Xây dựng Hội thánh địa phương

24/09/2022


XÂY DỰNG HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG
(Bài thuyết trình tại Đại hội Ủy ban Giáo dân toàn quốc lần II năm 2022)

Tôma Trương Văn Ân
Ủy viên Ban Giáo dân Giáo phận Đà Nẵng


I. HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG LÀ GÌ?

     1. Hình thức THỤ ĐỘNG.. 1

     2. Hình thức TĂNG ĐỘNG.. 2

     3. Hình thức CHỦ ĐỘNG.. 2

II. XÂY DỰNG HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG “HIỆP HÀNH “NHƯ THẾ NÀO?. 2

III. XÂY DỰNG HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG BIẾT QUAN TÂM.. 3

     1. Hội Thánh quan tâm đến Người nghèo. 3

     2. Hội Thánh quan tâm đến giới trẻ. 3

     3. Hội Thánh quan tâm đến Người di dân. 3

     4. Hội Thánh quan tâm thăng tiến Hôn nhân Gia đình. 4

IV. XÂY DỰNG HỘI THÁNH HỘI NHẬP VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG.. 4

KẾT LUẬN


I. HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG LÀ GÌ?

Nói về Hội Thánh địa phương, tất nhiên chúng ta phải nghĩ đến cộng đoàn giáo phận được trao phó cho một Giám mục coi sóc như Giáo luật điều 368 – 369 đã định rõ: “Giáo phận là một phần dân Chúa được trao phó cho một Giám mục chăn dắt, với sự cộng tác của linh mục đoàn, nhờ sự gắn bó với chủ chăn của mình và được ngài tập hợp trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, phần dân ấy tạo thành một Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền của Đức Ki-tô hiện diện và hoạt động thực sự.”

Tuy nhiên chính nơi mỗi Giáo xứ mới thực sự toát lên vai trò căn bản của người Kitô hữu. Trong khung cảnh này, chúng ta tạm dừng lại nơi Cộng Đoàn Giáo xứ, Giáo họ biệt lập, hoặc những Giáo điểm khác … Nơi đó có các Cha Quản xứ, Quản nhiệm, Cha phụ tá … coi sóc dưới sự đặt để của Giám mục giáo phận của mình. Luôn bên cạnh Quý Cha mục vụ ở đây còn có Quý Hội Đồng mục vụ Giáo Xứ bao gồm (Ban Thường vụ, Ban điều hành các Giáo họ, và các Ban ngành đoàn thể trong giáo xứ). Họ là cầu nối đắc lực giữa Quý cha và Giáo dân cũng như những mối tương quan khác. Tuy nhiên không phải lúc nào giữa Cha Quản xứ, Quản nhiệm và quí vị trong Hội đồng mục vụ cũng có được tiếng nói chung, chính vì vậy ở đây chúng ta có thể quy về 3 hình thức cộng đoàn giáo xứ hiện nay đang diễn ra:

1. Hình thức THỤ ĐỘNG

- Cha quản xứ thụ động giao trắng cho Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (HĐMVGX) toàn quyền quyết định tất cả, mình chỉ thi hành các Bí tích và Thánh Lễ. Điều này dễ làm cho những người đứng đầu loạn quyền, dễ dẫn đến tranh chấp, và phe nhóm …

- Còn trường hợp HĐMVGX và Giáo dân quá thụ động với suy nghĩ gượng ép: “Cha thay mặt Chúa, Cha nói là Chúa nói”, để hết cho Cha quyết định, Cha biểu gì làm nấy, Cha không biểu thì ta không làm cho khỏe. Điều này dễ dẫn đến Cha độc quyền, tự mãn, khoe khoang …, hoặc là Cha bơ vơ nhiều khi không biết phải quyết định thể nào cho phải.

2. Hình thức TĂNG ĐỘNG

- (tăng động từ Cha quản xứ) Cha quản xứ quá nhiệt thành dành tất cả quyền quyết định cho mình, cha phán, cha quyết. Giáo dân và HĐMVGX chỉ biết cúi đầu nghe, ai có ý kiến khác thì bị loại trừ ngay, trong tâm trí Cha: Giáo dân là những người chả biết gì! và Cha trở nên ảo tưởng độc quyền và độc đoán.

- (hình thức tăng động từ) HĐMVGX và Giáo dân khi làm được việc gì rồi thì, đẩy Cha xứ ra ngoài, vì Cha đến một thời gian thôi mà rồi Cha cũng đi Giáo xứ này mới là của chúng mình nhé ! Thế là tự tung tự tác, dẫn đến biết nhiêu điều hệ lụy như: phe nhóm, nói hành nói xấu, nghi kỵ lẫn nhau…

3. Hình thức CHỦ ĐỘNG

- (chủ động từ Cha quản xứ) Cha quản xứ luôn HIỆP HÀNH với HĐMVGX với Giáo dân; luôn gặp gỡ - lắng nghe – phân định để hướng dẫn cộng đoàn, và có những quyết định chính đoán trong sự đồng thuận cao của mọi người.

