VIỆC PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI CỦA NGƯỜI CÓ XU HƯỚNG ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

Nguyên bản: Lm. Peter Lechner, s.P.
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Doanh, s.P.
Biên tập: Lm. Giuse Phạm Văn Trọng 

Mục lục

I. ĐỒNG TÍNH TRONG HÀNG GIÁO SĨ 1

1. Nghiên cứu của Richard Sipe. 1

2. Các thuyết về nguyên nhân đồng tính. 1

3. Các thuyết phát triển về đồng tính: 2

        a. Lý thuyết “Ảnh hưởng của cha mẹ”: 2

        b. Lý thuyết “Điều kiện môi trường”: 2

        c. Lý thuyết “Lạm dụng tình dục”: 2

        d. Lý thuyết “Thoái lui”(regression): 2

        e. Thuyết hoàn cảnh (Situational theory): 2

        f. Các thuyết dịch chuyển (Spectrum Theories): 2

        g. Thuyết Tính mềm dẻo tính dục (Sexual Plasticity): 2

4. Những tính cách có thể có nơi các đối tượng đồng tính. 2

II. HUẤN QUYỀN VỀ VIỆC TIẾP NHẬN CÁC ỨNG SINH CÓ XU HƯỚNG ĐỒNG TÍNH. 3

III. GIẢI PHÁP CHO NHỮNG THÁCH THỨC VỀ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI TRONG GIAI ĐOẠN CHỦNG VIỆN. 4

1. Đối diện với văn hóa im lặng. 4

2. Phát triển sự tin tưởng như một sự đối lại với thách thức của văn hóa thinh lặng

3. Sự minh bạch về đường lối và thủ tục chủng viện liên quan đến trưởng thành tình cảm.. 6

        3.1. Đề cập tới vấn đề trưởng thành tình cảm: 6

        3.2. Tính minh bạch: 7

        3.3. Chia sẻ thông tin cá nhân: 7


I. ĐỒNG TÍNH TRONG HÀNG GIÁO SĨ

1. Nghiên cứu của Richard Sipe

Theo nghiên cứu mới đây của Richard Sipe, khoảng 20% trong hàng giáo sĩ Hoa Kỳ có xu hướng đồng tính hoặc có hành vi đồng tính.

Tuy nhiên, một nửa trong số này đang giữ đời sống độc thân rất tốt. Và một nửa còn lại (10%) có liên quan tới hoạt động đồng tính (quan hệ trực tiếp, coi phim ảnh khiêu dâm, tưởng tượng, thủ dâm).

Sipe cũng lưu ý trong nghiên cứu của mình rằng khoảng một nửa trong số các linh mục có khuynh hướng dị tính sống trung thành với đời sống khiết tịnh. Những vấn đề liên quan tới “Trưởng thành tình cảm” có liên hệ tới những người có xu hướng hoặc là dị tính hoặc là đồng tính luyến ái.

Trong khảo sát của Sipe, trong số các linh mục có liên quan tới hoạt động đồng tính theo cách này hay cách khác thì có:

40% có sinh hoạt đồng tính, nhưng không cảm thấy tội lỗi; “văn hóa đồng tính”?

30% có các vấn đề về sức khỏe tâm thần (tự kỷ ái mộ, làm chủ xung lực kém, cường điệu [cảm xúc phóng đại], tính cách bất định [đánh giá quá cao/thấp về người khác]. Những người này thay đổi rất ít.

30% có hoạt động đồng tính theo tình tiết, do căng thẳng hoặc phản ứng xoay chỉnh. Hoạt động này kéo theo cảm giác tội lỗi, và đương sự có thể tìm đến sự trợ giúp về tâm linh hoặc chuyên môn. Đương sự có thể chưa trưởng thành, chậm phát triển ở tuổi vị thành niên hoặc lo sợ rằng mình là người đồng tính, nhưng thực chất là dị tính. Những người này có thể trợ giúp được.

