BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN NĂM B

WHĐ (03.02.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 5 Thường niên năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 5 Thường niên năm B:


Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7

Bài Ðọc II: 1Cr 9, 16-19. 22-23

Phúc Âm: Mc 1, 29-39


Đức Phanxicô, Bài huấn dụ ngày 04.02.2024 – Đừng chỉ là những Kitô hữu trong phòng thánh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu di chuyển liên tục: quả thực, Người vừa giảng xong, rời khỏi hội đường, đến nhà Simon Phêrô, nơi Người chữa lành cho mẹ vợ của Phêrô khỏi cơn sốt; tối đến, Người lại đi ra cổng thành, nơi Người gặp nhiều người bệnh và người bị quỷ ám và chữa lành cho họ; sáng hôm sau, Người dậy sớm và đến nơi hoang vắng để cầu nguyện; và cuối cùng Người lại lên đường đi khắp miền Galilê (xem Mc 1,29-39).

Chúng ta cùng chú ý đến chuyển động liên tục này của Chúa Giêsu, Người nói với chúng ta điều gì đó quan trọng về Thiên Chúa, đồng thời hỏi chúng ta một số câu hỏi về đức tin của chúng ta.

Chúa Giêsu đến gặp gỡ nhân loại bị thương tích và tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt của Chúa Cha. Trong chúng ta, có thể vẫn còn ý niệm về một Thiên Chúa xa cách, lạnh lùng, thờ ơ với số phận con người của chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu, sau khi giảng dạy trong hội đường, đã đi ra để Lời mà Người rao giảng có thể đến với, chạm tới và chữa lành con người. Khi làm như vậy, Người mặc khải cho chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một ông chủ trên cao thờ ơ với chúng ta; ngược lại, Người là Cha đầy lòng yêu thương đến gần và thăm viếng gia đình chúng ta, muốn cứu độ và giải thoát, chữa lành mọi bệnh tật thể xác lẫn tinh thần. Sau cả ngày di chuyển này, Chúa Giêsu rút lui đến nơi hoang vắng để cầu nguyện, để đem mọi sự và mọi người đến với trái tim của Chúa Cha; và việc cầu nguyện mang lại cho Người sức mạnh để trở về với anh em mình một lần nữa.

Việc không ngừng bước đi này của Chúa Giêsu chất vấn chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta đã khám phá ra khuôn mặt Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót hay chúng ta tin và loan báo một Thiên Chúa lạnh lùng và xa cách? Đức tin có làm chúng ta lo lắng về cuộc hành trình của mình hay đức tin là niềm an ủi cõi lòng giúp cho chúng ta an bình? Chúng ta cầu nguyện chỉ để cảm thấy an tâm hay Lời chúng ta nghe và rao giảng đưa chúng ta bước ra ngoài, giống như Chúa Giêsu, để gặp gỡ người khác, để truyền đi niềm an ủi của Thiên Chúa?

Vậy chúng ta hãy nhìn vào bước đường của Chúa Giêsu và nhớ rằng việc thiêng liêng đầu tiên của chúng ta là: bỏ đi một Thiên Chúa mà chúng ta nghĩ là mình biết rõ, và hoán cải mỗi ngày hướng về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta trong Tin Mừng, Người Cha của tình yêu và lòng trắc ẩn. Và khi chúng ta khám phá ra khuôn mặt thật của Chúa Cha, đức tin của chúng ta trưởng thành: chúng ta không còn là “Kitô hữu trong phòng thánh”, hay “Kitô hữu trong phòng khách”, nhưng chúng ta cảm thấy được mời gọi trở thành người mang niềm hy vọng và sự chữa lành của Thiên Chúa.

Xin Đức Maria rất thánh, Người Nữ Trên Đường, giúp chúng ta thoát khỏi chính mình để loan báo và làm chứng cho Chúa.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Bài huấn dụ ngày 07.02.2021 – Chăm sóc các bệnh nhân là sứ vụ của Giáo hội

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,29-39) thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành mẹ vợ của thánh Phêrô và sau đó chữa lành nhiều người bệnh và đau khổ khác quy tụ xung quanh Người. Việc chữa lành mẹ vợ thánh Phêrô là việc chữa lành thể lý đầu tiên được thánh Marcô thuật lại: người phụ nữ đang bị sốt nằm trên giường; thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu đối với bà có ý nghĩa biểu tượng: thánh sử miêu tả rằng “Người lại gần, cầm lấy tay bà (c.31). Hành động đơn giản này rất dịu dàng, có vẻ như hoàn toàn tự nhiên: “Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (ibid). Sức mạnh của Chúa Giêsu không gặp phải sự phản kháng nào; và người được chữa lành bắt đầu lại cuộc sống bình thường, nghĩ ngay đến người khác, chứ không phải nghĩ đến mình – và điều này thật ý nghĩa, nó là dấu chỉ của “sự khỏe mạnh” thật sự!

Hôm đó là ngày Sabát. Người dân trong làng chờ đợi mặt trời lặn và khi thời gian buộc phải nghỉ ngơi theo lề luật đã chấm dứt, họ mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những người bị bệnh và bị quỷ ám. Và Người chữa lành họ, nhưng không cho phép ma quỷ tiết lộ rằng Ngài là Đức Kitô (xem cc.32-34). Như vậy, ngay từ ban đầu, Chúa Giêsu đã cho thấy sự ưu ái của Người đối với những người đau khổ về thể xác và tinh thần: đó là sự ưu ái của Chúa Cha mà Người là hiện thân và biểu lộ bằng việc làm và lời nói.

Các môn đệ của Người là chứng tá trực tiếp, họ đã tận mắt nhìn thấy ​​điều này và làm chứng. Nhưng Chúa Giê-su không muốn họ chỉ là những khán giả trong sứ mệnh của Người: Người cho họ tham gia vào sứ mệnh đó; Người đã sai họ đi; Người còn ban cho họ quyền năng chữa lành bệnh tật và trừ quỷ (x. Mt 10,1; Mc 6,7). Và cho đến ngày nay điều này vẫn tiếp tục, không bị gián đoạn trong đời sống của Giáo hội. Chăm sóc cho các bệnh nhân không phải là một “hoạt động tùy chọn” đối với Giáo hội. Không, nó không phải là một điều gì đó thứ yếu. Chăm sóc các bệnh nhân của mọi thứ bệnh là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của Giáo hội, như nó đã là sứ mệnh của Chúa Giêsu: mang sự dịu dàng của Thiên Chúa đến với nhân loại đang đau khổ. Chúng ta sẽ được nhắc nhở về điều này trong một vài ngày nữa, vào ngày 11/2, Ngày Thế giới các bệnh nhân.

Thực tế mà chúng ta đang trải qua trên khắp thế giới do đại dịch khiến sứ điệp này, sứ vụ thiết yếu của Giáo hội trở nên hiện thực cách đặc biệt. Tiếng nói của ông Gióp, vang vọng trong phụng vụ ngày nay, một lần nữa giải thích thân phận con người của chúng ta, có phẩm giá cao quý nhưng đồng thời cũng rất mong manh. Trước thực tế này, trong lòng chúng ta luôn nảy sinh câu hỏi “tại sao?”.

Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, không trả lời câu hỏi tại sao chúng ta có phẩm giá cao cả và lại ở trong tình trạng mong manh như thế bằng một lời giải thích, nhưng bằng một sự hiện diện yêu thương, cúi xuống, cầm tay nâng dậy, như Người đã làm với mẹ vợ thánh Phêrô (x. Mc 1,31 ). Cúi người để nâng người khác lên. Chúng ta đừng quên rằng hình thức hợp pháp duy nhất, cách hợp pháp duy nhất để từ trên cao nhìn xuống một người dưới thấp là khi bạn đưa tay ra để giúp họ đứng lên. Và đây là sứ mệnh duy nhất Chúa Giêsu đã trao cho Giáo hội. Con Thiên Chúa bày tỏ Quyền Chủ tể của Người không phải “từ trên xuống dưới”, không phải từ xa, nhưng cúi xuống, nắm tay, biểu hiện Quyền Chủ tể của Người trong sự gần gũi, dịu dàng, cảm thông. Gần gũi, dịu dàng, cảm thông là cách thức của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến gần và đến gần cách dịu dàng và cảm thông.

Bao nhiêu lần chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng đứng trước một vấn đề sức khỏe hay bất cứ loại vấn đề nào, “Chúa chạnh lòng thương”. Và đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng cảm thông trắc ẩn này đâm rễ sâu trong mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha: Trước khi trời sáng và sau khi mặt trời lặn, Chúa Giêsu lui vào nơi thanh vắng và ở lại đó một mình để cầu nguyện (c.35). Từ đó Người tìm được sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh của mình, rao giảng và thực hiện các việc chữa bệnh.

Xin Đức Thánh Trinh Nữ giúp chúng ta để cho mình được Chúa Giêsu chữa lành – mỗi người chúng ta đều cần điều này – để đến lượt mình, chúng ta có thể là chứng nhân của sự chữa lành dịu dàng của Thiên Chúa.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Bài huấn dụ ngày 04.02.2018 – Chữa lành và loan báo

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng Chúa nhật này tiếp tục mô tả một ngày của Chúa Giêsu tại Capharnaum, một ngày thứ Bảy là lễ trong tuần đối với người Do thái. Lần này Thánh Sử Marcô làm nổi bật tương quan giữa hoạt động làm phép lạ của Chúa Giêsu và sự thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp. Thực vậy, qua những dấu chỉ chữa lành các bệnh đủ loại, Chúa muốn khơi dậy câu trả lời đức tin.

Ngày của Chúa Giêsu ở Capharnaum bắt đầu với việc chữa lành nhạc mẫu của thánh Phêrô và kết thúc với cảnh tượng dân chúng cả thành chen chúc trước nhà nơi Ngài trú ngụ, để mang tất cả các bệnh nhân đến. Đám đông, đau khổ về thể lý và những lầm than về tinh thần, có thể nói là họ họp thành môi trường cuộc sống trong đó sứ mạng của Chúa Giêsu được tiến hành, bằng những lời nói và những cử chỉ chữa lành và an ủi. Chúa Giêsu không để để mang lại ơn cứu độ trong một phòng thí nghiệm, ngài không giảng như trong phòng thí nghiệm, tách biệt với dân chúng: trái lại Ngài ở giữa đám đông, giữa dân chúng. Anh chị em hãy nghĩ: phần lớn đời sống công khai của Chúa Giêsu diễn ra trên đường, giữa dân chúng, để rao giảng Tin Mừng, để chữa lành các vết thương thể lý và tinh thần. Đám đông ấy, là một nhân loại đang chịu đựng đau khổ, vất vả và các vấn đề Khác: hoạt động quyền năng, giải thoát và đổi mới của Chúa Giêsu hướng về những người ấy. Thế là giữa đám đông cho đến chiều tối, ngày thứ bẩy ấy kết thúc. Vậy Chúa Giêsu làm gì sau đó?

Trước bình minh của ngày hôm sau, Ngài âm thầm đi ra khỏi cửa thành và rút lui vào nơi riêng để cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Qua đó, Ngài đưa con người và sứ mạng của Ngài tránh quan niệm háo thắng, hiểu lầm ý nghĩa các phép lạ và quyền năng thần lực của ngài. Thực vậy, các phép lạ là những dấu chỉ mời gọi câu trả lời của đức tin; những dấu chỉ luôn có lời nói đi kèm để soi sáng, và cùng nhau, dấu chỉ và lời nói, khơi lên Đức Tin và sự hoán cải nhờ sức mạnh thần linh của ơn thánh Chúa Kitô.

Phần kết của đoạn Tin Mừng hôm nay (vv.35-39) cho thấy việc loan báo Nước Thiên Chúa, do Chúa Giêsu, tìm lại được nơi thích hợp của mình trên đường. Khi các môn đệ tìm Chúa để đưa Ngài trở lại thành thị, Chúa nói: “Các con hãy đi nơi khác, trong các làng lân cận, vì Thầy cũng phải rao giảng tại đó nữa” (v.38). Đó là con đường của Con Thiên Chúa và đó cũng sẽ là hành trình của các môn đệ. Con đường như nơi hân hoan loan báo Tin Mừng, đặt sứ mạng của Giáo Hội dưới dấu hiệu ”bước đi”, chuyển động và không bao giờ là tĩnh.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta cởi mở đối với tiếng nói của Thánh Linh, Đấng thúc đẩy Giáo Hội ngày càng cắm lều của mình giữa dân sĩ của linh hồn lẫn thể xác.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Phanxicô, Bài huấn dụ ngày 08.02.2015 – Lương y của các linh hồn và mọi thể xác

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng ngày hôm nay (Mc 1,29-39) giới thiệu cho chúng ta việc Đức Giêsu đã chữa lành tất cả những ai bệnh tật, sau khi đã giảng dạy trong hội đường ngày Sa-bát. Giảng dạy và chữa lành là những hoạt động chính yếu trong đời sống công khai của Đức Giêsu. Với việc rao giảng Ngài loan báo về Nước Thiên Chúa, và với việc chữa lành Ngài cho thấy rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần và đang ở giữa chúng ta.

Vào nhà Simon Phêrô, Chúa Giêsu thấy mẹ vợ ông Phêrô đang sốt nằm trên giường; Ngài ngay lập tức nắm lấy tay bà, chữa lành cho bà và nâng bà dậy. Sau khi mặt trời lặn, vì ngày Sabát đã qua, dân chúng có thể ra ngoài và mang người bệnh đến cho Ngài; Ngài chữa lành vô số người mắc đủ loại bệnh tật: thể chất, tâm lý và tinh thần. Ngự đến trần gian để loan báo và hiện thực hóa sự cứu độ cho tất cả mọi người, Đức Giêsu đã bày tỏ một sự ưu ái đặc biệt đối với những ai đang bị tổn thương nơi thể xác cũng như tinh thần: những người nghèo khổ, các tội nhân, những người bị quỷ ám, những ai yếu đau, và cả những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Như thế, Ngài tự mạc khải chính mình như lương y của tất cả các linh hồn và mọi thể xác, như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu vậy. Ngài là Đấng Cứu Thế đích thực: Chúa Giêsu cứu độ, Chúa Giêsu chữa lành, Chúa Giêsu chữa lành.

Thực tại của việc chữa lành các bệnh tật của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phản tỉnh về ý nghĩa và giá trị của bệnh tật. Đây cũng là điều mà Ngày Quốc tế bệnh nhật - vốn sẽ được cử hành vào ngày thứ tư tuần tới, 11.02, dịp lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức - cũng tái kêu gọi chúng ta. Chúng ta cũng hãy tưởng nhớ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe (Chăm sóc Mục vụ Y tế), Đức Tổng Giám mục Zygmunt Zimowski, người đang bị bệnh nặng ở Ba Lan. Một lời cầu nguyện cho ngài ấy, cho sức khỏe của ngài ấy, bởi vì chính ngài ấy là người tổ chức Ngày này và ngài ấy đồng hành cùng chúng ta trong nỗi đau khổ của ngài ấy vào Ngày này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục Zimowski.

Hoạt động cứu độ của Đức Ki-tô không chỉ diễn ra cùng với con người và cuộc sống tại thế của Ngài nhưng vẫn còn tiếp diễn thông qua Giáo Hội, bí tích của tình yêu và sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho con người. Sai phái những môn đệ của mình trong các sứ mạng, Đức Giêsu ban cho họ một sự ủy thác kép: loan báo Tin Mừng cứu độ và chữa lành những bệnh tật (Mt 10, 7-8). Tin vào giáo huấn này, Giáo Hội đã luôn dành sự quan tâm hỗ trợ hết mình đối với những ai bệnh tật trong sứ mạng của mình.

