Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường niên năm C (07/7/2019) - Loan truyền và làm chứng Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường niên năm C (08/7/2007) - Sứ vụ mở rộng cho mọi người |
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 14 Thường niên năm C (03/7/2022) - Ba điều ngạc nhiên trong công cuộc loan báo Tin Mừng
Anh chị em thân mến,
Niềm vui: Lời Chúa chúng ta vừa nghe làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Tại sao, thưa anh chị em? Vì như Chúa nói trong Tin Mừng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10, 11). Đến gần: nghĩa là chưa đến, một phần còn bị ẩn khuất, nhưng gần với chúng ta. Và sự gần gũi của Thiên Chúa này ở trong Chúa Giêsu, là Chúa Giêsu, là suối nguồn niềm vui của chúng ta: chúng ta được yêu thương, và Chúa không bỏ mặc chúng ta. Tuy nhiên niềm vui đến từ sự gần gũi của Chúa, trong khi trao ban bình an lại không để chúng ta trong bình an. Niềm vui đặc biệt này tạo một sự thay đổi trong chúng ta: làm tràn ngập sự ngạc nhiên, thay đổi đời sống. Đây là điều xảy ra cho các môn đệ trong Tin Mừng: để loan báo về sự gần gũi của Thiên Chúa, các ông đi đến những nơi xa xôi, đi thi hành sứ vụ. Bởi vì ai đón tiếp Chúa Giêssu, cảm thấy mình phải bắt chước Người, làm như Người đã làm, nghĩa là đã bỏ trời cao để phục vụ chúng ta trên trái đất, và ra khỏi chính mình. Vì vậy, nếu chúng ta tự hỏi nhiệm vụ của chúng ta trên thế giới là gì, chúng ta phải làm gì với tư cách là một Giáo hội trong lịch sử, thì câu trả lời của Tin Mừng rất rõ ràng: sứ vụ.
Ba điều ngạc nhiên trong công cuộc loan báo Tin Mừng
Là Kitô hữu, chúng ta không thể hài lòng với lối sống tầm thường. Đây là một căn bệnh; nhiều Kitô hữu và cả chúng ta có nguy cơ sống tầm thường, chỉ bận tâm đến những cơ hội và thuận lợi của chúng ta, sống cho qua ngày. Không, chúng ta là những nhà truyền giáo của Chúa Giêsu. Nhưng anh chị em có thể nói: “Tôi không biết phải làm thế nào, tôi không có khả năng!”. Tin Mừng vẫn còn làm cho chúng ta ngạc nhiên, chỉ cho chúng ta thấy Chúa sai các môn đệ ra đi nhưng không đợi các ông đã sẵn sàng và được huấn luyện kỹ lưỡng: họ ở với Chúa chưa lâu, nhưng Người đã sai họ đi. Các ông chưa học thần học, nhưng Chúa vẫn sai các ông đi. Và cách Chúa sai các ông đi cũng làm cho chúng ta đầy ngạc nhiên. Như thế, chúng ta thấy được trong công cuộc loan báo Tin Mừng có ba điều ngạc nhiên mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta.
Ngạc nhiên đầu tiên: Hành trang là người anh em
Để thực hiện một sứ vụ ở những nơi chưa biết, người ta cần phải mang theo một số thứ, chắc chắn là những thứ cần thiết. Trái lại, Chúa Giêsu không nói điều phải mang theo, nhưng Người nói những thứ không mang theo: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (câu 4). Như vậy thực tế là không mang theo gì: không hành lý, không có sự an toàn, không có sự trợ giúp. Chúng ta thường nghĩ rằng các sáng kiến của Giáo hội không hoạt động hiệu quả vì chúng ta thiếu cơ cấu, tiền bạc và phương tiện: điều này không đúng. Chính Chúa Giêsu phủ nhận điều này. Anh chị em thân mến, chúng ta đừng tin tưởng vào sự giàu sang và chúng ta không sợ sự nghèo khó vật chất và con người của chúng ta. Chúng ta càng tự do và đơn sơ, nhỏ bé và khiêm nhường, thì Chúa Thánh Thần càng hướng dẫn sứ vụ và làm cho chúng ta trở thành những người nắm giữ vai chính trong những điều kỳ diệu của Người.
Đối với Chúa Kitô, hành trang cơ bản là một điều khác: đó là người anh em. Tin Mừng nói: “Người sai các ông cứ từng hai người một đi trước” (câu 1). Các ông không đi một mình, nhưng luôn có người anh em bên cạnh. Luôn phải có người anh em bên cạnh, vì không có sứ vụ nào mà không có sự hiệp thông. Không có lời loan báo nào có kết quả mà không quan tâm đến người khác. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: là Kitô hữu, tôi suy nghĩ nhiều hơn về những gì tôi thiếu để có cuộc sống đầy đủ, hay tôi nghĩ về việc gần gũi hơn với anh chị em tôi, về việc quan tâm đến họ không?
Ngạc nhiên thứ hai: Sứ điệp bình an
Chúng ta đến với điều ngạc nhiên thứ hai của sứ vụ: sứ điệp. Thật hợp lý khi nghĩ rằng, để chuẩn bị cho việc loan báo, các môn đệ phải học những gì cần nói, nghiên cứu kỹ nội dung, chuẩn bị những bài phát biểu thuyết phục và rõ ràng. Thay vào đó, Chúa Giêsu chỉ đưa ra cho họ hai câu ngắn gọn. Câu đầu tiên dường như không cần thiết, đó là một lời chào: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (câu 5). Điều này có nghĩa là ở bất cứ nơi nào, người môn đệ phải giới thiệu mình như những đại sứ hoà bình. Kitô hữu luôn mang đến sự bình an. Đây là dấu hiệu phân biệt: Kitô hữu là người mang sự bình an, bởi vì Chúa Kitô là sự bình an. Từ điều này, người ta sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa. Trái lại, nếu chúng ta loan truyền những lời đàm tiếu và ngờ vực, chúng ta tạo ra sự chia rẽ, chúng ta cản trở sự hiệp thông, chúng ta lệ thuộc nhiều thứ, thì chúng ta không hành động nhân danh Chúa Giêsu. Ai gây hận thù, kích động lòng căm thù, thì là những người không làm việc vì Chúa Giêsu, không mang lại sự bình an của Người. Anh chị em thân mến, hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho hoà bình và hoà giải ở Congo, nơi có nhiều thương tích và bóc lột. Chúng ta hiệp nhất trong các Thánh lễ được cử hành trong đất nước theo ý chỉ này và chúng ta cùng cầu nguyện để các tín hữu trở thành những chứng tá hoà bình, có khả năng vượt qua mọi oán hận và trả thù, cám dỗ mà không thể hoà giải, vượt qua mọi sự gắn bó với nhóm của mình, điều không đưa đến điều tốt nhưng chỉ dẫn đến việc xem thường người khác.
