Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯỜNG HUẤN THÁNG 02/2024:
SỐNG ƠN GỌI TÔNG ĐỒ - SỰ THAM GIA CỦA GIÁO DÂN VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Bài
2: NGƯỜI GIÁO DÂN ÔM ẤP CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO - Lm. Antôn Hà Văn Minh Bài
3: SỐNG LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO - Lm.
Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J. Bài 4: ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ - Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J. |
Bài 1: HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ - HỌ ĐẠO VIỆT NAM - Lm. Gioan Bùi Thái Sơn
1. Giáo xứ trong giáo
hội
Thuật ngữ Hy lạp "paroikia" nghĩa là "những
người sống gần hay bên cạnh", một cộng đoàn cùng địa giới. Tên gọi này xuất
hiện từ thế kỷ II sau công nguyên, bắt nguồn từ các thành thị sau lan ra các
làng quê. Khi đế quốc Roma suy tàn, vào thế kỷ thứ VIII, bắt đầu có các
"nhà thờ tư nhân" do cá nhân hay một nhóm người điều hành qua thể chế
"beneficio" (bổng lộc). Quan niệm nhà thờ – giáo xứ - "bổng lộc"
cho một giáo sĩ kéo dài cho đến Vatican II.
Theo tinh thần Công Đồng, Giáo Luật 1983 (điều 515) định
nghĩa giáo xứ như một cộng đoàn Dân Chúa với các yếu tố chính:
- 1 cộng đoàn dân Công giáo được
thiết lập chính thức;
- 1 phần địa giới nhất định của
giáo phận;
- 1 nhà thờ;
- 1 vị mục tử chịu trách nhiệm chăm
sóc các linh hồn.
Giáo xứ là một pháp nhân theo giáo luật với các quyền lợi và
nghĩa vụ đối với giáo phận và Giáo hội.
Trong Giáo Hội toàn cầu, Bộ Truyền Giáo phê chuẩn lần đầu một
tổ chức "concilium fabricae a bonis ecclesiae parochialis
administrandis", ngày 21/07/1856, và sau đó khuyên các xứ truyền giáo khác
nên theo. Bộ Giáo Luật 1917 chỉ tạm chấp nhận tổ chức Concilium fabricae này vì
các tranh chấp quyền hạn, nhất là trong Giáo hội Mỹ. Theo tinh thần mới của
Vatican II (Tông Đồ Giáo Dân, số 26), hiện nay trong giáo xứ, Giáo hội muốn có
hai tổ chức giáo dân giúp đỡ cha xứ trong việc mục vụ và quản trị kinh tế giáo
xứ: Hội đồng Mục vụ và Hội đồng Kinh tế (cann. 536; 537). Trong thực tế trên thế
giới, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ vẫn chỉ là mong ước của các vị Mục Tử.
2. Cấu trúc lịch sử Hội
đồng Giáo xứ Việt Nam, 1670 –1880
Khi các thừa sai Dòng Tên thành lập các cộng đoàn bền vững đầu
tiên, dân tộc Việt Nam đã có một tổ chức xã hội chặt chẽ theo hệ thống đại gia
đình và làng xã. Mỗi họ, gia tộc đều có hội đồng gia tộc, gồm các ông trùm –
trưởng tộc, lo việc quản trị của hương hoả, nhà thờ họ, bàn thờ, tủ thờ, sổ gia
phả – thế phả và các đồ dùng tế tự. Hội đồng gia tộc được luật pháp (Bộ luật Hồng
Đức; Gia Long) công nhận quyền quản trị tài sản và cả quyền xét xử.
