GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 57: ƯƠM MẦM ĐỨC TIN

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

Hỏi: Làm cách nào để giáo dục giới trẻ theo tinh thần Công giáo? Bởi ngày nay lớp trẻ dù mới 8–10 tuổi đã bắt đầu phân biệt hiệu này hiệu kia, cứ muốn Macbook mà không phải HP hay Dell.


Trả lời:

Bạn thân mến,

Câu hỏi của bạn đã đề cập đến một sứ mạng rất quan trọng của Giáo hội trong thời đại ngày nay, đó là đồng hành với các bạn trẻ. Từ kinh nghiệm của bản thân, có thể bạn đã cảm nhận được phần nào sự thách đố trong việc giáo dục người trẻ. Là người Công giáo, bạn có thêm một thao thức khác nữa là làm sao giúp thế hệ trẻ lớn lên theo “tinh thần Công giáo” chứ không phải là “tinh thần” khác!

Có vẻ như ngày nay “tinh thần Công giáo” đang bị lép vế trước “tinh thần thế gian”. Bạn đã đưa ra một quan sát thực tế là “đứa trẻ dù mới 8–10 tuổi đã bắt đầu phân biệt hiệu này hiệu kia”. Qua đó bạn cũng bày tỏ lo lắng là cứ đà này sẽ dẫn giới trẻ đến nguy cơ xa rời “tinh thần Công giáo,” kiểu như “cứ muốn Macbook mà không phải HP hay Dell.”

Trước hết, tôi xin nói đôi lời về cái bạn gọi là “tinh thần Công giáo.” Có lẽ bạn đã nghe người ta nói nhiều về “tinh thần” như:

- Tinh thần dân tộc

- Tinh thần yêu nước

- Tinh thần công dân

- Tinh thần đồng đội

- Tinh thần hiếu học

- Tinh thần cầu tiến

- Tinh thần trách nhiệm

- v.v

Chữ “tinh thần” ở đây có thể được hiểu như một thái độ được hình thành trong suy nghĩ. Quan trọng hơn, thái độ đó có vai trò định hướng mọi hành động của một cá nhân trong những hoàn cảnh cụ thể. Do đó, chúng ta có thể hiểu “tinh thần Công giáo” như thái độ sống đức tin của người tín hữu được biểu hiện qua những việc làm cụ thể của họ.

Như vậy, một người được cho là có tinh thần Công giáo thì không thể có tư tưởng và hành động ngược lại với đức tin Công giáo. Mặc dù đức tin Công giáo được tuyên xưng một phần bằng ngôn từ nơi những tín điều Giáo hội dạy và những luật phải giữ, nhưng tinh thần Công giáo không chỉ giới hạn và có khi không thể hiện ở việc tuân thủ đầy đủ các luật lệ.

Ở đây, thái độ đóng vai trò quan trọng hơn và quyết định giá trị của hành động. Tất nhiên, một người tuyên bố tin vào Thiên Chúa mà không tuân thủ những điều luật Giáo hội dạy là kẻ nói dối. Ngược lại, nếu một người tuân thủ đầy đủ các luật lệ của Giáo hội nhưng không hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa thì họ cũng chỉ đang giữ đạo hình thức mà thôi.

Chúa Giêsu vẫn thường lên án những người Pharisêu khi họ giữ luật rất chi li nhưng lại thiếu lòng nhân từ với người khác. Chẳng hạn họ hà khắc với những người bị gạt ra bên lề xã hội Do Thái thời bấy giờ. Như thế cần phải nói thêm rằng sống đức tin Công giáo không phải là giữ đầy đủ những luật lệ nhưng chính là sống theo khuôn mẫu Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, “tinh thần Công giáo” cũng chính là “tinh thần Giêsu.” Khi bạn lo lắng cho “tinh thần Công giáo” của những người trẻ, chắc hẳn bạn không chỉ nghĩ tới trường hợp họ công khai chối bỏ những tín điều đức tin hay ra mặt chống đối Giáo hội. Đúng hơn, bạn sợ rằng họ sẽ có thái độ và việc làm không phù hợp với đời sống của một người biết, tin và bước theo Chúa Giêsu.

Bạn muốn tìm cách hướng dẫn người trẻ bước theo Chúa Giêsu, giúp người trẻ sống đức tin. Muốn giúp người trẻ bước theo Chúa Giêsu thì trước hết phải giúp họ biết Ngài. Người ta vẫn thường nói “Vô tri bất mộ,” tức là nếu không biết thì không thể yêu mến được. Chúa Giêsu có thể được biết đến như một nhân vật lịch sử với những thông tin căn bản về đời sống của Ngài được mô tả qua nhiều trình thuật trong 4 sách Tin Mừng.

Tuy nhiên biết về Chúa Giêsu thôi vẫn chưa đủ để giúp người trẻ có kinh nghiệm sống động về Ngài. Thật vậy, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện với Giáo hội và trong Giáo hội qua mọi thời đại, đặc biệt là nơi đời sống đức tin của các cộng đoàn tín hữu. Do đó, người trẻ cần được người có kinh nghiệm hơn giúp đỡ và đồng hành để nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện một cách sống động trong chính kinh nghiệm của bản thân họ. Người trẻ có thể nhận ra Thiên Chúa nơi gương mẫu đời sống đức tin của các thành viên khác trong cộng đoàn gia đình, giáo xứ, là những người họ có cơ hội tiếp xúc hàng ngày.

“Tinh thần Công giáo” không phải là thứ giáo lý để học thuộc lòng nhưng chính là mối thân tình với Chúa Giêsu. Nó cần được sống và được truyền lại qua các thế hệ tín hữu. Bạn có thể hiểu được điều này khi nhìn về truyền thống đức tin trong gia đình mình. Ông bà hay cha mẹ bạn nói cho bạn rất ít về Thiên Chúa, chỉ là dạy làm dấu Thánh Giá và vài kinh nguyện ngắn thôi. Thế nhưng từ nhỏ bạn đã có cảm thức về Thiên Chúa nhờ bởi “tinh thần Công giáo” của họ. Tinh thần đó không chỉ thể hiện qua những gì họ nói mà còn qua cách họ chăm lo cho gia đình và cộng tác vào các công việc xã hội mà bạn có thể quan sát thấy được.

Như thế, người lớn phải là gương mẫu về một đời sống gắn kết với Chúa Giêsu. Sẽ là mâu thuẫn nếu cha mẹ thường xuyên cãi nhau với hàng xóm mà lại dạy con cái phải yêu thương tha thứ người khác. Cha mẹ buôn gian bán lận nhưng lại dạy con sống trung tín thật thà. Cha mẹ bỏ bê việc đạo đức nhưng khuyên con đến nhà thờ. Việc giáo dục người trẻ theo tinh thần Công giáo sẽ trở nên dễ dàng và thiết thực hơn nếu mỗi người lớn đều trở thành một thầy dạy đức tin, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những việc làm cụ thể.

Ngoài ra, người trẻ cũng có thể cảm nghiệm và học hỏi được tinh thần Công giáo qua những sinh hoạt đức tin của cộng đoàn dân Chúa. Khi tham dự các nghi thức phụng vụ, đặc biệt là thánh lễ, bạn trẻ sẽ nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện một cách sống động nơi sự hiệp thông của cộng đoàn dân Chúa và nơi bí tích Thánh Thể.

