XUẤT HÀNH ĐỂ TẬP TRUNG ĐỜI SỐNG DÂNG HIẾN VÀO
CHÚA KITÔ VÀ DỰ PHÓNG CỦA NGƯỜI
Tác giả: Nữ Tu Lucia Weiler, IDP[1]
Chuyển ngữ: NT. Trần Thị Quỳnh Giao, FMM
“Đời sống hiến dâng là một cuộc
Xuất Hành của bản thân chị em. Để tập trung cuộc sống của chị em vào Đức Kitô
và Phúc Âm của Người” (Lời Đức
Thánh Cha Phanxicô nói với các Bề Trên Tổng Quyền Nữ, ngày 8.5.2013).
WHĐ (27.02.2021) - Đời sống tu trì dâng hiến luôn đặc
biệt rõ nét qua hình ảnh cuộc Xuất Hành. Chính với đặc sắc và thái độ hành
hương này mà chúng ta có thể nối kết chủ đề Xuất Hành, không chỉ dưới khía cạnh
một biến cố, mà còn là một hệ thống nền tảng cho toàn bộ Kinh Thánh, một nền
linh đạo, và cả như một icône gợi hứng
cho mọi hành trình. Xuất Hành dẫn dắt ta ra khỏi mọi hình thức nô lệ, kiếm tìm
tự do, đề thờ lạy vị Thiên Chúa Hằng Sống Đích Thật và phục vụ với niềm vui và
lòng quảng đại.
Đời sống tu trì dâng hiến, trong
quá khứ, đã trải qua nhiều cuộc Xuất Hành. Một cái nhìn lịch sử về dĩ vãng, nhất
là từ Công Đồng Vatican II, giúp ta lưu ý đến một số Xuất Hành tập thể:
1/ Về địa dư, tính di chuyển từ tâm điểm đến vùng ven, giúp cho có được
một góc nhìn khác từ “mặt trái ” của lịch sử.
2/ Về xã hội, dẫn đến sự đổi thay vị trí xã hội và đảm nhận tính đạo
đức học của người nghèo và người bị loại trừ, giúp ta đọc được thực tại sống,
cơ cấu theo hình tháp của xã hội với óc phê phán,
3/ Về linh đạo, giúp cho đời sống tu trì dâng hiến có được một kinh
nghiệm về Thiên Chúa, nơi đó, ta học đọc các biến cố với người nghèo và người
bên lề, dưới ánh sáng của Lời Chúa.
Trong vận hành tái sinh này của
linh đạo về Xuất Hành, Sách Xuất Hành đã được đọc đi đọc lại với những chìa
khóa được giải thích trong đời sống Giáo Hội, trong các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản
cũng như trong đời sống tu trì được sáp nhập trong những nơi bình dân hơn. Ba
loại Xuất Hành này đòi hỏi một Xuất Hành thứ tư đang diễn ra: một cuộc xuất
hành văn hóa. Tại Châu Mỹ Latinh, có
nhiều tư liệu viết ra đã gợi hứng hay thêm tư liệu cho giai đoạn lịch sử của những
năm 60 - 90. Những người sáng kiến là những phong trào khác nhau, liên quan lẫn
nhau, dù đôi khi xung khắc nhau, song luôn luôn trong tinh thần đối thoại.
Trong bản liệt kê trên về 4 cuộc
xuất hành của đời sống tu trì dâng hiến gợi lại ở đây và còn có giá trị hiện đại
của nó, còn có một loại xuất hành khác mà tôi dám gọi là cuộc Xuất Hành có tính nhân chủng học - Kitô học.
Tôi không muốn nói xuất hành ra khỏi trung tâm Kitô, dù tựa đó có thể gây
hiểu lầm. Ý của chúng ta là “Đặt trọng
điểm đời sống của ta dựa trên Đức Kitô và Phúc Âm của Người”. Do đó, thao
tác đặc thù của cuộc xuất hành này luôn nhắm đến việc tìm kiếm không ngừng Nước
Trời và công lý. Đó chính là lời khuyên Phúc Âm mà Chúa Kitô đã đề nghị trong
Hiến Chương trên núi: “ Trước tiên hãy
tìm kiếm Nước Trời và sự công lý (Mt 6,33)”. Đó chính là chọn lựa cơ bản và
then chốt của đời sống tín hữu và, đương nhiên, của đời sống tu trì dâng hiến
trong mọi thời đại. Nó đòi hỏi một cuộc Xuất Hành liên lỉ: ra khỏi mình, ra khỏi
những ích kỷ để tập trung cuộc sống của ta theo chân Chúa Kitô cách triệt để, bằng
cách sống và thực hiện những giá trị của đời sống tu trì, để nó thực sự trở
thành Tin Mừng, trở thành Phúc Âm sống động cho nhân loại. Do vậy, đời sống tu
trì dâng hiến được mời gọi chứng thực các nẻo đường quanh co của cuộc sống là
những khuôn mặt đầy tình mẫu tử, phụ tử của Thiên Chúa, chứng từ cho dấu chỉ
yêu thương và công minh đã có ngay từ bây giờ, ở đây, giữa chúng ta.
Cũng như trong Kinh Thánh, Xuất
Hành là một kinh nghiệm đặc biệt cấu tạo nên một Dân của Thiên Chúa, truyền
thông từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì đời sống tu trì dâng hiến cũng được mời
gọi đọc lại cách liên lỉ kinh nghiêm cơ bản của nó để, nhờ đó, lại có một cuộc
Xuất Hành mới, khác, luôn mời gọi.
Do vậy, chúng ta sẽ suy niệm theo
3 hướng:
1/ Xuất Hành như một kinh nghiệm
thiêng liêng chủ yếu.
2/ Đọc lại cuộc Xuất Hành Kitô hữu
đó với cái nhìn năng động của Phục Sinh, đi từ cộng đoàn của người môn đệ dấu
yêu.
