BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B

WHĐ (07.01.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm B:


Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa ngày 07.01.2024 – Ngày Rửa tội như một ngày sinh nhật

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (x. Mc 1,7-11). Việc này diễn ra gần sông Giođan, nơi Gioan – do đó được gởi là Tẩy Giả - thực hiện một nghi thức thanh tẩy, thể hiện sự cam kết từ bỏ tội lỗi và hoán cải. Dân chúng đến chịu phép rửa với lòng khiêm nhường, với sự chân thành, “với linh hồn và đi chân đất”, và Chúa Giêsu cũng đến đó, khai mạc sứ vụ của Người: qua đó Người chứng tỏ rằng Người muốn gần gũi với các tội nhân, rằng Người đã đến vì họ, vì tất cả chúng ta !

Và chính vào ngày đó một số sự kiện đặc biệt đã xảy ra. Ông Gioan Tẩy Giả đã nói điều gì đó lạ thường, công khai nhìn nhận nơi Chúa Giêsu, với vẻ bề ngoài dường như ngang hàng với tất cả những người khác, một người “mạnh hơn” (c. 7) hơn ông, Đấng “sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” (c. 8). Khi ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu như chim bồ câu (xem c. 10) và từ trên cao có tiếng Chúa Cha tuyên bố: “Con là Con yêu dấu của Cha: Cha hài lòng về Con” (c. 11).

Tất cả những điều này, một mặt cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, mặt khác nói với chúng ta về Bí tích Rửa tội, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Bởi vì Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.

Bí tích Rửa tội: Thiên Chúa đến trong chúng ta, thanh tẩy và chữa lành tâm hồn chúng ta khỏi tội lỗi, làm cho chúng ta mãi mãi trở thành con cái của Người, thành dân tộc và gia đình của Người, thành những người thừa kế Thiên Đàng (xem Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1279). Thiên Chúa trở nên gần gũi với chúng ta và không bao giờ rời xa nữa. Vì vậy, thật quan trọng cần nhớ về ngày Rửa tội. Bao nhiêu người trong chúng ta nhớ về ngày rửa tội của chúng ta.

Chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì cha mẹ đã đưa chúng ta đến phép rửa, vì những người đã cửa hành Bí tích cho chúng ta, vì cha đỡ đầu và mẹ đỡ đầu, vì cộng đoàn nơi chúng ta đã lãnh nhận Bí tích này.

Và chúng ta hãy tự hỏi: tôi có ý thức được món quà to lớn mà tôi mang trong mình nhờ Bí tích Rửa tội không? Trong cuộc đời tôi, tôi có nhận ra ánh sáng hiện diện của Thiên Chúa, Đấng coi tôi như người con yêu dấu của Người không? Và bây giờ, để ghi nhớ Bí tích Rửa tội, chúng ta chào đón sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Chúng ta có thể làm điều này bằng dấu thánh giá, dấu ấn trong chúng ta về ân sủng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và mong muốn ở với chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau làm dấu: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đừng quên ngày Rửa tội như một ngày sinh nhật.

Xin Mẹ Maria, đền thờ của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta cử hành và đón nhận những điều kỳ diệu mà Chúa thực hiện nơi chúng ta.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa ngày 10.01.2021 – Thiên Chúa tỏ mình nơi có lòng thương xót

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta cử hành việc Chúa chịu phép rửa. Một vài ngày trước, Hài Nhi Giêsu được các Đạo sĩ viếng thăm; giờ đây chúng ta thấy Chúa Giêsu đã trưởng thành ở bờ sông Giođan. Phụng vụ cho chúng ta có một bước nhảy vọt trong khoảng 30 năm. Trong 30 năm này chúng ta biết một điều: Đó là những năm tháng sống ẩn dật của Chúa trong gia đình; trước tiên ở Ai Cập như một người di cư để trốn khỏi sự bách hại của Hêrôđê, học nghề của Thánh Giuse, và trong gia đình vâng lời cha mẹ, học hành và làm việc. Điều đáng chú ý là phần lớn thời gian sống cuộc đời trần thế, Chúa đã trải qua như vậy, Chúa sống một cuộc sống bình thường, không có gì nổi bật. Đây là một sứ điệp tuyệt vời cho chúng ta: chỉ cho thấy sự vĩ đại của cuộc sống hàng ngày, đối với Chúa mỗi cử chỉ và mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, ngay cả những cử chỉ đơn giản và âm thầm đều quan trọng.

Sau 30 năm sống ẩn dật này, Chúa bắt đầu cuộc sống công khai. Và chính xác Chúa bắt đầu với việc chịu phép rửa ở sông Giođan. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa? Trong phép rửa của Gioan có nghi thức sám hối, là một dấu chỉ của ý muốn hoán cải, xin tha tội. Chắc chắn Chúa Giêsu không cần phép rửa này. Thực tế, Gioan Tẩy Giả cố gắng ngăn cản, nhưng Chúa Giêsu nhất quyết. Tại sao? Bởi vì Chúa muốn ở với người tội lỗi: vì điều này Chúa đã xếp hàng với họ và làm điều tương tự như họ. Và Chúa làm như vậy với thái độ của dân chúng. Chúa bước xuống sông để dìm mình trong chính tình trạng của chúng ta. Thực tế, Thánh Tẩy có nghĩa là ‘dìm mình’. Trong ngày đầu tiên của sứ vụ, Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta ‘bản tuyên ngôn có kế hoạch’ của Người. Chúa nói với chúng ta rằng, Người không cứu chúng ta từ trên cao, với một quyết định tối cao hay bằng một hành động của sức mạnh, nhưng bằng cách đến gặp chúng ta và gánh lấy tội lỗi chúng ta. Đây là cách Chúa thắng sự dữ thế gian: hạ mình và gánh lấy tội thế gian. Đây cũng là cách chúng ta có thể nâng người khác lên: không phải bằng việc phán xét, không đề nghị phải làm gì, nhưng gần gũi, chia sẻ tình yêu Chúa với người khác. Sự gần gũi là đường lối của Thiên Chúa với chúng ta; Chính Thiên Chúa đã nói như vậy với Môsê: ‘Hãy nghĩ xem: có dân nào được các vị thần linh ở gần như Ta ở gần các ngươi không?’. Sự gần gũi là đường lối của Thiên Chúa với chúng ta.

Sau cử chỉ trắc ẩn này của Chúa Giêsu, một điều lạ xảy ra: các tầng trời mở ra và Ba Ngôi tỏ hiện. Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người (Mc 1,10) và Chúa Cha nói với Chúa Giêsu : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11). Thiên Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót xuất hiện, bởi vì đó là khuôn mặt của Người. Chúa Giêsu làm cho mình trở thành tôi tớ của những người tội lỗi và được tuyên bố là Con; Chúa hạ mình xuống với chúng ta và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người. Tình yêu mời gọi tình yêu. Điều này cũng được áp dụng cho chúng ta: trong mỗi cử chỉ phục vụ, trong mỗi việc làm của lòng thương xót mà chúng ta thực hiện, Thiên Chúa tỏ mình và đoái nhìn đến thế giới.

Nhưng Thiên Chúa không chỉ đến với chúng ta khi chúng ta làm việc tốt. Ngay cả khi chúng ta chưa làm gì, cuộc sống của chúng ta đã được ghi dấu bởi lòng thương xót ngự xuống trên chúng ta. Chúng ta đã được cứu độ một cách nhưng không. Điều này diễn ra trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội. Và cả những người chưa được rửa tội, họ vẫn luôn nhận được lòng thương xót của Chúa, bởi vì Thiên Chúa luôn chờ đợi họ. Chúa chờ những cánh cửa tâm hồn mở ra. Chúa đến gần bên, âu yếm chúng ta bằng lòng thương xót của Chúa.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta gìn giữ căn tính của chúng ta, căn tính được thương xót, nền tảng đức tin và đời sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa ngày 07.01.2018 – Hãy nghĩ tới bí tích Rửa Tội của mình!

Anh chị em thân mến,

Ngày lễ Chúa chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh và mời gọi chúng ta nghĩ tới bí tích Rửa Tội của mình. Chúa Giêsu đã muốn nhận phép rửa do Gioan Tẩy Giả ban trong sông Giordan. Đây là phép rửa sám hối: những người đến lãnh nhận diễn tả ước muốn được thanh tẩy khỏi tội lỗi, và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, họ dấn thân bắt đầu một cuộc sống mới.

Khi đó chúng ta hiểu sự khiêm nhường lớn lao của Chúa Giêsu. Đấng không có tội lại xếp hàng với các kẻ sám hối, lẫn lộn giữa họ để được rửa trong nước sông. Chúa Giêsu khiêm nhường biết bao nhiêu! Khi làm như thế, Ngài đã biểu lộ điều chúng ta đã cử hành trong lễ Giáng Sinh: sự sẵn sàng của Chúa Giêsu tự dìm mình trong dòng sông nhân loại, nhận lấy trên chính mình các thiếu sót và yếu đuối của loài người, chia sẻ ước muốn của họ được giải thoát và thắng vượt tất cả những gì khiến xa rời Thiên Chúa và trở thành xa lạ với các anh chị em khác. Như tại Bêlem cả dọc theo bờ sông Giordan, Thiên Chúa duy trì lời hứa nhận lấy số phận là người và Chúa Giêsu là Dấu chỉ vĩnh viễn có thể sờ mó được. Ngài đã gánh tội thay cho tất cả chúng ta, gánh tội thay cho tất cả chúng ta, trong cuộc sống, mọi ngày.

Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu “khi ra khỏi nước đã trông thấy trời mở ra và Thần Khí xuống trên Ngài như chim bồ câu” (Mc 1,10). Thánh Thần, Đấng đã hoạt động ngay từ đầu việc tạo dựng và đã hướng dẫn ông Môshê và dân Do thái trong sa mạc , giờ đây xuống tràn đầy trên Đức Giêsu để ban cho Ngài sức mạnh chu toàn sứ mệnh trong thế giới. Chính Thần Khí, là Đấng hiện thực việc thanh tẩy của Chúa Giêsu và của cả chúng ta. Ngài mở con mắt trái tim cho sự thật, tất cả sự thật. Ngài thúc đẩy cuộc sống chúng ta trên con đường của lòng bác ái. Ngài là ơn mà Thiên Chúa Cha đã ban cho từng người trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Chính Thần Khí thông truyền cho chúng ta sự dịu hiền ơn tha tội của Chúa. Và cũng chính Ngài  làm vang lên trong chúng ta Lời mạc khải Thiên Chúa Cha. “Con là Con Cha” (c.11).

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mời gọi mọi kitô hữu nhớ tới bí tích rửa tội của mình. Tiếp đến ĐTC hỏi mọi người có nhớ ngày rửa tội của mình khi còn nhỏ không. Nếu không biết, thì về nhà hỏi mẹ, hỏi bà, hỏi bác, hỏi ông, hỏi cha mẹ đỡ đầu. Chúng ta phải nhớ ngày này, vì đó là ngày lễ, là ngày thánh hóa ban đầu của chúng ta, là ngày trong đó Thiên Chúa Cha đã ban Thánh Thần cho chúng ta, là Đấng thúc đẩy chúng ta bước đi, là ngày của ơn tha thứ. Xin anh chị em đừng quên hỏi ngày rửa tội của mình.

Chúng ta hãy khẩn nài sự che chở hiền mẫu cùa Mẹ Maria Rất Thánh để mọi kitô hữu có thể ngày càng hiểu biết ơn của bí tích Rửa Tội và dấn thân sống nó trung thực, bằng cách làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa ngày 11.01.2015 – Thời gian ‘trời đóng kín’ đã kết thúc

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh. Phúc Âm miêu tả điều xảy ra trên bờ sông Giorđan. Trong khi Gioan Tây Giả ban phép rửa cho Chúa Giêsu, thì trời mở ra. Thánh sử Marcô nói: “Lập tức, khi ra khỏi nước Người thấy trời mở ra” (Mc 1,10). Trở lại trong trí chúng ta lời khẩn nài thê thảm của ngôn sứ Isaia: “Ôi phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19). Lời khẩn cầu này đã được nhận lời với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Như thế đã chấm dứt “thời gian “trời đóng” ám chỉ sự xa cách giữa Thiên Chúa và con người, hậu qủa của tội lỗi. Tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và bẻ gẫy mối liên hệ giữa đất và trời, và như thế xác định sự bần cùng và thất bại của cuộc sống chúng ta. Trời mở ra ám chỉ rằng Thiên Chúa đã ban ơn thánh Người để trái đất cho hoa trái của nó “(x. Tv 85,13). Như thế trái đất trở thành nơi ở của Thiên Chúa giữa loài người, và từng người trong chúng ta có khả thể gặp gỡ Con Thiên Chúa, khi kinh nghiệm tất cả tình yêu và lòng thương xót vô biên của Người.

Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa hiện diện thực sự trong các Bí Tích, một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp gỡ Người nơi gương mặt của các anh chị em chúng ta, cách riêng nơi người nghèo, người bệnh, người bị tù, người tỵ nạn: họ là thịt xác sống động của Chúa Kitô khổ đau và là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình.

Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, trời không chỉ xé ra, mà Thiên Chúa lại nói và làm vang lên tiếng nói của Người: “Con là Con yếu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Tiếng của Thiên Chúa Cha loan báo mầu nhiệm dấu ẩn nơi Con Người được vị Tiên Hô làm phép rửa. Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể, cũng là Ngôi Lời vĩnh viễn, mà Thiên Chúa Cha đã muốn nói với thế giới. Chỉ khi lắng nghe, đi theo và làm chứng cho Lời đó, chúng ta mới có thể làm cho kinh nghiệm đức tin của chúng ta phong phú tràn đầy, mà mầm giống đã được đặt để trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Và rồi biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu: điều này cho phép Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Chúa, khai mào sứ mệnh của Người là cứu rỗi tất cả chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng vĩ đại bị lãng quên trong lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta thường cầu xin Chúa Giêsu; chúng ta cầu xin Chúa Cha, đặc biệt trong “Kinh Lậy Cha”, nhưng không thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, có đúng thế không? Ngài là Đấng bị bỏ quên. Chúng ta cần xin sự trợ giúp của Người, sức mạnh của Người, linh hứng của Người. Chúa Thánh Thần là Đấng đã linh hoạt toàn cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng là Thần Khí hướng dẫn cuộc sống kitô, cuộc sống của con người nam nữ nói rằng họ là tín hữu kitô và muốn là tín hữu kitô. Đặt để dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần cuộc sống kitô và sứ mệnh, mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận được nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, có nghĩa là tìm lại lòng can đảm tông đồ cần thiết giúp thắng vượt các thích nghi trần tục dễ dãi. Trái lại, một kitô hữu, một cộng đoàn “điếc” đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần. thúc đẩy đem Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất và xã hội, cũng trở thành một kitô hữu và một cộng đoàn “câm” không nói và không rao giảng Tin Mừng.

Nhưng xin anh chị em nhớ điều này: hãy thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh, linh hứng chúng ta và làm cho chúng ta tiến tới.

Xin Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, đồng hành với tất cả chúng ta là những người đã được rửa tội; xin Mẹ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong niềm vui phục vụ Tin Mừng, để như thế trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Nguồn: archivioradiovaticana.va