an bình đầy tình hiền phụ của Cha, và miệng Chúa thốt lên lời cuối cùng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.[1]

Sau khi Chúa Giê-su nói lời cuối cùng và tắt thở trên Thánh Giá, một nhóm người khá đông xuất hiện. Đó là viên đại đội trưởng, người đã tôn vinh Thiên Chúa khi ông chứng kiến cảnh tắt thở của Chúa Giê-su. Đó là toàn thể dân chúng kéo đến xem cảnh tượng Chúa trút hơi thở. Kết quả là tất cả đều đấm ngực và ra về. Ngoài ra, còn có những người quen biết và các người thân của Chúa cũng chứng kiến giây phút Chúa qua đời, cụ thể Lu-ca nhắc đến các phụ nữ đã theo Chúa từ Ga-li-lê (x.Lc 23,47-49).

Ngoài ra, lời Chúa thốt ra trên Thánh Giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” nằm trong Thánh Vịnh 31. Giờ đây, chúng ta tìm hiểu Thánh Vịnh đóng vai trò nào trong cuộc sống của Chúa Giê-su, và sau đó cùng suy niệm Thánh Vịnh 31 trong bối cảnh Chúa Giê-su bị đóng đinh trên Thánh Giá.

Chúa Giê-su với Thánh Vịnh trong việc cầu nguyện

Theo Adalbert Hamman, “chỉ có các Thánh Vịnh, dù đã bị rêu phong thời gian phủ kín, nhưng vẫn bất hủ và đã được Đức Giê-su biến cải để dùng vào việc cầu nguyện với Cha Người. Đó là những bài ca cũ xưa để hát mừng bài thánh ca mới. Đó vẫn là khúc hát của địa cầu hát mừng Đấng đã tạo thành muôn loài muôn vật, vẫn là những khúc ca giữ cho bước chân của những con người đi tìm Chúa được nhịp nhàng, và vẫn là những bài ca có thể làm rung động cả tường thành Giê-ru-sa-lem trên trời”.[2]

Tập Thánh Vịnh không phải là của Đức Giê-su mà được ban cho Người: đó là lời cầu nguyện ấp úng của một nhân loại đã được Người đón lấy, là sách nói lên sứ mạng của Người. Như thế, Chúa Giê-su đã lấy kinh nguyện của đền thờ làm của mình, Người học thuộc lòng, hát ở hội đường, hát khi tiến về Giê-ru-sa-lem năm lên 12 tuổi, cũng như trong tất cả những lần tiến về thành thánh và hát cho đến bữa tiệc chia tay lần cuối, cùng với các Tông đồ.

Nhưng tập thơ ấy đã trở thành sách nguyện của Người. Đức Ki-tô đọc các Thánh Vịnh là vì các Thánh Vịnh nói về Đức Ki-tô. Trong Thánh Vịnh, Người gặp lại dân được Chúa chọn, một dân ô hợp, tội lỗi, và trong số đó, người vô đạo xem ra lại đông hơn. Đức Ki-tô đã gặp được toàn thể nhân loại nơi các Thánh Vịnh, từ một nhân loại cầu cứu đến một nhân loại phỉ báng và phỉ báng tới mức làm Người phải nản lòng.

Kinh nguyện của dân Do thái, một khi được thốt lên từ miệng của Đức Ki-tô, thì đồng thời được biến đổi và tinh luyện. Đó là kinh nguyện có sức sáng tạo của một Adam mới, có khả năng tạo ra một khởi nguyên mới, sinh ra một nhân loại mới. Từ khi Người đến và suốt thời gian Người sống, kinh nguyện của dân Do thái gắn chặt với xương thịt Người và sẽ không bao giờ rời xa Người nữa. Kinh nguyện ấy hiện ra trước mắt Người, nằm sâu trong lòng Người, khác nào một cái gai luôn luôn quấy rầy và thúc bách Người cho tới khi mọi sự được hoàn tất.

Đức Giê-su kết thúc sứ mạng của mình, một sứ mạng không ngừng bị cản trở, đúng vào lần thứ ba Người lên Giê-ru-sa-lem (tính từ khi Người hoạt động công khai) để cử hành lễ vượt qua cuối cùng. Và Đức Giê-su chết trên thập giá vào đúng giờ người Do thái giết chiên vượt qua. Đối với Người, cử hành lễ vượt qua và bi kịch vượt qua trùng hợp với nhau: giờ Người tự hiến mình làm hy tế của buổi chiều cuối cùng cũng là giờ vị thượng tế đang cầu nguyện. Ở đây, cầu nguyện và hành động chỉ là một.

Hơn nữa, đối với Adalbert Hamman, “sử dụng các Thánh Vịnh để cầu nguyện, đó là một cách cho thấy rõ hơn hết bi kịch của Đức Giê-su hoà chung với lịch sử của dân Người mà Người đã nhận lấy, hoà chung với sứ mạng của dân ấy cũng như với tội phản đạo của họ, mà bây giờ chỉ mình Người đứng ra nhận trách nhiệm nặng nề về tội lỗi đó. Cái mà đồng bào Người đang cử hành vào giờ này trong tuần lễ Vượt Qua, thì chính Người đang sống, đang là hiện thân. Người là Con Chiên gánh lấy tội thế gian để tiêu diệt đi. Khi Người chết là một công trình sáng tạo mới ra đời… Đối với Đức Giê-su, tập Thánh Vịnh là cẩm nang cầu nguyện và truyền giáo. Người nhận lấy nó và hoàn bị thêm. Đó là tác phẩm Kinh thánh được trích dẫn nhiều nhất trong Tân Ước”.[3]

Thánh Vịnh nói lên cuộc đời và thảm kịch của Đức Giê-su, Thánh Vịnh cũng nói lên sự cô đơn của Đấng đã trở nên đối tượng cho mọi người khinh rẻ, cùng với những người nghèo của Ít-ra-en.

Có hai soạn giả Tin Mừng còn thuật lại rằng trên thập giá, Đấng bị đóng đinh đã đọc Thánh Vịnh 22. Và khi sắp tắt thở, Người còn thều thào Thánh Vịnh 31. Người không bỏ một câu, một chấm trong các Thánh Vịnh nhưng Người thanh lọc chúng trong cuộc khổ nạn của Người, hay đúng hơn trên thập giá của Người, tựa như một lò sát sinh nơi đó cả lời nguyền rủa lẫn lời chúc dữ đều bị đốt tiêu tan như rơm rạ.