2. Các thuyết về nguyên nhân đồng tính

Các lý thuyết sinh học liên quan đến sự phát triển trước khi sinh bao gồm:

(1) Sự phát triển trước khi sinh của các vùng của não có ảnh hưởng tới hoạt động tính dục (SDLH)

(2) Sự phát triển về hoóc môn (hoóc môn nam, nữ)

3. Các thuyết phát triển về đồng tính:

a. Lý thuyết “Ảnh hưởng của cha mẹ”:

Cha vắng mặt, mẹ kiểm soát quá mức. J. Nicolosi đặt liệu pháp của mình trên lý thuyết cho rằng những người nam có khuynh hướng đồng tính đã không được ảnh hưởng, hỗ trợ và khẳng định đủ bởi vai trò người nam trong gia đình.

b. Lý thuyết “Điều kiện môi trường”:

Việc tiếp xúc sớm với cảnh quan hệ tình dục của người đàn ông khác đưa tới cảm giác khoái cảm, sẽ ảnh hưởng đến hành vi của đương sự trong tương lai.

c. Lý thuyết “Lạm dụng tình dục”:

Bị lạm dụng tình dục sẽ dẫn đến việc lặp lại sự sai quấy của hành vi này đối với người khác (vì tức giận, kiểm soát, khắc phục…)

d. Lý thuyết “Thoái lui”(regression):

Khuynh hướng thoái lui hay trốn trở lại trạng thái phát triển của một giai đoạn trước đó vì sự căng thẳng, xung đột, v.v... của cuộc sống hiện tại (chẳng hạn, do căng thẳng… anh ấy đột nhiên mút tay vốn là một thói quen từ bé…). Theo Freud, sở thích đồng tính là nét nổi bật của những giai đoạn đầu phát triển tính dục. Khi căng thẳng không còn nữa, đương sự lại trở về với sở thích khác giới.

e. Thuyết hoàn cảnh (Situational theory):

Thuyết hoàn cảnh cho rằng đồng tính xảy ra trong môi trường chỉ toàn nữ hoặc toàn nam (quân đội, nhà tù, trường nam sinh, chủng viện, v.v.)

f. Các thuyết dịch chuyển (Spectrum Theories):

Các thuyết dịch chuyển cho rằng hầu như không có ai là hoàn toàn đồng tính hoặc dị tính, mà hầu hết chúng ta đều di chuyển từ hoàn toàn đồng tính đến hoàn toàn dị tính.

g. Thuyết Tính mềm dẻo tính dục (Sexual Plasticity):

Khuynh hướng tính dục trong những năm đầu đời có thể được định hình theo nhiều cách khác nhau do nhiều tác động khác nhau.

Đồng tính có thể có nhiều nguyên nhân. Nó có thể là sự kết hợp của các nguyên nhân sinh học và phát triển, khác nhau tùy theo mỗi cá nhân. Đồng tính luyến ái có thể đi kèm với nhiều yếu tố cá tính khác nhau và rất khó để xác định một người đồng tính điển hình.

4. Những tính cách có thể có nơi các đối tượng đồng tính

Một số cách biểu lộ hoặc những tính cách có thể gặp thấy nơi các đối tượng có khuynh hướng đồng tính bao gồm:

(1) Các đối tượng đồng tính có nhu cầu về quyền lực và kiểm soát hoặc, ngược lại, quá lệ thuộc vào người khác.

(2) Họ ngưỡng mộ và gắn bó quá mức với một số người nam (vd: trẻ tuổi hơn) và không thích những người khác (vd: già hơn)

(3) Đồng nhất hóa với sự nhạy cảm của phụ nữ (đàn ông đồng tính có thể hiểu rõ hơn và trân trọng những cảm xúc & giá trị đặc trưng của phụ nữ).

(4) Thiếu hứng thú trong việc tham gia vào các trò chơi thể thao & các hoạt động nam.

(5) Có những sở thích và cách cư xử như nữ giới (nhưng có nhiều người đàn ông có khuynh hướng đồng tính không thể hiện tính cách này).