Do tinh thần gia tộc và làng xã rất cao, những người Việt
Nam thế kỷ XVII thường theo Kitô từng nhóm lớn, toàn bộ một họ hay một làng. Họ
lập tức hình thành "họ đạo" và bầu ra "các trùm họ" để coi
sóc "họ đạo" và "nhà thờ họ", lo giữ "sổ họ" và
làm "sổ gia đình". Công đồng Dinh Hiến 1670 chia địa phận Đàng Ngoài
làm 9 "xứ"[1] để giao cho 9 thầy giảng vừa
tiến chức linh mục (dưới quyền 3 linh mục thừa sai). Mỗi xứ có một thầy giảng
làm trưởng ban tài chính, nhưng do "cha xứ" chịu trách nhiệm với địa
phận; trong các họ đạo vẫn do các trùm họ tự điều hành.
Tổ chức "trùm họ", theo mẫu hội đồng gia tộc và hội
đồng hương xã lúc đó, có các ưu điểm không chối cãi được qua lịch sử:
- có khả năng tồn tại và bảo vệ cộng
đoàn qua các thời kỳ khó khăn, vắng bóng linh mục lâu năm;
- có uy tín lớn trong cộng đoàn và
thực sự đóng góp rất lớn trong việc xây dựng tinh thần cộng đoàn, nắm vững tình
hình dân Kitô giáo;
- tổ chức linh hoạt việc thờ phượng;
- đóng góp công của rất nhiều cho cộng
đoàn, rất ít khi thâm lạm của chung...
Tổ chức "trùm họ" có những nguy cơ thường xuyên đi
ngược tinh thần của Giáo Hội:
- coi linh mục chỉ là một pháp sư
được mời tới lo tế tự khi cần;
- coi mình là đại diện chính thức của
họ đạo;
- coi trọng các hình thức hội hè
đình đám mị dân hơn là những công việc căn bản của Dân Thánh: Phụng Vụ chính thức,
học hỏi và truyền bá Phúc Âm, bác ái cộng đoàn;…
- chỉ lo cho họ mình, tách rời và
đóng kín khỏi môi trường những người ngoại….
Tổ chức "trùm họ" có công lớn với lịch sử Giáo hội
Việt Nam và còn bền vững đến hôm nay như một đặc điểm truyền thống và ưu thế của
Giáo hội Việt Nam.
2. Chức sở mục lệ của Giáo hội đàng trong
1880-1968
Lo ngại trước các khuyết điểm của tổ chức "trùm họ"
và thầy giảng, công đồng Sàigòn 1880 đã có những quyết định thay đổi mục vụ quan
trọng. Bên cạnh hội đồng trùm họ, có một nhóm "biện việc" được tổ chức theo mẫu Conseil de fabrique của Giáo Hội Pháp [2].
Conseil de fabrique là tổ chức dân sự
do chính quyền Pháp quy định từ 1809 đến 1905, có nhiệm vụ quản trị tài sản nhà
thờ và trả lương giáo sĩ, dưới quyền điều khiển của xã trưởng.
Trước đây, theo luật Hồng Đức, mỗi di chúc hợp pháp phải để
lại một phần mười di sản làm của hương hoả; người Công giáo đã có thói quen
giao của hương hoả này lại cho ông trùm họ đạo đứng tên. Dưới thời Pháp thuộc,
số tài sản nhà thờ tăng nhanh và đứng tên địa phận. Một số nhân công, "biện
việc", được thuê lo việc quản lý tài sản các họ đạo dưới quyền cha sở; vì
các xã trưởng người ngoại không xen vào chuyện tài sản nhà thờ. Theo kiểu Pháp,
các ông biện đeo dây tam tài trong
các đại lễ như hội đồng xã dân sự.
Chức sở mục lệ
dành cho cha sở quyền tuyển chọn trực tiếp hay chuẩn nhận hội đồng quý chức. Do đó, trong họ đạo, dần dần mấy ông biện thay
thế các trùm họ do dân bầu. Thường các ông biện về già giao việc quản lý tài sản
nhà thờ lại cho con mình, nhưng vẫn giữ tước vị ông biện. Hội đồng quý chức,
vào thời di cư 1954, trở nên già lão quá đáng và không còn uy tín trong giáo
dân[3].
3. Hội đồng giáo xứ của
Giáo hội đàng ngoài 1900-1954
Đứng trước các vấn đề tương tự ở Đàng Trong, Công đồng Kẻ Sở
1900 và 1912 chọn những đường hướng khác: duy trì tổ chức thầy giảng và trùm họ,
nhưng có những thay đổi quan trọng.
Trường thầy giảng không còn được coi là phương thế huấn luyện
linh mục và được tổ chức song song trong thế yếu so với chủng viện. Các thầy giảng
được giao phó quản trị tài sản địa phận dưới quyền cha quản lý, tài sản Nhà Đức
Chúa Trời dưới quyền cha xứ. Thầy giảng kiêm nhiệm toàn bộ việc tổ chức đọc
kinh, sắp đặt trong nhà thờ và nhà xứ, lo việc mục vụ và bác ái.
Hội đồng Giáo xứ vẫn do dân bầu và cha xứ duyệt trước khi
trình Đức Cha. Quyền hạn của Hội đồng Giáo xứ bị thu hẹp tối đa và chức vị ông
trùm hầu như chỉ là danh dự, là người góp của. Hội đồng Giáo xứ quyên góp bằng
cách bổ nhân danh cho những dịp đặc biệt; quỹ hàng xứ rất nhỏ, hầu như do các
ông trùm đóng góp[4].
Sau năm 1954, do thiếu các linh mục và thầy giảng, Hội đồng
Giáo xứ dần dần tự lo việc tổ chức và quản trị giáo xứ.
4. Hội đồng Giáo xứ Việt Nam hiện tại
Sau Công Đồng, các giám mục miền Nam Việt Nam lo nghĩ đến việc
cải tổ hội đồng quý chức, vì những nguyên nhân rõ rệt:
- tài sản đất đai của giáo hội bị mất
quá nhiều, không còn cần đến nhóm "biện việc" quản trị;
- ảnh hưởng của Hội đồng Giáo xứ các
xứ di cư do dân bầu có uy tín và tích cực hơn;
- ảnh hưởng của các nhóm tông đồ
giáo dân thịnh hành….
Không có điều kiện để ban hành một Directorium giáo phận,
các Đức Giám mục tạm giải quyết bằng Chỉ
Nam Linh Mục, Năng Quyền Thập Niên
và Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ. Năm
1968, Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ban hành Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ và Quy Chế Giáo Dân cho Nha Trang. Theo mẫu
này, lần lượt có các Quy Chế của Huế (1969); Sài Gòn và Phú Cường, Long Xuyên,
Xuân Lộc (1971); Đà Lạt (1973); Cần Thơ (1974). Đặc điểm của các quy chế mới
là:
- nhấn mạnh việc do dân bầu hơn;
- chú trọng đến khả năng cộng tác
vào hoạt động mục vụ.
Sau 1975 và nhất là sau khi ban hành Bộ Giáo Luật 1983, Giáo
hội Việt Nam có nhu cầu ban hành một quy chế hội đồng giáo xứ mới. Để giải quyết
tạm thời, Đại Chủng viện Hà Nội cho các Đại Chủng sinh học lại Directorium
1941. Năm 1993, Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc ban hành các văn bản Đào Tạo Giáo Dân, Sinh Hoạt Ban Hành Giáo và
Hướng Dẫn Sinh Hoạt Ban Hành Giáo. Năm 1997, Đức Giám Quản Huỳnh Văn Nghi
phổ biến bản Quy chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo
Xứ mới cho giáo phận Tp.HCM. Do hoàn cảnh, cả hai quy chế của Xuân Lộc và Tp.HCM
đều rất ngắn và giản lược tối đa.
Ngày 18.05.2002, Đức Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn công bố Quy Chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ mới cho
tổng giáo phận Tp.HCM. Ngày 01/06/2015, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã
công bản Quy chế mới đã được bổ sung chỉnh sửa.
Như thế, tổ chức Hội đồng Giáo xứ vừa là điều bắt buộc theo
giáo luật (cann. 536; 537), vừa là một truyền thống của Giáo hội Việt Nam.
Bài 2: NGƯỜI GIÁO DÂN ÔM ẤP CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO -
Lm. Antôn Hà Văn Minh
Công đồng Vatican II đã minh định: “Giáo dân phải hợp tác
vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh; là những chứng nhân và đồng thời là những
công cụ sống động, họ chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh” (AG số 41).
Và Đức Thánh cha Phanxicô khẳng quyết: trong Dân Thiên Chúa,
“không có sự phân công trách nhiệm cho những người này là rao giảng Tin Mừng bằng
cách này hay cách khác, và những người kia thì im lặng […], cũng không có những
người này thì hoạt động tích cực và những người kia thì không”. Bởi vì, mỗi người
đã được rửa tội đều được mời gọi loan báo Tin Mừng, bất kể chức vụ hay trình độ
kiến thức đức tin của họ. Để không nhốt mình trong sự tĩnh lặng, Đức Thánh Cha
mời gọi mỗi Kitô hữu nhận ra vẻ đẹp và sự nhưng không của món quà đã được trao
cho mình và mang món quà này đến cho người khác: “Các con đã nhận được nhưng
không, hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10, 8)[5].
Tuy nhiên để công việc truyền giáo có thể đạt tới kết quả tốt
đẹp, trước tiên người Giáo dân phải “ôm ấp sứ mạng truyền giáo”, có nghĩa là phải
yêu mến và say mê công việc truyền giáo, hay nói như Đức Phanxicô là phải đam
mê: đam mê đối với Chúa Giêsu và đam mê đối với dân của Người. Niềm đam mê này
được hình thành từ việc say mê Tin Mừng Chúa Giêsu, để có thể nói như Phaolô:
“Vô phước cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Sự say mê Tin Mừng được bắt nguồn nhận thức về hồng ân đức
tin mỗi tín hữu nhận được qua Bí tích Rửa tội. Với hồng ân này, mỗi người khám
phá ra Tình yêu trọng đại của Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại qua Đức Giêsu
Kitô. Chính nhờ Người mà chúng ta nhận được phẩm giá cao trọng, được trở thành
con Thiên Chúa và được gọi người là Cha, trong Thần khí của Thiên Chúa chúng ta
kêu lên: “Abba - Cha ơi” (Rm 8, 15). Nhờ đó, chúng ta khám phá ra rằng, tình
yêu tự hiến của Đức Giêsu trên Thập giá mang lại cho nhân loại một niềm vui
khôn tả, bởi nhờ máu tuôn trào từ Thánh Tâm, nhân loại được giải thoát khỏi cảnh
tối tăm của sự chết, được giải phóng để bước vào vùng sáng của sự sống vĩnh hằng.
Qua hồng ân đức tin mỗi người chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta hiểu rằng Chúa muốn
dùng chúng ta để đến gần hơn với dân yêu dấu của Ngài và với tất cả những ai
thành tâm tìm kiếm Ngài.
Quả thật, khi tháp nhập mỗi người tín hữu vào Thân thể Mầu
nhiệm của Ngài, Chúa Kitô đã trao cho mỗi người sứ vụ chuyển tải niềm vui của
Tin Mừng đến cho mọi người. Niềm vui mà mỗi tín hữu cảm nhận được trong vòng
tay yêu thương của Người khi trao tặng chính mình Người cho chúng ta qua Lời và
Thánh Thể. Quả thật, Lời và Thánh thể là phương thế để mỗi tín hữu gặp gỡ với Đức
Kitô cách cá vị. Chính qua cuộc gặp gỡ này, tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm
vui, bởi nói như Đức Phanxicô “niềm Vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống
của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người
thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với
Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh”[6].
Bởi đó, để có thể ôm ấp sứ vụ truyền giáo, người giáo dân
không thể nào không quan tâm đến việc đọc và học Lời Chúa. Đức Bênêđictô XVI khẳng
định:
“Trong viễn tượng loan báo Tin Mừng,
tôi khuyến khích mọi tín hữu hãy làm mới lại những kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân
và cộng đoàn với Đức Kitô, Lời Sự Sống đã trở nên hữu hình, và hãy trở thành những
sứ giả của Người, để hồng ân sự sống và hiệp thông của Thiên Chúa cứ được lan
tràn ra mãi trên khắp thế giới. ... Hồng ân và nhiệm vụ cấp thiết của Giáo Hội
là phải thông chia niềm vui đó, niềm vui phát xuất từ sự gặp gỡ với Con Người Đức
Kitô, Lời Thiên Chúa, hiện diện giữa chúng ta. Trong một thế giới thường xem
Thiên Chúa như là thừa thãi và xa vời, chúng ta hãy tuyên xưng như thánh Phêrô
rằng duy một mình Ngài mới có ‘những lời đem lại sự sống đời đời’ (Ga 6,68). Không có điều ưu tiên nào lớn
hơn ưu tiên này là: hãy mở ra lại cho con người ngày nay con đường đến với
Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa đang nói và chia sẻ với chúng ta tình yêu của
Ngài, để chúng ta có được sự sống dồi dào (x. Ga 10,10)”[7].
Việc say yêu Lời Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Thánh Thể
Chúa Giêsu, bởi qua Thánh Thể mỗi người chúng ta gặp gỡ Chúa cách sống động, nhờ
con mất đức tin, chúng ta nhìn thấy Chúa Kitô diện đối diện, chúng ta được diện
kiến với Đấng đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta (Ga 1, 14), để trở nên
lương thực nuôi dưỡng chúng ta, và qua sự hiệp thông Thánh Thể chúng ta và được
biến đổi để nên giống Chúa. Vì thế, để có thể ôm ấp sứ vụ truyền giáo, chúng ta
phải vun trồng một niềm ao ước rằng Thánh Thể phải tạo được hiệu quả sâu xa hơn
vào trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những
chứng nhân thuyết phục trong môi trường làm việc cũng như trong tất cả môi trường
xã hội[8].
Mỗi người tín hữu qua bí tích Rửa tội được trở nên thành phần
của Giáo Hội, được dự phần vào sứ vụ của Chúa Kitô, vì thế giáo dân có ơn gọi
và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Giáo dân góp
phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội... Họ đem những người có lẽ
đang xa lạc trở về với Giáo Hội; họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền Lời
Chúa, nhất là bằng việc dạy giáo lý; họ đem khả năng của mình làm cho việc coi
sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sinh hiệu quả hơn”
(AG số 33). Vì thế, mỗi người hãy yêu mến ơn gọi và sứ vụ loan báo của
mình, và phải nỗ lực nuôi dưỡng lòng mến yêu này bằng những cuộc gặp gỡ các vị
với Chúa Kitô.
Câu hỏi gợi ý:
1)
Các chủ chăn có phương thế giúp đỡ để người giáo dân ý thức về nhiệm vụ loan
báo, và yêu mến sư vụ này?
2)
Trong một cuộc sống hưởng thụ và đầy bon chen, với ơn gọi tông đồ của người
giáo dân, chúng ta có tìm cách hun đúc tinh thần truyền giáo và yêu mến các
linh hồn qua Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể?
3)
Tôi đã làm gì để kiến tạo được những cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trong cuộc sống
thường ngày?
Bài 3: SỐNG LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO - Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Linh đạo truyền giáo mở ra một hành trình từ trái tim đến
hành động, nơi mỗi Kitô hữu được mời gọi sống lời Chúa và trở thành người môn đệ
truyền giáo:
“Mỗi người Kitô hữu có bổn phận, ở đây và bây giờ, phải dấn thân cách
tích cực vào công cuộc Tin mừng hóa; quả thật, bất kỳ ai đã thật sự trải nghiệm
Thiên Chúa yêu thương cứu độ, thì không cần được huấn luyện nhiều thời gian và
dài lâu để ra đi và công bố tình yêu đó. Mỗi người Kitô hữu là một nhà truyền
giáo theo mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là ‘những môn đệ’ và ‘những
nhà truyền giáo’, nhưng đúng hơn, chúng ta mãi mãi là ‘những môn đệ truyền
giáo’” [9].
Sống linh đạo truyền giáo là một hành trình thiêng liêng sống
động, bởi vì đó là trung tâm của đời sống người môn đệ Chúa Giêsu, bắt nguồn từ
cuộc gặp gỡ thiết thân với Người. Trong cuộc gặp này, mỗi môn đệ truyền giáo cảm nhận sức mạnh thiêng liêng của lệnh truyền:
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Mỗi cuộc gặp gỡ
không chỉ đem đến niềm vui Tin Mừng mà còn thôi thúc họ tiếp tục gặp gỡ và lan
tỏa Lời Chúa.
Linh đạo truyền giáo không chỉ là một hành trình cá nhân,
nhưng còn là một hành trình cộng đoàn, làm nên sức năng động của một cộng đoàn
môn đệ truyền giáo. Trong bối cảnh giáo xứ, Linh đạo truyền giáo làm nên sức
năng động cộng đoàn, nơi mỗi người giáo dân không chỉ tham gia các cử hành phụng
vụ hay sinh hoạt mục vụ, mà còn trở thành những Tác viên của Tin mừng ngay
trong cộng đoàn mình. Linh đạo truyền giáo mở rộng phạm vi cộng đoàn giáo xứ ra
khỏi bức tường của nhà thờ và đi vào đời sống cộng đồng, làm cho mỗi giáo dân
trở thành nhân chứng sống động của Tin Mừng. Sức năng động của linh đạo truyền
giáo làm cho cộng đoàn giáo xứ lan tỏa Tin Mừng đến mọi ngóc ngách của đời sống.
Nơi cộng đoàn các môn đệ truyền giáo, cầu nguyện và phân định
chung là nền tảng trong hành trình sống linh
đạo truyền giáo. Cầu nguyện không
chỉ là thưa chuyện với Thiên Chúa mà còn khao khát sống tình thân với ngài; nhờ
đó, người môn đệ truyền giáo nhạy bén hơn với những gì thuộc về Chúa và có sức
mạnh để thực thi ý Ngài. Trong khi đó,
Phân định là quá trình cân nhắc và lựa chọn nhằm tìm kiếm ý Chúa, không chỉ
qua những quyết định cụ thể mà còn nuôi dưỡng và vun đắp một định hướng dấn
thân theo ý Chúa.
Thực hành cầu nguyện
và phân định làm cho linh đạo truyền giáo từ lý thuyết trở
thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống của người tín hữu, giúp họ thực
hiện sứ mệnh truyền giáo một cách ý thức và nhiệt tâm. Mỗi quyết định và hành động
xuất phát từ quá trình này không chỉ có ý nghĩa cho bản thân mà còn có tác động
tích cực đến cộng đồng và thế giới xung quanh. Qua đó, mỗi ngày sống của Kitô hữu
lan tỏa Tin mừng, niềm tin và hy vọng
vào mọi bối cảnh sống, từ hoạt động mục vụ giáo xứ đến việc góp phần vào cộng đồng
rộng lớn hơn, nhằm thực thi sứ mệnh của Chúa Giêsu.
Tóm lại, sống linh đạo truyền giáo là sống sức năng động vốn
có từ cuộc gặp gỡ thiết thân của người môn đệ với Chúa Giêsu. Từ đó, nơi mỗi
người môn đệ, linh đạo truyền giáo làm cho người môn đệ Chúa Giêsu lan tỏa ảnh
hưởng của Tin Mừng đến môi trường sống của mình. “Một ngọn lửa thắp lên nhiều
ngọn lửa” (Thánh Alberto Hurtado). Mỗi bước chân trên hành trình sống đời môn đệ
Chúa Giêsu góp phần vào một chuyển động lớn lao, đó là sức lan tỏa của Tin Mừng.
Mỗi người môn đệ được kêu gọi sống linh đạo truyền giáo, làm cho linh đạo truyền
giáo trở thành trái tim và trung tâm của cuộc sống đức tin, mang ánh sáng của
Tin Mừng đến với mọi nơi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa Giêsu.
Hồi tâm:
1)
Bằng cách nào tôi có thể góp phần lan toả Tin Mừng trong hoàn cảnh sống thường
ngày? Tôi có thể làm gì để thực thi sứ mệnh truyền giáo trong cộng đoàn giáo xứ?
2)
Tôi nhận ra điều gì về ơn gọi của mình như người môn đệ truyền giáo? Tôi đã thực
hiện những quyết định và hành động nào theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa?
3)
Tôi đóng góp như thế nào để tạo nên sức năng động của Tin Mừng trong cộng đoàn
giáo xứ? Tôi đã chia sẻ niềm tin của mình với người khác như thế nào, và làm thế
nào tôi có thể cải thiện hoặc mở rộng ảnh hưởng tích cực của mình đối với cộng
đồng?
Bài 4: ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ - Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Việc xây dựng và phát triển giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế
phụng thờ Thiên Chúa, sống, làm chứng và loan truyền Tin Mừng đòi hỏi tinh thần hợp lực và cống hiến không
nhỏ từ phía Hội đồng mục vụ giáo xứ (HĐMVGX). Là một cơ chế gồm những giáo dân
được tuyển chọn cẩn thận, HĐMVGX cùng với linh mục chánh xứ, đảm nhiệm vai trò
quan trọng trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các hoạt động mục
vụ, cũng như xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông trong cộng đồng. Để thực hiện
hiệu quả những nhiệm vụ này, mỗi thành viên của HĐMVGX cần phải sở hữu và phát
huy những đức tính cần thiết.
Mười hai đức tính mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị cho những
người phục vụ tại giáo triều hẳn cũng là những đức tính thích hợp và cần thiết
cho những người phục vụ tại giáo xứ [10],
cách riêng là thành viên HĐMVGX. Như những đức tính của người tông đồ, những đức
tính này không chỉ giúp mỗi thành viên HĐMVGX thi hành chức vụ một cách hiệu quả,
mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng và duy trì một cộng đoàn hiệp nhất,
yêu thương, cổ võ tình liên đới và tham gia, thúc đẩy sự sống và phẩm giá con
người.
1. Tinh thần truyền
giáo và mục vụ: Đức tính này đòi hỏi sự chăm chỉ và lòng yêu mến Giáo hội,
cũng như khả năng tiếp cận và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Người tông đồ cần thể
hiện sự quan tâm đến anh chị em trong cộng đoàn và sẵn sàng cứu giúp người khác
như những người phục vụ khôn ngoan (Mt 25,14-30).
2. Khôn ngoan và phù
hợp: Người tông đồ cần phải nỗ lực rèn giũa năng lực cá nhân nhằm tích lũy
kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để thực hiện trách nhiệm và bổn phận một cách
thông minh và sáng suốt. Họ cũng cần phải sẵn sàng đối mặt và giải quyết các
tình huống với sự khéo léo và sáng tạo.
3. Thiêng liêng và
nhân văn: thiêng liêng là xương sống của mọi việc phục vụ trong Giáo hội và
cộng đoàn giáo xứ; nó giúp nuôi dưỡng và bảo vệ hoạt động tông đồ khỏi sự yếu
đuối của con người và của các cám dỗ trong đời sống. Đồng thời, tính nhân văn
làm cho đức tin trở nên chân thực; nó thể hiện sự khác biệt của chúng ta - những
người phục vụ, với máy móc hay người làm dịch vụ; nó mang lại sự cảm thông và
tình người: “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã
gần đến” (Pl 4,5).
4. Gương mẫu và trung
thành: Người tông đồ cần phải là tấm gương tránh gây scandal, làm tổn
thương hồn và ảnh hưởng đến sự uy tín của chứng từ. Họ phải trung thành với ơn
gọi, nhớ lời Chúa dạy về sự trung tín và chân thật: “Ai trung tín trong việc rất
nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ,
thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10).
5. Hợp lý và nhẹ
nhàng: Sự hợp lý giúp tránh những phản ứng cảm xúc hợp lý, trong khi sự nhẹ
nhàng giúp tránh sự rập khuôn trong quy trình và kế hoạch. Những đức tính này cần
thiết cho một nhân cách cân đối.
6. Lành tính và quyết
đoán: Lành tính giúp chúng ta thận trọng trong phán đoán và có khả năng kiềm
chế không hành động một cách bốc đồng và vội vã, bao gồm việc thực hành khuôn
vàng thước ngọc (xem Mt 7,12; Lc 6,31). Quyết đoán là hành động với ý chí kiên
định, tầm nhìn rõ ràng và vâng phục Thiên Chúa.
7. Bác ái và chân thật:
Hai đức tính không thể tách rời của đời sống Kitô giáo: “sống theo sự thật và
trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì
Người là Đầu” (Ep 4,15).
8. Cởi mở và trưởng
thành: Sự cởi mở thể hiện sự trung thực và thẳng thắn, còn sự trưởng thành
là mục tiêu và kết quả của quá trình phát triển không ngừng.
9. Tôn trọng và khiêm
tốn: Sự tôn trọng là tài năng của những linh hồn tao nhã và tế nhị, còn
khiêm tốn là đức tính của các thánh nhân và những người có lòng sùng đạo.
10. Siêng năng và chu
đáo: Sự siêng năng và sẵn sàng hiến dâng bản thân phản ánh lòng tin vào
Thiên Chúa và lòng quảng đại của chúng ta.
11. Can đảm và tỉnh
táo: Can đảm đối mặt với rắc rối như Daniel trong hang sư tử, hoặc như
David trước Gô-li-át. Tỉnh táo là khả năng hành động một cách tự do và dễ dàng,
không bị ràng buộc bởi vật chất: “Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người
lính giỏi của Đức Kitô Giêsu” (2Tm 2,3).
12. Trách nhiệm và tiết
độ: Những người có trách nhiệm là những người giữ lời hứa với sự nghiêm túc
và trách nhiệm. Tiết độ là khả năng từ chối những thứ không cần thiết và chống
lại tư tưởng tiêu dùng tràn lan.
Hồi tâm:
1)
Trong quá trình tham gia HĐMVGX, tôi đã đào luyện và phát huy đức tính nào? Đức
tính đó đã giúp tôi như thế nào khi thi hành chức vụ?
2)
Tôi có thể áp dụng tinh thần truyền giáo và mục vụ trong việc phục vụ cộng đồng
giáo xứ bằng cách nào?
3)
Nhớ lại cách tôi đã thực hành một trong những đức tính nói trên, đức tính đó đã
giúp ích như thế nào khi tôi thực thi chức vụ trong HĐMVGX?
(Cập nhật lúc 15g35 ngày 02.03.2024)
[3] NGUYỄN Kim Điền, Thư
công bố quy chế hội đồng giáo xứ, 29-06-1969, Quy Chế Hội Đồng Giáo xứ Địa Phận Huế, Huế 1969.
[4] VICARIATUS APOSTOLICUS DE HANOI, Directorium Vicariatus Apostolici de Hanoi, Luật Riêng Địa Phận Hà Nội,
Hà Nội 1941.
[6] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 1, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656
[9] Đức thánh cha Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin mừng,
số 120, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656