ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2021
Các con thân mến,
Chúng ta
đang sống những ngày cuối Mùa Chay và chuẩn bị mừng lễ Chúa Kitô, Chúa chúng ta
phục sinh. Phụng vụ Giáo Hội nhấn mạnh Tam Nhật Vượt Qua sẽ là những ngày thật
đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội Công giáo. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, dựa
theo trình thuật của Phúc âm, giới thiệu một nhân vật đặc biệt, là niềm hy vọng,
Vị Cứu tinh duy nhất, giải thoát loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi: Chúa Kitô.
Thế nhưng, với một phiên tòa ngắn ngủi và đơn giản, Chúa Kitô đã trở thành một
người đại bại, thua cuộc hoàn toàn: Chúa Kitô bị kết án và chết trên Thánh giá.
Trong lúc mọi sự đã như một dấu chấm hết trong ngôi mộ buồn bã và lạnh lẽo kia,
thì vào rạng sáng một ngày sau đó, những tia nắng đầu tiên của ngày mới báo hiệu
một tin mừng chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Chúa Kitô phục sinh (Mt 28,
1-10). Đó là niềm tin của chúng ta, và đó cũng là điều mà tất cả chúng ta có bổn
phận phải loan báo và làm chứng cho anh em mình (x. Lc 24, 48). Bởi thế, trong
Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm nay, cùng với lời chào thân ái, cha muốn chia sẻ
với các con đôi nét về mầu nhiệm lớn lao này.
1. Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô
Mặc dù chết và sống là hai vấn đề khác nhau hoàn
toàn, nhưng trong mầu nhiệm Phục Sinh, hai điều này luôn được gắn kết với nhau
và bổ túc cho nhau, vì sẽ chẳng bao giờ có phục sinh nếu không có tử nạn. Cuộc
tử nạn của Chúa Kitô trên Thánh giá được mô tả cách chi tiết trong bài Thương
Khó (Ga 18, 1 – 19, 42). Ở đây, ta có thể đọc thêm một vài chi tiết nữa nơi
Phúc âm Nhất Lãm, để cho thấy Chúa Kitô, Chúa chúng ta đã thật sự đi vào cõi chết
(x. Mt 27, 50; Mc 15, 37; Lc 23, 46). Người đã được mai táng trong mồ theo
phong tục của người Do Thái (x. Mt 27, 59 – 60; Mc 15, 46; Lc 23, 53). Hơn thế
nữa, quyết định dường như chưa từng có tiền lệ của Tổng trấn Philatô ngày hôm ấy,
không phải để vinh danh, mà là để vĩnh viễn xóa sổ một con người. Thế là cửa mộ
Đức Giêsu đã được niêm phong và có lính canh cẩn thận (Mt 27, 66). Ngôi mộ ấy
cũng đã chôn vùi theo bao nhiêu niềm hy vọng của những ai đã tin tưởng theo Người
(x. Lc 24, 21). Nhưng qua cái chết, Chúa Kitô, Chúa chúng ta đã sự sống lại
trong những ngày sau đó.
2. Chúa Kitô đã phục sinh vinh hiển
Từ cổ chí kim, cả đến những nghiên cứu hiện đại,
chưa ghi nhận một trường hợp nào con người đã chết thật mà được sống lại. Với
chúng ta hôm nay, nếu cái chết của Chúa Kitô trên Thánh giá đã là một dữ kiện
trong lịch sử, thì sự sống lại của Người sẽ luôn là một chân lý của đức tin.
Chân lý này được xây dựng trên những chứng từ của Thánh Kinh. Từ trong Cựu ước,
người tôi tớ của Giavê, hình ảnh của Chúa Kitô, được giới thiệu cách trổi vượt,
dù phải đối diện với mọi nỗi nhọc nhằn, nhưng không bị bất kỳ một đau khổ nào
thống trị. (x. Bài đọc thứ Sáu Tuần Thánh (Is 52,13-53,12). Với các môn đệ của
mình, Chúa Kitô đã nói thật rõ ràng: Người sẽ chết và sau ba ngày sẽ sống lại
(x. Mc 8, 31). Những lời báo trước về sự phục sinh ấy, được trở nên hiện thực
hơn bởi sự kiện “Ngôi mộ trống” mà cả bốn Thánh sử đều ghi lại. Lại một dữ kiện
khác khiến chúng ta phải chú ý: Các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những người
đã nắm rõ toàn bộ diễn tiến của cuộc khổ nạn Chúa Kitô, kể cả những điềm lạ kèm
theo, lại có những cử chỉ lạ lùng; Nếu Chúa Kitô đã không thật sự chỗi dậy cách
oai hùng trước sự canh gác cẩn thận, thì sẽ không thể có một cuộc thương lượng
bằng tiền bạc với quân lính, nhằm che đậy một sự thật hiển nhiên trước mặt họ
(x. Mt 28, 13 – 15).
3. Niềm vui gặp gỡ Chúa Phục Sinh
Các con có nhớ rằng: sau khi hát kinh Vinh danh
của chiều thứ Năm Tuần Thánh, tất cả các Nhà thờ ngưng hẳn những hồi chuông
quen thuộc hàng ngày. Đó không phải là thói quen tự phát, mà là luật Phụng vụ của
Giáo Hội trong Tam Nhật Vượt Qua (x. Sách lễ Rôma – Nghi thức Tuần Thánh). Những
“tiếng mõ” khô khan trong các cử hành Phụng vụ như muốn diễn tả sự hiệp thông với
Chúa Kitô đang nằm im trong ngôi mộ mà người ta dành cho mình. Trong suy nghĩ của
cha, những tiếng vang trầm lắng ấy dường như làm cho tiếng chuông của Đêm Vọng
Phục Sinh càng trở nên rộn ràng và uy nghiêm, để chào đón Chúa Phục Sinh. Chúa
Kitô sống lại từ cõi chết, Người không còn chết nữa, “cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9). Với chúng ta
ngày nay, sự kiện này được củng cố bởi những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh
dành cho một số người (x. Mt 28, 9-10); cho hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc
24, 13 – 35), và sau cùng cho tất cả các môn đệ (x. Cv 1, 6 – 11).
4. Sống niềm vui Chúa Phục Sinh
Các con thân mến,
Chúa Kitô đã phục sinh, như cha đã nói ở trên,
đó là niềm tin và cũng là những điều mà chúng ta có bổn phận làm chứng cho người
khác. Nếu chúng ta đã kiên nhẫn đi với Chúa Kitô suốt hành trình sa mạc của Mùa
Chay, thì giờ đây đừng sợ, cùng với những nhân chứng phục sinh, các con hãy can
đảm làm cho niềm vui Chúa Phục Sinh được lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày của
các con. Các con hãy luôn nhớ rằng: nếu Chúa Kitô chỉ phục sinh vinh hiển từ
ngôi mộ của hai mươi thế kỷ về trước, mà không sống lại trong chính đời sống
hàng ngày của tôi, thì cũng chẳng có ích lợi gì cho tôi. Cùng với cha nữa,
chúng ta hãy tin tưởng để cho Người chiếm hữu và trở nên phương thuốc chữa trị
cho các bệnh tật tâm hồn chúng ta. Hãy cùng với Chúa Phục Sinh, chúng ta làm sống
lại con người mới nơi cuộc sống của mình: con người của hòa đồng và tương trợ,
con người của hiếu thảo và biết ơn, con người của niềm vui và hy vọng. Nhờ đó,
cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên một lời chứng về Chúa Phục Sinh cho thân nhân
và bạn bè của mình.
Với tất cả niềm vui của ngày Chúa chúng ta sống
lại, cha cầu chúc các con luôn vui khỏe và bình an. Nguyện xin phúc lành của
Chúa Phục Sinh đồng hành với các con mọi nơi mọi lúc. Xin Người tiếp tục che chở
và dẫn dắt quê hương chúng ta và thế giới sớm thoát khỏi đại dịch Covid – 19
nguy hiểm này.
Chúc Mừng Chúa Phục Sinh. Alleluia.
Vĩnh Long,
ngày 25 tháng 3 năm 2021.
(Đã ký)
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo