THẬP GIÁ VÀ BA NGÔI
THEO HANS URS VON BALTHASAR[1]

Karen Kilby

WHĐ (29.3.2023) - Kể từ và đặc biệt sau Công Đồng Vaticanô II, thần học Kitô giáo đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và phong phú trong việc trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như là trung tâm điểm của thần học và đời sống Kitô hữu. Theo đó, thần học Ba Ngôi được trình bày như là một lịch sử tình yêu, sống động và gần gũi với cuộc sống hơn là những ý tưởng khô khan, siêu hình và duy yếu tính. Sự chuyển biến này là nhờ sự phát triển của khoa Kinh Thánh, sự trở về nguồn với các Giáo Phụ và nhờ các cuộc đối thoại liên tôn và đại kết… Đặc biệt, là nhờ sự đóng góp đa dạng và độc đáo của nhiều nhà thần học nổi tiếng của thế kỷ XX. Trong số đó, ta phải kể đến tên tuổi của linh mục Hans Urs von Balthasar, một nhà thần học vĩ đại thuộc Dòng Tên và được rất nhiều người hâm mộ. Với lối tiếp cận lịch sử và hiện sinh, ngài khởi đi từ thập giá của Chúa Giêsu như là tấn kịch Thiên Chúa (Theo-Drama) để trình bày lịch sử mầu nhiệm Ba Ngôi. Nơi thập giá, Thiên Chúa đã trở nên nghèo cùng với tạo vật của Người, chia sẻ đau khổ với con người. Con Thiên Chúa đã trải qua cái chết như là sự bất lực hoàn toàn và việc Người đi xuống ngục tổ tông là đi vào sự trống vắng, xa cách và cô đơn tột cùng của tạo vật.

Từ thập giá, Balthasar mô tả cho ta về một vị Thiên Chúa như là Đấng yêu thương con người với một tình yêu vô hạn, cho đi đến độ mà không có một thụ tạo nào mà không được Người nhìn đến; Đấng từ bỏ mọi uy quyền của mình để có thể mang lấy thập giá của mọi người và cả của tôi nữa. Qua đó, Người chứng tỏ cho thế giới biết Thiên Chúa yêu họ dường nào!

Tuy nhiên, lối tiếp cận và cách trình bày của Balthasar là rất khác biệt so với ngôn ngữ và cách trình bày của thần học truyền thống. Thế nên, nếu không quen hoặc chưa được chuẩn bị, ta dễ bị sốc hay không thể chấp nhận sự mới mẻ này. Để có thể giúp quý vị tìm hiểu về tư tưởng và sự đóng góp của Balthasar, nhân dịp chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Karen Kilby, một nữ giáo sư thần học Công Giáo ở Mỹ, về “Thập giá và Ba Ngôi theo Hans Urs von Balathasar,” được in trong cuốn: “The Cambridge Companion to The Trinity”, được biên tập bởi Peter C. Phan, Nhà xuất bản Cambridge University, năm 2011, các trang 208-222.

* * * 

Một trong những điểm nổi bật trong công trình nghiên cứu Hans Urs von Balthasar là sự toàn vẹn của những suy tư về Ba Ngôi, đặc biệt về đời sống vĩnh cửu và nội tại của Ba Ngôi, xét như một toàn thể.[2]

Một nghiên cứu chất lượng gần đây của thần học đã quan tâm đến câu hỏi về điều cần làm đối với Ba Ngôi: làm sao có thể làm sáng tỏ sự trổi vượt một giáo huấn vốn phải là trung tâm điểm. Nhưng với những khái niệm “bản thể” và hypostasis, “các nhiệm xuất” và “tương quan,” giáo huấn này hình như không là gì khác ngoài một loạt những hạn từ chuyên môn và những rối rắm đối với lý trí. Trong bối cảnh của thần học Balthasar, những vấn nạn như thế đơn giản không cần phải đặt ra. Nói cách khác, người ta tìm thấy trong công trình của ông vừa có sự mô tả sống động về đời sống nội tại của Ba Ngôi, vừa là một công trình thực sự toàn vẹn cho việc trình bày về lịch sử cứu độ. Rốt cuộc liệu ông có quyền để thực hiện một bức tranh sống động như thế về đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa hay không? Đó là một vấn nạn mà chúng ta sẽ đặt ra sau đây. Đồng thời, không biết sự toàn vẹn mà ông hoàn thành thực sự đòi hỏi một tầm nhìn quá kiên định – một tầm nhìn quá tích cực về đau khổ và tội lỗi.[3] Nhưng chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc tìm hiểu một số cách thức mà trong đó Balthasar liên kết Ba Ngôi ngoại tại và nội tại.

SỨ MẠNG CỦA KITÔ HỌC VÀ BA NGÔI

Trong phần “Đề cương Kitô học” ở tập thứ ba của Theodramatik (Theo-Drama – Tấn kịch Thiên Chúa), Balthasar làm sáng tỏ điều này khi minh định nét đặc trưng sự hiện hữu của Đức Giêsu với ý thức về sứ mạng như là trung tâm điểm. Đặc biệt ông đã kết hợp và nhấn mạnh sự đồng hoá tuyệt đối với sứ mạng này. Điều này mang lại một sự toàn vẹn đáng chú ý để đọc lại đời sống Chúa Giêsu với những công thức kinh điển về sự nhiệm sinh đời đời của Chúa Con từ Chúa Cha.

Sứ mạng của Đức Giêsu là trung tâm điểm đối với Người. Đây là điểm mà Balthasar dùng để trình bày đặc biệt rõ ràng dựa theo Tin Mừng Gioan, đồng thời cũng được xác thực nhờ các Tin Mừng Nhất Lãm và toàn bộ cuốn Tân Ước. Cả hai hạn từ “Đấng Sai đi” và từ “Đấng Đang đến” hoặc “Đấng Đã đến” minh chứng điều này. Balthasar cho rằng: không có nó, chúng ta sẽ không thể hiểu những lời khải huyền của Chúa Giêsu. Đồng thời, sứ mạng này được liên kết với câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” Quả thật, Balthasar không ngừng tuyên bố rằng Chúa Giêsu có cảm thức rất mạnh về sứ mạng, hay nói cách khác, cảm thức về sứ mạng đặc biệt này là trung tâm điểm đối với Người. Vì thế, ông đồng hoá Đức Giêsu với sứ mạng của Người. Đức Giêsu không chỉ có một sứ mạng - Người sứ mạng.

