GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 52: TÓM LƯỢC ĐẠO CÔNG GIÁO

Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM

Hỏi: Xin tóm tắt ngắn gọn giúp con về đạo Công Giáo được không ạ?

Trả lời:


“Tóm tắt ngắn gọn đạo Công Giáo” là một việc làm không dễ chút nào, vì đây là một đề tài quá lớn, quá rộng. Nhiều khi trải qua mấy lớp giáo lý mà sự hiểu biết vẫn chưa đâu vào đâu. Tuy nhiên, đây là một ý tưởng hay, và có thể là một việc làm hữu ích, giúp chúng ta có được một cái nhìn khái quát, tổng thể về giáo lý của Hội Thánh cũng như chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì là tóm tắt, nên người viết chỉ xin tập trung vào mấy ý chính sau:

Niềm Tin của người Công Giáo

Ở Việt Nam, đạo Công Giáo thường được gọi là đạo Thiên Chúa. Tuy đó không phải là tên gọi chính thức, nhưng xét về từ ngữ thì danh xưng đạo Thiên Chúa là rất hợp lý, vì tôn giáo này tôn thờ Thiên Chúa là Chủ tể vũ trụ vạn vật.  

Niềm tin này con người có được không chỉ nhờ những tìm tòi và suy luận bằng lý trí tự nhiên, mà còn nhờ ơn mạc khải của chính Thiên Chúa. Nghĩa là chính Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết về Ngài và chương trình cứu độ của Ngài dành con người qua Thánh Kinh, một bộ sách do chính Ngài đã linh hứng cho một số người viết ra.

Tín điều căn bản hàng đầu của người Công Giáo là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Ngài diễn tả mình là Đấng Tự Hữu, tức tự mình mà có, không do ai tạo thành, Ngài vẫn có từ trước vô cùng và tồn tại mãi vô cùng. Ngài là Đấng thiêng liêng siêu việt, không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian. Ngài đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật từ hư vô. Việc tạo dựng này có thể là một tiến trình tiệm tiến lâu dài. 

Công trình tạo dựng này bao gồm thế giới thiêng liêng vô hình là vô số các thiên sứ; và thế giới hữu hình là các thực thể vật chất: mặt trời, trăng sao, trái đất, cây cỏ, dã thú, chim trời, cá biển… Giữa các thực thể đó, Thiên Chúa đã dựng nên loài người có hồn và xác, có lý trí, có tự do và có tình yêu. Con người là tác phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban cho những phẩm tính giống như Ngài, được mời gọi thông chia vào chính sự sống thần thiêng của Ngài và được Ngài trao quyền làm chủ vũ trụ.

Người Công Giáo cũng tin vào Đức Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, Đấng đã giáng sinh làm người để cứu chuộc loài người thoát vòng tội lỗi. Loài người thay vì sống theo thánh ý Chúa, đã chạy theo tham vọng của mình mà quay lưng lại với Đấng tạo thành, phản bội lại tình yêu của Ngài, đã sa ngã trước cám dỗ và ngày càng ngập chìm trong tội lỗi, chuốc lấy khổ lụy và chết chóc.

Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương loài người đến nỗi sai con của mình đến để cứu chuộc họ. Để thực hiện kế hoạch này, Thiên Chúa đã tuyển lựa dân tộc Do thái như dân riêng để dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu thế đã sinh ra trong dân tộc nhỏ bé này. Người đã nhập thể và được sinh ra bởi một người Mẹ nhân đức vẹn tuyền là Đức Trinh Nữ Maria.

Sứ vụ của Đức Kitô là giảng dạy cho nhân loại biết về Thiên Chúa tình yêu và về chương trình cứu độ loài người. Người tuyển chọn nhóm 12 tông đồ làm nền móng cho Hội Thánh Công Giáo, để Hội Thánh tiếp tục sứ vụ của người ở trần gian. Người thiết lập các Bí Tích làm phương tiện truyền thông ơn thiêng cho các giáo hữu.

Cuối cùng, theo đúng như lời đã tiên báo, Người đã hiến thân chịu chết trên thập giá như một lễ tế để đền tội cho mọi người, hòa giải con người với Thiên Chúa, để họ lại có thể được thừa hưởng hạnh phúc vĩnh hằng với Thiên Chúa. Và cũng đúng như lời đã hứa, sau ba ngày, Người sống lại và trở về trời vinh hiển bên Chúa Cha. Chưa hết, Người hứa rằng đến ngày tận cùng của thế giới, Người sẽ lại đến để phán xét toàn thể nhân loại. Kẻ lành được đưa về hưởng hạnh phúc bất tận với Chúa; kẻ dữ phải sa hỏa ngục đời đời.

Cùng với Chúa Cha và Chúa Con, người Công Giáo cũng tin sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần, Đấng cùng một bản tính và quyền năng như Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là Đấng không thể diễn tả. Chúng ta không biết Ngài cách trực tiếp mà chỉ có thể biết Ngài qua những biểu lộ, những hoạt động và dấu chỉ của Ngài trong lịch sử cứu độ, nhất là qua lời giới thiệu của Chúa Giêsu: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy (Ga 15,26); Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).

Chúa Thánh Thần đã đến với Hội Thánh trong ngày lễ Ngũ Tuần. Ngài không ngừng tác động để đưa thế giới vào thời đại của Hội Thánh. Nhờ quyền năng của Thánh Thần, con cái Thiên Chúa có thể làm được những việc tốt lành và trổ sinh hoa quả là “bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (Gl 5,22–23). 

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba ngôi vị khác biệt nhau, nhưng cả ba ngôi có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu. Cả ba ngôi cùng là Thiên Chúa, nhưng cả ba ngôi vẫn chỉ là Một Thiên Chúa duy nhất. Trong đó mỗi ngôi hướng về ngôi khác với tất cả tình yêu trao ban và đón nhận. Đây là mầu nhiệm, là chân lý đức tin vượt quá trí khôn hữu hạn của loài người. Để có thể hình dung phần nào, chúng ta hãy nhìn về Mặt Trời để so sánh: Mặt Trời sinh ra Ánh Sáng, Mặt Trời và Ánh Sáng phát ra sức nóng. Mặt Trời – Ánh Sáng – Sức Nóng vừa là ba nhưng vẫn chỉ là một thực tại, phân biệt nhưng không tách biệt.

Hội Thánh Công Giáo

Ban đầu, Chúa Giêsu Kitô chỉ thiết lập có một Giáo Hội duy nhất, cũng như chỉ có một chân lý duy nhất mà Người đã giảng dạy. Theo dòng thời gian, Giáo Hội phát triển lớn mạnh, như một cây đại thụ sum sê cành lá. Điều đáng buồn là đôi khi lại có những cành gãy xuống khỏi cây đại thụ ấy; tức là những nhóm người xa rời Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô, lập nên những giáo hội khác:

- Đầu thế kỷ thứ 11 (1054), một nhóm tín hữu bên Đông Âu tự tách ra lập thành Chính Thống giáo, với một số nghi thức mới riêng biệt.

- Đầu thế kỷ 16, vua Henry VIII của nước Anh vì muốn có con trai nối dõi đã xin Đức Giáo Hoàng cho được tiêu hôn để cưới vợ mới, không được chấp thuận nên nhà vua đã ra sắc lệnh tách nước Anh ra khỏi Hội Thánh và lập nên Anh Giáo.

- Năm 1517, ông Martin Luther cùng với một số đồng bạn chủ xướng tại Đức phong trào Kháng Cách để lập thành giáo hội Tin Lành (Protestantism). Từ giáo hội mới này đã nảy sinh ra cả ngàn các hệ phái khác nhau với những giáo thuyết khác biệt ở nhiều nơi. Và rồi mỗi giáo phái, dù lớn dù nhỏ cũng đều nhận rằng chỉ có mình mới là chân chính, là đạo thật.

Nhưng Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô – Hội Thánh Công Giáo – vẫn là cây đại thụ sừng sững bao la. Giáo Hội vẫn thủy chung gìn giữ nguyên vẹn mọi giáo huấn và truyền thống của các tông đồ. Giáo Hội không ngừng làm cho giáo lý ấy thêm sáng tỏ và thích nghi theo từng thời đại, vẫn trung thành tuân phục quyền bính các đấng kế vị các tông đồ mà Chúa Giêsu đã đặt. Đặc biệt Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị thánh Phêrô, thay mặt Chúa Kitô ở trần gian.

Công Giáo có nghĩa là toàn vẹn và phổ quát, vì đạo chứa đựng mọi điều cần thiết để được ơn cứu rỗi. Công Giáo cũng có nghĩa là đạo chung, đạo cho toàn thể nhân loại, đạo dành cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói, văn hóa hay địa vị.

Nhờ Hội Thánh và qua Hội Thánh của Chúa Kitô, người tín hữu qua suốt chặng đường dài từ nhỏ tới khi về già, được chăm sóc và nuôi dưỡng bởi các Bí Tích do chính Đức Kitô thiết lập và trao cho Hội Thánh cử hành để ban ân sủng cho con người, đó “là những phương linh nghiệm cho chúng ta được nên thánh”. 

- Khi mới sinh ra, con cái Hội Thánh được lãnh nhận chịu phép Thánh Tẩy để được xóa bỏ tội Nguyên Tổ và làm con cái Chúa. 

- Khi trẻ em đủ trí khôn thì lãnh phép Thêm Sức để được vững mạnh trong niềm tin nhờ ơn Chúa Thánh Thần. 

- Khi có lỗi lầm đáng kể nơi lương tâm, người tín hữu lãnh nhận bí tích Hòa Giải để được ơn tha thứ và bình an.

- Khi tâm tư được thanh sạch, người tín hữu được khuyến khích lãnh nhận bí tích Thánh Thể như của ăn thiêng liêng cho linh hồn, thường được cử hành trong các Thánh Lễ hàng ngày, đặc biệt là ngày Chúa nhật. 

- Khi trưởng thành và sẵn sàng sống đời lứa đôi, họ lãnh nhận bí tích Hôn Phối để được thêm ân sủng đặc biệt giúp chu toàn đời sống gia đình. 

- Lúc yếu đau bệnh tật và tuổi già, người tín hữu đón nhận bí tích Xức Dầu Thánh để mạnh mẽ và bền đỗ tới cùng trong niềm tin, đồng thời chuẩn bị cho họ cuộc vượt qua sang đời sống vĩnh cửu. 

- Riêng với một số người được ơn gọi đặc biệt, họ lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh để được năng quyền thay mặt Chúa Kitô thực thi ba chức năng: giảng dạy Lời Chúa, quản trị cộng đoàn và cử hành các nghi thức phụng vụ, nhất là Thánh Lễ. 

Người Công Giáo vững tin mình thuộc Hội Thánh thực sự được thiết lập bởi chính Thiên Chúa. Họ gặp được nơi giáo huấn của Hội Thánh những điều thích đáng phù hợp với lý trí và lương tâm. Và dù còn nhiều khuyết điểm tội lỗi, với tâm hồn hướng thiện, họ đón nhận lòng nhân từ và chữa lành của Thiên Chúa, nhờ đó họ được thánh hóa.

Niềm hy vọng của người Công Giáo

Nếu hỏi người Công Giáo: Ta sống ở đời này để làm gì? Họ sẽ trả lời: Ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc. Mà hạnh phúc thật là hiệp thông với Thiên Chúa. Vì ta được Chúa tạo dựng nên chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc thật của ta, hạnh phúc tròn đầy, hạnh phúc vĩnh hằng không bao giờ chán.

Để đạt được hạnh phúc ấy, điều kiện đầu tiên đối với mỗi người là Tin và chịu phép rửa (x. Mc 16,16). Ngoài ra người tín hữu cũng phải biết sống sao cho xứng đáng bổn phận làm con với Cha trên trời và sống theo sự chỉ dẫn của Ngài, được chuyển tải qua bốn hình thức sau:

- Luật tự nhiên Thiên Chúa in trong lương tâm mỗi người, thúc giục con người làm điều thiện, tránh điều ác.

- Mười Điều Răn: là bản đúc kết những điều chính yếu Thiên Chúa truyền cho dân của Ngài, nhờ đó con người biết cách tôn thờ Thiên Chúa là Chúa duy nhất, biết thảo kính cha mẹ, tôn trọng sự sống, danh dự và tài sản người khác, biết giữ gìn bản thân cho thanh sạch xứng đáng là “hình ảnh Thiên Chúa”. 

- Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh: đây là sách dạy ta cách chắc chắn và không sai lầm những chân lý mà Thiên Chúa muốn ghi lại vì phần rỗi chúng ta. “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.” (2 Tm 3,16).

- Giáo huấn và những luật lệ Hội Thánh: với tư cách là Mẹ và là Thầy, Hội Thánh có nhiệm vụ giáo huấn, giúp đưa mọi người vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và đạt tới ơn cứu độ.

Dĩ nhiên, để đạt được ơn cứu độ và hạnh phúc viên mãn nơi Thiên Chúa, người tín hữu không hoàn toàn cậy vào sức mình, họ ý thức rằng tự mình không thể đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ấy, nhưng họ nương tựa vào Chúa. Chính ơn Chúa sẽ nâng đỡ sự yếu hèn nơi thân phận con người của họ. Phần con người chỉ là cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa.

Kết

Bạn thân mến, bản tóm tắt dù là không hoàn hảo trên đây, hy vọng có thể giúp bạn có được một chút ý niệm căn cốt nhất về đạo Công Giáo. Nếu bạn thấy bài viết vẫn còn dài dòng khó hiểu, tôi xin giới thiệu bạn tìm đọc lại “Kinh Nghĩa Đức Tin”, lời kinh thường được đọc trước lễ Chúa nhật tại các nhà thờ, đó thật là bản tóm tắt ngắn gọn tuyệt vời.

Và nếu vẫn muốn ngắn gọn hơn nữa, thì đây, tất cả niềm tin và thực hành của người Công Giáo có thể tóm gọn trong hai điều: “Mến Chúa – yêu người”. Đạo Công Giáo dạy cho con người nhận biết, tôn thờ, yêu mến một Thiên Chúa toàn năng, toàn mỹ, toàn thiện, toàn ái. Đồng thời yêu thương mọi người như anh em và cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp. Đời sống cầu nguyện và bác ái giúp họ an vui trong cuộc sống hiện tại và tiến về cuộc sống vĩnh cửu.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (16.5.2022)

Đọc thêm: