Thế giới cận đại - một thế giới toàn cầu hóa, đô thị hóa

30/05/2022


THẾ GIỚI CẬN ĐẠI - MỘT THẾ GIỚI TOÀN CẦU HÓA, ĐÔ THỊ HÓA

F. Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, FSC

Mục lục:

I. LỜI MỞ ĐẦU. 1

      1. Hoàn cảnh hiện sinh con người thời nay. 1

      2. Thế Giới Cận Đại - Một Thế Giới Toàn Cầu Hóa, Đô Thị Hóa. 1

      3. Một Quy Trình “Huấn Luyện” 2

I. DẪN NHẬP: “THẾ GIỚI TOÀN CẦU HÓA ĐƯA DẪN ĐẾN THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA VÀ TỤC HÓA”. 4

II. TÍNH VÔ DANH CỦA XÃ HỘI 6

III. ĐÂU LÀ MỘT SỰ GIẢI PHÓNG CHO THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA?. 8

IV. NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ LÀ NGƯỜI THỪA KẾ VÌ LÀ CON NÊN LÀ TỰ DO.. 10

      1. Con Người Là Chủ?. 11

      2. Con Người là Chủ vì Tự Do. 11

      3. Một Lời Mời Gọi Lăn Xả vào Lòng Thế Giới 12

V. QUAN HỆ I-THOU THEO BUBER CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ CÓ MỘT CHIỀU SÂU NHÂN BẢN TRONG THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA. 12

      1. Quan Hệ I-Thou Như Là Tương Quan Nền Tảng Của Mọi Tương Quan. 13

      2. Quan Hệ I-Thou Giúp Giải Phóng Đích Thật Vô Danh Tính Trong Thế Giới Đô Thị Hóa. 14

VI. MỘT VIỄN TƯỢNG THẦN HỌC VỀ DI ĐỘNG TÍNH CỦA CON NGƯỜI NGÀY NAY. 16

      1. Các Thành Phố Đương Đại Là Sự Chuyển Động Quần Chúng 16

      2. Di Động Tính, Một Hiện Tượng Bất Đảo Ngược. 17

VII. THÀNH PHỐ TỤC HÓA. 18

      1. Thế Giới Đô Thị Hóa Và Thế Giới Tục Hóa. 19

      2. Hạn từ "secularism" 19

      3. Vậy Tục Hóa là gì?. 20

      4. Một Tính Thế Tục Thiêng Liêng Tinh Vi 25

VIII. THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA VÀ TỤC HÓA CẦN ĐẾN MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ SỰ BIẾN THỂ XÃ HỘI 28

IX. THEO HARVEY COX, NIỀM HY VỌNG VÀO ĐỨC KITÔ TẠO RA NƠI LÒNG CỘNG ĐỒNG KITÔ MỘT LÒ SINH ĐỘNG KHÔNG NGỪNG TRONG THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA. 31

      1. Không Có Mâu Thuẫn Giữa Thực Tại Nước Trời Và Thành Phố Tục Hóa Trong Công Việc Của Thiên Chúa Và Sự Hoàn Thành Trách Nhiệm Của Con Người 31

      2. Không Có Mâu Thuẫn Giữa Thực Tại Nước Trời Luôn Kêu Gọi Hoán Cải Và Thành Phố Tục Hóa Thì Không. 33

      3. Phải Chăng Nước Trời Thì Ở Bên Trên Lịch Sử Và Thành Phố Tục Hóa Thì Ở Bên Trong?. 34

X. MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ SỰ BIẾN THỂ PHẢI ĐƯA ĐẾN MỘT SỰ CÁCH MẠNG? 34

      1. Trước Tiên Yếu Tố Xúc Tác Được Xuất Hiện. 35

      2. Bản Thân Hình Ảnh Nước Trời Cũng Gây Ra Một Đứt Đoạn. 2

      3. Tại Sao Con Người Từ Chối Hành Động. 3

      4. Cần Tẩy Tâm.. 4

KẾT. 7

TÀI LIỆU THAM KHẢO


I. LỜI MỞ ĐẦU

St 2,8: Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra... Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai.

Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy con người và bối cảnh trong đó con người được đặt để là cặp đối ngẫu bất khả phân ly. Chính vì thế, bài nghiên cứu này tiếp cận trước tiên bối cảnh trong đó ngày nay con người đang sống: một thế giới toàn cầu hóa và đô thị hóa dưới cái nhìn của thần học hiện sinh- tôn giáo (Phương Pháp Biến Thể ), và sau đó đi đến gặp gỡ con người hiện sinh từ những tiếp cận đa dạng của thần học hệ thống.

1. Hoàn cảnh hiện sinh con người thời nay

Trong thế giới Toàn Cầu Hóa này con người ngày nay luôn trực diện với bối cảnh đa dạng và đổi thay nhanh chóng. Hoàn cảnh hiện sinh vẫn là môi trường trong đó Thiên Chúa đặt để con người một cách tự nhiên. Một trong các dấu chỉ đặc thù của thế giới này: Thế Giới Đô Thị Hóa như là “logos” Thiên Chúa Cha muốn nói với nhân loại.

2. Thế Giới Cận Đại - Một Thế Giới Toàn Cầu Hóa, Đô Thị Hóa

St 1,

Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ... Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp.

St 2,

Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. 15 Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai.

St 3,

Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày...

3. Một Quy Trình “Huấn Luyện”

a) Ba chương đầu của sách Sáng Thế cho ta thấy Thiên Chúa tỏ mình cho con người trong dòng lịch sử, và cho con người nhận ra Ngài chính là một Ngôi Vị yêu thương. Ngài đã mạc khải cho họ biết về chính bản thân họ được đặt vào trong một thế giới hài hoà, ngôi vườn Êđen hạnh phúc,[1] khi Ngài dạo chơi đến thăm con người trong đó lúc gió chiều hiu hiu thổi, để cho con người khám phá được lần hồi chương trình cứu độ của Ngài cho họ.[2] Qua công trình tạo dựng nên thế giới “tốt lành” và con người “rất tốt lành” Thiên Chúa đã biểu lộ sự thiện hảo vô cùng của mình cũng như tình yêu của Ngài đối với tạo thành.

Thật vậy, thế giới tự nhiên “tốt lành” đã được chuẩn bị cách hoàn hảo trước để đón con người, để vừa khi có mặt trong cuộc đời, loài người đã có sẵn mọi thứ, để ngay lập tức, được trao trách nhiệm là chủ thế giới tự nhiên mọi thứ. Họ được bao bọc, che chở, được an thân hoàn toàn trong chiếc nôi vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa.[3]

Vì thế lịch sử của con người được gắn liền với thế giới này, cho dù ngày hôm nay nó có mang tên là toàn cầu hóa hay đô thị hóa, vẫn phải trở thành như ý Ngài muốn là lịch sử cứu độ. Qua hai hành vi song đối: đón nhận mạc khải của Thiên Chúa tạo thành và đáp trả mạc khải, con người tạo ra chính thế giới này, một lịch sử cứu độ.

b) Ngày nay, chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh thế giới trong đó xã hội đang có những đổi thay quá mau lẹ, một thế giới chuyển động. Không thể sống bàng quang! Chúng ta bị cuốn hút vào trong, cho dù chúng ta không ý thức. Ở chiều kích vĩ mô, không khác tình trạng trái đất chúng ta trong hệ mặt trời bị cuốn hút theo sự bành trướng của vũ trụ mênh mông. Trong sự vận động này mỗi hữu thể hiện sinh tồn tại qua sự tương tác với nhau, với thế giới bên ngoài và bên trong con người. Mục tiêu cuối cùng là mỗi hữu thể đạt đến sự hoàn thành chính bản thân. Khoa học huấn luyện[4] gọi một qui trình như thế là một qui trình huấn luyện.

c) Trong viễn tượng như thế, ta nhìn tình trạng con người ngày nay trong thế giới Toàn Cầu Hóa đưa đến thế giới Đô Thị Hóa và Tục Hóa, một tình trạng đặt ra một loạt các câu hỏi đặc biệt và yêu cầu có giải đáp tương ứng. Chúng ta đang sống trong thế giới của ngàn năm thứ ba, của thế kỷ XXI, một thế giới cận đại. Thế giới mới này có đặc trưng ra sao và nó ảnh hưởng lên lối suy tư của chúng ta thế nào?

Nhưng đâu là những nét đặc trưng chính của thế giới cận đại này? Tình trạng con người ngày nay ra sao? Giáo Hội có phải là một phần thống nhất của tình trạng này và đối với thế giới phải chăng Giáo Hội có nghĩa vụ trách nhiệm loan báo Tin Mừng?

I. DẪN NHẬP: “THẾ GIỚI TOÀN CẦU HÓA ĐƯA DẪN ĐẾN THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA VÀ TỤC HÓA”

Hiểu biết thế giới này và sống tương ứng đó là một đòi buộc của Vatican II trong Hiến Chế' Vui Mừng và Hy Vọng... Vì thế, đó là một sự cấp bách đặc biệt mà chúng ta gọi là bác ái trí thức. Bình diện bác ái này mời gọi các nhà giáo dục nhận ra rằng trách nhiệm nặng nề trong việc dẫn đưa người trẻ đến chân lý không có gì khác hơn là một việc làm bác ái... (Bênêdict XVI)6.

a) Thế giới ngày nay được gọi là thế giới toàn cầu hóa và “siêu phẳng,” nhanh.[5] Toàn cầu hóa[6] ngắn gọn có nghĩa là làm cho thế giới trở thành “ngôi làng toàn cầu” theo cách nói của M. McLuhan.[7]

Ngoài ra, trong thời đại đang thay đổi nhanh chóng, mỗi quốc gia đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như sự cạnh tranh, biến đổi khí hậu hay sự tác động của toàn cầu hóa.[8] Và vì thế, theo Friedman, tác giả của siêu phẩm “Thế Giới Phẳng,” ở trong thế giới phẳng này khả năng học tập, so sánh và cạnh tranh trực tiếp ngày nay trên khắp bề mặt địa cầu đang trở nên mở hơn bao giờ hết đối với mọi người, đặc biệt với thế hệ trẻ và những người nắm trong tay công nghệ hay cách thức để thành công.[9]

b) Trong thế giới phẳng này, tinh thần của Công Đồng Vatican II (1960-1963) đã thổi vào Giáo Hội Công Giáo, như làn gió mới, với cùng sức sống của Thần Khí mà năm xưa đã thổi vào “đám xương khô” Israel để cho chúng sống lại sung mãn, thành một dân mới (Ezêkiel 37, 14).

Sức sống ấy làm Giáo Hội bừng tỉnh trong một lối thực hành đức tin đã không còn phù hợp với những biến chuyển toàn diện của nhân loại trong một thế giới phẳng. Cả thế giới và Giáo Hội đều đang thay đổi. Sự thay đổi ấy đem lại cho Giáo Hội những cơ hội và thách đố trong việc sống đức tin của mình giữa một thế giới phẳng và một Giáo Hội phẳng? [10]

Thật vậy, trong thế giới toàn cầu hóa này sự bùng nổ kiến thức khoa học và khả năng kỹ thuật trong thời đại mới đã đem lại nhiều ích lợi cho toàn thể nhân loại, nhưng cũng khơi lên những thách đố nghiêm trọng. Sự hiểu biết của chúng ta về tính vô biên cũng như tuổi tác của vũ trụ khiến cho vị trí và ý nghĩa của con người như thấy nhỏ bé hơn và kém an toàn hơn. Các tiến bộ kỹ thuật đã làm cho chúng ta tăng thêm khả năng kiểm soát và điều khiển các năng lực thiên nhiên, thế nhưng nó cũng đồng thời gây ảnh hưởng bất ngờ và khôn lường trên môi sinh và ngay cả trên chính bản thân chúng ta.[11]

c) Thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta nói đến đang được “Đô Thị Hóa”cao độ. Và khi nói đến sự đô thị hóa, người ta dễ nghĩ ngay đến những nhà cao tầng chọc trời, nhấp nhô cắt trên nền trời,[12] với những trạm đầu-cuối, trung chuyển, những cầu vượt, những metro, những văn phòng đa dạng, nhà cửa san sát nhau với những phố xá được tổ chức theo những mạng lưới trung tâm hay bao quanh thành phố và những siêu thị, cửa hàng đa dạng và đầy màu sắc, những trung tâm giải trí, những cơ sở văn hóa chất lượng: trường học, đại học, viện nghiên cứu v. v... Và lý tưởng nữa nếu tổng thể được qui hoạch dọc theo những con nước: sông, hồ và đường kẻ chân trời xanh lơ của những rặng đồi núi, với những công viên xanh mát tựa như rừng vào thành phố hay phố trong rừng...

d) Ngoài ra, nếu sự chuyển động và truyền thông là những hiệu ứng dễ thấy của những cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật, thì ngược lại chính chúng cũng thúc đẩy sự vươn lên của khoa học và công nghệ. Hai đặc tính này là hai trong những yếu tố quan trọng của sự tăng trưởng vật chất và giáo dục.[13]

Trong khi truyền thông làm cho khả dĩ thế giới hạn hẹp, và gồ ghề của chúng ta trở thành siêu phẳng, giúp mở rộng các trải nghiệm cá nhân của chúng ta với con người, thế giới, những phát minh khoa học, làm cho sự chọn lựa của chúng ta có phẩm chất hơn và những cơ may để tăng trưởng dồi dào hơn, thì tính di động tạo cho chúng ta khả năng tiếp cận con người và các thiết chế, và nhờ đó hai bên có thể làm phong phú cho nhau.

e) Nhưng theo nhà thần học Harvey Cox,[14] tất cả mới chỉ là hình dáng vật lý của thành phố tục hóa. Còn cái dáng dấp xã hội mới là cái đặc sắc của nó và nói lên phong cách của nó. Hai hình ảnh nổi bật biểu trưng cho xã hội đô thị hóa:

(i) Nhờ công nghệ thông tin càng ngày càng tinh vi và nano hóa,[15] vệ tinh hóa, bảng điện đài trung tâm có thể nối kết mọi truyền thông trong thành phố giữa các thị dân trung tâm và với ngoại vi và xóa đi cái vô danh tính;

(ii) Nút giao lộ đa nhánh mô tả cái di động tính của thành phố. Hai đặc trưng vô danh tính và di động tính này nói lên toàn bộ cái bền vững của cuộc sống đô thị hóa; chúng không thể thiếu trong thế giới con người ngày nay, và ta thấy người trẻ ngày nay sống hòa hợp dễ dàng với thế giới đô thị hóa này. Nhìn từ viễn tượng thần học, vô danh tính và di động tính cũng có thể có một sự tương đồng nào đó với niềm tin Kinh Thánh mà những nhà dị ứng với sự đô thị hóa không thể nhận ra. [16]

II. TÍNH VÔ DANH CỦA XÃ HỘI

a) Đức Phaolô VI trong thông điệp Bát Thập Niên (Octogesima Adveniens, 1971) đã thấy sự đô thị hóa làm đảo lộn cách sống và những cơ cấu quen thuộc của cuộc sống: gia đình, xóm giềng, các khuôn khổ của chính cộng đồng Kitô hữu. Con người cảm nghiệm một sự cô đơn mới, không phải trước một thiên nhiên thù địch mà họ đã trải qua hằng bao thế kỷ để chế ngự, nhưng trong đám vô danh đang bao quanh họ và ở đó họ cảm thấy mình là người xa lạ...[17]

b) Tuy thế, ngay vào thập niên 1960, H. Cox đã nói đến có một sự chuyển vị mô hình đi từ cái nhìn tiêu cực về tính vô danh của thành phố công nghệ đến cái nhìn tích cực hơn. Ông gọi con người thời nay, một con người đô thị hóa, là homo symbolicus[18] vì họ là người của truyền thông với những bảng nút nhấn[19] và thành phố to lớn[20] với mạng lưới thông tin dày đặc. Nếu phải viết lại tác phẩm “Thành Phố Tục Hóa” (1967), có lẽ ngày nay ông phải thêm vào các phương tiện truyền thông trung ương hay cá nhân (ví dụ như Smartphone, Iphone, Ipad...) được điều khiển từ vệ tinh, càng lúc càng tinh vi và gọn nhẹ ở mức nano.. [21]

c) Thật vậy, cả một thế giới với những khả năng thông tin nhanh chóng và cập nhật nằm trong tầm với của con người.

Con người đô thị có một sự chọn lựa tự do rộng lớn về phổ nhu cầu hiển hiện trong thành phố, đặc biệt với đô thị có đơn vị là triệu dân trở lên: Có nhiều chợ hay siêu thị, nhiều nhà hàng ăn, nhiều rạp hát hay chiếu bóng, nhiều khách sạn, nhiều chốn vui chơi giải trí, như chơi games, bowling, ... và nhiều trường học có tiếng... Tính chất nhân văn như là một homo symbolicus rõ ràng được mở rộng.

d) Nhưng tự do luôn đòi hỏi kỷ luật và sự tự chế. Đức Bênêdict XVI gọi đây là một điểm tế nhị nhất trong công tác giáo dục ngày nay. Đó là làm sao tìm được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật.[22] Thật vậy, cả một phổ nhu cầu hiển hiện trước mắt với nhiều khả năng chọn lựa lúc nào cũng đòi hỏi nơi ta phải biết chọn lựa đúng, phù hợp và cần thiết. Giữa hàng loạt chương trình văn nghệ và thú vui buổi tối hấp dẫn, cần có ý thức chọn lựa một chương trình nào đó và quyết định từ chối các chương trình cũng hấp dẫn còn lại.

Addendum

Đây Là Danh Sách 10 thành phố trung tâm và phụ cận lớn nhất thế giới (Năm 2016)[23]

No.

Megacity

Đất Nước

Lục Địa

Số Dân

1

Tokyo

Nhật

Á Châu

38,800,000

2

Seoul

Hàn Quốc

Á Châu

25,514,000

3

Jakarta

Indonesia

Á Châu

31,500,000

4

Karachi

Pakistan

Á Châu

24,300,000

5

Shanghai

Trung Quốc

Á Châu

24,152,700

6

New York

USA

Bắc Mỹ

23,632,722

7

Mumbai

Ấn Độ

Á Châu

23,614,000

8

Manila

Philippines

Á Châu

24,124,000

9

Mexico City

Mexico

Bắc Mỹ

22,200,000

10

Delhi

Ấn Độ

Á Châu

21,753,486

 

e) Tương tự trong lãnh vực quan hệ cá nhân, tính tuyển chọn của con người đô thị càng yêu cầu cao hơn đối với con người thôn dã. Họ chỉ có thể chọn một số ít bạn bè mà họ có thể duy trì và phát triển tình cảm, nhưng đồng thời phải duy trì nhiều quan hệ khách quan chỉ có tính công việc hay dịch vụ, i.e., ít nhiều phi cá nhân nhưng chính là để duy trì và nuôi dưỡng một số tình bạn nói trên một cách có chất lượng. Những ai chúng ta muốn duy trì quan hệ thân ái thì có số riêng điện thoại bàn hay di động hay địa chỉ Email của ta.

f) Vì thế, trong nếp sống của mình, con người đô thị bị bắt buộc phải biết phân biệt rạch ròi giữa đời sống riêng tư của họ và những quan hệ công khai và hình thức chỉ có chiều kích chức năng, công việc.32 Đời sống đô thị hiển nhiên vẫn đòi hỏi ta đối xử nhiều người như là con người với lòng kính nể và tôn trọng cần thiết trong xã giao chứ không phải là như đối với sự vật, nhưng đàng khác quan hệ này không đi đến sự thân mật. Louis Wirth gọi đó là một quan hệ có hình thức “miễn nhiễm” để bảo trì năng lượng cá nhân chống lại những quan hệ không cần thiết[24] làm ta mệt mỏi thêm sau một ngày khá căng thẳng trong cơ quan với những tiếp xúc chính yếu là do công việc hành chánh sự nghiệp. Sự miễn nhiễm này xuất phát từ một nếp sống thời công nghiệp của Thiên Chúa H thoạt tiên xuất hiện như là một sự lạnh lùng và có thể bị đánh giá nhẫn tâm đối với những người từ miền quê ra tỉnh.[25] Ở làng quê mọi người biết nhau, biết tên nhau, ngay với những người chúng ta giao dịch. Họ không là những vô danh.[26] Trái lại ở thành phố, ví dụ, tôi không mong gặp lại người sửa điện nước hàng ngày; không phải vì họ gây cho tôi khó chịu nhưng cụ thể sự gặp gỡ họ thường khá tốn kém, và vì thế họ là vô danh với tôi cũng như tôi là vô danh với họ và tôi cũng không cơ may gặp họ ở nơi khác. Những sự gặp gỡ như vậy chỉ mang tính chất một khía cạnh, và theo ngôn ngữ xã hội học, đó là một sự giới hạn vào những phân đoạn.[27]

g) Trong thế giới đô thị, nhà cửa san sát nhau, hoặc cùng chung cư, nhưng không gian gần gũi không nói lên được là những người láng giềng có quan hệ thân mật với nhau. Nhiều người chọn lối sống “khách quan” này để có thể có thời giờ và năng lượng hơn duy trì và nuôi dưỡng những quan hệ bạn bè mà họ đã chọn lựa, tuy rằng không phải là họ quên những trách nhiệm của con người đang sống cùng khu phố. Có điều họ không muốn duy trì sự thân mật.

Tất cả những nhận xét trên chỉ mang ý nghĩa là tính láng giềng ngày nay đã thay đổi dạng hình.[28]

III. ĐÂU LÀ MỘT SỰ GIẢI PHÓNG CHO THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA?

a) Harvey Cox đặt câu hỏi, làm sao tính vô danh đô thị phải được hiểu cách thần học?[29] Ông dùng hình ảnh giữa Lề Luật và Tin Mừng để chú giải. Lề luật theo nghĩa, những gì ràng buộc chúng ta khách quan và miễn phê phán đối với những qui luật và ước lệ truyền thống. Còn Tin Mừng đó là một nếp sống giải phóng chúng ta cho phép quyết định cho chính bản thân mình.[30] Nói cách khác, Lề Luật chính là sức mạnh của “phương hướng khác tha hóa” của một nền văn hóa sẵn có, yêu cầu minh nhiên hay mặc nhiên chúng ta tuân thủ mù quáng vào cái ước lệ vô danh biểu lộ trong vô vàn cách trong cuộc sống có khi là ẩn tàng, quyết định thay cho chúng ta, và như thế tước mất cái tính trách nhiệm làm người của chúng ta.[31] Trong khi đó, Tin Mừng chính là tiếng gọi của Đấng ngay từ nguyên thủy đã đến với con người, và xác định con người như một bản ngã có quyền tự do trong quyết định và ý thức rằng, lịch sử quá khứ và môi trường xung quanh không thể xác định điều gì họ phải làm.

b) Tông huấn Loan Báo Tin Mừng của Phaolô VI[32] nói một cách cụ thể và rõ rệt:

Như nòng cốt và trung tâm của Tin Mừng, Đức Kitô loan báo ơn cứu độ, tức hồng ân lớn lao này của Thiên Chúa là giải thoát tất cả gì áp bức con người, nhất là giải thoát khỏi tội lỗi và ác thần, trong niềm vui nhận biết Thiên Chúa và được Ngài biết tới.[33]

(i) Trong ngôn ngữ truyền thống, sứ điệp nói lên rằng Thiên Chúa đã giải phóng con người nhờ Đức Giêsu, khỏi những “quyền lực thần thiêng” kìm hãm họ, những thần giả (Rom 1, 25) để có thể trở thành “người thừa tự” i.e., làm chủ thế giới tạo thành.

(ii) Trong ngôn ngữ của con người đương đại “những quyền lực thần thiêng” đó là những sức mạnh tiêu cực ẩn tàng trong nền toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa đang làm tê liệt và bại hoại sự tự do con người.[34]

c) Ta có thể tổng kết các trường lực này mang các dạng tha hóa như trên, bao lâu chúng xuất hiện như những lực ngăn cản hay triệt tiêu khả năng con người dám sử dụng cách tự do và đầy đủ trách nhiệm của bản thân trước hạn từ quen thuộc trong mọi nền văn minh: “định mạng.”[35] Chính trong tất cả sự tế nhị trong sự phân định này mà những nhà giáo dục người trẻ ngày nay gặp phải. Những chỉ thị “không nên làm” thì dễ ban ra, nhưng dạy người trẻ biết sử dụng sự tự do của họ cách trưởng thành và có trách nhiệm trước những vô vàn nhu cầu mời mọc của thế giới đô thị hóa mới là khó.

d) Khi ta nói Tin Mừng đến giải phóng mọi “quyền lực thần thiêng” tha hóa ẩn tàng nói trên, đó không phải là sự tuyên bố rằng chúng phải lùi bước và tự biến mất. Những năng lực chiều sâu “libido hay Id” và sức ép của nền kinh tế và văn hóa toàn cầu hóa vẫn còn đó trong xã hội chúng ta. Điều cơ bản cần phải hiểu là đối với người Kitô hữu ngay từ bây giờ, thật sự chúng là những lực mù quáng không có khả năng định mạng hóa con người. Trái lại, con người có khả năng và trách nhiệm quản lý chúng và sử dụng chúng có trách nhiệm trước Thiên Chúa.[36] Nói cách khác, về phía bờ con người, bởi vì con người được ban cho tự do, con người là chủ thể của sự vật theo nghĩa, họ có thể sử dụng tốt hay xấu sự vật. Phaolô đã cho chúng ta thấy nơi Roma (1, 25), con người không luôn hành xử như vậy, con người đã sa ngã. Thay vì dùng sự tự do để tri ân Thiên Chúa vì tạo dựng được ban cho mình để sử dụng cách khôn ngoan và có trách nhiệm, con người “đã tôn thờ những loài thọ tạo.” Và hậu quả là con người đã trở nên nô lệ của sức mạnh mù quáng.

e) Chính sự nô lệ minh nhiên hay mặc nhiên ngày nay mà Giáo Hội của thế kỷ XXI này luôn cảnh báo người Kitô hữu và chứng tá rằng ngay ngày nay, hành động của Thiên Chúa luôn như là biểu lộ sự trung tín của Ngài, vẫn tiếp tục hiện thực những gì Ngài đã hứa, nay được biểu lộ nơi Đức Giêsu thành Nazareth, luôn kêu mời con người tự do khỏi mọi uy lực thiêng liêng tha hóa và đồng thời thúc bách họ hành xử có trách nhiệm và khôn ngoan trên những uy lực này.[37]

IV. NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ LÀ NGƯỜI THỪA KẾ VÌ LÀ CON NÊN LÀ TỰ DO

Nếu Giáo Hội theo Vatican II nhìn nhận, được đặt trong môi trường của thế giới như là người thừa kế, một cách nói nghiêm túc, Giáo Hội, và hiển nhiên mọi Kitô hữu, đặc biệt người trẻ, vì là tương lai của GH, không thể và không nên có những nghi ngờ và thắc mắc chủ bại về di sản mình nhận được từ Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô. Người môn đệ không phải là người làm thuê. Họ bị thách đố phải sống như là “chủ” của thế giới này trong ý nghĩa thần học nhất và thiết thực nhất. Tin vào kerygma của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, đã chết và phục sinh, là tin vô điều kiện vào Thiên Chúa để xác tín rằng không phải con người cần nhưng phải là người quản lý trái đất này[38].

1. Con Người Là Chủ?

Đối với Kinh Thánh, không có quyền lực nào trên thế gian này mà không thể không thuần phục được và tột cùng là không nhân bản hóa được.48 Chối bỏ nó, trong ngôn từ hay trong hành động, theo H. Cox, đó là quay trở lại lời cảnh cáo của thánh Phaolô “tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hóa,” là mở tung cánh cửa để lại đón tiếp vào nhà mình những ác thần và bái phục trước những thần định mệnh mù quáng.

Trong dòng lịch sử cứu độ luôn có những gương “chủ bại” đó làm Thiên Chúa nổi giận. Đoạn sách Dân Số 13, 1-3; 17-33; 14, 1-34, mà nữ thần học về đời tu Catherine Harmer dùng làm bối cảnh để viết tuyệt tác “Đời Tu Trong Thế Kỷ XXI: Hành Trình về Canaan Hôm Nay”(1997) cũng luôn là đoạn văn gây ấn tượng. Dân Israel đóng tại Cadès, trong sa mạc Paran, đường chim bay cách Giêrusalem khoảng 150 Km. Chúa nói với Môsê cho các tù trưởng (kỳ mục) của từng bộ lạc đi thám thính miền đất hứa. Các ông đi và đến thung lũng của Hebron và sau 40 ngày và nhìn nhận miền đất hứa đúng là miền đất tràn trề sữa và mật, chỉ có điều dân tộc thì cao lớn và hùng mạnh. Và toàn dân hãi sợ muốn đặt lên một người thủ lãnh mới thay thế Môsê để dẫn dắt họ trở về Ai Cập. Chỉ có Yôsua và Caleb chống lại quyết định trên và tin tưởng vào Thiên Chúa, vì Ngài ở với dân. Cả cộng đồng đang bàn tính ném đá các ông. Kinh Thánh nói Thiên Chúa muốn tiêu diệt toàn dân. Nhờ Môsê và Aaron kêu xin nên Chúa tha, nhưng toàn dân từ 20 tuổi trở lên không được vào Đất Hứa trừ Yôsua và Caleb. Và Chúa để cho dân Israel lang thang trong sa mạc 40 năm.[39]

Lịch sử cứu độ vẫn đang tiếp diễn. Thiên Chúa ở Cadès ngày nào vẫn là vị Thiên Chúa đang đồng hành với dân Chúa ngày nay. Có điều chúng ta có biết kết hợp một bên sự tự do của mình và bên kia, tính trách nhiệm để can đảm dám xốc tới trước cho dù có thể vẫn còn sợ hãi hay không?

2. Con Người là Chủ vì Tự Do

Phaolô dùng một biểu tượng rất hay ở thư gởi tín hữu Galat (Chương 4). Ông nói bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì nó không khác người nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản, vì nó còn ở dưới quyền của người giám hộ. Nhưng đến khi trưởng thành, nó thật sự trở thành là con thừa kế. Phaolô đã áp dụng hình tượng này cho người Kitô hữu và nhấn mạnh khi thời gian đến (Kairos), chính nhờ Đức Giêsu con Thiên Chúa được sai đến mà chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa (Gal 4, 4). Như vậy Thiên Chúa là Cha. Ngài là chủ tể mọi loài vì là Đấng Tạo Hóa. Nên con người chỉ có thể là con đích thực khi thi hành uy quyền làm chủ trên vạn vật.[40]

3. Một Lời Mời Gọi Lăn Xả vào Lòng Thế Giới

Đàng khác, khi chấp nhận sống trong hoàn cảnh tự nhiên mà Đấng Quan Phòng đặt để cho họ, người Kitô hữu không như những biệt phái giả hình, than vãn hoàn cảnh họ đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, của nền kinh tế thị trường với tất cả cái thuận tiện và bất lợi của nó. Vì như là con của người tự do,[41] họ được mời gọi lăn xả vào lòng thế giới đầy những thách đố và mạo hiểm từ các vị trí của bản thân họ đang ở. Đó là những thách đố vì họ không dễ dàng phân định vào ngày hôm nay, đâu là những những ma thuật trong thế giới thiên nhiên với những biến đổi diệu kỳ nhờ khoa học kỹ nghệ, những dạng thần thánh hóa chính trị vì bị cuốn hút bởi những gương mặt của những người đang nắm quyền điều động đất nước với những lời hứa vào một tương lai không kiểm chứng được, và cuối cùng là sự hiến thánh dễ dàng các giá trị hàm hồ đang được ca tụng trong thế giới Thiên Chúa.

V. QUAN HỆ I-THOU THEO BUBER CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ CÓ MỘT CHIỀU SÂU NHÂN BẢN TRONG THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA

Trong thế giới đương đại Tây Phương hay theo lối Tây Phương, như ta đã nêu lên ở trên, cuộc sống rất đa dạng và sinh động xuất phát từ những áp dụng của nền khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào đời sống con người. Tất cả đã và đang đem lại cho con người nhiều cơ may tuyệt vời cho sự phát triển bền vững, nhưng đồng thời cũng giải phóng ra chuỗi những lực phi nhân đe dọa đến sự hoàn thành bản thân con người: Nền kinh tế công nghiệp máy móc đưa công nhân vào các công việc nhàm chán và tạo ra nơi họ cảm giác bản thân như là những răng cưa bánh xe trong cỗ máy khổng lồ. Những tổ chức hành chính quan liêu có khuynh hướng dập tắt mọi sáng tạo và bóp nghẹt cá nhân. Thời đại máy tính lan tràn cũng cho thấy hình như con người bị giảm giá trị so với các PC càng lúc càng tinh vi. Nền văn hóa đương đại tràn ngập hình ảnh;[42] những kỹ thuật tinh vi của máy tính kết hợp với diễn viên để dàn dựng nên những phim truyện vĩ đại hay xây dựng những phim tài liệu vô giá về các động vật hoang giã, những vùng hoang sơ, v. v... Tất cả dễ dàng tạo ra những cảm giác thoải mái và cuốn hút chúng ta bằng những hình ảnh đầy màu sắc và những tiếng âm nhạc huyền ảo,..., hơn là biểu lộ chính nhân cách và thực tại cuộc sống. Đàng khác, do cuộc sống có quá nhiều nhu cầu đòi hỏi cá nhân (cha mẹ đều đi làm, con cái nhiều sinh hoạt...) nên sự cận kề trong gia đình giảm thiểu, niềm vui chung cùng chia sẻ thì rời rạc cũng dễ đưa đến đổ vỡ;[43] gia đình và cả cộng đồng (Ví dụ, các ca đoàn, nhóm giáo lý viên, thanh sinh công,...) lần hồi giảm thiểu sự hấp dẫn, tạo nên người trẻ cảm thức ít thuộc về hay được bén rễ vào một truyền thống gia đình, một tổ chức...[44]

1. Quan Hệ I-Thou Như Là Tương Quan Nền Tảng Của Mọi Tương Quan

Cho dù đã qua đời năm 1965 thọ 87 tuổi, Martin Buber như triết gia hiện sinh nhân bản,[45] tiếp tục có tầm ảnh hưởng sâu đậm lên những con người thuộc thế hệ của ông cho đến ngày nay, đặc biệt ông đã đem lại bộ mặt ôn hòa cho phong trào Sionit[46] sau Đại Chiến II. Ông xuất hiện như nhà tư tưởng tôn giáo hiện sinh giúp chúng ta chống lại những động lực làm tan rã và phi nhân hóa thế giới toàn cầu hóa. Có thể nhận thấy nơi ông, vừa như một ngôn sứ không mệt mỏi rao giảng tầm quan trọng của chiều kích nhân bản trong xã hội, vừa như một thi nhân ca ngợi chiều sâu của cuộc sống hiện sinh, và nhất là vừa như một thầy thiêng liêng dạy sự khôn ngoan hướng dẫn con người vào con đường truy tìm ý nghĩa đích thực của quan hệ nhân bản.

(i) Ngày nay, nhiều công trình cơ bản của các nhà tâm lý và xã hội nghiên cứu sự truyền thông hỗ tương như là phẩm chất của các mối tương tác nhân bản và nghệ thuật đối thoại, đều có thể tìm thấy nền tảng nơi lý thuyết quan hệ I-Thou của Buber.[47] Trong tác phẩm vĩ đại qua mọi thời “I and Thou”[48] (1923), Buber cho thấy viễn tượng to lớn của cuộc sống: Hiện sinh thiết yếu là tương quan.

(ii) Là một thực thể xã hội, chúng ta gắn liền thiết yếu với thiên nhiên, tha nhân, nền văn hóa nhân loại và cơ bản với Thiên Chúa. Quan hệ I-Thou quan trọng đến mức ông mượn lời sách Khởi Nguyên để nói: ”Lúc khởi đầu đã có tương quan” và chủ đề quen thuộc thường xuyên của ông: “Mọi hữu thể sống động là gặp gỡ.”59 Trung tâm tư tưởng của Buber đó là sự phân biệt giữa quan hệ I-Thou và I-It.

(iii) Tương quan I-It là tương quan khách quan không mang tính nhân bản. Tha nhân là một đối tượng bị sử dụng hơn là một chủ thể đáng trân trọng. Tương quan I-It mang chất tính toán, chương trình hóa hơn là bộc trực và tự do. Còn I-Thou là tương quan hoà nhập gắn bó, hiện diện hết tình và dấn thân vô điều kiện.60 Trong tương quan này, chúng ta đi ra khỏi khỏi bản thân, học cách quên đi nhu cầu riêng cá nhân, mối bận tâm cá nhân và dự án riêng. Tha nhân được trân trọng gìn giữ như là một quà tặng và được tôn trọng như là chủ thể duy nhất và chính nhờ đó ta vượt qua cám dỗ sử dụng, qui phạm hóa và kiểm tra tha nhân. Tương quan đích thực với tha nhân phải là trực tiếp, cởi mở và nhiệt tình. Nó phát sinh một cảm thức bộc trực của một sự hiện diện trực tiếp. Tương quan hỗ tương này thúc đẩy cả hai bên phát huy tối đa những khả năng tiềm ẩn trong tiến trình này để đi đến một sự ý thức sâu thẳm hơn về căn tính của họ, một căn tính luôn thách đố sự hiểu biết khách quan cũng như sự diễn tả chính xác.

(iv) Theo Buber, quan hệ I-Thou không là một ngõ cụt. Trong tương quan đích thực, đời sống Thần Linh được giải phóng. Chính trong sự gặp gỡ cụ thể với tha nhân mà chúng ta gặp Thiên Chúa... Trong ngôn ngữ của Buber: ”Mỗi cái Thou đó là một ánh mắt đi đến Thou vĩnh cửu.”[49]

2) Quan Hệ I-Thou Giúp Giải Phóng Đích Thật Vô Danh Tính Trong Thế Giới Đô Thị Hóa

Như ta đã nói ở trên, sự đô thị hóa, vì cung cấp cho ta nhiều khả năng chọn lựa giữa những giá trị mà thế giới tiền đô thị không thể đem lại được, một cách nào đó đã giúp cho sự giải phóng con người. Nhưng để sống khỏi những ước lệ bị bắt buộc (rất nhiều) trong thế giới này, con người cần học biết chọn lựa cái gì cần giữ lại. Đây chính là điều mà ta đã nói, là người trong nền văn minh đô thị hóa, sự vô danh tính đối với đa số con người trong thành phố giúp ta có một “bộ mặt thật là nhân bản và một tên gọi” đối với tha nhân.[50]

(i) Hiển nhiên, đó là một sự thách đố không dễ dàng vượt qua. Chúng ta không mơ ngủ để lý tưởng hóa đời sống đô thị hóa, nhưng trong thành phố tục hóa này, chúng ta có thể có nhiều sự gặp gỡ hơn, nối kết nhiều mối liên hệ hơn, tham dự nhiều cuộc trao đổi hơn, có nhiều sự truyền thông hơn và thường là sâu đậm hơn, mặc dù không nhất thiết nói chuyện với người hàng xóm, nhưng với những người mà chúng ta tự do chọn lựa vì ta cùng chia sẻ với họ những phân đoạn đời sống quan trọng trong sinh hoạt: Đời sống công ăn việc làm, đời sống đức tin, sứ vụ, đời sống ngơi nghỉ, thể thao...[51]

(ii) Sống có trách nhiệm trong những tương quan được phân đoạn, khoanh vùng[52] thật là một sự đòi hỏi lớn, đặc biệt đối với những ai đến từ vùng sâu vùng xa, được giáo dục trong truyền thống gia đình láng giềng làng xóm. Có thể đối với một số người có gốc gác như thế và đang sống trong đô thị có cảm thức mặc cảm tội lỗi vì không thể vun trồng tương quan “I-Thou” tuyệt hảo trong hiện tại, một tương quan “vững bền, nhỏ hẹp và ít nhiều nổi bật tình gia đình”65 mà trước đây họ được giáo dục. Điều này thêm trầm trọng nếu một vị chủ chăn hay một vị lãnh đạo đang sống trong thế giới đô thị hóa với hàng triệu dân, lại đem phong cách và não trạng chủ chăn hay phụ trách của một thị trấn hay làng quê để nói về tương quan I-Thou giữa người và người. Mô hình xã hội đã làm một chuyển vị sâu xa từ làng quê ít dân cư đến đô thị hàng triệu dân.

(iii) Theo Harvey Cox, trong thế giới đô thị hóa, ngoài tương quan I-Thou và I-It, có thể có một tương quan vùng đệm, I-You. Như ta đã nói ở trên, không nhất thiết là nếu trong quan hệ người-người không mang phẩm chất I-Thou thì tức khắc rơi vào tương quan I-It. Vấn đề này nhà nữ xã hội học Jane Jacobs, ngay trong tác phẩm thời danh vào thập niên 1960, “Suy Tàn và Tồn Tại của các Thành Phố Lớn Hoa Kỳ” 66 đã có một mô tả thật cụ thể:

Không ai lại đi mở toang cửa trong thành phố lớn. Không ai muốn như thế. Nhưng nếu những giao tiếp hấp dẫn, có ích và có ý nghĩa giữa công dân của các thành phố chỉ gói gọn vào những mối quen biết chỉ phù hợp với cuộc sống riêng tư, cả thành phố sẽ biến thành buồn tẻ chán ngán. Các thành phố thì đầy dẫy con người mà theo cái nhìn của bạn hay của tôi, hay của bất kỳ cá nhân nào, cho rằng với một mức độ gặp gỡ nhau nào đó là vừa đủ và thích thú rồi và xong rồi bạn không muốn họ quấy rầy bạn. Cũng như chính họ không muốn bạn quấy rầy họ.[53]

(iv) Các nhà thần học ngày nay, tựa như H. Cox gợi ý, cần phát triển một lối lượng giá nếp đặc thù “sống chung” kiểu I-You trong thành phố lớn theo kiểu của J. Jacobs:[54] Một dạng đích thực của cuộc sống đoàn thể con người mang dáng dấp tính khách quan,[55] ước lệ hay chỉ gặp nhau qua các công việc với mức tối thiểu lễ phép xã giao, nói cách khác, một quan hệ hỗ tương còn chất chứa tính vô danh, như ta đã nói trên. Rõ ràng quan hệ này giúp soi rọi nhiều những khả năng mang tính nhân bản tích cực của đời sống đô thị và giúp chặn đứng ngay mọi cám dỗ muốn lôi kéo con người về những tương quan hòa đồng dễ chung đụng của đời sống tiền đô thị.[56]

(v) Có một khía cạnh tích cực khác mà sự phát triển của một nền thần học về vô danh tính trong đô thị ngày nay có thể đóng góp, đó là nó giúp cho chúng ta thấy, ngay trong tương quan vô danh, đô thị vẫn còn ẩn tàng một mối hiểm nguy đích thực, đó là vì chính nó cũng dễ dàng sa vào cái ước lệ khô cằn mới. Sự mong muốn bảo vệ sự tự do cá nhân tránh sự quấy rầy cũng có thể biện minh cho những hành xử mà lịch sử đã chứng minh, con người có thể nhân danh nó để nô lệ hóa hay tiêu diệt dân tộc khác: Phòng hơi ngạt thời Đức Quốc Xã ở Auschwitz, trại tập trung những người chống đối ở Gulag Archipelago, phòng thí nghiệm hóa học trên con người của bộ máy chiến tranh Thế Chiến II của quân phiệt Nhật, hai trái bom thả xuống Hiroshima và Nagazaki, những hành động khủng bố không phân biệt dân lành trong một số đất nước ngày nay... Còn rất nhiều nữa. Ngay Tin Mừng cũng có thể bị sơ hóa và thành một ước lệ loài người và bị thao tác cho một mục tiêu hủy diệt và đàn áp. Những dạng chiến tranh tôn giáo (ví dụ: thời Thập Tự Chinh hay những cuộc Thánh Chiến ngày xưa và nay của các phong trào Hồi giáo cực đoan) vẫn còn đó để cảnh báo chúng ta, những người Kitô hữu mang danh Kitô, hay những người “sequela Christi.”

(vi) Tóm lại, đối với nhiều người, cuộc sống đô thị hóa ngày nay với những đòi buộc và thúc bách cũng có thể là một sự giải phóng vinh quang, một sự giải thoát khỏi những truyền thống chồng chất nặng nề và những trông chờ gây chán ngán của đời sống thị trấn và một sự bước vào những khả năng chọn lựa mới hấp dẫn đang lan tỏa các siêu thành phố tục hóa.71

VI. MỘT VIỄN TƯỢNG THẦN HỌC VỀ DI ĐỘNG TÍNH CỦA CON NGƯỜI NGÀY NAY

Như ta đã nói ở trên, tính di động là một đặc thù lớn thứ hai của thế giới đô thị hóa. Hiển nhiên nó kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng và những hiểm nguy như André Fermet và R. Marlé, trong tuyệt tác “Các Nền Thần Học Ngày Nay”[57] cảnh báo. Nhưng tự thân, di động tính mà một cách được thể hiện rõ nét nhất qua hiện tượng di dân mà ta đã nói đến ở trên, không là cái gì độc hại! Thiên Chúa của Kinh Thánh không phải là Thiên Chúa của di động sao? Và nhất là Ngài lại thường hành sử cách đặc biệt khi yêu cầu những bạn hữu của Ngài di chuyển và đến một nơi xa lạ: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (Kn 12, 1). Từ gương của chính tổ phụ Abraham đến Môsê với dân Xuất Hành, rồi thời các vua với các vị Ngôn Sứ và biến cố lưu đày vĩ đại xóa sạch mọi gốc nguồn vương giả cũng như lê thứ, đến thời Đức Giêsu rày đây mai đó với các môn đệ lang thang, đến nỗi không có viên đá gối đầu, và cho đến thời nay với các nhà truyền giáo ở mọi nơi, Kitô giáo xuất hiện như là dân tộc lữ hành về quê Trời.

1. Các Thành Phố Đương Đại Là Sự Chuyển Động Quần Chúng [58]

Khi phân tích những xu hướng đô thị hóa ở trên chúng ta thấy mỗi xu hướng này cơ bản có khuynh hướng “nhằm đến sự tăng tốc tính di động”[59] của thế giới. Sự công nghiệp hóa không những cuốn hút con người, đặc biệt người trẻ ra khỏi nông thôn, xa rời đồng ruộng, trang trại và đổ vào thành phố, nhưng ngày nay nó đã xâm nhập ngay thế giới vùng sâu này.[60] Thật vậy, một đàng, con người đã kỹ thuật hóa những công việc trước đây giản đơn và tăng hiệu suất sản xuất, đàng khác, họ cũng biến đổi những ruộng đất, vườn tược ra những nhà máy chế biến thực phẩm, nông cơ...Vô hình chung, một số người do sự giáo dục thiếu sót không có cơ may hội nhập vào trong các nhà máy, lại phải bỏ vùng nông thôn của mình và đi tìm các công việc giản đơn trong những đô thị.

Có tác giả đã mô tả thành phố như một trạm chuyển tiếp mà con người dừng lại một thoáng trong chuyến hành trình dài và phức tạp của họ từ nơi này đến nơi khác.76 Thật vậy, con người di chuyển từ thành phố này đến thành phố nọ không những để tìm cải thiện đời sống, nhưng còn tìm cho mình một môi trường xung quanh lành mạnh hài hòa. Sự di chuyển trong ngày của con người trong đô thị để đến nơi làm việc, hoặc cho những dịch vụ, hoặc học hành ..., cũng là những dạng thức di dân nhỏ.

Ngay trong thành phố, con người luôn di động. Không những là chuyên viên bấm nút điều khiển (ở một hệ thống xã hội) hay liên lạc (điện thoại di động), con người đô thị còn là người chuyển động (hay lái xe) trên một phương tiện giao thông nào đó và có mặt ở mọi giao điểm xã hội (xe gắn máy, xe hơi, máy bay cá nhân...), trên xa lộ hay đường cao tốc, hay cầu vượt, hay hầm xe, di động trong thang máy vận tốc cao ở những siêu thị, khách sạn và trung tâm hành chính.

2) Di Động Tính, Một Hiện Tượng Bất Đảo Ngược

Đã có những lời than phiền ở tòa giảng hay trong lớp giáo lý, trong các lớp thần học và trong bao tác phẩm xã hội đương đại, đặc biệt tôn giáo, về tính năng động cũng như về sự hời hợt, sự vội vã thiếu chiều sâu nội tâm, thiếu các giá trị thiêng liêng, sự mất gốc và sự tha hóa của người trẻ ngày nay và nói cách chung, của mọi người trong thành phố đô thị, do đã chuyển đổi từ cơ chế lối sống định cư qua mô hình chuyển động.[61]

(i) Có lẽ chúng ta cũng có thể tự hỏi với H. Cox, khi áp dụng vào thời toàn cầu hóa của chúng ta: Phải chăng trong thế giới đô thị hóa, tính di động chỉ tạo ra sự nghèo nàn? Có thể nào mạo hiểm du hành mà không bị lạc đường? Hay chuyển động từ nơi này đến nơi nọ mà không phải là sự lang thang bất định?[62]

Trong thế giới thay đổi đến chóng mặt của ngày nay, ví dụ lấy thế hệ 8x, có ai sẽ được mối hạnh phúc sinh ra, lớn lên và về hưu trong cùng một căn nhà79 và cũng như được làm một công việc tại một chỗ suốt đời mình?

(ii) Những xáo trộn xã hội đã đưa đến sự chuyển động của con người cho dù con người muốn chống lại nó. Nhưng như trước tất cả sự đổi thay, người muốn giữ nguyên hiện trạng[63] thì chống lại sự đổi thay, vì họ sợ khi thay đổi một lãnh vực nào đó (công việc hay nhà ở) thì dần dà lại phải nhượng bộ các điều khác. Các quan triều đình thủ cựu của vua tôi nhà Nguyễn chống lại mọi sáng kiến của Nguyễn Trường Tộ để hội nhập với thế giới Tây Phương, cơ bản họ sợ nhân dân bị nhiễm những điều mới lạ của thế giới bên ngoài và họ không thể kiểm soát dân. Những chuyện tương tự như vậy có thể xảy ra mọi thời, xưa cũng như nay. Các dân biểu bảo thủ của thành phố Athen thời cổ, chống lại dữ dội việc xây hải cảng Pirê. Họ biết rằng, nếu quen thuộc với các sản phẩm ngoại nhập của người nước ngoài, thì rồi nhân dân phải đi ra khỏi mình và phải tiếp xúc với những người ngoại quốc đến với các tư tưởng khác biệt và như thế có thể làm mất đi sự an ninh của của chính họ.[64] Ở Việt Nam, vào thời trước mốc 1986, thời “Đổi Mới,” thuyền nhân ra đi ồ ạt vì kinh tế hay chính trị tùy theo hoàn cảnh, với mong sự cải thiện đời sống gia đình hay bản thân.

(iii) Nói cách chung, mọi sự di chuyển địa dư đều nhắm đến một sự chuyển động xã hội và nghề nghiệp, và cũng thường xuyên là những sự chuyển đổi tri thức, tài chính hay tâm lý và những điều như thế này thường đe dọa những người đang nắm quyền lực và đang gây ảnh hưởng.[65] Một lý do dễ hiểu, người ở đáy xã hội thì không có gì để mất mà chỉ có lợi từ một xã hội chuyển động. Từ đó ta có thể khám phá ra một cái nhìn thành kiến giai cấp đằng sau các phát biểu tôn giáo chống lại sự di động tính.[66] Vì tính lãng mạn và sự phản kháng thường đi đôi với nhau, nên thật sự cũng dễ dàng để nhận ra một ý thức hệ của giới bảo thủ đang cố biện minh cho một “statu quo” bất định yên tĩnh trong nghề nghiệp và thanh thản an vui ảo trong tháp ngà của mình và thường hòa lẫn, hoặc với các phát biểu tôn giáo ít tiến bộ hoặc thậm chí với một sự phản kháng xuất phát ít nhiều từ chủ nghĩa cơ hữu.[67]

(iv) Harvey Cox cho rằng: “một xã hội kỹ thuật tiến bộ sẽ chết ngạt nếu không biết chuyển động.”[68] Ông giải thích rằng những công việc mới thường xuất hiện rải rác mọi nơi. Sự sẵn sàng di chuyển sẽ tạo dịp được tiếp cận với những công nghệ mới. Kỹ thuật tiên tiến làm cho những người điều hành thiện nghệ nhất trong những nhà máy mau chóng trở thành lỗi thời. Sự thăng tiến xã hội trong nhiều công ty và càng lúc càng xảy ra ngay trong hệ thống giáo dục, đòi hỏi phải di chuyển từ nơi này đến nơi nọ,[69] chẳng hạn phải dự những khóa thường huấn, những khám phá khoa học...

VII. THÀNH PHỐ TỤC HÓA

Chúng ta gặp thế giới nào đây? Thế giới toàn cầu "hic et nunc" vừa là thế giới tục hóa với tất cả chức năng của nó: một sự khuyến khích tiêu thụ, sử dụng vật chất tối đa, chạy theo lợi nhuận, đánh giá cao sự thành đạt, và cũng vừa là sự đô thị hóa cao độ, đẩy nông dân ra khỏi thôn xóm, lấn chiếm nông nghiệp.

1. Thế Giới Đô Thị Hóa Và Thế Giới Tục Hóa

Sự phát sinh của nền văn minh đô thị và sự giảm thiểu của tôn giáo truyền thống,[70] đó là hai cột mốc cho thời đại chúng ta và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự đô thị hóa hình thành nên một sự thay đổi đông đảo và toàn diện trong phong cách con người sống chung với nhau,[71] và có khả năng trở thành một mẫu hình cho một thành phố hiện đại khi những áp dụng của khoa học cùng kỹ thuật tiên tiến đi vào tổ chức và đời sống của thành phố. Sự tục hóa cũng là một phong trào thời đại. Nó ghi đậm nét sự thay đổi lên cung cách con người nắm bắt và hiểu đời sống cộng đồng của họ như thế nào, và nó chỉ xảy ra khi những trực diện với các vấn nạn của thị dân trong cuộc sống dám đặt mức tương đối cho những gương mặt thần thoại mà trước đây được xem như là tuyệt đối. Cung cách con người sống đời sống chung với nhau ảnh hưởng sâu đậm lên cách họ hiểu ý nghĩa của đời sống đó, và ngược lại... Vào thời này, tk XXI, thành phố thế' tục xuất hiện đồng thời như là mô hình của đời sống chung của mọi con người trên thế giới,[72] và là biểu tượng nhân sinh quan của chúng ta về thế giới. Nếu xưa, người Hy Lạp nhận thức vũ trụ như là một thành phố[73] vĩ đại được trải rộng và người Trung Cổ xem thế giới như là căn trại mở rộng đến vô tận, thì người thành phố ngày nay kinh nghiệm vũ trụ như là đô thị của con người. Đó là lãnh vực của khám phá và cố gắng của con người trong đó không còn chỗ cho thần thánh. Thế giới trở thành công việc và trách nhiệm của con người. Con người hiện đại trở thành công dân của đô thị thế giới. Thế giới trở thành đô thị của nó và đô thị của nó đã vươn ra bao gồm thế giới. Tên của tiến trình này được gọi là tục hóa.

2) Hạn từ "secularism"

Hạn từ "secularism" (chủ nghĩa thế tục) được dùng đầu tiên (1846) bởi nhà văn Anh George Jacob Holyoake (1817- 1906) theo nghĩa trung tính.[74] Mặc dù từ ngữ này là mới, tư tưởng tự do mà nó dựa vào để phát triển đã có từ lâu.[75] Holyoake đã tạo ra từ "secularism" để diễn tả quan điểm của ông ta kêu gọi thiết lập đơn thuần một trật tự xã hội tách rời ra khỏi tôn giáo, mà không cần thiết phải tích cực gạt bỏ hay chỉ trích các niềm tin tôn giáo. Là một người có tư tưởng bất khả tri (agnosticism), Holyoake lý luận là "Chủ nghĩa thế tục không phải là một tư tưởng chống lại niềm tin Kitô, mà chỉ độc lập từ nó." Nói một cách rõ ràng hơn, chủ nghĩa thế tục là nhằm tìm kiếm sự phát triển bản chất con người liên quan đến các khía cạnh như thể lý, đạo đức và trí tuệ đến mức độ cao nhất có thể, như là nhiệm vụ trước mắt của cuộc sống. Nó đón nhận một lối sống luân lý tự nhiên mà không cần gò bó mình vào một chú nghĩa vô thần hay hữu thần của một tôn giáo nào hay theo một Kinh Thánh nào, tất cả phương pháp thực hành, đơn thuần chỉ nhằm đến sự thăng tiến con người bằng các phương tiện vật chất. Mối dây liên hệ giữa người và người mà nó chủ trương đó là sự đồng thuận theo lối nhìn nói trên.[76]

Tri thức thế tục chỉ quan tâm tới những vấn đề có thể tìm được trong cuộc đời này bằng kinh nghiệm đã trải qua. Nhiều nhà thần học nhìn theo lối tích cực cho là quá trình thế tục hóa là quá trình đưa đến sự trưởng thành của tôn giáo và xã hội, khử thiêng hóa vũ trụ. Các định chế và ứng xử của tôn giáo hấp thu những giá trị và chuẩn mực của khoa học và kỹ thuật đang ngày càng chi phối xã hội trần thế. Ngày nay người ta dùng secularisation (tục hóa) thay vì secularism (duy thế tục) vì hạn từ này nay có nghĩa tiêu cực.

3) Vậy Tục Hóa là gì?[77]

(i) Jean-Louis Bruguès tác giả Từ Điển Luân Lý Công Giáo đã lập lại lời của nhà hùng biện lớn Lacordaire (1802-1861) OP., người Pháp: “Thiên Chúa ban cho tôi ơn nghe được thời đại này và yêu mến nó.” Thái độ này là hết sức ở trong tinh thần của Chúa Kitô. Vì thế, đối với môn đệ của Ngài hiểu như thế là một ân huệ, thời đại trong đó mình được sống.

Người ấy nhận ra là mình liên đới chặt chẽ với những người đương thời mà mình chia sẻ những hy vọng và âu lo. Cho nên GH có nhiệm vụ hiểu thời đại mình đang sống i.e., tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng (GS, số 1). Hiện tượng tục hóa là một trong những dấu chỉ lớn thời chúng ta.[78]

(ii) Nhà thần học Hòa Lan C. A. van Pursen nói tục hóa, đó là sự giải thoát con người "trước tiên khỏi sự giám hộ của tôn giáo và sau là của siêu hình trên lý trí và trên ngôn ngữ của con người."[79] Đó cũng là sự nới lỏng của thế giới khỏi sự hiểu biết tôn giáo hay tựa tôn giáo về nó, sự đẩy lùi mọi thế giới quan thiển cận, sự phá vỡ mọi thần thoại siêu nhiên và biểu tượng linh thánh. Nó biểu đạt sự giải thoát lịch sử khỏi chủ nghĩa định mạng, sự khám phá của con người rằng thế giới được đặt trong lòng bàn tay họ, rằng không có gì để than phiền từ nay về số mạng hay các nữ thần hung ác mà họ phải tiếp cận. Tục hóa xảy ra khi con người quay mặt khỏi sự chú ý về thế giới bên kia và hướng về thế giới hiện tại và bây giờ.[80]

(iii) Ngắn gọn, tục hóa là sự giải phóng con người khỏi sự giám hộ tôn giáo và siêu hình, chống lại sự quan tâm đến thế giới bên kia để qui hướng về thế giới này. Sự tục hóa là lẽ tất yếu của đời sống đương đại.

Đối với người Kitô hữu trưởng thành, "Tục hóa là hậu quả hợp lý của tác động của đức tin Kinh Thánh lên lịch sử.”[81] Các nhà phân tích thần học xã hội đều cho là chúng ta khó mà hiểu được sự phát triển của các nền khoa học, đặc biệt là tự nhiên, cũng như những định chế dân chủ chính trị và tính đa năng văn hóa, mọi phát triển mà thường là ta gắn liền cho nền văn hóa Tây phương, mà lại không nói đến sự thúc đẩy của Kinh Thánh.[82] Có những xung lực tiếp tục thúc đẩy nền văn hóa này mặc dù có thể cội nguồn của chúng đã bị lãng quên ngày nay.

(iv) Như trên ta đã nói, sự tục hóa đó là hạn từ để diễn tả sự độc lập hợp pháp của các giá trị trần thế mà không cần thiết phải viện dẫn đến những nguyên lý tôn giáo, để giải thích hiện tượng hay các mẫu hình đời sống ta sống trong quan hệ với thế giới tự nhiên và càng lúc nhân bản hơn. Chúng có những quy luật riêng nhưng luôn luôn chúng có như thế và chúng có sự tốt lành bẩm sinh.[83] Sống với sự tốt lành này thì đã làm vừa lòng Thiên Chúa.

(v) Tuy thế người Kitô hữu thực tế biết cái hàm hồ cơ hữu thâm nhập thực tại nhân bản. Sự tục hóa là tốt lành và Thiên Chúa muốn như thế.[84] Nhưng chúng ta biết nó thể suy thoái thành chủ nghĩa duy thế tục. Đó là cung cách tuyên bố những giá trị tương đối của trần thế thành giá trị tuyệt đối. Nó khác sự tục hóa (secularization).

Thánh GH Gioan Phaolô II đã cảnh báo:

Làm sao không nghĩ đến sự phổ biến của thái độ dửng dưng tôn giáo và thuyết vô thần dưới nhiều hình thức rất khác nhau, đặc biệt dưới hình thức có lẽ đang phổ biến nhất hiện nay, là khuynh hướng duy thế tục ? Say sưa vì những cuộc chinh phục kỳ diệu của một sự phát triển khoa học kỹ thuật mà không gì chặn đứng được, và nhất là bị mê hoặc bởi cám dỗ muốn bằng Thiên Chúa (Cf. St 3, 5), qua việc sử dụng tự do cách vô giới hạn, con người tự chặt đứt cội rễ tôn giáo sâu xa nhất của họ: quên lãng Thiên Chúa, họ nghĩ rằng Thiên Chúa chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống của họ, họ từ chối Thiên Chúa để rồi sấp mình thờ lạy những “ngẫu tượng” đủ loại.[85]

(vi) Như thế, nhìn chung, người Kitô hữu chân chính không thể chấp nhận một chủ thuyết như thế: Một trào lưu xem các thực tại nhân bản hoàn toàn tuyệt đối độc lập khỏi Thiên Chúa và khỏi các luật luân lý tự nhiên, vốn là cốt lõi của luân lý Kitô giáo. Người ta tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu trong mọi lãnh vực của đời sống con người (cá nhân cũng như xã hội) cũng như trong các luật lệ của quốc gia.[86]

(vii) Theo Đức Gioan Phaolô II, “khuynh hướng duy-thế- tục hiện nay là một hiện tượng rất trầm trọng: nó không chỉ tác động tới các cá nhân, nhưng một cách nào đó, tác động tới nhiều toàn thể cộng đồng.”[87]

(viii) Tóm lại, Kitô giáo không dạy chúng ta chọn những giá trị trên trời mà chê bỏ những giá trị trần thế. Nó chỉ đòi chúng ta biết phân định giữa cái tốt lành thật và giả, giữa cái giá trị trên trời và trần thế. Sự độc lập của các giá trị trần thế không được phân rẽ chúng ta khỏi Thiên Chúa, nhưng phải làm chúng ta tự do hơn cho Ngài.

Addendum

Trào Lưu Tục Hóa[88]

CN, 20/09/2009
Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ

1. Phân Biệt Từ Ngữ

Trong tiếng việt, thuật ngữ “tục hóa” được dùng để dịch từ “Sécularisation.” Ý nghia của từ ngữ này khác nhau tùy theo nguyên ngữ của nó:

1) Trong trường hợp từ tục hóa phát xuất từ ngữ sécularis trong tiếng La Tinh thời Trung Cổ thì nó chỉ hai điều: (i) một nhà nước chiếm hữu tài sản của Giáo Hội hay cung gọi là “quốc hữu hóa,” (ii) haigiáo luật, “tục hóa” (sécularisation) có nghĩa là cho phép một tu si dã khấn được ra khỏi dòng: nếu là linh mục thì trở thành linh mục triều, nếu là một tu sĩ không linh mục thì trở thành giáo dân.

2) Trong trường hợp từ tục hóa bắt nguồn từ nguyên ngữ “secular” trong tiếng Anh thì lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nó chỉ một hiện tượng lịch sử được bắt đầu từ thế kỷ VIII, khi xã hội Âu Châu bắt đầu tiến trình tách rời ra khỏi Kitô giáo để trở nên tự trị, độc lập với Giáo Hội và các giới luật tôn giáo cũng như luân lý do Giáo Hội đề ra. Tiến trình này kéo dài nhiều thế kỷ và ngày nay trở nên mạnh mẽ hơn.

2. Những Khía Cạnh Tích Cực Của Tiến Trình Tục Hóa

Tuy tiến trình tục hóa tách rời khỏi Giáo Hội là một điều đau thương, nhưng nếu nghiên cứu một cách sâu xa thì nó cũng có những khía cạnh tích cực là đưa tới việc nhìn nhận một sự độc lập đúng đắn của các thực tại trần thế và nhân bản, nghĩa là sự độc lập của nhà nước: văn hóa, chính trị, đời sống xã hội.

Đối với Giáo Hội và các quy luật của Giáo Hội: nhìn nhận tính chất đời, sự độc lập của chính trị và không lẫn lộn với tôn giáo; nhìn nhận sự kiện này là các thực tại nhân bản có những giá trị riêng, luật lệ riêng, phương pháp riêng, chứ không lệ thuộc vào tôn giáo.

3. Những Điểm Tiêu Cực Của Trào Lưu Duy Thế Tục

Ngoài những khía cạnh gọi là “lành mạnh” và tích cực đó, tiến trình tục hóa có thể bị một số người đưa tới trào lưu gọi là “duy thế tục” (sécularisme[89]) mà Kitô giáo không thể chấp nhận vì trào lưu này có nghĩa là coi các thực tại nhân bản hoàn toàn tuyệt đối độc lập khỏi Thiên Chúa và các luật luân lý tự nhiên, vốn là cốt lõi của luân lý Kitô giáo. Người ta tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu trong mọi lãnh vực của đời sống con người (cá nhân cũng như xã hội) cũng như trong các luật lệ của quốc gia.

Trào lưu duy thế tục này đạt tới cao điểm trong đời sống xã hội dân sự và phong hóa. Người ta tục hóa việc thông truyền sự sống bằng cách ban hành những luật lệ cho phép phá thai, hoặc cho dùng những phôi thai người vào những mục tiêu chữa bệnh. Người ta tục hóa việc hôn nhân nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly bằng cách cho phép ly dị và coi những hình thức nam nữ sống chung không kết hôn hoặc những cặp đồng phái tính cũng có giá trị ngang với hôn phối. Tính dục được tục hóa, được “giải phóng” khỏi mọi quy luật luân lý mà người ta cho là có tính chất đàn áp và sợ hãi tính dục. Sự chết cũng được tục hóa bằng cách loại trừ mọi sự trợ giúp người sắp chết, cho phép kết liễu sinh mạng người bệnh nan y theo yêu cầu của đương sự, hoặc trợ tử.

4. Sự Tách Biệt Giữa Điều ‘Hợp Luân Lý' và Điều ‘Hợp Pháp'

Chính vì sự tục hóa này mà con người đã tạo nên một sự rạn nứt và đổ vỡ hoàn toàn giữa điều 'hợp luân lý' và điều 'hợp pháp': đây là một ý tưởng hoàn toàn mới trong lịch sử Âu Châu vì trong những thế kỷ trước đây, luật pháp dân sự vẫn phù hợp với luân lý Kitô giáo.

