VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TẠI VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái,
Giám đốc Đại chủng viện Cần Thơ
Mục lục
2. Nguyên do ơn gọi linh mục đông
3. Tổ chức đào tạo ứng sinh linh mục
1. Vài con số thống kê
Theo Thống kê của
Văn phòng Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố ngày 31 tháng 12 năm
2013 thì:
- Số giáo dân Công
giáo ở Việt Nam là 6.606.495
- Số linh mục là
4.635
- Số chủng sinh là
4.746
Và theo thống kê
của Tổng cục Dân Số Và Kế Hoạch Hóa Gia Đình Thuộc Bộ Y Tế, thì dân số Việt Nam
tính đến tháng 11 năm 2013 là 90 triệu người.
Như thế hiện nay
ở Việt Nam, bình quân mỗi linh mục chịu trách nhiệm chăm sóc 1.435 giáo dân, và
có bổn phận truyền giáo cho 17.982 người không công giáo.
Những con số
trên nói lên điều này là số linh mục Việt Nam hiện nay tương đối đông nhưng vẫn
chưa đủ.
2. Nguyên do ơn gọi linh mục đông
Số chủng sinh tại
Việt Nam năm 2013 là 4746, được đào tạo tại 10 đại chủng viện và một số tập viện
các dòng nam. Bình quân mỗi cơ sở đào tạo có khoảng 300 ứng sinh linh mục. Nhiều
người Âu Mỹ khi biết tới con số đó đều ngạc nhiên và ao ước, vì hiện nay tại
các nước trên, mỗi đại chủng viện liên giáo phận chỉ có vài chục chủng sinh
thôi.
Có nhiều nguyên
do giải thích tại sao ơn gọi linh mục tại Việt Nam đông như thế:
Nguyên do thứ nhất
là sự quan tâm của mọi thành phần Dân Chúa: từ sự quan tâm của các gia đình đến
các giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Một trong những ban mục vụ của các giáo xứ,
giáo hạt vả giáo phận là Ban Cổ Võ Ơn Gọi. Ban này giới thiệu ơn gọi cho các
thanh thiếu niên, quy tụ những em có ý muốn đi tu vào một tổ chức gọi là Nhóm Dự
Tu, đề ra những sinh hoạt giúp các em tìm hiểu thêm và nuôi dưỡng ơn gọi. Hằng
năm, đến ngày Chúa Nhật IV mùa Phục Sinh, còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên
Lành, tại hầu hết các nhà thờ đều có thánh lễ cầu cho ơn gọi và các sinh hoạt cổ
võ ơn gọi.
Nguyên do thứ
hai là hình ảnh người linh mục rất đẹp và rất hấp dẫn trong con mắt của giáo
dân: Giáo dân nhìn thấy linh mục rất uy nghi thánh thiện khi cử hành Thánh lễ
và các nghi thức phụng vụ; Giáo dân kính trọng và quý mến các linh mục. Họ gọi
các linh mục là “cha” và thậm chí là “ông cố”; nhiều người nghĩ rằng được làm
linh mục thì cuộc đời rất vinh dự và cuộc sống vật chất đầy đủ.
Vì hai nguyên do
chính nêu trên và một vài nguyên do phụ khác nữa mà nhiều người trẻ muốn làm
linh mục và nhiều gia đình muốn cho con em mình đi tu làm linh mục.
3. Tổ chức đào tạo ứng sinh linh mục
Các Đại chủng viện
Việt Nam đào tạo các ứng sinh linh mục dựa theo hướng dẫn của Tông Huấn
Pastores Dabo Vobis do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25
tháng 3 năm 1992, với những nét chính như sau:
a. Mục tiêu: đào tạo các chủng sinh trở thành “những mục tử như lòng Chúa mong
muốn” (Pastores Dabo Vobis, số 1, câu đầu tiên)
b. Công cuộc đào
tạo bao gồm 3 giai đoạn: Trước, trong và sau Đại
chủng viện:
- Trước khi được vào Đại chủng viện, các em được đào tạo trong hệ thống
“dự tu” tại các giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Thời gian tùy mỗi giáo phận ấn
định.
- Thời gian đào tạo chính thức tại Đại chủng viện là chín năm: 1 năm
dự bị, 1 năm tu đức, 2 năm triết học. 1 năm thử tại các họ đạo bên ngoài, và 4
năm thần học. Trong những năm thần học này chủng sinh được nhận lãnh các tác vụ
đọc sách, giúp lễ và được tiếp nhận làm ứng viên phó tế.
- Sau khi kết thúc thần học, chủng sinh còn phải tiếp tục 1 năm mục vụ
nữa. Trong năm này họ được phong chức phó tế và linh mục. Và mặc dù đã là linh
mục, họ còn được giáo phận quan tâm bồi dưỡng thêm cách đặc biệt trong 5 năm kế
tiếp, thời gian này được gọi là “Năm năm đầu đời linh mục”. Sau đó họ mới hòa
nhập chung với tất cả các linh mục trong chương trình Thường huấn.
c. Việc đào tạo
này có tính cách toàn diện bao gồm 4 chiều kích: nhân bản, đạo đức, trí thức và mục vụ. Tất cả 4 chiều kích ấy đều
nhắm đến mục tiêu giúp họ làm mục vụ sau này với một con tim như Chúa Giêsu mục
tử dạt dào đức ái mục tử.
4. Những thách đố
Như đã viết ở
trên, ơn gọi linh mục ở Việt Nam hiện nay rất dồi dào. Kết quả đào tạo ơn gọi
cũng rất phong phú: tuy chưa có thống kê chính xác về số chủng sinh được thụ
phong linh mục hằng năm, nhưng ước tính mỗi năm con số lên đến khoảng 400 (thí
dụ như Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ là 1 trong 10 Đại chủng viện ở Việt
Nam, mỗi năm có hơn 30 thầy được thụ phong linh mục).
Tuy nhiên đó chỉ
là xét theo phương diện số lượng. Còn nếu xét về phương diện phẩm chất thì
không đáng lạc quan lắm: Tuy có thể gọi tất cả các linh mục là mục tử, nhưng
không phải tất cả đều là “những mục tử như lòng Chúa mong muốn” (câu mở đầu
Tông huấn Pastores dabo vobis):
Vẫn còn có những
mục tử theo kiểu làm thuê (x. Ga 10,12). Đó là những kẻ coi đời linh mục như một
nghề nghiệp có thu nhập tương đối cao và ổn định. Họ thi hành chức năng linh mục
vì lợi nhuận. Họ làm việc như những công chức lãnh lương, nghĩa là chỉ cốt làm
đủ việc và đủ giờ không hơn không kém, làm cho xong chứ không cần làm cho tốt.
Tệ hơn nữa, còn
có những mục tử xấu (x. Êdêkien 34,1-6). Đó là những linh mục chẳng những không
chăm sóc giáo dân mà còn vì tư lợi mà khai thác giáo dân, làm hại giáo dân và
uy tín của Giáo Hội.
Có hai nguyên do
chính của tình trạng này:
Nguyên do thứ nhất
là ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ vật chất thời nay: ngày xưa, các linh mục
chấp nhận sống thiếu thốn, cực khổ. Nhiều vị còn coi sự thiếu thốn cực khổ là
cơ hội để họ hy sinh hãm mình, vác thánh giá đi theo Chúa. Ngày nay, các ngành
công nghệ sản xuất và quảng cáo rất nhiều tiện nghi vật chất làm cho cuộc sống
ngày càng thoải mái dễ chịu hơn. Đặc biệt ở Việt Nam, sau những năm chiến tranh
cực khổ thiếu thốn, đất nước bước sang giai đoạn hòa bình, kinh tế dần dần phát
triển, những sản phẩm phục vụ đời sống tràn ngập thị trường, rất hấp dẫn đối với
những người có khả năng tài chính. Các linh mục là những người có khả năng tài
chính tương đối cao so với mức của người dân trung bình. Vì thế nhiều linh mục
cũng bị cuốn hút vào cuộc sống hưởng thụ vật chất, dần dần họ lo cho bản thân
hơn là quên mình lo phục vụ người khác.
Nguyên do thứ
hai là xu hướng tổ chức hợp lý hóa. Nếu so sánh cách tổ chức mục vụ của các
giáo xứ cách nay khoảng 50 năm với các giáo xứ ngày nay ta sẽ thấy nhiều sự
khác biệt. Chẳng hạn ngày xưa giáo dân có thể đến nhà xứ gặp linh mục hầu như bất
cứ lúc nào trong ngày. Ngày nay trước cửa rất nhiều nhà xứ có treo tấm bảng ghi
rõ giờ tiếp khách từ mấy giờ tới mấy giờ. Ngày xưa - và ở nhiều họ đạo vùng quê
nghèo nàn ngày nay - khi giáo dân xin cha làm lễ, họ có bao nhiêu tiền thì đưa
bấy nhiêu. Có người còn xin lễ bằng 1 con cá, 1 nải chuối. Ngày nay ở nhiều họ
đạo bắt đầu tổ chức xin lễ bằng cách để tiền trong phong bì, bên ngoài ghi rõ ý
lễ và số tiền theo quy định… Nói chung, ngày xưa giáo dân và linh mục đối xử với
nhau bằng tình nghĩa nhiều hơn, nghĩa là không tính toán sòng phẳng. Ngày nay
càng ngày càng có xu hướng tính toán sòng phẳng và hợp lý: linh mục có làm thì
có hưởng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít; giáo dân nhờ linh mục làm gì
thì cũng phải “trả thù lao” tương xứng… Khi quan hệ giữa linh mục và giáo dân
được tổ chức hợp lý hóa thì xem ra công việc được rõ ràng hợp lý nhưng chỗ đứng
của tình cảm ngày càng bị thu hẹp. Xu hướng này khá phổ biến bên các nước Âu Mỹ
và đang ảnh hưởng dần trên các giáo xứ Việt Nam. Tuy nhiên khi linh mục đối xử
với giáo dân bằng lý thì đương nhiên phần tình cảm sẽ giảm đi, dần dần linh mục
giống như một công chức ăn lương nhiều hơn là một mục tử tận tình phục vụ đoàn
chiên.
Để khắc phục những
sai lệch do hai nguyên nhân trên, các nhà đào tạo cần thường xuyên nhắc chủng
sinh nhớ đến hai điều rất căn bản sau. Cả hai đều dựa trên giáo huấn của chính
Chúa Giêsu:
- Thứ nhất là họ phải ý thức rõ về hình ảnh mà mình phải trở thành.
Đó không phải là một ông quan cai trị hay một công chức làm việc ăn lương, mà
là một mục tử. Hơn nữa, không phải là một mục tử chăn thuê (x. Ga 10,12-13), mà
phải là một mục tử tốt hết lòng phục vụ đoàn chiên đến nỗi sẵn sàng hiến mạng sống
cho đoàn chiên (x. Ga 10,14-15).
- Thứ hai là để trở thành mục tử tốt như vậy thì điều quan trọng nhất
trong khi đào tạo là phải đào tạo con tim, một con tim dạt dào tình thương mà
Pastores Dabo Vobis gọi là đức ái mục tử. Linh mục có con tim mục tử thì sẽ
không chỉ đối xứ với con chiên bằng lý mà còn bằng tình. Có như thế linh mục mới
có thể nói như Chúa Giêsu: “Tôi “biết”
chiên của tôi và chiên của tôi “biết”
tôi” (Ga 10,14). Chữ “biết” ở đây có
nghĩa là yêu thương thắm thiết, cũng như Chúa Cha “biết” Chúa Con và Chúa Con “biết”
Chúa Cha vậy (x. Mt 11,27).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)