Khi dùng kinh nguyện của dân tộc mình, Đấng Mêsia đã cho thấy sứ mạng của mình có ý nghĩa gì, một sứ mạng mà Người đã thi hành trong đau khổ nhưng đã hoàn tất trong vinh quang. Những câu cuối trong Thánh Vịnh 22 là tiếng kêu chiến thắng:

“Toàn thế giới muôn người nhớ lại

Và trở về cùng Chúa

Khắp trần gian, mọi nước kính thờ,

Phủ phục trước thiên nhan…

Sự nghiệp đây, chính Chúa tạo thành”.

Chiều ngày Phục sinh, Đấng sống lại đã gặp hai môn đệ trên đường đi Emmau. Đối với họ, tất cả dường như đã mất hết. Họ hoàn toàn thất vọng và chính vì thất vọng, họ trở nên mù quáng. Đức Giê-su chỉ giúp họ đọc lại Kinh Thánh, sách các ngôn sứ, các Thánh Vịnh và toàn bộ các sách Thánh Kinh (x.Lc 24,27). Sứ mạng của Đấng Mêsia, đau khổ cũng như chiến thắng, cuộc vượt qua khổ nạn để tiến tới vinh quang, tất cả đều được tiên báo trong sách đó. Chỉ vì các môn đệ đã bị che mắt nên họ không nhận ra được các biến cố đó. Khi tới quán trọ, Chúa Giê-su kết thúc lời giải thích bằng cách bẻ bánh, và chính lúc đó, mắt họ dần dần mở ra. Từ bàn tay của Người mà Rembrandt đã vẽ trong một bức tranh bất hủ, đã toả ra ánh sáng mở mắt họ. Thế là thất vọng đổi ra vui mừng, tro tàn được khơi lại, và lửa bập bùng trong tim họ, bởi vì ai khám phá được Đức Ki-tô trong các Thánh Vịnh sẽ được các Thánh Vịnh ấy nung đốt.

Lời Thánh Vịnh 31 trên Thánh Giá

Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su nằm trong Thánh Vịnh 31,6. Người Do-thái trong giờ kinh tối luôn cầu nguyện với Thánh Vịnh 31 này. Ngoài ra, Thánh Vịnh này được những người gặp thử thách dùng để cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh Vịnh mở đầu với câu: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA”, diễn tả niềm trông cậy và tin tưởng vào Thiên Chúa của người đang gặp khó khăn thử thách.

Thánh Vịnh 31 này được Giáo Hội hát vào ngày thứ sáu Tuần Thánh, bởi vì Đức Giê-su trên thập giá đã đọc những lời của Thánh Vịnh này trước khi tắt thở: “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Theo Noël Quesson, trọn cả Thánh Vịnh được áp dụng hoàn toàn cho Đức Giê-su chịu đóng đinh. Ngay trước khi Đức Giê-su dùng như kinh nguyện cá nhân của Ngài, Thánh Vịnh này đã là một lời nguyện với hai hồi: Mở đầu là lời van xin của một bị cáo vô tội, của một người đau bệnh, một người sắp chết đang phải đối phó với cơn bách hại: tên bị chúc dữ, bị loại khỏi cộng đoàn, bạn bè thân thích đều kinh hãi, như người bị mắc bệnh dịch truyền nhiễm. Nhưng phần cuối của Thánh Vịnh lại là lời kinh nguyện êm dịu thân tình của một người nhà của Đức Chúa: dù trở nên đối tượng cho những tố cáo bất công, kẻ sắp chết vẫn tiếp tục, vẫn ca tụng hạnh phúc của đời sống thân tình với Chúa:

“Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài,

Số phận con ở trong tay Ngài.

Cao cả thay tấm lòng nhân hậu,

Chúa dành cho ai tìm đến Ngài nương náu.

Chúc tụng Chúa đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con” (Tv 31,15.16.20.22).

Với các lời của Thánh Vịnh 31, chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giê-su, Đấng chịu chết trên Thánh Giá, Đấng “đã nên trò cười cho thiên hạ”, chúng ta thấy khung cảnh đám đông do các lãnh tụ kích động đòi tử hình Ngài: ‘Đóng đinh nó vào thập giá! Máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi’. Rồi các biệt phái, luật sĩ, tên trộm phỉ báng Ngài. Người ta không chỉ bằng lòng giết chết Ngài mà còn muốn làm Ngài xấu hổ, giao nộp cho quân lính sỉ vả. Ngay chính bản án trên đầu Ngài cũng làm cớ để người ta chế giễu: Giê-su Na-gia-rét, Vua dân Do Thái, được viết bằng ba thứ tiếng.

“Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ, con hóa thành đồ hư vất bỏ” (Tv 31,13). Cái chết của Đức Giê-su không phải là một cái chết “bình thường”, nhưng là một cái chết bị khinh bỉ, cái chết của những tên nô lệ, của những kẻ bị kết án, của một thứ đồ vật mà người ta có thể đóng đinh vào.

Và trước khi Ngài bước vào giấc ngủ của sự chết, những lời của Thánh Vịnh xuất hiện cách tự nhiên trên môi miệng Ngài: “Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, Lạy Chúa, dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con”, “Trong tay Ngài con xin phó thác hồn con” và “số phận con ở trong tay Ngài”.[4]

Lời cầu nguyện của Người Con với Cha

Sau khi hoàn tất sứ mạng trên dương thế, và trên đường về Nhà Cha trên trời, từ thập giá Chúa Giê-su, Người Con dấu yêu, đã dâng lên Chúa Cha lời nguyện hoàn hảo nhất ”Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha”.

Thánh Luca viết rằng, Ngài đã lớn tiếng cầu nguyện như vậy. Theo Hamman, khi đọc thánh vịnh 22 hay ở đây khi đọc thánh vịnh 31, Đức Giê-su luôn cầu nguyện lớn tiếng, để cho người khác nhận ra được đáy lòng mình. Cầu nguyện ‘lớn tiếng’ xem ra là một điều hơi lạ đối với một người đang tắt thở. Không phải là một sự ‘hấp hối’, nhưng là một hành vi hiến dâng sáng suốt, tự do, trọn vẹn, hiến dâng cuộc sống mà mình đã nhận lãnh, hiến dâng từ hơi thở đầu tiên cho đến hơi thở cuối cùng. Chúa Con đang trả lại cho Thiên Chúa hồng ân đã lãnh nhận đó, trả lại cho Người hơi thở mà từ thuở Sáng Thế cũng như từ khi sinh ra đó vẫn là dấu chứng tỏ sự hiện hữu và sự sống. Những gì xuất hiện từ Thiên Chúa thì bây giờ trở về với Người.

Ngoài ra, lời cầu nguyện với Cha “lạy Cha”, không có trong Thánh Vịnh, nhưng cũng diễn tả quan hệ của Người Con với Cha, diễn tả sự tin tưởng, phó thác và yêu thương của Đức Giê-su, một người không coi chết là hết mà là hoàn thành và tiến về với Thiên Chúa, là Cha và là nguồn sự sống.[5]

Với Anselm Gruen, thật là một điều ngạc nhiên đáng chú ý, khi Chúa Giê-su trong hoàn cảnh phải đối diện với cái chết, Ngài vẫn nói những lời đầy tin tưởng và trìu mến với Cha của Ngài. Đó là người Cha nhân từ giàu lòng thương xót, Người Cha không đóng chặt vòng tay, khi đứa con đi hoang trở về, ngược lại Cha đã đón nhận con và trao ban cho con những hồng ân cao quý, khi anh ta hối hận ăn năn và xin Cha. Trong giây phút hấp hối tương quan giữa Cha với Chúa Giê-su đã được kiện toàn. Giờ đây Chúa Giê-su để mình được rơi vào trong bàn tay tốt lành của Cha, và Cha Ngài sẵn sàng đón nhận Ngài với tình yêu thật dịu dàng.[6]

Đối với Đức Bênêđictô XVI, “lời cầu khẩn thứ nhất  ‘lạy Cha’, nhắc lại lời nói đầu tiên của Người được ghi lại khi lên mười hai tuổi. Khi ấy, Người đã ở lại ba ngày trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, là nơi mà màn che giờ đây bị xé đôi. Và khi cha mẹ Người bày tỏ sự lo âu của các ngài, Người đã trả lời, ‘Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà Cha con sao?’ (Lc 2,49). Từ đầu đến cuối, điều hoàn toàn xác định cảm giác, lời nói và hành động của Chúa Giê-su, là mối liên hệ độc đáo của Người với Chúa Cha. Trên Thánh Giá, Người sống hoàn toàn trong tình yêu, chính mối liên hệ con thảo này với Thiên Chúa, đã sinh động hóa lời cầu nguyện của Người”.[7]

Thiết nghĩ, cũng nên tìm hiểu thêm về tương quan giữa Chúa Giê-su với Cha trên trời. Ở trong Tân Ước, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa trên trời chính là Đấng mà Ngài gọi là Cha, và Thiên Chúa trên trời cũng gọi Ngài là Con yêu dấu. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Ngoài ra, khi Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha, thì Ngài không dựa trên nền tảng của Do-thái giáo, mà dựa trên tương quan có một không hai của Ngài với Thiên Chúa. Trong khi người ta không tìm thấy trong các tài liệu về cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo một chỗ nào dùng từ ngữ Abba để chỉ cho Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su lại luôn dùng từ ngữ Abba để chỉ về Thiên Chúa, ngoại trừ tiếng kêu của Ngài trên thập tự (x.Mc 15,34). Vì thế, cách gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi, là cách gọi riêng của Chúa Giê-su,[8] một cách gọi rất thân thương và mang tính cách gia đình. Theo Tertullianô, thì “danh hiệu Thiên Chúa là Cha, chưa từng được bày tỏ cho một người nào. Cả khi ông Môi-se hỏi Thiên Chúa là ai, ông chỉ được nghe một danh khác. Danh hiệu này được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Con. Vì trước khi ‘Con’ đến, chưa có danh hiệu ‘Cha’”.[9] 

Nhưng tại sao, cách gọi Abba lại không được sử dụng trong những lời cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo? Theo Jeremias, thì người Do-thái tránh tối đa dùng những ngôn từ mang tính cách gia đình để gọi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng họ thờ lạy, nên không bao giờ họ nghĩ đến chuyện họ gọi Thiên Chúa là Abba.[10]

Như vậy, cách thức cầu nguyện của Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Abba  thật là mới mẻ. Đó cũng là cách thức của một em bé dùng để kêu chính cha đẻ của mình, một cách thức xưng hô rất thân thương và chất chứa niềm tin tưởng mạnh mẽ[11], niềm tin luôn hướng về sự vâng lời Cha cách tuyệt đối mà chính Chúa Giê-su đã sống. Như vậy, khi Chúa Giê-su sử dụng cách thức xưng hô bình dị và thân tình này để cầu nguyện, thì Ngài muốn chỉ ra mối tương quan rất gần gũi và đầy tin tưởng của Ngài với Cha.[12]

“Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con” (Ga 17,10). Đức Ki-tô đã thốt lên như vậy trong lời cầu nguyện của Ngài với Cha. Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người Cha cũng đã thốt lên một lời tương tự như vậy đối với người con cả: “Tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31). Trong sự kết hiệp mật thiết với Cha, Đức Ki-tô luôn sống đúng tinh thần của Cha. Thánh ý của Cha chính là lương thực nuôi sống Ngài, lương thực đó Đức Ki-tô khát khao đón nhận ngay cả những lúc bóng đêm đen tối bao phủ Ngài: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Chúng ta đừng quên rằng Đức Ki-tô đã lặp lại lời đó đến ba lần trong khi cầu nguyện trong vườn cây dầu (x.Mt 26,39.42 và 44).[13]

Như thế, tương qua thân mật của Chúa Giê-su với Cha trên trời trải dài trong cuộc đời dương thế của Ngài, và cao điểm của tương quan đó chúng ta có thể nhận ra nơi Thánh Giá, qua lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong lúc đau khổ: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. Đó là một tiếng kêu lớn của lòng tín thác tuyệt đối và hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện tín thác tuyệt đối của Chúa Giê-su.

Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. Với Đức Bênêđictô XVI, “những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giê-su ‘phó Mình’ cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện ‘trao phó’, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trước cái chết là một điều bi thảm, cũng như với mọi người, nhưng cùng một lúc, được tràn ngập bởi sự bình an thẳm sâu đến từ lòng tín thác vào Chúa Cha và ý muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài trong vườn Cây Dầu, khi Người bước vào cuộc chiến đấu cuối cùng, cùng cầu nguyện mãnh liệt, và sắp sửa ‘bị nộp vào tay người ta’ (Lc 9,44), mồ hôi của Người đã trở thành ‘như những giọt máu rơi xuống đất’ (Lc 22,44). Nhưng trái tim của Người hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, và ‘một thiên sứ từ trời’ đã đến để an ủi Người (x.Lc 22,42-43). Bây giờ, trong những giây phút cuối cùng của Người, Chúa Giê-su đã thưa cùng Chúa Cha rằng Người phó thác trọn cuộc đời Người trong tay Chúa Cha. Trước khi rời Ga-li-lê để đi lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh nhiều lần với các môn đệ: ‘Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người ta’ (Lc 9,44). Bây giờ, sự sống sắp sửa rời Người, Người đóng ấn lời cầu nguyện của Người trong quyết định cuối cùng: Chúa Giê-su tự cho phép mình bị nộp ‘vào tay người ta’, nhưng chính trong tay Chúa Cha mà Người phó linh hồn, vì vậy, như Thánh Sử Gioan nói mọi sự đã hoàn tất, hành động tối cao của tình yêu đã được thực hiện đến cùng, đến giới hạn và vượt quá giới hạn…”[14]

