Hình minh họa
TU SĨ TRẺ VIỆT NAM: NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ NHỮNG CƠ MAY
FX Vũ Phan Long, OFM
WHĐ (30.1.2021) –
Năm 2015, sau cuộc thăm viếng Hội Thánh Việt Nam, khi trả lời ký giả Roberto
Piermarini, trưởng các ban tin tức của Đài Vatican, ĐHY Fernando Filoni, Tổng
Trưởng Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, đã có nhận định như sau: “Giáo Hội địa phương không những đón tiếp
tôi rất tốt đẹp nhưng còn vượt quá tất cả những mong đợi của tôi. Dĩ nhiên với
các Giám Mục tôi đã có một cuộc gặp gỡ rất huynh đệ, cuộc gặp gỡ rất đẹp với
các linh mục, các nữ tu, các chủng sinh. Tại Việt Nam chúng ta có một Hội Thánh
thật phong phú về ơn gọi - cả nam lẫn nữ - và tôi thấy các linh mục làm việc tốt
đẹp và dấn thân trong rất nhiều hoạt động, một số hoạt động ấy tôi có dịp viếng
thăm trong các giáo phận khác nhau…”[1].
Đây không phải là lần
đầu tiên, một vị chức sắc cao cấp đến thăm Giáo Hội Việt Nam có ấn tượng tốt đẹp
như thế, mà phải nói là tất cả các vị khách khi có dịp đến thăm viếng chính thức
đều nói lên những nhận định tương tự về Hội Thánh Việt Nam: một Hội Thánh năng
động, trẻ trung, phong phú về ơn gọi… Bạn hữu ở các nước ngoài, nhất là bên Tây
phương, khi được xem những hình ảnh và nghe biết các con số các ơn gọi trẻ tại
đất nước chúng ta, đều thán phục và bày tỏ sự… thèm thuồng! Bởi vì tại các xứ sở
của họ, các ơn gọi rất hiếm và ơn gọi trẻ thì lại càng quá hiếm. Thế rồi khi biết
là con số ứng sinh mỗi năm đăng ký xin thi vào khá đông, mà đôi khi các nhà
dòng loại bỏ hơn một nửa số ứng sinh, thì họ tiếc lắm, cho là phí phạm. Cũng
chính vì Hội Thánh Việt Nam có dồi dào ơn gọi, nên khi đọc những lời Đức giáo
hoàng Phanxicô nói với tu sĩ trẻ trong Tông
thư gửi tất cả các người đang sống đời thánh hiến, dường như anh chị em tu
sĩ cảm thấy như là đơn giản, như là đương nhiên, không hề mang tính thách đố:
“Hỡi những người trẻ, cha muốn nói riêng với các con. Các
con là hiện tại vì các con đang sống tích cực trong lòng các Tu Hội của các
con, cống hiến một sự đóng góp nhất định với sự chọn lựa tươi mới và quảng đại
của các con. Đồng thời các con là tương lai vì chẳng bao lâu nữa các con sẽ được
mời gọi cầm tay lái của việc linh hoạt, huấn luyện, phục vụ, sứ mạng. Năm này
phải nhìn thấy các con đứng ra đối thoại với thế hệ đi trước các con. Trong
tình hiệp thông huynh đệ, các con có thể làm cho mình thêm phong phú nhờ kinh
nghiệm và sự khôn ngoan của họ, đồng thời các con có thể đề nghị lại cho họ
tính lý tưởng mà họ đã biết thuở họ mới bắt đầu, cống hiến sức bật và sự tươi mới
của niềm hăng hái của các con, như vậy tất cả sẽ cùng nhau thảo ra những cách
thức mới để sống Tin Mừng và đáp lại cách luôn luôn tương xứng những đòi hỏi của
việc làm chứng và loan báo Tin Mừng.
Cha hài lòng khi biết rằng các con đã có dịp gặp gỡ giữa
các người trẻ thuộc các Tu Hội khác nhau. Ước gì sự gặp gỡ trở thành con đường
quen thuộc của hiệp thông, của sự nâng đỡ nhau, của hiệp nhất”[2].
Đọc các lời trên của
Vị Cha chung, chúng tôi hiểu thuật ngữ “tu sĩ trẻ” là những anh chị em vừa ra
trường, đã khấn trọn đời, sắp phải gánh vác cả một di sản và để lại những dấu ấn
quan trọng cho đời sống tu trì của Tu Hội mình lẫn các Tu Hội khác, và cho đời
sống của Hội Thánh nữa; và chúng tôi dùng thuật ngữ này theo nghĩa đó. Các lời
trên đây chất chứa kỳ vọng của Đức giáo hoàng về tu sĩ trẻ. Các lời ấy, tuy
không chứa từ ngữ “thách đố”, vẫn chứa đầy những thách đố, và nếu chúng ta đặt
các lời ấy vào trong hoàn cảnh của thế giới và Hội Thánh toàn cầu, thì các
thách đố lại càng hiện rõ hơn.
Bởi vì, trở lại với
những buổi trò chuyện với các bạn hữu xa gần về ơn gọi tu trì tại quê hương
chúng ta, sau những tiếng tắc lưỡi thán phục hay xuýt xoa nuối tiếc, các bạn
bày tỏ các ưu tư bằng những câu hỏi: Đông quá như thế thì huấn luyện thế nào, đồng
hành làm sao? Có đủ thì giờ gặp gỡ và đối thoại với từng cá nhân ứng sinh để
làm rõ được các động lực không? Có tránh được chuyện đi tu như là một cơ hội để
thăng tiến bản thân không? Cộng đoàn huấn luyện mà đa số thành viên lại là người
thụ huấn, thì bầu khí là như thế nào? Tâm lý của người châu Á góp phần tích cực
hay tiêu cực vào công việc huấn luyện? Chúng tôi còn liên tưởng đến một tình trạng
khác nữa: dường như rất nhiều người huấn luyện không chỉ làm công việc huấn luyện,
mà còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác, tức không đầu tư lòng trí hoàn toàn vào
việc huấn luyện!
Đã có những lúc
chúng tôi trả lời: Nào là chúng tôi đã cố gắng lập một ban huấn luyện làm việc
đều tay, với các thành viên có tinh thần cao; nào là những người đứng đầu ban
huấn luyện (giám sư, phụ tá giám sư, linh hướng) phải chia nhau mà đồng hành kỹ
lưỡng với các ứng sinh theo nhịp độ đều đặn; nào là phải có những anh em có đời
sống tu trì nghiêm túc làm nòng cốt cho nhà huấn luyện; nào là người Việt huấn
luyện người Việt thì cũng dễ bắt được ý nhau hơn… Nhưng chúng tôi cũng cảm nhận
được là các bạn không được thuyết phục lắm, vì họ chỉ có một hai ứng sinh với một
cộng đoàn huấn luyện thực thụ và một giám sư… chỉ ăn để làm công việc huấn luyện,
mà còn không yên tâm!
Những chia sẻ của
chúng tôi trong bài này là những ưu tư phát xuất từ những câu hỏi của bạn bè khắp
nơi, và cũng là những câu trả lời dựa vào những nhận xét cá nhân, những trao đổi
với các vị hữu trách của các Tu Hội và dựa vào ánh sáng của Huấn quyền, đặc biệt
của Đức giáo hoàng Phanxicô. Cách nào đó, tôi được thúc đẩy làm như các bề trên
thượng cấp đã làm ở Rôma ngày 29-11-2013: các vị chia sẻ cho nhau về công việc
linh hoạt của mình nhờ được giáo huấn và gương sống của Đức giáo hoàng gợi hứng[3].
Dù sao, chúng tôi ý thức đây là một bài khảo sát còn phiến diện.
Trước tiên chúng
tôi xin tìm hiểu khái quát về thời đại chúng ta, để thấy các khó khăn, các
thách đố và các khủng hoảng. Tất cả chúng ta sẽ tìm những lời đáp trả, để mong
nhận ra những cơ may cho tu sĩ trẻ.
1.- Những khó khăn, những thách đố, những khủng hoảng
Trong Tông thư cho Năm Đời sống thánh hiến, Đức
giáo hoàng Phanxicô đã có nhận định tổng quát: “Chúng ta biết những khó khăn mà những hình thức khác nhau của đời sống
thánh hiến đang vấp phải: sự giảm số ơn gọi và sự già nua, nhất là trong thế giới
phương Tây, những vấn đề kinh tế theo sau cuộc khủng hoảng tài chánh của thế giới,
những thách đố của tính quốc tế và việc toàn cầu hóa, những âm mưu của chủ nghĩa
tương đối, sự gạt ra bên lề xóa vị trí trong xã hội…”[4].
Các nhận định tổng quát này vẫn rất gợi ý cho công việc khảo sát của chúng ta.
Ngoài ra, chúng tôi cũng dựa vào Bản Dự Thảo giúp chuẩn bị Tổng Tu Nghị 2015,
trong đó các chuyên viên của Dòng Anh em hèn mọn đã phân tích thời đại này và gọi
là “Thời đại của khủng hoảng…”[5],
rồi liệt kê ra nhiều thứ khủng hoảng: khủng hoảng do nền kinh tế toàn cầu; khủng
hoảng về văn hóa-luân lý; khủng hoảng về cơ cấu và định chế; khủng hoảng về con
người; khủng hoảng về sự đa dạng; khủng hoảng về căn tính.
Như vậy, có những
khó khăn ở bình diện toàn cầu do nền kinh tế toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng tài
chánh của thế giới, chủ nghĩa tương đối, các vấn đề luân lý mới, cơ cấu và định
chế, sự giảm số ơn gọi và sự già nua… Do chỗ đất nước và bà con chúng ta có khả
năng hòa nhập rất nhanh vào nhịp tiến của thế giới trong các lãnh vực xã hội
(xin đơn cử một ví dụ thuộc lãnh vực thông tin văn hóa: giới trẻ tận dụng rất
nhanh những sản phẩm mới của ngành tin học thế giới; dân chúng sớm chuyền tay
nhau các phim ảnh thế giới vừa sản xuất…), thiển nghĩ đời sống tu trì của chúng
ta cũng không được miễn nhiễm với các khó khăn ấy. Chúng tôi xin dừng lại mà
tìm hiểu một vài khó khăn và thách đố đang tác động lên xã hội chúng ta nhiều
nhất.
a) Khủng hoảng về luân lý
Đã quá quen chỉ lo
cho sự an toàn của bản thân mình, hoặc do không được phép lo cho người khác
(?), dần dà bà con chúng ta coi tất cả những gì không phải là “chuyện” của mình
thì không dính dáng đến mình. Chúng ta đã biết quá nhiều câu chuyện đau lòng do
tình trạng “vô cảm” [6].
Thêm vào đó, chủ
nghĩa tiêu thụ và nền kinh tế thị trường lại yểm trợ xu hướng tìm thú vui
riêng, sự thư thái nhàn hạ riêng, bất kể người khác đang sống thế nào. Đức giáo
hoàng Phanxicô đã nhận xét: “Khi đời sống
nội tâm tự khép kín trên những hứng thú riêng tư, sẽ không còn chỗ cho người
khác, người nghèo không tìm được lối vào; người ta không còn nghe được tiếng
Thiên Chúa, không còn được hưởng niềm vui êm ái từ tình yêu của Người, không
còn hứng thú làm việc thiện”[7].
“Chúng ta gần như bất lực không cảm nhận được tiếng kêu đau khổ của kẻ khác,
chúng ta không còn khóc được nữa trước bi kịch của người khác, không còn chú
tâm đến họ, hình như có một trách nhiệm nào đó, nhưng không dính dáng gì đến
chúng ta”[8].
Nền kinh tế thị trường,
trong đó tất cả mọi sự được coi như là hàng hóa để tiêu thụ, đưa ra thương mãi,
cũng góp phần làm cho người ta chỉ biết lo cho mình. “Để chống đỡ một lối sống không bao gồm những người khác, hoặc để có thể
có hứng thú với lý tưởng ích kỷ này, người ta đã triển khai một sự toàn cầu hóa
sự dửng dưng… Nền văn hóa của đời sống thoải mái đã bỏ thuốc mê cho chúng ta rồi
và chúng ta mất bình tĩnh nếu thị trường đưa ra một thứ gì mà chúng ta chưa mua
được, trong khi cuộc sống tang thương thiếu những khả năng để sống, đối với
chúng ta cũng chỉ là một cảnh tượng không đánh động gì đến chúng ta”[9].
Hoàn cảnh này thách
đố các tu sĩ thế nào? Có thể sống đời sống thánh hiến như là ngôn sứ trong hoàn
cảnh này thế nào? Không lẽ hoàn cảnh này cũng đã khiến người tu sĩ có thể từ chối
“làm bẩn tay” mà không chút áy náy?
Một tệ đoan vẫn còn
đang gây những vết thương lớn trong xã hội và Hội Thánh Việt Nam, đó là “tình trạng thiếu trung thực ở mọi lãnh vực”[10].
Nói dối, chối bỏ sự thật, là chuyện dễ dàng, trở thành như một phản xạ, miễn là
không bị phanh phui. Quả thật có khi đây là một sự khôn khéo để tránh bị “gài bẫy”
trong một xã hội vàng thau lẫn lộn, dù cũng chẳng tốt đẹp gì. Nhưng khi chuyện
đụng chạm đến tư cách, đến lương tâm, thì đáng tiếc. Tình trạng thiếu trung thực
được biểu lộ ra trong thái độ cứng cỏi, nhất định không nhận trách nhiệm, bao
lâu cấp trên chưa đưa ra được những bằng cớ, thậm chí đổ trách nhiệm cho người
khác, cho cơ chế. Y như thể nếu người hữu trách không thuyết phục được rằng bạn
có lỗi, thì bạn hoàn toàn không có vướng mắc gì trong lương tâm vậy. Tu sĩ
chúng ta có đồng ý được với ý kiến này chăng: “Như vậy theo quan niệm của tôi là bạn chỉ trung thực trong một xã hội
mà mọi người đều trung thực. Trung thực trong một xã hội gian trá là lạc hậu và
thua thiệt mà thôi. Khẳng định một lần nữa trung thực là đức tính tốt đẹp.
Nhưng đừng nên trung thực một cách vô ý thức, mọi lúc mọi nơi”?[11]
Thiếu trung thực là một thách đố, nhưng đưa lại cho tu sĩ cơ may nào?
b) Khủng hoảng về văn hóa
Cách đây ít lâu,
trên Internet có bài nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American
Institute for Social Research) về 10 đặc tính căn bản của người Việt và những
nhận xét của Học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) về những đặc tính của người Việt
trong Việt Nam Sử Lược[12].
Các tác giả đồng ý rằng có một sự lười biếng về trí thức.
Người ta không muốn
làm công việc nghiên cứu, phân tích những suy tư, đòi hỏi nhiều công sức và thời
gian, mà chỉ muốn cho xong việc với một kết quả “coi được” là bằng lòng: “(Người Việt) yêu thích kiến thức và hiểu biết
nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống
hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học
vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những công việc tốt)”[13];
tức là chỉ để được “đẹp mặt”và “ấm thân”[14].
Khi đi dạy học, giáo viên thường được yêu cầu cho “đề cương thi”, tức là giới hạn
giáo trình để sinh viên có thể học thuộc lòng, thậm chí để chuẩn bị “phao”. Nếu
có đề nghị sinh viên tìm đề tài viết nghiên cứu riêng, thì rất hiếm người làm.
Điều quan trọng là có điểm tốt, chứ không phải là kiến thức! Các tu sĩ trẻ đã
đi ra từ những môi trường như thế có tránh được não trạng này chăng? Công việc
học tập của người tu sĩ phải nhấn mạnh rằng mục tiêu của việc học tập không phải
chỉ là để được khấn trọn đời, được chịu chức thánh, mà là để đến gần Chân Lý là
Thiên Chúa hơn, để hiểu thế giới và đời sống hơn, và để đi tới tâm tình tạ ơn,
vì chúng ta biết tất cả những khám phá là ân huệ Thiên Chúa ban. Như thế học vấn
giải thoát con người chúng ta khỏi những ranh giới chật hẹp của kinh nghiệm
riêng và những thành kiến riêng để đến với những không gian mênh mông của Chân
Lý[15].
Học vấn sẽ giải thoát chúng ta khỏi chủ trương bảo thủ do sợ suy tư và là chủ
trương cung cấp một thứ an toàn giả tạo do một niềm tin mập mờ.
Nhưng học tập
nghiên cứu là một việc làm rất đòi hỏi bởi vì phải chuyên cần (liên tục) và chấp
nhận vất vả, phải có phương pháp và kỷ luật cao, còn bao hàm một sự đầu tư trí
tuệ lâu dài và sâu sắc. Dù sao, thiển nghĩ nếu không có những yếu tố vừa kể, việc
đào tạo trí tuệ cho các tu sĩ hôm nay sẽ không bao giờ là một việc đào tạo
tương ứng với những đòi hỏi của thời đại, và công việc tìm tòi nghiên cứu của
chúng ta sẽ không bao giờ có tính khoa học.
Ngoài ra tu sĩ còn
cần quan tâm đặc biệt đến yếu tố then chốt này: sự thánh thiện. Chỉ khi nào kiến
thức được liên kết với đời sống thánh thiện, kiến thức mới là một phương tiện
giúp gặp được sự khôn ngoan. Thánh Bonaventura, trong tác phẩm Itinerarium, đã tạo ra một thuật ngữ, sursum actio, một hành động nâng chúng
ta lên cao, khi nói về cầu nguyện, để cho thấy đường đi của chúng ta, những người
học tập nghiên cứu Kitô hữu[16].
Việc học tập nghiên cứu chỉ có ích khi được diễn tả ra trong đời sống. Chính đời
sống chứng thực cho việc học tập nghiên cứu. Có thể nói rằng kiến thức, nhất là
kiến thức loài người, không thể là mục tiêu tự nó, và chính việc học vấn cũng
trở thành phản giá trị nếu nó khiến chúng ta đặt nhu cầu của Thiên Chúa sang một
bên, hoặc nếu nó là một phương thức để đào thoát khỏi thân phận hèn mọn, hoặc
thân phận những kẻ hành khất đi ăn xin ý nghĩa và Chân Lý.
Dường như do lười
biếng về trí thức, các nhà giảng thuyết trẻ tìm những bài giảng soạn sẵn rồi
làm công việc copy các đoạn và paste thành một bài mới: hiện tượng này thường
được gọi vui là “mì ăn liền”. Việc giảng lễ không bao giờ là như thế. Với Tông
huấn Niềm vui của Tin Mừng (ss.
135-159), Đức giáo hoàng đương kim khẳng định Lời Chúa phải có một tiếng vang
nơi chính vị giảng thuyết, rồi gợi ra những áp dụng cụ thể cho cộng đoàn mà vị
giảng thuyết sẽ chia sẻ Lời Chúa cho. “Bài
giảng là tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một mục
tử với dân mình”[17].
“Hội Thánh là mẹ và giảng cho dân như một
người mẹ nói chuyện với con mình, biết rằng đứa con tin rằng tất cả những gì mẹ
dạy là vì muốn điểu tốt cho mình vì nó biết rằng mẹ yêu thương mình... Ngay cả
trong những trường hợp bài giảng có vẻ một chút thiếu hấp dẫn, nếu người nghe cảm
nhận được tinh thần mẫu tử và Hội Thánh này, thì vẫn luôn luôn có kết quả, như
những lời khuyên nhàm chán của một bà mẹ mang lại kết quả với thời gian trong
lòng con cái”[18].
c) Khủng hoảng về con người
Nền văn hóa hiện đại
đang phát triển một ý thức mạnh mẽ về sự tự trị, tự do và chủ thể tính của cá
nhân đưa tới chủ nghĩa cá nhân phi lý và tạo một sự căng thẳng xung đột giữa định
chế và cá nhân: “Ngày nay, chúng ta có thể
nhận thấy nơi nhiều vị đang làm mục vụ, cả những người đã được thánh hiến, một
sự quan tâm quá đáng về những không gian tự do và thư giãn cá nhân, khiến họ thực
hiện trách nhiệm của mình như một thứ phụ thuộc đơn giản trong cuộc đời, làm
như các trách nhiệm này không phải là thành phần của căn tính của họ. Đồng thời,
đời sống tinh thần lẫn lộn với những thời gian tôn giáo đưa đến một thứ an ủi
nào đó, nhưng không giúp tăng trưởng việc gặp gỡ kẻ người, sự dấn thân trong thế
giới, lòng nhiệt thành với việc truyền giáo. Do đó, người ta dễ gặp nơi những
nhà truyền giáo, dù các ngài có cầu nguyện, một dấu ấn của chủ nghĩa cá nhân, một
cuộc khủng hoảng căn tính và một sự chết dần lòng nhiệt thành”[19].
Ngoài ra, các bạn
nước ngoài có ấn tượng người Việt “nói vậy mà không phải vậy”. Trong những lần
đi thăm các Tỉnh Dòng ngoại quốc, đã có những khi chúng tôi được các bề trên nhờ
gặp một tu sĩ gốc Việt trong Tỉnh Dòng họ, để xem thực sự người ấy muốn gì, bởi
vì bề trên không hiểu được người bề dưới của mình, không biết người ấy thật sự
muốn gì. Người ấy không biết diễn tả bằng ngôn ngữ chính xác thì cũng có, nhưng
rất thường là do người tu sĩ không dám diễn tả thẳng thắn (“nói hết ý”) những
tâm tư của mình với người đồng hành, nên trở thành người khó hiểu.
d) Khủng hoảng về căn tính
Nói chung, tuy ở đất
nước chúng ta, các Tu Hội không bị giảm sút về con số nhân sự do ít ơn gọi và
lão hóa, nhưng vẫn không tránh được một thứ khủng hoảng nào đó về căn tính. Khó
khăn này do kiểu sống trưởng giả, sự gia tăng chủ nghĩa cá nhân, như Đức giáo
hoàng đã nhận định ở trên: “Nơi những vị
làm mục vụ, còn có một chủ nghĩa tương đối nguy hiểm hơn chủ nghĩa tương đối về
mặt tín lý nhiều. […]. Chủ nghĩa tương đối thực tiễn này hệ tại việc hành động
y như thể không có Thiên Chúa, quyết định y như thể không có người nghèo, mơ tưởng
y như thể không có tha nhân, và làm việc y như thể không có những người vẫn
chưa được đón nhận lời rao giảng. Cần nhấn mạnh rằng ngay cả người dường như có
những xác tín vững chắc về tín lý và thiêng liêng, cũng thường rơi vào một lối
sống chỉ gắn bó với những thứ bảo đảm về kinh tế, hoặc với các vùng đưa lại quyền
hành và vinh quang loài người mà họ tìm cho có bằng bất cứ cách nào, thay vì
dâng hiến đời mình cho tha nhân trong sứ vụ”[20].
Trong tình cảnh đó,
điều mà người ta thấy nổi bật trong cuộc sống người tu sĩ, là cái “tôi” của họ.
Họ lao vào hoạt động đến quá sức mình và dần dà đánh mất chiều kích thiêng
liêng. Sứ vụ hay công tác tông đồ được hiểu và sống chỉ như là công việc, tức
là một điều thêm vào, chứ không phải là một “chứng từ”. Người tu sĩ trở thành
thành viên “đi nước đôi”… Các phương tiện truyền thông quá tiện lợi tạo điều kiện
cho thế gian đi vào trong nội vi, trong từng phòng của các tu sĩ (qua Internet,
và những phương tiện truyền thông khác như Facebook, Skype…). Gặp gỡ với anh chị
em trong cộng đoàn ít dần và chẳng đặng đừng. Tình trạng này sẽ càng nên trầm
trọng khi mà đời sống thiêng liêng không còn sức sống, chỉ còn ở bề mặt. Tu sĩ
sẽ không chịu được những luật lệ và lời khấn. Khi đọc những phân tích của Đức
giáo hoàng về tình trạng náo nhiệt phi lý trong mục vụ, càng thấy ngài tinh tế:
“Vấn đề không phải bao giờ cũng là hoạt động
quá tải, nhưng chính là những hoạt động được sống tồi tệ, không có động lực,
không có một linh đạo để thấm nhuần hoạt động và làm cho hoạt động nên đáng
mong ước. Từ đó phát xuất những bổn phận làm mệt rã rời và đôi khi làm ngã bệnh.
Đó không phải là một sự mệt mỏi thanh thản, nhưng căng thẳng, nặng nhọc, không
thỏa mãn, và chung cuộc không ai chấp nhận. Sự lười biếng trong mục vụ có thể
do nhiều nguyên nhân khác nhau. […]. Ngày nay, việc nóng lòng muốn có kết quả
ngay khiến cho những người làm mục vụ không dễ dàng chấp nhận cảm thức về một
chuyện ngang trái nào đó, về một thất bại bề ngoài, một lời chỉ trích, một thập
giá”[21].
Quả thật, có những
khó khăn, những thách đố, những khủng hoảng. Nhưng tình trạng không chỉ có tính
cách tiêu cực: các chuyên viên Dòng Anh Em Hèn Mọn, khi đề cập đến các khủng hoảng,
đã đặt tên gọi đầy đủ cho tiêu đề của phần phân tích về các khủng hoảng là “Thời
đại của khủng hoảng: Cho sự tăng trưởng
chứ không phải cho việc chết đi”[22].
Các khó khăn thường cũng là những thách đố, những khủng hoảng, tức là chúng ta
hiểu từ ngữ “khủng hoảng” (crisis)
theo hai nghĩa: nghĩa tiêu cực, là những yếu tố đưa đến sự suy thoái và tan rã;
nghĩa tích cực, là những yếu tố giúp phân biệt để đi đến một chọn lựa khác, đưa
tới một sức sống mới, để phát triển và lớn lên. Các Đấng Sáng lập Dòng đã sống
được hai ý nghĩa này: các ngài thường là những người đã sống vào các thời buổi
khủng hoảng, các ngài ghi nhận các yếu tố tiêu cực của xã hội và Giáo Hội thời
mình, nhưng cũng tìm ra con đường mới: do đó, Đức giáo hoàng bảo chúng ta xem
các ngài “đã phải đương đầu với những khó
khăn nào và đã vượt qua được như thế nào”. Các ngài đã vượt qua được các khủng
hoảng, vì các ngài có điểm tựa vững chắc: “Đối
với các Đấng Sáng Lập Nam cũng như Nữ, luật sống tuyệt đối là Tin Mừng, mọi quy
luật khác chỉ muốn là cách diễn tả Tin Mừng và là phương thế để sống Tin Mừng
cho trọn vẹn. Lý tưởng của các Đấng Sáng Lập là Đức Kitô, là gắn bó trọn vẹn với
Đức Kitô, đến mức có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức
Kitô” (Pl 1,21), các lời khấn chỉ có nghĩa khi thể hiện lòng yêu mến say mê
này”[23].
Vậy để có thể sống và dấn thân được như Đức giáo hoàng kỳ vọng, chính tu sĩ phải
tìm trở về với điều cốt yếu, liên tục “xuất phát lại” từ Đức Kitô.
2.-Tu sĩ trẻ là hiện tại của các Tu Hội
Riêng với các tu sĩ
trẻ, Đức giáo hoàng nói: Các tu sĩ trẻ là “hiện tại” của Tu Hội, vì đang “đóng
góp vào cộng đoàn với sự tươi mới và quảng đại”.
Nói như vậy có
nghĩa là các tu sĩ trẻ đang biểu lộ một đời sống đầy ý nghĩa, mang tính ngôn sứ,
theo Tin Mừng trong thời đại chúng ta. Như vậy, chúng ta phải “nhìn lại quá khứ
với lòng biết ơn”[24]
cả ở điểm này nữa: các anh chị em trẻ đang sống tích cực hôm nay là nhờ đã được
đào tạo bởi các thành viên tốt lành trong quá khứ. Còn hôm nay nếu họ muốn là
“hiện tại” của Tu Hội, chắc chắn họ phải là “hiện tại” của Đức Giêsu, theo
nghĩa là Công đồng Vatican II chờ đợi tu sĩ luôn luôn “bắt chước cách chính xác hơn và diễn lại liên tục trong Giáo Hội kiếp
sống của Con Thiên Chúa ở trần gian”[25];
họ phải có “đam mê”[26],
những con người say mê Thiên Chúa (một trong nhiều câu hỏi để kiểm chứng: “Đức
Giêsu có thật sự là tình yêu thứ nhất và duy nhất, như chúng ta đã kiên định
khi tuyên các lời khấn của chúng ta không?”) và say mê con người (một trong nhiều
câu hỏi trắc nghiệm: “Chúng ta có mang cùng một nỗi đam mê (= như các Đấng Sáng
Lập) đối với đồng loại, gần gũi họ để chung chia những niềm vui và những nỗi
đau, khả dĩ thực sự hiểu được những nhu cầu và có thể cống hiến sự đóng góp của
chúng ta để đáp ứng không ?”).
Nhất là tu sĩ trẻ
phải say mê sống chiều kích ngôn sứ. Đức giáo hoàng Phanxicô tóm gọn “chiều
kích ngôn sứ” của đời thánh hiến như sau: “Vị
ngôn sứ nhận được từ Thiên Chúa khả năng quan sát lịch sử trong đó đang sống và
giải thích các biến cố: vị ngôn sứ giống như một người lính gác canh thức ban
đêm và biết khi nào bình minh đến (x. Is 21,11-12). Ngôn sứ biết Thiên Chúa và
biết những người nam người nữ là anh chị em mình. Ngôn sứ có khả năng phân định
và cả khả năng tố giác sự dữ của tội lỗi và các bất công, bởi vì ngôn sứ tự do,
không phải trả lời cho các ông chủ nào khác ngoài Thiên Chúa, không có những
quan tâm nào khác ngoài các mối bận tâm của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ thường đứng
về phía người nghèo và người không phương thế tự vệ, bởi vì biết rằng chính Thiên
Chúa cũng đứng về phía họ”[27].
Như một người lính
canh, người tu sĩ đứng “trên cao” vì ở trong Thiên Chúa, chỉ mang những bận tâm
của Thiên Chúa về thế giới, cũng vì thế, “nhìn xa” để ghi nhận những hiện tượng
ở tận chân trời, và “nhạy cảm” với tất cả những tín hiệu của hoàn cảnh chung
quanh, để kịp thời cảnh báo cho những người ở thấp hơn.
Chính vì sứ mạng
không nhẹ nhàng, ngôn sứ dễ tìm cách tránh né. Đức giáo hoàng nhắc đến Êlia,
Giôna và Giêrêmia. Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến kinh nghiệm Giêrêmia. Khi được
Thiên Chúa kêu gọi đi thi hành sứ mạng ngôn sứ, Giêrêmia đã tránh né, vì thấy
mình còn quá trẻ. Thiên Chúa đã bảo đảm bằng sự hiện diện của Người. Nhưng rồi
chẳng bao giờ vị ngôn sứ thấy mình được an toàn cả. Bởi vì ngài phải thức tỉnh
cả vua quan, các tư tế, các ngôn sứ khác, các kinh sư, dân chúng, nghĩa là mọi
tầng lớp trong xã hội. Chẳng ai chịu nổi những lời cảnh báo “chói tai” của
ngài, kể cả gia đình ngài, nên liên tục tìm cách tiêu diệt ngài. Thân phận ngôn
sứ là như thế: phải nói lên những điều không ai muốn nghe, chứ không chỉ báo
không đúng lúc, và “chấp nhận thương đau”. Con người ngày nay đang bị “mê” dù vẫn
thức, nên sự hiện diện thường trực của tu sĩ phải “đánh thức” họ, tức là nhắc họ
để ý những sai lạc, những mê lầm. Tu sĩ phải “làm việc” thường trực, phải là
“tiếng người hô” liên tục, chứ không phải chỉ thỉnh thoảng như giật mình ló mặt
ra kêu réo lên vài tiếng, rồi lại rút êm. Bởi vì nếu trong lịch sử dân Chúa, đã
có những ngôn sứ công chức, những ngôn sứ tập đoàn, những ngôn sứ tuyên ngôn
theo “đơn đặt hàng” để làm vui lòng chính quyền, những ngôn sứ làm việc “theo
giờ” để ăn lương, thì hôm nay không phải là không có những tu sĩ chỉ là tu sĩ với
bộ áo dòng, để hưởng lợi lộc! Người ta vẫn nói “bộ áo không làm nên thầy tu”,
nhưng chúng ta muốn thấy gì dưới bộ áo dòng nếu không phải là một thầy tu?
Nhưng cũng có thể có mọi sự dưới bộ áo dòng trừ ông thầy tu! Tu sĩ-ngôn sứ
chính danh không áo dòng vẫn toát ra tính chính danh. Điều quan trọng là tu sĩ
đang trả lời cho những ông chủ nào ngoài Thiên Chúa? Lâu nay, Đức giáo hoàng
quan tâm tố giác mọi hình thái nô lệ. Trong Kinh Chiều ngày Cuối năm dương lịch
2014, ngài cũng nhắc đến vấn đề nhức buốt này. Tôi, tu sĩ, tôi có thực sự tự do
chăng?[28]
“Là một môn đệ có
nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người
khác và điều này có thể xảy ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng
trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình”[29].
Như thế, tu sĩ trẻ
cần biết rõ trung tâm điểm của linh đạo của mình và hội nhập văn hóa linh đạo,
tức sống đời tu của mình đúng theo thời đại, nơi chốn và con người: “Linh đạo không ở trong một chai nước cất.
Nó phải được sống với năng lực, cũng như đọc lại theo nhãn quan văn hóa”[30].
Đời sống tu trì mang tính ngôn sứ, nếu không thì không tồn tại: “Vấn đề quan trọng là trở nên những ngôn sứ,
chứ không đóng vai một ngôn sứ[…]. Tu sĩ là những người nam và nữ làm sáng tỏ
tương lai […]. Tu sĩ phải không bao giờ từ bỏ tính ngôn sứ […]. Một linh đạo
đích thực phải là men: tính ngôn sứ loan báo tinh thần của Tin Mừng”[31].
Tông huấn Đời sống thánh
hiến đã làm rõ khía cạnh này[32].
Đối với vị ngôn sứ, đời sống không tĩnh lặng, nhưng luôn luôn năng động và
phóng chiếu ra bên ngoài hướng tới tương lai của Thiên Chúa. Ngôn sứ biết cách
giữ sự hài hòa giữa định chế và sứ điệp Lời Chúa.
Ngoài ra, nếu là
“hiện tại” của Tu Hội, người tu sĩ luôn xác tín đời sống cộng đoàn là một quà tặng
do Thiên Chúa ban. Huấn thị Đời sống huynh đệ
trong cộng đoàn[33]
vẫn còn đủ tính hiện đại: “Trước khi là một
tổ chức của con người, cộng đoàn tu trì đã là một hồng ân của Chúa Thánh Thần.
Chính là do tình yêu Thiên Chúa, được đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta nhờ Thần
Khí, cộng đoàn tu trì khởi đầu và được xây dựng thành một gia đình thực sự,
trong đó mọi người quy tụ lại với nhau nhân danh Chúa [DT 15a]. Vì thế, không
thể hiểu cộng đoàn tu trì trừ phi chúng ta bắt đầu từ bản chất của cộng đoàn
như một ân huệ trên cao ban xuống, như một mầu nhiệm, bắt nguồn từ chính trọng
tâm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chí thánh và là Đấng thánh hóa, Đấng hằng mong muốn
cộng đoàn tu trì trở nên thành phần của mầu nhiệm Hội Thánh nhằm phục vụ đời sống
con người”[34].
“Tình huynh đệ không có niềm vui là tình huynh đệ đang chết
đi; sớm muộn, các thành viên sẽ bị cám dỗ đi tìm ở bất cứ nơi đâu khác điều mà
họ không tìm thấy trong cộng đoàn của mình. Một tình huynh đệ đầy niềm vui là
ân huệ từ trên ban cho anh em chị em, là những người biết cầu xin và biết chấp
nhận nhau, phó thác cho đời sống huynh đệ, tin tưởng vào hành động của Chúa
Thánh Linh… Chứng từ niềm vui đó là sự lôi cuốn mãnh liệt vào đời sống tu trì,
là nguồn phát sinh những ơn gọi mới, và khích lệ bền đỗ”[35].
3.- Tu sĩ trẻ cũng là tương lai của các Tu Hội
“Đồng thời các con
là tương lai (của Tu Hội)”.
Nếu là “hiện tại của
các Tu Hội” do chỗ họ là “hiện tại” của Đức Giêsu, các tu sĩ trẻ cũng sẽ là
“tương lai của các Tu Hội”, do chỗ họ cũng là “tương lai” của Đức Giêsu, vì họ
vẫn tiếp tục bắt chước cách chính xác hơn và diễn lại liên tục trong Giáo Hội
kiếp sống của Con Thiên Chúa ở trần gian”[36].
Họ vẫn tiếp tục sống đời ngôn sứ trong niềm vui. Họ là dấu chỉ về niềm hy vọng,
nơi “Thánh Thần đang thúc đẩy chúng ta hướng về”. Đức giáo hoàng Phanxicô cụ thể
hóa “tương lai này” bằng cách liệt kê ra một số công việc: “chẳng bao lâu nữa, các con sẽ bắt tay vào việc linh hoạt, huấn luyện,
phục vụ, sứ mạng, đối thoại với thế hệ đi trước, cùng nhau thảo ra những cách
thức mới để sống Tin Mừng, gặp gỡ giữa các người trẻ thuộc các Tu Hội khác
nhau”[37].
Các công việc được Đức giáo hoàng kể ra rất nhanh, “linh hoạt, huấn luyện, phục
vụ, sứ mạng”, thật ra là những lãnh vực to lớn và phức tạp, đòi hỏi người tu sĩ
trẻ dấn thân vào với tất cả nghị lực và say mê, thì mới cáng đáng nổi. Đây là
những đề mục của “thường huấn, mà chúng tôi sẽ nói sau.
Nếu vậy, “ngay từ đầu, nhất thiết phải chuẩn bị để
mình không phải chỉ là ‘khách hàng’ của cộng đoàn, nhưng trên hết, phải là những
người xây dựng cộng đoàn; những người có trách nhiệm đối với sự thăng tiến của
anh chị em; những người cởi mở và có khả năng lãnh nhận hồng ân của người khác;
những người có thể giúp đỡ và được giúp đỡ; những người có thể thay thế và có
thể được thay thế”[38].
Người trẻ đã được huấn luyện để từng bước nối tiếp và thay thế các đàn anh đàn
chị. Đây là một điểm tế nhị: Công việc “thay thế” chỉ thật sự mang tính xây dựng
khi “người thay thế” và “người được thay thế” chấp nhận sòng phẳng những “quy
luật chơi” cách chân thành và huynh đệ. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là tu sĩ
trẻ biết đối thoại.
4.- Tu sĩ trẻ phải biết đối thoại
“Năm này phải nhìn
thấy các con đứng ra đối thoại với thế hệ đi trước các con”.
Đức giáo hoàng mong
muốn ngay trong Năm Đời sống thánh hiến này, tu sĩ trẻ biết đối thoại với thế hệ
đàn anh đàn chị đi trước để “làm cho mình thêm phong phú nhờ kinh nghiệm và sự
khôn ngoan của họ, đồng thời anh chị em có thể đề nghị lại cho họ tính lý tưởng
mà họ đã biết thuở họ mới bắt đầu, cống hiến sức bật và sự tươi mới của niềm
hăng hái của anh chị em, như vậy tất cả sẽ cùng nhau thảo ra những cách thức mới
để sống Tin Mừng và đáp lại cách luôn luôn tương xứng những đòi hỏi của việc
làm chứng và loan báo Tin Mừng”. Đối thoại với một mục tiêu như thế không phải
là một cuộc trò chuyện sau “trà dư tửu hậu”, trong giờ giải trí, mà là một cuộc
cùng nhau đi tìm chân lý và trau dồi linh đạo, là “thường huấn”. Tu sĩ trẻ cũng
phải biết gặp gỡ những người trẻ của các Tu Hội khác để sống “sự hiệp thông, sự
nâng đỡ nhau, sự hợp nhất”[39].
Đối thoại với những con người khác chúng ta, lắng nghe thế giới cách thực tế,
làm cho căn tính được xây dựng và nên phong phú, tức phải thoát khỏi khuynh hướng
quy chiếu về mình, mà Đức giáo hoàng lên án khắp nơi[40].
Tuy nhiên, có hiệp
thông mới có thể đối thoại, nếu chỉ sống chủ nghĩa cá nhân thì sẽ thất bại.
Trong các cộng đoàn, dường như ngày càng khó đối thoại liên vị, mà chỉ có sự
tìm kiếm cá nhân với thái độ kiêu ngạo và sự hãnh tiến cá nhân, nên từ đó các lời
khấn khiết tịnh và vâng phục bị đe dọa. Đôi khi không do anh chị em chủ động
tìm kiếm sự tự trị, nhưng do công việc bề trên giao mà rồi không được nâng đỡ,
đồng hành, quan tâm, để giúp những người ấy tiếp tục sống cảm thức thuộc-về đối
với cộng đoàn. Đôi khi có những tị hiềm khiến cho tương quan bề trên – bề dưới
trở nên khó khăn, đưa đến những đào thoát. Trong thực tế, cộng đoàn đúng nghĩa
là thành quả của nỗ lực liên tục của mỗi thành viên hằng ngày để sống sự hiệp
thông và quan tâm tế nhị đến nhau. Trong Tông
thư, Đức giáo hoàng dùng từ “hiệp thông” 15 lần. Các tu sĩ là “«chuyên gia
về hiệp thông», «những chứng nhân và những người kiến tạo «dự phóng hiệp
thông»”, “những con người của hiệp thông”…[41].
Chúng ta không thể quên đây cũng đã là điểm nhấn của Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (đặc biệt xem
mục “Linh đạo hiệp thông”, s. 28)[42].
Điều Đức giáo hoàng
đề nghị cho toàn thể Giáo Hội hoàn toàn đúng cho tu sĩ: xây dựng “một tình huynh đệ huyền nhiệm và chiêm niệm,
biết nhìn thấy sự cao cả linh thánh của người thân cận, khám phá ra Thiên Chúa
nơi từng con người, biết chịu đựng những khó chịu của cuộc sống chung bằng cách
gắn chặt vào tình yêu Thiên Chúa, biết rộng mở tâm hồn cho tình yêu thần linh để
tìm hạnh phúc cho người khác như Cha Nhân Lành của chúng ta vẫn làm”[43].
Chúng ta phải “vượt qua sự nghi ngờ, thiếu
tin tưởng thường trực, sợ bị xâm lấn và những thái độ tự vệ mà thế giới ngày
nay đang áp đặt trên chúng ta…”[44].
Đức giáo hoàng Phanxicô đang đi khắp nơi để cho thấy rằng thế giới có một nhu cầu
lớn lao về tình huynh đệ và để thấy rằng có thể sống với nhau trong sự khác biệt:
Ngài kính cẩn đối với các tôn giáo bạn, quan tâm ân cần đến từng con người.
Ngài viết với một giọng đầy xúc cảm: “Xin
Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục nấp dưới những lá cờ
thiêng liêng và mục vụ! Tính thế tục ngột ngạt này chỉ được chữa lành khi nếm cảm
không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tập
trung vào chính mình, ẩn nấp đằng sau một dáng vẻ tôn giáo không có Thiên Chúa”[45].
5.- Vấn đề huấn luyện-thường huấn
Để có thể trung
thành với linh đạo của Tu Hội, không thể không nói đến huấn luyện, thường huấn.
Hôm gặp gỡ các bề
trên vào cuối năm 2013, khi đề cập đến việc huấn luyện, Đức giáo hoàng đã nói:
“Mục tiêu là đào tạo ra những tu sĩ có một trái tim dịu hiền, chứ không chua
(acido) như dấm”: khi nói tiếng Ý, ngài dùng chữ “acido”, mà các bản Pháp văn dịch
là “aigri; aigre”. Khi áp dụng vào con người, từ “acido” có nghĩa là “có gương
mặt khó khăn, tính khí khó chịu, một người khó gần, hễ nói ra là như muốn cắn
người khác, mỉa mai chỉ trích cách cay độc”. Chúng tôi lại nhớ đến Diogène, ông
tổ của phái Khuyển nho, ông này sống tại cổng thành Athêna, nhưng trong một cái
chum vỡ, và chửi bới người qua lại, không coi ai là “người” cả. Một tu sĩ
“acido” thì làm khổ người khác quá, mà chính mình cứ nghĩ là mình mới là người
tế nhị, khéo léo, lịch sự, chỉ có điều là không ai nhận ra. Tại sao nhận “rượu
ngon” mà bây giờ chỉ có “dấm chua”? Đức giáo hoàng đã nói rằng, nếu huấn luyện
không đúng cách, thay vì tạo ra được những tu sĩ có trái tim dịu hiền, chúng ta
sẽ tạo ra những “piccoli mostri”, những “tiểu quái vật”, “tiểu quỷ”![46]
Nói vô phép, những “piccoli mostri” này, khi được trao những trách nhiệm lớn
lao hơn, thì sẽ ra sao?
Cách đây khoảng
15-20 năm, thánh Gioan-Phaolô II và Bộ Đặc trách các Dòng Tu và các Tu Đoàn
Tông Đồ thường ban những giáo huấn minh nhiên về huấn luyện. Trong những năm gần,
các Đấng hữu trách không dạy minh nhiên về huấn luyện và thường huấn bằng các
văn kiện lớn nữa. Trong Tông thư, Đức
giáo hoàng Phanxicô cũng không dạy minh nhiên về công việc huấn luyện, nhưng
các lời giáo huấn của ngài cho các tu sĩ chỉ có ý nghĩa khi có đời sống tu trì
chân chính, tức là có một công tác thường huấn liên tục, cộng đoàn sống thường
hằng trong bầu khí thường huấn[47].
Nếu các tu sĩ, nhất là các tu sĩ trẻ, cho rằng sau khi khấn trọn đời, mọi công
việc huấn luyện đều chấm dứt, thì cũng ngay khi đó, họ bắt đầu đi xuống. Công
việc huấn luyện khởi đầu chấm dứt, - thật ra chỉ có thể làm công tác huấn luyện
khởi đầu trong một cộng đoàn huấn luyện tốt, tức là trong bầu khí thường huấn
-, nhưng thường huấn thì chỉ chấm dứt với cái chết của người tu sĩ. Đây là vấn
đề mà lâu nay các Tu Hội đều đưa lên làm mối quan tâm hàng đầu và là điều rất
đáng mừng.
Chính thực trạng của
tu sĩ yêu cầu thường huấn: “Do các giới hạn
của con người, người được thánh hiến không bao giờ có thể coi là đã hoàn tất
nơi mình việc cưu mang con người mới, con người mà trong mọi hoàn cảnh sống, đều
có những tâm tình của Chúa Giêsu”[48],
tức là “không ngừng đảm nhận thái độ của
Đức Kitô”[49]
“trong tâm hồn, trí khôn, sức lực suốt đời”[50].
“Không giai đoạn nào trong cuộc đời người
ta có thể tự coi như đủ tự tin, đủ sốt sắng để không cần những cố gắng cụ thể
nhằm bảo đảm sự trung tín bền đỗ, cũng như không có tuổi nào mà người ta có thể
coi là mình đã hoàn toàn trưởng thành”[51].
Thế mà bản chất đời sống thánh hiến là: “Phải sẵn sàng luôn” để nêu một chứng từ
đúng đắn, để đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới.
Hoàn cảnh bên ngoài
cũng đòi hỏi thường huấn: Tu sĩ cần học “tháp
nhập tốt hơn vào thực tại biến chuyển với một nhịp độ thường điên cuồng”[52].
Lại có những “thời điềm” (dấu chỉ thời đại) giúp nhận ra được những con đường mới
Chúa Thánh Thần đang theo mà thúc đẩy chúng ta làm cho đặc sủng nên hiện thực
mãi. Thường huấn giúp các tu sĩ nhận định các thời điềm đúng đắn để có thể cộng
tác với Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong thế giới và trong Hội Thánh.
Thường huấn cũng cần
có đó như là “một suy tư thần học về
đời sống thánh hiến,… một sự huấn luyện
không bao giờ kết thúc nhằm “tham gia vào
hành động của Chúa Cha, Đấng nhờ Thánh Thần, phát huy trong lòng con người… những
tâm tình của Người Con”[53].
Thường huấn giúp chúng ta ý thức về những thay đổi giúp nhận ra những thay đổi
này như những thời điềm, một kairos,
một thời gian ân sủng, một thời thuận tiện cho cuộc canh tân ơn gọi,
để chúng ta dùng mà tái tạo ơn gọi với một
sinh lực mới và một sự trung
thành hơn. Thường huấn giúp tái định vị và tái tạo thường xuyên chân tính của
chúng ta trong bối cảnh mới của lịch sử.
Thách đố lớn nhất
mà thường huấn phải đối phó là: vượt quá những chương trình và sinh hoạt cụ thể
về thường huấn để tạo ra trong ta một tình trạng luôn luôn sẵn sàng cho huấn
luyện.
Muốn thế, hẳn là phải
nhấn mạnh trên các điểm như: Mỗi tu sĩ phải đảm nhận trách nhiệm về thường huấn
như là một thách đố để tự huấn luyện
mình (một dự phóng cá nhân để thường
huấn ghép vào chương trình chung của cộng đoàn) và phải sẵn sàng đón nhận sự trợ
giúp của các anh chị em có trách nhiệm và không có trách nhiệm trực tiếp đối với
mình… Cộng đoàn địa phương phải là nơi ưu tiên cho thường huấn, nên phải là môi
trường người ta tin tưởng được, nơi mà mọi người có thể tự do diễn tả những nhu
cầu, tư tưởng, tình cảm… Các phụ trách cũng cần được huấn luyện tốt để họ có khả
năng cổ võ thường huấn cho anh chị em. Họ phải trông chừng và đảm bảo cho cộng
đoàn có một dự phóng thường huấn. Vậy
cần quan tâm đến những điểm như: thông tin/truyền thông; những quan hệ liên vị;
khả năng giải quyết những xung đột; nâng đỡ những người đang gặp khủng hoảng…
Có những lúc “sự gần gũi yêu thương của bề
trên rất cần”, chứ không chỉ cần sự có mặt của bề trên hay sự công minh của bề
trên trong những điều truyền khiến”[54].
Khi đó chúng ta đạt
được kết quả mà các nhà huấn luyện gọi là docibilitas.
Docibilitas không chỉ là docilitas, bởi vì docibilitas là sự hiểu biết của trí tuệ kèm theo một số những yếu tố
rõ rệt, ngoài sự tiếp nhận “ngoan ngoãn” (docile),
vâng phục, mang nét thụ động[55].
Các yếu tố đó là: Cả con người hoàn toàn dấn thân cách chủ động và có trách nhiệm
vào trong tiến trình huấn luyện, vì hiểu mình là nhân vật chính; Một thái độ cơ
bản tích cực khi đứng trước thực tại: đó là thái độ giao hòa và biết ơn đối với
chính lịch sử của mình và tin tưởng đối với người khác; Sự tự do bên trong và ước
muốn thông minh là để mình được dạy dỗ bởi bất cứ mảnh chân lý nào và mảnh vẻ đẹp
nào ở chung quanh mình, nhờ biết vui hưởng những gì là thật và những gì là đẹp;
Khả năng tạo quan hệ với người khác, sống sự tương tác phong phú, vừa chủ động
vừa thụ động, với thực tại khách quan, khác biệt với cái “tôi”, đến độ để cho
mình được đào luyện bởi thực tại đó.
Những thái độ đó đặt
người tu sĩ luôn luôn ở trong tư thế “học cho biết học”, hoặc sống trong tình
trạng huấn luyện thường trực xuyên qua trọn cuộc sống. Khi đã qua thời gian huấn
luyện khởi đầu, người tu sĩ đã đạt được tình trạng nội tâm thường hằng này để
biết tự do học tập trong cuộc sống và nhờ cuộc sống, để chu toàn sứ mạng thật vững
chắc và phong phú.
6.- Kết luận
Biết bao khó khăn,
biết bao thách đố, biết bao khủng hoảng đang có đó như chờ người tu sĩ đi tới,
và chẳng ai có ảo tưởng là đến lúc nào đó sẽ hết những khó khăn. Là môn đệ của
Đức Giêsu, người tu sĩ nhớ mãi những lời Thầy chí thánh đã dạy: “Chính anh em
là muối cho đời… là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-14), “Thầy sai anh em đi như chiên giữa bầy sói” (Mt 10,16)… Chính những khó khăn và thách
đố đó lại là những cơ may giúp tu sĩ trẻ tăng trưởng lên mãi và tỏa sáng mãi mà
chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ. Thân phận của người Kitô hữu, người tu sĩ là như thế.
Trong Sứ điệp cho Ngày Giới trẻ thế giới lần thứ
30, Đức giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi những người trẻ sống những điều mà
khi đọc, chúng ta hẳn cũng phải giật mình, vì cũng nhận ra được giọng say mê, nồng
nhiệt của ngài khi ban Tông thư cho
chúng ta: “Trong Đức Kitô, các con gặp được
sự hoàn tất trọn vẹn các giấc mơ của các con là sống tốt lành và hạnh phúc”;
“Cha yêu cầu các con hãy lội ngược dòng”;
“Một lần nữa, cha mời gọi các con gặp
Chúa bằng cách thường xuyên đọc Kinh Thánh. Nếu các con không có thói quen đọc
Kinh Thánh, hãy bắt đầu bằng các Tin Mừng. Hãy đọc mỗi ngày một đoạn. Hãy để
cho Lời Thiên Chúa nói với trái tim các con, soi cho các con bước (x. Tv
119,105)”; “Ngoài ra, cha mời gọi các
con nghĩ đến lời kêu gọi đi vào đời sống thánh hiến hay chức linh mục. Thật là
đẹp khi thấy những người trẻ đón nhận ơn gọi hiến mình hoàn toàn cho Đức Kitô
và việc phục vụ Hội Thánh! Các con hãy tự hỏi với một tâm hồn trong sáng và đừng
sợ những gì Thiên Chúa yêu cầu các con! Khởi đi từ lời ‘xin vâng’ của các con với
tiếng gọi của Chúa, các con sẽ trở thành những hạt giống mới mang niềm hy vọng
trong Hội Thánh và trong xã hội. Các con đừng quên: ý muốn của Thiên Chúa là niềm
hạnh phúc của chúng ta!”[56]
Nếu Đức giáo hoàng
kêu gọi người trẻ sống cũng với một mức độ cao như thế là vì sứ điệp Tin Mừng
chỉ có một và luôn đòi hỏi, đòi hỏi cao độ sự đáp trả của người cao tuổi cũng
như người trẻ, nam cũng như nữ, giáo dân cũng như tu sĩ giáo sĩ. Chỉ có điều nếu
những người trẻ, hoặc những tầng lớp giáo dân đã được hướng dẫn như thế và họ cố
gắng đáp trả, tu sĩ trẻ muốn phục vụ họ sẽ phải sống thế nào?
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 88 (Tháng 5 & 6 năm 2015)
[3] Cha
Janson Hervé, Dòng Tiểu Đệ Giêsu, đã nói về “các ánh sáng đang giúp tôi sống
việc phục vụ anh em tôi và về cách Đức giáo hoàng Phanxicô củng cố niềm hy vọng
của tôi”. Tu sĩ Mauro Jöhri, Dòng Phanxicô Cappuccino, đã giải thích “làm thế
nào mà Đức giáo hoàng Phanxicô đang gợi hứng và thách thức tôi trong việc linh
hoạt Tu Hội của tôi”. Cuối cùng, cha Hainz Kulüke, Tu Hội Lời Chúa, đã dừng lại
với việc “lãnh đạo bên trong một Tu Hội truyền giáo trong một bối cảnh quốc tế
và liên văn hóa dưới ánh sáng của Đức giáo hoàng Phanxicô”. Xem bài của Antonio
Spadaro – Giuseppe Bellucci, Incontro di Papa Francesco con i Superiori Generali USG. (http://www.donorione.org) (Incontro).
[5] Xem Văn kiện Những người
anh em và những người hèn mọn trong thời đại chúng ta - Bản Dự thảo cho
việc chuẩn bị Tổng Tu Nghị 2015 (Những
người anh em).
[6] Mới đây, có phổ biến một bản văn nhan đề “Tâm thư một Sinh viên
Nhật gởi Thế Hệ Trẻ Việt Nam” (http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/134019.htm). Chúng tôi không coi lập trường của tác giả là của mình; chúng
tôi chỉ ghi nhận những điểm gặp nhau trong các nhận xét của nhiều tác giả.
Trong Tâm thư ấy, có một nhận xét về hiện tượng “vô cảm” hiện nay của người
Việt: “Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi
nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm”.
[10] Chỉ cần đọc nhật báo trong vòng hai tuần, chúng ta cũng sưu tập
được đủ chứng từ về tình trạng thiếu trung thực trong mọi lãnh vực: tư pháp, kế
toán, học đường, giao thông, thương mại, du
lịch, y tế, thực phẩm...
[14] Chúng ta nhớ đến bài ca dao:
“Con
ơi muốn nên thân người
Lắng tai
nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ
việc trong nhà
Khi vào canh
cửi khi ra thêu thùa
Trai thì đọc
sách ngâm thơ
Dùi mài kinh
sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối
được nghiệp nhà
Trước là đẹp
mặt sau là ấm thân”.
Tâm
thư một sinh viên Nhật có câu: “Tôi
chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành
để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà
vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi…”.
[28] Mới đây, nhân dịp khoảng 30.000 người trẻ tham dự Cuộc gặp gỡ
châu Âu lần thứ 37 được cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức tại Praha, thuộc Cộng
hòa Séc, từ 29/12/2014 đến 02/01/2015, Đức giáo hoàng đã gửi cho họ một sứ điệp
để khuyến khích họ sống hiên ngang, sống tự do. Xin lượm lặt ra vài ý: “Đức
giáo hoàng tin tưởng vào trí tưởng tượng và óc sáng tạo của các con”... Do đó,
“đừng để mình nao núng bởi những giới hạn và sự nghèo nàn của các con”. Ngài
nhấn mạnh đến “sự tin tưởng lạ lùng Đức Kitô đặt nơi người trẻ”, nơi mọi người,
rồi khẳng định: “bằng Thánh Thần của Người đang hiện diện nơi các con, Đức Kitô
cho các con được làm muối đất”, để “trả lại cho thế giới hương vị đích thực của
nó bằng cách giúp nó khá phá ra vẻ đẹp của sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa
anh chị em”.
[47] Bài
giảng của Đức giáo hoàng trong thánh lễ lúc 17g30 ngày 2-2-2015 tại Đền Thờ
thánh Phêrô đậm đặc chất liệu thường huấn. Chúng tôi xin trích: “… Sự vâng phục
này, sự ngoan ngoãn này không có tính lý thuyết,
nhưng tuân theo lô-gích của mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời: ngoan ngoãn và
vâng phục đối với một đấng sáng lập, ngoan ngoãn và vâng phục đối với một bản
luật cụ thể, ngoan ngoãn và vâng phục đối với một bề trên, ngoan ngoãn và vâng
phục đối với Hội Thánh. Đây là một sự ngoan ngoãn và vâng phục cụ thể.
Bằng
một con đường kiên trì trong vâng phục, sự khôn ngoan cá nhân và cộng đoàn nên
chín muồi, và khi đó cũng có thể thích nghi các luật lệ với thời đại: quả vậy,
“sự canh tân” đích thực là công trình của sự khôn ngoan, được rèn luyện trong
sự ngoan ngoãn và vâng phục.
Việc tăng cường sinh lực và canh tân đời sống thánh hiến được thực
hiện nhờ một tình yêu lớn lao đối với
luật dòng và cũng nhờ khả năng chiêm
ngưỡng và lắng nghe những người cao tuổi của tu hội. Cũng vậy “kho tàng”,
đặc sủng của toàn thể gia đình tu sĩ được bảo
vệ bằng sự vâng phục và bằng sự khôn ngoan. Nhờ con đường này, chúng ta
được gìn giữ khỏi sống sự thánh hiến của chúng ta cách “light”, cách thiếu thực
tế, y như thể đó là một thứ ngộ đạo đang giản lược đời sống tu trì vào một thứ
“biếm họa”, một thứ biếm họa trong đó ta sống một việc “bước theo” mà không có
từ bỏ, một việc cầu nguyện mà không có gặp gỡ, một đời sống huynh đệ mà không
có hiệp thông, một sự vâng phục không có tín nhiệm, một bác ái không siêu việt
tính.
Hôm
nay, chúng ta cũng muốn như Đức Maria và như cụ Simêon, chúng ta muốn bồng Đức
Giêsu trong tay để Người gặp gỡ dân Người và, chắc chắn chúng ta chỉ được như
thế nếu chúng ta để cho mầu nhiệm Đức Kitô nắm bắt chúng ta. Chúng ta hướng dẫn
đoàn dân đến với Đức Giêsu bằng cách để cho Người dẫn dắt chúng ta. Chúng ta
phải như thế: những người hướng dẫn được hướng dẫn”
(Zenit.org, 2-2-2015).
[55] Thấy rằng từ ngữ docilité hay docility, docilitas (= đón nhận sự dạy bảo) có nét gì đó tiêu cực, hôm nay các nhà giáo dục trên thế giới muốn nêu bật phương diện chủ động, tích cực, của người thụ huấn, nên đã tạo ra một từ mới, docibilitas (tạm dịch ra tiếng Pháp là docibilité hay enseignabilité [Anh, teachability]), được linh mục A. Cencini, chuyên viên tâm lý và giáo dục Ý, định nghĩa là “sự sẵn sàng [tự do] của người thụ huấn để cho mình được-chạm-tới/được-giáo-dục bởi cuộc đời, bởi những người khác, bởi mỗi hoàn cảnh hiện sinh và sẵn sàng để học từ cuộc đời và kinh nghiệm” (x. A. Cencini, Il respiro della vita – La grazia della formazione permanente, San Paolo 2002, chương 2).
[56] Sứ điệp cho Ngày Giới Trẻ
Thế Giới lần thứ XXX, 2015, ss. 1.2.3.