TIẾN TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC: ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU
Hội đồng Thường vụ của Thượng Hội
đồng Giám mục
WHĐ (09.02.2022) - Vào
thứ Tư, ngày 26 tháng Giêng năm 2022, Hội đồng Thường vụ của Thượng Hội đồng
Giám mục đã có buổi họp thường kỳ lần thứ XV, theo hình thức trực tiếp và trực
tuyến, để đánh giá tiến độ của tiến trình Thượng hội đồng trên toàn thế giới và
soạn tiêu chí cho "các bản tường trình" do các Giáo phận, Hội đồng
Giám mục, Thượng hội đồng các Giáo hội Đông phương và các tổ chức giáo hội khác
sẽ chuẩn bị.
Hội đồng Thường vụ tỏ ra hết sức hài lòng với những tiến bộ
đạt được của tiến trình ở cấp địa phương sau ba tháng khai mạc tiến trình Thượng
hội đồng. Gần 98% các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng của các Giáo hội
Đông phương trên toàn thế giới đã chỉ định một người hoặc nguyên một nhóm để thực
hiện tiến trình Thượng hội đồng. Đánh giá của Hội đồng Thường vụ được xác nhận
nhờ các cuộc trao đổi với các vị có trách nhiệm trong Thượng hội đồng ở khắp
nơi trên thế giới, thông qua trên dưới 15 cuộc họp trực tuyến do Văn phòng Tổng
Thư ký Thượng hội đồng Giám mục tổ chức từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2021.
Tiến trình Thượng hội đồng ở cấp toàn cầu
Giáo hội đang tiến bước! Nhiều giáo phận và các thực tại
khác trong Hội Thánh đã khởi động tiến trình Thượng hội đồng. Giáo dân (có tổ
chức hay không) và đặc biệt là những người sống đời thánh hiến tỏ ra rất nhiệt
tình. Lòng nhiệt thành này được thể hiện qua vô số sáng kiến thúc đẩy việc thỉnh
ý và phân định của Hội Thánh. Điều này được xác nhận bởi rất nhiều chứng từ từ
khắp nơi trên thế giới gởi về Văn phòng Tổng Thư ký, trong đó một số được công
bố định kỳ trên trang mạng sydresources.org.
Ngoài lý do để hy vọng, chúng còn là dấu hiệu cho thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt
động. Những người đã trải qua tiến trình Thượng hội đồng làm chứng về kinh nghiệm
mang lại niềm vui và nói lên một sự biến
đổi thực sự trong tâm khảm vì được thuộc về một cộng đồng Hội Thánh.
Nói chung, sự phân bổ thời gian, thể thức thỉnh ý và sự tham
gia của Dân Chúa có khác nhau giữa các vùng miền. Tiến trình Thượng hội đồng đã
được đặc biệt đón nhận cách phấn khởi và nồng nhiệt ở một số quốc gia Châu Phi,
Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Nơi nào tiến trình Thượng hội đồng cấp giáo phận hoặc
quốc gia đã được tiến hành hoặc sắp bắt đầu, hai động lực Thượng hội đồng thường
hài hòa tốt đẹp. Việc kéo dài giai đoạn lắng nghe Dân Chúa được đặc biệt đánh
giá cao.
Các tài liệu do vị Tổng Thư ký công bố đã được đón nhận nồng
nhiệt, và đã có những nỗ lực đáng khen ngợi trong việc dịch thuật các tài liệu
đó ở cấp địa phương. Tại một số quốc gia, nhiệm vụ này còn phức tạp hơn do ngôn
ngữ địa phương đa dạng và các cộng đồng cư ngụ cách xa nhau.
Chiều kích đại kết được hòa nhập khá tốt đẹp và tuân theo những
chỉ dẫn được gợi ý trong lá thư chung viết ngày 29 tháng 10 của Đức Hồng Y Koch
và Đức Hồng Y Grech. Ngay cả các Kitô hữu tín phái khác cũng phấn khởi và mong
muốn đóng góp vào hành trình thượng hội đồng do Hội Thánh Công giáo thực hiện.
Chiều kích liên tôn đã trở thành một phần tự nhiên của quá trình này ở các quốc
gia nơi các Kitô hữu là thiểu số.
Các phương tiện truyền thông và các diễn đàn trực tuyến khác
nhau đã thực hiện một nỗ lực nhất quán để phổ biến thông tin. Nhiều Giáo phận
và Hội đồng Giám mục đã thiết lập các trang mạng và các trang mạng xã hội tường
thuật cuộc hành trình thực tế của các giáo phận này. Về phần mình, ngoài trang
mạng của tổ chức là synod.va, Văn phòng Tổng Thư ký phổ biến thông tin qua các
phương tiện như: bản tin hàng tuần, trang mạng để thu thập các kinh nghiệm và
các nguồn lực được tạo ra tại cấp địa phương (synodresources.org) và một trang mạng
cầu nguyện cho Thượng hội đồng (prayforthesynod.va)
được tạo ra cùng với Mạng lưới Thế giới Cầu nguyện của Đức Giáo hoàng và Liên
hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền.
Các thách đố
Nhiều tín hữu nhận thức tiến trình Thượng hội đồng là một thời
điểm quan trọng trong đời sống của Hội Thánh, như một quá trình học hỏi cũng
như một cơ hội để hoán cải và đổi mới đời sống Hội Thánh. Đồng thời, nhiều khó
khăn cũng xuất hiện. Thực vậy, nỗi lo sợ và dè dặt được ghi nhận nơi một số
nhóm giáo dân và giữa các giáo sĩ. Cũng có một số giáo dân không tin rằng đóng
góp của họ sẽ thực sự được xem xét.
Hơn nữa, đại dịch hiện nay đã tạo thành một trở ngại đáng kể,
hạn chế khả năng gặp gỡ trực tiếp. Việc thỉnh ý Dân Chúa không thể giản lược chỉ
còn là một bảng câu hỏi, bởi vì thách đố thực sự của tính hiệp hành, chính xác
là sự lắng nghe lẫn nhau và sự phân định chung.
Những thách đố khác thường gặp là: 1) nhu cầu đào tạo, đặc
biệt trong việc lắng nghe và phân định để Thượng hội đồng thực sự là một tiến
trình thiêng liêng, không biến thành cuộc tranh luận nghị viện; 2) tránh cám dỗ
tự quy chiếu trong các cuộc họp nhóm để sự lắng nghe lẫn nhau này, vốn là nền tảng
của việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, sẽ dẫn đến việc mở lòng ra với những
người khác nhằm loan báo Tin Mừng. Một giáo hội hiệp hành là một giáo hội truyền
giáo, nơi mỗi người được rửa tội đều cảm thấy đồng trách nhiệm đối với sứ vụ của
Giáo hội; 3) tìm cách cải thiện sự tham gia của giới trẻ; 4) lôi kéo những người
sống bên lề các tổ chức Giáo hội; 5) sự miễn cưỡng của một số giáo sĩ.
Kết luận
Tóm lại, trong khi dường như tính mới lạ của tiến trình Thượng
hội đồng đã tạo ra nhiều niềm vui và sự năng động, một số điều không chắc chắn
cũng cần phải được giải quyết. Có sự nhận thức ngày càng rõ ràng hơn về việc
hoán cải mang tính hiệp hành mà tất cả những người được rửa tội đều được mời gọi
thực hiện. Cuộc hoán cải này là một tiến trình dài lâu, sẽ kéo dài đến sau năm
2023. Ước mong sao trên toàn thế giới đây sẽ là cuộc hành trình hiệp hành được
bắt đầu ở cấp địa phương và sẽ tiếp tục sau Thượng hội đồng 2021-2023, sao cho
các dấu hiệu hữu hình của tính hiệp hành có thể ngày càng được biểu lộ như một
yếu tố cấu thành Giáo hội.
Lưu ý đối với việc lập bản tường trình
Thể theo những yêu cầu đã nhận được, Văn phòng Tổng Thư ký
đang chuẩn bị một bản hướng dẫn cách thức các Giáo phận và Hội đồng Giám mục soạn
thảo các “bản tường trình” sẽ được đệ trình lên Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội
đồng Giám mục. Đây là công cụ phục vụ cho các thực tại khác nhau của Hội Thánh
và sẽ được sử dụng trong những tháng tới để đưa ra kết quả về sự phân định của
Hội Thánh. Văn bản này đề xuất ý tưởng rằng việc soạn thảo bản tường trình tự
nó là một hành động phân định, tức là kết quả của một tiến trình tâm linh và
làm việc theo nhóm.
Dung Hạnh chuyển ngữ từ synod.va
(07.02.2022)