ỦY BAN PHỤNG TỰ:
GIẢI ĐÁP VỀ CỬ HÀNH THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH
Ngày 27 tháng 3 năm 2024
Câu hỏi:
Vào chập tối ngày thứ Bảy Tuần Thánh, nhiều giáo xứ cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh thứ nhất dành cho thiếu nhi, và Thánh
lễ Vọng Phục sinh thứ hai dành cho người lớn. Vậy, có được phép cử hành hai Thánh lễ Vọng Phục
sinh tại cùng một nhà thờ không?
Đáp: Không.
Chỉ được cử hành một Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại mỗi nhà thờ mà thôi như được
hướng dẫn rõ ràng trong chữ đỏ của Sách lễ Rôma [2002] như sau:
Đêm Vọng
này là đỉnh cao, vượt trên mọi đại lễ, vì thế chỉ được cử hành một lần trong
mỗi nhà thờ theo trình tự: sau nghi thức thắp nến và công bố Tin Mừng phục
sinh (phần thứ nhất của Đêm Vọng), Hội Thánh, với trọn niềm tin tưởng vào lời
Chúa và điều Người hứa, suy niệm về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho
dân Người thuở ban đầu (phần thứ hai hay phụng vụ lời Chúa), đến lúc sắp bước
sang ngày mới, khi các thành viên mới đã được tái sinh trong giếng rửa tội (phần
thứ ba), Hội Thánh được mời đến bàn tiệc Chúa đã dọn sẵn cho Dân Người, cử hành
lễ tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa cho tới khi Người đến (phần thứ tư) (Sách lễ Rôma [2002], “Đêm Vọng Phục Sinh,” số 2).
Chúng ta có thể hiểu thêm về quy định trên trong:
1/ Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục
Sinh của Bộ Phụng tự ban hành ngày 20/01/1988 (Prot. N. 120/88): “Vào dịp này, ước mong nhiều cộng đoàn gần nhau hoặc những nhóm ít người,
không thể tổ chức các nghi thức tuần thánh, qui tụ về một nhà thờ để cử
hành các nghi thức chung với nhau. Những cử hành Canh Thức Vượt Qua cho các
nhóm đặc biệt không được khuyến khích, vì ý nghĩa vượt trên cả việc Canh
Thức này, là các tín hữu phải hiệp nhất nên một và cùng diễn tả chung một tâm
tình về cộng đoàn giáo hội. Những tín hữu di dân được khuyến khích tham dự vào
các cử hành phụng vụ ở những nơi thuận tiện cho họ” (số 94).
2/ Sách lễ Rôma [1975 / 2002]: “Trong đêm rất thánh này, đêm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã
hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, tức là từ cõi chết sống lại, Hội Thánh kêu mời con
cái ở khắp nơi trên hoàn cầu, cùng họp nhau lại mà canh thức cầu nguyện (Sách
lễ Rôma [1975], “Canh Thức Vượt Qua - Qui Luật Cần Biết”,
số 8 / Sách lễ Rôma [2002], “Đêm Vọng
Phục Sinh,” số 9).
Vậy, chỉ được
cử hành một Thánh lễ Đêm Vọng Phục Sinh tại mỗi nhà thờ mà không có bất cứ Thánh lễ nào được cử hành
vào thứ Bảy Tuần Thánh trước Thánh lễ Đêm Vọng Phục Sinh này.