Bức tranh “Ngài dẹp yên sóng biển” của Rembrandt Van Rijn
Ý NGHĨA SÂU RỘNG: BIỂN TRONG LUCA VÀ CÔNG VỤ
Tác giả: Ambrose Doborozsi
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: hprweb.com
WHĐ (2.2.2021) – Biển có sức hấp dẫn đặc biệt đối
với trái tim con người. Nó đã chiếm trọn trí tưởng tượng của con người kể
từ những câu chuyện thần thoại đầu tiên: Odysse, tung tăng trên biển; Aenea[1], bị lòng thù hận của Juno đầy
ải, đã băng qua Biển sâu; và chu kỳ mang tính hủy diệt nhưng vẫn mang lại
sự sống của dòng lũ sông Nile, tất cả đều dễ dàng ghi nhớ. Trong văn học,
từ Sử thi Gilgamesh[2] đến Ông già và biển cả[3], Biển cả là bối cảnh
cho những câu chuyện kịch tính nhất. JRR Tolkein[4],
thông qua nhân vật Legolas, mô tả sức hút của biển vào trái tim anh:[5]
Đến biển, đến biển! Mòng biển trắng kêu vang,
Gió thổi, bọt trắng bay.
Tây, tây xa, mặt trời tròn đang buông xuống.
Con tàu xám, con tàu xám, bạn có nghe họ gọi,
Tiếng những người đã đi trước tôi?
Tôi sẽ ra đi, tôi sẽ rời khỏi rừng cây đã cưu mang tôi;
Vì những ngày của chúng ta đang kết thúc và những năm tháng của chúng ta đang
thất bại.
Tôi sẽ vượt qua vùng nước rộng cô đơn chèo thuyền.
Những con sóng trên Bờ Suối đổ xuống, trải dài.
Tiếng nói trong Lạc Đảo mời gọi ngọt ngào
…[6]
Biển cũng là một trong các hình ảnh xác định trọng tâm Kinh thánh. Thánh Thần bay lượn trên mặt nước trong sự sáng tạo (Sáng Thế Ký 1: 2). Thiên Chúa cứu Nôê khỏi trận lụt (Sáng Thế Ký 6: 1; 8: 22). Quyền trượng của Môisê chia tách Biển Đỏ, cho phép dân Ítraen đi qua an toàn và giải cứu họ khỏi Ai Cập (Xuất hành 14: 21-22). Sau đó, Hòm Giao ước cũng chia tách sông Giócđan khi dân Ítraen đến Đất Hứa (Giôsuê 3: 14-17). Khi tác giả Thánh vịnh cầu nguyện, “Ngài hãy thống trị từ biển này qua biển khác, từ Sông cả cho đến tận cùng cõi đất!” (Thánh vịnh 72: 8) Tân Ước cũng dành cho Biển một vị trí quan trọng trong các trình thuật về Biển. Sứ vụ của Chúa Giêsu tập trung quanh Biển Galilê. Phaolô băng qua Địa Trung Hải. Và, liên quan đến ngày tận thế, tác giả của sách Khải Huyền mô tả một “Biển thủy tinh hòa quyện với lửa” bên dưới ngai vàng của Thiên Chúa. (Khải huyền 15: 2)
Nếu Biển có nhiều ý nghĩa như vậy, nếu nó có sức
hút sâu lắng và thơ mộng đến thế đối với trái tim con người, thì hình ảnh này
có thể được sử dụng trong việc giảng dạy như thế nào? Trong một nghiên cứu
gần đây về Luca và Công vụ Tông đồ, chúng tôi đã khám phá ra vô số lời chú giải
của các giáo phụ trong các câu chuyện về Biển trong Catena Aurea[7]
của Thánh Tôma Aquinô . Trong tài liệu này, Thánh Tôma
Aquinô đã biên soạn rất nhiều câu nói của các tổ phụ liên quan đến từng câu
trong sách Tin Mừng. Tất cả những đoạn Kinh Thánh này đều chứa đựng những ẩn
dụ phong phú và những ý nghĩa loại suy sâu rộng. Đối với chúng ta, dường
như cách tiếp cận loại suy này có thể giúp khai thác khía cạnh thần thoại về tầm
quan trọng của biển. Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi chỉ giới hạn trong
các câu chuyện trong Luca và Công vụ, nhưng những nhận xét của các Giáo Phụ về
phần Kinh thánh này có thể được sử dụng để giúp hiểu những phần khác.
Khi người ta đọc Kinh Thánh, phần lớn cách tiếp
cận lịch sử hiện đại liên quan đến nghĩa đen của nó. Bằng cách nhìn vào loại
dụng cụ đánh cá mà các Tông đồ sử dụng, hoặc bằng cách nghiên cứu tàn tích của
Caphácnaum, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về câu chuyện và tìm thấy mối liên hệ
chặt chẽ với chính các môn đệ. Nhiều vị thánh vĩ đại đã khuyến khích việc
suy ngẫm về sự chính xác những chi tiết này, bởi vì nó giúp khơi dậy tình cảm gắn
bó bền chặt với Chúa Giêsu, con người lịch sử do Thiên Chúa sai tới. Một
cách tiếp cận ẩn dụ hoặc dụ ngôn hơn, như cách được các giáo phụ sử dụng, có thể
kết hợp với một nguồn khác để giúp hướng dẫn chúng ta về sự thánh thiện. Thay
vì tiếp cận ở mức độ thực tế lịch sử, chúng ta có thể nhìn vào hàm ý văn học và
trí tưởng tượng của văn bản để tìm hiểu thêm về ý nghĩa thiêng liêng mà Biển có
được.
