Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng trong cuộc họp báo tại Vatican ngày 14.03.2024 (Hình: CNS/Lola Gomez)
THƯỢNG
HỘI ĐỒNG: HƯỚNG VỀ KHOÁ HỌP THÁNG 10.2024
Gerard
O'Connell
WHĐ (16.03.2024) – Mặc dù Khoá họp thứ hai và cũng là cuối cùng của Thượng Hội đồng về hiệp
hành sẽ kết thúc vào cuối tháng 10.2024, nhưng người Công giáo không nên mong đợi
những tuyên bố quan trọng về các vấn đề cụ thể được nêu ra trong Khoá họp thứ
nhất và được đưa vào Báo cáo Tổng hợp sau Khoá họp. Những vấn đề đặc thù đó bao
gồm vai trò của các giám mục, khả năng có các nữ phó tế, việc đào tạo linh mục
và nhiều vấn đề khác nữa. Tuy nhiên, Thượng Hội đồng vẫn tiếp tục mở ra những
chân trời mới đầy ý nghĩa cho đời sống, tổ chức và sứ mạng của Giáo hội Công giáo
trong thế kỷ XXI.
Thượng Hội đồng
vào tháng 10 tới sẽ chủ yếu tập trung vào câu hỏi then chốt: “Làm thế nào để trở thành một Giáo
hội hiệp hành trong sứ vụ?”. Hầu hết, nếu không phải tất cả, các vấn đề nổi cộm được nêu ra trong Báo cáo Tổng hợp năm
2023 sẽ được tiếp cận vào một thời điểm sau đó trong một tiến trình Thượng Hội
đồng đang diễn ra, một khi phương pháp thực hiện điều đó đã được thống nhất tại
Thượng Hội đồng tháng 10. Rõ ràng là nhiều người đang mong đợi những câu trả lời
hoặc kết luận cho một số vấn đề gây phật ý hoặc cấp bách được nêu ra qua tiến
trình Thượng Hội đồng sẽ phải đợi ít nhất là đến giữa năm 2025, nếu không muốn
nói là muộn hơn.
Điều này đã
trở nên rõ ràng trong cuộc họp báo hôm 14.3 tại Vatican, trong đó Đức Hồng y
Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, đã công bố một lá thư của Đức Thánh
Cha Phanxicô phác thảo con đường phía trước. Bức thư đề ngày
22.02, cho biết rằng Báo cáo Tổng hợp từ Khoá họp đầu tiên của Thượng Hội đồng
vào tháng 10.2023 đã nêu ra “nhiều vấn đề thần học quan trọng, tất cả đều ở
những mức độ khác nhau liên quan đến việc đổi mới mang tính hiệp hành của Giáo
hội, và không phải không có những hệ quả về mặt pháp lý và mục vụ”.
Đức Thánh
Cha Phanxicô đã xác định 10 vấn đề từ Báo cáo Tổng hợp đó mà “về bản chất,
đòi phải nghiên cứu chuyên sâu” và ngài đã giao cho 10 nhóm nghiên cứu. Tuy
nhiên, Đức Thánh Cha nói, “các nhóm sẽ không thể hoàn thành” việc
nghiên cứu của mình trước Khóa họp vào mùa thu.
Mười chủ đề
được trình bày trong thư của Đức Thánh Cha ở dạng tóm tắt và đi kèm với tài liệu
tham khảo liên quan đến phần cụ thể của Báo cáo tổng hợp đó (BCTH).
1. Một số
khía cạnh trong mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội
Latinh (BCTH 6).
2. Lắng nghe
tiếng kêu của người nghèo (BCTH 4 và 16).
3. Truyền
giáo trong môi trường kỹ thuật số (BCTH 17).
4. Việc duyệt lại văn kiện Ratio Fundamentalis
Institutionis Sacerdotalis theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 11). [Điều này liên quan đến việc đào tạo linh mục, phó tế và chủng
viện]
5. Một số vấn
đề Thần học và Giáo luật liên quan đến các hình thức thừa tác vụ cụ thể (BCTH 8
và 9). [Điều này liên quan đến mối tương quan giữa các đặc sủng và thừa tác trong
Giáo hội, sự tham gia của tất cả những người đã lãnh Phép Rửa vào sứ vụ của
Giáo hội, vai trò của phụ nữ và sự tham gia của họ trong việc ra quyết định,
v.v.]
6. Việc duyệt
lại, theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành, các tài liệu liên quan đến mối tương quan giữa các Giám mục, Đời sống
thánh hiến và các Hiệp hội Giáo hội (BCTH 10).
7. Một số
khía cạnh về cá nhân và tác vụ của Giám mục từ góc độ truyền giáo mang tính
hiệp hành (BCTH 12 và
13).
8. Vai trò của
các Đại diện Giáo hoàng theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 13).
9. Các tiêu
chí Thần học và các phương pháp luận mang tính hiệp hành để phân định chung về các vấn đề tín lý, mục vụ
và đạo đức gây tranh cãi (BCTH 15).
10. Tiếp nhận
hoa trái của hành trình đại kết trong các thực hành mang tính Giáo hội. (BCTH
7)
Đức Thánh
Cha Phanxicô đã giao các chủ đề này cho 10 nhóm nghiên cứu và chỉ đạo Ban Thư ký
Thượng Hội đồng thành lập các nhóm này “bằng sự điều phối với các Bộ có thẩm
quyền của Giáo triều Rôma”. Hơn nữa, theo Đức Thánh Cha, ban tổ chức phải
kêu gọi “các mục tử và chuyên gia từ khắp các châu lục tham gia” vào các
nhóm nghiên cứu này, vốn là những nhóm sẽ làm việc “theo một phương pháp hiệp
hành đích thực”. Các nhóm nghiên cứu phải trình bày “Bản tường trình đầu
tiên về hoạt động của mình” tại cuộc họp Thượng Hội đồng vào tháng 10.2024.
Đức Thánh Cha cho biết: “Nếu được, các nhóm sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình”
trước tháng 6.2025. Các báo cáo cuối cùng của họ “sẽ là một trong những
thành quả của tiến trình Thượng Hội đồng” đã được khởi sự vào tháng
10.2021.
Vì thực tế là các nhóm nghiên cứu sẽ chưa thể hoàn thành công việc của họ trước Thượng hội đồng tháng 10, Đức Thánh Cha nói rằng điều này “sẽ giúp Thượng hội đồng dễ tập trung hơn vào chủ đề chung” mà ngài đã đưa ra ban đầu và có thể được tóm tắt trong câu hỏi: “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ?”
Đức Hồng y
Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, nhấn mạnh rằng
câu hỏi trọng tâm này phải được nhìn nhận “dưới ánh sáng của sự biến đổi của
Giáo hội được vạch ra trong Tông huấn Evangelii Gaudium”
trong đó Đức Thánh Cha nói về “một vai trò chính mới mẻ của tất cả những người
đã lãnh Phép Rửa” tùy theo những hồng ân và đặc sủng khác nhau được ban cho
mỗi người.
Vì dường như
tiến trình Thượng Hội đồng sẽ tiếp tục ngay cả sau khi kết thúc Khoá họp tháng
10, tôi thắc mắc là liệu có thể có Khoá họp thứ ba của Thượng hội đồng hay
không. Tôi nhớ lại rằng khi Công đồng Vatican II khai mạc, các giám mục và nhiều
người khác nghĩ rằng nó sẽ kết thúc ở phiên họp đầu tiên, nhưng Công đồng đã
kéo dài đến 4 phiên. Liệu điều gì đó tương tự có thể xảy ra với Thượng Hội đồng
chăng? Đức Hồng y Hollerich trả lời: “Tất cả những gì tôi biết đó là nhiệm vụ
của tôi kết thúc với Thượng Hội đồng tháng 10 và khi nó hoàn thành”. Đức Hồng
y cho biết các báo cáo của các nhóm nghiên cứu sẽ được trình lên Đức Thánh Cha
vào tháng 6.2025, và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sẽ tùy thuộc vào Đức Thánh
Cha.
Đức Hồng y
Grech cho biết rằng từ nay đến Thượng Hội đồng tháng 10, Ban Thư ký đã yêu cầu
114 Hội đồng Giám mục tổ chức các cuộc họp ở cấp Giáo xứ và Giáo phận để tập
trung vào cách thức “Làm
thế nào” của tính hiệp hành. Những ý kiến đóng góp sẽ được thu thập trước hết
ở cấp quốc gia, sau đó được thảo luận tại các cuộc họp quốc tế do Ban Thư ký sẽ
tổ chức, và cuối cùng được chuyển cho Ban Thư ký Thượng Hội đồng, vào cuối
tháng 5, kịp thời cho việc soạn thảo Tài liệu Làm việc (Instrumentum Labis)
cho Thượng Hội đồng tháng 10 này. Đức Hồng y Hollerich cho biết Tài liệu Làm việc
này sẽ được soạn thảo vào tháng Sáu.
Linh mục
Giacomo Costa, S.J., một trong những Cố vấn chính của Ban Thư ký Thượng Hội đồng
và là thành viên của nhóm tham gia hội thảo tại cuộc họp báo hôm 14.3, đã thông
báo rằng Ban Thư ký đã thành lập 5 nhóm làm việc để tập trung vào câu hỏi trọng
tâm này cũng như vào những đóng góp của giáo hội trên toàn thế giới.
Cha Costa
cho biết Ban Thư ký Thượng Hội đồng cũng đã xuất bản 2 tài liệu vào ngày 14.03.
Tài liệu thứ nhất có tựa đề “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành
trong sứ vụ?”, tài liệu này đưa ra 5 quan điểm để đào sâu cuộc thảo luận thần
học trước Thượng Hội đồng tháng 10. Tài liệu thứ hai trình bày chi tiết về từng
chủ đề mà 10 nhóm nghiên cứu sẽ khảo sát chuyên sâu và có tựa đề dài: “Các
nhóm nghiên cứu về các vấn đề nảy sinh trong Khoá đầu tiên của Đại hội Thường lệ
lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục để tăng cường hợp tác với các Bộ của
Giáo triều Rôma”.
Đức Hồng y
Grech cho biết Thượng Hội đồng đang nhận được sự hỗ trợ cần thiết về Kinh
thánh, Thần học và Giáo luật từ 3 Ủy ban: Ủy ban Thần học Quốc tế, Ủy ban Kinh
thánh Giáo hoàng và Ủy ban Giáo luật. Đức Hồng y cũng nhấn mạnh sự đóng góp
quan trọng mà Ban Thư ký mong đợi từ cuộc gặp gỡ của 300 linh mục quản xứ sẽ được
tổ chức tại Roma vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Bình luận về
10 nhóm nghiên cứu và các chủ đề mà họ được giao, Đức ông Pietro Coda, Tổng Thư
ký của Ủy ban Thần học Quốc tế, đã đưa ra 3 nhận xét. Trước hết, có “một sự
phát triển quan trọng mang tính giáo hội học” trong các nhóm này, bởi vì
Tông hiến Predicate Evangelium, quy chế mới về việc cải cách Giáo triều Rôma, mời gọi sự phối hợp hiệp hành giữa các Bộ
và Thượng Hội đồng Giám mục, và điều này sẽ xảy ra với 10 nhóm.
Yếu tố mới
thứ hai, là 10 chủ đề được giao cho các nhóm nghiên cứu “sẽ được tiếp cận
theo cách thức hiệp hành”. Đức ông Pietro nhấn mạnh rằng những chủ đề này
không thể được tiếp cận ở mức độ sâu xa cần thiết trước Thượng hội đồng tháng
10.
Thứ ba, Đức
Thánh Cha kêu gọi sự tham gia không chỉ của các Bộ trong Giáo triều Rôma, mà
còn của các chuyên gia, thần học gia, chuyên viên giáo luật, và các mục tử của
giáo hội trên toàn thế giới. Đức ông Coda tóm tắt bằng cách nói rằng, tựu
trung, đây là một cách hoàn toàn mới để tiếp cận những vấn đề thần học và những
vấn đề phức tạp khác.
Nữ tu Simona
Brambilla, M.C., nữ thư ký đầu tiên của Bộ Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn Tông
đồ, và cũng là người đã
tham gia Thượng hội đồng vào tháng 10.2023, cho biết câu hỏi then chốt về làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành đòi
hỏi “các tiến trình phát triển” ở các cấp độ khác nhau và “tạo ra”
những hình thức và cấu trúc mới để trở thành một giáo hội như vậy, nhưng “trên
hết đó là một tiến trình tâm linh”.
Sơ Brambilla
cho biết: “Chúng ta khám phá ra rằng chúng
ta đang sống trong khoảnh khắc mạnh mẽ của Thánh Thần. Thánh Thần nói qua mỗi
người chúng ta”.
Đức Tổng
Giám mục Filippo Iannone, O.Carm., Tổng trưởng Bộ các Văn bản Luật, cho biết: “Mọi
cuộc cải cách trong Giáo hội đều cần có các quy tắc để làm cho nó có hiệu lực”,
và vì tiến trình hiệp hành trong Giáo hội đang mang lại sự cải cách, nên nó sẽ
đòi hỏi sự duyệt lại hai khoản
giáo luật – một dành cho Giáo hội Latinh và một dành cho các Giáo hội nghi lễ
Đông phương. Cần phải xem xét lại các quy tắc để cho phép tất cả mọi người nam
nữ tham gia theo các đặc sủng khác nhau của họ trong Giáo hội, và phân biệt giữa
thời điểm tham vấn và thời điểm ra quyết định trong Giáo hội để đảm bảo sự đóng
góp của tất cả mọi người. Ngài nói Tông hiến Predicate Evangelium đã mở
đường cho việc này bằng việc tách quyền chức thánh khỏi quyền quản trị.
Đức Hồng y
Grech cho biết rằng Thượng Hội đồng đã tạo ra nhiều sự quan tâm ở mức độ đại kết,
đến mức Đức Thánh Cha đã đồng ý mời thêm 4 “đại biểu huynh đệ” tham dự Thượng
Hội đồng vào tháng 10, do đó, nâng số lượng tham dự viên không phải là Công
giáo lên 16 người. Theo Đức Hồng y, “có lẽ chúng ta đang có một sự mở rộng về chủ hướng đại kết mà thoạt đầu
chưa được thúc đẩy”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (14. 03. 2024)