VAI TRÒ CỦA TÌNH CẢM
TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI VÀ TRONG ĐỜI TU
Nt. Maria Trần Thị Diệu Huyền,
Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh
DẪN NHẬP
Con người là một tổng thể huyền
nhiệm, được Thiên Chúa dựng nên “vừa thể
xác vừa tinh thần”. Mọi chiều kích của đời sống con người được củng cố nhờ “ơn tham dự vào sự sống thần linh của Thiên
Chúa” (Lumen Gentium 2). Xét về mặt sinh học, con người được cấu tạo theo một
cách thức “cực kỳ vi diệu”, từ cấu
thành của bộ não đến các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng ai quan sát tường tận
mà lại không thốt lên lời trầm trồ thán phục trước kỳ công của Đấng Tạo Hóa. Thế
nhưng, con người trở nên đặc biệt không phải chỉ vì trổi vượt hơn những loài
khác về sự phát triển đến mức cao của hệ thần kinh. Con người là chóp đỉnh của
công cuộc sáng tạo, hơn hẳn con vật vì có ngôn ngữ, tư duy, cấu trúc xã hội,
hành vi lao động và có lẽ một trong những điểm phong nhiêu nhất đó là đời sống
tình cảm. Chính thế giới nội tâm bên trong khiến cho con người trở thành một “sự
linh thánh”, là hiện thân của Đấng Tạo Hóa (Imago Dei)[1]
và là nơi con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau (Gaudium et Spes 16). Đời sống
tình cảm còn là sợi dây liên kết để con người tương tác với đồng loại và duy
trì sự tồn vong trong hợp quần xã hội. Như vậy, con người sinh ra đã có nhu cầu
tình cảm bất kể quốc gia, chủng tộc, văn hóa, giới tính, màu da, tuổi tác, địa
vị, nghề nghiệp, hay ngoại hình. Với nội hàm phong phú, tình cảm được thể hiện
trong đời sống cách thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, ở phạm vi bài viết ngắn gọn
này, người viết xin được dừng chân ở một vài khía cạnh chính để làm rõ thế nào
là Tình cảm, vai trò của nó đối với đời sống con người nói chung và đối với người
tu sĩ nói riêng.
I. GÓC NHÌN TỪ NGUYÊN
Trước tiên, thiết nghĩ, cần phải
có một góc nhìn thấu đáo về mặt từ nguyên của thuật ngữ “Tình cảm” dưới lăng
kính của Tâm Lý Học. Vậy tình cảm là gì? Tình cảm được biết đến là Affectio
(La-tinh) và Affection (tiếng Anh), có nghĩa là thái độ cảm xúc mang tính ổn định
của con người đối với hiện thực khách quan, nó phản ánh ý nghĩa của chúng trong
mối liên quan đến nhu cầu và động cơ của họ[2].
Như vậy, có thể hiểu rằng tình cảm chính là những cảm xúc rung động của con người
đã được tích lũy và hình thành trong một thời gian nhất định đối với sự vật, sự
việc, hiện tượng hay đối với người nào đó, nó mang tính ổn định, lâu dài và thường
xuyên[3].
Đời sống tình cảm của con người rất
phong phú và phức tạp, được thể hiện dưới nhiều hình thức, ở nhiều mức độ khác
nhau. Tình cảm luôn hiện diện xung quanh chúng ta như tình cảm gia đình, tình mẫu
tử, tình cảm anh em, tình cảm bạn bè, tình yêu đôi lứa và còn nhiều loại tình cảm
khác. Tình cảm có thể được truyền đạt bằng vẻ bên ngoài, lời nói và các cử chỉ.
Nó truyền tải tình yêu, những thông điệp mà người thể hiện tình cảm muốn bày tỏ
và thực hiện chức năng kết nối xã hội. Tình cảm con người được phân chia thành
hai loại là tình cảm cấp thấp và tình cảm cấp cao. Những tình cảm có liên quan
tới sự thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu sinh lí được xếp vào nhóm tình
cảm cấp thấp. Còn những tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mĩ,
tình cảm hành động thì sẽ được xếp vào nhóm tình cảm cấp cao[4].
Như vậy, hai từ “Tình cảm” nghe
đơn giản nhưng nó mang trong mình những điều kỳ diệu. Có thể nói tóm gọn rằng
“Tình cảm là cuộc sống – Affection is life”. Mỗi người khi bắt đầu hành trình
cuộc đời đều được nuôi dưỡng bằng tình cảm, tồn tại bằng tình cảm và sẽ chết đi
trong niềm cảm thương của những người yêu thương xung quanh mình.
II. VAI TRÒ CỦA TÌNH CẢM TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
1. Tình cảm đối với sức khỏe con người
Tình cảm đã được chứng minh là có
ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của con người. Theo một số nghiên cứu thì tình
cảm có tác động đến sự phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là hệ sinh hóa
và sự phát triển trước trán của chúng[5].
Đây là cơ sở để khuyến khích các bậc làm cha mẹ đặt nhiều tình cảm hơn cho con
cái trong quá trình nuôi dạy chúng. Thêm vào đó, việc truyền đạt những tình cảm,
cảm xúc tích cực đối với người khác đã cho thấy những lợi ích sức khỏe như giảm
kích thích tố gây căng thẳng, giảm cholesterol, giảm huyết áp và làm cho hệ thống
miễn dịch khỏe mạnh hơn. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tình cảm sẽ khiến cơ
thể chúng ta tiết ra các hormone tạo cảm giác dễ chịu, hưng phấn và các chất
hóa học thần kinh giúp kích hoạt các phản ứng tích cực. Ví dụ như khi con người
thể hiện tình yêu thương, mức độ của các chất dopamine, adrenaline và norepinephrine
sẽ tăng lên[6]. Chúng được gọi là
các “hormone hạnh phúc” bởi chúng có nhiều tác dụng tốt đối với tinh thần
và thể chất của con người. Nếu mức độ các hormone này thấp thì sẽ làm giảm động
lực, giảm sự nhiệt tình, giảm khả năng tập trung và hạn chế điều chỉnh các chuyển
động của cơ thể.
2. Tình cảm đối với nhận thức
Trong nhân sinh quan thống nhất của
con người thì nhận thức và tình cảm được nhận định là hai mặt của một vấn đề.
Tình cảm là nguồn động lực mạnh mẽ kích thích con người tìm tòi đối với kết quả
của nhận thức. Ngược lại, nhận thức định hướng, điều khiển và điều chỉnh tình cảm
đi đúng hướng. Nói cách khác, nhận thức là cơ sở, là cái lý của tình cảm, chỉ đạo
tình cảm, lý và tình là hai mặt của một vấn đề nhân sinh quan thống nhất trong
một con người[7]. Ví dụ, chính tình mẫu tử của
người mẹ là động lực mạnh mẽ thôi thúc bà làm lụng vất vả để tạo cho con cái
mình một cuộc sống tốt đẹp. Như thế, nếu không có tình cảm, thì nhận thức của
con người khó có thể trở nên hành động trong thực tế.
3. Tình cảm đối với hành động
Tình cảm chiếm vị trí đặc biệt
quan trọng trong số những động lực và nhân tố điều chỉnh hành vi của con người.
Tình cảm nảy sinh và biểu hiện trong hoạt động, là động lực của hành động, thúc
đẩy hoặc kìm hãm hành động. Khi tình cảm, cảm xúc ủng hộ cho quyết định của ý
chí thì nó sẽ làm tăng sức mạnh của ý chí, điều đó làm cho con người dễ đi đến
thành công, dễ dàng đạt được mục tiêu mình đã đề ra. Nhưng một khi tình cảm đi
ngược lại ý chí thì nó sẽ kìm hãm, làm cản trở hành động của chủ thể khiến con
người cần phải dùng ý chí để kiềm chế sự ảnh hưởng của tình cảm, hạn chế tối đa
ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với hành động. Nguyên lý này được ví như hình ảnh
giữa con ngựa và dậy cương. Thể chất con người như con tuấn mã vào trận, sức ngựa
hùng mạnh và cường tráng. Tuy nhiên, ngựa hùng mạnh ấy lại bị điều khiển bởi một
sợi dây cương nhỏ bé, đó là tâm thần, tình cảm. Sợi dây tâm lý này hướng dẫn
các cử chỉ đang làm[8].
Tình cảm còn giúp con người vượt
qua những khó khăn trở ngại gặp phải. Một ví dụ điển hình là vì để báo hiếu cha
mẹ mà nhiều người con đã chẳng quản ngại những vất vả, thất bại trong cuộc sống
để cố gắng vươn đến thành công. Và thực tế cho thấy rằng, con người được sống
trong tình cảm yêu thương sẽ tin tưởng hơn vào cuộc sống. Chỉ với một vài hành
động nhỏ nhưng thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia, chúng ta sẽ có thể tiếp thêm cho
người khác động lực vươn lên khỏi nghịch cảnh của họ. Thêm vào đó, tình cảm còn
kích thích khả năng sáng tạo của con người, đưa con người chạm đến những chân
trời xa xăm của những điều mới mẻ.
4. Tình cảm đối với các thuộc tính tâm lí khác
Tình cảm có mối quan hệ và chi phối
toàn bộ các thuộc tính tâm lí của nhân cách con người. Tình cảm chi phối tất cả
các biểu hiện của xu hướng nhân cách: nhu cầu, lí tưởng, hứng thú, thế giới
quan, niềm tin; là điều kiện và động lực để hình thành năng lực; tình cảm là mặt
nhân lõi của tính cách; là yếu tố có quan hệ qua lại với khí chất con người[9]. Như vậy, sự tổng hòa bên
trong một con người hệ tại rất nhiều đến những biểu hiện tình cảm.
5. Tình cảm đối với tổng thể đời sống con người
Nhu cầu đời sống tình cảm được
xem như là thuộc về bản năng sinh tồn bởi con người là loài có xã hội tính, cần
thiết phải tương tác với người khác ở một mức độ nhất định. Mặc dù, có những
người không thích giao tiếp và tương tác với người khác, nhưng họ vẫn sẽ cảm thấy
trống trải khi bị cô lập một mình. Có thể nói con người không có đời sống tình
cảm thì không thể tồn tại được. Khi con người bị đói tình cảm thì đời sống con
người bị rơi vào tình trạng rối loạn và con người không thể phát triển bình thường
về mặt tâm lí. Chính vì thế, tình cảm có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống
con người, là chất keo vô hình gắn kết con người với nhau và làm cho cuộc
đời đáng sống[10].
III. VAI TRÒ CỦA TÌNH CẢM ĐỐI VỚI NGƯỜI TU SĨ
Trước khi là những người được
thánh hiến thì các tu sĩ là những con người bình thường. Vì thế, nếu vai trò của
tình cảm quan trọng với một người bình thường như thế nào, thì nó cũng quan trọng
với người tu sĩ như thế đó. Tuy nhiên, vì người tu sĩ chọn cho mình một lối sống
vượt xa các Kitô hữu bình thường, nên đời sống tình cảm của họ còn có những vai
trò khác biệt hơn nữa. Có những quan niệm lệch lạc cho rằng người tu sĩ khi chọn
lối sống tu trì thì phải loại bỏ đời sống tình cảm vì nó sẽ phương hại cho đức
khiết tịnh. Tuy nhiên, tình cảm chính là đơn vị cấu thành con người và gắn liền
với cuộc sống của các tu sĩ, nếu tiêu diệt chúng thì đồng nghĩa với việc họ
đang thủ tiêu cả con người của mình. Vì thế, không phóng đại khi nói rằng đời sống
tình cảm là một trong những yếu tố quan trọng trong thế giới nội tâm giúp người
tu sĩ sống sung mãn ơn gọi thánh hiến của mình[11].
1. Tình cảm đối với đời sống thiêng liêng
Các khía cạnh trong đời sống thể
lý, tâm lý, và tâm linh thường có ảnh hưởng, tương tác và bổ sung cho nhau. Như
thánh Tôma Aquinô đã nhận định: “Ân sủng được xây dựng trên tự nhiên”. Quả vậy,
sự trưởng thành tình cảm giúp tiến xa trên đường tâm linh, sự toàn thiện Kitô
giáo và sự sung mãn trong đời sống dâng hiến, vì làm sao con người có thể trèo
lên đỉnh núi, nếu dưới đồng bằng họ chưa vững bước[12].
Đời sống tình cảm là cái nền tự nhiên để xây dựng thế giới siêu nhiên và giúp
người tu sĩ ngày càng “hướng thượng”. Điều này có nghĩa là sự thăng tiến trong
đời sống thiêng liêng sẽ được trở nên dễ dàng nhờ những cơ năng tâm thần lành mạnh
và sự thích ứng tâm lý cần thiết. Ngược lại, sự lệch lạc trong đời sống tình cảm,
tâm cảm sẽ làm suy yếu việc chú tâm vào những giá trị cao hơn. Người tu sĩ thiếu
thích ứng về phương diện tình cảm thì quá bận tâm về chính mình, về đối tượng
con người mà mình hướng đến, mà sao nhãng việc hoàn toàn tập trung cái nhìn và
con tim vào Đức Kitô. Những giao động hay “chấn động cảm xúc” (emotional
upsets) ngăn cản họ thấu hiểu các chân lý thần khải, và từ đó cũng hạn chế sự
triển nở của đức ái thần linh nơi họ. Một tu sĩ bị chìm ngập trong sự thúc
bách, mơ mộng hay những hình thức căng thẳng thần kinh khác thì sẽ bị tê liệt sự
tự do, không thể hiểu được ý nghĩa của sự siêu thoát đích thực, tình yêu tha
nhân và nhất là sự hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa. Người tu sĩ bị thống trị
bởi những tình cảm tiêu cực thì họ sẽ có những cử chỉ dư thừa, vụn vặt và cảm
giác tội lỗi. Nó làm tiêu hao sức khỏe thể xác, tạo ra sự giằng xé nội tâm, và
tệ hại hơn là phá hoại đời tu. Họ không được “tự do để tận hiến” hay “siêu
thoát”. Thêm vào đó, những người tu sĩ bị lệch lạc tình cảm và thiếu trưởng
thành tâm cảm sẽ sa lầy trong các sự cùng khốn nội tại, họ sống trong tình trạng
hỗn loạn, vốn là nguyên nhân làm mất đi căn tính và ý nghĩa đời tu[13].
2. Tình cảm đối với đời sống nhân bản
Đời sống tình cảm của người tu sĩ
được thể hiện cách minh nhiên qua những biểu hiện nhân bản trong đời sống thường
ngày. Người tu sĩ biết làm chủ tình cảm là người có thể làm chủ nhân bản và tạo
hình ảnh đẹp trước mặt mọi người. Họ biết làm chủ lý trí trên cảm xúc, biết khước
từ những thỏa mãn cá nhân để đem niềm vui và lợi ích cho người khác, biết vượt
qua sự ích kỷ để đi vào những tương quan đích thực với kẻ khác. Họ không phủ nhận
tình cảm nhưng sử dụng tình cảm cách trật tự, biết “thanh tao hóa” nhu cầu tình
cảm bằng sự dấn thân trong tận tụy, hy sinh vì lý tưởng đời dâng hiến. Nói một
cách khác, người trưởng thành tình cảm là nhờ biết thăng hoa xung năng tính dục
một cách gần như tự động, nghĩa là từ cấp độ ý thức kiềm chế đến cấp độ gần như
tự động được giải thoát qua những hành động tích cực và sáng tạo. Đó là người
biết thiết lập tương giao đúng đắn dựa trên ngôi vị và liên vị, chứ không như đối
vật[14]. Người trưởng thành tình cảm
thì đi vào tương giao bằng tình yêu xả kỷ, quảng đại và quên mình.
3. Tình cảm đối với đời sống trí năng
Trong thế giới hiện đại, trình độ
dân trí ngày càng được nâng cao, đòi hỏi người tu sĩ cũng phải gia tăng sự hiểu
biết và phát triển khả năng trí óc của mình. Khi lựa chọn một linh đạo để bước
theo, người tu sĩ cũng phải xác định rõ lĩnh vực mà mình sẽ dấn thân vào phục vụ.
Đặc biệt, người tu sĩ luôn hướng đến việc thủ đắc tri thức trong các môn thánh
khoa để truy tầm sự hiểu biết về Thiên Chúa mà chia sẻ cho tha nhân. Chính sự
thao thức, những tình cảm thâm sâu dành cho những đối tượng cụ thể trong xã hội
thôi thúc người tu sĩ tích lũy kiến thức bổ ích để phục vụ cách hữu hiệu.
4. Tình cảm đối với Hoạt động tông đồ
Người tu sĩ mang trong mình một
trái tim rộng lớn ấp ủ cả thế giới và tất cả mọi kiếp người. Khả năng yêu
thương của họ phải trải rộng và vươn xa để họa lại tình yêu của Thiên Chúa.
Chính vì thế, họ phải sở hữu một đời sống tình cảm giàu có theo hướng thanh khiết,
để thực thi sứ mạng của mình giữa lòng thế giới. Những tình cảm chất chứa trong
nội tâm sẽ biến thành nguồn động lực cho mọi hoạt động tông đồ. Sự quân bình
trong tình cảm của người tu sĩ sẽ là tấm ván nhún để họ lấy đà cất mình lên. Họ
sẽ trèo lên một vùng đất đẹp đẽ, với biết bao sức mạnh nội tại, với một sự sáng
suốt minh mẫn đầy tình khoan dung độ lượng mang tính “hướng tha”. Sự rộng lượng,
khả năng yêu thương của họ sẽ không còn phát sinh từ nhu cầu hèn kém nhưng
thoát thai từ một quyền năng đầy trầm tĩnh, được khơi nguồn từ một sức mạnh cao
cả. Như vậy, đời sống tình cảm chính là chất xúc tác mạnh mẽ cho mọi hoạt động
tông đồ của người tu sĩ.
LỜI KẾT
Có người đã nói rằng: “Con vật chỉ tồn tại, còn con người thì sống”. Sống, tức con người được hưởng những đặc ân mà Thiên Chúa ban tặng, cụ thể là có một cái đầu biết suy nghĩ và một trái tim đa sầu đa cảm. Con người thật tuyệt vời, thật vĩ đại khi có một đời sống tình cảm thật phong nhiêu. Tình cảm thật uy lực, sức mạnh của nó thật phi thường, mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống vì “Nước lũ không thể nào dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng thể nào vùi lấp” (Dc 8,7). Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã chân nhận rằng: “Không có tình yêu, các hành vi, dù sáng chói nhất, cũng không đáng kể gì”. Quả vậy, nếu không có tình cảm, cuộc sống sẽ khô hạn, cằn cỗi biết nhường nào, khoảng cách giữa người với người thật xa xôi. Và nếu thiếu vắng tình cảm, thiếu tình yêu thương thì thế giới này thật đáng sợ bởi “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi thiếu tình thương”. Nhìn chung, khi xã hội ngày càng phát triển thì những giá trị cốt lõi của đời sống tình cảm ngày càng bị phai một và biến tấu một cách khôn lường. Sự “vô tâm vô tính” dần trở thành bản năng của con người, còn “tinh thần vị nghĩa” lại trở thành điều hoang tưởng bởi nó như chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích mà thôi. Thậm chí, nó còn làm cho nhiều người không dám tin vào hay trao tặng những điều tốt đẹp nhất cho thế giới xung quanh. Ước mong rằng khi hiểu rõ vai trò của tình cảm đối với cuộc sống của mình và tha nhân, những người sống đời thánh hiến sẽ luôn tiên phong khai mở “con đường tình thương” cho muôn người khác, để nhân loại có thể tìm về với Đấng Giàu Lòng Xót Thương.
[1] Romanus Cessario,O.P,
Introduction to Moral Theology, The Catholic University of America Press
2001, 22.
[2] Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên) Nguyễn Văn Lũy - Đinh Văn Vang, Giáo trình tâm lý học đại cương, NXB Đại
học Sư Phạm Hà Nội 2015, 116.
[3] Nguyễn Thị Huyền, Tình Cảm
là gì? https://luathoangphi.vn/tinh-cam-la-gi/, Truy cập ngày 30/09/2022.
[4] Đinh Thùy Dung, Tình cảm,
Vai trò và Mức độ của tình cảm, https://luatduonggia.vn/tinh-cam-la-gi-dac-diem-vai-tro-va-cac-muc-do-cua-tinh-cam/, Truy cập ngày 25/09/2022.
[6] Why is love so important?
https://economictimes.indiatimes.com/blogs/et-vedanta/why-is-love-so-important/, Truy cập ngày 29/09/2022.
[7] Luật Minh Khuê, Mối quan hệ
giữa ý chí với nhận thức và tình cảm, https://luatminhkhue.vn/moi-quan-he-giua-y-chi-voi-nhan-thuc-va-xuc-cam-%E2%80%93-tinh-cam.aspx, Truy cập ngày 03/10/2022.
[8] Phêrô Chu Quang Minh, S.J, Biết
Mình Để Sống Vui, Đại chủng viện Bùi Chu, lưu hành nội bộ 1992, 289.
[9] Đinh Thùy Dung, Tình cảm,
Vai trò và Mức độ của tình cảm, https://luatduonggia.vn/tinh-cam-la-gi-dac-diem-vai-tro-va-cac-muc-do-cua-tinh-cam/, Truy cập ngày 25/09/2022.
[10] The Glue That Holds Us
Together, https://uucb.org/the-glue-that-holds-us-together1/, Truy cập ngày 03/10/2022.
[11] Charles Serrao, OCD, Biện
Phân Ơn Gọi Tu Trì (Linh mục Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R., chuyển ngữ), Nxb
Tôn Giáo 2018, 29.
[12] Đức Piô XII trong bài huấn từ ban cho các cha dòng Cát Minh nhân
kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Học Viện Quốc Tế của Dòng tại Rôma, ngày 23/09/1951.
[14] Giuse Trần Sĩ Nghị, Trưởng
thành tâm cảm trong đời tu, http://xuanbichvietnam.net/trangchu/truong-thanh-tam-cam-trong-doi-tu/, Truy cập ngày 02/10/2022.