“Chỉ vài thập niên trước, Mười Giới Răn vẫn còn là điểm tham chiếu của các chính phủ và các lề luật xã hội, mọi người hầu như đều nhìn nhận giá trị phổ quát của Mười Giới Răn: luân lý và pháp luật phù hợp nhau. Nhưng ngày nay các giá trị trên đã thay đổi. Sau tôn giáo, đến lượt luân lý không còn ảnh hưởng và chi phối trên xã hội, thay vào đó, người ta chỉ coi nó là một vấn đề lương tâm riêng của mỗi cá nhân mà thôi”.

Như vậy luân lý đã bị ‘tư hữu hóa,' mỗi người có thể tạo cho mình một nền luân lý riêng cũng như một tôn giáo riêng tùy ý thích của mình.

Ngoài ra, còn một khía cạnh khác của trào lưu tục hóa cũng nên lưu ý cách đặc biệt, đó là vấn đề thời gian. Trước đây, ngày Chúa Nhật và lễ trọng xen kẽ những ngày làm việc và nghỉ ngơi, đời sống xã hội quay quanh lịch phụng vụ. Ngày nay, Chúa Nhật được thay thế bằng “week-end,”bằng “cuối tuần,” bắt đầu từ chiều thứ sáu và kết thúc vào chiều Chúa Nhật hoặc sáng thứ hai vì thế một số đông dân chúng tham dự thánh lễ chiều thứ bảy. Việc mở các cửa tiệm vào Chúa Nhật cũng làm cho cả ngày Chúa (ngày sabat) mất đi tính chất thánh thiêng. Những ngày lễ lớn khác như Giáng Sinh, Phục Sinh, Đức Mẹ Lên trời, các lễ Thánh hoặc lễ Hiển Linh, tuy vẫn còn và có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống con người (cả với những người không tín ngưỡng), nhưng những ngày lễ ấy hầu như đã mất hết ý nghĩa tôn giáo, và chỉ còn được coi là những dịp nghỉ ngơi, hoặc tổ chức buổi họp mặt gia đình hay là dịp để tiêu xài mà thôi.

Sự tục hóa trong lãnh vực văn hóa có tính cách cực đoan từ thế kỷ XVIII trở đi với chủ thuyết soi sáng: người ta tin tưởng nơi khả năng của lý trí có thể giải quyết mọi vấn đề của đời sống con người và bảo đảm cho nhân loại một sự tiến bộ ngày càng lớn mạnh mà không cần phải nhờ tới tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Kitô giáo bị chủ thuyết soi sáng lên án là vô lý, huyền thoại, mê tín, phản tiến bộ và tai hại.

Sự tục hóa này là đặc tính của nhiều sản phẩm văn chương và nghệ thuật tại Châu Âu cũng như trong việc nghiên cứu khoa học đến độ người ta quả quyết có sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa đức tin và lý trí. Đồng thời người ta cũng gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi phạm vi của các khoa học và coi Thiên Chúa là yếu tố gây xáo trộn cho sự nghiên cứu khoa học.

Theo quan niệm tục hóa như thế, sự nghiên cứu khoa học chỉ có giá trị nếu nó ở trong phạm vi những gì có thể quan sát được bằng những dụng cụ và phương pháp khoa học, loại bỏ mọi nguyên tắc siêu hình học về nguyên nhân và mục đích. Trong bối cảnh đó, để giải thích nguồn gốc sự sống trên mặt đất này mà không phải nại tới Nguyên Nhân Siêu Việt, người ta chủ chương sự sống là do tình cờ ngẫu nhiên mà có, và do sự tất yếu và như thế' không phải giải thích gì cả.

Cũng trong quan niệm tục hóa, con người không được coi là một thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa vì thế nó cũng không phải là một thân xác có hồn thiêng, có trí tuệ thông minh, có lương tâm, tự do, trách nhiệm luân lý và có một vận mệnh là đời sống với Thiên Chúa, Đấng là cùng đích tối hậu và là hạnh phúc tuyệt đối của con người. Trái lại, con người theo quan niệm tục hóa chỉ là một sản phẩm do sự tiến hóa mà thành, nhờ đó con người là một động vật cao đẳng. Vì thế, không có lý do gì mà nói về “nhân phẩm,” phẩm giá con người, hoặc sự tôn trọng nhân phẩm và các quyền bất khả nhượng của con người.

Cũng vậy, đối với thiên nhiên, quan niệm tục hóa cho rằng thiên nhiên không do Thiên Chúa tạo thành và thiết định với những luật lệ riêng mà con người phải tôn trọng và thích ứng để thiên nhiên phục vụ và mưu ích cho con người về vật chất cũng như tinh thần. Theo quan niệm tục hóa, nguyên tắc duy nhất có giá trị trong việc đối xử với thiên nhiên: con người là chủ thể tuyệt đối của thiên nhiên, vì thế con người có thể làm tất cả những gì mà kỹ thuật có thể làm được mà không cần để ý tới nguyên tắc luân lý nào cả. Theo quan điểm như thế về thiên nhiên thì những gì khả năng con người có thể chế tạo đều là những kỳ công, bất chấp điều đó có chống lại con người hay không.

 

4) Một Tính Thế Tục Thiêng Liêng Tinh Vi

Đối với những người ngoài Kitô giáo, ta có thể nói đến chủ nghĩa duy thế tục (secularism) với những đặc tính rõ ràng nói trên. Nhưng ngay ở trong lòng Kitô giáo, nơi những người môn đệ của Đức Kitô, ĐGH Phanxicô cảnh báo chúng ta, những người Kitô hữu về một dạng “thế tục hóa” tinh vi đang gây tác hại: đó là tính thế tục thiêng liêng.[90] Thật vậy, trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng (EG), ngài nhận định sâu sắc:

Ẩn dấu dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và ngay cả lòng yêu mến đối với Giáo Hội, tính thế tục thiêng liêng[91] hệ tại việc không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thỏa mãn của bản thân. Đó là điều Đức Chúa trách cứ những người Pharisêu.“ Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin?” (Ga 5, 44).[92]

Theo Đức Phanxicô, đây là một cách quá khôn khéo tinh diệu để tìm “lợi ích cho riêng mình chứ không phải tìm lợi ích cho Đức Giêsu Kitô” (Pl 2, 21).”[93]

Ngài cho rằng hai cội nguồn có mối quan hệ mật thiết với nhau nuôi dưỡng và tiếp sức tinh thần thế tục này, chính là hai lạc giáo: thuyết Ngộ Đạo[94] tân thời và thuyết Tân-Pêlagiô.

(i) Ngộ Đạo Thuyết[95] ngày nay theo Đức Phanxicô, cơ bản không chỉ là ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo đương sự có được do “mạc khải,” mà nay mình chiếm hữu và được truyền đạt bởi những người được khai tâm, với tham vọng đưa ra một giải thích toàn triệt về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu, dựa trên cơ sở nhị nguyên (đối lập giữa thế giới sự thiện và thế giới sự dữ), và qua đó mở ra con đường cứu độ cho tinh thần...11'1 Người được khai tâm[96] [97]là người thủ đắc trí thức giải thoát này và như thế là đã được cứu độ. Thật vậy người Kitô hữu ngộ đạo xác tín rằng con đường cứu độ nằm trong "tri thức," tri thức này vừa là nhận thức bẩm sinh về thân phận của tinh thần ở trần gian này, đồng thời là sự đắc thủ tri thức hoàn hảo, làm tăng triển nhận thức trên.[98]

Theo Đức Phanxicô, Ngộ Đạo thuyết ngày nay tinh vi và nguy hiểm hơn vì nó gieo vào người tín hữu xác tín rằng đức tin của họ là đúng đắn, nhưng thực ra đó chỉ là

một đức tin thuần túy chủ quan chỉ quan tâm duy nhất tới một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý niệm và các thông tin[99] có mục đích an ủi và soi sáng, nhưng rốt cuộc nó giam hãm một cá nhân trong các tư tưởng và tình cảm của mình.[100]

(ii) Còn lạc giáo hai, thuyết Tân-Pêlagiô mang tính tự mãn và phản loạn (promethean) của những người ỷ vào sức riêng của mình, không cần đến ơn Chúa, và coi mình hơn những người khác vì tuân thủ một số luật lệ,[101] hoặc trung thành một cách cố chấp với một kiểu công giáo đặc thù của quá khứ. Họ phân loại tha nhân theo tiêu chuẩn cá nhân và tiêu hao sức lực vào việc tra xét và kiểm chứng, thay vì mở cửa ân sủng ra và loan báo Tin Mừng họ kết án mọi người.

Trong cả hai trường hợp, Ngộ Đạo tân thời hay Tân- Pêlagiô, người ta không thực sự quan tâm tới Đức Kitô hay tha nhân nhưng lấy bản thân mình làm trung tâm, chỉ quy hướng về mình. Đức Phanxicô cho rằng không thể có một động lực loan báo Tin Mừng đích thực có thể phát sinh từ những người Kitô hữu biến chất như vậy.[102]

Vì thế, nhà thần học Leonardo Boff trong tuyệt tác “Những Chứng Nhân của Thiên Chúa Giữa Lòng Thế Giới”(1986) nhìn nhận tinh tế:

một thái độ phê phán đối với sự tục hóa thì luôn luôn cần thiết, chỉ vì con tim của chúng ta đã được tạo dựng theo cung cách mà khi nó yêu, nó yêu hoàn toàn và không chia sẻ. Điều có thể xảy ra là người Kitô hữu yêu các sự trần thế này và chợt cuối cùng nhận ra rằng họ chỉ yêu các sự này thôi. Thiên Chúa không còn là trung tâm của dự án cơ bản đời sống chúng ta. [103]

Vì lúc đó theo ông, Thiên Chúa đơn thuần chỉ còn là đối tượng của các dạng hay công thức kinh nguyện này nọ mà “không còn là chủ đề hay mục tiêu của mọi ước vọng của con người.” Trong một lời nhận xét rất sâu sắc, L. Boff khuyên nhủ những người đang dấn thân vào lòng đời:

Có lẽ chỉ có thể qua cầu nguyện[104] mà chúng ta có thể sống tục hóa chứ không duy thế tục. Chỉ có quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa mới cho phép thế giới tiếp tục bước đi như là một thế giới tục hóa mà không sợ thành duy thế tục.[105]

VIII. THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA VÀ TỤC HÓA CẦN ĐẾN MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ SỰ BIẾN THỂ XÃ HỘI

a) Thoạt nhìn, ta nhận thấy tức khắc rằng một sự di động cao độ có ảnh hưởng đến tôn giáo truyền thống. Rõ ràng nó xô đẩy con người cách ly với chốn linh thánh của họ và đưa họ phải hòa nhập với những láng giềng tôn thờ một thần linh khác. Nhưng bởi vì như ta phân tích ở trên, nếu sự đô thị hóa và sự tục hóa có một mối liên kết quan trọng, chúng ta không cần thiết phải dừng lại than vãn như H. Cox nhận xét,[106] vì từ quan điểm Thánh Kinh nói ở đầu phần (5.) tính di động có mang trong lòng tính tích cực cho bản thân công dân đô thị. Nếu Giáo Hội cũng là một cộng đồng song hành với cộng đồng tục hóa của con người, một tầm nhìn thần học về thực tại thời nay hay theo cách nói của Cox, một nền thần học về sự biến thể xã hội[107] ngày nay theo hướng “Gaudium et Spes” và trong một cách nào nhấn mạnh hơn của thông điệp “Rei Socialis,”[108] là hết sức cần thiết. Hiển nhiên nó giúp cho chúng ta, khi phân tích hiện trạng con người đang sống trong giới hạn không còn chấp nhận nổi vì quá bất nhân và vô luân, và mọi sự can thiệp chỉ do thiện ý đơn thuần và xuất phát từ ngoài biên thì thực sự không còn giá trị, thì phải có một sự tái phân bổ quyền lực và một sự công bằng thiết định, không phải chỉ để xoa dịu nhưng là để gây ảnh hưởng lên chủ nhân.[109]

b) Thật vậy, mô hình thành phố tục hóa có thể cung cấp cho ta khởi điểm để hiểu thành phố “techno-polis[110] ngày nay, không đơn thuần là một sự kiện tĩnh, nhưng đúng ra như là một thực tại trồi hiện ra: Tục hóa và đô thị hóa luôn được nhìn như là một tiến trình và chúng chất chứa nơi lòng của chúng một sức mạnh hàm hồ có thể gây tác hại, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường cảnh báo cho chúng ta trong các thông điệp xã hội của Ngài.

c) Trong ngôn ngữ của con người đương đại “những quyền lực thần thiêng và hàm hồ” mà Phaolô đã từng lưu ý dân thành Rôma, đó là những sức mạnh trong nền văn hóa đương đại đang làm tê liệt và bại hoại sự tự do con người. Qua dòng thời gian, con người đã kinh nghiệm về sức mạnh tha hóa họ dưới nhiều cách:[111] (1) Ở thời bộ tộc chúng xuất hiện dưới hình ảnh ma qủy, thần linh và các sức mạnh tự nhiên hay tinh tú;[112] (2) Vào giai đoạn chuyển tiếp đến nền văn hóa đô thị, con người từ khước nhìn nhận những sức mạnh này hoặc xem chúng như những chuyển động điều hòa với những mô hình mà ta có thể dự đoán được; (3) Ngay đến tk XIX con người vẫn còn ngờ vực về các sức mạnh nói trên và chúng chỉ được tái khám phá ở thời chúng ta theo ngôn ngữ của tâm lý chiều sâu:[113] Cái Id (Libido), cái vô thức tập thể, cái biện chứng của lịch sử, và ngay cái xác suất thống kê.[114]

d) Ta có thể tổng kết rằng, các trường lực này bao lâu mang các dạng tha hóa như trên khi con người để cho chúng xuất hiện như những lực ngăn cản hay triệt tiêu việc sử dụng cách tự do đầy đủ trách nhiệm của mình trên định mạng của bản thân[115]

Ta biết, như nền thần học Thánh Kinh khẳng định, tác động gây ảnh hưởng lớn của niềm tin Kinh Thánh lên con người đó là sự “khử thiêng” thế giới này:[116] (1) Tạo dựng như là khử ma thuật thiên nhiên;[117] (2) Xuất Hành như là sự khử thần thánh hóa chính trị ;[118] (3) Giao Ước Sinai như là sự khử thánh hiến các giá trị.[119]

Tương tự trong thời Tân Ước, Đức Giêsu đến để loan báo Tin Mừng giải phóng con người khỏi mọi “quyền lực thần thiêng” tha hóa và ách nặng của Lề Luật mù quáng. Nhưng bản thân Ngài không tuyên bố là Lề Luật sẽ bị xóa bỏ. Thật vậy, ngày hôm nay, những năng lực chiều sâu “libido hay Id” và sức ép của nền kinh tế toàn cầu hóa vẫn còn đó trong xã hội chúng ta. Điều cơ bản cần phải hiểu là từ bây giờ, chúng

không còn khả năng định mệnh hóa con người, và chính con người có khả năng và trách nhiệm quản lý chúng và sử dụng chúng có trách nhiệm trước Thiên Chúa.[120] Nói cách khác, về phía bờ con người, bởi vì con người được ban cho tự do, con người có thể sử dụng tốt hay xấu sự vật. Roma (1, 25) chỉ ra con người đã sa ngã. Thay vì dùng sự tự do để tri ân Thiên Chúa về vũ trụ này đã ban cho con người, để sử dụng cách khôn ngoan và có trách nhiệm, con người “đã tôn thờ những loài thọ tạo.” Và hậu quả là con người đã trở nên nô lệ của sức mạnh mù quáng. Hành động của Thiên Chúa luôn như là biểu lộ lòng trung tín[121] của Ngài, vẫn tiếp tục hiện thực những gì Ngài đã hứa, nay được biểu lộ nơi Đức Giêsu thành Nazareth, luôn kêu mời con người tự do khỏi mọi uy lực thiêng liêng tha hóa và đồng thời thúc bách họ hành xử có trách nhiệm và khôn ngoan trên những uy lực này.[122]

e) Nói tóm lại, theo như trên, chúng ta đã cố gắng giải thích sự xuất hiện hiện tượng tục hóa và đô thị hóa của cộng đồng con người dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trước tiên, như là phạm trù của Tạo Dựng, Xuất Hành, và Giao Ước Sinai, và sau nữa như là sự căng thẳng giữa Lề Luật và Tin Mừng. Theo H. Cox, chúng ta có thể vượt xa hơn một bước bằng cách sử dụng và “trắc nghiệm biểu tượng của thành phố tục hóa như một phạm trù mà qua đó ta có thể xây dựng ý nghĩa thần học của sự chuyển đổi nhanh chóng xã hội.”[123]

Vấn đề đặt ra ngay là, liệu biểu tượng thành phố tục hóa có thể cung cấp cho ta một chìa khóa để hiểu đúng ý nghĩa của mọi sự đang thay đổi diễn ra ở trong thế giới toàn cầu hóa này, chẳng hạn như một cách cụ thể, sự di động tính đến chóng mặt của thế giới đô thị này, nhưng đồng thời không rơi vào hai sai lầm cơ bản và cổ điển: Không dám nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong hoạt động của con người hay một cách trái ngược hẳn, muốn đồng nhất mọi chương trình hoạt động của con người với hành động của Thiên Chúa.[124]

f) Thật vậy, trước tiên, khi nhìn lịch sử như một tiến trình tục hóa, chúng ta nhận ra nó xuất hiện trước chúng ta, một đàng như là mang đầy ý nghĩa cho con người, nhưng một đàng hình như nó vẫn lỏng lẻo không áp đặt ý nghĩa này lên họ.[125] Con người vẫn tự do và là chủ của các biến cố, vì có thể phủ định nó hay đón nhận cũng như có thể diễn giải đúng hay sai ý nghĩa. Trong thành phố tục hóa, con người học cách làm chủ vận mạng của mình một cách trưởng thành, khôn ngoan và với trách nhiệm.

g) Đàng khác, khi nói đến tiến trình đô thị hóa, theo nhà thần học Gibson Winter, trong tác phẩm, The New Creation as Metropolis (1963),[126] hay tuyệt tác Community and Spiritual Transformation Religion and Politics in a Communal Age (1989),[127] chúng ta có thể tìm thấy sự phong phú cho những biểu tượng tôn giáo từ ngay hình ảnh Giêrusalem Mới và Thành Phố của Thiên Chúa cũng như từ những thành phố đô thị hóa ngày nay. Thậm chí Harvey Cox cho rằng không có lý do gì mà người Kitô hữu lại không thể sử dụng những giấc mơ và ước vọng của công dân thành phố thuộc siêu xã hội “Utopia” như của Erewhon và Atlantis. Đó là những thành phố trong đó người ta bổ khuyết ước vọng tự do và giải phóng của thế giới tục hóa với tư tưởng quan hệ hỗ tương và sự tương tùy. Đó cũng là mô hình của một thành phố ra đời với một qui trình có định hướng, nhưng trong đó các mục tiêu còn bỏ lửng, chưa hoàn tất.[128] Ví dụ, nhiều chương trình hay đồ án của thành phố để lửng và mong mọi người có thể bổ sung theo thị hiếu hay góp ý. Sự tổ chức của thành phố trong hoàn cảnh đó thúc đẩy sự sáng tạo và nỗ lực của người dân. Nó không xuất phát từ chóp bưu.

h) Ý tưởng của thành phố tục hóa được nổi bật với tính trưởng thành và trách nhiệm. Nó không chấp nhận lối sống tùy thuộc của trẻ thơ ở mọi mức độ của xã hội nhưng nhấn mạnh đến những mô hình tương quan mới trong quan hệ hỗ tương của con người. Con người trong đô thị hóa đang cố gắng tìm ra cho mình một dạng hình sống phù hợp với sự tục hóa khi mà trật tự cổ xưa và mối liên hệ thánh thiêng của mô hình thời bộ tộc và nông thôn làng quê dần dần tan biến.

IX. THEO HARVEY COX, NIỀM HY VỌNG VÀO ĐỨC KITÔ TẠO RA NƠI LÒNG CỘNG ĐỒNG KITÔ MỘT LÒ SINH ĐỘNG KHÔNG NGỪNG TRONG THẾ GIỚI ĐÔ THỊ HÓA

Nhà thần học Harvey Cox cho rằng chúng ta có thể phát triển một biểu tượng về thành phố tục hóa mà không vi phạm biểu tượng Nước Thiên Chúa. Về phía cạnh chính trị, ông cho rằng chúng ta có thể chứng minh rằng ý niệm về thành phố tục hóa, trong khi trung thành với học thuyết về Nước Thiên Chúa, vẫn còn rộng mở và soi sáng chất men hiện tại của qui trình thay đổi xã hội.147 Đàng khác, từ khía cạnh thần học, nhìn lại thực tại cánh chung trong thành phố tục hóa, chúng ta có thể đem lại cái nhìn hòa điệu hơn trong ba phương hướng sau:

1. Không Có Mâu Thuẫn Giữa Thực Tại Nước Trời Và Thành Phố Tục Hóa Trong Công Việc Của Thiên Chúa Và Sự Hoàn Thành Trách Nhiệm Của Con Người

Hiển nhiên, có một thời148 con người hay nêu lên sự mâu thuẫn giữa thành phố tục hóa như là xây dựng bởi con người và Nước Trời là công trình của Thiên Chúa.

(i) Thật vậy, theo H. Cox, đó là một sự phản ứng cần thiết vì có một thời có một số nhà thần học[129] đi quá xa cho rằng Nước Trời là do sự cố gắng hiện thực của con người.[130] Họ đã đồng nhất ý tưởng về Nước Trời và khái niệm phát triển và cải thiện xã hội. Sự điều chỉnh ngược lại thì lại nhấn mạnh rằng Nước Trời duy nhất chính là do Thiên Chúa hiện thực và loại bỏ mọi hành động của con người. Tư tưởng này lại sa vào hướng đối nghịch bên kia.

Như thế, làm sao có được một thế quân bình giữa đòi hỏi của Nước Thiên Chúa và của thực tại trần thế? Các Kitô hữu có chỗ đứng giữa cộng đồng nhân loại đang lo việc xây dựng trần thế không? Hay họ phải quay lưng lại thế giới và tiến bước trên con đường khác biệt?[131]

(ii) Nhà thần học Amos Wilder,[132] trong tác phẩm tuyệt diệu “Cánh Chung và Luân Lý trong Giáo Huấn của Đức Giêsu[133] chỉ ra rằng, chính vì Đức Giêsu đồng nhất cách thiết thân với Nước Trời nên điểm quân bình mà ta phải tìm là ở nơi chính con người của Ngài. “Đức Giêsu là Nước Trời. Ngài là biểu trưng, sự hóa thân và dấu hiệu trung tâm của nó.”[134] Nên vấn đề thần học đặt ra chính là vấn đề Kitô học. Vì thế, mọi vấn đề mà được diễn giải như là hành động của Thiên Chúa hay nhân bản phải được giải đáp trong sự qui chiếu vào con người Đức Giêsu. Nói cách khác, cả hai, những nền thần học xưa qui nhân và mới hướng thần về Nước Thiên Chúa đều phải được mời gọi đi vào giải đáp.[135] Không thể có biện chứng ở vấn nạn: Đức Giêsu là Thiên Chúa hay người? Phải chăng cuộc đời của Ngài biểu tỏ một hành động của Thiên Chúa cho con người hay lời giải đáp trọn vẹn của một con người cho Thiên Chúa? Theo Công Đồng Chalcedonia, vì chính Đức Giêsu hoàn toàn là Thiên Chúa và là người, nên mọi sáng kiến xuất phát từ Thiên Chúa cũng như sự đáp trả của con người cho Nước Trời đến, thì không thể phân ly được.

(iii) Trong ngôn ngữ của sự biến đổi xã hội, vấn đề đụng đến cho dù đó là lịch sử, và đặc biệt là cuộc cách mạng, thì đó vẫn là điều gì xảy ra cho con người hay là cái gì đó mà con người hành xử. Nhưng vấn đề đặt ra là, con người là chủ thể hay đối tượng của sự đổi thay xã hội?156 Tuy trong thực tế các nhà theo định mạng thuyết xã hội thì thường đấu tranh bảo vệ quyền tự do cá nhân trên cái đổi thay xã hội, ta vẫn thấy lời giải đáp thuyết phục nhất có lẽ là ở cả hai phía, và những cố gắng chỉ tập trung duy nhất vào một hay hai hướng đều đưa đến thất bại. Hiển nhiên, có lúc ta xông xáo đi bước trước. Nhưng có thời lịch sử nhấn chìm ta cho dù ta muốn chống trả lại.

(iv) Áp dụng vào thành phố tục hóa, sự hòa nhập của tục hóa và đô thị hóa đứng vững tại giao điểm của phong trào xã hội và sáng kiến con người, nơi con người thể hiện sự tự do không phải với bất kỳ giá gì, nhưng là chính do môi trường tương tác xã hội trong đó họ đang hoạt động và sống.

Thật vậy, tựa như vài nhà thần học giải thích thần tính của Đức Giêsu trong tính sẵn sàng của Ngài để đón nhận và thực hiện ý định của Thiên Chúa trên Ngài,157 cũng vậy thành phố tục hóa trở nên có ý nghĩa khi ở mọi nơi con người dám đón nhận trách nhiệm để hướng dẫn và sống với bao xu hướng hỗn loạn của thời đại họ. Gaudium et Spes đã nói lên tính trách nhiệm cụ thể này khi nhận định rằng ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật con người đã và còn nới rộng không ngừng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên... Do đó, ngày nay con người đã dùng sức cần lao tự cung ứng nhiều phẩm vật mà xưa kia họ mong đợi trước nhất nơi các quyền lực thần linh.158

(v) Nói tóm lại, Nước Thiên Chúa như là việc tập trung vào đời sống của Đức Giêsu Nazareth, xuất hiện như là một biểu lộ cao diệu và đầy đủ nhất cho sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người trong dòng lịch sử nhân loại:

Sự chiến đấu của chúng ta để tạo dạng cho đô thị tục hóa biểu lộ cung cách chúng ta trung thành đáp trả thực tại này trong đời sống chúng ta. 159

2) Không Có Mâu Thuẫn Giữa Thực Tại Nước Trời Luôn Kêu Gọi Hoán Cải Và Thành Phố Tục Hóa Thì Không

(i) Nhà thần học Amos Wilder cũng cho rằng Nước Trời xuất hiện một đàng, với những lời kêu gọi đến hoán cải trong việc từ bỏ một số điều nào đó và đàng khác, cũng phải biết đón nhận một cung cách mới làm môn đệ. Lối sống này kéo theo trước tiên một sự đoạn tuyệt với quá khứ, một từ bỏ triệt để đến mức nó có thể đòi hỏi cắt đứt mối dây gia đình và khước từ bổn phận hiếu thảo chôn cất.[136]

(ii) Schlatter, một nhà chú giải Tân Ước khác, nhấn mạnh đến khía cạnh cách mạng của đòi hỏi sau. Thật vậy, đó là một “điều không thể tưởng tượng nổi đối với não trạng Do Thái, một sự vấp phạm ghê gớm... nó phá vỡ mọi tập quán có thể còn ràng buộc người môn đệ.”161 Trước đòi hỏi của Nước Trời, con người phải chờ đợi sẵn sàng cắt bỏ mọi ràng buộc quá khứ cho dù có thể rất thân ái, hay bỏ qua một bên mọi giá trị cũ có thể là thánh thiêng để đi vào những hoạt động và trách nhiệm mới của Tin Mừng. Đây là một sự từ bỏ đích thực, dũng mãnh không yếu mềm và lãng mạn.

(iii) Trong thành phố tục hóa con người đương đại cũng bị đòi hỏi những ràng buộc và hy sinh tương tự trong nghề nghiệp mình, trong các giá trị phải chọn lựa và sự trung thành với bổn phận. Những chọn lựa này một đôi khi đi vào mâu thuẫn với tình cảm gia đình, người thân, bổn phận gia đình. Ai làm trong cơ quan từng có những trải nghiệm như thế. Và một đôi khi có sự đổ vỡ trong gia đình vì con người không hài hòa được giữa công việc và bổn phận gia đình.

3. Phải Chăng Nước Trời Thì Ở Bên Trên Lịch Sử Và Thành Phố Tục Hóa Thì Ở Bên Trong?

Vấn đề đặt ra khá cổ điển.162 Nước Trời sẽ đến một ngày nào đó trong tương lai hay nó đã đến? Thật ra lời của Đức Giêsu có thể được chú giải theo hai hướng trên. Những nhà chú giải Tân Ước thời nay cho rằng chúng ta phải vượt qua lối nhìn bế tắc này. Họ cho rằng chúng ta đặt vấn đề sai khi bàn cãi về cái tương lai phải đến đối với ngày cánh chung đã được thực hiện hay không. Thật ra, chúng ta phải nói đến một cánh chung đang trong tiến trình tự hiện thực như các nhà thần học chuyên môn Đức ngữ quen gọi. [137] Nói cách khác, ta có thể hiểu như các tác giả Tin Mừng mô tả, Nước Trời còn đang đến. Một cách rất khách quan, Nước Trời vẫn còn đang đem đến cho chúng ta một tình trạng xã hội mới hoàn toàn và mời gọi chúng ta loại bỏ cái cũ đã lỗi thời không còn năng lực để dám đón nhận điều gì khác hơn tự trong lòng xã hội.

X. MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ SỰ BIẾN THỂ PHẢI ĐƯA ĐẾN MỘT SỰ CÁCH MẠNG? [138]

Khi nghiên cứu thế giới toàn cầu hóa với đặc điểm đô thị hóa và tục hóa, liệu chúng ta có thể rút tỉa từ đó một chất liệu khả dĩ đủ để có một nền tảng suy tư thần học?

Harvey Cox cho rằng bất kỳ một lý thuyết mang tính cách mạng nào đều phải biểu lộ bốn đặc tính thiết yếu sau: (1) Tính xúc tác: Phải nói được, tại sao hành động bây giờ là cần; (2)Tính nguyên thể tinh thần: [139] Phải giải thích tại sao có một số người tới nay không hành động và tiếp tục không hành động. Điều ta nói ở đây, đó là một tình trạng xã hội mang nguyên thể tính và một một đường lối chính trị hoàn toàn xơ cứng; (3) Một sự “tẩy tâm”:[140] đó là một cái nhìn tìm ra ý nghĩa để làm sao con người có thể thay đổi, làm sao kéo họ ra khỏi sự nguyên thể và khuyến khích họ hành động; giúp giải phóng con người khỏi mọi lực ngăn trở hành động; (4) Có khả năng thấu hiểu và thấy rằng có khi phải cần đến một tình trạng tựa như một khủng hoảng,[141] một biến cố mãnh liệt đủ khả năng làm đảo lộn trật tự sự vật và đưa con người đang tê liệt trong hành động trở lại hoạt động.

1. Trước Tiên Yếu Tố Xúc Tác Được Xuất Hiện

(i) Yếu tố này xuất hiện dưới một dạng phân ly mà các nhà tâm lý và kinh tế chuyên môn gọi là hố phân hóa đứt đoạn nguyên thể [142] hay một sự tụt hậu giữa hai lối sống, hai quan điểm, hai nền văn minh v. v... Lịch sử cung cấp cho ta nhiều điển hình: Ví dụ hai cuộc Cách Mạng Pháp (1789) và Nga (1917) đưa đến một sự lật đổ chế độ quân chủ: Nguyên do chính quần chúng nhân dân đã có một chuyển biến suy tư trong khi đó nhà vua và giới quí tộc cùng với một số các giáo sĩ đang ở trong tình trạng bảo thủ lạc hậu và đàn áp.

(ii) Ngày nay, hiển nhiên khi bước vào tk XXI, ta không thể vận dụng một cách máy móc cơ chế đã gây ra kiểu các cuộc cách mạng nói trên. Thật vậy, xã hội Thiên Chúa là một thế giới đô thị hóa trong đó lý trí con người trỗi vượt và sức mạnh của nó được thể hiện cao độ trong ngành công nghệ nano,[143] công nghệ thông tin, một công nghệ len lỏi vào mọi lãnh vực: hỗ trợ tuyệt diệu cho sự phát triển cao độ ngành tự động hóa, thúc đẩy ngành thiên văn vũ trụ làm một bước dài thật kỳ diệu khi con người đã phóng lên không gian những vệ tinh thiên văn như Hubble hay đài quan sát Chandra và vô số vệ tinh thăm dò khác để khám phá vũ trụ mênh mông, đồng thời đưa những con chip vào nội tạng con người để nghiên cứu vũ trụ li ti trong họ và sử dụng máy tính cực mạnh để’ xây dựng các bản đồ gien...

(iii) Rõ ràng những nghiên cứu về thế giới và con người càng sâu và càng xa như thế, đẩy con người rơi vào một “nền văn minh trong đó những cơ cấu chính trị cũng như những thiết chế văn hóa cũ không còn ứng phó kịp.”[144] Mặc dù vào một thời sự phân tích của Marxít tập trung trên mối liên hệ sâu sắc của hạ tầng kinh tế ảnh hưởng quan trọng lên thượng tầng chính trị đã giúp chúng ta phần nào thoát khỏi sự bối rối nêu trên, nhưng ngày nay vấn đề Thiên Chúa đặt ra mang một tầm cỡ đa dạng, phức tạp và quan trọng hơn nhiều.

(iv) Harvey Cox đã dùng một biểu tượng thật hay để gọi thành phố đô thị hóa của xu hướng Thiên Chúa: technopolis,[145] trong đó khía cạnh techno (kỹ thuật) biểu trưng cho nền tảng kỹ thuật trên đó thành phố tục hóa xây dựng, còn polis[146]gợi lên khía cạnh xã hội và văn hóa. Đó là một tính cách nhân bản đòi hỏi bất kỳ ai đang sống trong thành phố tục hóa phải nâng mình lên đến đó, nếu muốn sống “lành mạnh” trong đó. Thật vậy, cả hai gợi lên cho chúng ta sự căng thẳng tất yếu mà từ đó mọi sự thay đổi xã hội có thể xuất hiện. Trong thế giới Thiên Chúa rõ ràng chúng ta có cảm giác nghẹt thở về sự mất quân bình nghiêm trọng giữa những thành phần “kỹ thuật” và “chính trị” của technopolis. Đó chính là hố phân hóa đứt đoạn. Sự thách đố mà chúng ta phải trực diện đặt chúng ta phải cố dệt lên một bộ yên cương để có thể điều khiển và kiểm tra những con “nhân mã” kỹ thuật.[147]

(v) Để minh họa, chúng ta thử trở lại ở thế kỷ XX, thập niên 1960 đã được đánh giá như là một trong những thập niên bấp bênh mất quân bình, tuy đầy sáng tạo. Con người đã khai sinh một mô hình mới về thế giới. Thật vậy, hành tinh Đất như chợt bừng tỉnh sau một cơn choáng váng hão huyền. Con người như chợt (hay tái) khám phá ra thế giới của mình. Lần đầu tiên, toàn thế giới ý thức về cái mà con người gọi là Thế Giới Thứ Ba[148] với tất cả sự nghèo khổ đói kém thiếu thốn và các nước trong LHQ đã ngồi lại để quyết tâm xóa cái đói và giảm cái nghèo gây vấp phạm. Marshall McLuhan, một nhà xã hội học không ngơi nghỉ, loan báo phúc âm về một ngôi làng toàn cầu[149] kêu gọi phong trào những người trẻ thiện nguyện với balô trên vai đi cùng khắp trái đất để đem sự đóng góp nhỏ nhoi của họ cho những con người nghèo bớt khổ hơn.[150]

(vi) Nửa thế kỷ sau, Juan Somalia, Tổng Giám Đốc của ILO[151] khi cho rằng một Thiên Chúa chân thực là thiết yếu để có hòa bình, an ninh, công bằng xã hội và nhân phẩm thì vẫn nhìn nhận rằng trong lúc nền kinh tế toàn cầu tiến lên trước thì những thiết chế kinh tế và xã hội thì vẫn còn trì trệ theo sau. Theo ông, giúp cho những người nghèo có công việc làm ăn thì có cơ may xóa bớt hố ngăn cách và đứt đoạn giữa người giàu và người nghèo, và WB và ILO đã cùng cộng tác để nghiên cứu việc làm liên quan đến sự bình đẳng, di dân và lao động trẻ em.

(vii) Tương tự, trong bài báo cáo về quyền con người,[152] bà Shirin Ebadi, một nhà hoạt động xã hội người Ba Tư,[153] đấu tranh và lên tiếng cho người di dân, phụ nữ và trẻ em, đã cho một sự phân tích khá cụ thể để có thể giúp cho sự lấp đầy hố ngăn cách. Ebadi nhìn nhận WB[154] là một thiết chế quan trọng để giúp cho tiến trình này phát triển đúng hướng, cũng như giúp cho sự thịnh vượng, phát triển và dân chủ trải dài trên khắp cùng trái đất.[155] Bà không ngớt cổ võ cho các thành viên của WB cần thể hiện sự trách nhiệm phải giúp đỡ các đất nước này.* [156] Sự cộng tác toàn cầu là cần thiết để lấp đầy sự khác biệt và hố thẳm giữa minimum gồm các siêu tỉ phú và maximum của những người nghèo không kiếm đủ 2 USA/ngày. [157]

Theo bà, cho vay mượn và trợ cấp của các tổ chức phát triển như Ngân Hàng chỉ là một cách giúp người nghèo, nhưng còn phải đồng thời giáo dục và cổ võ cho nền dân chủ trong các đất nước nghèo này. Bà nhận định rằng, ở xứ có thể chế độc tài thì người nghèo ở trong hoàn cảnh bất thuận lợi vô cùng vì tất cả các nguồn lợi được sử dụng chỉ để tôn lên hoàn cảnh sống của giới ưu đãi. Bà lý luận rằng các chính phủ mất dân chủ khi nhận được sự vay mượn và tài trợ thì càng bạo dạn để lơ là nhân quyền...[158] Ebadi đã can đảm đưa ra một lời cảnh báo: Tất cả các nhà độc tài rồi phải bị hạ bệ, [159] và dân chúng xưa nay bị áp bức sẽ kết án những chính phủ và thiết chế bên ngoài đã giúp củng cố các chế độ độc tài này.[160]

(viii) Tại Việt Nam, cho đến 1986, não trạng “bao cấp” trông chờ vào nhà nước đã đến một lúc làm tê liệt mọi sáng tạo, ngăn trở sự phát triển ở mọi dạng, và đưa một nền kinh tế chỉ huy đến chỗ phá sản. Sự thay đổi hướng đi trong nhà nước từ giai đoạn Đổi Mới 1986 là một bước ngoặt quan trọng cho Việt Nam: Chấp nhận một nền kinh tế thị trường tự do theo hướng xã hội chủ nghĩa (!),[161] cải cách giáo dục với sự cố gắng đưa vào các mô hình giáo dục tiên tiến. Lần đầu tiên người ta nói đến một nền kinh tế tri thức với giá trị sản xuất theo lũy thừa.

(ix) Nới rộng ra, ở vào đầu tk XXI này người ta càng lúc càng nhận ra có một hố phân hóa giữa hai lối sống, cũng như của hai nền văn minh. Thật vậy, khi lấy lại định nghĩa về sự chuyển vị mô hình[162] của Thomas Kuhn, các nhà linh đạo F. Capra, D. Steindt-Rast và T. Matus từ thập niên 2000 cho thấy chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh xã hội mà ở đó mô hình xã hội đã đạt đến những tận cùng những giới hạn của nó. Những giới hạn đó là hiểm họa chiến tranh hạt nhân, việc phá hủy môi trường tự nhiên của chúng ta, sự nghèo đói vẫn dai dẳng trong thế giới-đó là những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, không còn giải quyết được trong mô hình cũ. [163]

Thật vậy, D. O'Murchú khi quan sát về hố phân hóa ở thời đại này cũng nhấn mạnh rằng hành tinh Mẹ Đất đã nóng lên đáng kể, mực nước biển dâng cao; mô hình thời tiết thách đố mọi tiên đoán chính xác. Cả sự giàu và nghèo đã gia tăng với sự xuất hiện của TCH như là một sức mạnh thực dân áp đảo của thời đại chúng ta. Sự bùng nổ thông tin đã đạt đến một mức cao hơn bao giờ hết, tạo thuận lợi cho sự truyền thông vượt mọi biên bờ có thể nghĩ ra, nhưng cũng tạo nên một đế quốc mới cho những ai đang kiểm soát thông tin. Hiểm họa và lời hứa bao quanh chúng ta ở mọi phía.[164]

2) Bản Thân Hình Ảnh Nước Trời Cũng Gây Ra Một Đứt Đoạn[165]

(i) Đối với người Kitô hữu, hình ảnh Nước Trời khi được chuyển dịch[166] trong thế giới con người ngày nay, một thời đại đang được biểu trưng bởi mô hình của thành phố tục hóa, của khối thịnh vượng chung cũng như của sự trưởng thành và sự tương tùy, đích thật cũng đang gây nên giữa lòng nhân loại, một sự lệch pha hay một đứt đoạn và phân hóa. Lý do sâu xa, theo các nhà thần học, đó là vì Thiên Chúa luôn ở phía trước con người.[167] Trong Kinh Thánh, Ngài xuất hiện như là người đi bước trước, mời gọi con người đến với Ngài từ bốn phương trời của địa phương họ cũng như từ tất cả tình trạng hiện sinh của họ. Sự di chuyển, từ nơi này đến nơi nọ, từ bây giờ cho đến mai sau, xác định phương hướng trục lộ mang tính quyết định của Kinh Thánh. Trong hiện tại, Nước Trời chưa bao giờ đến trong tất cả sự toàn hảo và sung mãn ở trần gian này, vì thế con người được trao trách nhiệm lớn để cộng tác và đưa Nước Trời đến chỗ hoàn thành. Nhưng Nước Trời cũng không quá xa và tách biệt để đưa con người rơi vào tuyệt vọng. Trái lại, Nước Trời luôn là vừa đến và cũng luôn là “Nước Đang Đến,” thực tại mới bắt đầu xuất hiện. Nó hội nhập vào cuộc sống nhân loại đón nhận tất cả nhưng để thúc đẩy con người vươn lên thoát khỏi tình trạng cũ, bóng tối. Nó thể hiện lời của Thiên Chúa: ”Này Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5). Thật vậy, dấu biểu trưng khởi thủy của Nước Trời luôn là trở thành hữu hình trong lòng nhân loại để kêu gọi một sự hoán cải tận căn, từ một hoán cải tâm trí, tâm tình, luân lý đến tôn giáo.194

(ii) Viễn tượng Kinh Thánh như là hố phân hóagây đứt đoạn được khắc ghi trong bản văn Tin Mừng cổ xưa nhất của Marcô:” Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần; Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Khi loan báo thời gian hoán cải này, vị ngôn sứ của Tin Mừng cũng như một cộng đồng đức tin nào đó thường làm, thật ra tất cả không chỉ nhằm đưa con người đến tìm hiểu con người Đức Giêsu, nhưng rõ ràng còn để soi rọi toàn thể thực tại lịch sử trong đó ta có thể thấy con người, luôn ở trong tình trạng đứt đoạn, phân hóa với lời mời gọi của Tin Mừng. Tông đồ Phaolô cũng ở trong tình trạng này khi ông tổng hợp đời sống đức tin bằng lời sau: “... quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích...” (Ph 3,13). Kinh Thánh đặt “thời gian hiện tại trong vết nứt sâu giữa cái đã qua và cái sẽ đến.”[168] Vì lẽ đó, sự căng thẳng mà Kinh Thánh gây ra cho đời sống đạo đức thì ít nhiều khác biệt với lối nhìn của triết học luân lý về sự căng thẳng giữa cái đang là và cái đáng lý ra phải là. Qui luật của Tin Mừng không mang tính cách một mệnh lệnh dứt khoát, tức khắc; theo nghĩa là trước tiên nó chỉ đến cái gì đang đến, và sau đó mà thôi, nó kêu gọi đến một sự biến cải hành vi cử chỉ và hành động: Nước Trời đã đến gần vậy hãy sám hối.

(iii) Qui luật hành động của thành phố tục hóa cũng tương tự như vậy. Qua sự xuất hiện không thể kìm hãm được của nó, nó hiện thực một tình trạng mới, biến tất cả những phong cách suy tư và hành động hoàn toàn trở nên lỗi thời. Nó cũng mời gọi mọi công dân thành phố đứng lên hành động. Bản thân nó cũng tạo ra một hố đứt đoạn phân hóa, và đồng thời là một chất “xúc tác”thúc đẩy con người lấp đầy hố ngăn cách nếu họ muốn là con người bền vững không bị chi phối bởi những lực lịch sử.

3) Tại Sao Con Người Từ Chối Hành Động

(i) Cho dù biểu tượng Nước Trời hội nhập vào thế giới con người nhưng có người vẫn giữ tình trạng nguyên thể i.e., không muốn hành động, tại sao? Rõ ràng Tin Mừng thúc bách chúng ta dám bỏ lại đằng sau một xã hội và những biểu tượng của một thế hệ chết chóc và biết đảm lấy trách nhiệm để vẽ ra một thế hệ mới khác. Như vậy tại sao con người vẫn không hoạt động? Ở đây chúng ta cần khám phá tình trạng nguyên thể xã hội [169]được biểu lộ trong sự mù quáng và tê liệt ngăn trở con người hành động để lấp đầy hố phân hóa.

(ii) Các nhà thần học luôn nhấn mạnh là con người trong sự tự do của mình có thể nói tiếng không với Tin Mừng nếu họ muốn. Họ có thể lì lợm bám chặt vào các mô hình và mục tiêu của một thời trước đó tựa như một đôi khi những trẻ thơ bất an bám víu vào một tấm chăn hay mảnh yếm làm chúng an tâm. Rõ ràng sự từ khước này biểu lộ một sự trốn chạy khỏi sự trưởng thành. Nó kết án con người đang sống trong tình trạng mà Tân Ước gọi là “tuổi đang tàn tạ.” Hậu quả đưa đến đó là một sự gia tăng trong sự mất phương hướng và một cảm thức phi thực tế. Điều này đương nhiên lại tạo ra những cố gắng, thường ở trong trạng thái kích động và ít hiệu quả, để nắm bắt những biến cố xuất hiện trong một cung cách không còn phù hợp và không hòa điệu.

(iii) Nhưng ở đây vấn đề là vẫn còn đó. Tại sao con người khi bị sa vào tình trạng phân hóa và đứt đoạn, vẫn kiên trì từ chối thay đổi? Phân tích Marxít cho chúng ta một minh họa cổ điển. Lý thuyết này cho rằng con người đang ở trong một “sự ý thức giả tạo.” Con người này không thay đổi vì nó bám vào phương tiện sản xuất. Và điều này đưa đến cái nhìn sai lệch. Chỉ có một cách làm cho nó thay đổi tầm nhìn đó là tước đi của nó cái sở hữu, tài sản; đó là một sự giải phóng.[170]

(iv) Kinh Thánh cũng đã mày mò tương tự trong tư tưởng trên để tìm hiểu tại sao con người cũng vô cảm với lời mời gọi của Nước Trời. Kinh Thánh cho rằng vì là “tội nhân” con người có một tầm nhìn bị bóp méo và hạn hẹp khi họ nhìn về bản thân, tha nhân, xã hội và thực tại cánh chung. Những tương tác của họ không còn hòa điệu với những tỏa rạng xuất phát từ Mầu Nhiệm Trung Tâm, hay Mầu Nhiệm Huấn Luyện:[171] Nội Huấn Luyện,[172] Tương Tác Huấn Luyện,[173] Tình Huống Huấn Luyện[174] và Thế Giới Huấn Luyện.[175] Họ trở nên người tật bệnh, người câm điếc, mù lòa, què quặt mà Tin Mừng đã nói đến đối với môi trường xung quanh. Tình trạng này đặt con người trong sự bất lực gây hủy hoại. Trạng thái này nguy hiểm vì con người không biết mình đang ở trong tình trạng đó, họ tự như đang ở trong tình trạng bị thôi miên,[176] trong bóng tối sự chết, trong tù ngục xiềng xích. Chính vì thế, khi Yoan Tẩy Giả phân vân khắc khoải trong tù ngục không biết người anh em họ của mình là Giêsu có phải là Đấng mọi người trông đợi, Đức Giêsu đã vận dụng đoạn văn của Isaia vào thời Mêsia để trả lời: Người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người què được đi và người nghèo được rao giảng Tin Mừng (Cf. Lc 7, 22), như là để nói lên tình trạng hài hòa với Nước Trời của con người thật sự là như thế nào.

4) Cần Tẩy Tâm[177]

(i) Làm sao để cho người đang rơi vào tình trạng nguyên thể, nghĩa là đang ở trong hố đứt đoạn và phân hóa tỉnh thức từ trạng thái mê ngủ này có thể bước ra khỏi đó? Và tìm hiểu cái gì thiếu sót trước đó. Tiến trình này Tin Mừng gọi là metanoia, một sự hoán cải triệt để. Cái bản ngã cũ chết đi và cái mới được sinh ra. Đó là một cuộc biến đổi toàn diện: “Mọi sự trở nên mới mẻ.” Phải sinh lại như Nicôđêmô. Hệ quả tốt đẹp đó là trong đời sống mới con người nghe được, nói được, đi được và chạy nhảy trong niềm vui. Những vật ngăn cản trong nhận thức và trong ý muốn đáp trả đã bị triệt tiêu, tựa như Phaolô sau biến cố Damas có cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông, và ông thấy lại được, và ông trở thành con người mới (Cf. Cv 9, 18), và từ nay hành động như một tông đồ: Ông đã hoán cải. Trong thơ gởi Kitô hữu Galat ông cũng nói đến hình ảnh của hoán cải đó là con người tựa như bước vào giai đoạn trưởng thành “bỏ qua những điều của trẻ thơ” (Gal 4, 1-5. 9) và sống đích thực như một người con, có quyền kế thừa và nay hoàn toàn mang trách nhiệm để quản lý gia sản của gia đình.

(ii) Đối với thành phố tục hóa, hình ảnh con người trưởng thành và có trách nhiệm mang tính quyết định vì tục hóa chính là tiến trình hướng đến sự trưởng thành và đảm lãnh trách nhiệm. Phải chăng đó là điều chúng ta đã muốn nói ở trên: tục hóa có nghĩa là tiến trình loại trừ khỏi sự “hỗ trợ tôn giáo huyền bí”205 và siêu hình và đặt con người đứng trên đôi chân của họ, mở cánh cửa tù hãm để họ có thể tiếp xúc với vũ trụ rộng mở.

Có một điều thật quan trọng mà mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi cần nhận thức, đó là biểu tượng tiến trình trưởng thành và có trách nhiệm mà Tân Ước nói đến trong dụ ngôn về một ông chủ đi xa và muốn trao gia sản mình lại cho các tôi tớ quản lý. Vấn đề gia chủ đòi hỏi không chỉ là đem lại lợi lộc tiền của nhưng còn là sự quản lý khôn ngoan và trưởng thành của các gia nhân. Chính vì thế, nếu họ tranh thủ lúc ông chủ đi vắng mà bê bối say sưa rượu chè và đánh đập bạn bè họ sẽ bị sẽ bị phê phán nghiêm khắc. Điều này hoàn toàn áp dụng cho việc quản lý trong các giáo xứ hay cộng đồng, trong đó có thể có sự quản lý khôn ngoan vấn đề tiền bạc vật chất nhưng lạm dụng trong vấn đề quyền lực. Và phải chăng sự sám hối trong thế giới đương đại chính là sự liên quan đến việc sử dụng có trách nhiệm uy quyền của mình?

(iii) Nhưng vấn đề tẩy tâm là ở đâu? Điều gì thúc đẩy con người thay đổi, sám hối, hoán cải, đón nhận trách nhiệm đối với quyền bính? Như đã nói ở trên206 một nền thần học về sự đổi thay xã hội (hay “biến cải”) thì phải tương tự như một lý thuyết cách mạng dám chấp nhận rằng chúng ta cần đến một tình trạng tựa như một khủng hoảng, một biến cố mãnh liệt đủ khả năng làm đảo lộn trật tự sự vậtđưa con người đang tê liệt trong hành động trở lại hoạt động. Ví dụ đối với Marx sự “tẩy tâm” đó là sự khủng hoảng trong đó có một sự thay đổi triệt để khi giới công nhân được trao cho quyền lực, vì theo ông đó là giai cấp tiên tiến, và đồng thời phải tước đoạt khỏi giới tư bản quyền tư hữu.[178]

(iv) Có cái gì đó tương tự trong Kinh Thánh, Nước Trời đúng là một khủng hoảng thúc đẩy sự trồi hiện một trật tự mới trong đó con người được mời gọi làm một hoán cải triệt để. Nó là điều kiện tiên quyết để có thể tỉnh thức, điều mà Phaolô rất ý thức khi kêu gọi người Kitô hữu Galat gạt bỏ giấc ngủ triền miên của họ để có thể tỉnh thức. Ông biết lời của ông chỉ có hiệu lực khi ông đặt họ trong thực tại mới, thực tại Nước Trời trong đó người Kitô hữu Galat có thể tiếp cận với hành động của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thực tại này chính là Tạo Dựng mới.[179]

(v) Nhưng bản thân chúng ta lại nhận thức rằng, mỗi con người chúng ta trong thực tế thường rất dễ bị điều kiện hóa bởi những chiều kích sinh thái,[180] chức năng[181] và biến cố xã hội-lịch sử, nên “mạng lưới ý nghĩa”[182] của chúng ta đã bị nhiễu từ những điều kiện đó. Vì thế, cần có một sự thay đổi triệt để với các chiều kích này mới có cơ may làm thay đổi nhãn giới của chúng ta. Theo H. Cox đây là một điều kiện vô cùng quan trọng cho mọi nền thần học về sự biến cải xã hội hay mọi lý thuyết cách mạng cần phải để ý.[183] Chính khủng hoảng đi trước sự tẩy tâm. Nước Trời phải đến trước sự hoán cải. Thật vậy, chính thực tại của sự hiện diện của Nước Trời là sự giả định thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng. Trong thực tại của Nước Trời, Tin Mừng trở thành một lời mời gọi để biện phân những dấu chỉ của Nước Trời và đáp trả tương ứng.

(vi) Cũng vậy, khi nhìn cung cách hành xử của thành phố tục hóa ta cũng thấy nó cũng tuân thủ những qui luật tương tự. Những cái yêu cầu đổi thay trong thế giới này không phải đơn thuần là tại vì đó là một “mode”hay “style” để phù hợp trào lưu. Nó cũng muốn khẳng định rằng cổ xưa không còn per se (tự thân) là một dấu chỉ của sự chân thực. Tư tưởng và thực hành cũ ngày nay phải thi đua trên cùng một mức với cái mới. Điều chúng ta từng đón nhận và hành xử trong quá khứ cần luôn để cho cuộc sống này trắc nghiệm và thử thách. Lý do là cuộc sống có bao giờ ngừng thay đổi, đổi mới. Chính vì thế, quá khứ cần được trân trọng và tôn vinh, nhưng nó không phải là chuẩn mực duy nhất để xác định hiện tại và tương lai.[184]

(vii) Trong thành phố đô thị hóa, không có chỗ cho sự phóng túng và ảo tưởng thời thành niên. Được giải phóng khỏi những “bốc đồng,” con người trong thành phố này được giả định có một nếp sống đủ trưởng thành để đảm lãnh vị trí của “người con chín chắn,”[185] người quản lý khôn ngoan và có trách nhiệm.[186] Đó là một lối sống dám quyết tâm tham dự vào qui luật đổi thay của cuộc sống với tất cả bấp bênh của nó; đó là cái giá phải trả của sự trưởng thành trong sự nhận thức rằng chúng ta không phải luôn luôn kiểm soát được tình thế, và vì thế không cần thiết phải hành xử theo cách duy ý chí, không cần có một cuốn cẩm nang kè kè bên để dạy ta phải ứng xử ra sao trong cuộc sống đầy sự bất ngờ. Đơn giản là không thể có có cuốn cẩm nang đó. Ta phải học khôn mỗi ngày từ sự can đảm dấn thân vào cuộc sống và để cuộc sống dạy ta. Có lẽ phải đủ quảng đại với cuộc sống để cuộc sống quảng đại lại với ta. Thế giới của chúng ta vẫn còn là một tiến trình tiến hóa để thành nhân.[187] Một triết gia hiện sinh và đầy chất Kitô như Kierkegaard đã từng nói “chúng ta luôn ở trong tiến trình làm Kitô hữu.”[188] Cách mạng trường kỳ đòi hỏi song hành với hoán cải trường kỳ.[189]

KẾT

Nhà thần học Harvey Cox thường nói với sinh viên mình ở Harvard:

Sự rao giảng chúng ta ngày nay không hiệu lực vì nó không làm cho con người trực diện với thực tại mới đã đến và bởi vì sự ‘triệu tập' hay mời gọi thì nói chung chung hơn là riêng biệt.”

Đàng khác, sứ điệp của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần; anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng,” bao gồm hành động của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người thì tập trung vào chính con người cụ thể của Đức Giêsu, không chung chung. Trong hạn từ của chúng ta, hiện tượng tục hóa, mặc dầu đó là một hành động của con người, xuất hiện như là một thực tại khách quan. Nó đã xảy ra cho chính chúng ta. Sự đô thị hóa, mặc dù xảy ra cho chính con người, xuất hiện ở đây như là sự cố gắng của nhân loại để đi vào thực tại lịch sử mới với những cung cách để sống hòa điệu với tha nhân trong những mối tương quan. Sự kiện tiến trình tục hóa không tách biệt với tiến trình đô thị hóa. Nó có thể xuất hiện trước sự đô thị hóa và đồng thời cũng theo sau, nó mang tính thách đố. Sự thách đố này cũng tựa như lời mời gọi của Thiên Chúa (= hành động của Ngài) đối với con người những mong họ đáp trả (= hành động của con người) thì không tách biệt nhau vì mỗi vế sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có vế bên kia như truyền thống Kitô học thường nêu lên. Tại giao điểm của hành động của lịch sử lên con người và hành động của con người lên lịch sử đó chính là hiện tượng hoán cải, hay diễn giải một cách khác, đó là tính trách nhiệm, biết đón nhận một cách trưởng thành trách nhiệm trước con người và tổ chức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Arendzen, John. “Gnosticism.” The Catholic Encyclopedia vol. 6. New York: Robert Appleton.

Baillie, D. M. God Was in Christ. London: Faber & Faber, 1955.

Bulmann, Rudolf. Theology of the New Testament. NY: Scribner, 1951.

Boff, Leonardo. God's Witnesses in The Heart of the World. Chicago.Manila: Claret Center..., 1986 (1981).Capra, F., D. Steindt-Rast & T. Matus. Belonging to the Universe: Explorations on the Frontiers of Science and Spirituality, 1991

Cox, Harvey. The Secular City. New York: MacMillan, 1967.

Ebadi, S. Human Rights and Economic Development (in Farsi). Presidential Fellows Lecture Series, 2004.

Friedman, Thomas. The World is Flat. A Brief History of the Globalized World in the Twenty-first Century. N.Y.: Farrar, Straus and Giroux, Publisher. B. Dịch. Nguyễn Quang A & al. Thế Giới Phẳng. Sài Gòn: NXB Trẻ, 2006

Gioan-Phaolô II. Centesimus Annus. Vatican:Vatican Press, 1991. B Dịch. ĐCV Thánh Giuse. Thông Điệp Bách Chu Niên. Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 2000.

---. Ecclesia in Asia Vatican:Vatican Press, 1999. B Dịch. Ant. Nguyễn Ngọc Sơn và Phêrô Đặng Xuân Thành. Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu. Sài Gòn: TGP Tp HCM, 2000.

---. Sollicitudo Rei Socialis. Vatican:Vatican Press, 1987. B Dịch. ĐCV Thánh Giuse. Thông Điệp Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội. Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 2000.

---. Redemptor Hominis.Vatican:Vatican Press, 1979. B Dịch ĐCV Thánh Giuse. Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người. Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 2000.

---. Christifideles Laici. Vatican:Vatican Press, 1988. B. Dịch Website Simon Hòa.com. Kitô-Hữu Giáo Dân.

Gogarten, Friedrich. Con Người Trung Gian giữa Thiên Chúa và Thế Giới. trans. of “Der Mensch zwischen Gott und Welt”, 1963 (1956).

Gutierrez, Gustavo. Theology of Liberation. New York: Orbis Book, 1973. B Dịch. Anon. Thần Học Giải Phóng. Sài Gòn, 1979.

Harmer, Catherine. Đời Tu Trong Thế Kỷ XXI: Hành Trình về Canaan Hôm Nay, 2005. B. Dịch. Đỗ Ngọc Bảo. Sài Gòn: Signum Fidei Tu Thư, 1997.

Heidegger, Martin.”Being in Time.” trans. J. Macquarrie & E. Robinson. N.Y. Harper & Row, 1962 (1926).

Holyoake, G.J. The Origin and Nature of Secularism. London: Watts and Co., 1896.

Jacobs, J. The Death And Life of Great American Cities. New York: Vintage Press, 1963.

Keely B. and Group. Martin Buber. Instructional Resources Center, (2005). Web. 15/12/2016.

<http://weber.u.washington.edu/~irc/IRCinfo.html)>.

Kosmin, Barry A. and Ariela Keysar, eds. Secularism & Secularity: Contemporary International Perspectives. Hartford, CT: Institute for the Study of Secularism in Society and Culture (ISSSC), 2007.

Kuhn, Thomas. The Structure of Scientific Revolution. Chicago: University of Chicago Press, 1962 (50th Anniversary Edition: 2012).

Fermet, A. & R. Marlé. “Théologies d'aujourd'hui. Collection « Foi Chrétienne », n° 11, 1975 (1973). Paris: Le Centurion.

O'Murchú, D. Our World In Transition: Making Sense Of A Changing World. Quezon City: Claretian Publication, 2003.

Pannenberg, Wolfhart. Christian Spirituality And Sacramental Community. London, 1984.

Perrin, Norman. The Kingdom of God in the Teachings of Jesus. Philadelphia: Wesminster Press, 1963.

Phanxicô. Evangelii Gaudii. Vatican:Vatican Press, 2013. B Dịch UB Loan Báo Tin Mừng/HĐGMVN.

Phaolô VI. Evangelii Nuntiandi. Vatican:Vatican Press, 1975. B Dịch. DWGB.Org. Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng.

---. Octogesima Adveniens. Vatican:Vatican Press, 1971. B Dịch. ĐCV Thánh Giuse Thông Điệp Bát Thập Niên. Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 2000.

Ratzinger, Joseph. Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, 1968. Trans. Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.

Rogers, Carl. On Becoming A Person. Boston, MA: Houghton Mifflin, 1961

Somavia, J. Working for a Fair Globalization. Web. 2004.      Cf.

<http://info.worldbank.org/etools/bspan/PresentationView.as p)>.

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (UBTHQT). Communion And Stewardship: Human Persons Created in the Image of God. Trans.

Vanier, Jean. On Becoming Human. N.Y.: Paulist Press, 1998.

Vital Luca Nguyễn Hữu Quang. Giáo Trình Linh Đạo Huấn Luyện hay Linh Đạo Tương Tác. (Formative Spirituality), 2014-15.

---. VL Nguyễn Hữu Quang. Linh Đạo Kitô Giáo trong Linh Đạo Huấn Luyện (Một Tiến Trình Tương Tác). Sài Gòn: Signum Fidei Tu Thư, 2016-2017.

---. “Martin Buber.” Nhân Học Triết Học. Chương IV. Chủ Nghĩa Hiện Sinh, Sài Gòn: Signum Fidei Tu thư, 2015.

Weber, Hans -Reudi. The Militant Ministry, 1963.

Wilder, Amos. Eschatology and Ethics in the Teachings of Jesus. New York: Harper and Row, 1950.

Winter, Gibson. The New Creation as Metropolis. New York: Macmillan, 1963.

---. Community and Spiritual Transformation Religion and Politics in a Communal Age (1989). New York: Crossroad.

Wirth, Louis. “Urbanism as a way of life,” 1957. tr. 54. Cities and Society. Eds. Paul K. Hatt & Albert J. Reiss. New York: The Free Press)

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 102 (Tháng 9 & 10 năm 2017)



[1] Ba chương đầu của sách Sáng Thế cho ta thấy rằng con người được lồng trong ba mối liên hệ: Thiên Chúa-tha nhân-vũ trụ. Mối tương quan đó Thiên Chúa đã chúc phúc nên nó là “tốt lành” và hài hoà, khi con người dám tin vào Lời của Ngài để duy trì sự hòa hợp với ba mối dây đó. Cái bi thảm đã xảy ra khi con người đã dành quyền “nói không” với Thiên Chúa, và mối dây hài hoà đã tan rã.

[2] Giáo Hội của Gaudium et Spes xác nhận, các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng, mà con người phải khám phá dần dần. Giáo Hội cũng có thể nhận ra dự định của Thiên Chúa qua những dấu chỉ là những gì đang xảy ra trong lòng thế giới.

[3] “Bài Giáo Lý của ĐTC Gioan Phaolô II, ngày 29/11/1986.” Website. Catholic. Org. Web. 12/12/2015. <https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/caotinh/21chucha.htm>.

[4] The Formative Science. Cf. V-L NH Quang. Giáo Trình Linh Đạo Huấn Luyện. Sài Gòn: Signum Fidei Tu Thư, 2015-16.

[5] Trong buổi gặp gỡ với các báo chí tại Hà Nội, ngày 5/6/2014, Thomas Friedman đã nhìn nhận: “Nhìn lại, những gì tôi viết trong cuốn ‘Thế giới phẳng' (2005) đã không còn đúng. Hiện nay, thế giới của chúng ta không phải là ‘thế giới phẳng' mà là ‘thế giới rất rất phẳng!' So với thời điểm tôi viết cuốn sách đó, thế giới hiện nay đã ‘phẳng' hơn rất nhiều.” Và trong bài phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ, ngày 18/6/2015, ông Friedman còn cho rằng thế giới đang chuyển động nhanh và mọi thứ đều trở nên phức tạp trong bối cảnh bùng nổ công nghệ cao.

[6] Cf. V-L N H Quang. Nhân Học Triết Học, ChI, 2014-2015. tr. 36-44.

[7] Ibid. tr. 47. Trước một lục địa Châu Phi nghèo đói vừa thoát khỏi thuộc địa vào thập niên 1960, McLuhan, một nhà xã hội học, thuyết giảng và kêu gọi người trẻ lên đường cho một tin mừng về ngôi làng toàn cầu (global village).

[10] Cf. Phạm Quang. Sống Đạo Thời Thế Giới Phẳng Và Một Giáo Hội Phẳng, 2015. Tác giả đã tham khảo chuyên đề của Jose Kuttianimattathil. Làm Thừa Tác Viên Trong Một Thế Giới Phẳng Và Một Giáo Hội Phẳng, 2011. [“Ministres dans un Monde Plat et dans une Église Plate.”Tạp Chí «Omnis Terra» của Hiệp Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng, số tháng 2/2011. tr. 67- 76); B. Dịch. Phêrô Đặng Xuân Thành]. Bài viết là sự gợi hứng khi lật dở những trang sách Công Đồng nhân dịp hướng tới kỷ niệm sinh nhật Thánh Công Đồng tròn 53 tuổi vào ngày 11/10/2015. Web. 25/6/2015.

[11] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (UBTHQT). Communion And Stewardship: Human Persons Created in the Image of God. Web. 12/12/2016. <http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documen ts/rc_con_cfaith_doc_20040723_communion-stewardship_en.html>. [Bản dịch của Nguyễn Kim Ngân. Hiệp Thông (Nhân Vị) Và Quản Lý Tạo Vật: Con Người Được Tạo Dựng Nên Giống Hình Ảnh Thiên Chúa, 2000-2002. Cf. <http://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?id=6664>.

[12] Người ta sử dụng hạn từ megapolis hay megacity để chỉ thành phố như thế. “Megalopolis”(Hy Lạp: thành phố lớn): một nhóm các khu vực đô thị đông dân cư kết hợp để tạo thành một phức hợp đô thị. Hạn từ lần đầu tiên được Jean Gottmann (1957) sử dụng trong ý nghĩa hiện đại để mô tả các khu vực đô thị lớn dọc theo bờ biển phía Đông của Hoa Kỳ từ Boston đến Washington, DC. Theo Gottman, nó là kết quả của những thay đổi trong công việc và thói quen xã hội.

[13] McBrien. Catholicism, 1994. tr. 83.

[14] Harvey Cox. The Secular City, 1967. tr. 33. Ông sinh ngày 19/5/1929. Ông là nhà thần học Hiện Sinh-Thế Tục.

[15] Các công nghệ siêu nhỏ nhờ vậy các nguyên liệu và sản phẩm trở thành nhẹ và dễ thao tác.

[16] Cf. Harvey Cox, 1967. tr. 34.

[17] OA, số 10. M. Heidegger cho rằng con người là một Dasein “đã rơi” trong thế giới này và họ cảm thấy xa lạ, và từ đó phát sinh khắc khoải. (To Dasein's state of Being belongs falling. Proximally and for the most part Dasein is lost in its “world.” M. Heidegger, 1962. tr. 264.

[18] Con người với những biểu tượng và dấu chỉ.

[19] switchboard.

[20] metropolis.

[21] Một ví dụ cụ thể đơn giản. Với một hộp nhỏ chừng bằng một điện thoại di động, hộp GPS (Global Positioning System) là một hệ thống dựa trên vệ tinh để xác định vị trí của ta đang ở trong phạm vi từ 10 đến 100m, tùy thuộc vào độ chính xác của máy nhận. Thường sử dụng trên xe để dò đường tối ưu nhất đến một điểm nào đó. Mỗi Iphone ngày nay cũng có chức năng đó, và còn có thể dùng Email và dò tìm thông tin qua Internet.

[22] Thư của Đức Bênêdict XVI gởi Phụ Huynh, Giáo Chức Và Học Sinh thành phố Rôma về Công Tác cấp Thiết về Việc Giáo Dục, ngày 23/2/2008.

[23] Cf. “MegaCity.”BKTĐ Wikipedia. Web. 7/1/2017. <https://en.wikipedia.org/wiki/Megacity>.

[24] Louis Wirth. “Urbanism as a way of life,” 1957. tr. 54. Cities and Society. Eds. Paul K. Hatt & Albert J. Reiss. New York: The Free Press. Cf. H. Cox. Op. Cit. tr. 36.

[25] Cf. H. Cox. Op. Cit. tr. 37.

[26] Có nhà xã hội phân tích rằng ngay trong làng quê tội sát nhân cũng khó xảy ra vì tình cảm thường ngày với nhau và sự quan hệ hữu danh.

[27] relationships unifaceted and segmental. Cf. Cox. tr. 38.

[28] Câu hỏi trong dụ ngôn người Samari nhân hậu của Luca, ‘ai là người anh em tôi?' có thể được lặp lại với từng con người đang sống trong thế giới đô thị hóa của TCH.

[29] H. Cox. tr. 40.

[30] Nhà thần học người Đức Rudolf Bulmann có lần đã viết rằng, Lề Luật có ý nghĩa là “những chuẩn mực của thế gian.” Cf. R. Boltmann. Theology of the New Testament. NY: Scribner, 1951. tr. 259-269; Cf. Cox. tr. 40.

[31] Xem những chương trình quảng cáo càng ngày càng tinh vi trên Tivi, những bảng hiệu trên cao khắp các đường phố.

[32] Tông Huấn Evangelii Nuntiandi được Đức Phaolô VI công bố vào ngày 8/12/1975, như là để đánh dấu ba kỷ niệm: (1) Kỷ niệm 10 năm bế mạc Công Đồng Vatican II mà theo ngài các mục tiêu có thể được tóm gọn đó là làm cho GH tk XX thích hợp hơn nữa với việc Loan Báo Tin Mừng cho loài người ở tk này. (2) Kết thúc năm thánh 1975, mà suốt năm này, GH đã “dồn mọi cố gắng vào việc rao giảng Tin Vui cho tất cả mọi người,” như là để chu toàn nhiệm vụ LBTM của Đức Giêsu Kitô đã được công bố từ hai lời kêu gọi căn bản: “Hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4, 24), và “Hãy giao hòa cùng Thiên Chúa” (2 Cor 5, 20). Và (3) đó là Tông Huấn sau THĐGM lần III (1974) về Phúc Âm hóa. Các Nghị Phụ mong đợi vị chủ chăn toàn cầu, qua Tông Huấn, đem lại một đà tiến mới khả dĩ tạo nên một thời đại Tin Mừng hóa cho một GH được bén rễ sâu hơn nữa vào sức mạnh và quyền năng bất diệt của Ngày Hiện Xuống.

[33] EN, số 9.

[34] Qua dòng thời gian, con người đã kinh nghiệm về sức mạnh tha hóa họ dưới nhiều cách: (1) Ở thời bộ tộc chúng xuất hiện dưới dạng ma qủy, thần linh và các sức mạnh tự nhiên hay tinh tú. (2) Vào giai đoạn chuyển tiếp đến nền văn hóa đô thị, con người từ khước nhìn nhận những sức mạnh này hoặc xem chúng đơn thuần như những qui luật điều hòa đi đôi với những mô hình xã hội mà ta có thể dự đoán được.(3) Ngay đến tk XIX con người vẫn còn ngờ vực về các sức mạnh nói trên và chúng chỉ được tái khám phá ở thời chúng ta theo ngôn ngữ của tâm lý chiều sâu: cái Id (Libido), cái vô thức tập thể, cái biện chứng của lịch sử, và ở thời nay, tk XX-XXI, những bảng trắc nghiệm tâm lý, xã hội, những con số vô hồn trong chuỗi xác suất thống kê... Chúng giúp ích nhưng không mang tính quyết định gì về vận mạng con người.

[35] Thần học Thánh Kinh nhìn con người như là đã được “khử thiêng” trong thế giới này dưới ba dạng: (1) Tạo dựng như là khử ma thuật thiên nhiên; (2) Xuất Hành như là sự khử thần thánh hóa chính trị; (3) Giao Ước Sinai như là sự khử thánh hiến các giá trị. Cf. H. Cox. tr. 111.

[36] Cf. H. Cox. tr. 111; Hans-Reudi Weber trong tuyệt tác The Militant Ministry, 1963. tr. 103, note 14, chỉ ra rằng động từ Hy Lạp Ka.Ta.py8C) (kathargeò) được dùng để diễn giải, cái gì xảy ra cho các lực đang hoạt động trong xã hội (những “quyền năng”), không bao giờ có nghĩa là bị tiêu hủy hoàn toàn. Nhưng thật ra hạn từ này chỉ nhận định là chúng bị soán ngôi và bị chế ngự. Thật vậy chúng bị Đức Giêsu tước đoạt sức mạnh và thu phục vì là kẻ thù nghịch nhưng rồi được điều động để phục vụ Thiên Chúa. Cf. H. Cox. tr. 128.

[37] chế ngự và sử dụng. Không có con đường trung tính. Con người là chủ hoặc quản lý khôn ngoan và có trách nhiệm, môi trường sống của mình hoặc là chúng trở nên là chủ nhân ông của con người.

[38] Theo sách Sáng Thế (Khởi Nguyên), mệnh lệnh cho con người là “hãy làm chủ trái đất.”

[39] Catherine Harmer. Đời Tu Trong Thế Kỷ XXI: Hành Trình về Canaan Hôm Nay. 2005. B. Dịch. Đỗ Ngọc Bảo. Sài Gòn: Signum Fidei Tu Thư, 1997. tr. 13-29. Phần Lời Nói Đầu và Dẫn Nhập.

[40] Cf. Friedrich Gogarten. Con Người trung gian giữa Thiên Chúa và Thế Giới (Der Mensch zwischen Gott und Welt, 1956), 1963. tr. 13. 14.

[41] Hình tượng giữa Sara và Agar.

[42] Các chương trình tiện ích Flash, Photoshop, 3D Max, Movie Maker, v.v... giúp cho người ta có thể tạo dễ dàng các hình ảnh màu sắc và âm nhạc theo sở thích.

[43] Đời sống các diễn viên, ca sĩ.

[44] Cf. V. L. NH Quang. Nhân Học Triết Học. Chương IV, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, M. M. Buber. 2015.

[45] Ông được tờ báo thời danh New York Times nhìn nhận như là nhà tư tưởng Do Thái tiến bộ nhất của thời đại chúng ta và là triết gia của thế giới có ảnh hưởng nhất.

[46] Phong trào đấu tranh “Zionism” để cho người Do Thái trở về lại quê hương. Đối với Buber tính Do Thái của một con người không phải là một miếng đất của Palestin nhưng là một sự canh tân thiêng liêng và văn hóa của mọi người Do Thái . Suốt đời ông cổ võ cho sự quan hệ hài hòa giữa Israel và người Á Rập.

[47] Khi nhà tâm lý nhân bản Carl Rogers hỏi Buber điều gì đã đưa ông đến

[48]mức nghiên cứu con người và những mối quan hệ sâu xa đến thế” thì một phần trả lời của ông đó chính là vì ông “có một sự nghiêng chiều nào đó trong sự gặp gỡ con người.” Và trong mức độ mà tôi có thể làm thay đổi tí gì đó nơi tha nhân, thì tôi cũng để cho họ thay đổi tôi.”

[49] Ibid.

[50] H. Cox. Op. Cit. tr.41.

[51] A. Fermet & R. Marlé, 1973. tr. 150.

[52] segmental, được khoanh vùng, trong những phạm vi nhỏ.

[53] J. Jacobs. Op. Cit. 1963. tr. 55-56. ...But you do not want them in your hair... “ở trong tóc bạn”: Diễn ngữ nói đến sự quấy rầy.

[54] Một dạng thần học về sự vô danh tính.

[55] impersonal.

[56] Cf. H. Cox. tr. 43.

[57] “Théologies D'aujourd'hui.” tr. 151-154.

[58] The modern city is a mass movement” H. Cox. tr. 43.

[59] Cf. H. Cox. tr. 43.

[60] Trong thông điệp Octogesima Adveniens (Bát Thập Niên), 1971. số 8. Phaolô VI đã chỉ ra hiện tượng đô thị hóa: Sự thiếu quan tâm đến việc tái qui hoạch và cải thiện đời sống người nông dân làm cho đời sống họ ở

[61] Thật ra các tác phẩm lớn trên thế giới, từ “Cuộc Phiêu Lưu của Ulysse” của tác giả vĩ đại Hy Lạp Homer hay tiểu thuyết “Ulysses” của James Joyce, “Tòa Lâu Đài” (The Castle) của Franz Kafka, “Giuse bên Aicập” (Joseph in Egypt) của Thomas Mann, “Moby Dick” của Melville; “Huckleberry Finn” của Mark Twain, “The Old Man and The Sea” của Ernest Hemingway, “Những Vần Thơ Của Satan” (The Satanic Verses) của Salman Rushdie, v. v... đều nói đến vị anh hùng lang thang bất định, không nhà cửa, luôn chuyển động.

[62] Cf. H. Cox. tr. 44.

[63] statu quo: nguyên trạng.

[64] Cf. Cox. tr. 46.

[65] Ibid.

[66] H. Cox. tr. 47.

[67] fundamentalism (chủ nghĩa cơ hữu, bảo thủ cực đoan).

[68] H. Cox. tr. 47.

[69] Ibid.

[70] Xem người trẻ ngày nay hành xử cho dù bản thân được sinh ra trong gia đình rất "sùng đạo."

[71] Nhà biệt thự hay từng căn hộ tách biệt, không quan tâm và để ý đến nhau.

[72] cho dù có phải đó là một thế giới khá đặc biệt như Hồi giáo, với các nếp sống cổ truyền trải qua bao thế kỷ, vẫn phải mở cửa cho bao nhiêu sự du nhập Tây phương.

[73] Cosmo-Polis.

[74] A term used for the first time about 1846 by George Jacob Holyoake to denote "a form of opinion which concerns itself only with questions, the issues of which can be tested by the experience of this life" (English, Secularism, 60).

[75] Cf. G.J. Holyoake. The Origin and Nature of Secularism. London: Watts and Co., 1896. tr. 51, Cf. Dubray, Charles. "Secularism." The Catholic Encyclopedia vol. 13. New York: Robert Appleton Company, 1912. Web.4/2/2017. <http://www.newadvent.org/cathen/13676a.htm>.

[76] Các Nguyên Lý Chủ Nghĩa Thế Tục, số 17. Cf. Dubray, Charles. "Secularism." The Catholic Encyclopedia vol. 13. New York: Robert Appleton Company, 1912. Web.4/2/2017. <http://www.newadvent.org/cathen/13676a.htm>.

[77] What is secularisation? H. Cox. tr. 1.

[78] Cf. Jean-Louis Bruguès “tục hóa (hiện tượng).” Từ Điển Luân Lý Công Giáo Tours, 1991. tr. 595. Bài viết rất hay, tác giả cho thấy sự ảnh hưởng của “tục hóa” lên đời sống luân lý là như thế nào. Độc giả đọc hết bài viết từ tr. 596-601, Cuốn Hạ. (Lưu Hành Nội Bộ).

[79] Cf. Charles West, 1959; H. Cox. tr. 1. Nhìn về phía cạnh lịch sử, Chủ Nghĩa Thế Tục là một thế giới quan phát xuất từ phong trào thế tục hóa, một quá trình tinh thần về sự phân ly giữa nhà nước và tôn giáo và trong các xã hội vô thần hay một thứ xã hội chủ nghĩa vô thần, đó là các quá trình cụ thể về việc nhà nước hóa một số tài sản, cơ sở tôn giáo, thể chế, quyền lực của tôn giáo. Nó đưa đến việc các chức năng chính trị, kinh tế, khoa học thoát ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, tạo ra một nhà nước trung lập về niềm tin tôn giáo. Cf. “Secularism & Secularity: Contemporary International Perspectives." Ed. Barry A. Kosmin and Ariela Keysar. Hartford, CT: Institute for the Study of Secularism in Society and Culture (ISSSC), 2007. Một cách nào đó, Chủ Nghĩa Thế Tục đã có nguồn gốc từ các triết gia Hy Lạp cổ và La Mã như Epicure (Hy Lạp: 'EnÍKOưpoc) (sinh 341 tCN tại Samos - mất 270 tCN tại Athens); Marcô Aurêlio (La Tinh Marcus Aurelius, 121-180 sCN, Hoàng Đế La Mã) và từ các nhà tư tưởng trong thời kỳ Ánh Sáng như Denis Diderot (1713-1784), Voltaire (1694- 1776), Baruch Spinoza (1632-1677), và Thomas Paine (1737-1809); và từ những nhà tư tưởng tự do và vô thần ví dụ như Bertrand Russell (1872- 1970).

[80] Saeculum: Thời bây giờ. Nhắc lại câu nói đầy ý nghĩa của nhà hùng biện Kitô giáo Lacordaire,OP.: “Lacordaire (1802-1861) OP., người Pháp: “Thiên Chúa ban cho tôi ơn nghe được thời đại này và yêu mến nó.”

[81] Friedrich Gogarten.

[82] Ngay Lynn White Jr, một sử gia văn hóa, cáo buộc rằng truyền thống Kitô giáo và Do Thái giáo là các tôn giáo "qui nhân" nhất, đã tạo điều kiện cho nền khoa học kỹ thuật Tây Phương bóc lột không thương tiếc Trái Đất (Cf. S. B. Scharper, 1997. tr. 15). Cf. H. Cox. tr. 19-32. Có ba trục chính trong niềm tin Kinh Thánh tạo nên sự tục hóa: (1) Sự khử thần thoại của thế giới tự nhiên với biến cố Tạo Dựng (the disenchantment) (2) Sự khử thiêng chính trị với biến cố Xuất Hành (the desacralization); (3) Sự khử thánh các giá trị với Giao Ước Sinai và việc loại trừ các bụt thần (the deconsecration).

[83] GS, số 36.

[84] Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng cũng khẳng định điều này: “Công Đồng nhìn nhận tính độc lập hợp pháp của thực tại trần thế: “Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo Hóa” (GS, số 36 b), tuy vẫn không quên nhắc nhở rằng “quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (Ibid., số 36c). Hơn nữa, chính việc làm đẹp bộ mặt trần gian thuộc về trách nhiệm của niềm Tin.

[85] Christifideles Laici, số 4.

[86] Cf. Addendum “Trào Lưu Tục Hóa.” (Agostino Nguyễn Văn Dụ) ở các trang tiếp theo.

[87] “Thực thế, khuynh hướng duy-thế-tục hiện nay là một hiện tượng rất trầm trọng: nó không chỉ tác động tới các cá nhân, nhưng một cách nào đó, tác động tới nhiều toàn thể cộng đồng, như Công Đồng đã ghi nhận: “Số người lìa xa Thiên Chúa trong cách sống thực tế càng ngày càng đông.”(GS, số 7). Chính tôi cũng thường nhắc lại: hiện tượng tục hóa đã tác động nơi các dân tộc vốn là tín hữu từ thời xa xưa, và hiện tượng này đòi hỏi ngay một công cuộc tái phúc âm hóa.” Christifideles Laici, số 4.

[88] Agostino Nguyễn Văn Dụ. “Trào Lưu Tục Hóa.” tgpsaigon.net. Web. 27/1/2017. <http://tgpsaigon.net/hoi-dap/20090920/2312>.

[89] Tiếng Anh là Secularism.

[90] The Spiritual Worldliness. EG, số 93.

[91] Chính là chủ nghĩa duy thế tục ẩn tàng.

[92] Cf. EG, số 93; Cf. H. De Lubac. Méditation sur l'Église. Paris, 1968. tr. 321.

[93] Ibid.

[94] Một tóm lược sáng sủa của Ngộ Đạo Thuyết (Gnosticism) được trình bày bởi Cha Bùi Đức Sinh trong Lịch Sử Giáo Hội (7th ed.). Phần Nhất: Thượng Cổ Và Trung Cổ. Chương III Giáo Hội Đối Phó Với Các Giáo Phái (t.k. II-VI). I. Những Giáo Phái Thế Kỷ II-IV. 1. Lạc Thuyết Montanus và Ngộ Đạo Thuyết (t.k. II). Askin Printing, California, USA, 2001. Web. 3/2/2017. <http://gxdaminh.net/z/tusach/lichsugiaohoi/lsgh1-03.htm#1>.

Nhờ tri thức, con người ý thức về bản tính đích thực của mình là một hữu thể tinh thần. Ngộ đạo là việc tinh thần trở về với chính mình. Là tự biết mình, đúng như câu ngạn ngữ: "Anh hãy tự biết mình." Cf. “Ngộ đạo là gì?” Website simonhoadalat.com. Web. 3/2/2017. <http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaophu/NgoDaoLaGi.htm>. Xem thêm phần Addendum Thuyết Ngộ Đạo.

[95] Hạn từ "gnostiàsm" có gốc từ tiếng Hy Lạp γνωstικός (gnostikos), "biết, học" trong đó γνῶsις (gnosis) là tri thức, kiến thức, suy luận, sự giác ngộ, sự cứu rỗi. "Ngộ đạo" (Gnose) là từ ngữ được dùng để chỉ một hiện tượng tổng quát mà người ta có thể khám phá thấy những biểu hiện qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử, khởi từ thế kỷ I, sau Công Nguyên, cho tới thời hiện đại, và "ngộ đạo thuyết" (gnosticism) chỉ hiện tượng đặc biệt của thế kỷ II.

[96] Trong khi Do Thái giáo và Kitô giáo, và gần như tất cả các hệ thống ngoại giáo đều cho rằng linh hồn chỉ đạt cứu cánh của mình bằng sự vâng phục vào tâm thức và ý chí của Đấng Tối Cao, tức là bằng đức tin và hành động, thì Ngộ Đạo rõ rệt đặc thù đặt sự cứu rỗi của linh hồn chỉ đơn thuần là khi con người nắm bắt lấy một tri thức tựa như trực quan về những huyền nhiệm (mysteries) của vũ trụ và chiếm hữu một công thức ma thuật biểu hiện kiến thức đó. Cf. John Arendzen. “Gnosticism.” The Catholic Encyclopedia vol. 6. New York: Robert Appleton Company, 1909. Web. 5/2/2017. <http://www.newadvent.org/cathen/06592a.htm&gt>.

[97] Initiated: chính là người cho là được mạc khải bí nhiệm. Thuyết ngộ đạo nhấn mạnh đến việc làm sao để đạt, hay cướp lấy cho được thứ "kiến/tri thức bí mật" (secret knowledge). Một phần của thứ "kiến/tri thức bí mật" đó, theo giả định chỉ được đưa ra cho một vài người nào đó "linh thiêng" mà thôi; và rằng chỉ có thứ đó mới là tốt thôi, còn tất cả mọi thứ vật chất khác như: thân thể của con người, vân vân... ., chỉ là thứ giả tạo và tội lỗi mà thôi. Rõ ràng là điều này hoàn toàn đi ngược lại với những giảng dạy truyền thống về đạo Kitô Giáo, vốn dạy rằng: "tất cả mọi tạo vật được Thiên Chúa dựng nên đều là tốt đẹp cả, và rằng cả linh hồn lẫn thể xác của chúng ta, sau này sẽ được cứu rỗi đời đời." Cf. Anthony Lê. “Thuyết Ngộ Đạo: Một Thứ Lạc Giáo Nguy Hiểm Đang Trên Đà Lớn Mạnh.” National Catholic Register 6/4/2003. (Cf. Vietcatholic.net 27/7/2007). Web. 6/2/2017. <http://www.dongcong.net/TinHangNgay/TinGiaoHoi/2007/July07/27b. htm>.

[98] Còn nơi những kẻ khác mà tinh thần còn đang ngủ yên, nhưng lời chỉ dạy của người đã được khai tâm có thể đánh thức họ. Nếu họ không nghe, họ là những "người vật chất" chỉ được cấu tạo bằng những yếu tố huyết nhục, tất sẽ bị hủy diệt vô phương cứu chữa. Như thế, các Kitô hữu theo Ngộ Đạo tự xem mình như Giáo Hội của những người hoàn hảo, nòng cốt của những người được tuyển chọn, khai mào cho tất cả các trào lưu "Cathares" (tinh tuyền, thanh sạch) trong lịch sử Kitô giáo. Cf. “Ngộ Đạo Là Gì.” Website simonhoadalat.com. 6/2/2017. <http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaophu/NgoDaoLaGi.htm>.

[99] Theo thuyết ngộ đạo, đối tượng của tri thức (gnose) là tìm ra chân lý và đi đến Thiên Chúa, nguồn chân lý. Phương pháp ngộ đạo thì đem áp dụng vào việc học hỏi các mầu nhiệm trong đạo nhưng không vượt khỏi đức tin, (là một phương pháp chính thống mà thánh Phaolô và ông Clemens đã chủ trương khi nói đến ơn Chúa ban), để hiểu ý nghĩa lời Thánh Kinh và nhờ đó đạt tới trọn lành. Nhưng người ta có thể vì quá tin vào tri thức của bản thân, muốn biến tôn giáo thành một hệ thống triết học hay tri thức và lấy khoa học thay cho tín lý, đó là Ngộ Đạo Thuyết. Thuyết này đương nhiên từ chối địa vị Chúa Kitô trong việc mạc khải, từ chối luôn Giáo Hội trong việc giải thích Lời Chúa. Cf. Bùi Đức Sinh. “Lạc Thuyết Montanus và Ngộ Đạo Thuyết (t.k. II). Lịch Sử Giáo Hội. Web. 3/2/2017. <http://gxdaminh.net/z/tusach/lichsugiaohoi/lsgh1-03.htm#1a>.

[100] EG, số 94. Cf. Bài rất hay của Cha A. Aguilar “Thuyết Ngộ Đạo: Một Thứ Lạc Giáo Nguy Hiểm Đang Trên Đà Lớn Mạnh.” Theo cha “Có lẽ, thuyết ngộ đạo (gnosticism), sẽ là thứ kẻ thù nguy hiểm nhất cho đức tin Công Giáo của chúng ta, trong thiên niên kỷ thứ ba sắp tới này." Đọc hết bài ở <http://www.dongcong.net/TinHangNgay/TinGiaoHoi/2007/July07/27b. htm>.

[101] Ví dụ trong Tân Ước, Người Kinh Sư và Pharisêu biết và giữ Lề Luật và tự cho mình có quyền trên người khác, khinh dễ những “quân vô lại” vì không biết giữ luật Sabbath hay các Luật Lệ Tổ Tiên.

[102] Cf. EG, số 94.

[103] Leonardo Boff. God's Witnesses in The Heart of the World.

Chicago...Manila: Claret Center, 1986 (1981). tr. 183. Cf. B. Dịch. Nguyễn Đức Thông. Các Chứng Nhân Thiên Chúa Giữa Lòng Đời. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2014. tr. 289.

[104] Cầu nguyện đích thật như một sự gặp gỡ đích thật, sống động hiện sinh, một sự thờ lạy Ngài giữa lòng đời, luôn hiện diện trước mặt Ngài.

[105] L. Boff. Op.Cit. tr. 183. (B. Dịch. tr. 289).

[106] H. Cox. tr. 47.

[107] Theology of Social Change. Cf. H. Cox. Chapter 5, tr. 91-107.

[108] 30/12/1987. Cf. RS phần V: “Một Cách Đọc Các Vấn Đề Hiện Đại Theo Quan Điểm Thần Học.”

[109] Cf. A. Fermet & R. Marlé, 1973. tr. 152.

[110] thành phố kỹ thuật.

[111] Cf. H. Cox. tr. 111-112.

[112] Ví dụ các sức mạnh tha hóa ta gặp trong Tân Ước. Tử vi khống chế con người; con người sinh ra với một ngôi sao. Định mạng con người đã được vẽ trước.

[113] mà cha đẻ chính là Freud.

[114] những con số “mù quáng” làm thắc mắc.

[115] Một hạn từ quen thuộc trong mọi nền văn minh. Cf. H. Cox. tr. 111.

[116] Ibid. tr. 19-32. Gaudium et Spes, số 7 nhận định rằng ngày nay con người do khả năng phán đoán sâu sắc hơn đã thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan niệm ma thuật về thế giới và những mê tín dị đoan...

[117] a disenchantment of nature.

[118] a desacralization of politics.

[119] a deconsecration of values.

[120] Hans -Reudi Weber trong tuyệt tác The Militant Ministry, 1963. tr. 103. note 14 chỉ ra rằng động từ Hy Lạp καθαργεω (kathargeò) được dùng để mô tả cái gì xảy ra cho “quyền năng,” không bao giờ có nghĩa là tiêu hủy hoàn toàn. Nhưng thật ra chỉ nhận định là chúng bị soán ngôi và bị chế ngự. Thật vậy chúng bị Đức Giêsu tước đoạt sức mạnh và thu phục vì là kẻ thù nghịch nhưng rồi được điều động để phục vụ Thiên Chúa. Cf. H. Cox. tr. 128.

[121] Hesed (ד ס ח).

[122] chế ngự và sử dụng. Không có con đường trung tính. Con người là chủ hoặc quản lý khôn ngoan và có trách nhiệm, môi trường sống của mình hoặc là chúng trở nên là chủ nhân ông của con người.

[123] H. Cox. tr. 94.

[124] Cf. H. Cox. tr. 93, 94.

[125] Thực tế, “tiến trình tục hóa làm rơi rụng những những ý nghĩa siêu hình và tôn giáo sẵn có và để cho con người tự do sáng tạo ý nghĩa mới.” (H. Cox. tr. 94).

[126] New York: Macmillan.

[127] New York: Crossroad.

[128] H. Cox. tr. 94-95.

[129] Ví dụ tại Bắc Mỹ, thời Tin Mừng đi vào xã hội (The Social Gospel), nền thần học Bắc Mỹ quảng bá tư tưởng “đi xây dựng Nước Trời” và một đôi khi lầm lẫn hành động này với sự hiện thực của con người trong công việc trần thế. Cf. H. Cox. tr. 96.

[130] Nhà thần học Bonhoeffer trong những ngày ở trong ngục Đức Quốc Xã đã ghi nhận tư tưởng của thế giới đương thời: Một thế giới tự cho mình là “đã trưởng thành,” “tự lấy làm đủ” và không cần Thiên Chúa giám hộ nữa. Thế giới này nỗ lực “giải quyết đến cùng tất cả mọi vấn đề quan trọng mà không nhờ giả thiết Thiên Chúa” (Thơ 8/6/1944).

[131] Cf. Phần Footnotes 2 của GS, số 34 (Giáo Hoàng Học Viện Piô X, 1980, tr. 772).

[132] giá trị đối với bất cứ ai quan tâm đến lịch sử tri thức của thế kỷ XX trong ý nghĩa mạnh nhất qua sự phân tích các vấn đề tôn giáo và văn chương quan trọng. (Nhận xét của Christopher J. Wheatley, giáo sư Anh Văn của Đại Học Catholic University of America (CUA).

[133] Eschatology and Ethics in the Teachings of Jesus. 2nd ed. (Amos Wilder

[134] Library). Eugene, Oregon: Wipf Stock Publishers, 2014 (1950) [Peter S.

[135] Hawkins (Foreword)]; Cf. Norman Perrin. The Kingdom of God in the Teachings of Jesus. Philadelphia: Wesminster Press, 1963. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về tư tưởng cánh chung và hướng đạo đức của Chúa Giêsu đã gây ra sự chú ý bất thường giữa các sinh viên Kinh Thánh. Khi nói về sự xuất hiện của vương quốc, Đức Giêsu có ý nói rằng sẽ có một sự can thiệp thần linh hay một thảm họa? Nếu là như thế, những lời dạy đạo đức của Ngài thì dành cho tình huống khẩn cấp, hay chỉ là một hướng đạo đức tạm thời? Tác phẩm này cung cấp một sự giới thiệu tuyệt diệu tổng quát về cánh chung. Tiến sĩ Wilder cố gắng biện minh cho việc giải thích cái hiển nhiên tại sao, Đức Giêsu muốn duy trì ý nghĩa trọn vẹn về ý tưởng rằng, cánh chung của Ngài, hoàn toàn không phải là một trách nhiệm pháp lý nhưng nhằm nói đến định mạng con người, và rằng không có mâu thuẫn giữa nó và các nguyên tắc giảng dạy đạo đức của Ngài, vốn luôn mang tính hợp pháp của của chúng.

[136] Ibid.

[137] Điều đó là một sich realisierende Eschatologie.

[138] H. Cox. tr. 98-99.

[139] catalepsy: theo tự điển Webster, đó là một bệnh tâm thần làm con người giữ tính nguyên thể (hay chứng nguyên thể) được biểu hiện trong sự cứng ngắt và không khả năng di chuyển.

[140] Catharsis.

[141] nghĩa đen ở đây tựa như một thảm họa (catastrophe), một kết thúc xã hội. Ở đây nói đến một thái độ hiểu biết đủ để thấy như một sự cần thiết có sự hiện diện của một tình trạng bất thường để gây một cú shock thúc đẩy một hành động nào đó giúp thoát khỏi tình trạng thụ động. Tựa như một liệu pháp shock khi chữa bệnh tim mạch.

[142] catalytic gap: đó là sự ngăn trở nào đó làm tê liệt, không thể hành động hay không muốn hành động.

[143] công nghệ liên quan đến những vật thể li ti có thể, ví dụ chứa trên một sợi tóc. Nanomet = 10-9m.

[144] H. Cox. tr. 99.

[145] H. Cox. tr.100.

[146] Tiếng Anh “polite” lễ phép, có văn hóa, để chỉ người ở thành thị. Tiếng Hy Lạp πολις (hè polis) có nghĩa là thành phố.

[147] Cuối thập niên 1960, sinh viên trên thế giới xuống đường chống lại thế giới tiêu thụ và đòi quyền tự trị. Một tôn giáo cổ truyền và có cơ chế thường bị chỉ trích là bảo thủ như Công giáo cũng bừng dậy với Công Đồng Vatican II trong một định hướng cách mạng được tuyên ngôn trong hiến chế Gaudium et Spes: Thế giới và Giáo Hội độc lập với nhau. Thế giới có con đường đi độc lập mà Thiên Chúa muốn. Nhiều dòng tu kín chiêm niệm bỏ lối tu cổ truyền khắc khổ và khép kín để mở ra với thế giới với các cộng đồng Thánh Linh, chấp nhận những lối chiêm niệm kiểu Yoga và Thiền Cf. O'Murchú. Our World in Transition, 2003. tr. 7-8.

[148] Ngày nay một số nhà xã hội lại nói đến một thứ Thế Giới Thứ Tư, thế giới của những di dân mang một thứ nghèo khổ khác.

[149] Global village” là một hạn từ gắn liền với nhà xã hội người Canada, Marshall McLuhan, được phổ thông hóa trong các tác phẩm của ông: The Gutenberg Galaxy: The Making of Typographic Man (1962) và Understanding Media (1964). Tác phẩm thứ nhất phân tích những ảnh hưởng của mass media, đặc biệt những ấn phẩm, lên nền văn hóa Tây phương và ý thức con người. “Ngôi Làng Toàn Cầu” quy chiếu đến ý tưởng rằng truyền thông quần chúng có thể tạo nên một não trạng trên thế giới tựa như não trạng những người dân cùng có trong một ngôi làng; và Gutenberg Galaxy (Thiên Hà Gutenberger) có thể chỉ đến ngày nay toàn bộ những công trình tri thức và nghệ thuật được khi khắc lại, đặc biệt qua các sách vở, các dĩa CD, USP... Tác phẩm thứ hai, Understanding Media: The Extensions of Man là mt nghiên cứu về lý thuyết media của ông, trong đó tác giả đề nghị hiểu “media” ngay chính nó chứ không phải nội dung mà nó chuyển tải, cho dù phải tập trung vào đó. Minh kiến của McLuhan đó là một phương tiện (medium) cũng tác động lên xã hội trong đó nó có vai trò không phải bởi nội dung mà medium truyền thông, nhưng bởi ngay chính những đặc thù của chính medium. Ông minh họa bằng hình ảnh cái “bóng đèn” rằng bóng đèn tự thân tạo ra một môi trường từ ngay chính hiện diện của nó, nó không cần truyền một nội dung gì. Câu nói thời danh của McLuhan: "The medium is the message.”

[150] O'Murchú. Our World in Transition, 2003. tr. 8-9.

[151] International Labour Organization (Tổ Chức Lao Động Thế Giới). Vào tháng 2/ 2004, ủy ban của ILO đã tổng kết một báo cáo có tên là “A Fair Globalization: Creating Opportunities for All,” (Một TCH Chân Thật: Tạo Cơ Hội Cho Mọi Người). Báo cáo được đọc trong tuần lễ Presidential Fellows Lecture Series, năm 2004 của các vị Chủ Tịch của các phòng ban của WB (Ngân Hàng Thế Giới).

[152] Cũng trong tuần lễ Presidential Fellows Lecture Series, năm 2004. Bài báo cáo là “Human Rights and Economic Development.”

[153] Shirin Ebadi đã nhận lãnh giải Nobel về Hòa Bình năm 2003.

[154] Ngân Hàng Thế Gii.

[155] người nghèo với 1/6 nhân loại sống trong nghèo đói. Theo bà, một sự nghèo như thế sẽ có tầm ảnh hưởng ngay cả trên nền kinh tế của các xứ giàu hơn. Vì thế, đó là trong quyền lợi của các quốc gia giàu có mà họ cần cải thiện nền kinh tế các nước nghèo hơn bằng cách giúp họ giải quyết tình trạng nợ nần và có cơ may sử dụng được nền khoa học tiên tiến.

[156] Ebadi nhắc lại chương trình Mục Tiêu Phát Triển của Thiên Niên Kỷ (Millennium Development Goals (MDGs) của LHQ, vào thập niên 1940), nhằm đến xóa sạch nghèo đói, đảm bảo một sự giáo dục sơ khởi cho trẻ em, cải thiện thân phận phụ nữ và bảo vệ môi trường. Bà đã nhấn mạnh đến hố ngăn cách sâu thẳm giữa người giàu và người nghèo qua sự kiện được nêu lên giữa tuổi thọ trung bình của Nhật Bản là 82 tuổi và của Sierra Leone là 35 tuổi.

Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ, còn gọi là Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ là 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên LHQ nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015. Những mục tiêu này được ghi trong bản Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ của LHQ tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thiên Niên Kỷ diễn ra từ ngày 6-8/9 năm 2000 tại trụ sở Đại Hội Đồng LHQ ở New York, Mỹ. Trước đó, năm 1996, Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế (OCED) đã đi tiên phong trong việc đưa ra các Mục tiêu Phát Triển Quốc Tế trong bản Báo Cáo Định Hướng Thế Kỷ XXI là tiền thân của Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ: (1) Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn (2) Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; (3) Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; (4)Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; (5) Cải thiện sức khỏe sinh sản; (6) Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; (7) Đảm bảo sự bền vững của môi trường; (8) Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển. Ví dụ Cf. BKTĐ Wikipedia. Web.27/7/2017. <https://vi.wikipedia.org/wiki/Mục_tiêu_Phát_triển_Thiên_niên_kỷ>.

[157] Mượn cách nói minimum và maximum của Đức Benedict XVI khi nói đến lưỡng cực giá trị của niềm tin Kitô giáo. Cf. J. Ratzinger. Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay. 1968, tr. 139-153. [Bản dịch của Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. tr. 149, 152, 153.

[158] Theo bà, cho một thể chế như thế vay mượn đó là chế giễu nhân quyền của những con người không thuộc về cơ cấu của thể chế độc tài. Trong các xã hội như thế con người sinh ra trong nợ nần. Ebadi thấy gương sống động trước mắt của vị Tổng Thống nước Iraq là Saddam Hussein bị liên quân Đồng Minh hạ bệ như thế nào.

[159] Ebadi thấy gương sống động trước mắt của vị Tổng Thống nước Iraq là Saddam Hussein bị liên quân Đồng Minh hạ bệ như thế nào.

[160] Thật vậy, trên thế giới, những nước bé nhỏ hay nghèo khổ càng ý thức

[161] được sức mạnh của sự đoàn kết của họ. Vào thập niên 1960, cơn sốt chính trị đã dâng cao ở Phi Châu với phong trào giải phóng khỏi thực dân của gần hai mươi nước.

[162] “Chuyển vị mô hình là chùm những quan niệm, giá trị, kỹ thuật và tương tự, được chia sẻ bởi các thành viên hay một cộng đồng nào đó.” Cf. Thomas Kuhn. The Structure of Scientific Revolution, 1962. tr. 175.

[163] F. Capra, D. Steindt-Rast và T. Matus. Belonging to the Universe: Explorations on the Frontiers of Science and Spirituality, 1991. tr. 34-35.

[164] O'Murchú. Our World In Transition, 2003. tr. 5; Theo H. Cox. tr. 100, chúng ta đã hối hả vội vàng đi từ sự sản xuất dây chuyền để đến dàn máy tính điều khiển và cho ra một lượt các mẫu mã càng lúc càng phức tạp, từ xã hội kỹ nghệ đến xã hội tự động, từ miệt mài làm việc và xem đó như là giá trị tuyệt đối để chấp nhận những giá trị của ngơi nghỉ, của thời gian weekend cũng như nghỉ hè dài hơn. Ngay hình thức chính trị và biểu tượng tôn giáo vẫn còn ít nhiều phản ảnh của xã hội quá khứ tiền kỹ nghệ.

[165] H. Cox. tr. 100.

[166] Transposed.

[167] Ví dụ Cf. H. Cox. tr. 100. “God is always one step ahead of man.” Con người luôn được mời gọi đi đến một nơi khác, từ vị trí họ đang ở. Ta thấy đầy những gương con người được mời gọi “Chỗi Dậy” lên đường, như Abraham, các ngôn sứ, Đức Maria,..các môn đệ.

[168] H. Cox. tr. 101.

[169] the social catalepsis. Cf. H. Cox. tr. 101.

[170] H. Cox. tr. 102.

[171] Cf. VL Nguyễn Hữu Quang. Giáo Trình Linh Đạo Huấn Luyện hay Linh Đạo Tương Tác. (Formative Spirituality), 2015. Mầu Nhiệm Trung Tâm hay Mầu Nhiệm Huấn Luyện (The Formation Mystery) chính là nơi xuất phát hay kích thích mọi sự tương tác đem lại sự đổi mới (= hoán cải). Thức tại cùng đích của sự sống. Trong Kitô giáo, Mầu Nhiệm Trung Tâm này là Thiên Chúa Ba Ngôi.Cf. VL Nguyễn Hữu Quang. Linh Đạo Kitô Giáo trong Linh Đạo Huấn Luyện (Một Tiến Trình Tương Tác). Sài Gòn: Signum Fidei Tu Thư, 2016-2017. Chương I, II, III.

[172] Intraformation. Tương tác với bản thân và bản thân với Mầu Nhiệm Trung Tâm.

[173] Interformation. Tương tác giữa bản thân với cộng đồng và của cộng đồng với Mầu Nhiệm Trung Tâm.

[174] Situationalformation. Tương tác giữa bản thân với tình trạng xã-kinh- chính trị và với Mầu Nhiệm Trung Tâm.

[175] Worldformation. Tương tác giữa bản thân với toàn thế giới loài người cách chung, với thế giới thiên nhiên, và với vũ trụ, và với Mầu Nhiệm Trung Tâm.

[176] Cf. Dụ Ngôn Hang Động của Platon; Phaolô cũng đã quở trách người Kitô hữu thành Galat đã sa vào lối sống như thế.

[177] Catharsis.

[178] Đây chỉ là một giấc mơ kiểu Utopia của K. Marx, đã gây nhiều hỗn loạn trong thực tế do sự lạm quyền của các xã hội áp dụng nó như ta nói đến ở trên.

[179] Cf. H. Cox tr. 104.

[180] Vital dimension: di truyền, giáo dục, truyền thống. Cf. VL NH Quang. Giáo Trình Linh Đạo Huấn Luyện hay Linh Đạo Tương Tác, 2014-15. Cf. VL Nguyễn Hữu Quang. Linh Đạo Kitô Giáo trong Linh Đạo Huấn Luyện (Một Tiến Trình Tương Tác), 2016-17.

[181] Functional dimension: công việc, chức vụ, trách nhiệm. Cf. VL NH Quang. Giáo Trình Linh Đạo Huấn Luyện hay Linh Đạo Tương Tác. 2015.

[182] Cf. H. Cox. tr. 104.

[183] Ibid. Theo Cox, con người không dễ gì thấy và có phản ứng với trách nhiệm trước những vấn đề xã hội và chính trị khi chỉ đơn thuần nghe các bài giảng hay đọc các xã luận. Cần có một cái gì đó thay đổi trước. Những điều họ nghe nói xảy ra từ lòng sôi sục của một tình trạng xã hội mới, một bối cảnh khách quan mới cung cấp nền tảng cho một nhận thức thay đổi về thực tại.

[184] H. Cox phát biểu rất mạnh: “The past is celebrated and appreciated, but it can never be allowed to determine the present or the future.” tr. 105.

[185] Cf. Phaolô trong Galat.

[186] Dụ ngôn trong Tân Ước.

[187] On Becoming A Person” (1961) của Carl Rogers (1902-1987) và “On Becoming Human” của Jean Vanier (1998). Carl Rogers là một trong những nhà tâm lý trị liệu hướng động lực nhân bản quan trọng nhất của tk XX. Jean Vanier (1928-) là người sáng lập những cộng đồng “the International Federation of L'Arche cho người giảm thiểu trí năng.

Trong tác phẩm “Tiến Trình Thành Nhân”này, nguyên thủy được phát sóng trên đài CBC Radio (Canada), Jean Vanier chia sẻ tầm nhìn nhân bản cực kỳ sâu sắc của mình, để hy vọng tạo ra một cảm thức vì lợi ích chung mà có thể làm thay đổi triệt để các cộng đồng, mối quan hệ của của chúng ta và ngay chính bản thân mình. Xã hội chúng ta ngày nay có khuynh hướng loại trừ sự yếu đuối và tôn vinh sức mạnh, đào thải kẻ thất bại và tôn vinh sự thành công, nhưng theo Vanier, bằng cách biết đón lấy sự yếu đuối, chúng ta học được cách sống mới và khám phá ra lòng thương cảm, tin tưởng và hiểu biết hơn. Tinh thần hòa nhập có những hệ luận đặc biệt đối với cung cách chúng ta sống đời của chúng ta và xây dựng cộng đồng của mình. Cf. “On becoming human.” Comment. Web. 25/1/2017. <https://books.google.com.vn/books/about/Becoming_Human.html?id= _1c0p1lUi_QC&redir_esc=y>.

[188] “We are always becoming Christians” (Cf. H. Cox. tr. 106).

[189] Cf. H. Cox. tr. 106.

LỊCH PHỤNG VỤ