Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm qua trong đền thờ thánh Phêrô, nhân ngày hành hương Năm Đức Tin của 6.000 chủng sinh, tập sinh và thỉnh sinh đến từ khắp nơi trên thế giới kể cả các nước xa như Trung Quốc, Việt Nam, Papua Tân Guinea, Quần đảo Salomon, Zimbabwe và Chile.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có hàng chục hồng y, giám mục và gần 400 linh mục với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

THÁNH LỄ VỚI CHỦNG SINH, TẬP SINH VÀ CÁC BẠN TRẺ ĐANG TRÊN HÀNH TRÌNH PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

BÀI GIẢNG

Đền thờ Thánh Phêrô

Chủ nhật, 07/7/2013

[Đa phương tiện]

Các con thân mến,

Hôm qua, cha đã có niềm vui được gặp gỡ các con, và hôm nay, niềm vui ấy lại càng gia tăng, vì chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Thể trong ngày của Chúa. Các con là các chủng sinh, tập sinh, các bạn trẻ đang trên hành trình phân định ơn gọi, đến từ khắp nơi trên thế giới. Các con là hiện thân tuổi trẻ của Giáo hội! Nếu Giáo hội là Hiền thê của Đức Kitô, thì các con, ở một nghĩa nào đó, là hình ảnh của thời kỳ đính hôn, mùa xuân của ơn gọi, giai đoạn của khám phá, phân định và huấn luyện. Đây là một mùa rất đẹp, trong đó nền tảng cho tương lai được hình thành. Cảm ơn các con đã đến!

Hôm nay, Lời Chúa nói với chúng ta về sứ vụ. Sứ vụ phát xuất từ đâu? Câu trả lời thật đơn giản: sứ vụ phát xuất từ một lời mời gọi, từ tiếng gọi của Chúa, và khi Ngài kêu gọi là để Ngài sai đi. Người được sai đi phải sống như thế nào? Những điểm quy chiếu nào cần thiết cho sứ vụ Kitô giáo? Những bài đọc chúng ta vừa nghe gợi ra ba yếu tố: niềm vui của sự an ủi, thập giá, và cầu nguyện.

Yếu tố thứ nhất của sứ vụ: niềm vui của sự an ủi.

Ngôn sứ Isaia đang nói với một dân tộc đã trải qua thời kỳ tăm tối của lưu đày, một thử thách rất lớn. Nhưng nay, thời gian an ủi dành cho Giêrusalem đã đến; nỗi buồn và sự sợ hãi phải nhường chỗ cho niềm vui: “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô !” – vị ngôn sứ nói vậy (Is 66,10). Đây là một lời mời gọi mạnh mẽ hướng đến niềm vui. Tại sao? Căn nguyên của lời mời gọi này là gì? Bởi vì Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trên Thành thánh và các cư dân của nó một “thác lũ” an ủi, một tràn trề ân phúc – đến độ tràn đầy – một dòng chảy của lòng âu yếm mẫu tử: “Anh em sẽ được bồng ẵm bên hông và nâng niu trên đầu gối” (c.12). Giống như khi một người mẹ bồng ẵm con và vuốt ve nó: Thiên Chúa sẽ hành động như thế và thực sự đang hành động như thế với chúng ta. Đó chính là dòng suối âu yếm đem lại cho chúng ta sự an ủi. “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (c.13).

Mỗi Kitô hữu, và cách riêng là các con và cha đây, được mời gọi trở thành người mang sứ điệp hy vọng này – sứ điệp đem lại sự thanh thản và niềm vui: sự an ủi của Thiên Chúa, lòng âu yếm của Ngài dành cho tất cả mọi người. Nhưng nếu trước hết, chúng ta không cảm nghiệm được niềm vui được Thiên Chúa ủi an, được Ngài yêu thương, thì làm sao chúng ta có thể đem niềm vui ấy đến cho người khác? Đây là điều thiết yếu để sứ vụ sinh hoa kết quả: cảm nghiệm được sự an ủi của Thiên Chúa, rồi truyền đạt niềm vui đó cho tha nhân!

Đôi khi cha đã gặp những người sống đời thánh hiến tỏ ra sợ hãi trước những an ủi của Thiên Chúa, và... tội nghiệp thay, họ sống trong dằn vặt, vì họ tránh né sự chăm sóc thần linh này. Nhưng anh chị em đừng sợ. Đừng sợ, bởi vì Chúa là Đấng an ủi, là Chúa của lòng an ủi. Chúa là Cha, và chính Ngài phán rằng Ngài sẽ như người mẹ với con thơ, với sự dịu dàng mẫu tử. Đừng sợ sự an ủi của Thiên Chúa! Lời mời gọi của Tiên tri Isaia phải vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (Is 40,1), và lời ấy phải thúc đẩy chúng ta lên đường thi hành sứ vụ. Chúng ta cần tìm gặp Chúa là Đấng an ủi chúng ta, để rồi đi đến với Dân Chúa và đem lại sự an ủi cho họ. Đó là sứ vụ. Ngày nay, con người chắc chắn cần những lời nói, nhưng điều họ cần hơn nữa là chứng tá về lòng thương xót và sự chăm sóc dịu dàng của Thiên Chúa – điều làm ấm lại trái tim, khơi dậy niềm hy vọng, và lôi cuốn con người đến với điều thiện. Thật là một niềm vui lớn lao khi đem sự an ủi của Thiên Chúa đến cho tha nhân!

Yếu tố thứ hai của sứ vụ: Thập giá của Chúa Kitô

Thánh Phaolô, khi viết thư cho các tín hữu Galát, đã nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Ngài còn nói đến “những dấu tích của Chúa Giêsu” – tức là những thương tích của Đấng bị đóng đinh – như là dấu chỉ xác nhận, dấu ấn đặc biệt của đời sống Tông đồ trong việc loan báo Tin Mừng. Trong thừa tác vụ của mình, Thánh Phaolô đã trải qua đau khổ, yếu đuối và thất bại, nhưng cũng cảm nếm niềm vui và sự an ủi. Đó là mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu: mầu nhiệm sự chết và phục sinh. Chính khi để mình được đồng hình đồng dạng với cái chết của Đức Kitô, Thánh Phaolô đã trở nên người tham dự vào sự phục sinh và chiến thắng của Người. Trong giờ đen tối, trong lúc thử thách, ánh bình minh của ơn cứu độ đã hiện diện và hoạt động. Mầu nhiệm Vượt qua chính là trái tim đang đập của sứ vụ Giáo hội! Và nếu chúng ta ở lại trong mầu nhiệm ấy, chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi cả hai cám dỗ: một là quan niệm trần thế và duy chiến thắng của sứ vụ, và hai là sự chán nản ngã lòng có thể nảy sinh trước các thử thách và thất bại. Hoa trái mục vụ, hoa trái của việc loan báo Tin Mừng không được đo lường theo tiêu chuẩn thành công hay thất bại theo kiểu đánh giá của con người, nhưng được đo bằng sự đồng hình đồng dạng với luận lý của Thập giá Đức Kitô – đó là luận lý của việc ra khỏi chính mình và hiến thân; luận lý của tình yêu. Chính Thập giá – và luôn là Thập giá gắn liền với Đức Kitô, vì có những khi người ta trao cho chúng ta Thập giá không có Đức Kitô: điều đó thì không có ích gì! – chính Thập giá, luôn gắn với Đức Kitô, là điều bảo đảm cho hoa trái của sứ vụ. Và chính từ Thập giá – hành vi tột đỉnh của lòng thương xót và tình yêu – mà chúng ta được tái sinh như “một thụ tạo mới” (Gl 6,15).

Yếu tố thứ ba của sứ vụ: cầu nguyện.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta đã nghe: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Những thợ gặt cho cánh đồng lúa của Thiên Chúa không được chọn lựa bằng những chiến dịch quảng bá hay những lời mời gọi dấn thân và quảng đại, nhưng là “được chọn” và “được sai đi” bởi chính Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng chọn lựa, chính Ngài là Đấng sai đi, chính Ngài là Chủ của mùa gặt, chính Ngài là Đấng ban sứ vụ. Vì vậy, cầu nguyện là điều thiết yếu. Giáo hội – như Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhấn mạnh – không thuộc về chúng ta, mà là của Thiên Chúa; và biết bao lần chúng ta, những người sống đời thánh hiến, lại nghĩ rằng Giáo hội là của mình! Chúng ta biến Giáo hội… thành một điều gì đó do trí óc chúng ta tạo ra. Nhưng không, Giáo hội không phải của chúng ta, Giáo hội là của Thiên Chúa. Cánh đồng để canh tác là của Ngài. Sứ vụ là một ân sủng. Và nếu người Tông đồ được sinh ra từ lời cầu nguyện, thì chính trong cầu nguyện, người Tông đồ tìm được ánh sáng và sức mạnh cho hoạt động của mình. Sứ vụ của chúng ta không còn sinh hoa kết quả – thật vậy, nó sẽ bị tắt lịm – ngay khi sợi dây nối kết với cội nguồn là chính Chúa bị cắt đứt.

Các chủng sinh thân mến, các tập sinh thân mến, các bạn trẻ đang phân định ơn gọi thân mến, một người trong các con – một vị đồng hành của các con – đã nói với cha mấy ngày trước đây: “Évangéliser, on le fait à genoux” – “loan báo Tin Mừng, người ta thực hiện điều đó trong tư thế quỳ gối.” Hãy lắng nghe kỹ điều này: “Loan báo Tin Mừng được thực hiện trong tư thế quỳ gối.” Nếu không có một mối tương quan thường hằng với Thiên Chúa, thì sứ vụ sẽ trở thành một công việc thuần túy. Nhưng các con làm việc vì điều gì? Làm nghề thợ may, nấu ăn, hay linh mục – làm linh mục là một nghề sao? Làm nữ tu là một công việc ư? Không! Không phải là một nghề nghiệp, mà là điều gì đó khác. Luôn có nguy cơ rơi vào thói hoạt động quá mức, vào việc đặt quá nhiều tin tưởng nơi cơ cấu tổ chức. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy rằng, trước mọi quyết định hay biến cố quan trọng, Người đều lùi lại trong cầu nguyện mãnh liệt và lâu dài. Chúng ta hãy vun trồng chiều kích chiêm niệm, cả khi đang ở giữa cơn lốc của những bổn phận khẩn cấp và nặng nề nhất. Và càng khi sứ vụ mời gọi các con đi đến những vùng ngoại vi của cuộc sống, thì trái tim các con lại càng phải gắn bó mật thiết hơn với trái tim của Chúa Kitô, tràn đầy lòng thương xót và tình yêu. Chính tại đây mà người môn đệ của Chúa tìm thấy bí quyết của sự sinh hoa kết trái mục vụ.

Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi “không mang theo túi tiền, bao bị hay giày dép” (Lc 10,4). Việc loan báo Tin Mừng không được bảo đảm bởi số lượng người tham gia, cũng không bởi uy tín của cơ chế tổ chức, hay bởi lượng tài nguyên có sẵn. Điều mang tính quyết định là để cho tình yêu của Chúa Kitô thấm nhập vào trong con người mình, để cho mình được Thánh Thần hướng dẫn, và để đời sống của mình được tháp nhập vào cây Sự sống là Thánh giá của Chúa.

Các con thân mến, với niềm tín thác sâu xa, cha phó thác các con cho lời chuyển cầu của Mẹ Rất Thánh Maria. Mẹ là người Mẹ trợ giúp chúng ta đưa ra những quyết định sống mang tính tự do và không sợ hãi. Xin Mẹ giúp con con làm chứng cho niềm vui đến từ sự an ủi của Thiên Chúa, mà không sợ hãi niềm vui ấy; xin Mẹ giúp các con nên đồng hình đồng dạng với luận lý tình yêu của Thánh giá, và lớn lên trong sự hiệp thông ngày càng sâu xa với Chúa trong cầu nguyện. Như vậy, đời sống của các con sẽ trở nên phong phú và sinh nhiều hoa trái! Amen.