- (chủ động từ) HĐMVGX và Giáo dân, nhất là những người có những chuyên môn riêng luôn HIỆP HÀNH góp ý xây dựng trong tinh thần LẮNG NGHE – PHÂN ĐỊNH và ĐỐI THOẠI để đi đến một thống nhất chung trong công việc, dưới sự quyết định cuối cùng của Cha Quản xứ.

Ngoài ra nhiều nơi có những Cộng Đoàn Giáo hội Cơ Bản đó là những nhóm nhỏ có: cùng sở thích, cùng liên cư liên địa, cùng đồng nghiệp, cùng đồng hương, cùng lớp, cùng họ hàng… cùng quy tụ với nhau để dễ dàng quan tâm chăm sóc và giúp nhau phát triển trong đời sống Đức Tin và Kinh Tế …

II. XÂY DỰNG HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG “HIỆP HÀNH “NHƯ THẾ NÀO?

Hiệp hành là bản chất của Giáo hội, đây là cơ hội thúc đẩy sự hoán cải mục vụ của mỗi Giáo hội địa phương, tránh tình trạng độc quyền chuyên chế. Hàng Giáo sĩ có sứ vụ lãnh đạo để đưa cộng đoàn đi theo đúng ý của Thiên Chúa; Giáo dân có sứ vụ cộng tác với hàng Giáo sĩ để xây dựng Hội Thánh cách vững bền trong ân sủng Chúa. Nhưng là sự cộng tác sống động của mỗi người, tùy theo từng Ơn gọi họ được Chúa Thánh Thần tác động. Giáo sĩ và Giáo dân cùng làm nên Giáo hội duy nhất, tạo nên Dân Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Nhờ sự cộng tác các thành phần Dân Chúa, làm cho các hoạt động mục vụ tại Giáo xứ linh hoạt sinh động và hiệu quả hơn cho việc loan báo Tin Mừng.

Các thành phần trong Giáo xứ, tùy theo từng đặc sủng, Ơn gọi của mình, Hiệp thông, tham gia vào tiến trình chung, cùng hoạch định, cùng thực hiện và cùng đồng trách nhiệm. Hội đồng mục vụ giáo xứ và các Đoàn thể đưa ra những đề xuất, phác thảo cho một việc, một sự kiện liên quan đến Giáo xứ. Linh mục quản xứ giữ vai trò lãnh đạo, phối kiểm và đưa ra quyết định sau cùng, trong tình yêu thương, gặp gỡ, lắng nghe và phân định.

Ngày nay, có những Giáo dân có chuyên môn chuyên biệt, được đào tạo bài bản như: quản trị, tài chính, y tế, giáo dục…. thậm chí cả Thần học và triết học. Vì vậy, quí Cha quản xứ cần lắng nghe và tôn trọng những ý kiến chuyên môn đó của họ, vì lợi ích chung của Cộng đoàn, nếu ý kiến đó không đi ngược lại Tín lý và những Giáo huấn của Giáo hội.

III. XÂY DỰNG HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG BIẾT QUAN TÂM

1. Hội Thánh quan tâm đến Người nghèo

Thánh Lôrenxô nói: “Người nghèo là tài sản của Giáo hội”. Trong Tám mối phúc, Chúa Giê-su lại dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ”.

Người nghèo (có thể) nghèo về vật chất, về tinh thần, bị bỏ rơi, cô đơn, vô vọng. Nghèo do định kiến, do phân biệt giai cấp xã hội, do chiến tranh, do xung đột sắc tộc,… dù nghèo dưới bất cứ hoàn cảnh hay hình thức nào, Giáo hội đều quan tâm đến họ. Tất cả họ đều được Thiên Chúa yêu thương, và Chúa bảo chúng ta: “làm cho họ là làm cho chính Chúa”. Chúng ta quan tâm giúp đỡ trong tinh thần lắng nghe, tôn trong nhân phẩm và phẩm giá/, đem đến cho Họ an bình của Thiên Chúa.

2. Hội Thánh quan tâm đến giới trẻ

Trong Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit, 2019), Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Điều quan trọng là cần phải nhận thức rằng Đức Giêsu là một người trẻ. Người đã hiến dâng mạng sống mình khi Người là, theo ngôn ngữ của thời đại hôm nay, người trưởng thành trẻ” (Christus Vivit, số 23).

Trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi, 1975), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: “Hoàn cảnh hiện nay thôi thúc chúng ta lưu ý đặc biệt đến những người trẻ. Sự gia tăng về số lượng và sự hiện diện ngày càng nhiều của họ trong xã hội, những vấn đề đang vây lấy họ, đánh thức mọi người phải nhiệt tâm và khôn ngoan lo lắng giúp đỡ họ hiểu biết và sống lý tưởng Tin Mừng. Ngoài ra, những người trẻ, một khi đã được đào tạo kỹ càng về đức tin và cầu nguyện, sẽ càng ngày càng trở nên những tông đồ cho giới trẻ. Giáo hội tin tưởng rất nhiều vào sự đóng góp của họ và chúng ta đã nhiều lần bày tỏ sự tín nhiệm hoàn toàn vào họ” (Evangelii Nuntiandi, số 72). Đối với Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, Giáo hội cần quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, nhất là giúp họ có được nhãn quan và tâm thức của Giáo hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho toàn thể thế giới.

