WHĐ (21.10.2023)Trong khuôn khổ Đại hội Thượng Hội đồng đang diễn ra tại Roma, chiều thứ Năm ngày 19.10, Đức Thánh Cha đã tham dự buổi cầu nguyện cho những người di cư và tị nạn do Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức. Buổi cầu nguyện diễn ra bên cạnh tượng đài người di cư Angels Unawares (Các thiên thần không được biết đến) tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:


ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

BUỔI CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ TỊ NẠN
BÀI SUY NIỆM CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Tại Tượng đài Người Di cư, Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Năm, ngày 19.10.2023

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết ơn Thánh Luca cho đủ vì đã truyền lại dụ ngôn này của Chúa cho chúng ta (Dụ ngôn người Samari nhân hậu, x. Lc 10, 25-37). Dụ ngôn này cũng là trọng tâm của Thông điệp Fratelli Tutti, bởi vì nó là chìa khóa, tôi có thể nói là chìa khóa để chuyển từ một thế giới khép kín sang một thế giới rộng mở, từ một thế giới đang có chiến tranh sang một thế giới hòa bình. Tối nay, chúng ta vừa lắng nghe dụ ngôn này vừa nghĩ đến những người di cư mà chúng ta thấy được thể hiện trong tác phẩm điêu khắc lớn này: người nam và người nữ thuộc mọi lứa tuổi, mọi nguồn gốc, mọi hoàn cảnh, và ở giữa họ có các thiên thần hướng dẫn họ.


Con đường từ Giêrusalem đến Giêricô không phải là một con đường an toàn, giống như vô số tuyến đường di cư băng qua sa mạc, rừng rậm, sông ngòi, và biển cả ngày nay. Có bao nhiêu anh chị em chúng ta hiện thấy mình ở trong tình trạng giống như người lữ hành trong dụ ngôn? Rất nhiều! Có bao nhiêu người bị cướp bóc, bị trấn lột, bị đánh đập dọc đường? Họ rời bỏ quê hương và bị những kẻ buôn người vô đạo đức đánh lừa. Sau đó, họ bị đem bán như hàng hóa. Họ bị bắt cóc, bỏ tù, bóc lột và làm nô lệ. Họ bị sỉ nhục, tra tấn, và hãm hiếp. Và rất nhiều, rất nhiều người trong số họ chết mà không bao giờ đến được đích. Những con đường di cư của thời đại chúng ta đầy rẫy những người nam nữ bị thương và bị bỏ dở sống dở chết, những anh chị em đang đau khổ kêu gào trước nhan Thiên Chúa. Họ thường là những người chạy trốn chiến tranh và khủng bố, như chúng ta đang chứng kiến một cách đáng buồn trong những ngày này.

Giống như ngày xưa, hiện nay vẫn có những người nhìn thấy cảnh tượng này và băng qua bên kia đường tiếp tục bước đi; chắc chắn họ sẽ tìm ra lý do nào đó để biện minh cho mình, nhưng thực ra đó là vì ích kỷ, thờ ơ và sợ hãi. Đây là sự thật. Trái lại, Tin Mừng nói gì về người Samari này? Tin Mừng nói rằng ông nhìn thấy người bị thương và chạnh lòng thương (c. 33). Đây là chìa khoá. Lòng thương cảm là dấu ấn của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, trắc ẩn, và dịu dàng: đó là phong cách của Thiên Chúa, và lòng thương cảm là dấu ấn của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Đây là chìa khoá. Đây là bước ngoặt. Bởi vì từ giờ phút đó, người đàn ông bị thương bắt đầu hồi phục, nhờ người xa lạ đó đã cư xử với mình như một người anh em. Và như vậy, kết quả không chỉ đơn thuần là một hành động giúp đỡ tốt đẹp; mà kết quả còntình huynh đệ.


Giống như người Samari nhân hậu, chúng ta được mời gọi trở thành người thân cận với tất cả những người lữ hành trong thời đại chúng ta, để cứu mạng họ, chữa lành vết thương, và xoa dịu nỗi đau của họ. Thậy không may, đối với nhiều người thì đã quá muộn, và chúng ta chỉ còn biết khóc trước mộ của họ, nếu họ thậm chí còn có một ngôi mộ, bởi Địa Trung Hải cuối cùng đã trở thành nấm mồ của họ. Nhưng, Chúa biết khuôn mặt của mỗi người trong số họ và Ngài không quên điều đó.

Người Samari nhân hậu không chỉ giúp đỡ người lữ khách bất hạnh bên lề đường. Ông còn đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa đến một quán trọ và chăm sóc người ấy. Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của bốn động từ tóm tắt việc phục vụ của chúng ta đối với người di cư: chào đón, bảo vệ, thăng tiến, và hội nhập. Những người di cư phải được chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Điều này liên quan đến trách nhiệm lâu dài; thực ra, Người Samari nhân hậu cũng đã quan tâm đến việc quay trở lại. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho những thách thức của tình trạng di cư ngày nay, hiểu rõ những khía cạnh quan trọng cũng như những cơ hội mà việc di cư mang lại, nhằm hướng tới sự phát triển của những xã hội dung nạp hơn, đẹp đẽ hơn, và hòa bình hơn.


Cho phép tôi nêu bật tính cấp bách của một hành động khác mà dụ ngôn không đề cập tới. Tất cả chúng ta phải dấn thân làm cho con đường trở nên an toàn hơn để lữ khách ngày nay không trở thành nạn nhân của nạn cướp bóc. Cần tăng cường nỗ lực đấu tranh chống lại các mạng lưới tội phạm lợi dụng niềm hy vọng và giấc mơ của những người di cư. Nhưng điều cần thiết không kém là chỉ ra những tuyến đường an toàn hơn. Điều này có nghĩa là chúng ta phải nỗ lực mở rộng các kênh di cư hợp lệ. Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, rõ ràng là cần phải đưa các chính sách nhân khẩu học và kinh tế vào cuộc đối thoại với các chính sách di cư vì lợi ích của tất cả những người liên quan, đồng thời đừng bao giờ quên đặt những người dễ bị tổn thương nhất vào trung tâm. Cũng cần phải thúc đẩy một cách tiếp cận chung và đồng trách nhiệm trong việc quản lý các dòng người di cư, vốn dự kiến ​​sẽ gia tăng trong những năm tới.

Chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập: đây là công việc chúng ta phải thực hiện.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ân sủng giúp chúng ta gần gũi với tất cả những người di cư và tị nạn gõ đến cửa nhà chúng ta, bởi vì ngày nay “bất cứ ai nếu không là kẻ cướp hoặc không là người bỏ đi qua, thì cũng sẽ là người bị thương hoặc là người vác người bị thương lên vai”. (Thông điệp Fratelli Tutti, 70).


Giờ đây, chúng ta sẽ dành một phút thinh lặng, để tưởng nhớ tất cả những người đã không đạt tới đích, những người đã thiệt mạng trên các tuyến đường di cư khác nhau, và những người bị bóc lột hoặc bắt làm nô lệ.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (19.10.2023)