Tinh thần Công giáo còn được cảm nhận một cách cụ thể qua các hoạt động bác ái xã hội mà các bạn trẻ có cơ hội tham gia. Các bạn sẽ nhận ra rằng tương quan với Thiên Chúa không phải là chuyện trên trời nhưng cần phải được thể hiện dưới đất này trong tình liên đới giữa con người với nhau. Chúng ta không nên nói về tinh thần Công giáo một cách chung chung bởi vì tinh thần đó cũng chính là lối sống được thể hiện qua đời sống của từng cá nhân và của cộng đoàn đức tin. Tinh thần đó cũng không phải là một thứ lý tưởng hay ý thức hệ nào đó được tuyên truyền từ bên ngoài nhưng xuất phát từ kinh nghiệm nội tâm sâu thẳm của mỗi người. Kinh nghiệm được đụng chạm Chúa Giêsu sẽ có sức tác động làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn trẻ.

Nói đúng ra, tinh thần Công giáo cần cho mọi tín hữu chứ không chỉ dành riêng cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, nơi người trẻ có những điều kiện đặc trưng giúp họ đón nhận và thể hiện tinh thần đó một cách sinh động hơn so với người lớn.

Bạn có đưa ra ví dụ về một đứa trẻ 8–10 tuổi có khả năng “phân biệt hiệu này hiệu kia.” Khả năng phân biệt của người trẻ chính là một tín hiệu rất đáng mừng. Đó còn là mảnh đất màu mỡ để gieo mầm đức tin. Khi các em biết phân biệt giữa những thứ khác nhau tức là các em đã có đủ kiến thức hiểu biết và khả năng tư duy độc lập, không còn tin theo người khác một cách mù quáng.

Các em “cứ muốn Macbook mà không phải HP hay Dell” là bởi vì nơi các em đã hình thành một thang giá trị cho việc lựa chọn. Do đó các em không đánh đồng mọi thứ và sẽ luôn ưu tiên lựa chọn tốt hơn theo quan điểm của mình. Thang giá trị đó có thể chuẩn hoặc chưa chuẩn, có hoặc không có tinh thần Công giáo. Nhưng nó luôn luôn là bước khởi đầu quan trọng, là cơ sở để sau này điều chỉnh nếu cần thiết. Chúng ta đừng quá lo lắng khi thấy các em chưa nhận thức đúng hoặc đưa ra lựa chọn sai lầm. Thang giá trị sẽ thay đổi theo thời gian tương ứng với sự biến chuyển trong trình độ hiểu biết của các em.

“Tinh thần Công giáo” theo đó cũng được truyền đạt dần dần theo một tiến trình thời gian chứ không phải là chuyện một sớm một chiều, muốn có là được ngay. Tiến trình đó phải được thực hiện liên tục qua mọi giai đoạn phát triển của một con người, và không bao giờ có điểm dừng. Nói theo ngôn ngữ đức tin thì đó là quá trình hoán cải không ngừng.

Do đó, tinh thần Công giáo là giá trị được chính đương sự tự mình nhận ra nhờ sự hướng dẫn đồng hành của những người trưởng thành hơn. Nói cách khác, “tinh thần Công giáo” không phải là loại tài sản chỉ để đặt trong lồng kính hay cất giữ trong két sắt. Ngược lại, nó là viên ngọc quý cần phải được mài giũa sáng bóng qua: cọ xát, trao đổi, đối thoại, chất vấn, điều chỉnh và được hoàn thiện dần dần qua những tình huống khác nhau trong đời sống hàng ngày.

Chúng ta tin rằng đời sống mỗi người là cả một thế giới mầu nhiệm nơi đó Chúa Thánh Thần luôn hoạt động và chính là thầy dạy trực tiếp. Là người Công giáo, chúng ta được diễm phúc làm con cái Chúa nhờ ân sủng của bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, “tinh thần Công giáo” nơi chúng ta lại cần phải được trau dồi và củng cố trong đời sống hàng ngày dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó càng ngày chúng ta càng gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu hơn, càng có tinh thần Công giáo hơn.

“Tinh thần Công giáo” không ở trong thế cạnh tranh giành giật với những “tinh thần” khác như những đối thủ ngang tầm. Đúng hơn, tinh thần Công giáo đóng vai trò nền tảng để soi sáng, hướng dẫn, mang lại ý nghĩa cho toàn bộ đời sống con người.