3/ Một cuộc Xuất Hành mới: Đặt cuộc
sống của ta vào Chúa Kitô và kế hoạch của Người, đi từ mẫu hình của Cộng Đoàn
Bêtania (Gn 11,1 - 12,11).
1. XUẤT HÀNH: KINH NGHIỆM CHỦ YẾU VỀ ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Kinh nghiệm của Israel, ra khỏi
vòng nô lệ của Ai Cập cách khó khăn để dấn bước khai tâm vào “con đường tìm kiếm
tự do, từ sa mạc đến Đất Hứa,” thật là tiêu biểu, đến nỗi nó không chỉ là Kinh
Tin Kính cơ bản của người Do Thái (Đnl 26,1-11) mà còn là kim chỉ nam cho cuộc
sống tín hữu.
Cuộc hành trình này đã bắt đầu với nhiều nhóm Hipri khác nhau. Điều nối
kết dân tộc trong cuộc hành trình này là ý chí của họ muốn ra khỏi thân phận bị
đè bẹp, ước muốn sống trong tự do. Những thực tại này, những con đường hướng về
tự do mà chúng ta gọi là Xuất Hành, là nguồn mạch tiên khởi của tôn giáo của
YHWH. Trong cái nhìn của Kinh Thánh, kinh nghiệm của biến cố Xuất Hành là nền tảng
của dân Israel. Đây là khởi đầu của một lối sống và một tổ chức được biết đến
dưới danh nghĩa là dân Israel, một thứ kinh nghiệm độc nhất và có tính cách mạng,
không chỉ trên bình diện xã hội học mà còn trên bình diện thần học và thiêng
liêng.
Vì vậy mà trong các Sách của Kinh
Thánh, biến cố Xuất Hành được đọc đi đọc lại và được cử hành từ thế hệ này sang
thế hệ khác, qua nghi thức Phục Sinh. Chúng ta cũng có thể nói rằng sợi dây
xuyên suốt nối kết tất cả các Sách của Kinh Thánh là biến cố Xuất Hành. Tiến
trình giải thoát này chưa bao giờ rời bỏ ký ức của dân. Dân tộc này liên hồi
ngang qua tiến trình bị áp chế - được giải
thoát khi đi lại con đường đó trong mọi hoàn cảnh mới của họ.
Ba chương đầu của Sách Xuất Hành
giới thiệu cho ta kinh nghiệm của một nền linh đạo thiêng liêng cơ bản nhằm phục
vụ sự sống. Mọi sự bắt đầu khi họ dám đi ngược dòng với hệ thống áp đặt cơ cấu
hóa luật chết. Chính các phụ nữ và các trẻ con đã cùng nhau kết hợp lại trong
liên đới lén lút, là bất tuân như một người công dân phải tuân phục đảng cầm
quyền, bất tuân khi chịu lắng nghe tiếng rên la để được sống, và sự sống này nẩy
mầm từ những kẻ bị hà hiếp. Các bà đỡ đẻ, Sephora và Phua, mẹ của Môisen,
Jokebel, và vú nuôi, cô Miriam, là những tác giả đầu tiên (Xh1,15-2,10). Liên đới
với nhau, được nâng đỡ bởi niềm tin và sự hiện diện của Thiên Chúa Sự Sống, các
bà đã dũng cảm đương đầu với quyền lực của Pharaoh và chấp nhận liều mạng mình
để cứu vớt sự sống.“ Họ lắng nghe tiếng
Chúa nơi mà sự sống kêu gào ”, bởi họ biết lắng nghe sự sống ở nơi mà Thiên
Chúa gào thét .
Đọc bản văn của chương 3 này,- đầy
chất suy niệm - ,với một số yếu tố, chúng ta có thể xây dựng được một nền linh
đạo từ cuộc Xuất Hành. Sau đây là một số cơ bản về thần học Xuất Hành:
- Trước hết
chúng ta có câu chuyện về “sự quay lại” hay việc rảo quanh bụi gai khi Môisen
nhận thấy bụi gai cháy sáng. Bụi gai là một biểu tượng của tác động quyền năng
Thiên Chúa. Một sự tác động lôi kéo con người ra khỏi những nơi an toàn của họ
và sáp nhập họ vào một nẻo đường, một tiến trình mà họ không thể quay trở lại.
Đó là linh đạo của hành trình. Sau kinh nghiệm về bụi gai, Môisen vâng phục Lời
Chúa và sau đó không còn chăn chiên cho cha vợ nữa. Cho đến khi chết, Môisen đứng
đầu cả cuộc hành trình tự do, khi biết hướng dẫn dân mình đi đến Đất hứa, một
nơi mà chính người cũng không hề biết.
- Thứ hai, Thiên
Chúa kêu gọi Môisen vì Ngài đã lắng nghe tiếng kêu van của Dân Người ở Ai Cập.
Đối với Thiên Chúa, mỗi lời mời gọi được gởi đến đều nhắm đến một sứ vụ. Mọi ơn
gọi nhân sinh đều là một lời đáp với Thiên Chúa trước một tiếng kêu cầu của một
ai đó. Không một ai được mời gọi vì công nghiệp riêng tư của mình hoặc nhắm đến
sự hoàn thiện của bản thân. Tất cả chúng ta, tất cả, chúng ta đều được kêu gọi
bởi vì ai đó đã cầu cứu đến Thiên Chúa và Thiên Chúa tìm kiếm, giữa những con
người đang mang một ơn gọi, đến đáp trả cho tiếng kêu la đó.