Giáo hội có một lịch sử lâu dài về việc tìm kiếm
ẩn dụ và loại suy trong thần học của mình. Ví dụ, phép rửa tội thường được
giải thích bằng cách rút ra từ ý nghĩa ẩn dụ của nước. Giống như nước mang
lại sự sống cho thực vật và động vật, việc gội rửa trong nước của Phép Rửa mang
lại sự sống mới cho Kitô hữu. Giống như chúng ta làm sạch bằng nước, Phép
Rửa tẩy sạch tội lỗi của chúng ta. Và cũng giống như nỗi sợ chết đuối có
thể ám ảnh một thủy thủ, trong phép thánh tẩy, chúng ta chết cho chính mình và
mặc lấy một cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Các Giáo Phụ đã sử dụng cách tiếp
cận loại suy và thiêng liêng này để đọc Kinh thánh. Bằng cách xem xét công
việc của các Giáo Phụ, chúng ta có thể tìm thấy một khuôn khổ chú giải ẩn dụ vững
chắc để giúp hỗ trợ việc đọc và hiểu các câu chuyện về Biển trong Kinh
Thánh. Việc rao giảng về những câu chuyện này, theo cách này, có thể kết nối
các sách Tin Mừng cổ xưa với cuộc sống của người nghe bằng cách lôi kéo họ vào
điều đó rất sâu sắc.[8]
Khi các Giáo Phụ sử dụng biểu tượng, những chi
tiết mà từ đó các ngài rút ra ý nghĩa đôi khi có vẻ ngẫu nhiên hoặc tùy
ý. Chẳng hạn, Thánh Grêgôriô Nazianzê coi Biển là đại diện cho người tin
Chúa đang bơi trong sự hiểm nguy của cám dỗ, nhưng Thánh Augustinô lại mô tả niển
như đi sâu vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Do đó, việc chọn một trích
dẫn từ bài chú giải của Giáo Phụ có thể nghe không được tự nhiên đối với khán
giả hoặc cộng đoàn. Tuy nhiên, có một khuôn khổ kết nối giữa những gì hai
Giáo Phụ này nói, và thậm chí hỗ trợ các diễn giải cá nhân của các
ngài. Việc tìm kiếm sự thống nhất giữa các phép loại suy khác nhau sẽ cho
thấy một khung nhìn rộng hơn. Các Giáo Phụ sử dụng cấu trúc tường thuật của
chính Tin Mừng, một sự phù hợp phong phú với các bản văn Kinh thánh khác, và một
thế giới quan cơ bản, để rút ra các ẩn dụ của chúng.
Biển lần đầu tiên được nhắc đến trong Luca khi
nói đến mẻ lưới thần kỳ, và lời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ “Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã
vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.
Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ
làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới,
và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Simon Phêrô
sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là
kẻ tội lỗi! Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt
được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai
người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc
như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người
thu phục người ta”. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài”.
(Luca 5,1-11). Tiếp theo, Biển xuất hiện khi Chúa Kitô dẹp yên sóng Biển “Một ngày nọ, Đức Giêsu xuống thuyền với các
môn đệ. Ngài nói: "Chúng ta sang bên kia hồ đi! " Rồi thầy trò ra
khơi. Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giêsu thiếp ngủ. Một trận cuồng
phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy. Các môn đệ lại gần đánh
thức Ngài dậy và nói: "Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!" Ngài thức dậy,
ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay. Ngài bảo các ông:
"Đức tin anh em ở đâu? " Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau:
"Vậy người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?”
(Luca 8: 22-25), và ngay sau đó, trong cuộc trừ binh đoàn quỷ “Lũ quỷ
nài xin Ngài đừng truyền cho chúng rút xuống vực thẳm. Ở đó có một bầy heo khá
đông đang ăn trên núi. Lũ quỷ nài xin Ngài cho phép chúng nhập vào bầy heo kia,
và Ngài cho phép. Lũ quỷ xuất khỏi người đó, nhập vào bầy heo. Cả bầy heo từ
trên sườn núi lao xuống hồ và chết ngộp hết”. (8: 31-33). Sau đó,
không có thêm câu chuyện hoặc dụ ngôn lớn nào liên quan đến Biển trong Tin Mừng
này, ngoài các tài liệu tham khảo nhỏ, chẳng hạn như đức tin có thể dời cây xuống
Biển “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt
cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển
kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (Luca 17: 6), không như Luca,
sách Tin Mừng theo Máccô 6: 45-52 lưu giữ sự kiện đi trên mặt nước “Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền
qua bờ bên kia về phía thành Bếtxaiđa trước, trong lúc Ngài giải tán đám đông.