Anh chị thân mến, hòa bình bắt đầu từ chúng ta; từ anh chị em và từ tôi, từ tâm hồn mỗi người. Nếu anh chị em sống trong bình an của Chúa Giêsu, Người sẽ đến và gia đình, xã hội của anh chị em sẽ thay đổi. Gia đình và xã hội thay đổi nếu trước tiên tâm hồn anh chị em không có chiến tranh, không được trang bị vũ khí oán hận và tức giận, không bị chia rẽ và giả dối. Đặt hòa bình và trật tự trong lòng, xoa dịu lòng tham, dập tắt hận thù và oán giận, thoát khỏi tham nhũng, gian dối và xảo quyệt: đây là nơi hòa bình bắt đầu. Chúng ta luôn muốn gặp những người hiền lành, tốt bụng, bắt đầu từ những người thân và hàng xóm của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Các con hãy mang sự bình an cho ngôi nhà của các con, các con hãy bắt đầu tôn trọng người vợ của mình và yêu thương cô ấy bằng trái tim, tôn trọng và quan tâm trẻ em, người già và người lân cận. Hãy sống trong bình an, hãy khơi dậy hòa bình và hòa bình sẽ cư ngự trong nhà các con, trong Giáo hội, trong đất nước các con”.
Sau lời chào bình an, tất cả phần còn lại của sứ điệp được giao phó cho các môn đồ được rút gọn thành vài từ mà chúng ta đã bắt đầu và Chúa Giêsu lặp lại hai lần: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần! […] Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (câu 9 và 11). Loan báo sự gần gũi của Chúa, đó phong cách của Người; phong cách của Chúa là: sự gần gũi, lòng trắc ẩn và dịu dàng. Loan báo sự gần gũi của Chúa là một điều thiết yếu. Niềm hy vọng và sự hoán cải đến từ đây: từ việc tin rằng Thiên Chúa đang ở gần và trông chừng bảo vệ chúng ta: Người là Cha của tất cả mọi người, Đấng muốn tất cả chúng ta là anh chị em. Nếu chúng ta sống dưới ánh nhìn này của Thiên Chúa, thế giới sẽ không còn là chiến trường, nhưng là một khu vườn hòa bình; lịch sử sẽ không phải là một cuộc chạy đua về đích đầu tiên, nhưng là một cuộc hành hương chung. Tất cả những điều này - chúng ta hãy nhớ kỹ - không đòi hỏi những bài diễn văn tuyệt vời, nhưng cần những bài diễn văn ít lời và nhiều chứng tá. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: những người gặp tôi có thấy nơi tôi một chứng tá của hoà bình và sự gần gũi của Thiên Chúa không, hay là một người đang bị kích động, giận dữ, bất khoan dung, hiếu chiến không? Tôi có làm cho họ thấy Chúa Giêsu hay tôi che giấu Người bởi những thái độ hiếu chiến?
Ngạc nhiên thứ ba: Phong cách của người môn đệ
Trước hết là hành trang và tiếp đến là sứ điệp, điều ngạc nhiên thứ ba của sứ vụ liên quan đến phong cách của chúng ta. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Người đi vào thế giới “như chiên con đi vào giữa bầy sói” (câu 3). Lý luận của thế gian nói ngược lại: bạn hãy tự khẳng định, hãy vượt lên trên người khác! Trái lại, Chúa Kitô muốn chúng ta trở nên những chiên con, chứ không phải những con sói. Điều này không có nghĩa là trở nên ngây thơ, nhưng là ghê tởm mọi bản năng của quyền lực và sự áp bức, lòng tham và sự chiếm hữu. Ai sống như một con chiên, không tấn công, không tham ăn: người đó ở trong đàn, với những người khác, và tìm thấy sự an toàn nơi Mục tử của họ, không tìm sự an toàn nơi sức mạnh hay kiêu ngạo, lòng tham tiền bạc và vật chất, những điều gây ra nhiều tổn hại cho Congo. Người môn đệ Chúa Giêsu từ chối bạo lực, không làm hại ai và yêu thương mọi người. Và nếu điều này đối với môn đệ dường như là điều thua thiệt, hãy nhìn vào Vị Mục Tử, Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng thế gian, trên Thánh giá. Và tôi - chúng ta hãy tự hỏi mình một lần nữa - sống như một chiên con, như Chúa Giêsu, hay như một con sói, như tinh thần của thế gian dạy, tinh thần gây chiến tranh?
Xin Chúa giúp chúng ta trở thành những nhà truyền giáo hôm nay, bước đi cùng với các anh chị em; có trên môi miệng sự bình an và gần gũi của Chúa; mang trong lòng sự hiền lành và nhân hậu của Chúa Giêsu, Chiên Con gánh tội trần gian.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường niên năm C (03/7/2022) - Tình huynh đệ trong công cuộc loan báo Tin Mừng
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng phụng vụ Chúa nhật này chúng ta đọc thấy rằng “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1). Các môn đệ được sai đi từng hai người một, không đi một mình. Từ cái nhìn thực tế, đi loan báo Tin Mừng từng hai người một dường như có nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Có nguy cơ là hai người không thuận thảo với nhau, có những nhịp độ khác nhau, trên hành trình nếu một người mệt mỏi hoặc bị đau thì người kia cũng buộc phải dừng lại. Trái lại, khi người ta đi một mình, dường như cuộc hành trình trở nên nhanh chóng và suôn sẻ hơn. Nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như thế: Người không sai các môn đệ đi lẻ loi, nhưng sai các ông đi từng hai người một. Chúng ta hãy tự hỏi: tại sao Chúa lại chọn như vậy?
Chính đời sống của các môn đệ đã là sự loan báo Tin Mừng
Nhiệm vụ của các môn đệ là đi đến các làng và chuẩn bị cho dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu; và những chỉ dẫn mà Chúa trao cho các ông không phải là những gì các ông phải nói, nhưng là cách họ phải là. Nghĩa là Chúa quan tâm đến việc làm chứng của các môn đệ hơn là những lời các ông nói. Thực tế, Chúa gọi các ông là những người thợ, nghĩa là các môn đệ được kêu gọi để làm việc, loan báo Tin mừng qua hành vi của các ông. Và hành động cụ thể đầu tiên mà các môn đệ thực hiện trong sứ vụ là ra đi từng hai người một. Các môn đệ không phải là “những người đánh trống tự do”, những người rao giảng không biết nhường lời cho người khác. Trước hết, chính đời sống của các môn đệ đã là sự loan báo Tin Mừng: các ông biết ở với nhau, tôn trọng nhau, không muốn tỏ ra mình có khả năng hơn người khác, cùng nhau quy chiếu về một Vị Thầy duy nhất.
Không có tình huynh đệ công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ không tiến triển
Chúng ta có thể soạn thảo những kế hoạch mục vụ hoàn hảo, thực hiện tốt các dự án, tổ chức các dự án này đến từng chi tiết nhỏ; chúng ta có thể thu hút được đám đông và có nhiều phương tiện; nhưng nếu chúng ta không có tình huynh đệ, thì công cuộc loan báo Tin Mừng không tiến triển được. Lần kia, một nhà truyền giáo thuật lại việc đi đến châu Phi với một người anh em cùng dòng. Sau một thời gian, nhà truyền giáo tách ra khỏi người anh em này, dừng lại trong một ngôi làng, và ở đó nhà truyền giáo thành công trong một loạt các hoạt động xây dựng vì lợi ích cộng đồng. Tất cả đều thành công. Nhưng một ngày, nhà truyền giáo giật mình, nhận ra rằng cuộc đời của mình giống như một doanh nhân tài giỏi, luôn ở giữa công trường và với giấy tờ kế toán! Sau đó, nhà truyền giáo để lại quyền điều hành cho những người khác và đến với người anh em. Nhà truyền giáo hiểu như thế vì Chúa đã sai các môn đệ “từng hai người một”: sứ vụ loan báo Tin Mừng không dựa trên hoạt động cá nhân, nghĩa là trên “việc làm”, nhưng dựa tên chứng tá tình yêu huynh đệ, và cả qua những khó khăn của đời sống chung.
Tới đây chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể đem Tin Mừng đến với người khác? Chúng ta làm điều này với tinh thần và phong cách huynh đệ, hay theo tinh thần thế gian, với sự đối kháng, cạnh tranh và hiệu quả? Chúng ta hãy tự hỏi bản thân xem chúng ta có khả năng cộng tác, biết cùng nhau đưa ra quyết định, tôn trọng cách chân thành những ai ở bên cạnh và quan điểm của họ không? Trong thực tế, bằng cách này cuộc sống của người môn đệ thực sự đã là sự loan báo Vị Thầy cho người khác.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội dạy chúng ta biết chuẩn bị con đường cho Chúa với việc làm chứng cho tình huynh đệ.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường niên năm C (07/7/2019) - Loan truyền và làm chứng
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Đoạn Tin mừng hôm nay (xem Lc 10,1-12.17-20) trình bày Chúa Giêsu là Đấng sai 72 môn đệ đi truyền giáo, ngoài nhóm 12 Tông đồ. Con số 72 có thể ám chỉ tất cả các quốc gia. Thật vậy, như sách Sáng thế đã từng nói, con số 72 muốn nói tới các dân tộc khác nhau (x. St 10,1-32). Vì thế, việc sai đi này cho thấy trước sứ mạng Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ mang gặt lúa về (Lc 10,2).
Chúng ta cần luôn xin chủ mùa gặt, là chính Chúa Cha, sai những người thợ đến lao tác trong cánh đồng của Người, là thế giới. Mỗi chúng ta cũng cần phải làm điều ấy với một trái tim rộng mở, với thái độ của một nhà truyền giáo. Lời cầu nguyện của chúng ta không nên chỉ giới hạn trong những nhu cầu của mình. Một lời cầu nguyện mang tính Kitô Giáo thực sự cần phải mang chiều kích hoàn vũ.
Khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi, Chúa Giêsu đã chỉ dẫn những điều rất cụ thể nói lên đặc tính của sứ mạng. Như chúng ta đã thấy: trước hết là cầu nguyện, rồi ra đi, rồi đừng mang theo bao bị … và hãy nói: Bình an cho nhà này… hãy ở lại nhà đó… Đừng đi từ nhà nọ đến nhà kia, hãy chữa lành những người đau yếu, và nói với họ: Nước Thiên Chúa đang đến gần. Và nếu họ không chào đón, hãy giũ bụi chân và rời khỏi đó. (Lc 10, 2-10). Những chỉ dẫn và lệnh truyền này cho thấy sứ mạng ấy đặt nền tảng trên cầu nguyện; sứ mạng ấy mang tính lưu động, đòi hỏi không dính bén và khó nghèo; sứ mạng ấy đem bình an và chữa lành, là những dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa.
Sứ mạng này không phải là chiêu dụ hay kết nạp, nhưng là loan truyền và làm chứng. Sứ mạng ấy cũng đòi hỏi sự ngay chính và tự do mang tính tin mừng để có thể ra đi. Sứ mạng ấy cũng nói tới khả thể tin mừng cứu độ bị chối bỏ nhưng không nguyền rủa hay kết án.
Nếu sống theo những điều này, niềm vui sẽ là đặc nét của sứ mạng Giáo Hội. Thánh sử ghi nhận rằng: bảy mươi hai môn đệ trở về tràn đầy mừng vui (Lc 10,17). Đây không phải là thứ niềm vui mau qua, thứ đến từ thành công của sứ mạng. Ngược lại, niềm vui ấy được đặt nền và bám rễ trong lời hứa của Chúa Giêsu: tên của anh em đã được viết trên trời (Lc 10,20). Nói như thế, Người muốn diễn tả về niềm vui bên trong và không thể phá huỷ được. Niềm vui ấy đến từ việc nhận biết rằng họ được Thiên Chúa kêu gọi để bước theo Con của Người. Đó chính là niềm vui được làm môn đệ của thầy Giêsu. Mỗi chúng ta có thể nghĩ về cái tên mình lãnh nhận trong ngày Rửa Tội. Tên ấy đã được viết trên trời trong cung lòng của Thiên Chúa, là Cha chúng ta. Và chính niềm vui của việc được làm sứ giả Tin Mừng, làm bạn đồng hành với thầy Giêsu giúp họ tự do với chính mình và với những gì mình sở hữu.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Mẹ Maria Rất Thánh nâng đỡ sứ mạng của Giáo hội trong việc loan báo tình yêu và ơn cứu độ đến muôn dân biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta, muốn cứu độ chúng ta và gọi mời chúng ta dự phần vào Vương Quốc của Người.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường niên năm C (03/7/2016) - Tín thác vào quyền năng của Thập giá Đức Kitô
Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng ngày hôm nay, trích từ chương thứ 10 Tin mừng theo Thánh Luca (Lc,1-12.17-20), giúp chúng ta hiểu sự cần thiết của việc kêu cầu Thiên Chúa: “Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Câu 2). Những người thợ mà Đức Giêsu nói đến chính là những thừa sai của Triều Đại Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã kêu gọi và sai ‘cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến’ (Câu 1). Nhiệm vụ của các thừa sai là loan truyền thông điệp cứu độ đến tất cả mọi người. Không chỉ những nhà truyền giáo ở những nơi xa xôi, nhưng chính chúng ta cũng là những thừa sai, những người nói những lời tốt lành về ơn cứu độ. Đây chính là món quà mà Đức Giêsu đã ban tặng cho chúng ta với Thần Khí. Lời loan báo ấy là: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’ (Câu 9). Thực vậy, Đức Giêsu đã mang Thiên Chúa đến gần với chúng ta, Thiên Chúa đã trở nên một người như chúng ta; trong Đức Giêsu, Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta, tình yêu thương xót của Người chiến thắng tội lỗi và đau khổ của chúng ta.
Đây là Tin Mừng mà những ‘người thợ’ phải mang đến cho tất cả mọi người: một thông điệp của sự hy vọng và của sự ủi an, của hòa bình và của lòng bác ái. Đức Giêsu, khi sai các môn đệ đi trước vào các thành thị và làng mạc, đã căn dặn các ông: ‘Trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này.”… Hãy chữa trị những người đau yếu trong thành’ (Câu 5.9). Tất cả những điều này có nghĩa là Triều Đại Thiên Chúa được xây dựng từng ngày từng ngày và làm trổ sinh trên trái đất này những hoa trái của sự hoán cải, của sự thanh tẩy, của tình yêu và của sự ủi gian giữa người với người. Thật là đẹp biết bao khi người ta biết xây dựng mỗi ngày Triệu Đại Thiên Chúa. Dựng xây chứ không phá hủy.
Người môn đệ của Đức Giêsu phải thực hiện sứ vụ này với một tinh thần như thế nào? Trước hết, anh phải ý thức về thực tại khó khăn và đôi khi cả sự thù địch đang chờ đợi anh phía trước. Thật vậy, Đức Giêsu đã nói: ‘Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bày sói’ (Câu 3). Sự thù địch bao giờ cũng là khởi đầu của những bách hại, vì Đức Giêsu biết rằng sứ vụ luôn bị cản trở bởi những hành động chống phá của ma quỷ. Vì thế, người thợ của Tin Mừng phải nỗ lực để được tự do, thoát khỏi những điều kiện nhân loại trong mọi hình thức, tức là không mang theo bao bị, túi tiền, giầy dép (Câu 4) như Đức Giêsu đã căn dặn, để chỉ tín thác vào quyền năng của Thập Giá Đức Kitô mà thôi. Điều này có nghĩa là người môn đệ phải loại bỏ mọi động cơ liên quan đến hư danh cá nhân ngõ hầu có thể trở thành khí cụ khiêm nhường của ơn cứu độ đã được thực hiện bởi sự hiến tế của Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.
Trở thành những Kitô hữu như thế là một sứ mạng tuyệt vời dành cho hết mọi người, không trừ một ai; điều này đòi hỏi rất nhiều lòng quảng đại, trên hết là có cái nhìn và một tâm hồn hướng thượng để nài xin sự giúp sức của Thiên Chúa. Chúng ta đang cần rất nhiều những Kitô hữu biết làm chứng cho Tin Mừng với niềm vui tươi trong cuộc sống hằng ngày. Các môn đệ, sau khi được Đức Giêsu sai đi, đã trở về trong vui tươi hớn hở (Câu 17). Khi chúng ta được sai đi như các môn đệ, tâm hồn chúng ta cũng ngập tràn niềm vui. Sự diễn tả này làm tôi nghĩ đến niềm vui trong Giáo hội. Mẹ Giáo hội mừng vui khi con cái mình được nhận lãnh Tin Mừng nhờ sự cống hiến, dấn thân của biết bao nhiêu người trong việc rao giảng: các linh mục, các cha xứ tốt lành, các nữ tu, các tu sĩ, các thừa sai, các nhà truyền giáo. Và giờ đây, tôi nhận thấy một câu hỏi đang dấy lên trong lòng là: Liệu có bao nhiêu bạn trẻ đang hiện diện nơi đây, trong quảng trường này, nghe thấy lời mời gọi của Thiên Chúa bước đi theo Ngài? Các bạn trẻ thân mến, các con đừng sợ hãi. Hãy cảm đảm và mang đến cho người khác ngọn đuốc cháy sáng của lòng nhiệt huyết tông đồ đã được để lại bởi gương mẫu của các môn đệ.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa, với sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, để trong Giáo Hội, đừng bao giờ thiếu những tâm hồn quảng đại, luôn lao tác làm việc nhằm mang đến cho mọi người tình yêu và sự hiền lành của Cha trên trời.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 14 Thường niên năm C (07/7/2013) - Niềm vui, thập giá, và cầu nguyện
(Bài giảng trong Thánh lễ năm Đức tin dành cho các chủng sinh, tập sinh, các bạn trẻ đang trên hành trình phân định ơn gọi)
Các con thân mến,
Hôm qua, cha đã có niềm vui được gặp gỡ các con, và hôm nay, niềm vui ấy lại càng gia tăng, vì chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Thể trong ngày của Chúa. Các con là các chủng sinh, tập sinh, các bạn trẻ đang trên hành trình phân định ơn gọi, đến từ khắp nơi trên thế giới. Các con là hiện thân tuổi trẻ của Giáo hội! Nếu Giáo hội là Hiền thê của Đức Kitô, thì các con, ở một nghĩa nào đó, là hình ảnh của thời kỳ đính hôn, mùa xuân của ơn gọi, giai đoạn của khám phá, phân định và huấn luyện. Đây là một mùa rất đẹp, trong đó nền tảng cho tương lai được hình thành. Cảm ơn các con đã đến!
Hôm nay, Lời Chúa nói với chúng ta về sứ vụ. Sứ vụ phát xuất từ đâu? Câu trả lời thật đơn giản: sứ vụ phát xuất từ một lời mời gọi, từ tiếng gọi của Chúa, và khi Ngài kêu gọi là để Ngài sai đi. Người được sai đi phải sống như thế nào? Những điểm quy chiếu nào cần thiết cho sứ vụ Kitô giáo? Những bài đọc chúng ta vừa nghe gợi ra ba yếu tố: niềm vui của sự an ủi, thập giá, và cầu nguyện.
Yếu tố thứ nhất của sứ vụ: niềm vui của sự an ủi.
Ngôn sứ Isaia đang nói với một dân tộc đã trải qua thời kỳ tăm tối của lưu đày, một thử thách rất lớn. Nhưng nay, thời gian an ủi dành cho Giêrusalem đã đến; nỗi buồn và sự sợ hãi phải nhường chỗ cho niềm vui: “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô !” – vị ngôn sứ nói vậy (Is 66,10). Đây là một lời mời gọi mạnh mẽ hướng đến niềm vui. Tại sao? Căn nguyên của lời mời gọi này là gì? Bởi vì Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trên Thành thánh và các cư dân của nó một “thác lũ” an ủi, một tràn trề ân phúc – đến độ tràn đầy – một dòng chảy của lòng âu yếm mẫu tử: “Anh em sẽ được bồng ẵm bên hông và nâng niu trên đầu gối” (c.12). Giống như khi một người mẹ bồng ẵm con và vuốt ve nó: Thiên Chúa sẽ hành động như thế và thực sự đang hành động như thế với chúng ta. Đó chính là dòng suối âu yếm đem lại cho chúng ta sự an ủi. “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (c.13).
Mỗi Kitô hữu, và cách riêng là các con và cha đây, được mời gọi trở thành người mang sứ điệp hy vọng này – sứ điệp đem lại sự thanh thản và niềm vui: sự an ủi của Thiên Chúa, lòng âu yếm của Ngài dành cho tất cả mọi người. Nhưng nếu trước hết, chúng ta không cảm nghiệm được niềm vui được Thiên Chúa ủi an, được Ngài yêu thương, thì làm sao chúng ta có thể đem niềm vui ấy đến cho người khác? Đây là điều thiết yếu để sứ vụ sinh hoa kết quả: cảm nghiệm được sự an ủi của Thiên Chúa, rồi truyền đạt niềm vui đó cho tha nhân!
Đôi khi cha đã gặp những người sống đời thánh hiến tỏ ra sợ hãi trước những an ủi của Thiên Chúa, và... tội nghiệp thay, họ sống trong dằn vặt, vì họ tránh né sự chăm sóc thần linh này. Nhưng anh chị em đừng sợ. Đừng sợ, bởi vì Chúa là Đấng an ủi, là Chúa của lòng an ủi. Chúa là Cha, và chính Ngài phán rằng Ngài sẽ như người mẹ với con thơ, với sự dịu dàng mẫu tử. Đừng sợ sự an ủi của Thiên Chúa! Lời mời gọi của Tiên tri Isaia phải vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (Is 40,1), và lời ấy phải thúc đẩy chúng ta lên đường thi hành sứ vụ. Chúng ta cần tìm gặp Chúa là Đấng an ủi chúng ta, để rồi đi đến với Dân Chúa và đem lại sự an ủi cho họ. Đó là sứ vụ. Ngày nay, con người chắc chắn cần những lời nói, nhưng điều họ cần hơn nữa là chứng tá về lòng thương xót và sự chăm sóc dịu dàng của Thiên Chúa – điều làm ấm lại trái tim, khơi dậy niềm hy vọng, và lôi cuốn con người đến với điều thiện. Thật là một niềm vui lớn lao khi đem sự an ủi của Thiên Chúa đến cho tha nhân!
Yếu tố thứ hai của sứ vụ: Thập giá của Chúa Kitô
Thánh Phaolô, khi viết thư cho các tín hữu Galát, đã nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Ngài còn nói đến “những dấu tích của Chúa Giêsu” – tức là những thương tích của Đấng bị đóng đinh – như là dấu chỉ xác nhận, dấu ấn đặc biệt của đời sống Tông đồ trong việc loan báo Tin Mừng. Trong thừa tác vụ của mình, Thánh Phaolô đã trải qua đau khổ, yếu đuối và thất bại, nhưng cũng cảm nếm niềm vui và sự an ủi. Đó là mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu: mầu nhiệm sự chết và phục sinh. Chính khi để mình được đồng hình đồng dạng với cái chết của Đức Kitô, Thánh Phaolô đã trở nên người tham dự vào sự phục sinh và chiến thắng của Người. Trong giờ đen tối, trong lúc thử thách, ánh bình minh của ơn cứu độ đã hiện diện và hoạt động. Mầu nhiệm Vượt qua chính là trái tim đang đập của sứ vụ Giáo hội! Và nếu chúng ta ở lại trong mầu nhiệm ấy, chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi cả hai cám dỗ: một là quan niệm trần thế và duy chiến thắng của sứ vụ, và hai là sự chán nản ngã lòng có thể nảy sinh trước các thử thách và thất bại. Hoa trái mục vụ, hoa trái của việc loan báo Tin Mừng không được đo lường theo tiêu chuẩn thành công hay thất bại theo kiểu đánh giá của con người, nhưng được đo bằng sự đồng hình đồng dạng với luận lý của Thập giá Đức Kitô – đó là luận lý của việc ra khỏi chính mình và hiến thân; luận lý của tình yêu. Chính Thập giá – và luôn là Thập giá gắn liền với Đức Kitô, vì có những khi người ta trao cho chúng ta Thập giá không có Đức Kitô: điều đó thì không có ích gì! – chính Thập giá, luôn gắn với Đức Kitô, là điều bảo đảm cho hoa trái của sứ vụ. Và chính từ Thập giá – hành vi tột đỉnh của lòng thương xót và tình yêu – mà chúng ta được tái sinh như “một thụ tạo mới” (Gl 6,15).
Yếu tố thứ ba của sứ vụ: cầu nguyện.
Trong bài Tin Mừng, chúng ta đã nghe: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Những thợ gặt cho cánh đồng lúa của Thiên Chúa không được chọn lựa bằng những chiến dịch quảng bá hay những lời mời gọi dấn thân và quảng đại, nhưng là “được chọn” và “được sai đi” bởi chính Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng chọn lựa, chính Ngài là Đấng sai đi, chính Ngài là Chủ của mùa gặt, chính Ngài là Đấng ban sứ vụ. Vì vậy, cầu nguyện là điều thiết yếu. Giáo hội – như Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhấn mạnh – không thuộc về chúng ta, mà là của Thiên Chúa; và biết bao lần chúng ta, những người sống đời thánh hiến, lại nghĩ rằng Giáo hội là của mình! Chúng ta biến Giáo hội… thành một điều gì đó do trí óc chúng ta tạo ra. Nhưng không, Giáo hội không phải của chúng ta, Giáo hội là của Thiên Chúa. Cánh đồng để canh tác là của Ngài. Sứ vụ là một ân sủng. Và nếu người Tông đồ được sinh ra từ lời cầu nguyện, thì chính trong cầu nguyện, người Tông đồ tìm được ánh sáng và sức mạnh cho hoạt động của mình. Sứ vụ của chúng ta không còn sinh hoa kết quả – thật vậy, nó sẽ bị tắt lịm – ngay khi sợi dây nối kết với cội nguồn là chính Chúa bị cắt đứt.
Các chủng sinh thân mến, các tập sinh thân mến, các bạn trẻ đang phân định ơn gọi thân mến, một người trong các con – một vị đồng hành của các con – đã nói với cha mấy ngày trước đây: “Évangéliser, on le fait à genoux” – “loan báo Tin Mừng, người ta thực hiện điều đó trong tư thế quỳ gối.” Hãy lắng nghe kỹ điều này: “Loan báo Tin Mừng được thực hiện trong tư thế quỳ gối.” Nếu không có một mối tương quan thường hằng với Thiên Chúa, thì sứ vụ sẽ trở thành một công việc thuần túy. Nhưng các con làm việc vì điều gì? Làm nghề thợ may, nấu ăn, hay linh mục – làm linh mục là một nghề sao? Làm nữ tu là một công việc ư? Không! Không phải là một nghề nghiệp, mà là điều gì đó khác. Luôn có nguy cơ rơi vào thói hoạt động quá mức, vào việc đặt quá nhiều tin tưởng nơi cơ cấu tổ chức. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy rằng, trước mọi quyết định hay biến cố quan trọng, Người đều lùi lại trong cầu nguyện mãnh liệt và lâu dài. Chúng ta hãy vun trồng chiều kích chiêm niệm, cả khi đang ở giữa cơn lốc của những bổn phận khẩn cấp và nặng nề nhất. Và càng khi sứ vụ mời gọi các con đi đến những vùng ngoại vi của cuộc sống, thì trái tim các con lại càng phải gắn bó mật thiết hơn với trái tim của Chúa Kitô, tràn đầy lòng thương xót và tình yêu. Chính tại đây mà người môn đệ của Chúa tìm thấy bí quyết của sự sinh hoa kết trái mục vụ.
Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi “không mang theo túi tiền, bao bị hay giày dép” (Lc 10,4). Việc loan báo Tin Mừng không được bảo đảm bởi số lượng người tham gia, cũng không bởi uy tín của cơ chế tổ chức, hay bởi lượng tài nguyên có sẵn. Điều mang tính quyết định là để cho tình yêu của Chúa Kitô thấm nhập vào trong con người mình, để cho mình được Thánh Thần hướng dẫn, và để đời sống của mình được tháp nhập vào cây Sự sống là Thánh giá của Chúa.
Các con thân mến, với niềm tín thác sâu xa, cha phó thác các con cho lời chuyển cầu của Mẹ Rất Thánh Maria. Mẹ là người Mẹ trợ giúp chúng ta đưa ra những quyết định sống mang tính tự do và không sợ hãi. Xin Mẹ giúp con con làm chứng cho niềm vui đến từ sự an ủi của Thiên Chúa, mà không sợ hãi niềm vui ấy; xin Mẹ giúp các con nên đồng hình đồng dạng với luận lý tình yêu của Thánh giá, và lớn lên trong sự hiệp thông ngày càng sâu xa với Chúa trong cầu nguyện. Như vậy, đời sống của các con sẽ trở nên phong phú và sinh nhiều hoa trái! Amen.
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường niên năm C (07/7/2013) - Thi hành sứ vụ trong phong cách hiệp thông và tinh thần huynh đệ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Trước hết, tôi muốn chia sẻ với anh chị em niềm vui được gặp gỡ, hôm qua cũng như hôm nay, cuộc hành hương đặc biệt trong năm Đức tin dành cho các chủng sinh và tập sinh. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho họ, để tình yêu Đức Kitô luôn tăng trưởng trong đời sống họ và họ có thể trở thành những nhà truyền giáo đích thực cho Nước Thiên Chúa.
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Lc 10,1–12.17–20) nói với chúng ta điều này: Chúa Giêsu không phải là một nhà truyền giáo đơn độc; Người không muốn thực hiện sứ mạng của mình một cách cô lập, nhưng Người mời gọi các môn đệ cộng tác. Và hôm nay, chúng ta thấy rằng, ngoài mười hai Tông đồ, Người còn gọi thêm bảy mươi hai môn đệ khác và sai họ đi từng hai người một đến các thành, là những nơi mà chính Người sẽ đến sau đó, để loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Điều này thật là tuyệt vời! Chúa Giêsu không muốn hành động một mình: Người đến để mang tình yêu Thiên Chúa vào trong thế giới, và Người muốn lan tỏa tình yêu đó theo phong cách hiệp thông, trong tinh thần huynh đệ. Đó là lý do vì sao ngay từ đầu, Người thiết lập một cộng đoàn các môn đệ - một cộng đoàn truyền giáo. Người huấn luyện họ ngay từ đầu cho sứ mạng “lên đường”.
Nhưng xin lưu ý: mục đích của họ không phải là để giao lưu, để ở bên nhau cho vui; không phải thế! Mục tiêu là để loan báo Nước Thiên Chúa, và điều này là khẩn thiết! Và điều ấy vẫn còn khẩn thiết cho đến ngày nay! Không có thời gian để tán gẫu, không cần phải chờ đợi sự đồng thuận của mọi người; điều cần thiết là phải lên đường và loan báo. Anh chị em hãy mang bình an của Đức Kitô đến cho mọi người, và nếu họ không đón nhận, thì cũng cứ tiếp tục tiến bước. Với những người đau yếu, anh chị em hãy mang đến sự chữa lành, vì Thiên Chúa muốn chữa lành con người khỏi mọi sự dữ. Có biết bao nhà truyền giáo đã làm điều này - gieo rắc sự sống, sức khỏe, an ủi đến những vùng ngoại biên của thế giới. Thật là điều tốt đẹp biết bao! Đừng sống cho riêng mình; đừng sống khép kín! Hãy sống để ra đi và làm điều thiện! Có rất nhiều bạn trẻ hôm nay hiện diện nơi quảng trường này: hãy nghĩ đến điều này, hãy tự hỏi chính mình: “Phải chăng Chúa Giêsu đang gọi tôi bước ra khỏi chính mình để làm điều thiện?” Các con, những bạn trẻ nam nữ thân mến, cha hỏi các con: Các con có đủ can đảm để đáp lại tiếng Chúa không? Thật là tuyệt vời khi trở thành nhà truyền giáo!... À, các con thật tuyệt! Cha thích điều này!
Bảy mươi hai môn đệ mà Chúa Giêsu sai đi là ai? Họ đại diện cho ai? Nếu mười hai Tông đồ là hình ảnh các giám mục, các đấng kế vị các Tông đồ, thì bảy mươi hai người kia có thể là hình ảnh của các thừa tác viên có chức thánh khác - các linh mục và phó tế; nhưng hiểu theo nghĩa rộng hơn, chúng ta có thể nghĩ đến các thừa tác vụ khác trong Giáo hội: các giáo lý viên, các giáo dân tham gia vào sứ vụ của giáo xứ, những người phục vụ người bệnh tật, những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội - nhưng tất cả đều là những nhà truyền giáo của Tin Mừng, với sự khẩn thiết của Nước Thiên Chúa đang đến gần. Mọi người đều được mời gọi trở nên nhà truyền giáo; mọi người đều có thể lắng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu và lên đường loan báo Nước Trời!
Tin Mừng cho biết: sau khi thi hành sứ vụ, bảy mươi hai môn đệ trở về trong niềm hân hoan vì họ đã cảm nghiệm được quyền năng của Danh Chúa Kitô trên sự dữ. Chúa Giêsu đã xác nhận điều đó: Người ban cho các môn đệ quyền năng chiến thắng ác thần. Nhưng Người thêm rằng: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em; hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Chúng ta không nên tự hào như thể mình là nhân vật chính. Chỉ có một nhân vật chính duy nhất: đó là Chúa! Ân sủng của Chúa mới là điều chính yếu! Chính Ngài là anh hùng đích thực! Và niềm vui của chúng ta chính là điều này: được trở nên môn đệ của Ngài, bạn hữu của Ngài. Xin Đức Maria giúp chúng ta trở thành những chứng nhân tốt lành cho Tin Mừng.
Anh chị em thân mến, hãy vui lên! Đừng sợ niềm vui! Đừng sợ niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta để Ngài bước vào đời sống chúng ta. Hãy để Ngài bước vào cuộc đời chúng ta và mời gọi chúng ta ra đi đến các vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng. Đừng sợ niềm vui! Hãy có niềm vui và lòng can đảm!
Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 14 Thường niên năm C (04/7/2010) - Từ sự thinh lặng đến rao giảng Tin mừng
(Thánh lễ trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Sulmona nhân dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật của thánh Phêrô Celestinô)
Anh chị em thân mến,
Tôi rất vui mừng hiện diện giữa anh chị em hôm nay và cử hành Thánh lễ trọng thể này cùng với anh chị em và vì anh chị em. Tôi xin gửi lời chào đến vị Mục tử của anh chị em, Đức Cha Angelo Spina: tôi chân thành cảm ơn ngài về những lời chào mừng nồng hậu thay mặt toàn thể cộng đoàn, cũng như về những món quà – mà ngài đã gọi là những “dấu chỉ” – thể hiện sự hiệp thông tình cảm và hiệu quả nối kết dân Chúa tại vùng đất Abruzzo thân yêu này với Đấng kế vị thánh Phêrô. Tôi chào thăm các Tổng Giám mục và Giám mục hiện diện, các linh mục, tu sĩ nam nữ và đại diện các Hội đoàn cùng các phong trào Giáo hội. Tôi xin gửi lời kính trọng đến ông Fabio Federico, Thị trưởng, và cảm ơn ông về lời chào mừng đầy thiện cảm cũng như về những “dấu chỉ”, tức những món quà trao cho các vị đại diện Chính phủ và các giới chức dân sự, quân sự. Tôi đặc biệt biết ơn những ai đã quảng đại cộng tác trong việc tổ chức chuyến viếng thăm mục vụ của tôi.
Anh chị em thân mến, tôi đến để chia sẻ với anh chị em niềm vui và hy vọng, những vất vả và bổn phận, những lý tưởng và khát vọng của cộng đoàn giáo phận này. Tôi biết rằng Sulmona không tránh khỏi những khó khăn, những vấn đề và lo toan. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người đang sống trong hoàn cảnh bấp bênh vì thiếu việc làm, vì sự bất định của tương lai, vì đau khổ thể lý hay tinh thần, và như Đức Giám mục đã nhắc, vì cảm thức mất mát do trận động đất ngày 06 tháng 4 năm 2009. Tôi muốn bảo đảm với mọi người về sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi, đồng thời khích lệ anh chị em kiên vững trong việc làm chứng cho các giá trị nhân bản và Kitô giáo, vốn đã bén rễ sâu xa trong đức tin và lịch sử của vùng đất và dân tộc này.