II. HUẤN QUYỀN VỀ VIỆC TIẾP NHẬN CÁC ỨNG SINH CÓ XU HƯỚNG ĐỒNG TÍNH

Theo Ratio 2016 của Bộ Giáo sĩ, Giáo hội, trong khi hết sức tôn trọng những người đang được nói đến (tức là những người có xu hướng đồng tính), không thể tiếp nhận vào chủng viện hoặc vào hàng chức thánh những ai:

a) Có sinh hoạt đồng tính

b) Thể hiện xu hướng đồng tính nặng

c) Hoặc cổ xúy cái gọi là “văn hóa đồng tính”

Lưu ý: Giáo lý Giáo hội Công giáo coi hoạt động đồng tính là một hành vi chống lại luật tự nhiên và “lệch lạc tự bản chất” (cf. GLGHCG, 2357). Tuy nhiên, những người có xu hướng như vậy phải được đón nhận với sự tôn trọng, tình thương và sự nhạy cảm.” (số 2358)

* Ngoại trừ: Những xu hướng đồng tính nhất thời

Tuy nhiên, trường hợp sẽ khác nếu đương sự có biểu hiện xu hướng đồng tính mang tính nhất thời – chẳng hạn như vì chưa thoát ra khỏi thời kỳ niên thiếu. (Ratio, 200)

Dù vậy, những xu hướng như vậy phải được khắc phục một cách rõ ràng ít nhất 3 năm trước khi đương sự đón nhận chức phó tế.

* Hướng dẫn liên quan đến những chuẩn tắc phân định ơn gọi đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái (Bộ GD Đức Tin CG, 2005)

Linh mục… một cách bí tích, đại diện cho Chúa Kitô. Vì có sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô […] nên ứng viên của thừa tác vụ chức thánh phải đạt đến sự trưởng thành tình cảm […]; điều này sẽ giúp ứng viên có thể quan hệ một cách đúng đắn với cả nam lẫn nữ. (số 1)

* Trưởng thành tình cảm

Trưởng thành tình cảm đề cập tới sự hòa hợp cách lành mạnh của các khuynh hướng, niềm tin và hành vi căn bản, cả về tự nhiên và ân sủng, liên quan đến các mối quan hệ nam nữ, và cảm xúc, suy nghĩ, bối cảnh xã hội, xác tín tâm linh, ơn gọi và làm chủ chính mình.

III. GIẢI PHÁP CHO NHỮNG THÁCH THỨC VỀ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI TRONG GIAI ĐOẠN CHỦNG VIỆN

Phân định ơn gọi để đạt đến một sự trưởng thành cần thiết về mặt tính dục là những thách thức lớn lao ngày hôm nay. Vì thế, một số giải pháp cần thiết để đương đầu với những thách thức này bao gồm:

- Đối diện với văn hóa im lặng

- Phát huy sự tin cậy và tính minh bạch

- Có đường lối chủng viện rõ ràng và việc thực hiện các hướng dẫn cho sự trưởng thành tình cảm.

1. Đối diện với văn hóa im lặng

Lý do cho việc xem xét và không tiếp nhận ứng sinh có xu hướng đồng tính (đó là vấn đề liên quan đến sự trưởng thành tình cảm) có thể lúc đầu sẽ không được ứng sinh chấp nhận. Điều này có thể ngăn cản ứng sinh tiết lộ và chia sẻ với nhà đào tạo về những xu hướng đồng tính của mình (văn hóa im lặng)

Ứng sinh có thể sẽ chối và một cách vô thức kìm nén ý thức của mình về xu hướng đồng tính.

2. Phát triển sự tin tưởng như một sự đối lại với thách thức của văn hóa thinh lặng

Những người đào tạo cần có sự tôn trọng và tình thương đối với ứng sinh. Vì đây là điều mà Chúa muốn chúng ta làm. Nếu chúng ta không có cách tiếp cận mang tính mục vụ, thì ứng sinh sẽ khó mà đến với chúng ta để tin tưởng và giãi bày tâm sự với chúng ta. Một khi sự tôn trọng và niềm tín thác được thiết lập, hướng ơn gọi và hướng sống của ứng sinh có thể được phân định một cách đúng đắn, cho dù tương lai sẽ là một linh mục hay là một giáo dân hiến thân.

2.1. Cách tiếp cận mục vụ này dựa trên phương châm: “Tôn trọng sâu sắc những người có xu hướng đồng tính,” và với tinh thần đó giáo quyền bắt đầu bàn về các ứng viên có khuynh hướng đồng tính.

Giáo hội, trong khi hết sức tôn trọng những người đang được nói đến (tức là những người có xu hướng đồng tính), không thể tiếp nhận vào chủng viện hoặc vào hàng chức thánh những ai có sinh hoạt đồng tính, thể hiện mạnh mẽ những xu hướng đồng tính hoặc cổ xúy cái gọi là “văn hóa đồng tính.”(Ratio, 199)

Lưu ý: trong những tài liệu chính thức của mình, Giáo hội không sử dụng cụm từ “những người đồng tính” mà chỉ dùng cụm từ “những người có khuynh hướng đồng tính.” Con người không thể bị đồng hóa bởi xu hướng đồng tính, mà trước hết phải được nhìn nhận là con cái Thiên Chúa.

2.2. Cách tiếp cận mục vụ này phản ánh thái độ được khuyến khích bởi “Thư gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo về việc chăm sóc mục vụ đối với những người đồng tính” của Bộ Giáo lý Đức tin, 1986.

Ngày nay, Giáo hội… khẳng định rằng mọi người đều có căn cước cơ bản: thụ tạo của Thiên Chúa. Chúng tôi khuyến khích… chăm sóc mục vụ dành cho những người đồng tính phù hợp với giáo huấn của Giáo hội. Một chương trình mục vụ đích thực sẽ hỗ trợ người đồng tính ở mọi cấp độ của đời sống tâm linh (15,16)

Mục tiêu của tư vấn ơn gọi/linh hướng không phải là buộc đương sự phải rời khỏi chủng viện, mà là giúp người ấy có được sự phân định đúng đắn về việc anh ta có ơn gọi tiến tới chức linh mục hay không, qua việc tìm hiểu các hướng dẫn của Giáo hội. Tuy nhiên, các chủng sinh phải được nhắc nhở cũng như hiểu rõ rằng “ước muốn trở thành linh mục là không đủ và không mang lại cho họ quyền lãnh nhận chức thánh.” Điều đó còn tùy thuộc vào Giáo hội […] trong việc xem xét tính phù hợp khi ứng sinh ước muốn gia nhập chủng viện (cũng như) đồng hành với anh ta trong những năm đào tạo. (Ratio, 201)

Và nếu chủng sinh phải rời chủng viện, vị tư vấn mục vụ hay vị linh hướng phải giúp đương sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của mình, như một môn đệ trung thành của Chúa Kitô. Điều này cần có thời gian, nghĩa là không nên vội vàng bắt chủng sinh rời khỏi chủng viện. Trừ khi đương sự dấn vào mối quan hệ có hại trong chủng viện. (Nhưng dù có vậy, nếu được, thì đương sự nên được tư vấn hay được giới thiệu tới tư vấn)

2.3. Điều gì sẽ xảy ra nếu ứng viên có hấp lực đồng tính không thành thật về hấp lực, hành vi, v.v. đồng tính của mình?

Trước hết, chúng ta cần phải thận trọng trong việc đưa ra những phán xét hay cho rằng những người đến xin trợ giúp trong hành trình ơn gọi là không thành thực. Nhiều ứng viên tỏ ra thành thật khi thấy mình được tôn trọng và tin tưởng. Chúng ta nên tin rằng Thiên Chúa sẽ quan phòng để chúng ta tìm ra cách thức và phương tiện hầu nhận ra những ứng viên phù hợp và không phù hợp với chức linh mục.

Đôi khi, các chủng sinh cùng lớp là những người đầu tiên nhận ra những khuynh hướng / hành vi đồng tính nơi những người họ sống cùng. Họ có thể nhận ra qua lời nói, hành vi, cách hành xử, đôi khi qua sự quyến rũ và gạ gẫm của người có khuynh hướng đồng tính. Các chủng sinh cần phải biết tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin này với nhà đào tạo, dù chỉ là nghi ngờ. Và những chủng sinh đó cần được bảo đảm rằng danh tính của họ sẽ được giữ kín.

2.4. Những cách khác để đối phó với thách thức của hành vi phủ nhận và kìm nén:

Thay vì nhắm tới các chủng sinh có khuynh hướng đồng tính, nhà đào tạo nên cung cấp chương trình “Trưởng thành tình cảm” cho tất cả các chủng sinh. Việc áp dụng chương trình đào tạo “Trưởng thành tình cảm” (hướng dẫn nhóm và tư vấn / hướng dẫn cá nhân) cho tất cả các chủng sinh, sẽ cung cấp sự trợ giúp và phân định ơn gọi cho những người có khuynh hướng đồng tính, như một phần của chương trình chủng viện.

Cần thiết lập một “phạm vi an toàn” (tương tự như ‘tòa trong’). Trong tài liệu “Hướng dẫn dành cho việc phân định ơn gọi của các ứng viên có khuynh hướng đồng tính” (2005, số 3), Bộ Giáo dục Công giáo chỉ ra rằng vị linh hướng “buộc phải giữ bí mật” nhưng tài liệu cũng chỉ ra rằng “nếu một ứng viên có sinh hoạt đồng tính hoặc thể hiện mạnh mẽ xu hướng đồng tính, thì vị linh hướng cũng như cha giải tội của ứng viên phải có trách nhiệm khuyên ngăn ứng viên tiến tới thụ phong.

Kiến tạo và duy trì một phạm vi an toàn trong chủng viện: Trong tài liệu công bố năm 2016, số 194, Bộ Giáo sĩ nói rằng nếu có sự giúp đỡ của chuyên gia đáng tin cậy về khoa học tâm lý để lượng giá ứng viên, thì chuyên gia này, sau khi đã thực hiện việc lượng giá, và cùng với sự chỉ dẫn của nhà đào tạo, sẽ phải trình bày nội dung bản lượng giá – nhưng chỉ khi có sự thỏa thuận bằng văn bản trước đó của ứng viên; trong việc giúp hiểu tính cách của ứng viên và những vấn đề mà ứng viên đang gặp phải hoặc phải đối mặt…, chuyên gia này cũng sẽ chỉ ra những khả năng có thể thấy trước liên quan đến sự phát triển tính cách của ứng viên.

3. Sự minh bạch về đường lối và thủ tục chủng viện liên quan đến trưởng thành tình cảm

3.1. Đề cập tới vấn đề trưởng thành tình cảm:

Trong buổi định hướng cho các tân chủng sinh, chủng viện cần phải đề cập tới tầm quan trọng của sự trưởng thành tình cảm, theo cách thức rõ ràng, thực tế và gây thiện cảm. Và, đường hướng của Giáo hội về vấn đề khuynh hướng tính dục cũng cần phải được trình bày vào thời điểm thích hợp.

3.2. Tính minh bạch:

Vào những dịp huấn giáo thích hợp (như linh hướng, lượng giá và hướng dẫn tâm linh/tâm lý) trong giai đoạn định hướng và khai tâm, chủng viện cần phải trình bày cho chủng sinh về tầm quan trọng của việc chia sẻ tiểu sử bản thân. Nhờ đó chương trình đào tạo chủng viện có thể thực sự giúp các chủng sinh trong việc đào luyện bản thân hướng tới thiên chức linh mục.

“Để việc đào tạo này (về mặt con người) có kết quả, điều quan trọng là mỗi chủng sinh phải ý thức về tiểu sử của mình, và sẵn sàng chia sẻ nó với các vị đào tạo.” (Ratio, số 94)

Cách đào tạo như vậy sẽ đề cao việc “tự phân định và sống có trách nhiệm” của chủng sinh (Ratio, số 96)

3.3. Chia sẻ thông tin cá nhân:

Việc chia sẻ “tiểu sử bản thân” có thể được thực hiện qua việc phỏng vấn cá nhân hoặc qua bản câu hỏi về tiểu sử, gia đình hay nguồn gốc, giáo dục và các thông tin khách quan khác.

Những thông tin về cá nhân, về sự thân mật và nhạy cảm, chẳng hạn như về tính dục, có thể được chia sẻ với vị linh hướng/tư vấn. Khi lượng giá, vị linh hướng/tư vấn chỉ cần lọc ra những giai đoạn chính yếu (như giai đoạn đón nhận các chức nhỏ, phó tế, linh mục), với sự cho phép của ứng viên, để xét xem ứng viên này có đủ tiêu chuẩn tâm linh/tâm lý cho giai đoạn tiếp theo hay không.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 120 (Tháng 9 & 10 năm 2020)
WHĐ (25.03.2021)