Sau khi từ biệt các ông, Ngài lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở
giữa biển hồ, chỉ còn một mình Ngài ở trên đất. Ngài thấy các ông phải vất vả
chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Ngài đi trên mặt biển
mà đến với các ông và Ngài định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Ngài đi
trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy
Ngài và đều hoảng hốt. Lập tức, Ngài bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây,
đừng sợ!” Ngài lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng
sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các
ông còn ngu muội!”. Biển không còn là trọng tâm của câu chuyện cho đến
khi có sách Công vụ, trong đó Phaolô đi thuyền đến Pécghê “Từ Paphô, ông Phaolô và các bạn đồng hành vượt biển đến Pécghê miền
Pamphylia” (13:13). Hầu hết các cuộc hành trình trên Biển của Phaolô đều bị
lướt qua. Do đó chuyến đi đầu tiên này và những chuyến đi xa hơn của
Phaolô đến Châu Âu “Xuống tàu ở Trôa,
chúng tôi đi thẳng đến đảo Xamốtrakê, rồi hôm sau đến Napôli” (16:11),
Milêtô “Chúng tôi xuống tàu trước đi
Átxô, là nơi chúng tôi sẽ đón ông Phaolô; ông đã sắp đặt như thế, vì ông tính
đi đường bộ. Khi ông gặp lại chúng tôi ở Átxô, chúng tôi đón ông xuống tàu rồi
đi tới Mitylen. Từ đó chúng tôi vượt biển và hôm sau tới ngang đảo Khiô. Hôm
sau nữa, chúng tôi cập bến ở đảo Xamốt, rồi ngày kế đó đến Milêtô” (20:
13-16), Giêrusalem “Họ đau đớn nhất vì lời
ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu”
(20: 38), “Sau khi từ biệt nhau, chúng
tôi xuống tàu, còn họ thì trở về nhà”. (21: 6), và Rôma “Ba tháng sau, chúng tôi ra khơi trên một chiếc
tàu đã qua mùa đông tại đảo; tàu này của thành Alêxanria và mang huy hiệu hai
thần Điốtcuri”. (28:11) chứa rất ít chi tiết để làm việc. Cho đến nay, câu
chuyện biển quan trọng nhất trong Công vụ là vụ đắm tàu trong khi Phaolô bị
giam trên đường đến Rôma, trong chương 27. Như thế cả Luca 5: 1-11, 8: 22-33,
và Công vụ 27 đã trình bày những câu chuyện phong phú nhất để rút ra những ý
nghĩa từ đó. và vì vậy hầu hết các bình luận được trích dẫn sẽ liên quan đến những
đoạn đó.
Mặt hồ là
điểm phóng lý tưởng. Có ba câu chuyện hoàn toàn khác nhau: một vụ đắm tàu,
một mẻ lưới dồi dào và một kết thúc kỳ diệu cho một cơn bão, nhưng các Giáo Phụ
đều tìm thấy một ý nghĩa duy nhất. Liên quan đến những đoạn văn này, các
Giáo Phụ nhìn thấy mặt hồ Giênêsarét và miêu tả nó tượng trưng cho cuộc chiến đấu
với cám dỗ, đối với cá nhân tín hữu, và đối với Giáo hội. Đấng Đáng Kính
Bede[9] nhận thấy cơn bão trong cái
tên mà Luca đặt cho Biển, “Tuy nhiên,
Giênêsarét là cái tên được đặt cho cái hồ do bản chất của chính bản thân cái hồ,
(được cho là những con sóng vượt qua hồ đã tạo ra một làn gió trên mặt hồ) là cụm
từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tự tạo cho mình một làn gió”. Vì nước của hồ không ổn định, nhưng thường
xuyên bị khuấy động bởi những cơn gió thổi qua.”[10]
Sóng gió này làm rung chuyển các con thuyền, đe dọa các Tông đồ, những
người được coi là đại diện cho cả Giáo hội nói chung và cá nhân tín hữu. Như
Bede giải thích thêm, “Nhưng thực tế là
các con thuyền, khi được đổ đầy, bắt đầu chìm, tức là trở nên nặng nề dưới nước; (chúng
không bị chìm, nhưng đang gặp nguy hiểm lớn) vị Tông đồ giải thích khi ngài nói,
“Trong những ngày cuối cùng, thời kỳ nguy
hiểm sẽ đến; con người sẽ là người yêu chính bản thân mình, v.v ... Vì việc
chìm tàu xảy ra khi con người, do những thói quen xấu xa của mình, đã rơi trở
lại cái thế gian mà họ đã được tuyển chọn nhờ đức tin để thoát khỏi nó”,[11] Bede mô tả nỗi
kinh hoàng và đau đớn của thời kỳ cuối cùng, nhưng cơn bão cũng là một chiều
kích luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của các Kitô hữu. Khi ở trên mặt
nước của cuộc đời này, con thuyền của chúng ta luôn gặp nguy hiểm trước sự cám
dỗ. Tuy nhiên, các Giáo Phụ không liệt kê rõ ràng những cám dỗ nào được thể
hiện bằng sóng Biển. Grêgôriô Nazianzê đề cập đến tín hữu “bơi lội trong những cảnh huống luôn thay đổi
và những cơn bão cay đắng của cuộc đời này,”[12]
nhưng không có một bình luận của giáo phụ nào được Thánh Tôma Aquinô
trích dẫn đề cập đến bất kỳ khổ não hoặc thử thách cụ thể nào. Thay vào
đó, sóng và bão thường đại diện cho mọi thứ mà Satan, bản chất sa ngã của chúng
ta và của thế giới vật chất, có thể cản đường ơn cứu độ của chúng ta.
Nếu thế gian, xác thịt và ma quỷ có thể làm chao
đảo con thuyền của chúng ta, thì đức tin vào Chúa Kitô là Thiên Chúa sẽ là liều
thuốc giải độc. Các Giáo Phụ chỉ ra rõ ràng rằng, trước hết, Chúa Kitô có
quyền năng thần thánh để làm dịu các cơn bão như Thiên Chúa của Cựu Ước đã
làm; và thứ hai, đức tin có thể đưa chúng ta đến bờ bên kia một cách an
toàn. Thánh Cyrilô chỉ ra mối liên hệ giữa việc Chúa Kitô dẹp yên Biển cả
và sự kiểm soát của Thiên Chúa đối với thiên nhiên, đặc biệt như đã được thảo
luận trong Cựu Ước:
Nhưng không thể vì thế mà họ phải chết trong khi Đấng Toàn năng ở cùng họ. Sau
đó, Chúa Kitô một khi đã chỗi dậy, có quyền lực trên mọi vật, và ngay lập tức dập
tắt cơn bão và cơn cuồng phong, cơn bão ngừng lại, và có sự bình yên. Ở
đây, Chúa Kitô cho thấy mình là Thiên Chúa, Đấng mà người ta nói, "Chúa
cai trị sự cuồng nộ của biển cả: khi sóng nổi lên, Chúa làm cho chúng lặng
yên”. Vì vậy, khi ra khơi, Chúa của chúng ta đã biểu lộ cả hai bản tính
trong cùng một con người, khi thấy rằng Ngài, vì là con người, đã ngủ thiếp đi
trong tàu, và vì là Thiên Chúa, nên bằng lời nói của mình, Ngài đã dẹp yên cơn
thịnh nộ của Biển cả.[13]
Câu đầu tiên của nhà chú giải Cyrilô thiết lập mối
liên hệ giữa quyền năng của Thiên Chúa và những cơn bão trên mặt hồ. Mặc
dù các Tông đồ thực sự đang gặp nguy cơ bị hủy diệt, nhưng Chúa Kitô “không thể” không cứu họ, vì Ngài thực sự
là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chính
sự nhập thể của Chúa Kitô là sự biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa để cứu các
tín hữu của Ngài khỏi những giông tố của cuộc đời. Và, xa hơn nữa, như
Thánh Ambrôsiô dạy, quyền năng cứu độ này tiếp tục được thể hiện cho các môn đồ
của Chúa Kitô ngay cả sau khi Ngài thăng thiên:
Bạn phải nhớ rằng không ai có thể vượt qua cuộc đời này mà không có cám
dỗ, vì cám dỗ là thử thách của đức tin. Do đó, chúng ta đang phải hứng chịu
những cơn bão tố của sự gian ác thiêng liêng, nhưng với tư cách là những thủy thủ
cảnh giác, chúng ta phải đánh thức người lái tàu, là người không tuân theo những
cơn gió mà chỉ huy chúng, mặc dù giờ đây người lái tàu không còn ngủ trong giấc
ngủ của chính mình, nhưng chúng ta hãy coi chừng, kẻo vì giấc ngủ của thân xác
chúng ta, Ngài vẫn như đang ngủ và nghỉ ngơi đối với chúng ta. Nhưng họ bị
khiển trách một cách đích đáng vì đã kinh sợ, khi Chúa Kitô vẫn hiện diện; vì ai bám chặt vào Ngài chắc chắn sẽ
không cách nào phải chết.[14]
Chúa Giêsu Kitô tiếp tục canh giữ đàn chiên của
Ngài khi họ chèo thuyền vượt biển cuộc đời, và quyền năng thần linh của Ngài dẹp
yên cơn bão là đáng tin cậy vô hạn. Như Thánh Ambrôsiô đã chỉ ra, chính sự
thiếu niềm tin của chúng ta là điều đáng trách, và là điều "đáng trách”
khi chúng ta không chống chọi nổi với những cơn bão. Như một dụ ngôn sau
này trong Tin Mừng của Thánh Luca sẽ mô tả, “Nếu bạn có đức tin như hạt cải, bạn có thể nói với cây dâu này rằng:
Hãy nhổ rễ lên và xuống dưới Biển mà mọc, nó sẽ vâng lời bạn.” (Luca
17: 6)[15]Các Giáo Phụ kêu gọi một đức
tin cộng đoàn, chứ không chỉ cho niềm tin cá nhân. Thánh Gioan Kim Khẩu
cho rằng đức tin của Thánh Phaolô đủ để cứu nhiều người, như ngài giải thích,
“Và đây cũng không phải là một phép lạ nhỏ, rằng họ [thủy thủ đoàn] cũng được cứu
nhờ lời Phaolô giải thích nguyên nhân.”[16]
Các thủy thủ đã bỏ cuộc, “rốt cuộc chúng
tôi mất dần hy vọng được cứu” (Công vụ 27:20) nhưng Phaolô kêu gọi họ hãy
tin tưởng và nói: “Thưa các bạn, hãy can
đảm lên! Tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa: sự việc sẽ xảy ra đúng như lời đã phán với
tôi.” (Công vụ 27:25) Phaolô tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ cứu ông và
cùng với ông, tất cả những người trong tàu. Trong tất cả những câu chuyện
này, những con thuyền không bao giờ có những vị khách lẻ loi. Thay vào đó,
Chúa Giêsu ban cho Phêrô và những người bạn đánh cá của ông một phép lạ, cứu tất
cả các môn đệ khỏi một cơn bão, hoặc ban cho Phaolô sự cứu vớt của cả một thủy
thủ đoàn.
Bản thân con tàu hay con thuyền là một trọng tâm
khác của các Giáo Phụ. Nói chung, con thuyền được hiểu là đại diện cho
Giáo Hội, mặc dù theo nghĩa rộng hơn, nó có thể tượng trưng cho các cộng đoàn
riêng lẻ bên trong Giáo Hội hoặc theo nghĩa cơ bản nhất của nó, chính là vũ trụ. Như
Thánh Gioan Kim Khẩu mô tả:
Vì nếu một con tàu không thể gắn kết với nhau mà không có hoa tiêu, là
những người sáng lập tiếp sau đó, thì làm sao thế giới có thể gắn kết với nhau
lâu đến vậy nếu không có ai cai quản đường đi của nó? Và rằng tôi có thể
nói không quá đáng, giả sử thế giới là một con tàu; trái đất được đặt bên
dưới sống tàu; bầu trời là cánh buồm; con người là hành khách; vực
thẳm cận kề là biển. Làm thế nào mà trong suốt một thời gian dài, không một
vụ đắm tàu nào xảy ra? Bây giờ, hãy để một con tàu ra đi vào một ngày
nào đó mà không có hoa tiêu và thủy thủ đoàn, và bạn sẽ thấy nó đắm ngay lập tức! Nhưng
thế giới, mặc dù tồn tại cách đây năm nghìn năm, và nhiều hơn nữa, vẫn không phải
chịu đựng điều gì như thế.[17]
Dựa vào
Công vụ 27:30 thì không có gì là rõ ràng, nhưng nó cung cấp thông tin về tầm
nhìn của các Giáo Phụ về phép ẩn dụ của con tàu. Con tàu là nơi sinh sống
của con người, những cơn bão của cuộc sống, thực tế vật chất và những cơn thịnh
nộ của điều tà ác chống lại con tàu đó. Không thể vượt qua cuộc sống mà
không có một con tàu để vượt qua vùng Biển. Trong ví dụ này, trái đất không
thể tự nó tạo ra chính nó, từ đầu đến cuối, nếu không có một người điều khiển
xuất sắc, là Thiên Chúa, đã quan phòng thiết lập đường đi và liên tục chống lại
sự tấn công của thời tiết. Chỉ là một bước ngắn khi so sánh các hành khách
với các thành viên của Giáo hội, và người lái tàu với Chúa Kitô, với đích đến
là bờ bên kia, là thiên đàng. Như Thánh Giêrônimô nhận xét, “Thánh Phaolô
và những người đã trói buộc ngài, cùng nhau chèo thuyền, chịu đựng cùng một cơn
bão, cùng nhau trốn vào bờ khi con tàu bị sóng đánh vỡ,” Cứ cho là đúng như thế,
con tàu đắm là biểu tượng cho sự phán xét thực sự của Thiên Chúa đối với những
người đi qua cuộc đời để hướng về cõi hằng sống. Sự ngay thẳng của Phaolô
đã cứu cả thủy thủ đoàn khỏi chết chìm, và mặc dù ở trên tàu chỉ là chuyện tạm
thời, nhưng cả đoàn đã đến được bờ. Do đó, Thánh Giêrônimô có thể áp dụng
biểu tượng này cho Giáo hội cách trực tiếp hơn, và cho mỗi tín hữu tiếp theo
đó, “Bây giờ chúng ta chèo thuyền, vật lộn và chiến đấu, để cuối cùng chúng ta
có thể đến được thiên đàng, được đăng quang và chiến thắng”.[18] Thánh Ambrôsiô
đưa ra cách trình bày trực tiếp nhất về phép loại suy này: “Theo Mátthêu, con
thuyền của Phêrô bị sóng đánh, theo Luca, con thuyền chứa đầy cá, để anh em có
thể hiểu Giáo hội. lúc đầu thì dao động, cuối cùng thì rất dồi dào. Con
thuyền giữ được Phêrô thì không bị rung chuyển; Con thuyền giữ Giuđa bị
rung chuyển”.[19] Giáo hội giữ được
Phêrô, đặc biệt là Giáo hội La Mã, được hướng dẫn do lời tuyên xưng đức tin của
Phêrô, dao động trong thời gian ở trên mặt nước. Tuy nhiên, sóng yên biển
lặng, Chúa cung cấp lượng cá dồi dào, tượng trưng cho niềm vui dạt dào trên
thiên đàng sau bao sóng gió của cuộc đời này.
Chỗ sâu của
Biển không phải là một phép loại suy đơn giản, mà thay vào đó nó có ý nghĩa gấp
đôi. Trong một số trường hợp, chỗ sâu ở đây hiểu là vực sâu Hỏa ngục, bị
loại bỏ khỏi tình yêu Thiên Chúa. Điều này được thể hiện rõ ràng trong câu
chuyện về người đàn ông bị binh đoàn quỷ ám. Bầy quỷ cầu xin Chúa Kitô “đừng ra lệnh cho chúng nhào xuống vực sâu,”
nhưng sau đó khi nhập vào đàn heo, chúng lao “theo sườn núi chênh vênh, xồng xộc nhào xuống biển, mà chết dưới nước.”[20] Các Giáo Phụ giải
thích điều này là biểu hiện quyền năng của Chúa Kitô: bầy quỷ tìm cách thoát khỏi
vực thẳm bằng cách nhập vào bầy heo, nhưng cuối cùng vẫn bị chết chìm trong vực
sâu. Vì vậy, “chỗ sâu” của hồ được
cho là vực sâu của Hỏa ngục, như Thánh Gioan Kim Khẩu đánh đồng hai thuật ngữ,
nói rằng, “Và chúng {Binh đoàn quỷ} đã xin Chúa Kitô đừng ra lệnh cho chúng xuất
ra khỏi người bị ám và nhào xuống chỗ nước sâu”.[21]
Maximus the Confessor[22] cũng coi chỗ sâu của hồ là
tượng trưng cho sự trừng phạt tội kiêu ngạo tìm kiếm những biệt đãi trái lẽ từ
Thiên Chúa, như ngài nói, "Do đó, vực sâu được dành cho quỷ dữ, cũng như
cho những kẻ tự hãnh mà quỷ dữ dõi theo. Và ở đó một bầy heo, v.v.”[23]
Mặt khác, chỗ sâu cũng có thể tượng trưng cho
lòng thương xót, tình yêu và sự hiểu biết của Thiên Chúa. Đây là một sự ví
von rõ ràng và đơn giản — Phêrô thả lưới của mình theo lệnh của Chúa Kitô để bắt
cá, và vì vậy, chúng ta trong Hội Thánh, nhận được từ Chúa Kitô những ơn ích
thiêng liêng dồi dào. Như Thánh Ambrôsiô giải thích, “Điều gì là thật sâu
sắc, nếu không phải là sự hiểu biết về Con Thiên Chúa!”[24]
Thánh Augustinô cũng có một sự hiểu biết tương tự khi ngài cho biết một chỉ dẫn
về cách dạy giáo lý cho những người mới được rửa tội:
Ngài dạy dỗ đám đông từ con tàu nào, bởi vì do thẩm quyền của Giáo hội,
Ngài giảng dạy cho dân ngoại. Nhưng việc Chúa xuống thuyền và yêu cầu
Phêrô ra xa khỏi đất liền một chút, có nghĩa là chúng ta phải ôn tồn trong lời
nói của mình với đoàn dân, để họ không bị dạy bảo những điều trần gian, cũng
như không thể đi vào chiều sâu của các bí tích mà vẫn nghĩ đến những điều trần
gian.[25]
Ở đây, Thánh Augustinô có ý nói đến điểm thống
nhất nối kết những đáy sâu nguy hiểm của Biển với lòng thương xót ban phát rộng
rãi mẻ cá dồi dào. Mặc dù ở mức độ bề mặt có sự mâu thuẫn, nhưng đáy sâu
tượng trưng cho Hỏa ngục khi gặp nguy cơ chết đuối, và đáy sâu cũng tượng trưng
cho tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa khi Ngài ban vô số ơn ích, hai ý
nghĩa này được thống nhất thành sự sống và ơn cứu độ dành cho Kitô hữu trong
Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Thánh Phêrô. Như Thánh Ambrôsiô giải thích
thêm:
Cuối cùng, mặc dù đối với những người khác nó là mệnh lệnh, hãy thả lưới
của anh em xuống, riêng đối với Phêrô, Chúa nói rằng: Hãy ra chỗ nước sâu,
nghĩa là nghiên cứu sâu xa. Điều gì là thật sâu xa, nếu không phải là sự
hiểu biết về Con Thiên Chúa! Nhưng cái lưới mà các Tông đồ được lệnh phải
thả xuống là gì, nếu không phải là sự đan kết giữa những từ ngữ và một số các từ
loại nhất định, như vốn có, và sự phức tạp của lập luận, tất cả những điều này
nhằm không bao giờ để cho những người một khi đã được các Tông đồ nắm bắt thì
không thể thoát ra. Và lưới đúng là công cụ của các Tông đồ để đánh cá,
không phải để giết những con cá bị bắt được, nhưng để giữ chúng an toàn, và đưa
những con đang tung tăng sâu bên dưới những con sóng lên vùng nước phía
trên. Nhưng Thánh Phêrô nói: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả cả đêm mà chẳng
bắt được gì; đây không phải là tác động của lời nói hùng hồn do con người
mà là ân huệ của lời mời gọi thần linh. Các Tông đồ, trước đó không bắt được
gì cả, thì bây giờ, vâng theo lời Chúa, lại bắt được vô số cá lớn.[26]
Chiều sâu của hồ vừa biểu lộ sự nguy hiểm cho những
người chưa được chuẩn bị vừa biểu lộ lòng thương xót dồi dào đối với những người
được Chúa Kitô hướng dẫn. Các từ ngữ, dấu hiệu, cụm từ, giống như dòng nước
chảy xiết và bão tố, có thể dễ dàng cuốn bay những người không có sự hướng dẫn
theo giới luật của Chúa Kitô, nhận được qua Phêrô. Những gì nhấn chìm tội nhân,
vướng mắc vào mành lưới của những lời vô ích, thì lại cứu những người được tuyển
chọn, là những người đã được đưa lên những điều cao cả hơn nhờ lời cứu độ của
Chúa Kitô, được thể hiện qua cánh tay mạnh mẽ trong Giáo Hội của Thánh Phêrô.
Như vậy, Biển, được xem như một tổng thể trong
khoa chú giải của các Giáo Phụ, mang một chiều sâu ý nghĩa rộng lớn. Ý
nghĩa của nó trải dài từ đời sống hiện tại của Giáo hội, và của các cá nhân, đến
các quyền lực thời cánh chung đối lập với ơn cứu độ. Bề rộng của nó bao
trùm toàn bộ Giáo hội phổ quát như con tàu do Thiên Chúa chèo lái. Chiều
sâu của nó chứa đựng ơn cứu độ dồi dào cho những người có đức tin, nhưng đe dọa
sẽ nhấn chìm những người không có ân sủng của Giáo hội. Thấu kính trọng
tâm, quan trọng và cần thiết nhất để hiểu tất cả những tương đồng này là Chúa
Giêsu Kitô. Ngài là thuyền trưởng của con tàu, là Thiên Chúa mà chúng ta
có thể tin tưởng để vượt qua Biển một cách an toàn, Ngài là vị cứu tinh dẹp yên
cơn bão. Những tường thuật về phép lạ trong sách Tin Mừng Luca, thể hiện
quyền năng của Chúa Kitô, và cung cấp bằng chứng cho biết rằng sự dạy dỗ của
Ngài là chân thật, và sau đó, trong những năm đầu của Giáo hội, được ghi lại
trong sách Công vụ, là sứ mệnh loan truyền Tin Mừng được bảo vệ ngay cả
trong vùng Biển bão tố nhất, và giữa những niềm hy vọng đang lụi tàn. Thái
độ của các Thánh vịnh đối với Thiên Chúa, sự thể hiện tin tưởng tuyệt đối vào
lòng thương xót của Ngài, và sự bảo vệ chính là sự hiểu biết mà các Giáo phụ
dùng để giải thích các hành động của Chúa Kitô và các chi tiết của các câu chuyện
về Ngài. Ở bất cứ nơi nào, các Kitô hữu cũng có thể lang thang giữa Biển đời,
các Giáo phụ dạy rằng sự tin tưởng trong Thánh vịnh 56 có thể bộc lộ nhiều hơn
niềm tin cậy phó thác vào con người của Chúa Giêsu:
Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi.
Xin lấy vò mà đựng nước mắt con.
Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?
Địch thù phải tháo lui vào ngày tôi cầu cứu.
Tôi biết rằng: Thiên Chúa ở bên tôi.
Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và ca tụng lời Người;
tôi ca tụng lời Chúa.
Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi;
phàm nhân làm gì nổi được tôi?[27]
Lòng thương xót của Thiên Chúa được mặc khải cho
thế giới trong con người của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đã trở thành
xác thịt, trao ban chìa khóa để chúng ta hiểu biết và rao giảng những ẩn nghĩa
khác nhau được các Giáo Phụ rút ra từ Biển.
[1] Chú thích của Người Dịch [ND]: Trong thần thoại Hy Lạp, Aeneas là một anh hùng của thành
Troia, là con trai của Anchises và nữ thần tình yêu Aphrodite.
[2] [ND] Gilgamesh
là một vị vua trong lịch sử của thành bang Uruk của Sumer cổ đại, một anh hùng
trong thần thoại Lưỡng Hà cổ đại, và là nhân vật chính của Sử thi Gilgamesh, được
viết bằng tiếng Akkad vào cuối thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên. Trong sử thi,
Gilgamesh là một vị bán thần có sức mạnh siêu phàm.
[3] [ND] Ông già và Biển cả (tên tiếng Anh: The Old Man and the Sea) là một tiểu
thuyết ngắn được Ernest Hemingway viết ở Cuba năm 1951 và xuất bản năm 1952.
Trong tác phẩm này ông đã triệt để dùng nguyên lý mà ông gọi là "tảng băng
trôi", chỉ mô tả ba phần nổi còn lại bảy phần chìm, khi mô tả sức mạnh của
con cá, sự chênh lệch về lực lượng, về cuộc chiến đấu không cân sức giữa con cá
hung dữ với ông già. Tác phẩm ca ngợi con người, sức lao động và khát vọng của con
người.
[4] [DN] John
Ronald Reuel Tolkien (đọc là /ˈtɒlkiːn/) (3 tháng 1 năm 1892 – 2 tháng 9 năm
1973) là một nhà văn, tiểu thuyết gia, và giáo sư người Anh, được công chúng biết
đến nhiều nhất qua các tác phẩm Anh chàng Hobbit (The Hobbit) và Chúa tể những
chiếc nhẫn (The Lord of the Rings).
[5] [ND] Legolas là
một trong số 9 thành viên của Đoàn Hộ
Nhẫn và được miêu tả nhiều trong bộ ba tác phẩm tiểu thuyết Chúa tể của những Chiếc Nhẫn. Legolas tự
tay làm ra một chiếc thuyền, và qua dòng Anduin, anh ta rời khỏi Trung Địa và
đi tới Vùng đất bất tử ở phía Tây xa xôi.
[7] [ND] Catena
là một hình thức bình luận Kinh thánh, từng câu, được làm thành hoàn toàn từ
các trích đoạn của các nhà bình luận Kinh thánh trước đó, mỗi phần được giới
thiệu với tên của tác giả, và với những điều chỉnh nhỏ để toàn bộ làm thành một
bình luận liên tục.
[8] Điều
này tương tự như tâm lý học của Jung về thần thoại, nhưng tôi nghĩ rằng nó đã
vượt qua những gì Jung nói. Đối với Jung, những huyền thoại này hoạt động
trên một mức độ tâm lý - một loại ký ức tập thể nào đó. Tuy nhiên, đối với
các Giáo phụ, những huyền thoại và những phép loại suy tương đồng đánh động
chúng ta vì chúng gắn liền với việc Thiên Chúa đã hoạt động làm cho công trình
sáng tạo của Ngài thấm đẫm ý nghĩa. Để biết thêm về việc trí tưởng tượng
và tính biểu tượng quan trọng như thế nào đối với ý nghĩa và giáo dục, tôi thực
sự đề xuất cuốn sách The Abolition
of Man của CS Lewis.
[9] [ND] Bede
the Venerable, nghĩa là "Đấng Đáng Kính Bede". Ngài đã trải qua hầu hết
cuộc đời mình ở các tu viện Nearmouth và Jarrow, miền bắc nước Anh. Là một sử
gia chuyên nghiệp, người được biệt danh là "Đáng tôn quý" từ thế kỷ
thứ 9, là một người có nếp sống thánh lành. Tác phẩm đưa ngài lên hàng tên tuổi
lớn là "Lịch sử Giáo hội tại Anh Quốc" được đánh giá là nguồn tư liệu
phong phú mà ngài đã cẩn thận tìm tòi, suy cứu và nó được xác định một cách rõ
ràng, những sự kiện có liên quan đã chống lại những gì có tính chất thần thoại,
phản ánh những sự nghiên cứu, học hỏi Thánh Kinh sâu sắc nhất của ngài, bao hàm
việc dịch Thánh Kinh ra tiếng mẹ đẻ của ngài.
[10] Đấng
đáng kính Bede, được trích dẫn trong Catena
Aurea của Thánh Tôma Aquinô, Quyển. III, Phần 1, (Albany: Bảo tồn các ấn
phẩm Kitô giáo, Inc., 1995), 173.
[22] [ND] Một
trong những đại Giáo Phụ của Giáo Hội Đông phương vào những thời sau này. Ngài
là một đan sĩ, Thánh Maximus, vị có một tấm lòng can đảm không biết hãi sợ
trong việc làm chứng – “tuyên xưng - Confessor” – ngay cả trong lúc khổ đau, đức
tin chân chính nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng Cứu
Thế, đã có được danh xưng theo Truyền Thống Kitô giáo là Confessor. Thánh
Maximus được sinh ra ở Palestine, mảnh đất của Chúa, vào khoảng năm 580. Khi
còn là một cậu bé, ngài đã được khơi động về đời sống đan tu và học hỏi Thánh
Kinh nhờ các tác phẩm của giáo phụ Origen, một đại sư phụ vào thế kỷ thứ ba đã
“thiết lập” truyền thống chú giải thánh kinh của thành Alaxandria.
[25] Thánh
Augustinô, được trích dẫn trong sđd., 174. Thuật ngữ “các bí tích” ở đây có thể
ám chỉ việc thực hành bí tích của Giáo Hội, dành cho những người mới bắt đầu,
hoặc “các mầu nhiệm”, là sự hiểu biết thần học sâu sắc được ban cho các tín hữu
bởi ân sủng của niêm tin. Nó cũng có thể có nghĩa là cả hai – Thánh
Augustinô thích những nghĩa kép.
[27] Thánh
vịnh 56: 8-11.