Những người nghèo khó và những người đau khổ lúc nào cũng ở bên cạnh các ngươi”, Đức Giêsu cảnh báo như thế (Mt 26,11), và Giáo Hội tiếp tục tìm kiếm họ trên các ngả đường, quan tâm đến những ai yếu đau như một phương thế đặc quyền để gặp gỡ Đức Ki-tô, để đón nhận Ngài và phục vụ Ngài. Quan tâm đến một người yếu đau, đón nhận người đó, phục vụ người đó là phục vụ Đức Ki-tô: người yếu đau là thịt của Đức Ki-tô.

Điều này cũng diễn ra trong thời đại của chúng ta, khi, mặc dù có những thành tựu của khoa học, sự đau khổ nội tâm và thể xác của con người vẫn gợi lên những vấn nạn trầm trọng về ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ và cả nguyên do của cái chết. Đó là những câu hỏi mang tính hiện sinh để những hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải trả lời trong ánh sáng của đức tin, khi đối diện với Thánh giá trước mắt mình, rằng đó là tất cả những gì xuất hiện trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa Cha, Đấng vì tình yêu đối với con người, đã không tiếc xót trao ban Người Con Một (Rm 8, 32). Bởi thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi để mang ánh sáng của Lời Chúa và uy lực của ân sủng cho những ai đang đau khổ và những ai đang nâng đỡ họ, như những người thân trong gia đình, các bác sĩ, y tá, bởi vì phục vụ người yếu đau chỉ có thể được thực hiện cùng với lòng nhân đạo, cùng với sự dấn thân quảng đại, cùng với tình yêu của tin mừng, và cùng với sự âu yếm. Mẹ Giáo Hội, thông qua những cánh tay nối dài của chúng ta, ôm ấp những người đau khổ và quan tâm những ai bệnh tật với tình mẫu tử âu yếm.

Chúng ta hãy nài xin Đức Maria, Sức mạnh của những người đau ốm, chuyển cầu để mỗi người khi đau bệnh có thể cảm thấy sự nâng đỡ từ sự chăm sóc của những người ở bên cạnh, cũng như sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và sự an ủi vì tình mẫu tử âu yếm của Mẹ.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Bài huấn dụng ngày 05.02.2012 – Tin vào Thiên Chúa giúp chiến thắng sự dữ và bệnh tật

Anh chị em thân mến,

Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 1,29-39) kể lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành các người bệnh tật, trước hết là bà mẹ vợ của ông Simon Phêrô, bị sốt nằm liệt giường. Chúa Giêsu đền cầm tay bà, chữa bà lành và cho bà đừng đậy, rồi tới phiên tất cả các bệnh nhân tại làng Capharnaum, bi thử thách trên thân xác, trong tâm trí và trong tinh thần, và Chúa cũng đã “chữa lành nhiều người... và Người xua trừ nhiều quỷ dữ” (Mc 1,34). Bốn thánh sử Phúc Âm đều đồng ý trong việc làm chứng rằng sự giải thoát khỏi đủ loại bệnh hoạn tật nguyền, cùng với việc giảng dậy, làm thành sinh hoạt chính của Chúa Giêsu trong cuộc sống công khai của Người.

Thật thế, các bệnh tật là một dấu chỉ hoạt động của Sự Dữ trong thế giới và nơi con người, trong khi các vụ chữa lành chứng minh cho thấy Nước Thiên Chúa ở gần. Chúa Giêsu Kitô đến để đánh bại Sự Dữ tận gốc rễ và các vụ chữa lành là một diễn tả trước chiến thắng của Người có được với Cái Chết và sự Phục Sinh của Người.

Một ngày kia Chúa Giêsu đã nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, những người ốm yếu mới cần” (Mc 2,17). Trong trạng huống đó Chúa ám chỉ những kẻ tội lỗi, mà Người đến để kêu gọi và cứu rỗi. Tuy nhiên, có đúng thật là bệnh tật là một điều kiện riêng biệt của con người, trong đó chúng ta kinh nghiệm một cách mạnh mẽ rằng chúng ta không tự đủ, mà cần những người khác. Trong nghĩa này chúng ta có thể nói, với một sự mẫu thuẫn, rằng bệnh tật có thể là một thời điểm lành mạnh, trong đó có thể sống kinh nghiệm sự chú ý của những người khác và chú ý tới người khác.

Tuy nhiên, bệnh tật cũng luôn luôn là một thử thách, có thể trở thành lâu dài và khó khăn. Khi không lành bệnh và các khổ đau kéo dài, chúng ta có thể bị nghiền nát, cô đơn, và khi đó cuộc sống chúng ta bị đè bẹp và mất đi tính cách nhân bản của nó. Chúng ta phải phản ứng ra sao trước tấn công này của Sự Dữ? Chắc chắn là với các chạy chữa thích hợp - trong các thập niên qua y khoa đã đạt các bước tiến khổng lồ - nhưng Lời Chúa dậy chúng ta rằng có một thái độ tích cực và nền tảng giúp đương đầu với bệnh tật đó là thái độ của lòng tin. Chúa Giêsu luôn luôn lập lại với các bệnh nhân Người chữa lành rằng: Đức tin đã cứu con (x. Mc 5,34.36). Cả khi đứng trước cái chết, đức tin có thể khiến cho cái không thể đối với con người trở thành có thể. Nhưng mà tin vào cái gì đây? Tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Đây là câu trả lời đích thật đánh bại Sự Dữ một cách triệt để.

Như Chúa Giêsu đã đương đầu với Ma qủy bằng sức mạnh tình yêu thương tới từ Thiên Chúa Cha, chúng ta cũng có thể đương đầu và chiến thắng thử thách bệnh tật bằng cách giữ cho con tim mình chìm ngập trong tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết có những người đã chịu đựng được các khổ đau kinh khủng, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho họ một niềm thanh thản sâu xa. Chẳng hạn tôi nghĩ tới nữ chân phước Chiara Badano, bị đốn ngang trong tuổi thanh xuân bởi một chứng bệnh không có lối thoát: khi người ta tới thăm chị, người ta nhận được từ nơi chị ánh sáng và lòng tin tưởng! Tuy nhiên, trong bệnh tật, chúng ta tất cả đều cần tới hơi ấm tình người: để củng cố một bệnh nhân, sự gần gũi chân thành có giá tri hơn là các lời nói.

Anh chị em thân mến, ngày 11 tháng 2 lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức, là Ngày quốc tế của bệnh nhân. Chúng ta cũng hãy làm như dân chúng thời Chúa Giêsu: trong tinh thần, chúng ta hãy đem đến cho Chúa tất cả mọi người bệnh tật, vì tin tưởng rằng Người muốn và có thể chữa lành họ. Và chúng ta hãy khẩn nài sự cầu bầu của Đức Mẹ, đặc biệt cho các hoàn cảnh khổ đau và bị bỏ rơi lớn lao nhất. Lậy Mẹ Maria, sức khỏe của những người đau yếu, xin cầu cho chúng con!

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Bài huấn dụ ngày 08.02.2009 – Ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ

Anh chị em thân mến,

Bài Tin mừng hôm nay (xc. Mc 1,29-39) – liên hệ chặt chẽ với Chúa nhật tuần trước – giởi thiệu cho chúng ta thấy Đức Giêsu, sau khi đã giảng dạy trong hội đường Capharnaum vào ngày sabát, đã chữa bệnh cho nhiều người đau ốm, bắt đầu từ bà nhạc của ông Simon. Khi vào nhà của bà, Người thấy bà bị sốt, và lập tức Người đã cầm lấy tay bà, chữa cho bà được lành và bà chỗi dậy. Lúc mặt trời lặn, Người chữa cho rất nhiều người mắc đủ mọi chứng bệnh. Kinh nghiệm về những cuộc chữa bệnh đã chiếm một chỗ lớn trong sứ vụ công khai của đúc Giêsu, và mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ một lần nữa về ý nghĩa và giá trị của bệnh tật dưới mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Cơ hội này cũng trùng hợp với ngày Quốc tế dành cho các bệnh nhân, sẽ được cử hành vào thứ tư sắp tới, 11 tháng 2, kính nhớ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ đức.

Tuy rằng bệnh tật trở thành kinh nghiệm thường tình của cuộc đời, nhưng chúng ta không thể nào làm quen với nó, không những bởi vì nó trở nên nặng nề khó chịu, nhưng bởi vì bản tính chúng ta là muốn sống và sống dồi dào. Bản năng tự nhiên của chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như là sức sống sung mãn, và thậm chí như là sự sống bất tận và toàn hảo. Khi chúng ta bị thử thách bởi sự dữ và những lời cầu nguyện của chúng ta xem ra không hiệu quả, lập tức nảy lên nỗi nghi ngờ, và chúng ta âu lo tự hỏi: “đâu là ý Chúa?”. Đó là câu hỏi mà chúng ta tìm câu trả lời trong Tin mừng. Chẳng hạn như trong bài hôm nay, chúng ta đọc thấy rằng “Đức Giêsu đã chữa cho nhiều người mắc các thứ bệnh khác nhau và xua đuổi nhiều tà thần” (Mc 2,24); và một đoạn khác của Tin mừng Matthêu (4,23) nói rằng: “Đức Giêsu đã rảo hết miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, loan báo Tin mừng về Vương triều Thiên Chúa, và chữa hết mọi thứ bệnh tật yếu liệt của dân chúng”. Thật không còn nghi ngờ gì nữa: đức Giêsu đã bày tỏ khuôn mặt của Thiên Chúa: Thiên Chúa là chủ tể sự sống, Ngài giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ sự dữ. Dấu hiệu của quyền năng tình thương của Thiên Chúa là những việc chữa bệnh, chúng cho thấy rằng Vương triều Thiên Chúa đã đến gần, qua sự phục hồi tình trạng toàn vẹn hồn xác cho con người. Tôi nói rằng các việc chữa bệnh là những dấu hiệu: chúng không dừng lại ở chính sự việc nhưng hướng đến sứ điệp của Chúa Kitô, chúng hướng chúng ta đến Thiên Chúa, và cho chúng ta biết rằng căn bệnh đích thực và sâu xa nhất của con người nằm ở sự thiếu vắng Thiên Chúa, là nguồn của chân lý và tình thương. Duy chỉ có sự giao hoà với Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự lành mạnh đích thực, sự sống đích thực, bởi vì một cuộc sống thiếu tình thương và thiếu chân lý thì không còn là sự sống nữa. Vương triều của Thiên Chúa chính là sự hiện diện của chân lý và tình thương, và là sự chữa lành sâu xa nhất của cuộc đời. Bởi thế ta hiểu được rằng vì sao lời giảng và sự chữa bệnh của đức Giêsu luôn liên kết với nhau, bởi vì cả hai tạo nên một sứ điệp duy nhất của niềm hy vọng và cứu rỗi.

Nhờ tác động của Thánh Linh, công trình của đức Giêsu được kéo dài trong sứ mạng của Hội thánh. Nhờ các bí tích, Chúa Giêsu chuyển thông sự sống của Người cho biết bao nhiêu anh chị em, và nâng đỡ vô số những bệnh nhân qua các hoạt động y tế mà các cộng đoàn Kitô hữu đang cỗ võ với tình bác ái huynh đệ, nhờ đó họ đã biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa, và Tình thương của Ngài. Thật vậy, biết bao nhiêu Kitô hữu, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trên khắp thế giới, đã và đang cống hiến những bàn tay, những đôi mắt, những tấm lòng cho Chúa Kitô , là lương y của các thân xác và linh hồn.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân, đặc biệt là những người bệnh nặng, không thể nào chăm sóc chính mình và hoàn toàn dựa vào sự săn sóc của người khác: mong sao nhờ sự ân cần của người gần gũi, họ được cảm nhận được quyền năng tình thương của Thiên Chúa, sự phong phú của ân sủng cứu độ. Xin Mẹ Maria, là sự cứu chữa các bệnh nhân, chuyển cầu cho chúng ta.

Nguồn: archivioradiovaticana.va