Karl Rahner đã suy niệm như sau: “Chúa trao tất cả vào tay Đấng đã ban cho mình tất cả. Chúa đặt hết vào tay Cha, không đòi bảo chứng, không chút giới hạn. Ôi, nhiều lắm! Và cũng thật nặng nề và cay đắng biết bao. Chúa đã phải một mình mang vác tất cả. Đó là những gánh nặng của cuộc đời Chúa: nhân loại, phận người, sứ mạng, thập giá, thất bại và cái chết. Nhưng bây giờ, mọi sự đã qua đi và Chúa có thể trao lại tất cả, cũng như phó thác chính mình vào trong tay Cha. Tất cả! Như đôi tay người mẹ, thật dịu dàng và thật tốt lành đôi tay này mang vác mọi sự. Đôi tay này bao phủ và chở che linh hồn Chúa, như người ta ấp ủ một cánh chim non trong lòng bàn tay với cả ý tứ mến thương. Bây giờ chẳng còn gì nặng nữa, tất cả đều nhẹ nhàng; tất cả đều là ánh sáng và ân sủng. Tất cả được trú ẩn an toàn dưới bóng trái tim Cha. Nơi đây người ta tỏ bày những gì nặng nề qua những giọt nước mắt, và được Cha lau khô những giọt nước mắt trên đôi má của người con, và Ngài còn tặng ban nụ hôn hiền phụ”.[15]

Chúa Giê-su trong giây phút cùng cực của cái chết đã phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa Cha. Qua đó, Ngài nhắc nhớ và dạy bảo chúng ta rằng, cho dù những thử thách của chúng ta có cam go, những vấn đề của chúng ta có khó khăn, và đau khổ của chúng ta có nặng nề thế nào đi nữa, chúng ta sẽ không bao giờ rơi ra ngoài bàn tay của Thiên Chúa, bàn tay đã dựng nên chúng ta, nâng đỡ chúng ta và đồng hành với chúng ta trên đường đời, bởi vì chúng được hướng dẫn bởi một tình yêu vô hạn và trung tín.

Tuy nhiên, là con người chúng ta cũng thành thật rằng, đứng trước cái chết với cõi vô định và tối tăm của nó, con người dễ dàng rơi vào trong sợ hãi, đến nỗi không còn có thể hướng nhìn lên Thiên Chúa.

Hãi sợ trước cái chết và đôi tay dịu dàng mạnh mẽ hơn cái chết

Có những lần chứng kiến những người cận kề cái chết, thấy họ đã phải chiến đấu biết bao nhiêu, để rồi khi ra đi mới có thể an bình về với Chúa. Có nhiều người luôn sợ hãi trước những tình trạng bị đe doạ, mình sẽ mất mát một điều gì đó: sợ mất việc làm, sợ mất người thân, sợ mất tình bạn, sợ mất người yêu, sợ mất một lý tưởng mình đeo bám từ biết bao năm qua, sợ mất hướng đi của cuộc đời… Biết bao nỗi sợ trước sự mất mát nhất định nào đó. Tuy nhiên, nỗi sợ “mất sự sống” là nỗi sợ kinh khủng nhất. Nếu bất ngờ đối diện với cái chết cận kề, đối diện với “tử thần đang đứng gõ cửa nhà”, thì lúc đó sự sợ hãi lên đến tột đỉnh. Thật vậy, nỗi sợ này lên đến tột đỉnh, vì có ai chuẩn bị cho đủ cho đúng để sẵn sàng đón nhận cái chết, đón nhận tình trạng “đánh mất sự sống của chính mình”.

Đứng trước một người vừa nhắm mắt ra đi, chúng ta mới thấy rằng cái chết là một huyền nhiệm.[16] Sự huyền nhiệm của cái chết có thể được nhìn qua hai điều: Với cái chết của người khác chúng ta thấy rằng, người nhắm mắt ra đi bước vào một con đường mà trên đó anh ta phải đi một mình. Dù chúng ta có nắm lấy tay người chết với tất cả tình yêu thương và dịu dàng của chúng ta, thì chúng ta cũng không thể nào chia sẻ con đường này của người vừa ra đi. “Quả thật, có một đêm đen không âm thanh nào vươn tới được, có một cánh cửa mà ta chỉ có thể bước qua một mình, đó là cánh cửa của sự chết. Mọi nỗi sợ trên trần gian rốt cuộc cũng chỉ là nỗi sợ cô đơn đó”.[17]

Có nhiều người vui vui đã thêm vào lời bài hát: Khi Chúa thương gọi con về, thay vì để cho bài hát tiếp tục với lời lòng còn hân hoan như trong một giấc mơ, thì họ nói với nhau và một cách nào đó họ cũng đang muốn nói với Chúa con không về, con không về hay con chưa về, con chưa về. Một lời nói ham sống sợ chết, một lời nói diễn tả tình trạng chưa sẵn sàng cho việc Chúa gõ cửa nhà mình.

Ngoài ra, khi nói như vậy, con người cũng đang diễn tả sự sợ hãi trước cái chết. Chết rồi đi về đâu? Một cõi vô định và tăm tối? Hơn nữa, con người đang nắm trong đôi tay biết bao điều tốt đẹp, làm sao họ có thể chấp nhận để buông ra, để từ bỏ được. Nào là vợ con, là tiền bạc vật chất, là danh vọng và quyền lực, là công ăn việc làm, là những kế hoạch còn đang dang dở nằm trên bàn. “Buông tay” là một thái độ thật khó của đời người. Khó hơn, khi họ tự thấy rằng, khi “buông tay” họ phải rơi vào trong một lỗ hổng thật sâu và tăm tối. Một cõi vô định! Họ không còn làm chủ được đời mình nữa. Điều đó làm cho con người sợ hãi đến tột đỉnh.

Thật vậy, với cái chết, con người đánh mất đi tất cả: cuộc sống tương quan và cuộc sống tình cảm, những việc làm dở dang, những kế hoạch hay dự án đang ở trên bàn, cả những giấc mơ đang có. Chỉ còn có mỗi một điều là người nằm xuống trao phó linh hồn của mình cho Chúa Cha ở trên trời, như chính Đức Ki-tô đã làm: “Phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17,11), và “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Karl Rahner đã suy niệm lời này như sau: “Đối với những ai đã yêu thế gian và trở nên một với thế gian này, thì thật là kinh khủng đối với họ, khi họ rơi vào bàn tay của Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn kêu lên lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nếu có một lời nào đáng để tin, thì chình là lời này. Lời mà Chúa đã thốt lên trong giây phút đạt tới đích điểm. Có một Thiên Chúa là Cha. Trong tay Ngài người ta có thể phó thác tất cả mọi sự. Mọi sự. Thật vậy, mọi sự đều được đón nhận”.[18]

“Trong tay Ngài, Lạy Cha, con xin phó thác hồn con, con xin phó thác đời con!”. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su và của chúng ta, mỗi phận người, vang lên trong lúc con người hãi sợ đứng trước cái chết. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta ý thức hơn về cái sợ của mình. Cái sợ chết, sợ đánh mất tất cả, sợ rơi vào thế giới tăm tối và vô định sẽ càng lớn hơn, nếu chúng ta không ý thức như Chúa Giê-su, sẵn sàng để mình rơi vào trong vòng tay nhân hiền và giàu lòng thương xót của Cha trên trời.

Khi chúng ta cảm nhận, tin tưởng và cậy trông hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội và là cùng đích, là Đấng luôn thương xót và nâng niu chúng ta, thì nỗi sợ kia sẽ phải lùi bước. Ngắm nhìn bức tượng Pietà nổi tiếng của Michelangelo ở đền thờ thánh Phê-rô, chúng ta thấy bàn tay thật dịu dàng, mạnh mẽ và tràn đầy yêu thương của Mẹ sẵn sàng đón nhận thân xác của Chúa Giê-su, Đấng như hạt lúa mì rơi vào lòng đất và chết đi. Chúa Giê-su đã đồng ý để mình rơi vào trong vòng tay của Mẹ mình, người Mẹ của lòng thương xót, và Ngài cũng để mình rơi vào trong đôi tay của Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót, là Chúa Cha trên trời, Đấng sẽ đón nhận Ngài về với trời cao.

Ở đây, chúng ta đọc lại một lời tâm tình của Karl Rahner: “Chúa Giê-su ơi, một ngày kia Chúa cũng trao linh hồn hèn hạ và thân xác khốn khổ của con vào trong tay Cha chứ? Lúc ấy, xin Chúa đừng đặt trên đĩa cân công lý, nhưng đặt vào trong đôi tay Cha khối nặng đời con và những tội lỗi nặng nề của con. Con có thể chạy trốn ở đâu, ẩn khuất ở đâu, ngoài ở bên Chúa – người anh em đã cay đắng chịu mọi khổ hình vì tội con. Xin hãy nhìn đến con, hôm nay con đến với Chúa, quỳ trước Thánh giá Chúa, và con hôn đôi chân đã chảy máu vì im lặng bước theo con trên quãng đường quanh quéo của đời con. Con ôm lấy Thánh giá Chúa, ôi Bạn Tình vĩnh cửu, trái tim của muôn của muôn trái tim đã bị đâm thủng. Ôi lạy trái tim hết sức kiên nhẫn, trái tim vô cùng quảng đại. Xin thương xót con. Xin đưa con vào tình yêu Chúa. Và khi cuộc đời lữ hành của con sắp chấm dứt, khi ngày đã gần tàn, khi bóng tử thần vây bọc lấy con, thì xin Chúa cũng thốt lên lời sau hết của Chúa: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha, ôi Chúa Giê-su từ ái!”[19]

Lời của Chúa Giê-su đã đi vào cuộc sống của các tín hữu, những người con cái của Chúa, và vì thế mẹ Giáo Hội đã dạy con cái mỗi tối về luôn ý thức cầu nguyện: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn!” Một lời nguyện thật đẹp và sâu xa biết bao. Thật đẹp vì lời cầu nguyện này hướng về Cha trên trời; thật sâu xa vì người cầu nguyện tin tưởng vào Đấng ở trong chiều sâu không thể dò thấu của nhân trần. Ngài ở trong chiều sâu nhất để với đôi tay dịu dàng và mạnh mẽ hơn cái chết, Ngài đón nhận tất cả mọi phận người “rơi ra” khỏi vũ trụ này, và Ngài sẽ đưa những phận người đó về với nguồn mạch của lòng thương xót.

Khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Ngài biết tên chúng ta, Ngài ghi khắc từng người chúng ta vào trong bàn tay của Người: “Này Cha đã ghi khắc con trong lòng bàn tay Cha” (Is 49,16). Tên của chúng ta không bao giờ bị phai nhoà, vì Chúa đã viết tên chúng ta không bằng những giọt mực dễ phai, mà Ngài viết bằng chính tình yêu thương. Mà tình yêu thì không bao giờ mất được. Hơn nữa, Chúa không chỉ viết, chỉ ghi, mà còn khắc tên chúng ta nữa. Khi cho chúng ta bước vào cuộc sống ở trần gian này, Thiên Chúa khắc sâu từng người chúng ta trong trái tim yêu thương của Ngài, và khi chúng ta đi ngang qua cái chết để trở về với Chúa, thì tên của chúng ta đã được Ngài khắc trên tấm bảng của sự sống vĩnh cửu.

Rahner đã xác tín đời sống vĩnh cửu của con người cách sâu sắc: “Thánh Kinh không hề biết đến bất cứ đời sống con người nào lại quá tầm thường, đến nỗi con người không có giá trị đủ để trở thành vĩnh cửu, và đó là sự lạc quan cao cả của Thánh Kinh. Không có gì quá nhiều đối với Thánh Kinh. Vì mỗi người được Thiên Chúa gọi với tên của mình, và vì mỗi người hiện hữu trong thời gian và trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng phán xét và cứu độ, nên mỗi người là một con người của vĩnh cửu chứ không chỉ những thần linh cao cả của lịch sử. Hơn thế nữa, trong thần học Gio-an điều đó trở nên rõ ràng hơn, khi tính vĩnh cửu ấy đang hiện hữu trong thời gian, và vì thế vĩnh cửu vượt trên thời gian, chứ không phải là một phần thưởng được ban cho sau thời gian và thêm vào cho thời gian. Thánh Kinh mô tả nội dung đời sống vinh phúc của người chết bằng cả ngàn hình ảnh: Như yên nghỉ và bình an, như bữa tiệc và vinh quang, như sống trong nhà Cha, như vương quốc vĩnh cửu của Vương Triều Thiên Chúa, như cộng đoàn của mọi người đã đạt đến viên mãn vinh phúc, như thừa hưởng vinh quang Thiên Chúa, như một ngày không bao giờ có tận cùng, và như sự thoả mãn không buồn tẻ. Xuyên suốt mọi lời trong Thánh Kinh, ta luôn luôn ước đoán cùng một điều duy nhất: Thiên Chúa là mầu nhiệm tuyệt đối. Và do đó, sự viên mãn và gần gũi tuyệt đối với chính Thiên Chúa cũng là một mầu nhiệm khôn tả, mà ta phải gặp và người quá cố chết đi trong Đức Chúa lại tìm thấy, như sách Khải Huyền nói. Đó là mầu nhiệm hạnh phúc khôn tả”.[20]

Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta tin tưởng và trông cậy tuyệt đối vào bàn tay của Thiên Chúa, Đấng yêu thương đưa chúng ta vào cuộc đời và vì yêu thương, Ngài lại đón nhận chúng ta về với Ngài để hưởng cõi phúc trời cao. Đặc biệt xin Ngài đừng để chúng ta rơi vào hoàn cảnh mất tin tưởng đến nỗi không chịu rơi vào bàn tay của Thiên Chúa. Vì thế, mong sao chúng ta luôn ý thức rằng, Chúa ơi, số phận con nằm trong tay Chúa.

Số phận con nằm trong tay của Đấng giàu lòng thương xót

“Nơi con trú ẩn, chính là Ngài.

Số phận con ở trong tay Ngài” (Tv 31,5.16)

Khi đọc những lời Thánh Vịnh này, bạn cảm thấy thế nào? Trên hành trình cuộc đời, người tín hữu luôn có một nơi trú ẩn. Đó là Thiên Chúa – Người Cha yêu thương giàu lòng thương xót. Đấng lớn hơn tất cả và luôn gìn giữ chúng ta. Lời của Chúa Giê-su nói về Cha trên trời là một sứ điệp tràn đầy hy vọng đối với chúng ta: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10,29).

Sự trú ẩn chúng ta cũng tìm thấy nơi Chúa Giê-su, Đấng đã chết để cứu rỗi chúng ta. Chính Ngài đã nói với chúng ta lời dịu dàng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Bên cạnh Chúa Cha, Chúa Giê-su, chúng ta còn tìm thấy sự trú ẩn nơi Chúa Thánh Thần, Đấng ủi an, chở che, nâng đỡ và hướng dẫn và các tín hữu luôn được phép cầu khẩn với Ngài:

“Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Đấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội”

Nơi trú ẩn mà người tín hữu cũng có thể tìm về cách dễ dàng là Mẹ Maria. Hình ảnh Pietà nói cho chúng ta biết rằng, Mẹ yêu thương đón nhận và bồng ẵm Chúa Giê-su như thế nào, thì Mẹ cũng thương xót, bồng bế và che chở chúng ta như vậy. Thật đẹp, khi mỗi ngôi thánh đường đều có một nơi như là “nhà nguyện nhỏ” dành cho Mẹ Maria. Nơi đó, các tín hữu có thể tìm về, đến với Mẹ, đốt lên những ngọn nến hay cầm một cành hoa hồng dâng Mẹ. Trong thinh lặng, đứng – quỳ- ngồi các tín hữu chiêm ngắm, cầu nguyện và trú ẩn dưới bóng Mẹ.

Một lần, sau ngày Giáng Sinh (ngày 26.12), tôi đã bắt gặp một phụ nữ ngồi khóc sướt mướt trước bàn thờ Mẹ Hằng Cứu Giúp ở trong nhà thờ, nơi tôi đang phục vụ. Lúc đó là 23.00 rồi. Tiếng khóc nức nở của chị như là lời cầu nguyện gởi đến Mẹ, như là một lời tâm sự những gì ẩn chứa trong cõi lòng chị. Ngồi xa xa, tôi thầm cầu nguyện với Mẹ Maria cho chị. Sau khi chị ra về, tôi đóng cửa nhà thờ và cảm nhận được ngôi thánh đường của Giáo Xứ có Chúa và có Mẹ hiện diện thật là nơi trú ẩn cho mọi người, không kể giàu hèn. Cũng dưới bóng Mẹ Hằng Cứu Giúp này, không ít lần tôi đã thấy những người vô gia cư, trong những buổi tối của đêm đông lạnh lẽo ở bên ngoài với âm 3 độ, họ đã tìm đến nơi Mẹ, và trên các ghế băng trước bàn thờ Mẹ họ đã ngủ thật ngon lành. Nhìn họ lòng tôi vui biết bao. Ôi nơi trú ẩn của đời người, thật dịu dàng và đẹp dường nào!

Lạy Mẹ Maria, xin hãy giang rộng áo choàng, xin hãy là khiên che và thuẫn đỡ chúng con. Xin cho chúng con được trú ẩn an toàn dưới áo Mẹ, cho đến khi mọi gió bão qua đi. Lạy Đấng Bảo Trợ và tốt lành, xin chở che chúng con mãi mãi.

Ôi lạy Mẹ của lòng thương xót, xin hãy giang rộng áo choàng, trong mọi lúc và trước mọi hiểm nguy, xin gìn giữ chúng con trú ẩn dưới áo Mẹ. Lạy Đấng Bảo Trợ và tốt lành, xin chở che chúng con mãi mãi.[21]

Mẹ và Chúa luôn sẵn sàng trao ban một nơi ẩn náu cho con cái và muôn người đang đi tìm một nơi trú ẩn, bởi vì Thiên Chúa – Đấng giàu lòng xót thương, Đấng nắm vận mạng con người trong tay của Ngài, không bao giờ muốn con cái bị mất đi.

Số phận con ở trong tay Ngài”. Đọc lời này của Thánh Vịnh gia, bạn cảm thấy sao? Với Valles thì, “con cảm thấy hạnh phúc khi đọc lên những lời này: con tin cậy vào Người, lạy Gia-vê, con nói: ‘số phận con ở trong tay Chúa’, ‘số phận con ở trong tay Chúa’. Bất cứ gì xảy đến với con, bất cứ gì cuộc đời mang lại cho con, dù phong ba bão táp hoặc nước đổ mưa rơi trên cánh đồng cuộc đời con, tất cả đều nằm trong bàn tay đầy yêu thương của Chúa. Con còn mong ước gì hơn.

Số phận con, phần phúc của con. Hên xui may rủi, những điều con yêu thích và những điều con gớm ghét, những hoàn cảnh con mong đợi và những tình huống con lo âu, vui buồn sướng khổ. Tất cả cuộc đời con đều trong tay Chúa. Chúa làm chủ thời gian; Chúa biết biện pháp, Chúa biết điểm mạnh và điểm yếu của con; Chúa biết những khát vọng và những giới hạn của con; những hoài bão và những thực trạng của con. Tất cả đều trong tay Chúa, Chúa yêu thương và mong muốn những điều thiện hảo cho con. Đối với con, điều may mắn nhất là được biết số phận – vận mạng con ở trong tay Chúa.

Lạy Chúa, xin cho niềm tin ấy tăng triển trong con và làm tan biến mọi ưu tư trong cuộc sống của con. Chắc chắn con vẫn phấn đấu vì vận mệnh của mình; con đâu phải là một người thành đạt hoặc một nhân vật giỏi giang gì cho lắm, đến độ có thể coi thường và không cần phấn đấu, nhưng với một khuôn mặt hân hoan và một tâm hồn thanh thản bởi vì vận mạng con ở trong tay Chúa. Con có thể ngẩng mặt, tươi cười, ca hát vì giờ đây gánh nặng đã trở nên nhẹ nhàng và chiếc ách đã trở thành êm ái. Con sẽ vẫn phấn đấu nhưng giờ đây con biết thành quả nằm trong tay Chúa, và như vậy là ở ngoài tầm với và tâm trí của con. Bình an lại đến với tâm hồn con bởi vì Chúa là Thiên Chúa của con và số phận con ở trong tay Chúa”.[22]

Những lời tâm tình trên là lời cầu nguyện suy niệm rất chân thành. Khi chúng ta có thể cầu nguyện như vậy, thì cuộc sống chúng ta sẽ tìm thấy được an bình, bởi vì cầu nguyện luôn là nơi chốn để mỗi người kín múc được nguồn an ủi, đỡ nâng và sức mạnh cùng niềm tín thác vào Thiên Chúa.

Sức mạnh của lời cầu nguyện trên hành trình Đức Tin.

Di ngôn cuối cùng Chúa nói với Chúa Cha là lời cầu nguyện của trái tim. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Lời cầu nguyện sâu lắng nhất của niềm phó thác. Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su đã đưa lại cho Chúa một sức mạnh vượt qua mọi đau đớn của thể xác, và mọi nỗi trống vắng của tâm hồn, để kết hiệp với Cha và đón nhận sức mạnh và tình yêu của Cha.

Sức mạnh của lời cầu nguyện là một điều rất thật mà nhiều Ki-tô hữu đã trải nghiệm. Thật vậy, trong hành trình sống Đức Tin và phục vụ, bản thân tôi đã nhiều lần trải nghiệm về ích lợi của việc cầu nguyện. Những khi đứng trước ngõ cụt của cuộc đời, những lúc dừng bước trước đêm đen của cuộc sống, lòng nặng trĩu với những âu lo, và đôi khi lòng trống rỗng đến như chẳng còn khao khát gì trong đời, thì khi bước vào cầu nguyện để gặp Chúa, tâm sự và trải lòng với Ngài, dâng lên Ngài tất cả mọi thực tế của cuộc sống và tâm trạng của tâm hồn, sau đó tôi nhận được một sức mạnh mới để vươn lên, để ra khỏi bóng đêm, để tìm lại được niềm vui sống cùng nguồn an ủi. Cầu nguyện quan trọng biết bao nhiêu. Cá cần nước để sống thế nào, thì con người cũng cần đến cầu nguyện như vậy.

Cầu nguyện được ghi khắc trong tim mỗi người và mọi nền văn minh. Homo orans – con người  cầu nguyện, chúng ta cần nhớ rằng nó là một thái độ nội tâm, trước khi là hàng loạt những cách thực hành và công thức, một cách sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong cầu nguyện, ở mỗi thời đại của lịch sử, con người tự đặt mình và hoàn cảnh của mình trước Thiên Chúa, từ Thiên Chúa và trong tương quan với Thiên Chúa, và cảm nghiệm thấy rằng mình là một tạo vật cần được giúp đỡ, không có khả năng tự mình đạt được tất cả những gì thích hợp với đời mình và ước vọng của mình. Như Sách Giáo Lý khẳng định: ‘Trong cầu nguyện, Thiên Chúa trung tín và yêu thương luôn đi bước trước; phần con người luôn chỉ là đáp lời. Khi Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra và mặc khải cho con người biết về chính họ, thì cầu nguyện được coi như một cuộc trao đổi lời mời, một diễn trình giao ước. Qua lời nói và hành vi, diễn trình này thu hút được chú ý của trái tim. Diễn trình này đã được diễn ra trong suốt lịch sử cứu độ’ (số 2567).

Peter Wust, một triết gia Đức rất có ảnh hưởng trong khoảng giữa hai thế chiến, nhất là ở các môi trường đại học, đã quay về với đức tin một cách rất hăng hái và đã không giấu giếm điều đó. Khi rời đại học, ông đã để lại một lá thư chia tay các sinh viên, không khác nào một di chúc thiêng liêng gởi cho họ.

“Nếu vào lúc tôi sắp sửa chia tay với các bạn, nếu vào lúc sắp chia tay vĩnh viễn này, có bạn nào hỏi tôi có chìa khoá thần nào giúp ta mở được cánh cửa cuối cùng dẫn vào sự minh triết của sự sống, thì tôi xin trả lời rằng có.

Chìa khóa thần ấy không phải là suy tư, như có lẽ các bạn đang chờ một triết gia như tôi trả lời, mà là cầu nguyện. Cầu nguyện là bước cuối cùng đem lại yên tĩnh cho ta, cho ta có một tâm hồn trẻ thơ, làm ta trở thành khách quan”.

Theo hình ảnh đặc biệt của cha Henri Nouwen, cầu nguyện là giãn xả, là buông bỏ, là mở tay và ngửa tay ra đón nhận. Ta cầu nguyện trong hy vọng, vì Thiên Chúa ở gần và muốn làm đầy ta. Ta cần cầu nguyện vì không có Thiên Chúa, ta sẽ không có căn nguyên và cô đơn, và cuộc sống ta thiếu chiều sâu. Ta cầu nguyện trong kinh hãi, vì Thiên Chúa là Tạo Hoá, còn ta chỉ là thọ tạo, là công trình của tay Người.

Như thế, hành trình Đức Tin của mỗi tín hữu là hành trình cầu nguyện. Và người tín hữu luôn kín múc được sức mạnh từ việc cầu nguyện, nhất là khi rơi vào trong những hoàn cảnh tế nhị nhất, như phải đối diện với bệnh hoạn, gặp phải khổ đau và đứng trước cái chết. Chúa Giê-su cũng đã trải nghiệm các khổ đau của con người chúng ta, và trong những lúc đó Ngài luôn hướng về Cha để cầu nguyện với Cha, nhờ đó mà Ngài đã vượt qua được biết bao nhiêu thách đố, bao cám dỗ và khổ đau. Trong bảy di ngôn Ngài nói trên Thánh Giá, chúng ta đã thấy Chúa cầu nguyện với Cha cách đặc biệt: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”; “Ê-lôi, Ê-lôi, la-ma xa-bác-tha-ni!’ Nghĩa là: ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” và “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.

Là người những tín hữu theo bước Chúa Giê-su, ước gì chúng ta luôn ý thức như lời Thánh Vịnh gia nói:

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống” (Tv 42,2-3).

Thánh Phao-lô cũng nhắc nhớ: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1Tx 5,16-18).

Như thế, trong cầu nguyện người tín hữu luôn tìm được sức mạnh và niềm vui cho cuộc sống. Nói khác đi, ở bên Chúa người tín hữu luôn tìm thấy hoan lạc, vì chính Chúa ban mọi ân sủng và niềm vui cần thiết cho hành trình dương thế của chúng ta. Ở đây, chúng ta đọc lời cầu nguyện của Raymond Lulle, một tu sĩ sống trong thời trung cổ (1235-1315): 

“Đã đặt bao niềm vui trong tâm hồn
Thì xin Ngài cho toả khắp toàn thân
Để mắt mũi, chân tay và miệng lưỡi
Toát lên cả một niềm vui thánh thiện. 

Mỗi phút giây tưởng niệm và chiêm ngắm
Suốt đời đời và sống mãi thiên thu
Lòng con lại tràn ngập niềm vui ấy
Như đại dương tràn trề nước bao la. 

Đã nai nịt gọn gàng trên lưng ngựa
Thì sợ gì thù ngoài với thù trong
Đã vui tươi trào dâng ngùn ngụt
Thì lo gì nóng giận với đau buồn. 

Ôi niềm vui Chúa đã ban cho
Thật lớn lao và mãnh liệt vô bờ
Lớn hơn núi Thái sơn vời vợi
Sắt thép nào dũng mạnh cho cam. 

Ôi lạy Chúa, khôn ngoan, nhân hậu
Niềm vui này là bởi Chúa ban cho
Sao con dám cậy mình như đá?
Chưa kịp hết vui, đá đã tan tành. 

Niềm vui này, sức mạnh kia là của Chúa
Chẳng ích gì nếu đòi cướp công lao
Lạy Tạo Hoá, lạy chúa tể con thờ
Xin cúi nhận Ngài là chủ muôn ơn”[23].

Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã nói cho chúng con di ngôn cuối cùng này. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa, là mỗi tối biết dâng lời cầu nguyện ngắn ngủi đó với Cha trên trời. Nhờ đó chúng con luôn biết phó thác cuộc sống của chúng con cho Cha, và luôn biết sống làm vui lòng Cha, cũng giống như Chúa đã phó thác mạng sống cho Chúa Cha và làm đẹp lòng Người. Thật là một ngày tràn ngập niềm vui sướng khi chúng con được nhìn thấy dung nhan Ngài và được vào nước Trời để nhận lấy phần thưởng thiêng liêng—chính là cuộc sống vĩnh cửu và tình yêu của Ngài và Chúa Cha. Amen”

Bài tập sống sứ điệp cuối cùng của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

Hội Thánh, trong giờ kinh Tối, dạy chúng ta đọc lại mỗi buổi tối trước khi ngủ: con xin phó thác hồn con trong tay Cha. “Xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ… Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu, Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài và thi thố trước mặt phàm nhân cho ai tìm đến Ngài nương náu”.

Nguồn: dongten.net (08.4.2023)



[1] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.70-71.

[2] HAMMAN A.G., Abrégé de la prière chrétienne, Kinh Nguyện Ki-tô giáo, Desclée, Paris 1987, phần Lời tựa.

[3] HAMMAN A.G., Abrégé de la prière chrétienne, Kinh Nguyện Ki-tô giáo, phần một, chương III, Đức Giê-su cầu nguyện.

[4] x. QUESSON Noël, 50 Psaumes pour tous les jours, II., Droguet & Ardant, Limoges 1979 p.47-51.

[5] HAMMAN A.G., Abrégé de la prière chrétienne, Kinh Nguyện Ki-tô giáo, phần một, chương III, Đức Giê-su cầu nguyện.

[6] GRUEN A., Vater, vergib ihnen, s.121-122.

[7] Đức Bênêđictô XVI, bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012.

[8] X. JEREMIAS J., Abba,Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1966, t.59.

[9] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2779, t.770.

[10] X .JEREMIAS  J., Abba, t.63.

[11] X. GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.217.

[12] x.LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.341.

[13] NGUYỄN Ngọc Thế SJ., Lời Kinh Cha Mẹ Dạy, t.44-54.

[14] Đức Bênêđictô XVI, bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện

[15] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.71.

[16] X. FERLAY P., Abrégé de la vie spirituelle, Desclée, Paris 1988, t.108-109.

[17] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.248. Tham khảo bản tiếng Việt với tựa đề Đức Tin Ki-tô Giáo, hôm qua và hôm nay, do Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, Đà-lạt 2010.

[18] RAHNER K., Saemtliche Werke, Christliches Leben, Band 14, Herder Verlag, Freiburg 2006, t.162.

[19] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.71-72.

[20] RAHNER K., Grundkurs des Glaubens, 5. Aufl., Herder Verlag, Freiburg 1976, t.423. Tham khảo bản tiếng Việt với tựa đề Những nền tảng Đức Tin Ki-tô, tập hai: Ki-tô học, do Nguyễn Luật Khoa OFM. biên dịch.

[21] X. Das katholische Gesangbuch Gotteslob, Katholische Bibelanstalt, Stuttgart 1975, unter der Nummer 595.

[22] VALLES C., Thánh Vịnh để chiêm niệm, s.103-104.

[23] Trích bởi  HAMMAN A.G., Abrégé de la prière chrétienne, Kinh Nguyện Ki-tô giáo, phần phụ lục: Một số bản văn để giúp cầu nguyện.

LỊCH PHỤNG VỤ