Điều này có nghĩa là gì? Một vài tia sáng có thể được loé lên từ khi nghiên cứu những suy tư sâu sắc của Balthasar trong quan niệm về “ngôi vị.” Ông cho rằng, có một sự khác biệt giữa vấn nạn về “chúng ta là gì” và vấn nạn “chúng ta là ai.” Với tư cách là người, tất cả chúng ta đều chia sẻ giống nhau cái “là gì,” nhưng làm sao một người có thể nhận biết mình là ai? Vấn đề “là ai - who” này, nghĩa là một ai đó phân biệt; Balthasar đồng hoá với một ngôi vị. Ông phủ nhận khả năng có thể làm sáng tỏ “là ai” bằng việc sưu tập một danh sách những đặc trưng riêng biệt – điều này có lẽ không làm cho chúng ta đi xa hơn “việc góp nhặt những chi tiết ngẫu nhiên” – đồng thời ông cũng phủ nhận khả năng chúng ta có thể tìm hiểu nó nhờ sự đánh giá của người khác về chúng ta: những nhận xét của người khác chỉ có thể được rút ra và trong bất cứ trường hợp nào chúng ta có thể tìm hiểu mình là ai, khi mà người đó yêu thương chúng ta. Cuối cùng, sự bảo đảm “ta là ai” chỉ có thể đến từ Thiên Chúa: “Đó là khi Thiên Chúa ngỏ với một chủ thể có ý thức, Người nói cho anh biết anh là ai và là gì theo chân lý của Thiên Chúa hằng hữu và chỉ cho anh biết mục đích của hiện hữu – nghĩa là Người thông truyền và uỷ thác một sứ vụ đặc biệt và thần linh; chúng ta có thể nói về một chủ thể có ý thức rằng anh là một “ngôi vị.”[4] “Là ai” (nghĩa là có một căn tính phân biệt), là một ngôi vị, và được ban cho một mục đích, một sứ mạng. Như thế, theo phương diện này, mọi người đều giống nhau nhờ Thiên Chúa.

Nói chung, mối liên hệ này giữa ngôi vị và sứ mạng là có thực, và cũng có thực trong Đức Kitô. Nhưng có một sự khác biệt. Trong mọi trường hợp, người ta trước hết là một chủ thể có ý thức, và rồi ở một giai đoạn nào đó, người ta có thể được mời gọi cho một sứ mạng, và thật khó khăn để trở thành một con người trưởng thành và sống theo tầm nhìn của Thiên Chúa: chúng ta phải trải qua một tiến trình “biến sự vô căn tính bẩm sinh của chúng ta trở nên giống với căn tính hoàn hảo,” và tiến trình làm cho “bản ngã” của chúng ta “càng ngày càng đồng nhất với sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó.”[5] Tuy nhiên, trong trường hợp điển hình của Đức Kitô, ngay từ khởi đầu, đã có một căn tính tuyệt đối. Trong mọi lúc, Người đồng hoá cách viên mãn với ý thức của Người về sứ mạng. Như vậy, trong khi chúng ta có thể có một sứ mạng, và cố gắng để cho căn tính của chúng ta được trở nên đồng nhất với nó, thì Đức Kitô sứ mạng của mình.

Trong những công thức kinh điển về giáo huấn Ba Ngôi, Chúa Cha được mô tả như là “nguồn gốc không có nguồn gốc,” và Chúa Con (cũng như Thánh Thần) “phát xuất từ” và “nhiệm xuất từ” Chúa Cha. Khi trình bày sứ mạng như là trung tâm điểm đối với những trình thuật của Tân Ước về Chúa Giêsu và đối với sự tự ý thức của Người, quả thật, Balthasar trình bày bức chân dung của Đức Giêsu vốn đã được toàn nhập trong trình bày về Ba Ngôi nội tại: Đối với Đức Giêsu, Đấng được sai đi bởi Chúa Cha, trọng tâm của sứ mạng hay công trình nhập thể phản ánh sự phát sinh đời đời của Chúa Con từ Chúa Cha.

Khi thực sự đồng hoá ngôi vị Đức Giêsu với sứ mạng Người, Balthasar cống hiến một sự toàn vẹn còn ấn tượng hơn. Trong một trình bày tương tự, như người ta tìm thấy trong Tôma Aquinô chẳng hạn, những tương quan của các ngôi vị Ba Ngôi không chỉ được mô tả bằng những hạn từ “phát xuất - processions” – Chúa Con được sinh ra bởi Chúa Cha, Chúa Thánh Thần được “thở” ra từ Chúa Cha và Chúa Con – nhưng các ngôi vị đơn thuần là những tương quan này. Thông thường đây là một trong những phương diện khó hiểu của suy tư Ba Ngôi. Nhưng trong Kitô học của mình, Balthasar cống hiến một nghiên cứu rất cụ thể về nó: Chúa Giêsu là ngôi vị đã hoàn toàn chấp nhận, sống và đồng hoá mình với sứ mạng, trong khi những người khác có thể có một sứ mạng, Người luôn sứ mạng của mình. Nếu ta theo đuổi Balthasar cho tới điểm để nói rằng: Đức Giêsu là Đấng “mà trong đó, Ngôi Vị và sứ mạng là một,”[6] khi đó ta có thể không còn khó khăn để nói rằng Chúa Con hằng hữu thực sự phát xuất từ Chúa Cha.

Từ đó, Balthasar phát triển một nền Kitô học sứ mạng, khi cố gắng nối kết điều người ta có thể thấy về những điểm đặc trưng khác thường và khó khăn nhất của thần học Ba Ngôi với việc đọc lại theo bối cảnh cụ thể cuộc đời của Chúa Giêsu. Một cách ngạc nhiên, ông thực hiện điều này bằng cách liên kết với bộ sách Dramatic đồ sộ của ông (vì người của sứ mạng là người có vai trò được trao cách thần linh). Nó cho phép ông toàn nhập Nhân học vào Kitô học của mình (vì ông cho rằng tất cả mọi nghiên cứu khác, cả về sứ mạng cả về hiện hữu như là những ngôi vị nhờ sự kết thúc trong Đức Kitô).

BA NGÔI VÀ THẬP GIÁ

Trong phần trước, chúng ta đã ở trên cấp độ chính thức để nói về sứ mạng của Chúa Kitô. Quả thật, như Balthasar hiểu, điều có chỗ đứng nơi trung tâm điểm của sứ mạng này là cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu. Ở đây chúng ta cũng tìm thấy một sự hiểu biết đặc biệt về đời sống Ba Ngôi nội tại được toàn nhập vào trung tâm điểm của thần học Balthasar. Ông viết, học thuyết Ba Ngôi là “sân khấu của toàn bộ hành động.” Nó cung cấp “những giả định luôn hiện hữu, nội tại của học thuyết thập giá.”[7] Sự hiểu biết này của Balthasar liên kết mật thiết với biến cố tử nạn và xuống ngục tổ tông của Đức Kitô. Vì thế, nó trở thành một quan niệm đặc biệt về tương quan vĩnh cửu giữa các ngôi vị Ba Ngôi, những tương quan mà ông mô tả không chỉ bằng ngôn ngữ gần gũi của tình yêu và quà tặng, nhưng còn bằng ngôn ngữ của khoảng cách (đó là khoảng cách vô biên), xa lạ, nguy cơ, và trút bỏ hay tự hạ.

Nói về việc Chúa Cha hiến ban mọi sự, Người thực sự hiến ban chính mình cho Con, là một chủ đề rất phổ biến trong suy tư truyền thống về Ba Ngôi; điều xa lạ và ít thấy là cách thức Balthasar giải thích sự hiến ban này như là sự từ bỏ và cho không, một sự trút bỏ chính mình: “Chúa Cha trút bỏ, mà không đòi hỏi một điều gì, về thần tính của mình và trao ban nó cho Chúa Con;” Chúa Cha “có thể hiến tặng thần tính của mình;” Chúa Cha “trút bỏ thần tính mình.” Đây là một sự tự hiến nguyên thuỷ” trong đó Chúa Cha “phải đi tới mút cùng của lòng vị tha.”[8]

Nếu những khảo luận cổ điển về Ba Ngôi cố gắng nhấn mạnh sự gần gũi, sự bất khả phân ly của các ngôi vị, thì Balthasar nhiều lần viết về sự xa cách giữa các ngôi vị (đôi khi ông cẩn trọng hơn khi nói về “điều gì đó giống như xa cách”), về sự xa lạ và phân ly. Chúa Con là Đấng Khác hoàn toàn với Chúa Cha; có một “khoảng cách tuyệt đối, vô biên giữa họ,” một sự phân ly độc nhất và không thể hiểu nổi của Thiên Chúa nơi chính mình.”[9]

Trong những khảo luận cổ điển, người ta cố gắng quan niệm một cách hấp dẫn sự gần gũi, sự bất khả phân ly của các ngôi vị như được liên kết với sự viên mãn của sự tự hiến của Chúa Cha - bởi vì Chúa Cha ban mọi sự mà mình có cho Chúa Con, nên không thể có sự xa cách giữa họ. Trong tư tưởng của Balthasar, chính sự tự hiến này của Chúa Cha dẫn tới một chiều hướng đối nghịch một cách rõ ràng: Balthasar quả quyết về sự khác biệt vô biên hay sự phân ly của các ngôi vị thường gắn liền với sự quy chiếu tới việc Chúa Cha hiến mình hoàn toàn nhưng không cho Chúa Con.

Như thế, kenosis (trút bỏ hay tự hạ) không chỉ bắt đầu với thập giá hay nhập thể, nhưng ngay từ việc Chúa Cha hạ sinh Chúa Con trong vĩnh cửu. Một cách chính xác, Chúa Cha không giết chết chính mình trong sự trút bỏ này: “Khi trao ban và hiến mình vô vị lợi, Người không đánh mất chính mình. Người không lu mờ chính mình vì sự tự hiến này.”[10] Tuy nhiên, Balthasar sáng suốt bảo vệ điều gì đó như ý nghĩa của nguy cơ, nguy hiểm và dễ bị tổn thương trong cách tự hiến này.

Như thế, sự hiểu biết về những tương quan nội tại của các ngôi vị thần linh cho phép Balthasar vừa phát triển sự hiểu biết Ba Ngôi từ ý nghĩa thập giá, vừa cho rằng thập giá không tạo nên sự bất hoà hay thay đổi trong những tương quan liên vị Ba Ngôi vĩnh cửu. Nghĩa là, ông có thể trình bày thập giá như sự bày tỏ tấn kịch giữa Chúa Cha và Chúa Con, đồng thời khẳng định với truyền thống rằng, bằng cách này hay cách khác Thiên Chúa không bị thay đổi vì một sự dấn thân vào lịch sử.

Balthasar nghĩ rằng thập giá không được hiểu đơn thuần như là việc Thiên Chúa nhập thể trong bản tính nhân loại, chịu đau khổ và chết nhân danh hoặc thay thế cho các tội nhân. Một quả quyết như thế không phải là sai, nhưng nó không đi đủ xa, không tới được mức độ sâu nhất của điều mà nó nhắm tới. Không phải chỉ Thiên Chúa nhập thể là Đấng vác thập giá, nhưng là Chúa Con, và điều được nếm trải không phải chỉ là đau khổ và chết chóc, nhưng còn sâu sắc hơn thế, là sự lãng quên, sự bỏ rơi, sự khước từ của Chúa Cha. Trên thập giá, chúng ta thấy Thiên Chúa bị từ chối và trở nên xa lạ với chính mình. Trên thập giá, mối liên hệ giữa cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và tội lỗi đã được diễn ra giữa Chúa Cha và Chúa Con, và vì thế nó được đón nhận vào trong Thiên Chúa, trong tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng bởi vì xa cách vô biên, “sự phân ly không thể hiểu thấu” mà ngay từ đầu, có thể nói như thế, diễn tả tương quan Cha-Con, đây không phải là đưa điều gì mới mẻ vào trong Ba Ngôi. Sự xa lìa giữa các tội nhân và Thiên Chúa thánh thiện có thể xảy ra trong Ba Ngôi bởi khoảng cách vô biên và điều gì đó như là sự xa lìa đã luôn ở đó rồi. Ta có thể nói, Ba Ngôi “đủ lớn” để chứa đựng và vì vậy vượt qua cả khoảng cách kinh hoàng giữa Thiên Chúa công chính, thánh thiện và những tội nhân mọn hèn.

Đề nghị gây nhiều tranh luận của Balthasar liên quan đến ngày Thứ Bảy Tuần Thánh thực sự ngắn gọn hơn việc trình bày về chính ý tưởng này. Điều gì xảy ra trong thời gian giữa cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, giữa Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh? Kinh Thánh có đề cập đến lời giảng dạy của Đức Kitô về cái chết, và theo truyền thống, điều này đã được phát triển thành một quan niệm về sự tự hạ vinh thắng. Trái lại, Balthasar đề nghị rằng, Đức Kitô hoàn toàn bị động trong ngày Thứ Bảy; Người không còn hành động nữa; Người thực sự đã chết trong sự cô đơn với cái chết, và thực sự, khi đồng hoá mình với chính tội nhân, Người kinh qua trọn vẹn nỗi kinh hoàng về điều đó, nghĩa là ngục âm ty, hoàn toàn bị Chúa Cha khước từ và bỏ rơi.

Cứu độ học của Balthasar rất mạnh mẽ và sống động. Xem ra ông đề cập cách nghiêm túc tính nặng nề của tội lỗi, và chủ đề Kinh Thánh về sự phẫn nộ của Thiên Chúa chống lại tội lỗi, khi trình bày tấn kịch trong đó chủ đề chủ đạo vẫn là chủ đề về tình yêu. Chúng ta tìm thấy ở đây chủ đề truyền thống về sự thay thế của Đức Kitô vì chúng ta, cả điều gì đó giống như Đức Kitô mang lấy hình phạt thay cho chúng ta. Tuy nhiên, bởi vì cách thức Ba Ngôi hoàn toàn thông dự, nên Balthasar trình bày tấn kịch, khó khăn thường có của những đề tài này: theo đó, việc đòi một người hoàn toàn công chính bị giết chết vì tội lỗi của người bất chính là kinh tởm, bất công, oan trái, thì ít ra phải được giảm nhẹ, nếu không được huỷ bỏ hoàn toàn. Ý nghĩa chủ đạo mà ta giữ lại là Thiên Chúa không khăng khăng luận phạt bên này hơn bên kia, nhưng Thiên Chúa đã đảm nhận và mang vào trong chính đời sống mình cuộc chiến giữa tội lỗi và tình yêu.

Dĩ nhiên, mối quan tâm chính của chúng ta ở đây không phải là cứu độ học của ông vì phần rỗi chúng ta, nhưng là nghiên cứu của ông về Ba Ngôi, và đặc biệt là cách thức ông liên kết những suy tư Ba Ngôi với cứu độ học. Để đánh giá nét đặc biệt của sự toàn vẹn này, thật hữu ích khi so sánh nó với điều đã trở thành mẫu tiêu biểu hơn của suy tư Ba Ngôi trong những năm gần đây. Như được đề cập ở phần đầu, nhiều nhà thần học cảm thấy nhu cầu cần phải phục hồi học thuyết Ba Ngôi xứng với tầm mức của nó. Một chiến lược rất phổ biến là từ chối “lối loại suy tâm lý truyền thống Tây Phương” và thay vào đó là một lối loại suy xã hội: Ba Ngôi được trình bày không dựa trên những khả năng đa dạng hay hoạt động của lý trí đơn thuần, nhưng dựa trên một cộng đoàn nhỏ được liên kết với nhau nhờ tình yêu. Như thế, sự trổi vượt của nó được tìm thấy trong cách thế tự nó trở nên một kiểu mẫu cho cộng đoàn, và theo phẩm chất các tương quan trong đó, những tương quan sâu sắc có thể làm thành ba tương quan đích thực. Nếu học thuyết Ba Ngôi mô tả thực tại thần linh trong nội tại như là “những ngôi vị trong tương quan,” thì nó phải có điều gì đó để nói về việc chúng ta nghĩ về gia đình, Giáo Hội, xã hội ở mọi cấp độ, và cả về chính mình nữa.

Dĩ nhiên, học thuyết xã hội thì rất đa dạng, nhưng nhiều người chia sẻ một mẫu chung - tức là mẫu của sự trừu tượng được theo đuổi nhờ sự áp dụng. Ở một vài giai đoạn trong thảo luận, người ta đi từ những phức tạp của các bản văn Kinh Thánh, từ những tranh luận về tạo thành, nhập thể, thập giá, phục sinh, lên trời, hiện xuống, tới việc dừng lại để tập trung vào một tập hợp những khái niệm trừu tượng – khái niệm về các ngôi vị, tương quan, và perichoresis – và rồi, khi biến điều này thành trọng tâm của học thuyết Ba Ngôi, người ta cố gắng tìm cách áp dụng cho những quan niệm, để làm cho những điều trừu tượng này được phù hợp. Chẳng hạn, người ta có thể tìm thấy một Colin Gunton viết một cách nhiệt tình về những áp dụng quan niệm perichoresis trong siêu hình học hay quan niệm về sự liên kết của những môn học khác nhau, hoặc một Jurgen Moltmann miêu tả về những tương quan vĩnh hằng của Ba Ngôi như là cách thức để cung cấp một khuôn mẫu cho chính sách của Giáo Hội và để vượt qua sự bế tắc giữa chủ nghĩa cá nhân ở Tây Phương và chủ nghĩa cộng đồng ở Đông Phương.

Trên một số phương diện, Balthasar là một trong những nhà tư tưởng xã hội như thế. Ông hình dung “các ngôi vị” Ba Ngôi đóng vai trò như điều gì đó không quá xa với “ngôi vị” theo ý nghĩa thông thường của chúng ta về hạn từ này. Như thế, ông hình dung Ba Ngôi rất gần gũi với một gia đình nhỏ, hơn là với những phương diện khác biệt của một tâm hồn đơn độc. Nhưng ở đây, đối với Balthasar, những cách thức riêng không tham gia vào trong việc trừu tượng vốn là đặc trưng của hầu hết học thuyết xã hội về Ba Ngôi. Trong thần học của Balthasar, Ba Ngôi không bao giờ là một học thuyết để tìm một ý nghĩa, và ông không cần đề nghị cho nó thêm một vài “sự nổi bật” trong thần học của ông. Đúng hơn, ông trình bày nó liên hệ mật thiết và cần thiết cho sự hiểu biết về cuộc đời Chúa Giêsu và đặc biệt là thập giá. Như thế, mặc dầu giống với những nhà tư tưởng xã hội, Balthasar quan tâm đến những mối tương quan vĩnh cửu của Ba Ngôi; ông không hướng chúng ta tới việc mơ màng trên một quan niệm chung chung về tương quan mà nó có thể tìm thấy sự áp dụng ở bất kỳ nơi đâu, nhưng là tới một suy tư rất đặc biệt về tương quan của Chúa Cha đến Chúa Con (và tới sự mở rộng nào đó của Thánh Thần đối với cả hai). Trong Balthasar, chúng ta có được một sự trình bày rất sống động và hấp dẫn về đời sống nội tại của Ba Ngôi mà bất cứ nhà tư tưởng xã hội nào có thể ước mong, nhưng nó vẫn giữ được sự liên kết sống động với tấn kịch cứu độ qua từng giai đoạn.

QUÁ SÂU SẮC?

Balthasar trình bày Ba Ngôi nội tại theo một cách thức rất sống động và mạnh mẽ. Theo đó, có một sự tự hạ vĩnh cửu, khác biệt vô biên, khoảng cách, xa lạ vốn không bao giờ liên kết với tình yêu, “một tấn kịch nguyên thuỷ.” Nhưng phải chăng ông không có quyền để trở thành người sâu sắc? Giờ đây chúng ta trở lại với câu hỏi là làm sao Balthasar có thể biết điều xem ra ông biết về Ba Ngôi.

Ông cung cấp một lối trình bày rõ ràng rất rõ ràng về phương pháp suy tư Ba Ngôi, có lẽ ít ai có thể phản đối. Giống như hầu hết các nhà thần học, Balthasar cho rằng chúng ta tìm hiểu về Ba Ngôi không phải nhờ suy tư triết học về Thiên Chúa và thế giới, nhưng nhờ Đức Kitô. Nhưng có lẽ hơn hẳn các nhà thần học khác, ông đặc biệt nhấn mạnh vào thập giá như là mạc khải về Ba Ngôi. Xem ra có ít lý do để chống lại điều này, dựa vào trung tâm điểm của thập giá theo các trình thuật của Tin Mừng và theo niềm tin Kitô hữu cũng như việc thực hành đạo. Ở một số điểm, Balthasar bày tỏ những cử chỉ khiêm tốn theo hướng nhận thức luận, khi viết về nhu cầu của chúng ta cần “cảm nhận cách thức của chúng ta vào trong mầu nhiệm” và về quá trình thực hiện điều này như là “bước đi trên lưỡi dao.”[11]

Như thế, vấn đề không nằm ở trong điều Balthasar nói về việc người ta phải suy tư về Ba Ngôi như thế nào, nhưng trên thực tế theo cách ông thực hiện nó như thế nào. Chẳng hạn, ta hãy xem xét ngôn ngữ về xa cách trong Ba Ngôi. Chúa Cha và Chúa Con hiệp nhất với nhau trong tình yêu. Balthasar cho rằng, giữa họ, có một xa cách vô biên. Như chúng ta đã nói, đây là một tuyên bố khá mới mẻ. Như vậy, làm sao Balthasar nghĩ rằng chúng ta hiểu biết về sự xa cách vô tận, sự phân ly, sự xa lạ này trong Ba Ngôi? Có hai con đường. Một là phải tránh khỏi hình thái thuyết: Balthasar cho nghị rằng điều gì đó xem ra như là xa cách, hay “không gian vô tận” phải là cần thiết đối với sự phân biệt giữa các ngôi vị trong Ba Ngôi để trở thành hiện thực. Con đường thứ hai, thường được nhấn mạnh hơn, là con đường thập giá: ông nghĩ rằng, chúng ta không hiểu sự xa cách Ba Ngôi nội tại này đơn thuần từ thập giá, nhưng chúng ta hiểu nó tốt hơn bằng cách này hay cách khác, tức là hiểu về tính hệ trọng đầy đủ của nó từ thập giá.

Nhưng đương nhiên, nó không phải là trường hợp mà người ta chỉ cần nhìn vào cuộc khổ nạn được trình thuật để đi đến kết luận rằng, trong sự vĩnh cửu, phải có một xa cách vô biên giữa Chúa Cha và Chúa Con. Rõ ràng đây không phải là điều mà hầu hết truyền thống thực sự đã kết luận từ những trình thuật này. Ít nhất hai điều được đòi hỏi để “học” từ xa cách trong Ba Ngôi tới thập giá. Thứ nhất là một lối giải thích đặc biệt về chính thập giá; thứ đến là một lối trừu tượng khởi đi từ thập giá (như được thực hiện) tới điều mà người ta có thể gọi là các điều kiện vĩnh cửu về những khả năng của nó.

Như thế, trước hết, người ta phải giải thích cuộc tử nạn và cái chết của Đức Kitô như là một tấn kịch căn bản nhất của việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi bởi Chúa Cha. Trong khi Balthasar không đơn độc trong việc chú giải điều này như thế (có những khác biệt theo những quan điểm khác nhau, nhưng ở đây, căn bản ông giống với Moltmann). Điều này không thể đưa ra như một chú giải rõ ràng hoặc hết tranh cãi về Tân Ước. Ví dụ, có sự tranh luận đáng quan tâm trong việc chú giải như thế nào về tiếng kêu của Chúa Giêsu: “Lạy Thiên Chúa của Con, Lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi con?” như được trình thuật trong Máccô và Mátthêu. Phải chăng đây là một diễn tả về ý nghĩa của sự bỏ rơi, hay là một câu trích của đoạn đầu tiên trong Thánh Vịnh 22, là một khẳng định về đức tin? Và có một bước tiến xa hơn, người ta cần giữ vững lập trường không chỉ nói về việc Chúa Giêsu được mô tả như cảm giác bị bỏ rơi, mà còn thực sự Người bị bỏ rơi. Nói cách khác, ý nghĩa về sự bỏ rơi cần phải được nhìn không chỉ như là một phần kinh nghiệm của Chúa Giêsu như là một con người đang đau khổ và chết đi, nhưng là nhắm đến chân lý cơ bản, tức là chân lý trung tâm cơ bản là từ thập giá.

Ngoài ra, để hiểu thập giá như là một tấn kịch bỏ rơi của Thiên Chúa, sự khước từ của Chúa Cha đối với Chúa Con, điều thứ hai mà người ta phải làm là đi tới khái niệm về sự xa cách trong Ba Ngôi. Theo đó, sự bỏ rơi này trên thập giá (và trong suốt Thứ Bảy Tuần Thánh) là có thể xảy ra chỉ khi các tương quan vĩnh cửu Ba Ngôi được mô tả nhờ sự xa cách vô biên và tuyệt đối, sự xa lạ tận căn, sự phân ly. Đây không phải là một vấn đề lý luận từ một hiệu quả để lần lại nguyên nhân của nó, nhưng một cách chính xác, đúng hơn là từ một tấn kịch lịch sử (hay giống như lịch sử) của Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ tới đời sống vĩnh cửu.

Điều gì phải luôn là hoàn cảnh trong các tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, nếu chúng có thể được diễn tả trên thập giá dưới dạng bỏ rơi của người con bởi cha? Để có thể trả lời cho vấn nạn này, cần phải lưu ý rằng, người ta phải biết chọn lựa cách nào để thực hiện, khi xem xét những yếu tố khác nhau của tấn kịch thập giá và phân biệt giữa điều mạc khải hoặc không mạc khải điều gì đó về đời sống vĩnh cửu của Ba Ngôi. Ví dụ, người ta không được đổ lỗi cách trực tiếp sự từ chối và sự bỏ rơi cho Ba Ngôi nội tại, nhưng người ta phải học hỏi về sự xa cách và phân ly.

Khởi đi từ thập giá để khẳng định một sự xa cách vô biên trong đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa như thế, đòi hỏi cả hai điều mà người ta phải đón nhận một cách đọc đặc biệt và có thể tranh luận về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu, và người ta phải thực hiện một sự diễn dịch từ thập giá được hiểu như thế tới những điều kiện vĩnh cửu từ khả năng của nó. Không gì trong nhu cầu này là hợp lý cả. Nhưng điều nổi lên là quan niệm về sự xa cách vô biên, “tuyệt đối” trong Ba Ngôi không thể được đưa ra như là một khởi điểm rõ ràng cho tranh luận hoặc suy tư, nhưng đúng hơn là sự kết luận bấp bênh quá mức cho một chuỗi suy tư.

Người ta cũng có thể thấy sự bấp bênh này, nếu người ta trở lại với câu hỏi muốn nói cách chính xác về sự xa cách vô biên trong Ba Ngôi. Có lẽ nó là một gợi ý, một quan niệm gợi mở, nhưng không phải dựa trên bề ngoài của nó để có một quan niệm đặc biệt rõ ràng. Dĩ nhiên, Balthasar không cho rằng các ngôi vị Ba Ngôi có thân xác để có thể định vị tại những điểm cụ thể trong không gian, và vì thế, người ta có thể đo lường được khoảng cách thể lý giữa họ. Nhưng nếu Ba Ngôi không phải thuộc thể lý hoặc thuộc không gian, vậy làm sao chúng ta có thể suy nghĩ về sự xa cách này? Rowan Williams đề nghị chú giải từ “Abstand” - từ ngữ mà Balthasar sử dụng ở đây như là “sự khác biệt.” Như vậy, có lẽ sẽ tiến bộ hơn nếu chúng ta hỏi sự vô biên, sự khác biệt tuyệt đối giữa Chúa Cha và Chúa Con phải được hiểu là gì? Điều này thì quá khó để nắm bắt (prima facie), căn cứ vào việc các ngôi vị đồng bản thể. Mọi sự là của Chúa Cha, Người ban cho Chúa Con, đây là một tuyên bố truyền thống, và là điều được Balthasar tái khẳng định. Sự xa cách không thể dựa trên “điều” được trao ban, như thế, nơi chốn duy nhất để xác định sự xa cách giữa họ có lẽ hệ tại ở sự kiện vào lúc nào đó điều gì đó được ban cho, trong lúc khác đã đón nhận. Chúa Cha là Đấng ban mọi sự cho Chúa Con, Chúa Con là Đấng đón nhận mọi sự từ Chúa Cha. Sự xa cách, phân ly, khác biệt vô biên và tuyệt đối, khoảng cách, phân ly mà Balthasar nói đến, có phải là vấn đề về sự khác biệt giữa quà tặng toàn thể và sự đón nhận toàn thể không? Có lẽ phải. Nhưng có chỗ trống cho những vấn nạn này.

Suy tư nhiều hơn về những giây phút gần gũi của việc cho đi có thể đưa tới sự do dự. Nói chung, chúng ta không nghĩ về việc cho đi, và đặc biệt cho đi chính mình, như là tạo ra khoảng cách giữa người cho và người nhận – trừ khi việc cho đi đó là sai lầm. Cả khi chúng ta cho rằng cho và nhận là khác biệt hoàn toàn trong môi trường thần linh, hay trong ánh sáng của thập giá và Ba Ngôi, chúng ta phải quan niệm lại tất cả sự cho đi, có những khó khăn khác nhau. Theo Balthasar, Chúa Cha tự hạ, cởi bỏ mình, trong hành vi tự hạ nguyên thuỷ của việc hiến mình cho Chúa Con, và chúng ta đang diễn tả khả năng mà chính trong sự khác biệt giữa sự tự hạ này và sự tiếp nhận của Chúa Con, mà khoảng cách vô biên hoặc sự khác biệt được tìm thấy. Nhưng lúc đó, dĩ nhiên Chúa Con cũng được tham dự vào sự tự hạ này: như là hình ảnh của Chúa Cha, Chúa Con cũng hoàn toàn tự hiến mình. Như vậy, sự phân biệt giữa cho và nhận làm sao có thể thực sự thiết lập sự xa lạ, xa cách, giữa Cha và Con, nếu sự tự hiến là một trong những điều mà Chúa Con một cách chính xác hiện thân của Chúa Cha?

Một lần nữa, có lẽ những câu trả lời cũng được tìm thấy ở đây. Có lẽ nó không phải ở trong việc cho và nhận mà người ta tìm thấy địa điểm cho sự xa cách vô biên, tuyệt đối, nhưng trong những tương quan rất đặc biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con, bao gồm Đấng luôn hiến ban và Đấng khác luôn nhận. Có lẽ đây là hành vi cho và nhận mà bằng cách này hay cách khác đặt cả hai trong một tương quan của sự khác biệt vô biên. “Bằng cách này hay cách khác” cần phải được nhấn mạnh rõ ràng cho đến cùng ở đây.

Tôi không muốn cho rằng chúng ta nên nói ngôn ngữ xa cách và phân ly này trong đời sống vĩnh cửu của Ba Ngôi là vô nghĩa, trên nguyên tắc nó có thể không có ý nghĩa. Nhưng xem ra chúng ta cảm thấy khó khăn hơn nếu chúng ta cố gắng hình dung điều được tưởng tượng một cách chính xác. Cuối cùng, hình như vị trí là điều gì đó giống điều này: nếu thập giá được quan niệm như  việc Thiên Chúa trút bỏ chính mình, và theo Moltmann, nếu chúng ta không nghĩ về nó như trình bày điều gì mới mẻ, điều gì không được kinh nghiệm trước, trong đời sống của Ba Ngôi, như thế, chúng ta bị buộc phải nói rằng có điều gì đó hiện diện vĩnh cửu trong đời sống Ba Ngôi, vốn đã thấy trước nó rồi, điều gì đó để diễn tả. Balthasar gọi điều này là bất cứ điều gì báo trước “sự xa cách” thập giá, Abstand, nhưng như những xem xét trên đề nghị, nó thực sự khiến chúng ta không thể tưởng tượng điều phải là hơn cụm từ “thập giá không thể diễn tả, không thể hiểu trong đời sống Ba Ngôi, hay bất cứ điều gì vốn là điều kiện của khả năng thập giá.”

Tuy nhiên, điều nổi bật trong những tranh luận Ba Ngôi của Balthasar là trong nhiều trường hợp, chúng không được đánh dấu bởi sự ngập ngừng, cảm thức về sự bấp bênh, vốn phải đi theo cả cách thức cũng như những quan niệm như là sự xa cách tuyệt đối được phát xuất, và từ những vấn nạn liên quan đến điều mà chúng muốn diễn tả. Thay vào đó, chúng ta tìm thấy sự tin tưởng, sự bày tỏ, sự ảnh hưởng. Chúng ta tìm thấy trong ông không phải là ai đó được thúc đẩy để lưỡng lự ngập ngừng, bằng cách này hay cách khác, trong ánh sáng của thập giá về Ba Ngôi, nhưng đúng hơn là một nhà thần học tỏ ra rất hiểu biết con đường xung quanh của mình, để có một lối nhìn – đôi lúc có điều gì xem ra rất đặc biệt như lối nhìn của người trong cuộc - về điều xảy ra trong đời sống nội tại của Ba Ngôi.

Balthasar bao quát cả con số của phía trước. Ông dường như hiểu biết khá nhanh về một ít điều mà người ta có thể gọi là cơ chế của những phát xuất Ba Ngôi, khi khẳng định rằng không chỉ Chúa Cha sinh ra Chúa Con, mà Chúa Con “đã đồng ý trước” để được sinh ra. Ông cũng tỏ ra hiểu biết trong một số chi tiết về điều người ta có thể gọi là “đặc tính” Ba Ngôi. Ông nói với chúng ta rằng Chúa Cha biết ơn Chúa Con vì cho phép mình được sinh ra, đến lượt mình Chúa Con biết ơn Chúa Cha vì đã muốn sinh ra Người. Balthasar cũng nói với chúng ta sự ngạc nhiên này, “sự ngạc nhiên vĩnh cửu,” là một yếu tố của đời sống Ba Ngôi, để “là Chúa Con… “từ sự bắt đầu vượt qua những chờ đợi hứng thú nhất của Chúa Cha,” trong khi chính Chúa Con luôn nhìn Chúa Cha từ những góc nhìn mới. Ông xem ra hiểu biết bằng cách nào đó đời sống vĩnh cửu của Ba Ngôi được mô tả nhờ tâm tình tạ ơn, tôn thờ và lời cầu nguyện khẩn xin.

Balthasar cũng có thể mô tả điều mà người ta gọi những tiến trình quyết định của Ba Ngôi.

“Nếu Thiên Chúa Cha có ý định ban đầu – có lẽ liên hệ với khuôn mẫu của tạo thành mà Người đã dự định - Người loan báo ý định cho Chúa Con khi sinh Người, cho Người “khởi đầu,” những sự khởi đầu do Chúa Con được thực hiện;” như thế, Người ban điều đó cho Chúa Con để “thúc đẩy những mục đích xa hơn.” Trong khi hạ sinh Chúa Con, Chúa Cha có một đòi hỏi với Người, và đến lượt mình Chúa Con ước muốn không gì khác ngoài dùng sự tự do hoàn toàn của người con thảo để thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Như vậy, “Chúa Cha là người đầu tiên hỏi: và Người hỏi Chúa Con để ban cho Chúa Con niềm vui thực hiện yêu cầu của Người… ngay cả trước khi Chúa Con hỏi Người” (chẳng hạn, để được tin tưởng trao sứ vụ cứu độ thế giới nhờ thập giá), “Chúa Cha muốn thực hiện yêu cầu của mình, bằng cách ban cho Chúa Con quyền ưu tiên thực hiện.”[12]

Như vậy, Chúa Cha đã có những ý tưởng rõ ràng, nhưng Người để cho Chúa Con (ngoài sự “cân nhắc,” một ước muốn ban cho Chúa Con một sự ưu tiên nào đó) để tìm ra những điểm tốt hơn của việc thực hiện.

Đôi khi, như chúng ta đã thấy, Balthasar thực hiện những cử chỉ của sự khiêm tốn về ngôn ngữ. Đôi khi, ông nhắm tới một nền tảng Kinh Thánh, hoặc một tiến trình lý luận, nhờ đó ông đi tới những tuyên bố về đời sống nội tại của Thiên Chúa. Nhưng nói chung, ông không viết giống như một nhà thần học “quay trở lại cách thức của mình” với một mầu nhiệm, trên nền tảng của Chúa Kitô và thập giá, ông viết giống như một nhà văn với một tầm nhìn đặc biệt về cảnh tượng kinh hoàng (thập giá) như là điểm khởi đi, rồi tự do tạo bối cảnh, thêm những chi tiết đặc trưng, và kiến tạo những cảnh tượng trước đó.

QUÁ TOÀN VẸN CHĂNG?

Phần trước tập trung vào việc làm sao Balthasar hiểu biết tất cả những gì mà dường như ông hiểu biết, làm sao một nhà thần học có thể ở trong một vị thế để có những khẳng định như ông. Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến điều ông nói. Balthasar không hoàn toàn gán những đau khổ cho những ngôi vị vĩnh cửu của Ba Ngôi, nhưng ông trình bày điều gì đó rất giống với đau khổ và sự mất mát trong Thiên Chúa. Liệu điều này có dẫn tới một hình ảnh gây tranh luận về đời sống thần linh hay không, thật khó khăn để nói, vì rất khó để hiểu biết điều “siêu đau khổ” hay sự tự hạ vĩnh cửu phải như thế. Nhưng tôi muốn quả quyết rằng điều sẽ hướng tới là việc hiểu biết gây tranh luận về đau khổ và mất mát.

Nói chung một chiều hướng để hiểu đau khổ trong một ánh sáng tích cực, liên kết đức tin, tình yêu và vâng phục với sự tự đánh mất, sự tự hạ, cả điều gì đó như sự trút bỏ chính mình, là điều mà trong thực tế thường xuyên được cảm nhận trong tác phẩm của Balthasar. Như thế, khảo luận của ông về thập giá và sự kéo dài tới ngày Thứ Bảy Tuần Thánh được thực hiện bởi một sự hiện diện đặc biệt trong cảnh hấp hối của Chúa Giêsu, một sự quan tâm để trình bày sự lớn lao không thể diễn tả, không thể suy nghĩ về sự đau khổ mà Chúa Kitô bị phản bội và bỏ rơi từ Chúa Cha; đặc trưng của đời sống Kitô hữu thường xuyên đặt sự từ bỏ, sự đánh mất chính mình, sự hy sinh chính mình về phía trước. Ông dùng lời fiat của Đức Maria như là sự trả lời hoàn hảo và tiêu biểu của đức tin, và giải thích rất nhiều theo ngôn ngữ của sự hy sinh quên mình. Hầu hết mọi trình bày trong trước tác của ông đều mang ý nghĩa về sự đau khổ, quên mình, và quả thật sự hạ mình mang lại sự đánh giá tích cực về căn bản được xác nhận. Chẳng hạn, trong một tập sách của bộ sách về Giáo Hội, chúng ta tìm thấy những quy chiếu về Giáo Hội với những thành viên tội lỗi của mình vì “được sinh ra nhờ những thành viên đau khổ,” tới “mầu nhiệm nội tại của đau khổ” mà Giáo Hội Constantinô muốn che dấu, tới tinh thần Kitô giáo đích thực như là “ý muốn nên nghèo khó, từ bỏ và khiêm tốn,” tới “sự sỉ nhục thực sự và hoa quả” của thánh Phêrô, vốn không phải chỉ là một “sự thao luyện trong sự tự hạ,” tới một sự khiêm tốn, bởi vì chúng ta là những tội nhân nên nó phải được thuấn nhầm vào trong chúng ta nhờ sự nhục mạ,” tới “sự quên mình trong việc phục vụ Đức Kitô,” như là cách thế duy nhất để bày tỏ sự quên mình của Đức Kitô, tới sự quên mình mà lòng đạo đức phụng vụ đòi hỏi (điều mà Balthasar thực sự mô tả như “hy tế thập giá bạo lực này của những chủ thể đạo đức tới một đối tượng thuộc Giáo Hội”), và tới “sự quên mình hoàn toàn và vâng phục phẩm trật” như điều gì đó mà Charles de Foucauld đã ca ngợi cách chí lý.

Phải chăng chúng ta gặp khó khăn vì sự liên kết chặt chẽ giữa tình yêu và đau khổ, tình yêu và sự đánh mất mình trong tư tưởng của Balthasar về đức tin và Giáo Hội? Ý kiến có thể khác nhau, liệu nó có trình bày một sự xuyên tạc của Kitô giáo hay một sự chống lại cần thiết cho chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa duy hoạt động của văn hoá chúng ta. Tuy nhiên, có ít chỗ cho tranh luận này, dường như sự liên kết căn bản này của tình yêu và mất mát xảy ra để đạt đỉnh cao trong việc mô tả của Balthasar về đời sống thần linh.

Vâng, như đã đề cập, Balthasar không mang đau khổ vào trong Ba Ngôi, nhưng ông đã nói điều gì đó trong Ba Ngôi mà có thể đưa đến đau khổ, về một sự “siêu đau khổ” trong Thiên Chúa, và về nguy cơ, sự xa cách, và về điều gì đó “tối tăm” trong tấn kịch Ba Ngôi vĩnh cửu.

Và như chúng ta đã thấy, ông thường xây dựng sự trao ban vĩnh cửu nơi Ba Ngôi dưới dạng cho đi, từ bỏ - dưới dạng gợi mở của sự đánh mất, chẳng hạn, để vai trò của Chúa Cha, là một sự buông bỏ thần tính của Người, là cho không, là giao nộp chính mình, đi cho tới mút cùng của sự từ bỏ mình.”

Như vậy, Balthasar miêu tả sự đánh mất mình, sự hiến mình của Thiên Chúa, và một đàng, điều gì đó gần như là sự trút bỏ chính mình và đàng kia là tình yêu. Hơn nữa, ông còn trình bày vực thẳm cùng với điều gì đó được mô tả như “siêu đau khổ” hay như là điều gì đó có thể đưa tới đau khổ. Vì thế, Balthasar có lẽ rơi vào nguy hiểm khá rõ cơ bản làm lu mờ sự phân biệt giữa tình yêu và mất mát, niềm vui và đau khổ nơi chúng. Như vậy, nó không đúng với điều mà trong thể giới đổ vỡ này, đau khổ có tính chất cứu độ cách mầu nhiệm và sự mất mát đòi phải có tình yêu. Nếu tình yêu và sự từ bỏ, đau khổ và niềm vui được liên kết với nhau không chỉ trong đời sống Kitô hữu và trong nhiệm cục cứu độ, nhưng một cách vĩnh cửu cả trong Thiên Chúa, thì thật khó để thoát khỏi kết luận rằng đau khổ và mất mát được ban như một sự đánh giá thực chất tích cực: đau khổ và mất mát thực sự cuối cùng là tốt đẹp cách huyền nhiệm. Và nếu trung tâm điểm của Kitô giáo là thông điệp cho rằng đau khổ và mất mát cuối cùng là tốt, thì thật khó làm sao để nhìn nhận Kitô giáo tự thân có thể là “Tin Mừng.”

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Chuyển ngữ từ: 
“The Cambridge Companion to The Trinity”, được biên tập bởi Peter C. Phan, Nhà xuất bản Cambridge University, năm 2011, các trang 208-222.



[1] Bài này được dịch trong cuốn: : “The Cambridge Companion to The Trinity”, được biên tập bởi Peter C. Phan, Nhà xuất bản Cambridge University, năm 2011, các trang 208-222.

[2] Hans Urs von Balthasar (1905-1988) là một nhà thần học Thuỵ Sĩ Công Giáo nổi tiếng của thế kỷ XX. Tác phẩm lớn nhất của ông là bộ ba tập: The Glory of the Lord: A Theological Aesthetics; Theo-DramaTheo-Logic cùng với nhiều tác phẩm khác nữa.

[3] Cf. Rowan Williams, “Balthasar and the Trinity” in Edward T. Oakes and David Moss, eds., The Cambridge Companion to Hans Urs von Balthasar, Cambridge University Press, 2004, 37-50.

[4] Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory III: Dramatis Personae: Persons in Christ, San Francisco, Ignatius 1990, 201.

[5] Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory III, 270, 271.

[6] Ibid, 157.

[7] Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory IV: The Action, San Francisco, Ignatius, 1994, 318,319.

[8] Balthasar ảnh hưởng bởi nhà tư tưởng Nga Sergei Boulgakov trong quan niệm này về sự trút bỏ (kenosis) nội tại của Ba Ngôi.

[9] Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory IV: 323-325.

[10] Ibid., 325.

[11] Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory IV: 324.

[12] Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory V: The Last Act, San Francisco, Ignatius, 1998, 79.