TIN MỪNG TIÊN KHỞI (ST 3,15) – LỜI HỨA CỦA NIỀM HY VỌNG

Tác giả: Phương Tế Các Lương. CSsR

WGPQN (6.12.2020) – Chúng ta đang sống trong một xã hội tục hóa và vong thân, con người không còn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa và cũng không còn biết mình là ai. Rất nhiều người đánh mất cảm thức về tội lỗi, họ bị chìm trong sự dữ; họ cũng đánh mất cả niềm hy vọng về một cuộc sống viên mãn mai sau. Tại sao sự dữ lại hoành hành đến như vậy? Chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ đến bao giờ? Phải chăng con người bất lực khi chống lại sự dữ? … Chúng ta sẽ tìm giải đáp cho loạt câu hỏi này trong chính những đoạn đầu tiên của cuốn Thánh Kinh. Bài viết mời gọi đọc và suy tư câu: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15), để thắp lên một niềm hy vọng cho một thế giới có vẻ bi quan này.

1. Bối cảnh, cấu trúc bản văn

1.1. Bối cảnh

Câu Kinh Thánh này (St 3,15) nằm trong trình thuật “sa ngã” (St 3,1-24). Nguyên đoạn này (St 3,1-24) trình bày việc ông bà nguyên tổ bị con rắn dụ dỗ ăn trái cấm và sau đó bị Thiên Chúa thẩm vấn để rồi Ngài nguyền rủa con rắn, kết tội ông bà và đuổi ông bà ra khỏi vườn Địa Đàng. Sau đoạn này, Thánh Kinh Sáng Thế trình bày về hậu quả của tội lỗi mà ông bà nguyên tổ đã gây nên, đó là tội đánh mất tương quan với nhau, dẫn đến huynh đệ tương tàn (trình thuật Cain và Aben, chương 4).

Trở lại bối cảnh của câu Thánh Kinh St 3,15 và trình thuật “sa ngã”, sau khi được Thiên Chúa “tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”, ông bà nguyên tổ được Thiên Chúa đặt để nơi vườn Địa Đàng, sống sung túc hạnh phúc. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn dành cho ông bà một chỗ của tự do. Trong tự do, ông bà có một sự khao khát muốn biết và một sự cao ngạo của tham vọng muốn bằng Thiên Chúa. Chính điều này đã bị con rắn lợi dụng để cám dỗ ông bà phạm tội bất tuân Thiên Chúa. Trong sự dẫn dụ của con rắn, người đàn bà mà Thiên Chúa đã tạo dựng từ xương sườn đàn ông đã ăn trái cấm và đưa cho chồng mình cùng ăn để rồi cả hai phải chịu hậu quả cho hành động của mình. Chính ông bà nguyên tổ và cả con rắn đều phải chịu sự trừng phạt nhưng con rắn còn chịu sự nguyền rủa của Thiên Chúa. Câu 14 và 15 là hai câu nói về việc Thiên Chúa kết tội và nguyền rủa con rắn sau khi nó dụ dỗ ông bà nguyên tổ phạm tội nghịch với Thiên Chúa. Trước hai câu này (câu 14-15) là việc Thiên Chúa thẩm vấn ông bà nguyên tổ và sau câu này (câu 15) là việc Thiên Chúa đưa ra hình phạt đối với ông bà nguyên tổ và đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng. Phần tiếp theo xét cấu trúc đoạn văn để nhận biết theo vai trò của câu này (St 3,15).

1.2. Cấu trúc

Xét theo cấu trúc đồng quy (quy tâm) hay cấu trúc “chân đèn” thì câu St 3,15 nằm ở trung tâm của “trình thuật sa ngã”, cụ thể như sau:

A (3,1-6) Ông bà sẽ giống như những vị thần biết điều thiện điều ác (3,5)

B (3,7-8) Họ kết lá vả làm khố che thân (3,7)

C (3,9-13) Sự biện hộ của người nam và người nữ

D (3,14-15) Lời nguyền rủa trên con rắn

C '(3,16-20) Hình phạt đối với người nam và người nữ

B' (3,21) Thiên Chúa làm những chiếc áo bằng da và mặc cho họ

A' (3,22-24) “con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác” (3,22)[1]

Vậy trung tâm của trình thuật sa ngã là lời nguyền rủa trên con rắn, Satan, là đầu mối của sự dữ.[2] Câu 15 là một trong hai câu mà Thiên Chúa phán trên con rắn. Về mặt cấu trúc, có thể chia câu này thành 3 phần như sau:

15a: ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

15b: giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy.