- Thứ ba, Thiên
Chúa tự mạc khải qua một tiến trình ơn gọi. Mọi ơn gọi của con người đều là một
khoảng không gian mạc khải Thiên Chúa. Không có một ơn gọi nào trong Kinh Thánh
lại lập lại như nhau. Mỗi một người đều có một ơn gọi đặc biệt xuất phát từ một
lời mời riêng tư. Thiên Chúa tự mạc khải mình cho Môisen là YHWH hay Thiên Chúa
Giải Phóng, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngang qua danh hiệu đó, Thiên Chúa ban
cho Môisen sự bảo đảm của sự hiện diện của Ngài trong tiến trình giải phóng
dân. Còn hơn bảo đảm sự hiện hữu của Ngài, việc mạc khải Danh thánh Thiên Chúa
muốn bảo đảm cho dân sự hiện diện của Ngài. Giữa dân của mình và trong tiến
trình giải phóng, Môisen được ra khỏi Ai Cập là nhờ xác tín rằng YHWH ở với ông
và với Dân đang cùng chuẩn bị sẵn sàng lên đường.
- Thứ tư, tất cả
tiến trình giải phóng được kết thúc với sự việc Dân đi đến núi thánh, một nơi
chốn mà Dân phải thờ lạy Thiên Chúa khi phải dâng lên Ngài việc thờ cúng đích
thật. Thiên Chúa không chấp nhận được của lễ của người nô lệ hay người chỉ biết
cúi đầu. Chỉ có những người tự do, biết diễn tả sự tự do của mình qua những cử
chỉ trong cuộc cử hành mới có thể dâng lên Ngài một của lễ, bất kể lúc nào và
nơi nào. Như Ngài đã nói với người phụ nữ Samaritanô, một việc dâng cúng trong
tinh thần và trong chân lý. Đó đích thật là những người tôn thờ mà Thiên Chúa
tìm kiếm.
Để tóm lược, chúng ta nhận thức rằng,
song song với ước muốn đạt được Đất Hứa, nơi đó Israel có thể hưởng tự do và
quyền tự trị, cũng có ước muốn “phục vụ được Thiên Chúa”. Ngang qua Môisen, Thiên
Chúa đã ra lệnh này cho Pharaon: “Hãy để
cho Dân ta ra đi! Hầu chúng có thể phục vụ Ta trong sa mạc! ” (Xh 7,16). Từ
này đã được lập đi lập lại 4 lần trong cả đoạn văn (Xh 7,26; 9,1; 9,13;10,3).
Điều quan tâm không phải chỉ là
việc chinh phục Đất Hứa nhưng là khả năng phục vụ Thiên Chúa như Thiên Chúa muốn
được phục vụ. Israel ra đi, không để quy tụ thành một dân tộc như những dân tộc
khác mà là để phục vụ Thiên Chúa. Mục đích mà họ nhắm là núi thánh của Thiên
Chúa, cho đến bây giờ chưa được biết đến, để được phục vụ YHWH. Đất mà Israel
mơ màng và trông đợi sẽ là đất được dùng để phục vụ Thiên Chúa, nơi mà Dân cư
ngụ, có thể sống như Thiên Chúa muốn, trong sự tự do và công bằng.
Trong tư tưởng này, chúng ta hãy
đón nhận lời của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Chính
Chúa Kitô đã kêu gọi chị em theo Ngài trong đời sống dâng hiến, và điều đó có
nghĩa là chị em sẽ phải luôn luôn thể hiện liên tục một “cuộc xuất hành” ra khỏi
chị em để tập trung cuộc sống chị em quanh Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài, dựa
trên ý muốn của Thiên Chúa, bằng cách cởi bỏ mọi kế hoạch của chị em để có thể
cùng với Thánh Phaolô nói: “Không phải tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong
tôi” (Ga 2,20). Cuộc “xuất hành” ra khỏi
mình này có nghĩa là tự đặt mình trên một con đường thờ lạy và phục vụ (GH
Phanxicô đã nói với Liên Hiệp Quốc Tế Bề Trên Tổng Quyền Nữ ngày 8/5/2013)
Những lời này mời gọi chúng ta đọc
lại cuộc Xuất Hành một cách Kitô hữu hơn.
2. ĐỌC LẠI CUỘC XUẤT HÀNH DƯỚI GÓC NHÌN KITÔ HỮU: TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA PHỤC
SINH
Đức Giêsu đã hoàn tất cuộc Xuất
Hành cuối cùng và vĩnh viễn của mình: Ngài đi từ cái chết đến sự sống. Đây là
khung cảnh trọng tâm và là chìa khóa cho mọi dịp đọc lại các cuộc xuất hành
khác trong Kinh Thánh. Những cộng đoàn kitô hữu, được sáng lập sau khi Đức
Giêsu sống lại, đã đọc đi đọc lại và giải thích sách Xuất Hành này dưới ánh
sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, nghĩa là của niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, chết và
sống lại, Con Chiên Mới đã phục sinh (Kh 15,3). Nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta
sống cuộc Xuất Hành mới trong năng động phục sinh. (Rm 6,1-14). Đức Giêsu ban
cho chúng ta một lề luật mới (Mt 5,7); Người nuôi dưỡng chúng ta với manna mới
(Gn 6,48-51) để nâng đỡ ta trên đường đời như Ngài đã nâng đỡ Dân Ngài trong sa
mạc (Xh 16,1-35). Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô ghi dấu vĩnh viễn Giao Ước và mở
ra con đường cho một Dân tộc mới của Thiên Chúa (Xh 19,5-6; 1Pr 2,9-10)
Chính các Cộng Đoàn của môn đệ
yêu quý là những người thông hiểu rõ nhất và sẽ đọc lại với cái nhìn Kitô hữu về
sự Phục Sinh của Người, đi từ cuộc Xuất Hành. Chúng ta có thể đọc Phúc Âm của
Gioan như một cùng câu chuyện duy nhất xảy ra trong tính triệt để của năng động
Phục Sinh. Nó như một sợi chỉ xuyên suốt. Dựa trên hai móc xích, hai sợi chỉ, từ
đầu đến cuối câu chuyện Phúc Âm. Sợi chỉ này được thêu dệt với hai sợi chỉ đỏ
xuyên ngang qua toàn bộ Phúc Âm của Gioan.
a. Hai sợi chỉ đỏ: CHIÊN THIÊN CHÚA - CÁC
NGƯƠI TÌM AI?
Sợi chỉ đầu tiên mà các môn đệ
tiên khởi theo dõi là “Chiên Thiên Chúa”
(Ga 1,36). Cuối Phúc Âm, Đức Giêsu bị hiến tế, trước Lễ Vượt Qua của người
Do Thái. Các xương của Người không bị bẻ gãy nhưng từ thân thể Người trào vọt
máu và nước (19, 31-37)
Sợi chỉ thứ hai, đầu và đuôi của
Phúc Âm, chính câu hỏi của Đức Kitô mời gọi chúng ta lên đường, theo con đường
mà Người đi, nhắm đến việc giải thoát:
“các ngươi tìm ai?” Câu hỏi này được đặt cho các môn đệ tiên khởi trong một
lời mời gọi tiền phục sinh (Ga 1,38) và Maria Magdala trong lời mời gọi và cuộc
sai đi hậu phục sinh (Ga 20,15)
b. Hai sợi chỉ đỏ: GIỜ - MỘT
LOẠT DẤU CHỈ
Chỉ đỏ tiên khởi mà Phúc Âm của
Gioan đã dần hồi thêu dệt là “GIỜ”.
Phần đầu, lời dẫn nhập xem như một dẫn nhập cho bản giao hưởng sẽ tiếp theo
trong câu chuyện. Thảm kịch của “giờ của
Đức Kitô” tiến triển dần dần…, chưa đến…, bắt đầu rõ nét nhân dịp cuộc đối
thoại với Mẹ khi nhận thấy, tại buổi tiệc ở Cana , khách thiếu rượu (Gn 2,4).
Giờ đến ở cuối Phúc Âm, khi Mẹ Người đứng dưới chân Thập giá, cùng với người em
là Maria, vợ ông Cleophas, Maria Magdala và người môn đệ yêu dấu. Đó là GIỜ TỐI
HẬU của Đức Kitô trở về cùng Cha. Khi giờ đến, Đức Giêsu nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là Con bà!”. Rồi Người nói
với môn đệ: “Này là Mẹ Con!”. VÀ KỂ TỪ GIỜ
ĐÓ, người môn đệ đón Mẹ về nhà mình ! (Ga 19,25-27). Giờ này, cuộc vượt qua
này, cuộc Phục Sinh này, cuộc Xuất Hành tiến về Cha này, trở thành ký ức của
hành vi yêu thương phục vụ của Người (Gn 13,1) và cuộc loan báo sự sống trao
dâng (Ga 20,16-17).
Sợi chỉ đỏ thứ hai, tiếp theo một
chương trình có tính sư phạm của Phúc Âm theo Gioan, đó là CÁC DẤU CHỈ. Trong
sách Xuất Hành, “các dấu chỉ và kỳ công” là những lần xác định rõ ràng về sự hiện
diện của Thiên Chúa, Đấng Giải phóng Dân Người. Một trong những dấu chỉ đầu
tiên với phần nền là tiệc cưới tại Cana, ở Galilê (Gn 2,1-11). Dấu chỉ nói lên
rằng, sự mới mẻ có tính ngôn sứ cơ bản đang đến: sự triệt hồi của Giao Ước cũ
nhường chỗ cho Giao Ước Mới. Tiếp theo đó có 6 dấu chỉ khác của sự sống và sự
giải thoát đối nghịch lại với cách hiển nhiên của sự chết. Dấu chỉ cuối cùng tột
đỉnh của chương trình sư phạm này của Đức Giêsu trong câu chuyện của Gioan xảy
ra trong cộng đoàn Béthania (Ga 11,1 - 12,11).
Dấu chỉ này không những là chóp đỉnh
của phần đầu của Phúc Âm, mà cũng như viễn ảnh của phần thứ hai, bắt đầu với
hành vi biểu tượng và cụ thể của việc Rửa chân (Ga 13,1tt). Sự Phục Sinh của Đức
Kitô là cuộc Vượt Qua, là một quà tặng yêu thương đến tận cùng: dấu chỉ lớn lao
nhất và cuộc tưởng niệm liên lỉ của sự Sống, Chết và Phục Sinh của Người.
Phần kết của Phúc Âm Gioan tóm tắt
mục tiêu của toàn bộ dấu chỉ này: “Chúa
Giêsu còn làm trước mặt các môn đệ của mình, nhiều dấu chỉ hơn những gì đã viết
trong sách này. Những dấu chỉ này được viết ra để các anh em tin rằng Đức Giêsu
là Kitô, Con Thiên Chúa, và để khi tin, anh em có được sự sống nhờ danh Người (Gn 20, 30-11)
* So sánh về khía cạnh lịch sử và xã hội giữa bối cảnh các Cộng Đoàn của
người môn đệ yêu dấu với cuộc xuất hành xưa và nay.
Như trong Xuất Hành, cộng đoàn của
người môn đệ yêu dấu được thành lập bởi các nhóm người Do thái, người
Samaritanô, người Hy Lạp khác nhau. Các nhóm này chỉ biết sau biến cố phục sinh
và từ biến cố này, rằng mình được kết tụ lại với tư cách cộng đoàn theo chân Đức
Giêsu. Cộng đoàn này nhận thức rằng, nền tảng và nguyên nhân của họ là cái chết
của Đức Giêsu, dù cái chết đó có đem lại vinh quang (Ga 11,52), là kiệt tác (cộng
đoàn) của một tình yêu tự nguyện dâng hiến đến tận cùng với những hậu quả của nó (Ga 13,1). Tính logique
phục sinh, đặc điểm của cộng đoàn này, làm cho cộng đoàn “lớn lên trong tình yêu” và trong “Lời Sáng tạo
của Thiên Chúa”. Với tư cách là những người con nam nữ của Thiên Chúa, họ được
tái sinh trong Thần Khí (1Ga 3,2.10), được quy tụ và mời gọi tham gia vào mầu
nhiệm yêu thương và cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu, người Con đã
hiến mạng mình vì tình yêu, cũng thông ban Thần Khí (Ga 19,30) và Cha (20 ,17).
Đặt nền tảng trên thần học của quà tặng này, trọng điểm về căn tính của cộng
đoàn này, có tính ba ngôi hơn là quy Kitô.
Cộng đoàn đức tin này, được thành
lập ngay từ đầu, bị trục xuất ra khỏi Hội Đường Do Thái, vẫn còn sinh động và hữu
hiệu, trong Thánh Thần với ký ức về Đức Giêsu trong thế giới. Nội quy của cộng
đoàn, trong thời gian vắng bóng Người, là tình yêu thương tương thân tương ái,
bảo chứng cho sự hiện diện của Người. Việc thực thi lệnh truyền yêu thương trở
thành tiêu chuẩn để người ta nhận biết họ là môn đệ của Đức Giêsu (Ga
13,34-35;15,8). Di chúc - lệnh truyền của Đức Giêsu là TÌNH YÊU được hiểu trong
năng động của Giao Ước mới, như là quà tặng và sự dấn thân: “HÃY Ở TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY” (Ga 15,9). Đức Giêsu đã ban tặng
cho môn đệ của Ngài khả năng sống yêu thương như một gia sản của lễ vượt qua. Họ
không còn là những người tôi tớ, những người nô lệ nhưng là những người phục vụ
trong tự do, là những người bạn: “Ta
không gọi các con là tôi tớ. Ta gọi các con là bạn hữu” (Ga 15,15).
Cộng đoàn của Gioan đi từ sự lệ
thuộc mù quáng trong lề luật và truyền thống của pharisiêu (Ga 9) đến niềm vui
và sự tự do của con cái Chúa. Đó là một tiến trình đau đớn tựa hồ như người đàn
bà khi sanh đẻ: “khi một người phụ nữ
sanh con, họ chịu đau đớn vì giờ của họ đã đến; nhưng khi đã sanh rồi thì họ
không còn nhớ đến những đau đớn đó nữa, bởi vì một con người đã được sanh ra
trong thế gian này” (Ga 16,21).
Sự xung đột tranh cãi của Đức
Giêsu với các quyền bính Do thái đã minh
họa rõ ràng về thực tại giải phóng, vượt trên niềm tin đơn thuần vào Đức Giêsu: “Đức Giêsu nói với người Do Thái tin vào
Ngài rằng: nếu các ngươi ở trong Lời của Ta, các ngươi đích thật là môn đệ của
Ta. Và các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ngươi. Họ trả lời
với Người: chúng tôi là dòng dõi của Abraham, và chúng tôi đã chưa hề làm nô lệ
cho ai cả: vậy làm sao ông nói được: các ngươi sẽ được giải phóng?” (Ga 8 ,31-
33).
Là giống nòi của Abraham, người
Do Thái tự cho mình là những người tự do khỏi bất kỳ loại nô lệ nào. Đức Giêsu
phản đối về sự hiểu lầm sai lệch của họ và mở ra cho họ thấy có một sự giải
phóng khác: “Nếu Con Người giải thoát các
ngươi thì các ngươi sẽ được giải thoát đích thật” (Ga 8, 36). Đức Giêsu trả
lời họ rằng nguồn giải thoát duy nhất là Con Thiên Chúa, được nhập thể trong lịch
sử mà sự hiện diện được tồn tại nối dài trong sự hiện diện của Thánh Thần Chân
Lý (Ga 14,17; 15,25; 16,13). Đức Giêsu của Thánh Gioan (Ga 8,31-59) cho thấy rằng
sự giải thoát không là một thực tại hoàn tất một lần cho tất cả mà con người có
thể đạt được như một đặc ân gia truyền. Vì đây là một tiến trình qua đó tính thần
linh hòa hợp vào nhân tính, giữa thực tại lịch sử, tại nơi này, và bây giờ đây
với sự ảo tưởng được sắp trong sự siêu việt tương lai. Đó chính là cuộc Xuất
Hành mới, là miền đất hứa mới.
Để tóm tắt, các cộng đoàn của người
môn đệ yêu dấu tự cho mình như là những người môn đệ theo chân Đức Giêsu, “là
Con Đường, là chân lý và là sự sống” (Ga 14, 6), trong một cuộc xuất hành liên
lỉ, nhưng đã được “giải thoát khỏi thế gian” (Ga 16,33). Đây không phải là một
cuộc giải phóng trừu tượng nhưng là một sự giải phóng ăn rễ sâu trong người Con
Thiên Chúa đã nhập thể: “Nếu các con ở lại
trong Lời Thầy, các con sẽ thực sự là môn đệ của Thầy. Và các con sẽ được biết
sự thật và sự thật sẽ giải phóng các con” ( Ga 8,31tt).
3. MỘT CUỘC XUẤT HÀNH MỚI: ĐỜI SỐNG DÂNG HIẾN ĐẶT TRỌNG TÂM VÀO ĐỨC
GIÊSU KITÔ VÀ KẾ HOẠCH CỦA NGƯỜI
Chúng ta ở trong dòng chảy của
các cộng đoàn tiên khởi của các môn đệ Đức Giêsu, cũng như cộng đoàn của người
môn đệ yêu dấu trước kia. Tiếng nói của vị Chủ chăn của chúng ta, Đức Thánh Cha
Phanxicô, khi lần đầu tiên Ngài lên tiếng với các vị lãnh đạo tụ họp trong Đại
Hội Liên Hiệp Quốc Tế các Bề Trên Tổng Quyền Nữ vào tháng năm 2013, đã vang rộng
trên toàn thể các Hội Dòng Thánh Hiến /Đời sống Tông đồ (VRC), được mời gọi và
triệu tập như một cuộc Xuất Hành mới:“ Đời
sống dâng hiến muốn nói lên cuộc xuất hành ra khỏi chính chị em, để từ đó chị
em đặt trọng tâm đời sống chị em nơi Đức Kitô và Phúc Âm của Người”.
Trong phần cuối suy tư này, chúng
ta muốn chiêm ngắm về một viên ngọc của Phúc Âm minh họa cho tựa đề suy tư của
tôi: Cộng Đoàn Bethania (Ga 11,1 - 12,11).Lặng suy bối cảnh của biến cố
Bethania phát xuất từ ý thức tìm được trong cảnh này của hai chị em,đặc biệt
hơn với lời than vãn của Martha và Maria,một hoàn cảnh sống khá tương đồng với
đời sống thánh hiến của chúng ta ngày hôm nay: “Nếu Thầy có mặt lúc đó, thì em con đã không chết”( Ga 11,21-32 ).
Các diễn viên trong nhà này/cộng
đoàn Bethania là Martha và Maria. Dù hai chị em được giới thiệu khá khác nhau
trong hai Phúc Âm của Gioan và Luca (Lc 10,38-42), vì bối cảnh khác nhau, thì
chúng ta vẫn có thể đọc được cả hai tường thuật cùng chung một lần. Chúng ta gặp
được Martha như người trông coi công việc của Giáo Hội và là người chủ trong
ngôi nhà này và Maria như người phụ nữ lắng nghe, làm lan tỏa mùi hương thơm của
tình liên đới, đã lấp đầy cả ngôi nhà bằng tình yêu của mình, là bản chất của đời
sống phục sinh.
Trong cộng đoàn của Gioan, vào cuối
đầu thế kỷ, phảng phất trong không khí và con tim của các môn đệ Đức Giêsu một
sự nghi ngờ đối với niềm tin thiết yếu. Vấn đề không chỉ là hiểu hay không có
chăng một đời sống khác sau cái chết, nhưng là định hình cho sự sống lại
(survie), tương lai của cộng đoàn, qua khuôn mặt của Lazaro đã chết. Sau 4 ngày
đã có mùi rồi. Vì thế, phần nhập đề tường thuật được diễn giải đầy đủ khung cảnh
với những câu hỏi về bệnh hoạn hay chỉ là sự ngái ngủ và cuối cùng, là cái chết
của Lazaro (Ga 11,1-16).
Chúng ta có thể áp dụng sự ngờ vực
này cho chính đời sống tu trì trong bối cảnh ngày hôm nay: Chúng ta có đang
ngái ngủ không đây? Hay là chúng ta đang bị bệnh? Hay là chính chúng ta tự viết
lên bản án chết của chúng ta và vì thế chúng ta bắt đầu tự hủy hoại chính mình?
Làm thế nào chúng ta có thể làm sống lại đoàn sủng của các vị Sáng Lập của
chúng ta, để có thể cùng bước đi cách tự do, và đáp lại lời mời gọi của Đức
Giêsu: “Hãy ra khỏi đây!”. Đây là một
tiến trình phải có trên bước đường đi của chúng ta qua sự dấn thân của mọi người
liên quan đến vấn đề.
Khi chiêm ngưỡng cảnh tượng này,
chúng ta khám phá tính cách lãnh đạo của hai người phụ nữ của cộng đoàn Bethania,
là hai người chị của Lazaro. Dường như hai chị em nhận định được rằng vấn đề
không chỉ là sự mất mát hay là cái chết của người em của mình. Cộng đoàn mất đi
cái trung tâm bước theo Đức Kitô. Cái chết của người em và của cộng đoàn là hậu
quả của sự mất đi Chúa Giêsu. Martha và Maria phản ứng chống lại sự mất mát
này,mất mát làm lạc hướng, không còn hướng đi và là lẽ sống cho cộng đoàn, vì vậy
mà cả hai bà kêu cầu Đức Giêsu trở lại. Vừa gặp được Đức Giêsu, cả hai đều diễn
tả nỗi niềm tiếc rẻ của mình với lời than vãn: “Ôi lạy Thầy, giá như Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết!”
(Ga 11,21-32).
Như người phát ngôn của cộng
đoàn, cả hai diễn tả tiếng la hét của cộng đoàn như bị mất hướng, bị khủng hoảng
trước bao cái chết và đổ lỗi cho sự vắng mặt của Đức Giêsu. Làm sao có thể tin
tưởng vào sự hiện diện hằng sống và hữu hiệu của Người trong suốt thời gian vắng
bóng Người? Chính đó là thách thức. Đức Giêsu diễn tả như sau: “Ta là sự sống lại. Ai tin Ta, dù có chết,
cũng sẽ sống. Ai sống mà tin Ta sẽ không bao giờ chết. Con có tin như vậy
không?” (Ga 11,25-26).
Câu trả lời nhanh nhẹn và mau mắn
của Martha chứa đựng cùng công thức tuyên xưng niềm tin của Phêrô, thủ lãnh của
Giáo Hội tông truyền: “Vâng, thưa Ngài,
con tin Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa đến trong thế gian” (Ga 11,27).
Nhưng khi gọi Lazaro ra khỏi mồ, thì Martha lại có một ngờ vực nữa. Yếu tố này
cho thấy rằng, niềm tin là một tiến trình cần được thể hiện qua sự thực thi cụ
thể của một cộng đoàn muốn dấn thân. Để cho người anh em này trở về lại với sự
sống, vượt lên trên sự hiện diện của Đức Giêsu và Lời của Người, thì cần phải
có sự liên lụy và dấn thân của cộng đoàn.
Lời của Đức Giêsu, tạ ơn Cha và gọi
Lazaro ra ngoài, là một phần của dấu chỉ. Phần còn lại đòi hỏi sự dấn thân của
cộng đoàn có bổn phận hành động như phải “lăn tảng đá”, tháo gỡ các dây trói buộc
để Lazaro có thể đi đứng cách tự do.
Phần đầu của bản văn của Ga
11,1-2, chúng ta có được một cảnh gợi lại ký ức về một cử chỉ của Đức Giêsu đối
với Maria. Tường thuật này chỉ có trong Gioan (12,1-11). Đây là các câu chuyện
ngược với nhau hoặc bổ túc cho nhau làm thành GIỜ của Đức Giêsu. Vì vậy, đối nghịch với mùi hôi thối ở chương 11,
ta có được mùi thơm của dầu quý của Maria lan tỏa khắp cả ngôi nhà (Ga 12, 3). Cũng cùng cách thức, khi
tiếp tục đọc Phúc Âm, chúng ta thấy được việc rửa chân như một cử chỉ của tình yêu - quyền năng/phục vụ - (Ga 13,1-18), song song với cử chỉ của người
đàn bà với mùi thơm.
Ở đây, ngay trung tâm của Phúc Âm
(Ga 12,1-11), cộng đoàn được tái sinh trong yêu thương, tỏa lan một mùi thơm dễ
chịu làm cho cả ngôi nhà thơm phức. Điều này chuẩn bị cho GIỜ của Đức Giêsu.
Qua cử chỉ biểu tượng yêu thương tột độ này, Maria đã ướp xác Đức Giêsu cho GIỜ
tối thượng của Người. Việc dâng hiến mạng sống của Người không chỉ là một cử chỉ
biểu tượng, nhưng là một hành vi yêu thương đến tận cùng hậu quả của nó. Đứng
trên bình diện luân lý thời đó, thái độ của Đức Giêsu cho phép một người phụ nữ,
Maria thành Bethania, được tẩm thuốc thơm
lên xác của Người, xức dầu đôi chân của Người và lau với tóc của mình là
một hành vi quá đỗi cách mạng (Ga 12,3).
Đời sống tu trì thánh hiến được mời
gọi ý thức, trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, về những “viên đá” và những
“dây chằng” cản trở việc ra khỏi mồ để bước đi cách tự do. Chúng ta được mời gọi,
như Martha và Maria, để nhận biết những không gian mà Đức Giêsu phải vắng bóng.
Nói cách khác, chúng ta phải biết nơi nào, điều gì để thực hiện cuộc xuất hành
: xuất ra khỏi các ích kỷ và những tự mãn của ta để tập trung đời sống và sứ vụ
của mình vào Đức Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người. Hơn thế, cuộc xuất hành này đặt
ta trước thách đố để nhìn ra bên ngoài của bản thân mình: ta phải hành động ở
nơi nào, hay phục vụ cách nhanh chóng ở điểm nào, để sự sống không chết đi trước
thời gian của nó, hay để ta khỏi đánh mất tương giao huynh đệ? Chúng ta cũng phải
khám phá và nhìn nhận rằng, trong tương quan của chúng ta, có thể có mùi thối xấu
xa của sự chết làm cho ta xa cách nhau và làm tản mác chúng ta. Thay đổi đòi hỏi
phá vỡ những bình chứa đựng hay giữ lại mùi thơm của cuộc sống. Tôi biết rằng
khi mùi thơm tốt lành của cuộc sống, của tình yêu tỏa mùi thơm, một lần nữa
trong ngôi nhà, thì sẽ có sự xích lại gần, sự tập trung các thành viên của cộng
đoàn với việc quy tụ xung quanh Đức Giêsu. Đó sẽ là cuộc xuất hành của mùi vị
thơm ngon của Đức Giêsu Kitô, qua mỗi chúng ta sẽ lan tỏa trong thế giới, như
Thánh Phaolô đã nói: “Tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng
hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Ðức Kitô, tạ ơn Người là Ðấng
đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Ðức Kitô, như hương thơm lan tỏa khắp
nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Ðức Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra
giữa người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất. Ðối với những người bị
hư mất, chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong; nhưng đối với những người được
cứu độ, chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống. Nhưng ai là người có khả
năng thực hiện những điều ấy?” (2Cr 2,14-16). Cuối cùng, trong sự phong phú
và các biểu tượng của hình ảnh Kinh Thánh này, đời sống tu trì dâng hiến được mời
gọi làm mới lại một chọn lựa rõ ràng hơn cho người nghèo: Bethania, ngôi nhà của
người nghèo.
Lời nói khẳng định của Đức Giêsu: “Người nghèo, các ngươi sẽ có họ với các
ngươi luôn mãi, nhưng Ta thì không” (Ga 12,8) là một lời xác định của sự chọn
lựa người nghèo được định nghĩa và là một đòi hỏi của Cựu Ước (Đnl 15,7-11).
Chìa khóa để đọc lại đời sống của cộng đoàn của Thánh Gioan là tình yêu đích thực
ngang qua sự chọn lựa người nghèo, chọn lựa mà Đức Giêsu luôn lấy làm chính yếu: “Ai có của cải của thế gian này, mà khi thấy
người anh em mình túng thiếu, mà khép lòng dạ của mình, thì làm thế nào mà tình
yêu Thiên Chúa có được trong người ấy?”
(1Ga 3,17).
Lời đề nghị của cộng đoàn thánh
Gioan trùng hợp với lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho đời sống tu
trì,khi Ngài nhấn mạnh: hãy sống và liên lỉ nhớ tính đặc sắc trung tâm của Đức
Kitô, là căn tính Phúc Âm của đời sống hiến dâng. Với Martha và Maria, chúng ta
tập biện phân và gọi mời Đức Giêsu, để đừng đánh mất những không gian vang dội,
hay tính huynh đệ. Điều này chỉ có thể được
nếu chúng ta tái lập lại lời tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên
Chúa độc nhất và hằng sống, bằng cách phụng thờ và phục vụ Ngài trong những người
anh chị em chúng ta.
“Một cuộc xuất hành dẫn đưa đến một con đường phụng thờ và phục vụ
Thiên Chúa trong những người anh chị em của chúng ta: Phụng thờ và phục vụ: hai
thái độ không tách lìa nhau, song luôn phải cùng đi đôi với nhau. Phụng thờ
Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, bằng cách không giữ lại điều gì cho bản thân:
đó chính là sự “lột trần” của con người thi hành quyền bính”.
Để gợi thêm sự hiểu biết mới mẻ
này về cuộc Xuất Hành, được xem như: đặt
trọng tâm vào Đức Kitô và Phúc Âm của Người, cách khôn ngoan Đức Thánh Cha
Phanxicô huấn giáo Đại Hội các Bề Trên Tổng Quyền Nữ như sau:
“Hãy giúp đỡ các cộng đoàn của các vị sống cuộc “xuất hành” ra khỏi
chính mình, qua con đường phụng thờ và phục vụ, bắt đầu trước tiên với 3 hướng
của cuộc đời các vị.
Đức vâng lời, như một sự lắng nghe ý Thiên Chúa, trong thao tác nội tâm
của Thần Khí, được Giáo Hội phê chuẩn, bằng cách chấp nhận đức vâng lời cũng
ngang qua các trung gian nhân loại.
Đức khó nghèo, như một sự vượt mọi thứ ích kỷ theo logic của Tin Mừng dạy
ta phó thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa.
Và đức khiết tịnh như đoàn sủng quý báu, nối dài trong sự tự do hiến
dâng đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân, ngang qua sự trìu mến, lòng nhân hậu
và sự gần gũi với Đức Kitô. Đức Khiết tịnh vì Nước Trời cho thấy rằng lòng trìu
mến có chỗ đứng của nó trong sự tự do chín chắn và trở thành dấu chỉ cho thế giới
mai hậu, nhờ đó chiếu tỏa luôn mãi tính ưu việt của Thiên Chúa”.
Các lời khuyên Phúc Âm, được hiểu
như thế, là những phương tiện sư phạm làm tái sinh phẩm chất của đời sống tu
trì hiến dâng và giúp ta sống trong sự triệt để theo chân Đức Kitô.
ĐỂ TIẾP TỤC SUY TƯ:
Tôi không ngạo mạn kết thúc những
suy tư trên. Tự bản chất của nó, chủ đề Xuất Hành tạo nên một không gian mở, mời
gọi ta chiêm ngắm tương lai, tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa cho chúng ta.
Chính Người sẽ tiếp tục đồng hành với chúng ta, cho đến cuộc Xuất Hành cuối
cùng. Sách Kinh Thánh nói về Xuất Hành được kết thúc với hình ảnh làn khói, là
biểu tượng của sự hiện diện tốt lành của Thiên Chúa, Đấng đồng hành với Dân,
qua từng bước, thế hệ này sang thế hệ khác, trong suốt cuộc hành trình của Dân
(Xh 40,33-38).
Một cuộc xuất hành mới để “đặt trọng tâm đời sống chúng ta vào Đức
Kitô và Phúc Âm của Người”, đòi hỏi một sức năng động, đột phá, trước tiên
hết, trong sự thinh lặng và mở ra của tâm hồn của mỗi chúng ta. Nhưng điều này
cũng đòi hỏi một sự mở ra dũng cảm, có tính ngôn sứ, để ra khỏi những cơ cấu
không giúp gì cho chúng ta để có thể tiến bước trong tự do, nhằm phụng thờ và
phục vụ Thiên Chúa trong những người anh chị em của Người.
Để kết thúc và để tiếp nối suy tư
của chúng ta, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi đọc lại lịch sử riêng tư của
chúng ta và của toàn Hội Dòng, trong tính năng động của cuộc xuất hành:
Thiên Chúa đã đi con đường nào với
tôi / với chúng ta và chúng ta đã đi con đường nào với Thiên Chúa?
Chúng ta mường tượng như thế nào
về những nẻo đường tương lai của đời sống tu trì dâng hiến? Và chúng ta ước muốn
như thế nào để tiếp tục cởi mở với những bất ngờ của Thiên Chúa và những cuộc
Xuất Hành mới?
Cuối cùng, sau đây là lời của một
bài hát của Cha Zezinho để minh họa và đánh dấu cho suy tư này trên nẻo đường với
vô vàn những cuộc xuất hành đã diễn ra trong lịch sử:
Cho đến ngày hôm nay, lạy Chúa, Người đã dẫn dắt chúng con.
Và, không một chút nghi ngờ, từ nay đến tận cùng xa hơn,
Người vẫn còn dẫn đưa chúng con.
Đã từ muôn thuở, Người yêu thương chúng con,
Đã từ lâu lắm rồi, Người đã kêu gọi chúng con,
Và không một chút nghi ngờ,
Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng con.
Ngay từ lúc khởi nguyên, Thiên Chúa đã có mặt rồi,
Và không một chút nghi ngờ, từ nay đến tận cùng xa hơn,
Người vẫn sẽ còn ở đó.
Có đó những nỗi khổ đau và thập giá,
Nhưng cũng có nhiều niềm tin.
Nếu chúng con cần đến, Người sẽ đỡ nâng chúng con.
Ngay từ đầu Người đã giao cho chúng con sứ vụ đó,
Và không một chút nghi ngờ, từ nay đến tận cùng xa hơn,
Người sẽ đòi hỏi chúng con nhiều hơn nữa.
Ân huệ của Người đã mời gọi con, cho đến tận cùng.
Tình yêu của Người đã sai con đi.
Hãy tiếp tục tìm kiếm an bình của Người!
Chúng ta hãy tiếp tục con đường của
chúng ta, với niềm tin, trong sự xác tín là YHWH Thiên Chúa ở với chúng ta, sẽ
tiếp tục đồng hành với chúng ta cho đến tận cùng thế giới (Mt 28,20b). Chính
Người sẽ cùng đi với chúng ta trong những cuộc xuất hành và nếp sống thường nhật
của ta và sẽ cùng đi với chúng ta.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 90 (Tháng 09 & 10 năm 2015)
[1] Nữ tu Lucia thuộc Hội
Dòng Chúa Quan Phòng ( IDP), Tiến sĩ Thần học của Đại Học Công Giáo thuộc Giáo
Hoàng, giáo phận Rio de Janeiro, dạy Thần học tại Trường Thần học và Linh Đạo
Phan Sinh (ESTEF)