3. Hội Thánh quan tâm đến Người di dân

Giáo xứ cần lập Ban Mục vụ di dân. Người di dân cũng có nhu cầu được tư vấn về luật lệ và quyền lợi lao động, nâng cao tay nghề, học ngoại ngữ, bồi thêm kiến thức để họ nhanh chóng hoà nhập vào xã hội và môi trường đang sống. Giáo hội có thể lập ra những chương trình dạy nghề, dạy kỹ năng mềm, kỹ năng sống, dạy ngoại ngữ, giới thiệu việc làm để giúp những người di dân, đặc biệt các bạn trẻ thăng tiến bản thân và đóng góp tốt hơn cho xã hội.

Người di dân cũng cần được tư vấn về đời sống tinh thần, Tôn Giáo, giúp họ vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống. Cần quan tâm đặc biệt đến khía cạnh gia đình của những người di dân. Tình trạng chia cắt xa nhà của họ dễ làm quan hệ gia đình của họ tổn thương. Cần giúp đỡ họ, để tránh tình trạng đổ vỡ gia đình khi gặp quá nhiều áp lực trong cuộc sống.

Nên liên kết những trạm y tế, phòng khám miễn phí để giúp các di dân nghèo được tiếp cận với những dịch vụ y tế, khám bệnh, lấy thuốc, được tư vấn về dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh và phòng bệnh.

4. Hội Thánh quan tâm thăng tiến Hôn nhân Gia đình

Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình (CTTTHNGĐ) / (không chỉ) giúp các đôi hôn nhân hiểu biết và phát triển sự liên hệ vợ chồng trong đời sống hôn nhân, nhưng còn nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái và phương pháp giáo dục chúng trong môi trường xã hội mới. Cũng như sự liên hệ với tha nhân, nhất là với Cộng Đồng Dân Chúa qua việc phục vụ theo tinh thần “Hồn Tông Đồ Song Đôi”.

Gia đình, nơi các thành viên được yêu thương, được tôn trọng và chấp thuận, được nâng đỡ, là môi trường để phát huy năng lực. Trong môi trường gia đình, Thành viên học cách yêu thương, tôn trọng nhau, biết hy sinh và biết chấp nhận nhau, biết nhạy bén với những khó khăn có thể xảy đến.

Giáo hội cần quan tâm đến gia đình là tế bào của xã hội, là nơi ươm mầm đức tin cho con cháu. Gia đình là nơi gìn giữ và truyền đạt văn hóa, phẩm chất, Tôn Giáo, tri thức... cho thế hệ tương lai. Gia đình còn là nơi chăm sóc người trẻ, là nơi thể hiện sự hiếu thảo của con cháu với Ông bà…

IV. XÂY DỰNG HỘI THÁNH HỘI NHẬP VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

Hội nhập văn hóa địa phương, là dùng chính văn hóa đó chuyển tải Sứ điệp Tin Mừng. Cần loại bỏ những gì là mê tín, nhưng những cử chỉ biết ơn, hiếu thảo Tôn kính, các giá trị tinh thần phù hợp với Đức tin, cần được mặc lấy tinh thần Ki-tô giáo. Sự hội nhập này đòi hỏi một mặt, Giáo hội vẫn phải giữ nguyên các tín điều và những gì là thiết yếu của Công giáo, nhưng mặt khác, vẫn có thể gần gũi một cách tối đa với các tập tục và nền giáo dục của các dân tộc.

KẾT LUẬN

Muốn Xây dựng Hội Thánh địa phương thật sự tốt đẹp theo Giáo huấn của Giáo Hội tất cả thành phần Dân Thiên Chúa cần tôn trọng phẩm giá và Ơn gọi riêng của mỗi người. Giáo sĩ (cụ thể Cha quản xứ) và Giáo dân (qua Hội đồng mục vụ và các Đoàn thể) gặp gỡ, lắng nghe và biết phân định, cùng đồng trách nhiệm trong những công việc chung của Giáo Hội địa phương. Hiệp nhất, cùng tham gia và loan báo Tin Mừng, qua những việc làm cụ thể trong công tác mục vụ cho cộng đoàn, cho người nghèo, cho Giới trẻ, và việc thăng tiến toàn diện các thành viên trong gia đình.

Các thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội địa phương cần đề ra những Chương trình cụ thể trong việc loan báo Tin Mừng qua đối thoại, qua hội nhập văn hóa, qua việc quan tâm thăng tiến con người, thăng tiến gia đình. Tạo ra những con người có Đức tin và có tầm ứng xử phù hợp cho việc Truyền Giáo.

Hiện nay, tại Giáo phận Đà Nẵng, Cộng đoàn Giáo phận thực thi Quyết Nghị của Đức Giám mục Giáo phận trong Công Nghị Giáo phận tiền Thượng Hội đồng ngày 1/7/2022, đó là Đọc Kinh Gia Đình và mỗi gia đình, mỗi giáo xứ và Giáo phận có kế hoạch cụ thể cho việc truyền Giáo.

LỊCH PHỤNG VỤ