15c: dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

2. Một vài chú thích các chi tiết

Câu 15a nói về mối thù giữa chính con rắn và người đàn bà, theo câu này thì việc đố kỵ, thù ghét nhau là cuộc đối đầu trực tiếp của người phụ nữ (ha-’iš-šah) và con rắn như cá nhân với cá nhân. Tuy nhiên mối thù này lại gây nên cuộc chiến chí tử và trường kỳ giữa hai bên.

Câu 15b tiếp nối câu 15a nói về mối thù giữa miêu duệ (zar-‘ă-ka) con rắn (cũng có thể coi là bè lũ con rắn – những kẻ theo đường lối của con rắn) và dòng giống (zar-‘ah) người đàn bà. Cả hai câu 15a và 15b nói về một cuộc chiến giữa một bên là con rắn và miêu duệ (cũng như bè lũ) của nó và bên kia là người đàn bà và dòng giống của bà. Từ “dòng giống” được dùng trong bản Hípri là zar-‘ah ở giống đực. Khi chuyển ngữ sang tiếng Hy lạp, trong bản LXX, người ta sử dụng từ σπέρμα (σπέρματος) là từ ở giống trung để chỉ về dòng giống người đàn bà.[3]

Câu 15c nói về việc dòng giống người đàn bà sẽ chiến thắng chính con rắn (chứ không phải miêu duệ con rắn), ở đây là “dòng giống của người đàn bà” chứ không phải “dòng giống đàn bà”[4]. Câu 15a, người đàn bà chống chọi với con rắn và câu 15b nói về dòng giống người đàn bà (tức tập thể nhân loại) chống lại bè lũ con rắn (toàn thể lực lượng sự dữ cùng hoạt động với Satan). Trong các bản dịch Việt ngữ thì ở câu 15c này, từ “hu” ở giống đực (có nghĩa là “nó”, tiếng Hy Lạp là “αὐτός”, cũng ở giống đực; bản Latin dùng từ “ipsa” ở giống cái lại được viết là “dòng giống đó” (theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ) hay “dòng giống nó” (bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn) như là một tập thể. Tuy nhiên ở cuối câu 15c từ “a-qêb”(αὐτοῦ πτέρναν) thể hiện rõ là “gót nó” (chứ không phải “gót họ”) như là một cá nhân. Như vậy, dòng giống người đàn bà đánh bại con rắn là một cá nhân; cuộc chiến thắng cuối cùng là do một nhân vật xuất phát từ loài người mang lại.[5] Nhân vật này là ai sẽ được trình bày ở phần tiếp theo.

3. Một vài suy tư và bài học Đức Tin

3.1. Một cuộc chiến đấu cam go và dai dẳng chống lại sự dữ

 “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” (St 3,15a-15b).

Lời nguyền rủa trên con rắn diễn ra sau khi Thiên Chúa chất vấn ông bà nguyên tổ (St 3,11-13). Lời nguyền rủa cho thấy liên minh giữa con rắn và Eva đã chấm dứt và thay vào đó là sự thù nghịch. Con người vốn là thọ tạo được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài để làm bá chủ mọi thụ tạo khác cũng là những thụ tạo được dựng nên trước đó bởi Người (St 1,26; 2,15-25); tất cả mọi thụ tạo đều chung sống hòa bình với nhau và với con người. Thế mà, do bởi sự bất tuân của con người mà sự dữ xâm nhập vào thế gian, thế lực thù nghịch với con người hình thành và tồn tại dai dẳng. Mối thù nghịch không còn ở bình diện cá nhân giữa người đàn bà (Eva) và con rắn nhưng là một mối thù truyền kiếp giữa dòng giống người đàn bà tức nhân loại và bè lũ của sự dữ. Hậu quả của mối thù nghịch là cuộc chiến chí tử và trường kỳ giữa hai bên với những cuộc tấn công vô cùng nguy hiểm.[6] Cả hai đều bị tàn phá và tàn phá lẫn nhau bằng các hành động được diễn tả trong câu 15c là “đạp đầu, táp lại gót chân” (bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn) hay “đánh vào (đầu), cắn vào gót” (theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Đó là trình bày của Thánh Kinh, còn trong cuộc sống của chúng ta thì sao?

Mỗi ngày, mọi người đều bước đi trong cuộc sống với bao nhiêu thử thách chông gai và cả những cám dỗ của sự sa ngã. Chúng ta phải chiến đấu liên tục với “ba thù” để sống xứng đáng là con cái Chúa. Cuộc sống lữ hành không thể nào tránh khỏi cuộc chiến đấu dai dẳng này. Sự dữ vẫn có đó, cám dỗ vẫn còn đó. Điều quan trọng mà mỗi người phải ý thức rằng ngay từ ban đầu con người không hề là đồng minh của sự dữ và sự dữ cũng không phải là đồng minh của con người. Bằng mọi giá, con người phải chiến đấu để vượt qua cám dỗ và chiến thắng sự dữ. Liệu tự sức con người chúng ta có làm được điều này? Trong “dòng giống người đàn bà” đã có một con người làm được điều ấy và đó là hy vọng của mỗi người chúng ta.

3.2. Cuộc chiến thắng khải hoàn – ơn Cứu Độ

“Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15c)

Như đã trình bày ở phần trên, mối thù giữa con rắn và người đàn bà, giữa hậu duệ con rắn và dòng giống người đàn bà là một mối thù truyền kiếp. Mối thù này gây nên một cuộc chiến chí tử và trường kỳ giữa hai bên, cả hai đều làm tổn thương, làm đau nhau. Tuy nhiên, dòng giống người đàn bà sẽ đạp nát đầu con rắn còn con rắn thì cắn vào gót chân của người đó. Cách diễn tả này cho thấy “cái thế đứng của đối phương ở thế thượng phong chống lại con rắn” và chính cái thế thượng phong này tiên báo “kết cục của cuộc giao tranh không thuận lợi cho con rắn, và do đó tiên báo cuộc chiến thắng cuối cùng của dòng giống người đàn bà.” Lời tiên báo này đã cho thấy ánh sáng đầu tiên về ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô thực hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Chính lẽ này mà St 3,15 được truyền thống gọi là “Tin Mừng tiên khởi” (“Protévangile”).[7]

Như vậy, Đức Giêsu Kitô, một Thiên Chúa thật và là một con người thật, đã hoàn toàn chiến thắng sự dữ, đánh bại Satan. Người cũng đã từng vượt qua những cám dỗ của quỷ. Đây chính là niềm hy vọng của loài người chúng ta. Chúng ta luôn phải chiến đấu với cám dỗ, chiến đấu với sự dữ trong sự cậy dựa vào Đức Giêsu Kitô và trong Người, chúng ta vượt qua cám dỗ và chiến thắng Satan, được hưởng Ơn Cứu Độ của Người. Trong loài người chúng ta đã có một người làm được điều đó, Đức Maria.

3.3. Người đàn bà – Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria

“Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15c)

Ở mục “một vài chú thích các chi tiết” của bài viết này đã trình bày về hạn từ “dòng giống nó” hay “nó” ở giống đực, giống cái hay giống trung. Sở dĩ người viết bài chú thích về hạn từ này vì có một điều khiến chúng ta phải suy tư là việc có phải câu St 3,15c có nhắc về một Eva mới tức Đức Maria. Bản Thánh Kinh Việt ngữ chú thích như sau:

C.15a nói đến mối thù giữa con rắn và người đàn bà. Mối thù đó gây nên cuộc chiến chí tử và trường kỳ giữa hai bên. Theo bản Hipri, “dòng giống đó” (c.15c: “hu”  ở giống đực, dịch sát là “nó”) chắc chắn phải thay thế cho “dòng giống người ấy” ở c.15b (zar-‘ah = “dòng giống” ở giống đực). Bản LXX và bản Phổ Thông cũ lại có một cái nhìn khác nhau và khác với HR. Trong bản LXX, sperma (= dòng giống) ở giống trung, và autos (= nó) ở giống đực chỉ một người con (thuộc giới nam) của dòng giống người đàn bà. Theo bản Phổ Thông cũ, semen (= dòng giống) ở giống trung; còn ipsa ở giống cái, chỉ người đàn bà, mẹ của Đấng Mê-si-a là Đức Ma-ri-a.[8]

Như vậy, người đàn bà trước hết là nhân loại này đã từ đó được Thiên Chúa cho sinh ra Đấng đạp đầu con rắn. Dòng giống người đàn bà đạp đầu con rắn, chiến thắng sự dữ, mang lại Ơn Cứu Độ cho nhân loại là Đức Giêsu Kitô như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, theo chú thích vừa trích dẫn thì dòng giống người đàn bà còn là Đức Maria và cho cả Hội Thánh sau này. Đức Giêsu Nhập Thể làm người qua cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria nhờ sự xin vâng của Đức Mẹ, để từ đó Ngài lớn lên trong thân phận con người và cứu rỗi loài người. Vì là Mẹ Đấng Cứu Thế và trọn đời sống trong nghĩa thiết với Thiên Chúa, Đức Maria đã cộng tác một cách thiết thân vào Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, để rồi sự dữ bị đánh bại. “Vì thế, ngay từ giây phút đầu đời, Mẹ đã được Thiên Chúa ban ân sủng ở mức tối đa, sung mãn (“đầy ơn phúc”), và suốt đời Mẹ đã sống trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa. Sự biệt đãi, đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ đây, được gọi là ơn ‘chẳng hề mắc tội tổ tông’ hay ‘vô nhiễm nguyên tội’”.[9] Ngoài đặc ân là mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Vô Nhiễm Thai, Đức Maria còn là mẹ của những ai đã được tái sinh trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu. “Trên Núi Sọ, vào chính lúc chiến thắng Satan nhờ thập giá, Chúa Giêsu thưa với thân mẫu: ‘Thưa Người Đàn Bà, đây là con của Bà’ (Ga 19,26). Với kiểu xưng hô độc đáo và lạ lùng này, Chúa Kitô gợi lại hình ảnh bà Eva, người đàn bà trong Tin Mừng tiên khởi, và là mẹ các sinh linh (St 3,20) để nói rằng Đức Maria là Eva mới và là mẹ tất cả những ai đã được tái sinh trong mầu nhiệm Thập Giá.”[10]

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật đã chiến thắng sự dữ, Mẹ Maria là thụ tạo hoàn hảo được Thiên Chúa đặt giữa đám tội nhân để phù trì nâng đỡ họ. Người phụ nữ này (Ga 2,4; 19,26) là khuôn mẫu cho tất cả những ai sẽ lãnh nhận ơn cứu độ.[11] Mẹ Maria là niềm cậy trông, niềm hy vọng an vui cho chúng ta, những người bước trong cuộc lữ hành với những cơn cám dỗ thường trực, những cuộc chiến đấu với sự dữ trường kỳ cho đến khi ta được nghỉ yên trong Chúa.

4. Kết luận

Ngay từ đầu của cuốn Thánh Kinh, sau khi con người sa ngã phạm tội, trong việc kết tội kẻ gây ra tội lỗi, Thiên Chúa lại lồng vào đó Tin Mừng tiên khởi. Với St 3,15 tác giả Sách Thánh đã nghĩ đến cuộc chiến thắng cần nhiều thời gian của dân Thiên Chúa trên sự ác. Loài người phạm tội và bị tổn thương nhưng vẫn được Thiên Chúa yêu thương, dẫn dắt đến những hoài bão mới mẻ. Tin Mừng tiên khởi khơi lên một niềm hy vọng chiến thắng sự ác một lần dứt khoát và là nguồn cảm hứng xuyên suốt lịch sử Cứu Độ. Chính niềm hy vọng này “gìn giữ chúng ta tỉnh thức trong một thế giới mà đâu đâu cũng thấy những chuyện gây thất vọng, hoặc là ru ngủ chúng ta, cho đến ngày cái chết sẽ đến để giải quyết hết mọi sự.”[12]

Mỗi chúng ta phải sống niềm hy vọng như thế nào để là những chứng nhân của Chúa Cứu Thế sống tinh thần liên đới vì sứ vụ cho một thế giới bị tổn thương trong đức ái thừa sai? Chúa đã đến, Người “Miêu Duệ” đã xuất hiện, đã “đạp nát đầu” Con Rắn, đã chiến thắng trên mọi quyền lực sự dữ. Ơn Cứu Độ đã có đây rồi. Vấn đề của chúng ta là sống trọn vẹn và trào tràn niềm hy vọng được hưởng Ơn Cứu Độ. Cậy dựa vào chính Chúa Giêsu Phục Sinh, bước đi trong ánh sáng của Người, cùng với Đức Maria, chúng ta an vui bước đi và mạnh mẽ chiến đấu cho niềm hy vọng mong chờ hưởng Ơn Cứu Độ viên mãn trong “Ngày Chúa lại đến.”

Nguồn: gpquinhon.org 


[1] http://bible.literarystructure.info/bible/01_Genesis_pericope_e.html#4 , trích trong Phạm Đình Trí, “Phần II: Đọc Và Chú Giải Các Bản Văn Trong Bộ Ngũ Thư,” Ngũ Thư, Tài liệu môn học, 13.

[2] Phạm Đình Trí, “Phần II: Đọc Và Chú Giải Các Bản Văn Trong Bộ Ngũ Thư,” Ngũ Thư, Tài liệu môn học, 13.

[3] Kinh Thánh Cựu Ước – Ngũ Thư, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2010), 69.

[4] Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Sách Ngũ Thư, Giáo trình môn Kinh Thánh (Sài Gòn: Lớp bồi dưỡng liên tu sĩ, 2000), 71.

[5] Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Sách Ngũ Thư, 71.

[6] “Genesis 1-3 (Creation and Fall)”, https://bible.org/seriespage/1-genesis-1-3-creation-and-fall (truy cập ngày 8-12-2020).

[7] Kinh Thánh Cựu Ước – Ngũ Thư, 69.

[8] Kinh Thánh, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2011), 36.

[9] Kinh Thánh – Lời Chúa Cho Mọi Người, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2007), 38.

[10] Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Sách Ngũ Thư, 72.

[11] Kinh Thánh – Lời Chúa Cho Mọi Người, 40.

[12] Kinh Thánh – Lời Chúa Cho Mọi Người, 40.