TÍNH BẤT KHẢ NGỘ THƯỜNG BỊ HIỂU SAI -
Ý NGHĨA
THẬT SỰ CỦA TÍNH BẤT KHẢ NGỘ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÀ GÌ?
Tính bất khả ngộ của Giáo hoàng, được Công đồng
Vaticano I long trọng xác định trong Hiến chế Tín lý “Mục tử Đời đời” (Pastor
Aeternus) năm 1870, từ lâu đã gây tranh cãi và thường xuyên bị hiểu lầm trong
và ngoài Giáo hội. Một số người Công giáo hậu Công đồng lập luận rằng Đức Giáo
hoàng không thể sai lầm, nên trong tương lai, Giáo hội không cần thiết phải có
các công đồng nữa. Cách chung, người Tin Lành cho rằng tuyên bố này không tìm
thấy trong Thánh kinh và trái với những lời dạy của Hội thánh sơ khai, mặc dù
người Công giáo chỉ ra lời hứa của Chúa Kitô là sẽ luôn ở lại với Giáo hội của
Ngài và gởi Chúa Thánh Thần đến để “dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ
lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Nhưng các nhà thần học tiếp tục không đồng ý
cách giải thích các tuyên bố về huấn quyền của giáo hoàng, như gần đây đã trở
nên rõ ràng khi Học viện Giáo hoàng về Sự Sống đã đăng tải ý ám chỉ rằng Thông
điệp “Sự sống Con người” (Humanae Vitae) của Đức Giáo hoàng Phaolô VI lên án biện
pháp tránh thai nhân tạo, không bị khống chế bởi tính bất khả ngộ của Giáo
hoàng.
Vậy, Giáo hội Công giáo hiểu như thế nào về
tính bất khả ngộ?
Đức Giáo hoàng Phanxicô và ơn bất khả ngộ Diễn giải những lời dạy mang tính giáo huấn |
Công Đồng đã nói gì
Điều mà Công đồng Vatican I đã thực sự dạy
trong Công đồng năm 1870, về định nghĩa ơn bất khả ngộ thì rất giới hạn. Trước
hết, Hiến chế Tín lý “Mục tử Đời đời” dạy rằng khi Đức Giáo hoàng đưa ra một
xác quyết cách trang trọng liên quan đến đức tin hoặc phong hóa, thì ngài “được
hưởng ơn bất khả ngộ mà Chúa Cứu Thế muốn Giáo hội của Ngài phải được ban tặng.”
Nói cách khác, không thể sai lầm không phải là thứ thuộc về riêng giáo hoàng,
nhưng là đặc sủng của toàn thể Giáo hội. Thứ hai, ơn này bị giới hạn trong những
tín điều được mạc khải thánh liên quan đến đức tin và phong hóa; ơn này không
phải để tuyên bố những học thuyết mới được biết đến. Thứ ba, những định nghĩa
như thế phải đại diện cho việc thực thi nhiệm vụ của giáo hoàng, nghĩa là “từ
ngai tòa thánh Phêrô” (ex cathedra) theo thẩm quyền tông đồ tối cao của ngài.
Cuối cùng, ơn bất khả ngộ phải liên quan đến một điều gì đó được gìn giữ bởi
Giáo hội hoàn vũ.
Công đồng Vaticano II (1962- 1965) không “sửa
đổi” giáo huấn của Vaticano I, theo nghĩa chặt của từ này, nhưng đã diễn giải lại
theo những cách đáng chú ý. Công đồng Vaticano II bao gồm các giám mục trong việc
thực thi ơn bất khả ngộ của Giáo hội. Công đồng cũng cho thấy giáo dân đóng một
vai trò quan trọng. Trước hết, chúng ta hãy xem xét việc bao gồm các giám mục.
“Hiến chế Tín lý về Giáo hội” (Lumen Gentium)
nói rằng: “Ơn bất khả ngộ của chính Giáo hội cũng hiện hữu nơi Giám mục đoàn
khi các ngài sử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với Đấng kế vị thánh
Phêrô” (LG, số 25). Trong bình luận của mình về “Lumen Gentium”, cha Karl
Rahner, S.J., công nhận rằng các giám mục, khi các ngài hiệp nhất trong việc giảng
dạy giáo thuyết “chắc chắn phải được gìn giữ”, có thể tuyên bố giáo thuyết một
cách không thể sai lầm. Điều này đề cập đến điều được gọi là “huấn quyền phổ
quát thông thường” vốn đang liên quan đến một số vấn đề gây tranh cãi ngày nay.
Nhưng cha Rahner cho thấy một sự khác biệt
quan trọng. Ngài lưu ý rằng bản văn Công đồng nói: “được gìn giữ” chứ không nói
“được tin”, vì hầu hết đều đồng ý rằng không phải mọi giáo thuyết được giảng dạy
một cách nhất trí là không thể sai lầm. Nhưng phân loại điều này thì đi xa hơn
mối bận tâm về vấn đề kỹ thuật, như chúng ta sẽ thấy bên dưới.
Đối với việc đưa giáo dân vào đặc sủng không
thể sai lầm, ngôn ngữ của Công đồng mang tính gián tiếp hơn. “Lumen Gentium” nại
đến vai trò trung gian của Thánh Thần trong việc xác định giáo thuyết, không chỉ
trong phẩm trật, mà còn trong toàn thể Hội thánh: “Toàn thể tín hữu, được Chúa
Thánh Thần xức dầu (x. 1Ga 2,20. 27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu
lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ
các Giám mục cho đến người giáo dân rốt hết” đều đồng ý về những điều liên quan
đến đức tin và phong hóa (LG, số 12).
Và một vài đoạn sau đó: “Do tác động của cùng
một Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, và
Chúa Thần Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đoàn chiên Chúa Kitô trong sự hợp
nhất đức tin (LG, Số 25). Như đã đề cập từ đầu, ơn bất khả ngộ không được sử dụng
để tuyên bố các giáo thuyết mới, mà để bảo toàn đức tin của Hội thánh. Ơn bất
khả ngộ hoặc quyền giáo huấn “ngoại thường” của Đức Giáo hoàng chỉ được thực
thi hai lần, khi Đức Giáo hoàng Piô IX xác định tín điều Đức Maria Vô nhiễm
Nguyên Tội (năm 1854) và Đức Piô XII xác định tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
(năm 1950), trong cả hai trường hợp, các ngài chỉ tuyên tín sau khi tham khảo ý
kiến Giáo hội thông qua một cuộc thăm dò ý kiến của các giám mục. Huấn quyền giảng
dạy những gì Giáo hội tin tưởng.
Đức Giáo hoàng Phanxicô và ơn bất khả ngộ
Đức Phanxicô đã thực hiện một số bước để khôi
phục sự hiểu biết toàn diện hơn về thẩm quyền giáo huấn. Khởi đầu triều giáo
hoàng của ngài, trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng với Antonio Spadaro, S.J., khi
được hỏi về cách ngài hiểu nguyên tắc “đồng cảm thức với Giáo hội” của Thánh
Inhaxiô Loyola, ngài nhấn mạnh rằng: cảm thức cùng với Giáo hội không có nghĩa
là chỉ cảm thức với phẩm trật. Ngài nói “Dân thánh thiện, trung thành của Thiên
Chúa” tự nó tạo thành một chủ thể, trong một cuộc hành trình xuyên suốt lịch sử.
“Và tất cả những tín hữu, xét như một toàn thể, thì không thể sai lầm trong các
vấn đề về đức tin, và mọi người biểu lộ ơn bất khả ngộ trong đức tin (infallibilitas
in credendo), sự bất khả ngộ này trong niềm tin, thông qua một cảm thức
siêu nhiên về đức tin của tất cả những người đi cùng nhau.”
Ngài nói thêm, “Khi cuộc đối thoại giữa dân
chúng với các giám mục và giáo hoàng diễn ra trên con đường này, và là cuộc đối
thoại chân thực, thì nó được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Vì vậy, cảm thức cùng với
Giáo hội không chỉ liên quan đến các nhà thần học.” Richard Gaillardetz, một thần
học gia tại Đại học Boston, đã đưa ra một nhận xét đáng chú ý về điểm này vào
năm 2014: Chúng ta đừng bỏ qua sự táo bạo của tuyên bố này. Đức Phanxicô đang
nói rằng chúng ta có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đối với
các giám mục với điều kiện là các ngài phải cởi mở để lắng nghe người khác.
Nhãn quan này trái ngược hẳn với những quan niệm gần như máy móc về sự trợ giúp
của Chúa Thánh Thần thường được các nhà lãnh đạo Giáo hội viện dẫn.
Tháng 6 năm 2014, Ủy ban Thần học Quốc tế đã
xuất bản một văn bản quan trọng có tựa đề “Cảm thức Đức tin trong Đời sống của
Giáo hội” (Sensus Fidei in the Life of the Church) nhằm phát triển sự hiểu biết
của Đức Phanxicô về Dân Chúa như một chủ thể. Khi tập trung vào sensus
fidei (cảm thức về đức tin) và sensus fidelium (cảm
thức của người tín hữu), bản văn đã lấy lại một nguyên tắc bắt nguồn sâu xa
trong cả Thánh kinh và Thánh truyền lẫn truyền thống thần học nhưng lâu nay bị
coi nhẹ trong lịch sử Công giáo. Văn bản của ủy ban giải thích rằng, các tín hữu
“không chỉ đơn thuần là những người lãnh nhận thụ động những điều được phẩm trật
giảng dạy và các nhà thần học giải thích: đúng hơn họ là những chủ thể sống động
và tích cực trong Giáo hội.”
Trong khi cảm thức của các tín hữu không thể bị
thu hẹp theo ý kiến của đa số và cần phải được phân định bởi huấn quyền, các
tín hữu có vai trò trong việc phát triển giáo thuyết và sự giảng dạy về luân lý
của giáo hội, và họ phải được tham khảo ý kiến. Về mặt thần học, sự phân biệt
trước đây giữa một giáo hội giảng dạy (ecclesia docens), vốn dành riêng cho phẩm
trật, và một Giáo hội học tập (ecclesia discens), không còn phù hợp nữa. Sự thống
nhất giữa hai chiều kích giảng dạy và học tập là hữu cơ. Do đó, Công đồng đã trục
xuất “bức tranh biếm họa về phẩm trật chủ động và giáo dân thụ động” (số 4).
Đức Phanxicô đã tìm cách diễn đạt viễn tượng
này về toàn thể Giáo hội như một chủ thể, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Trong
bài diễn văn khai mạc tiến trình Thượng Hội đồng thế giới, mà đỉnh điểm với cuộc
họp của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào tháng 10 năm 2023, ngài mời gọi
[Giáo hội hãy là và trở nên] một Giáo hội lắng nghe, một Giáo hội mà trong đó tất
cả những người được rửa tội đều tham gia tích cực vào đời sống và sứ mạng của
Giáo hội.
Diễn giải những lời dạy mang tính giáo huấn
Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra một
giáo thuyết là giáo huấn nhất quán của huấn quyền thông thường, như các sử gia
thường chỉ ra. Điều mà Giáo hội tin tưởng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhiều
giáo huấn nhất quán của huấn quyền thông thường cuối cùng đã bị thay đổi vì
cách thức tiếp nhận của Giáo hội. Trong cuốn sách Infallibility on Trial:
Church, Conciliarity and Communion (tạm dịch Tính Bất Khả Ngộ trong
Xét Xử: Giáo hội, Công đồng tính và Sự Hiệp thông) năm 1992, Luis M.
Bermejo đã đưa ra một số ví dụ, trong số đó có sự bất khả thi của ơn cứu độ bên
ngoài Giáo hội được công đồng Laterano IV (năm 1215) và Florence (năm 1442) giảng
dạy; sự khoan dung của chế độ nô lệ được Laterano III (năm 1179), Laterano IV
(năm 1215), Lyons V (năm 1245) và Lyons II (năm 1274) chuẩn nhận; và sự biện hộ
cho việc sử dụng tra tấn của Laterano II (năm 1179) và Vienne (năm 1311).
Trong suốt triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô
II, một loạt các tài liệu về thẩm quyền được ban hành bởi Bộ Giáo lý Đức tin tại
thời điểm Đức Hồng Y Joseph Ratzinger làm Bộ Trưởng. Các tài liệu đưa ra về chủ
trương thẩm quyền tối đa về mặt giáo thuyết, hay còn gọi là “chủ trương bất khả
ngộ đáng sợ.” Một trường hợp điển hình là Tông thư “Truyền chức Linh mục”
(Ordinatio Sacerdotalis) của Đức Gioan Phaolô II, vốn tuyên bố rằng Giáo hội
không có thẩm quyền phong chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được
gìn giữ cách dứt khoát. Khi các câu hỏi về thẩm quyền của Tông thư được đưa ra,
C.D.F. đã công bố một tuyên bố rằng: giáo huấn của giáo hoàng thuộc về kho tàng
đức tin và đã được giảng dạy một cách không thể sai lầm bởi huấn quyền thông
thường và phổ quát.
Nhưng nhiều nhà thần học vẫn tiếp tục đặt câu
hỏi về tính chính xác của tuyên bố đó. Viết trên tạp chí America, nhà giáo luật
nổi tiếng Ladislas Örsy, S.J., lập luận rằng phản ứng của C.D.F. chỉ phản ánh
cách giải thích và thẩm quyền của Bộ đó; nó không tác động đến sức thuyết phục
của Tông thư. Francis Sullivan, S.J., lúc đó là người đứng đầu cơ quan thẩm quyền
huấn giáo, đã viết rằng vẫn còn một câu hỏi là liệu các giám mục của Giáo hội
có nhất trí hay không trong việc dạy rằng: loại trừ phụ nữ khỏi chức vụ linh mục
là chân lý mạc khải. Ngài kết luận, “Trừ khi đây là trường hợp hiển nhiên, tôi
không biết làm thế nào có thể chắc chắn rằng giáo thuyết này được giảng dạy một
cách không sai lầm bởi huấn quyền thông thường và phổ quát.”
Trong bài bình luận của mình về Tự sắc “Để
bảo vệ Đức tin” (Ad Tuendam Fidem) của Đức Gioan Phaolô II, áp đặt các hình
phạt đối với những người phản đối những giáo huấn “dứt khoát” nhưng không phải
là những giáo huấn không thể sai lầm, Đức Hồng y Ratzinger đã bao gồm việc
phong thánh và tuyên bố của Đức Giáo hoàng Lêô XIII trong Sắc chỉ “Apostolicae
Curae” tuyên bố tính vô hiệu của việc phong chức linh mục Anh giáo như là chân
lý “được kết nối với sự mặc khải bởi sự cần thiết của lịch sử”, được bảo toàn
cách dứt khoát, ngay cả khi không được mạc khải. Các nhà thần học khác, trong số
đó có Avery Dulles, S.J., tìm thấy ví dụ về “Apostolicae Curae” gây tranh cãi.
Do đó, vẫn còn nhiều tranh cãi lớn nữa về điều gì sẽ được đưa vào sự dạy dỗ dứt
khoát của huấn quyền phổ quát thông thường.
Cuộc tranh luận hiện tại
Tháng 6 năm nay, Học viện Giáo hoàng về Sự sống
đã xuất bản một tập san: “Đạo đức Thần học về Sự sống: Kinh thánh, Truyền thống,
Những Thách đố Thực tế (“Theological
Ethics of Life: Scripture, Tradition, Practical Challenges”) gồm các bài viết
được đưa ra tại một hội thảo học thuật vào năm vừa qua. Một số nhà thần học
trong tập san này gợi ý rằng, trong một số trường hợp, các cặp vợ chồng có thể
chọn thực hiện biện pháp tránh thai nhân tạo một cách hợp pháp. Đáp lại cuộc
tranh cãi này, Học viện Giáo hoàng đã đăng tin rằng Thông điệp của Đức Giáo
hoàng Phaolô VI lên án việc tránh thai nhân tạo không bị khống chế bởi tính bất
khả ngộ của Giáo hoàng- nhưng thực ra điều này đã được Đức Tổng Giám mục
Ferdinando Lambruschini khẳng định khi trình bày thông điệp tại một cuộc họp
báo vào ngày 29 tháng 7 năm 1968. Cuộc tranh luận diễn ra sau việc đăng tin đầu
tiên, lần đăng tin thứ hai vào ngày 8 tháng 8 đã tái khẳng định bản tin trước
đó, nhưng sau đó chúng đã bị rút lại.
Thẩm quyền của Thông điệp “Sự sống Con người”
(Humanae Vitae) đã bị tranh luận từ lâu. Việc phát hành Thông điệp đã dẫn đến một
sự bất đồng quan điểm chưa từng có trong giới thần học gia, vốn cho rằng việc sử
dụng các biện pháp tránh thai là một quyết định của lương tâm đối với các cặp vợ
chồng. Một số Hội đồng Giám mục đã có cách tiếp cận vấn đề cách tương tự. Đối với
nhiều giáo dân Công giáo, thông điệp đánh dấu chấm dứt sự tin tưởng của họ vào
thẩm quyền giáo huấn về các vấn đề tính dục. Nhưng các nhà thần học khác đã chứng
tỏ tính không thể sai lầm trong giáo huấn của thông điệp này, gồm John C. Ford,
S.J. và Dr. Germain Grisez trong một bài viết năm 1978 trên Tạp chí Nghiên cứ
Thần học (Theological Studies).
Sự tán thành và đối thoại
Không phải tất cả các giáo huấn của Giáo hoàng
đều có thẩm quyền như nhau, như Công đồng Vaticanô II đã cẩn thận chỉ ra. Việc
giảng dạy trong lãnh vực giáo thuyết có thể thay đổi; những giáo thuyết được
suy xét hoặc không thể sai lầm vì sự mặc khải thần linh thì không thể thay đổi;
hai hình thức giảng dạy này có mức độ đáp ứng khác nhau từ phía các tín hữu.
Các giáo huấn của huấn quyền giáo hoàng đích thực, ngay cả khi giáo hoàng không
nói từ Ngai tòa Thánh Phêrô (ex cathedra), vẫn có được “sự tán
thành của tín hữu” hoặc “sự phục tùng của tín hữu”. Tuy nhiên, những giáo thuyết
được tuyên bố là không thể sai lầm là “không thể sửa đổi” và phải được tuân thủ
với “sự phục tùng đức tin” (LG, số 25). Ai từ chối tín điều, sẽ bị đặt ra bên
ngoài cộng đoàn đức tin, nghĩa là bị phạt vạ tuyệt thông.
Tạp chí America gần đây đã dẫn lời Đức Tổng
Giám mục Vincenzo Paglia, Viện trưởng Học viện Giáo hoàng về Sự Sống, ngài đã
mô tả vai trò của học viện là cung cấp một không gian cho các cuộc thảo luận học
thuật; nó không bị giới hạn trong việc giải thích các bản văn của huấn quyền.
Điều này phản ánh cách tiếp cận của Đức Thánh Cha Phanxicô, người tiếp tục nhấn
mạnh mối tương quan giữa lương tâm, chuẩn mực và phân định. Ngài ưa thích điều
này hơn là kết án.
Tính bất khả ngộ của Giáo hoàng không phải lúc
nào cũng được hiểu đúng. Một số người thuộc cánh hữu nghĩ rằng huấn quyền có thể
giải quyết mọi thắc mắc hoặc vấn đề bằng một tuyên bố. Những người thuộc cánh tả
thường trở nên thiếu kiên nhẫn và bất đồng về sự can thiệp của tính bất khả ngộ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng đi trên một ranh giới tinh tế giữa những thái
cực này. Quá nhiều cộng đồng tôn giáo ngày nay thiếu các quà tặng hay ân sủng của
sự kiên nhẫn hoặc chừng mực; không có cấu trúc giảng dạy có thẩm quyền, các cộng
đồng tôn giáo thường trở thành mồi ngon của giọng nói to nhất hoặc người có khả
năng nói lôi cuốn nhất. Kết quả là mất đoàn kết và đôi khi là bạo lực. Khả
năng giảng dạy với thẩm quyền của Công giáo, trong một số trường hợp thậm chí
là không thể sai lầm, là một trong những món quà tuyệt vời của Thiên Chúa dành
cho giáo hội.
Francis Xavier Đoàn Công Trình,
SJ
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org
(26.9.2022)
Nguồn: dongten.net
(30.9.2022)