“BÌNH THƯỜNG MỚI” TRONG MÙA CHAY CỦA KI-TÔ HỮU
Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (10.3.2022) - Kể
từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra cách đây hơn hai năm, người ta bắt đầu nói nhiều
đến cụm từ “Bình thường mới”, cả
ngoài đời lẫn trong đạo. Khi đề cập đến trạng thái bình thường mới, người ta muốn
nhấn mạnh đến việc làm mới lại những cái bình thường cũ nhằm thích nghi với
hoàn cảnh mới bằng những cái bình thường mới.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì trạng thái bình thường
mới là một thuật ngữ được sử dụng trong kinh doanh để đề cập tới tình hình
kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đại
suy thoái và đại dịch COVID-19. Từ đó, thuật ngữ cũng được
sử dụng rộng rãi để nói đến một thứ bất thường nhưng lại trở nên bình thường
sau đó. Riêng trong đại dịch COVID-19, cụm từ Trạng thái bình thường mới được
dùng để đề cập tới sự thay đổi hành vi con người sau đại dịch.[1]
Nhiều người đã giải thích rằng, Bình thường mới hiểu đơn giản là những điều khác với những cái
cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ
trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang
phấn đấu để thực hiện thì nay, điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện
nó nhanh hơn, vì nếu không thực hiện, sẽ không thể tồn tại trong thời đại mới.
Dịch bệnh đã thay đổi về cấu trúc xã hội. Thay đổi này giống như một thời kỳ mới,
không phải thay đổi nhất thời. Bình thường
mới không phải cái gì cao xa, mà nó là những gì diễn ra xung quanh, từ
chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, đời sống sản xuất,
cách thức tiêu dùng, cách thức sống, y tế, giáo dục… làm sao để thích ứng và
phát triển. Khi mình xác định được các yếu tố, sẽ có cách ứng phó.
Kể từ khi dịch bệnh Covid xảy ra, toàn bộ con người, xã hội
phải triệt để thay đổi từ bình thường cũ sang bình thường mới, làm sao để thích
ứng và phát triển hài hòa. Trước hết, ta thử bàn về thực trạng bình thường mới trong bối cảnh Covid như thế nào.
Thực trạng “Bình thường
mới” trong bối cảnh dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ta rất dễ hình dung thế
nào là bình thường cũ và thế nào là bình thường mới. Sau thời gian hơn một năm
xảy ra dịch bệnh Covid khởi phát vào khoảng 12/2019, người ta đã phải làm quen
với một số trạng thái bình thường mới theo nhận định của một tác giả như sau:
- Việc đeo khẩu trang có thể là bắt buộc khi hoạt động cộng
đồng: Đi học, đi chợ, đi du lịch, người trên phương tiện giao thông công cộng,
khi gặp gỡ giao lưu với người khác trong một thời gian nhất định (3 tháng, 6
tháng, 1 năm hoặc lâu hơn).
- Người từ các nước đang có dịch hay lây nhiễm Covid- 19 đến
Việt Nam phải được thử có virus hay không và cách ly 14 ngày nếu có dấu hiệu
đáng nghi ngờ lây nhiễm. Ngay lúc xuống máy bay, rời xe lửa, ô tô có thể phải
được thử (xác suất hoặc tập trung vào một số đối tượng hoặc một thời gian nhất
định).
- Khi phát hiện có người bị dương tính với Covid- 19 thì người
đó và tất cả những người tiếp xúc (F1, F2, F3) phải được cách ly triệt để, ít
nhất 14 ngày.
- Khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường
xuyên (sản xuất, nhà hàng, nhà hát, lớp học, tàu xe…) phải được quy định, có mức
tối thiểu.
- Quy mô một số hoạt động đông người bị giới hạn trong một
thời gian nhất định (sự kiện văn hóa, thể thao, mitting, du lịch, hội họp…)
- Thường xuyên phải rửa tay sát khuẩn, xe, phương tiện giao
thông được sát khuẩn định kỳ.[2]
Chúng ta biết rằng, năm 2021 mọi người phải vật lộn với đại
dịch Covid kinh hoàng. Sau khi đã có hàng chục ngàn người phải vĩnh viễn ra đi
vì không thể chống chọi với con virus corona quái ác, cả xã hội bắt đầu thức tỉnh.
Phải thay đổi hay là chết, đó là
thông điệp khẩn nhắc nhở về thái độ sống theo những yêu cầu và đòi hỏi mới.
Ngoài thực hành 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn- Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế),
mọi người hối hả đi tiêm ngừa, nhiều lần trong thời gian thích hợp, đồng thời bắt
đầu làm quen với hình thức “trực tuyến” trong nhiều sinh hoạt của đời sống như
hội họp, hội nghị, học hành, buôn bán kinh doanh, giao tiếp, thậm chí cả trong
những sinh hoạt tôn giáo như thánh lễ trực tuyến, cầu nguyện trực tuyến, tĩnh
tâm trực tuyến, dạy và học giáo lý trực tuyến vv.
Như vậy, bình thường mới đòi hỏi chúng ta phải thức tỉnh và
thay đổi.
Trong bài viết có tựa đề “Bình thường mới” đăng trên trang web của HĐGMVN ngày 25-9-2021,
linh mục Phê-rô Vũ Văn Hài đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Bình thường mới có gì mới?” như sau:
Chỉ cần lướt qua các trang báo chính thống, chúng ta có thể
bắt gặp rất nhiều những bài viết, những nhận định về tình trạng xã hội “bình thường mới” mà nhiều người
đang mong chờ hiện nay. Lẽ dĩ nhiên “bình
thường mới” không phải là “bình
thường cũ”. Chúng ta có thể tóm tắt tình trạng này trong một số điểm “mới” sau đây:
- Ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng: Hơn lúc
nào hết, sự liên đới trong cộng đồng nhân loại lại cần được mỗi cá nhân quan
tâm thực hiện như thời điểm hiện nay.
- Khả năng “tự lực
cánh sinh”: Dịch bệnh không chừa một ai, “không có vùng cấm” nào cả. Ai cũng có thể là “F0” và ai cũng phải đối diện với
nguy cơ nghèo đói và bệnh tật. Vì thế cần phải biết tự bảo vệ mình, tự chăm sóc
cho mình… phải biết vượt qua thái độ ỷ lại, dựa dẫm!
- Tập những kỹ năng cần thiết: tập thói quen tuân thủ
5K, sống lành mạnh, quý trọng môi trường sinh thái và bầu khí quyển, siêng vệ
sinh nhà cửa, năng tập thể dục, sắp xếp không gian nhà cửa cho thoáng mát tiện
ích…
- Có khả năng thích ứng với thay đổi trong xã hội
: thanh toán điện tử, chuyển khoản bằng nhiều hình thức khác nhau (trả thẻ, e-banking, ví điện tử…) thay
vì chỉ sử dụng tiền mặt, học hành - trao đổi - làm việc trực tuyến…
- Trở về với mái ấm gia đình: ý thức tình thân và sự
liên đới trong gia đình được chú trọng trở lại. Nhiều người có nhiều thời gian
sống và chăm sóc nhau trong một mái nhà. Nhiều người cảm nhận và trân quý tương
quan yêu thương gắn kết giữa các thành viên trong một gia đình.
Thực ra những điều vừa được nói tới trên đây chẳng hề “mới”, nhưng vì chúng đã bị “quên” do sự tự cao tự đại của con
người, nên thiếu khả năng sử dụng “những
cái cũ, mới trong kho mình” (Mt 13,52).[3]
Như vậy, dịch Covid đã thức tỉnh Ki-tô hữu chúng ta đừng bao
giờ quên canh tân đời sống, trái lại hãy luôn thực hành bình thường mới trong đời sống đức tin của mình. Đó cũng
là ý nghĩa của việc hoán cải Ki-tô giáo.
“Lạy Chúa, xin ban cho
con một trái tim trong sạch!” (Tv 50,12). Đó là lời nguyện cầu của vua
Đavít. Đó cũng là tâm tình của mỗi chúng ta mỗi khi Mùa Chay về. Trái tim sạch
là trái tim được canh tân. Nếu không đổi mới từ tâm can, Mùa Chay sẽ trở thành
vô nghĩa. Thiên Chúa đang chờ đợi và sẵn sàng ban cho chúng ta một trái tim mới,
thay thế trái tim đã già cỗi và chai đá. Khi mang một trái tim được canh tân,
chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đẹp đẽ và đáng yêu hơn.[4]
“Bình thường mới”
trong mùa Chay của người Ki-tô hữu
Chúng ta biết rằng, trong mùa dịch Covid, đời sống đức tin
và những thực hành đạo đức thường ngày của Ki-tô hữu chúng ta thay đổi khá nhiều.
Thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh thực tế và nhất là để chúng ta trở vào nội
tâm, lắng nghe tiếng Chúa nhắc bảo chúng ta về việc sống đạo trong trạng thái
bình thường mới. Nhìn lại, chúng ta có thể rút ra một số bài học thông qua nội
dung Bí quyết 5K thiêng liêng, đó là:
Kiếm tìm: Nhận ra
được Thánh Ý Chúa qua các dấu chỉ thời đại.
Không sợ: Giữ tâm
trí luôn bình an và tin tưởng luôn có Chúa bên ta.
Kết nối: Sống tình
bác ái, nâng đỡ và cùng nhau vượt qua thử thách.
Kiên vững: Luôn
tin cậy và phó thác vào Chúa ngay cả trong lúc khó khăn nhất.
Kinh nguyện: Năng
kết hiệp với Chúa ngay cả khi không thể đến nhà thờ.
Hơn lúc nào hết, trong mùa Chay thánh này, chúng ta hãy tỉnh
thức và sẵn sàng thực hành bình thường mới trong ba việc đạo đức chính thống,
đó là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.
“Bình thường mới” trong ăn chay
Ngay khi bước vào mùa Chay, trong ngày thứ Tư Lễ Tro, Hội
thánh mời gọi chúng ta giữ chay, kiêng thịt theo truyền thống và theo luật buộc.
Tuy nhiên, nói về “Ăn chay, kiêng thịt” trong mùa Chay, có lẽ phần đông chúng
ta chỉ lưu tâm tới hình thức do luật định hơn là tập trung vào nội tâm để thực
hành hoán cải theo tinh thần Tin Mừng Ki-tô giáo.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu về việc chay tịnh. Chay là kiêng; tịnh là sạch sẽ. Chay tịnh
là kiêng khem để giữ mình thanh sạch. Chay
tịnh là giữ gìn thân xác và tâm hồn trong sạch bằng cách tuân giữ các giới
luật tôn giáo và tiết giảm ăn uống. Chay
tịnh là một hình thức sám hối, thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ Cuộc
Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô, bằng cách hạn chế việc ăn uống và việc thụ hưởng
các nhu cầu khác. Chay tịnh cùng với
cầu nguyện và bố thí là ba việc đạo đức được khuyến khích (x. Mt 6, 1-18). Chay
tịnh gồm hai hình thức: Giữ chay và Kiêng thịt.[5]
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2022, ĐTC Phan-xi-cô đã nhắn nhủ:
“Đừng quản ngại từ nan
khi nhổ bỏ cái ác ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Ước mong việc chay tịnh
phần xác mà Mùa Chay kêu gọi, làm tinh thần chúng ta thêm vững mạnh để chiến đấu
chống trả tội lỗi.
“Đừng quản ngại từ nan
khi cầu xin ơn tha thứ trong Bí tích Sám hối và Hòa giải, vì biết rằng
Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi khi tha thứ.
“Đừng quản ngại từ nan
khi chống lại dục vọng. Đây chính là điểm yếu dẫn đến tính ích kỷ và tất cả
mọi thói xấu, và theo suốt dòng lịch sử, với những cách thức khác nhau đã mê hoặc
con người khiến họ đắm chìm trong tội (x. Fratelli Tutti, số 166). Một trong
các thói xấu này là chứng nghiện phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Thói tật
trên làm cho các mối tương quan của con người hóa ra nghèo nàn. Mùa Chay là thời
gian thuận lợi để chống lại những loại cám dỗ này và thay vào đó là vun đắp một
hình thức giao tiếp trọn vẹn tình người hơn (x. Fratelli Tutti, số 43), vốn được
tạo thành từ “những cuộc gặp gỡ đích thực” (Fratelli Tutti, số 50), trực tiếp mặt
đối mặt.”[6]
Vậy đã rõ, khi thực hành bình thường mới trong chay tịnh,
chúng ta không loại bỏ hình thức và những đòi hỏi của luật, nhưng đi xa hơn,
chúng ta tập trung vào nội tâm và thái độ sao cho phù hợp với Lời Chúa và với
Tin Mừng Ki-tô giáo. Ngày nay, nhiều người Công giáo chúng ta còn nói đến những
hình thức “Chay” khác, ngoài “Ăn chay”, chẳng hạn như nói chay, nghĩ chay, làm
chay, viết chay, đi chay vv.
Trong Thư Mục vụ mùa Chay 2022, Đức TGM TGP Sài Gòn Giu-se
Nguyễn Năng đã chia sẻ như sau:
“Khi tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng, nhất là trong
những ngày giãn cách xã hội, mọi sinh hoạt không cần thiết đã phải dừng lại.
Các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, liên hoan, nhà hàng… đều ngưng hoạt động.
Việc làm, công ty, tự do đi lại, thậm chí cả người thân yêu… , chúng ta đã
buông bỏ tất cả, có thể là bất đắc dĩ, để chỉ tập trung vào cái chính yếu. Điều
quan trọng lúc đó là mạng sống, là sức khỏe. Để sống, để an toàn, để có tương
lai, chúng ta đã tiết chế và buông bỏ. Những thói quen hay lối sống hằng ngày
tưởng chừng như không thể bỏ được, trong đại dịch chúng ta đã thay đổi được.
“Trong Mùa Chay, chúng ta hãy tiếp tục kinh nghiệm buông bỏ
này. Chúng ta cầu xin Chúa cho đại dịch qua đi, không phải để trở lại với lối sống
cũ, nhưng để bắt đầu hành trình mới theo Chúa Giêsu trên con đường tiến tới sự
sống vĩnh cửu. Để có được sự sống cao hơn, càng phải buông bỏ nhiều hơn, sống
tiết độ hơn. Trong lối sống hiện đại, nhân
đức tiết độ đã bị quên lãng: lúc nào người ta cũng muốn thỏa mãn tối
đa mọi nhu cầu, mọi ham muốn, lúc nào cũng bị các thèm khát thúc bách mà không
bao giờ thấy no đủ, nên rốt cuộc con người bị lạc hướng và không thể vươn lên tầm
cao được. Chúa mời gọi các môn đệ buông bỏ chính mình, sống tiết độ, làm chủ những
ham muốn lệch lạc, để nhờ đó tiến tới cuộc sống cao cả hơn của một người làm
con Thiên Chúa, sự sống của Đức Kitô phục sinh.”[7]
Bình thường mới trong ăn chay là như vậy. Một trái tim được
đổi mới. Một tinh thần được canh tân. Một thái độ được điều chỉnh. Một lối sống
được thanh luyện. Tất cả hướng tới một mục tiêu cuối cùng, đó là “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống
xưa, là con người hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí
đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được
sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thực sự sống công chính và thánh thiện”
(Ep 4,22-24).
“Bình thường mới” trong cầu nguyện
Song song với việc bình thường mới trong ăn chay/ giữ chay,
chúng ta hãy chú tâm tới việc cầu nguyện, đặc biệt trong mùa Chay thánh này.
Trong đời sống đạo của mình, có thể chúng ta thích đọc kinh nhiều hơn là cầu
nguyện, có thể chúng ta cầu nguyện theo cảm tính, theo ngẫu hứng hơn là việc đạo
đức liên tục thường xuyên với lòng tin đầy tràn và đức mến dồi dào.
Thực vậy, phần đông Ki-tô hữu chúng ta coi việc cầu nguyện
như một việc đạo đức tùy hứng, tùy hoàn cảnh, tùy tâm trạng... và sự cầu nguyện
của chúng ta thường chỉ tập trung vào việc “xin xỏ” là chính! Mặt khác, chúng
ta lại đồng hoá “đọc kinh” với “cầu nguyện”. Thực ra đọc kinh là một
cách cầu nguyện, nhưng có nhiều người đọc kinh mà không cầu nguyện vì
chỉ đọc một cách máy móc mà không đạt được sự hiệp thông với Thiên
Chúa. Trong một ngày, có thể chúng ta đọc nhiều kinh, nhưng lại ít cầu nguyện.
Có thể khi cầu nguyện chúng ta quy hướng về mình nhiều hơn là hướng tâm hồn lên
với Chúa, ca tụng Chúa, kết hợp với Chúa hoặc cầu cho tha nhân...
Chúng ta xác tín rằng, “Cầu nguyện là hiệp thông. Trong Tân Ước, cầu nguyện là sự hiệp
thông của con cái với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống đời cầu nguyện là luôn hiện diện
trước nhan Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Lời cầu nguyện mang đặc tính Kitô
giáo khi được hiệp thông với lời cầu nguyện của Đức Kitô, và được triển khai
trong Hội thánh là Nhiệm Thể Người. Nâng tâm hồn lên là nâng sự hiểu biết từ việc
đặt mình làm trọng tâm đến mức đặt Thiên Chúa làm trọng tâm. Nâng tâm hồn lên
là kết hợp với Thiên Chúa, là hiệp thông với Ngài.”[8]
Như vậy, việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu không dừng lại
như những việc đạo đức lẻ tẻ, nhất thời, mà đó là một đời sống đích thực. Lúc đó việc cầu nguyện bao trùm, ảnh hưởng
đến toàn bộ đời sống chúng ta. Nó chính là sự sống và hơi thở của ta vậy. Đức Cố
Hồng y Phan-xi-cô xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã viết như sau: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu là cầu
nguyện. Ai không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin” (Sách Đường
Hy Vọng, đề mục Cầu Nguyện). Thánh An-phong-sô cũng đã nói như sau: “Sự giàu có của ta là cầu nguyện và ngày nào
không cầu nguyện là ngày vất bỏ. Bỏ cầu nguyện là tự dìm mình vào hoả ngục”.
Ngoài ra, để thực hiện bình thường mới trong cầu nguyện,
chúng ta hãy lưu tâm đến thái độ cần có và tâm tình đúng đắn khi cầu nguyện.
Hơn ai hết, chính Chúa Giê-su đã nói và làm gương cho chúng
ta về những thái độ và tâm tình cần có khi cầu nguyện. Trước hết, Ngài thúc giục
các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không nản chí (x. Lc 18,1-8). Khi cầu nguyện,
tránh thái độ giả dối, phô trương. Tốt nhất là vào nơi kín đáo để cầu nguyện
(x. Mt 6, 5-6). Khi cầu nguyện, các môn đệ của Chúa cũng đừng bắt chước dân ngoại,
họ lải nhải vì họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời (x. Mt 6, 7). Một điểm
đặc biệt khác mà Chúa muốn nhắc nhở các môn đệ, đó là khi cầu nguyện, phải tuyệt
đối vâng theo thánh ý Chúa. Ngài phán, “Không
phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước trời cả
đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được
vào mà thôi” (Mt 7, 21).
Hội thánh cũng đã dạy rằng, “Khi cầu nguyện, chúng ta bắt đầu với tâm tình nào? Với lòng kiêu hãnh
và ý riêng ta, hay với tâm tình khiêm nhường và thống hối ‘thẳm sâu’? (Tv
130,14); ‘Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên’ (x. Lc 18,14). Khiêm nhường là tâm
tình căn bản của cầu nguyện, ‘vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải’
(Rm 8,26). Khiêm nhường là tâm tình phải có để đón nhận được ơn cầu nguyện: trước
mặt Thiên Chúa, con người chỉ là kẻ van xin. ” (x. GLHTCG số 2559).
Bên cạnh đó, thánh Phao-lô cũng nhắc nhở tín hữu phải cầu
nguyện luôn với tâm tình vui mừng cảm tạ. Ngài viết: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong
mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức
Ki-tô Giê-su” (1Tx 16-18). Riêng thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su thì tâm
sự rằng, “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng
khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến
giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan ” (Sách Tự Truyện).
Thực vậy, “Khi cầu nguyện, chúng ta không những chỉ xin
ơn, mà đến cùng Thiên Chúa như con thảo để tỏ lòng biết ơn Cha nhân
lành vì muôn hồng ân Người đã ban. Đồng thời vui hưởng tình yêu
của Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta và cùng Đức Mẹ, các Thánh và
các tín hữu khác chia sẻ tình yêu ấy. Thực ra xin ơn không cần thiết
bằng đạt được sự hiệp thông này, vì một khi hiệp thông như thế, chúng
ta được tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa muốn ban cho
chúng ta.”[9]
Như vậy, việc cầu nguyện của chúng ta trong mùa Chay thánh
này cũng như trong suốt cuộc đời của mình sẽ không dừng lại ở việc đọc kinh
theo thói quen, trái lại sẽ phải được canh tân, đổi mới và đi vào chiều sâu nội
tâm của chúng ta.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong bài lễ ngày thứ Tư Lễ Tro
02-3-2022 đã chia sẻ như sau:
“Cầu nguyện, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện “nơi kín
đáo” (Mt 6, 6), trong phòng của chúng ta, trở thành bí quyết làm cho cuộc sống
của chúng ta thăng hoa ở mọi nơi khác. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại, ấm áp
trong tình cảm và sự tin cậy, là điều an ủi và mở rộng tâm hồn chúng ta.
“Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu nguyện trên hết bằng
cách nhìn lên Chúa chịu đóng đinh. Chúng ta hãy mở rộng trái tim mình để đón nhận
sự dịu dàng đầy cảm động của Thiên Chúa, và trong những vết thương của Người,
hãy đặt những vết thương của chính chúng ta và của thế giới chúng ta. Chúng ta
đừng lúc nào cũng vội vàng nhưng hãy tìm thời gian để đứng trong thinh lặng trước
Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta hãy khám phá lại sự hiệu quả và đơn giản của
cuộc đối thoại chân thành với Chúa. Vì Thiên Chúa không quan tâm đến vẻ bề
ngoài. Thay vào đó, Ngài thích được tìm thấy nơi kín đáo, là “bí mật của tình
yêu”, tránh xa mọi sự phô trương và ồn ào.”[10]
“Bình thường mới” trong làm việc bác ái
Trước nay, trong mùa Chay, Hội thánh luôn nhắc nhở chúng ta
ngoài việc giữ chay và cầu nguyện, mọi Ki-tô hữu còn cần quan tâm tới việc thực
thi bác ái nữa. Việc bác ái trong mùa Chay giống như những bông hoa tươi thắm
chúng ta dâng lên Chúa và trao tặng cho anh em.
Một bài báo trên trang web cgvdt.vn ngày 02-3-2022 có tựa “Cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái”,
có đoạn viết như sau: Khởi đầu thư mùa Chay gởi Dân Chúa giáo phận Bắc Ninh, Ðức
cha Cosma Hoàng Văn Ðạt cũng hồi tưởng giai đoạn đại dịch bùng phát mạnh mẽ. Chính
lúc ấy, bà con giáo dân đã sống bác ái, liên đới, chia sẻ yêu thương. Mùa Chay
đang diễn ra khi cơn dịch chưa dập tắt hẳn, nhân loại phải sống chung với dịch.
Ðây cũng là cơ hội để tín hữu cảm nghiệm:
“Chúng ta tiếp tục bước vào Mùa Chay thứ ba trong lúc đại dịch
vẫn còn diễn biến phức tạp; số người dương tính với SARS-CoV-2 tiếp tục gia
tăng. Việc tham dự sinh hoạt đức tin tại không ít xứ họ bị gián đoạn. Thế
nhưng, nhìn vào mục đích chính yếu của Mùa Chay, các tín hữu lại nhận thấy đây
là cơ hội, nhất là đối với anh chị em nhiễm bệnh thì thời gian cách ly điều trị
lại là quãng thời gian tĩnh tâm quý báu cũng như sống đức tin qua việc đọc
kinh, cầu nguyện hay dự lễ trực tuyến. Ðối với những người chưa nhiễm bệnh, dịch
bệnh lại là lời mời gọi để thực thi bác ái thông qua việc cầu nguyện cũng như
quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với người nhiễm bệnh. Anh chị em giáo dân
ở nhiều nơi đã chủ động tiếp tế lương thực, thuốc men cho các gia đình có người
cách ly. Nhiều xứ họ ở miền quê, bà con giáo dân đã giúp đỡ công việc hàng ngày
cho các gia đình đang bị nhiễm bệnh. Trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh cũng
giúp chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và làm cho những sinh hoạt đức tin trở nên sống
động giống với hình ảnh đời sống đức tin Giáo hội thời tiên khởi”.[11]
Chúng ta biết rằng, tại Việt Nam, trong đại dịch Covid-19 vừa
qua, rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tình nguyện dấn thân phục vụ các
bệnh nhân Covid trong bệnh viện và những cá nhân, gia đình rơi tình cảnh cơ cực
do nhiễm virus corona. Từng đoàn tình nguyện viên từ các giáo phận, giáo xứ,
dòng tu, cộng đoàn… khăn gói lên đường đi vào vùng dịch mà không chút quản ngại
khó khăn, nguy hiểm.
Cũng có nhiều trường hợp khác, các linh mục chính xứ phó xứ
cùng với giáo dân đã lăn xả vào các khu vực nguy hiểm để trợ giúp các gia đình
gặp khó khăn vì bị cách ly. Có linh mục hằng ngày phải vượt cả mấy chục cây số
để chuyên chở lương thực, thực phẩm về cho dân. Cũng có linh mục đứng ra điều
hành các nhóm tự nguyện bất chấp ngày đêm, mưa nắng, đem các nhu yếu phẩm giúp
đỡ cá nhân, gia đình đang trong tình cảnh thiếu thốn, khổ sở vì dịch.
Thông thường các cá nhân hay cộng đoàn Ki-tô vẫn thực hiện
nhiều hoạt động từ thiện khắp nơi và cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nhưng
từ khi dịch bệnh Covid xảy ra, những công cuộc bác ái đã vượt giới hạn của bình
thường cũ để mở ra chiều kích mới, khiến cho công cuộc từ thiện trở nên một
sinh hoạt đức tin đầy sống động và ý nghĩa.
ĐTC Phan-xi-cô trong sứ điệp mùa Chay 2022 đã nhắn nhủ tín hữu:
“Đừng quản ngại từ nan
khi tích cực làm các việc bác ái đối với những người thân cận. Trong
suốt Mùa Chay này, chúng ta hãy vui vẻ thực hành bố thí (x. 2 Cr 9, 7). Thiên
Chúa là “Ðấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo, và bánh nuôi mình cho họ” (2 Cr 9,
10), ban cho mỗi người chúng ta không chỉ có lương thực để ăn, mà còn để quảng
đại làm điều tốt cho người khác. Dù đúng là chúng ta có cả cuộc đời để gieo vãi
sự tốt lành, nhưng chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để quan tâm đến
những người thân cận với chúng ta, để làm cho những anh chị em đang bị tổn
thương trên đường đời trở thành những người thân cận với chúng ta (x. Lc 10,
25-37).
“Mùa Chay là thời điểm thuận
lợi để tìm gặp, chứ không phải để lảng
tránh những người thiếu thốn; để tiếp cận,
chứ không phớt lờ những người muốn được lắng nghe và cần một lời nói tử tế; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những
người cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời mời gọi làm điều tốt lành với tất cả mọi
người, dành thời gian để yêu thương những người nghèo hèn và yếu đuối, những
người bị bỏ rơi và khinh miệt, những người bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội
(x. Fratelli Tutti, số 193)./.[12]