TÌM KIẾM BÌNH AN NỘI TÂM Ư? HÃY THỬ ĐI XƯNG TỘI!

Lm. Ed Broom, OMV

WHĐ (18.3.2023) - Có một hiện tượng rất thú vị: quan sát một người chuyển từ trạng thái căng thẳng bên trong được thể hiện qua sự căng thẳng bên ngoài, rồi sang trạng thái bình an và thanh thản! Chúng ta có thể liên kết hiện tượng này với trường hợp của một hối nhân đứng xếp hàng, chờ đợi đến phiên mình lãnh nhận Bí tích Giải tội, ít nhiều gì, họ dễ bộc lộ chút nào đó của sự bồn chồn, căng thẳng. Tuy nhiên, sau khi xưng tội và lãnh nhận ơn tha tội, chúng ta rất dễ nhận ra sự bình an nội tâm tỏa ra ngay từ chính nét mặt của người đó khi rời tòa giải tội.

Khoảng 35 năm trước, Mary Ann Budnik đã viết một cuốn sách ngắn nhưng rất tuyệt vời về Bí tích Giải tội với tựa đề “Tìm kiếm sự bình an ư? Hãy thử Xưng tội!” Tác giả khuyến khích tín hữu hãy lãnh nhận Bí tích Giải tội thường xuyên để xin ơn bình an và thánh hóa cho các thành viên trong gia đình.

Budnik đã đưa ra một nhận xét rất sâu sắc và thú vị: Khi căng thẳng, áp lực có dấu hiệu gia tăng, và những bất đồng, cãi vã giữa các thành viên trong gia đình có xu hướng tăng lên, thì có thể dẫn đến kết luận rất rõ ràng, đó là, đã đến lúc tất cả các thành viên trong gia đình cần đến với Tòa giải tội. Chắc chắn là sau khi mỗi người đi xưng tội đàng hoàng về, thì sự hòa thuận sẽ trở lại với bầu khí của gia đình.

Về mặt thần học, nhận xét này rất vững vàng và hợp lý. Lý do đơn giản là: trong số những hậu quả của tội lỗi phải kể đến: sự căng thẳng, hỗn loạn, ích kỷ, kiêu ngạo, tự ái và lục đục. Ân sủng của Bí tích giải tội sẽ giúp chống lại những hậu quả tiêu cực này của tội lỗi.

Có thể nói, một đề xuất tuyệt vời để củng cố sự thánh thiện, hòa thuận, yêu thương, bình an và niềm vui trong gia đình, còn được gọi là “Giáo hội tại gia”, là thực hành việc xưng tội hàng tháng. Từ người gia trưởng cho đến thành viên nhỏ nhất, hãy quyết tâm cùng nhau đi xưng tội hàng tháng, và khuyến khích cả gia đình có được thói quen tốt lành này!

Bốn yếu tố để thực hiện việc Xưng Tội cách Tốt Lành

Thánh Josemaria Escriva Balaguer, đã đặt ra một từ viết tắt dễ nhớ gồm 4 từ nhằm giúp chúng ta lãnh Bí tích hoà giải cách sốt sáng: Rõ ràng (Clear); Súc tích (Concise); Cụ thể (Concrete) và Trọn vẹn (Complete).

1. RÕ RÀNG. Trong Nhật Ký của Thánh Faustina, “Lòng Chúa Thương Xót trong Linh Hồn Tôi”, Chúa Giêsu đã nói rõ với Thánh nữ rằng, điểm khởi đầu để lãnh nhận Bí Tích Giải Tội hiệu quả là phẩm chất không thể thiếu của SỰ MINH BẠCH. Nói cách khác, đó là sự Rõ ràng. Thật thế, trong khi các dấu chỉ của Thần Lành là rõ ràng và minh bạch, t trái lại, sự lộn xộn, mập mờ, mơ hồ, nhập nhằng đều là những dấu chỉ của kẻ thù của linh hồn chúng ta, chính là ma quỷ. Do đó, khi xưng tội nơi tòa giải tội với linh mục, vị đại diện Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy nói chậm rãi, rõ ràng, chân thành và hết sức cởi mở. Hiệu quả chính của Bí tích Giải tội là chữa lành những vết thương mà chúng ta mắc phải do tội lỗi. Chúa Giêsu, vị Thầy Thuốc Thiêng liêng sẽ chữa lành chúng ta. Giống như một Bác sĩ sẽ chẳng thể chữa lành cho bệnh nhân trừ khi bệnh nhân bộc lộ những bệnh tật trên cơ thể mình một cách minh bạch và rõ ràng. Căn bệnh càng rõ ràng thì các ứng dụng của phương thuốc điều trị càng hiệu quả.

2. SÚC TÍCH. Có lẽ vị Thánh và vị linh mục giải tội nổi tiếng nhất trong Giáo hội Công giáo là Thánh Gioan Vianney thành Ars. Sau khi vượt qua nhiều trở ngại mà ngài gặp phải khi mới đến Giáo xứ, mọi người từ khắp nơi đổ về tòa giải tội của ngài. Người ta tính rằng thánh nhân giải tội từ 13 giờ đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong gần 40 năm. Sức thu hút của ngài với tư cách là một linh mục, một cha giải tội, và một vị thánh đạt đến mức tín hữu đôi khi phải chờ đợi nhiều ngày để đến phiên vào tòa giải tội của ngài. Những người viết tiểu sử của Thánh Gioan lưu ý rằng, theo nguyên tắc chung, ngài không dành thời gian dài cho mỗi hối nhân. Thông thường, không kể các trường hợp đặc biệt, mỗi người vào toà xưng tội sẽ mất khoảng 3 phút.

Súc tích có nghĩa là hối nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xưng tội. Điều có thể rất hữu ích là hối nhân viết ra tội của mình trước khi bước vào tòa giải tội. Ngoài ra, ngay cả trước khi gặp linh mục, hối nhân đã phải cố gắng thực hiện một Hành vi ăn năn tội cách trọn vẹn. Tóm lại, 95% việc xưng tội tốt lành là điều đã được thực hiện trước khi hối nhân bước vào tòa giải tội.

Trong Chương trình truyền hình Dragnet with Joe Friday, có một câu nói cổ điển và dễ nhớ mà ông ấy đưa ra trước khi tham gia vào vụ án: “CHỈ CÓ SỰ THẬT, THƯA BÀ, CHỈ LÀ SỰ THẬT THÔI….”. Theo nghĩa song song, hối nhân cần vào tòa giải tội với điều kiện tiên quyết này: “CHỈ LÀ TỘI LỖI, CHỈ LÀ TỘI LỖI THÔI….” Các yếu tố không liên quan đến việc Xưng tội nên được đặt sang một bên. Hết sức rõ ràng: Bản chất và nội dung chính của bất kỳ lời xưng tội tốt lành nào đều là lời thú nhận chân thành, minh bạch và súc tích về tội lỗi cá nhân của chính mình. Điều này có nghĩa là, lời xưng tội của bạn không phải là lời thú nhận của chồng/vợ, con cái, mẹ chồng của bạn, mà là tội lỗi của chính bạn. Đôi khi, chúng ta có thể nói quá nhiều vì đang lảng tránh vấn đề thực sự về tội lỗi của mình. Súc tích có nghĩa là ngắn gọn, chính xác; không dài dòng và vòng vo!

3. CỤ THỂ. Một phẩm chất thiết yếu khác để thực hiện Bí tích Giải tội là tầm quan trọng của việc xưng tội một cách cụ thể. Nên tránh những cách diễn đạt trừu tượng, mơ hồ, chung chung, thiếu diễn tả cụ thể, chẳng hạn như: “Con không đủ tốt... Con có thể trở thành một người tốt hơn. Con không hoàn hảo... Con đã vi phạm các điều răn... Con là một tội nhân thực sự tồi tệ... Con đã làm Chúa thất vọng... Lời nói của con có thể tốt hơn... Con cũng giống như đại đa số nhân loại – là một tội nhân… Tội lỗi của con cũng giống như tội lỗi của mọi người,...” Trái lại, có thể diễn tả cụ thể như sau: “Con bỏ lễ Chúa Nhật vì lười biếng… Con xem phim khiêu dâm 3 lần, mỗi lần nửa tiếng… Con lấy trộm tiền của Công ty vì con tham lam… Con cố tình uống rượu say 3 lần vào cuối tuần với những người bạn nghiện rượu của con,...” Những lời thú nhận này đều cụ thể và cho thấy nguyên nhân gốc rễ của việc phạm tội!

4. TRỌN VẸN. Bí Tích Giải Tội phải hoàn chỉnh. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, cũng như Bộ Giáo luật, quy định rằng để việc Xưng tội được trọn vẹn, hối nhân phải thú nhận cả số tội trọng, cũng như loại tội - nghĩa là loại tội đã phạm.

Ví dụ, một cặp vợ chồng trước khi kết hôn có lẽ đã lâu không xưng tội, 1 năm chẳng han. Nếu người chồng tương lai này đã không đi lễ trong 1 năm và rơi vào việc quan hệ trước hôn nhân hoặc lạm dụng ma túy, thì một Lời xưng tội hoàn chỉnh có thể như sau: “Thưa Cha, xin giải tội cho con, vì con đã phạm tội, lần xưng tội cuối cùng của con là một năm trước và đây là tội lỗi của con…. Con lạm dụng ma túy 10 lần; con bỏ Lễ 52 lần, và quan hệ trước hôn nhân 15 lần. Việc Xưng tội của người này được xưng một cách hoàn chỉnh: cả về số lần cụ thể, cũng như loại tội. Sau đó, người ấy nghe thấy những lời tuyệt vời này: “… Cha tha tội cho con nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. Amen.”

Nếu 4 yếu tố này, Rõ ràng, Súc tích, Cụ thể và Trọn vẹn được áp dụng khi chúng ta đến với Bí tích Giải tội—thì hy vọng rằng ơn chữa lành qua Bí tích của Thiên Chúa sẽ đổ tràn xuống tâm hồn, để rồi chúng ta sẽ rời khỏi toà Giải tội với một sự bình an chẳng thể hiểu và diễn tả nổi.

Bạn và gia đình đang tìm kiếm sự bình an thực sự của tâm hồn ư? Hãy thử đến với bí tích Hoà giải, ngay trong những ngày còn lại của Mùa Chay này!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (07. 3. 2023)