Anh chị em thân mến, chuyến viếng thăm của tôi diễn ra nhân dịp Năm thánh đặc biệt do các Giám mục vùng Abruzzo và Molise công bố, nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh Phêrô Celestinô. Khi bay qua vùng đất của anh chị em, tôi đã có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của phong cảnh nơi đây, và đặc biệt là một số địa điểm gắn liền với cuộc đời của vị thánh lừng danh này: Núi Morrone, nơi Thánh Phêrô Celestinô sống ẩn tu nhiều năm; đan viện Sant’Onofrio, nơi ngài nhận tin mình được bầu làm Giáo hoàng tại Mật nghị Hồng y diễn ra ở Perugia vào năm 1294; và đan viện Thánh Linh (Santo Spirito), nơi ngài đã cung hiến bàn thờ chính sau lễ đăng quang tại Vương cung thánh đường Collemaggio ở L’Aquila. Chính tôi cũng đã đến viếng đền thờ này vào tháng Tư năm ngoái, sau trận động đất đã tàn phá vùng đất này, để kính viếng hòm đựng di hài ngài và đặt lên đó dây pallium mà tôi đã lãnh nhận trong ngày khai mạc sứ vụ Phêrô của mình.
Đã hơn tám thế kỷ trôi qua kể từ ngày sinh của Thánh Phêrô Celestinô V, nhưng ngài vẫn còn sống động trong dòng lịch sử, không chỉ vì những biến cố nổi bật trong triều đại giáo hoàng của ngài, mà còn bởi sự thánh thiện phi thường. Thật vậy, sự thánh thiện không bao giờ đánh mất sức hút; nó không phai mờ theo thời gian, cũng không lỗi thời. Trái lại, theo dòng thời gian, sự thánh thiện càng tỏa sáng rạng ngời hơn, diễn tả khát vọng muôn đời của con người trong việc vươn tới Thiên Chúa. Tôi muốn rút ra từ cuộc đời của Thánh Phêrô Celestinô một vài bài học vẫn còn rất thời sự trong thời đại chúng ta hôm nay.
Ngay từ tuổi trẻ, Phêrô Angelerio đã là một “người tìm kiếm Thiên Chúa”, một người thao thức đi tìm lời đáp cho những câu hỏi căn bản của đời sống: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi sống? Tôi sống cho ai? Ngài lên đường tìm kiếm sự thật và hạnh phúc, ngài lên đường tìm kiếm Thiên Chúa, và để lắng nghe tiếng Chúa, ngài đã quyết định rời xa thế gian, sống đời ẩn tu. Do đó, thinh lặng trở thành đặc điểm nổi bật trong đời sống thường nhật của ngài. Chính trong sự thinh lặng bên ngoài, và nhất là bên trong, ngài đã có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn đời ngài. Đây là điểm quan trọng đầu tiên dành cho chúng ta: chúng ta đang sống trong một xã hội dường như luôn muốn “lấp đầy” mọi không gian và thời khắc bằng những dự án, hoạt động và tiếng ồn; rất thường khi không còn thời gian để lắng nghe và đối thoại. Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ tạo ra thinh lặng, bên ngoài cũng như bên trong tâm hồn, nếu chúng ta thực sự muốn nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và cả tiếng nói của tha nhân – tiếng nói của những người bên cạnh chúng ta.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh một yếu tố thứ hai: việc Phêrô Angelerio nhận biết Thiên Chúa không phải là kết quả của nỗ lực cá nhân, nhưng là do ân sủng của Thiên Chúa, Đấng đã chuẩn bị cho ngài. Những gì ngài có, những gì ngài là, không xuất phát từ bản thân, nhưng là được ban tặng, là hồng ân, và vì thế cũng đi kèm với trách nhiệm đối với Thiên Chúa và tha nhân. Dù đời sống của chúng ta rất khác biệt với ngài, nhưng điều đó vẫn hoàn toàn đúng đối với chúng ta: tất cả những gì thiết yếu trong cuộc sống đều được ban cho chúng ta mà không do công trạng nào từ phía chúng ta. Việc tôi được sống không phải là do tôi. Việc tôi có cha mẹ - những người đã đưa tôi vào đời, có được những người đã dạy tôi biết yêu thương và được yêu thương, đã truyền lại cho tôi đức tin và mở mắt cho tôi nhận ra Thiên Chúa: tất cả những điều ấy là hồng ân, không do tôi làm nên. Nếu không được ban cho, chúng ta không thể làm được gì: Thiên Chúa luôn đi bước trước trong những nhu cầu của ta, và trong cuộc đời mỗi người đều có vẻ đẹp và sự thiện hảo mà ta có thể dễ dàng nhận ra như là ân sủng của Người, như là tia sáng từ ánh sáng lòng nhân hậu của Người. Vì thế, chúng ta cần phải biết tỉnh thức, phải luôn mở “con mắt bên trong” – tức là con mắt của con tim. Và nếu ta học biết nhận ra Thiên Chúa trong lòng nhân hậu vô biên của Người, thì chúng ta cũng sẽ có thể nhận ra trong đời sống mình – như các thánh đã làm – những dấu chỉ của Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi ta, luôn yêu thương ta và nói với ta: “Hãy tín thác nơi Cha!”
Hơn nữa, trong sự thinh lặng nội tâm và trong cảm thức về sự hiện diện của Chúa, Thánh Phêrô vùng Morrone đã phát triển một kinh nghiệm sống động về vẻ đẹp của công trình tạo dựng, là tác phẩm của bàn tay Thiên Chúa: ngài có thể đón nhận ý nghĩa sâu xa của nó, tôn trọng những dấu chỉ và nhịp điệu của nó, và chỉ sử dụng nó cho những gì thật sự thiết yếu cho đời sống.
Tôi biết rằng Giáo hội địa phương này, cũng như các Giáo hội khác ở vùng Abruzzo và Molise, đang tích cực tham gia vào các chiến dịch nâng cao ý thức nhằm thăng tiến công ích và bảo vệ công trình tạo dựng: tôi khuyến khích anh chị em trong nỗ lực này, và mời gọi tất cả hãy ý thức trách nhiệm đối với tương lai của chính mình và của tha nhân, bằng việc tôn trọng và gìn giữ công trình tạo dựng – là hoa trái và là dấu chỉ của Tình yêu Thiên Chúa.
Trong Bài đọc II hôm nay, trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, chúng ta đã nghe một lời diễn tả tuyệt vời của Thánh Tông đồ, và cũng là một bức chân dung thiêng liêng hoàn hảo của Thánh Phêrô Celestino: “Phần tôi, ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Thập giá thực sự là trung tâm cuộc đời ngài. Thập giá đã ban cho ngài sức mạnh để chịu đựng những việc đền tội khắc nghiệt và đối diện với những thời điểm thử thách nhất, từ thời niên thiếu cho đến giờ phút cuối đời: ngài luôn ý thức rằng ơn cứu độ phát xuất từ Thập giá.
Chính Thập giá cũng đã ban cho Thánh Phêrô Celestino một cảm thức rõ ràng về tội lỗi, luôn đi kèm với một cảm thức không kém phần sâu xa về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho thụ tạo của Người. Khi chiêm ngắm đôi tay rộng mở của Đấng bị đóng đinh là Thiên Chúa của mình, ngài cảm thấy được nâng đỡ giữa đại dương vô tận của tình yêu Thiên Chúa. Là linh mục, ngài cảm nghiệm được vẻ đẹp của việc trở thành người quản lý lòng thương xót này, tha thứ cho những ai sám hối về tội lỗi của mình; và khi được tuyển chọn lên ngôi Giáo hoàng, ngài đã chọn ban một Ân xá đặc biệt, được gọi là “La Perdonanza” [Tha thứ].
Tôi muốn khích lệ các linh mục hãy trở nên những chứng nhân minh bạch và đáng tin cậy của Tin Mừng về sự giao hoà với Thiên Chúa, giúp con người thời đại hôm nay lấy lại cảm thức về tội lỗi và về sự tha thứ của Thiên Chúa, để có thể cảm nghiệm được niềm hoan lạc tràn đầy như ngôn sứ Isaia đã nói với chúng ta trong Bài đọc I hôm nay (x. Is 66,10–14).
Một điểm cuối cùng: mặc dù Thánh Phêrô Celestino đã sống đời ẩn tu, ngài không “khép kín nơi chính mình”; trái lại, ngài đầy nhiệt huyết trong việc loan báo Tin Mừng cho anh chị em mình. Hơn nữa, bí quyết nơi hiệu quả mục vụ của ngài hệ tại chính ở việc “ở lại” với Chúa, trong cầu nguyện, như đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đã nhắc nhở chúng ta: điều ưu tiên hàng đầu luôn là cầu xin với Chúa của mùa gặt (x. Lc 10,2). Chỉ sau lời mời gọi này, Chúa Giêsu mới phác hoạ một số nhiệm vụ cốt yếu của các môn đệ Người: loan báo Tin Mừng một cách thanh thản, rõ ràng và can đảm, ngay cả trong những lúc bị bách hại, mà không nhượng bộ trước những cám dỗ của thời trang hay của bạo lực hoặc quyền lực; buông bỏ những lo lắng về của cải, tiền bạc và y phục, để tín thác vào sự quan phòng của Chúa Cha; lưu tâm và chăm sóc đặc biệt cho những người đau yếu về phần xác và phần hồn (x. Lc 10,5–9). Đó cũng là những nét đặc trưng của triều đại Giáo hoàng ngắn ngủi nhưng đầy thử thách của Đức Celestino V, và là những đặc điểm của hoạt động truyền giáo của Giáo hội trong mọi thời đại.
Anh chị em thân mến, tôi hiện diện nơi anh chị em hôm nay để củng cố anh chị em trong đức tin. Tôi muốn tha thiết và trìu mến mời gọi anh chị em hãy kiên vững trong đức tin mà anh chị em đã lãnh nhận, đức tin mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương. Ước chi chúng ta luôn được đồng hành trên hành trình này nhờ gương sáng và lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa và của Thánh Phêrô Celestino. Amen!
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường niên năm C (08/7/2007) - Sứ vụ mở rộng cho mọi người
Anh chị em thân mến,
Hôm nay bài Tin mừng (xc. Lc 10,1-12.17-20) trình bày Chúa Giêsu phái 72 môn đệ vào các làng mà Người sẽ đến để họ chuẩn bị môi trường. Đây là một đặc trưng của thánh sử Luca, bởi vì ông nêu bật rằng sứ vụ không chỉ dành riêng cho 12 tông đồ nhưng còn mở rộng cho các môn đệ khác nữa. Thật vậy, như Chúa Giêsu đã nói: “Mùa gặt thì đầy, nhưng người làm thì ít” (Lc 10,2). Trong cánh đồng của Chúa, có đủ công việc cho mọi người. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ giới hạn vào việc phái cử các môn đệ; Người còn đặt cho họ những quy tắc rõ ràng và chính xác trong cách cư xử. Trước hết, họ cần đi “hai người với nhau”, để giúp đõ lẫn nhau và làm chứng cho tình huynh đệ. Người căn dặn họ hãy trở nên “như những chiên giữa sói rừng”; nghĩa là họ giữ đức hiếu hoà bất kể mọi tình huống, và hãy mang theo sứ điệp hoà bình cho hết mọi hoàn cảnh. Họ đừng mang theo áo quần tiền bạc, để sống nhờ những gì mà Chúa Quan Phòng sẽ lo liệu. Họ hãy săn sóc những người bệnh tật, như là dấu chỉ của lòng Chúa lân tuất. Nơi nào bị khước từ, họ hãy bỏ ra đi và chỉ giới hạn vào việc cảnh cáo trách nhiệm của việc khước từ Nước Chúa. Thánh Luca đã nêu bật sự hứng thú của các môn đệ vì những hoa trái tốt đẹp của sứ vụ, và ghi lại lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu như sau: “Các con đừng vui mừng vì ma quỷ chịu thua các con; nhưng tốt hơn các hãy vui mừng vì tên các con được viết trên trời” (Lc 10,20). Mong sao cho bài Phúc âm này đánh thức nơi hết mọi tín hữu ý thức về việc làm thừa sai cho Chúa Kitô, ý thức mình được gọi dọn đường của Chúa bằng lời nói và bằng chứng tá cuộc sống.
Ngày mai tôi sẽ đi Lorenzago di Cadore, nơi mà tôi sẽ trờ thành khách của giám mục Treviso, tại ngôi nhà trước đây đã đón tiếp đức Gioan Phaolô II. Không khí miền núi sẽ bổ ích cho tôi, và tôi sẽ có thêm thời giờ dành cho việc suy nghĩ và cầu nguyện. Tôi cầu chúc cho mọi người, cách riêng là những người cảm thấy nhu cầu, được một thời gian nghỉ ngơi, ngõ hầu bồi dưỡng nghị lực thể lý và tinh thần, và tiếp xúc lành mạnh với thiên nhiên. Cách riêng, núi cao gợi lên việc tinh thần hướng lên cao, nâng lên tới “độ cao” của con người, mà công việc thường nhật thường muốn lôi kéo chúng ta xuống thấp. Nhân tiện, tôi muốn nhắc lại đây cuộc hành hương lần thứ năm đến cây thánh giá cất trên đỉnh núi Adamello, nơi mà đức Gioan Phaolô II đã đến thăm 2 lần. Cuộc hành hương đang diễn ra vào những ngày này, và đạt đến đích điểm với Thanh Lễ được cử hành ở độ cao gần 3000 thước. Tôi xin gửi lời chào thăm đức tổng giám mục Trentô, đức cha tổng thư ký hội đồng giám mục Italia, các cơ quan chính quyền ở Trento, và tôi xin hẹn gặp gỡ các bạn trẻ tại Loreto vào ngày 1 và 2 tháng 9 tại Loreto.
Xin Mẹ Maria luôn che chở chúng ta, dù trên đường sứ vụ hoặc lúc nghỉ ngơi chính đáng, ngõ hầu chúng ta có thể thi hành công tác của mình với niềm vui và mang lại nhiều hoa trái trong vườn nho của Thiên Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va