Nói cách khác, những “tinh thần” khác nếu được điều chỉnh bởi “tinh thần Công giáo” thì chúng vẫn có thể là con đường tốt dẫn chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa. Cụ thể, đạo Công giáo không bao giờ cấm người ta chọn Macbook thay vì HP hay Dell. Chúng ta chỉ biết rằng Chúa Giêsu dạy sống tinh thần nghèo khó, liên đới chia sẻ với anh chị em gặp cảnh khó khăn và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Không làm tôi cho của cải vật chất. Do đó, việc “chọn Macbook hơn là HP hay Dell” có phù hợp với điều Chúa dạy hay không thì phải xét theo từng hoàn cảnh cụ thể. Không thể có quy luật nào là cứ chọn đồ đắt là không có tinh thần nghèo khó hay không có tinh thần Công giáo, và ngược lại.

“Cứ muốn Macbook mà không phải HP hay Dell” tự nó không phải là điều gì xấu xa hay đi ngược với tinh thần Công giáo. Một lựa chọn như vậy có thể là nguy cơ hay là biểu hiện của một lối sống hưởng thụ, tiêu xài quá mức. Tuy nhiên, nếu áp dụng nhận định đó vào trường hợp một em nhỏ thì có thể chúng ta đã trầm trọng hóa vấn đề. Chọn lựa của các em có thể bị tác động bởi truyền thông quảng cáo hay từ bạn bè, nói chung là từ môi trường bên ngoài chứ không phải từ sự cân nhắc sáng suốt và hiểu biết đầy đủ của các em.

Muốn các em nhận ra những giá trị tốt đẹp thì phải tạo dựng một không gian sống lành mạnh và giúp che chắn bảo vệ các em khỏi môi trường độc hại. Ngày nay, nhờ sự phát triển rộng rãi của Internet, ngay từ nhỏ các em đã tiếp xúc với thế giới rộng lớn vượt ra ngoài phạm vi gia đình hay nhà trường. Tuy nhiên thế giới mạng lại là con dao hai lưỡi. Nơi đó các em bị ảnh hưởng cả điều tốt lẫn điều xấu. Do vậy trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ đối với con em mình lại cần được thể hiện một cách năng động và quyết liệt hơn, không chỉ là cấm đoán mà còn phải là hướng dẫn chỉ dạy nữa.

Tôi hiểu nỗi bận tâm của bạn khi thấy lớp trẻ ngày nay đang lớn lên ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Theo đó việc truyền đạt dạy dỗ đức tin Công giáo cho con trẻ càng khó khăn hơn. Khi lãnh nhận bí tích hôn phối, họ đã thề hứa trước mặt Chúa và Hội thánh là: “Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội thánh.” Điều đó có nghĩa là chúng ta phải trở nên gương mẫu cho con em mình về đời sống đức tin về không chỉ bằng lời nói mà còn là hành động cụ thể.

Khi nhận thấy con trẻ có xu hướng sống xa rời “tinh thần Công giáo,” chúng ta hãy tìm cách khắc phục và xây dựng, thay vì chỉ than phiền hay quở trách. Các bạn trẻ ngày nay đã biết đưa ra chọn lựa từ độ tuổi rất sớm, không chỉ là chọn đồ vật này hay đồ vật kia mà có khi còn quyết định cả những vấn đề quan trọng hơn như là niềm tin tôn giáo hoặc lý tưởng sống của mình. Đó là tự do và là sự trưởng thành của các em, chúng ta cần phải tôn trọng.

Các em cần được trao cơ hội để lựa chọn, còn trách nhiệm của gia đình và xã hội là luôn đồng hành hỗ trợ các em. Ước sao các em có nhận thức hiểu biết để tự đưa ra quyết định chọn lựa đúng đắn và phù hợp nhất, không chỉ trong lĩnh vực đức tin mà còn trong bất cứ mọi lĩnh vực khác.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (20.6.2022)

Đọc thêm: