THÁNH LỄ VÀ THÁNH NHẠC:
PHẦN THƯỜNG LỄ & PHẦN RIÊNG CỦA THÁNH LỄ
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Mục lục II/ VÀI LƯU Ý KHI HÁT PHẦN RIÊNG CỦA THÁNH LỄ III/ VÀI LƯU Ý KHI HÁT PHẦN THƯỜNG LỄ |
I/ VÀI KHÁI NIỆM CƠ BẢN
1/ Các “Bài” trong Thánh lễ
Có thể nói, Thánh lễ gồm 3 BÀI:
(1) Bài lễ = bản văn phụng vụ của Thánh lễ (nằm trong
Sách Lễ Rôma): Các lời nguyện thuộc
chủ tế + kinh tiền tụng + ca nhập lễ + ca hiệp lễ;
(2) Bài đọc [Sách Thánh] (nằm trong Sách Bài Đọc);
(3) Bài hát: (i) Nằm trong “Sách hát của Giáo Hội hoàn vũ” = Graduale Romanum/ Graduale
Simplex; (ii) Nằm trong sách hát của Giáo hội địa phương (những bài hát đã được Hội
Đồng Giám Mục [-GM] chuẩn nhận để dùng trong phụng vụ).[1]
2/ Phân Loại Hát
Phụng vụ phân biệt 2 loại hát: (a) Hát phụng vụ (singing the liturgy)/hát Thánh lễ (singing the Mass); và (b) Hát trong phụng
vụ (singing at the liturgy)/hát trong
Thánh lễ (singing at the Mass).
a/ Hát phụng vụ/Thánh lễ
Hát phụng vụ/Thánh lễ là phụng vụ/Thánh lễ được hát lên (sung liturgy/Mass). Trong trường hợp
Thánh lễ, hát phụng vụ là hát chính bản văn phụng vụ của Thánh lễ. Bản văn phụng
vụ của Thánh lễ bao gồm bản văn thuộc Nghi thức Thánh lễ (Ordo Missae) và thuộc
phần cử hành Lời Chúa (Sách Bài Đọc):
- Bản văn phụng vụ thuộc Nghi thức
Thánh lễ bao gồm: (i) Những lời đối đáp, tung hô = dấu thánh giá, lời chào,
kinh nguyện dành cho LM, kinh Tiền tụng, Sanctus, Tung hô tưởng niệm, Vinh tụng
ca, lời mời gọi hiệp lễ và những lời theo sau, lời giải tán; (ii) Phần thường lễ
= kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Tin kính, kinh Lạy Cha, kinh Lạy Chiên
Thiên Chúa; (iii) Phần riêng của Thánh lễ = đối ca nhập lễ/hiệp lễ (trong Sách Lễ Rôma/Graduale Romanum/Graduale
Simplex), ca tiến lễ trong sách Graduale
Romanum/Graduale Simplex.
- Bản văn phụng vụ thuộc phần cử
hành Lời Chúa (chính là bản văn Thánh Kinh được công bố) bao gồm: (i) Thánh vịnh
đáp ca; (ii) Câu tung hô Tin Mừng; (iii) Các Bài đọc Sách Thánh nằm trong Sách
Bài Đọc.
Lưu ý: Các bản văn trên phải được dịch cách trung thực. Ngoại
trừ phần riêng của Thánh lễ là đối ca nhập lễ/ca tiến lễ/ca hiệp lễ, nhạc sĩ cần
giữ nguyên vẹn bản văn khi soạn các âm điệu cho chúng, nghĩa là dệt nhạc trên bản
văn mà không được thay đổi gì.[2] Nếu dệt nhạc cho đối ca nhập
lễ/ca tiến lễ/ca hiệp lễ, thì khi hát
bản văn này, chúng ta hát Thánh lễ (sing
the Mass). Còn nếu lấy ý từ chúng để sáng tác hoặc dùng ca khúc khác để hát
thay thế cho ca nhập lễ/ca tiến lễ/ca hiệp lễ, chúng ta đang thực hành hát
trong Thánh lễ (sing at the Mass).
b/ Hát trong phụng vụ/Thánh lễ
Hát trong phụng vụ/Thánh lễ là hát bài thánh ca mà bản văn
không chính thức thuộc về Thánh lễ. Những bài thánh ca này hoặc được sáng tác dựa
theo/theo ý bản văn Kinh Thánh/bản văn phụng vụ của Thánh lễ ấy hoặc có nội
dung phù hợp với các phần Thánh lễ, ngày lễ/mùa phụng vụ. Như vậy, lời của các
ca khúc này chỉ là những “Bản văn được thay thế” cho bản văn phụng vụ. Trường hợp
này, Hội Thánh dành cho các Ðấng Bản Quyền địa phương quyền quyết đoán cho dùng
các bài ca khác để thay thế những bài ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ in
trong sách hát Graduale Romanum/Graduale
Simplex miễn là những bài đó hợp với: các phần Thánh lễ, ngày lễ, cũng như
mùa phụng vụ.[3] Đây là một kẽ hở trong phụng
vụ, bởi vì nhiều nơi đã sử dụng ca khúc thay thế mà nội dung có thể đi quá xa
Thánh lễ, trong khi đối ca nhập lễ/tiến lễ/hiệp lễ thường là bản văn Thánh Kinh
và chúng phục vụ như một sự chú giải chính thức hay giúp tín hữu suy niệm về
Thánh lễ đang cử hành.
II/ VÀI LƯU Ý KHI HÁT PHẦN RIÊNG CỦA THÁNH LỄ
Phần riêng của Thánh lễ bao gồm ca nhập lễ, ca tiến lễ, ca
hiệp lễ, thánh vịnh đáp ca, tung hô Tin Mừng và ca tiếp liên. Ở đây chỉ giới hạn
xem xét ca nhập lễ, ca tiến lễ, và ca hiệp lễ mà thôi:
1/ Ca Nhập Lễ
Chọn lựa đầu tiên để hát ca nhập lễ là hát chính tiền xướng/đối
ca (antiphona) trong Graduale Romanum/Graduale Simplex cùng với
Thánh vịnh. Đây là những bài thánh ca
được dệt nhạc từ chính lời của đối ca và các Thánh vịnh đã được chỉ định
làm ca nhập lễ trong Graduale
Romanum/Graduale Simplex (x. UB Thánh Nhạc – HĐGM VN, Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc [= MVTN], số 73, 133a).[4]
Chọn lựa thứ hai là hát bài thánh ca được sáng tác (1)
dựa vào/theo ý của đối ca và Thánh vịnh đã được chỉ định làm ca nhập
lễ trong Graduale Romanum/Graduale
Simplex; hoặc được sáng tác (2)
dựa vào/theo ý bản văn ca nhập lễ của ngày lễ được ghi trong Sách Lễ Rôma (đây là gợi ý tốt cho việc
chọn bài hát ca nhập lễ với nội dung tương hợp).[5]
(Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (=
QCSL), 48; MVTN 133b).
Chọn lựa thứ ba là hát bài
thánh ca đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận với các chủ đề sau: (1)
quy tụ (giúp hợp nhất cộng đoàn); (2) mùa phụng vụ/ngày lễ (hướng tâm hồn tín hữu về mầu nhiệm mùa
phụng vụ hoặc ngày lễ; (3) tác động
phụng vụ (cuộc rước tiến đến bàn thánh) (x. QCSL 47); (4) liên hệ với các Bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ.[6]
Không nên chọn hát ca nhập lễ với những bài mang âm hưởng lê
thê, buồn sầu, u uất, ảm đạm, cũng như mang dáng vẻ suy niệm trầm tư, bởi vì đặc
tính của bài ca nhập lễ là nét hân hoan, vui tươi, khơi dậy niềm phấn khởi nơi
các tín hữu tham dự Thánh lễ.[7]
2/ Ca Tiến Lễ
Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách
hát ca nhập lễ. Như vậy, ca tiến lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa
ca đoàn và cộng đoàn, hoặc luân phiên giữa một ca viên và cộng đoàn, hoặc tất
cả do cộng đoàn hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi (x. QCSL 48, 74;
MVTN 162).
Quy chế Tổng quát Sách
Lễ Rôma [2002] cho chúng ta 3 chọn
lựa để hát ca tiến lễ: (1) Hát đối
ca với Thánh vịnh của nó (antiphona cum psalmo suo) từ Graduale Romanum; (2)
Hát đối ca với Thánh vịnh của nó từ Graduale
Simplex; (3) Hát một bài thánh
ca nào khác phù hợp với (a) cử hành
phụng vụ (tác động phụng vụ: bánh rượu và dâng tiến), hoặc (b) với tính chất của ngày lễ hoặc (c) mùa phụng vụ mà bản văn đã được Hội
đồng Giám mục chuẩn nhận (x. QCSL 48/74, 367; MVTN 162). Điều này có nghĩa là
chúng ta phải dành ưu tiên cho những bài hát [dệt lời Thánh vịnh/theo ý Thánh vịnh]
mà Hội thánh đã chỉ định trong sách Graduale
Romanum/Graduale Simplex hơn là ca khúc thay thế (x. PV 121).
3/ Ca Hiệp Lễ
Đang khi linh mục [chủ tế] rước lễ, thì hát ca hiệp lễ chứ
không phải rung chuông hoặc đánh chiêng trống vào lúc này như thực hành trước
kia nữa vì trong Nghi Thức Thánh Lễ và QCSL hiện nay, không có bất cứ điều gì
được nói về rung chuông trước khi hiệp lễ cả (x. Notitiae 8 [1972] 343; QCSL 86, 159; Nghi Thức Thánh Lễ [=
NTTL], 136; Sách Lễ Nghi Giám Mục [=
LNGM] 163; MVTN 178).[8] Nghĩa là nên bắt đầu bài ca
hiệp lễ ngay lập tức sau lời đáp của cộng đồng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa….” vì đây là cách diễn đạt bằng
“ngôn ngữ của phụng vụ” về sự hợp nhất thiêng liêng của cộng đoàn phụng vụ qua
sự hợp nhất nơi tiếng hát của họ: hợp nhất với Chúa Kitô và hợp nhất với nhau.
Nếu còn hát bài nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc ca hiệp lễ vào đúng lúc
(QCSL 86, 159; NTTL 136; MVTN 178).[9]
Nhằm liệu cho các ca viên được rước lễ cách thích hợp, thì
khi các tín hữu đã rước lễ xong, [ngoại trừ trong Mùa Chay], đàn phong cầm có
thể tiếp tục chơi một số đoạn của bài hát rước lễ đang lúc tráng chén. Lúc này,
mọi tín hữu đã ngưng hát, và bắt đầu cảm tạ Chúa cách riêng tư, đây là thời khắc
ca đoàn lên rước lễ [tức là vào lúc kết thúc hoặc sắp kết thúc việc rước
lễ] (MVTN 184; QCSL 86).[10]
Về ca hiệp lễ, có thể hát như sau:
(1) Hoặc dùng đối ca theo ngày lễ trong sách Graduale Romanum, (2) hoặc dùng điệp ca theo mùa phụng vụ
trong sách Graduale Simplex, hoặc (3) bài hát nào khác thích hợp đã được
Hội đồng Giám mục chuẩn nhận (QCSL 87; MVTN 179).[11]
Bài hát thích hợp nói ở đây là bài ca hiệp lễ với chủ đề là: (a)
Thánh Thể (nhưng không phải bài tập trung vào tôn thờ Thánh Thể vốn dùng
cho giờ chầu Thánh Thể);[12] (b) tình yêu Thiên Chúa;
(c) niềm vui rước Chúa; (d) niềm ngưỡng mộ; (e) sự hiệp nhất; (f)
bài Tin Mừng của ngày lễ; (g) mùa phụng vụ; (h) phản ánh động tác
phụng vụ, thí dụ ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa Kitô; (i)
lòng biết ơn và tán tụng. Thêm nữa, luôn luôn có thể hát Thánh vịnh 33
với điệp khúc Hãy nếm thử thay thế ca
hiệp lễ (x. MVTN 180, 183).[13] Chúng ta nên dành ưu tiên
cho những bài hát [dệt lời Thánh vịnh/theo ý Thánh vịnh] mà Hội thánh đã chỉ định
cho phần này trong sách Graduale
Romanum/Graduale Simplex hơn là ca khúc thay thế.[14]
Như vậy, không hát ca hiệp lễ về ngày lễ như mừng Mẹ Maria,
thánh Giuse (bổn mạng), công ơn cha mẹ (lễ an táng, mừng tuổi thọ…), kỷ niệm
hôn phối, tình quê hương [quốc khánh, lễ dân tộc…] (MVTN 180, 183). Những bài
ca này có thể hát khi Thánh lễ kết thúc hay vào những lúc cầu nguyện chung, đem
hát lúc sau rước lễ sẽ làm lệch lạc ý nghĩa của cử hành phụng vụ.[15]
Cuộc rước đi lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa cùng với việc cộng
đoàn đồng thanh ca hát không chỉ diễn tả sự hiệp nhất với Chúa mà còn với nhau
nữa, biểu dương niềm hân hoan và làm nổi bật tính cộng đồng của đoàn người đang
lên rước lễ (QCSL 86).[16] Vì thế, (1) nên chọn bài hát vừa vui tươi vừa
quen thuộc đối với mọi người sao cho khi không có sự trợ giúp của cuốn sách hoặc
giấy in bài hát, hầu như cộng đồng vẫn có thể hát được [ít là câu điệp khúc]
đang khi tuần tự lên rước lễ (MVTN 181);[17]
(2) đừng bao giờ đi lên rước lễ mà cả
nhà thờ thinh lặng, điều này khiến chúng ta như bị đẩy vào kinh nghiệm của xếp
hàng check – in ở sân bay, xếp hàng đi mua vé hay đi viếng xác.[18]
III/ VÀI LƯU Ý KHI HÁT PHẦN THƯỜNG LỄ
1/ Kinh Thương Xót
Từ “Kyrie eleison” (“Xin Chúa thương xót”) trong nguyên ngữ
Hy lạp không có nghĩa là đấm ngực ăn năn vì “chúng ta là tội nhân trong bàn tay
giận dữ của Thiên Chúa”.[19] Đúng hơn, nó có nghĩa là một
sự chúc tụng tung hô (confessio laudis)
Thiên Chúa là Đấng hằng thương xót và chúng ta trông cậy vào Ngài; cũng có
nghĩa là tuyên xưng tình thương trung thành không hề đổi thay của Ngài.[20] Rõ ràng, Kyrie được mô tả như một lời tung hô và
nó không phải là hành động thống hối (actus
penitentialis) hay là thành phần của hành động thống hối mà chỉ là được
ghép/đặt trong bối cảnh thống hối (x. QCSL 46, 52, 125, 258; LNGM 255); chỉ một
lần duy nhất Kyrie là thành phần của
nghi thức thống hối khi vị tư tế chọn cử hành theo công thức/mẫu sám hối thứ
III.[21] Sự độc lập của Kyrie eleison hay sự tách rời Kyrie
eleison ra khỏi công thức thống hối (x. NTTL 7) cho thấy cách tỏ tường rằng:
(1) Kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”
là lời chuyển cầu lên Đức Kitô là trung gian;[22]
(2) Kinh “Lạy Chúa, xin thương xót” là một bài tung hô Chúa phục sinh
mà sự hiện diện của Ngài làm chúng ta phải nhảy mừng lên trước lòng từ bi hải
hà từ nơi Ngài chảy tràn trên chúng ta.[23]
Nên biết rằng, theo mô tả của thánh Gregory thành Tours (năm 590), Kyrie vốn là lời tung hô phổ biến thời
ngài, được hát đang khi đi rước.[24] Bởi vậy, không nên hát Kyrie theo kiểu ảm đạm thê lương, ngay cả
trong Thánh lễ an táng (x. PV 81). Điều này có nghĩa là, trong Thánh lễ an
táng, không nhất nhất cứ phải hát Bộ lễ mồ, chúng ta có thể và rất nên hát Bộ lễ
khác như Sêraphim hoặc Ca Lên Đi 2 (hợp âm D).[25]
Kinh “Xin Chúa thương xót chúng con” là lời tung hô dâng lên
Chúa Kitô, quy về Chúa Kitô chứ không phải quy về Thiên Chúa Ba Ngôi vì cả 3
câu trong mẫu thống hối III đều hướng tới Chúa Kitô và được gọi là công thức ca
ngợi phẩm tính Chúa Kitô.[26]
2/ Kinh Vinh Danh
Không hát kinh Vinh danh vào các Chúa nhật Mùa Vọng và Mùa
Chay (vì sử dụng lễ phục tím), nhưng đối với lễ trọng và lễ kính rơi vào trong
các mùa này, thì vẫn hát kinh Vinh danh như thường lệ [vì không sử dụng lễ phục
tím] (x. QCSL 53, 126, 258; MVTN 137).
Không được thay thế bản văn của thánh thi Gloria bằng bản văn nào khác (QCSL 53;
MVTN 137) trừ trường hợp trong Thánh lễ dành cho trẻ em cùng với phép của Bản
Quyền chuẩn nhận (x. TE 31).
3/ Kinh Tin Kính
Kinh Tin kính phải do linh mục hát hoặc đọc chung với cộng
đoàn vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những cử hành đặc
biệt khá long trọng (x. QCSL 68, 137; NTTL 18; Notitiae 7 [1971] 112, n. 2).
Nếu hát kinh Tin kính, thì linh mục, hoặc tùy nghi một ca
viên hay ca đoàn xướng lên, rồi tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát
luân phiên với ca đoàn. Nếu không hát, thì mọi người cùng đọc hoặc chia làm hai
bè đối đáp (x. QCSL 68; MVTN 159).
Giữa đọc và hát, thông thường nên chọn đọc thì tốt hơn vì
nguồn gốc và bản chất của kinh Tin kính chỉ ra rằng kinh này phù hợp một cách tự
nhiên với việc đọc hơn là hát (x. CHTL 170).[27]
Điều này có nghĩa là chỉ nên hát trong trường hợp/hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn
như trong Thánh lễ có đông đảo người tham dự hoặc trong dịp cử hành long trọng
mà chúng ta muốn nhấn mạnh/tập trung hơn vào việc tuyên xưng đức tin.[28]
4/ Sanctus
Chúng ta nên hát Sanctus
trong mọi Thánh lễ vì: (1) Thứ nhất, tự bản chất, đây là bài ca
tung hô và chúc tụng Chúa Kitô; (2) Thứ hai, trong việc tung hô chúc tụng
này, cộng đoàn dưới thế hợp với lời ca tiếng hát của các thiên thần trên trời
như vẫn được nhắc đến trong hầu hết các kinh Tiền tụng; (3) Thứ ba, theo dòng lịch sử, Sanctus
luôn luôn được hát. Thật vậy, vào ngày lễ Lều, dân Do Thái làm thành đoàn rước
lá, họ vừa đi vừa hát hosanna. Đối với
phụng vụ Do Thái, từ khoảng năm 200, Sanctus
được hát trong giờ phụng vụ ban sáng (Kedusha)
tại hội đường. Còn trong phụng vụ Công giáo, ngay từ ban đầu, Sanctus được toàn thể cộng đoàn hát. Nếu
dành riêng cho ca đoàn thể hiện như xảy ra vào đầu thời kỳ Trung cổ, thì ca
đoàn cũng hát chứ không đọc (x. MVTN 169).[29]
Trong thực hành, sau những lời cuối cùng của kinh Tiền tụng,
nhạc công chỉ nên bắt nốt nhạc bài Sanctus
thật ngắn và thật nhỏ để làm cho lời tung hô này bùng lên lập tức và đúng
lúc.[30]
5/ Kinh Lạy Cha
Kinh Lạy Cha chính là lời kinh chuẩn bị rước lễ cao nhất. Bởi
vì, (1) thứ nhất, trong kinh Lạy
Cha, chúng ta xin Chúa ban bánh ăn hằng ngày cũng là ám chỉ xin bánh Thánh Thể
(QCSL 81);[31] (2) thứ hai, kinh Lạy Cha mời gọi chúng ta một lần nữa dọn lòng đón
Chúa đến bằng cách xin Chúa thanh tẩy tâm hồn mình cho khỏi tội lỗi (QCSL 81) với
điều kiện là chúng ta phải tỏ lòng xót thương đối với người khác trước đã qua sự
tha thứ cho họ (Mt 6,14-15; 18,21-35; 5,23-24).[32]
Vì kinh Lạy Cha là kinh chuẩn bị rước lễ cao nhất, do đó,
nên hát kinh Lạy Cha vào dịp lễ long trọng và không cần đọc bất cứ một lời kinh
đạo đức bình dân nào khác nữa để chuẩn bị rước lễ.[33]
Trong khi hát/đọc kinh Lạy Cha, thông thường chỉ các vị tư tế
mới dang tay hướng lên trời trong tư thế “orans” (x. NTTL 124; QCSL 152; LNGM
159).[34] Tại Việt Nam, trừ các tư tế,
các tín hữu khác chưa được phép dang tay như tư tế đang khi đọc kinh này ngoại
trừ tư thế duy nhất được đề nghị cho họ là tư thế đứng (x. QCSL 43, 160).
Chủ tế không nên kêu gọi cộng đoàn nắm lấy tay nhau và các
tín hữu cũng không tự tiện nắm lấy tay nhau đang khi đọc/hát kinh Lạy Cha vì: (1) đây là một cử chỉ được đem vào phụng
vụ một cách tự nhiên theo sáng kiến cá nhân chứ không phải theo hướng dẫn của
chữ đỏ; (2) việc nắm tay vào lúc này, theo quan điểm biểu tượng, sẽ như là đi
trước và sao chép y như dấu hiệu trao chúc bình an. Hậu nhiên, sẽ làm suy yếu
hoặc rút mất giá trị của dấu hiệu trao chúc bình an sẽ diễn ra sau đó (x. NTTL
128; QCSL 82, 154; Notitiae 11 [1975]
226).[35]
6/ Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa
Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì
ca đoàn hay ca viên hát đối đáp/đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” (x.
NTTL 129-130; QCSL 83).
Kinh này nên được hát vào Chúa nhật/lễ trọng và có thể được
lặp đi lặp lại [theo kiểu Kinh Cầu]: “Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần
gian” – “Xin thương xót chúng con” bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần
cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con” (x. NTTL
129-130; QCSL 83; Notitiae 14 [1978]
306, n. 8).[36]
IV. NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ NGHỊ
(1) Tại Việt Nam, hiếm có nơi nào hát Thánh lễ, đa số chúng
ta hát ca khúc/bản văn thay thế, tức là chỉ hát trong Thánh lễ;
(2) Lý tưởng là chúng ta hát Thánh lễ bởi vì bấy giờ chính bản
văn phụng vụ/Thánh lễ được hát lên xét như bản văn đã được Hội Thánh quy định
cũng như muốn dùng chúng để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu, do đó hát
phụng vụ/Thánh lễ cần được nhận thức như một thực hành ưu tiên hơn là hát trong
phụng vụ/Thánh lễ (hát thay thế);
(3) Tuy nhiên trong thực tế, liên quan đến ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ, chúng ta có thể thực hành như sau:
(a) vào những ngày lễ thường
trong tuần/ lễ nhớ/ thậm chí lễ kính, chúng ta có thể dùng các bài ca khác để
hát thay thế cho ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ in trong sách hát Graduale Romanum/Graduale Simplex/Sách lễ
Rôma;
(b) vào ngày lễ Chúa nhật/ lễ
trọng/ dịp trọng thể, nên hát chính bản văn phụng vụ được dệt nhạc (ca nhập
lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ in trong sách hát Graduale Romanum/Graduale Simplex) hơn là hát bài thay thế (bản văn
được thay thế); hoặc ít là, hát thay thế bởi những bài thánh ca/ca khúc được
sáng tác gần với/thích nghi với bản văn phụng vụ trong Graduale Romanum/Graduale Simplex/Sách lễ Rôma (chúng ta có rất nhiều
ca khúc thuộc loại này).
(4) Hát phần thường lễ chắc chắn phải là hát Thánh lễ, nghĩa là chỉ hát theo đúng lời trong Nghi thức Thánh lễ đã được dệt nhạc.
Phụ lục: “Sách hát của Giáo Hội hoàn vũ” = Graduale Romanum/ Graduale Simplex Tiếng Việt
Video Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 48 của Ủy ban Thánh nhạc (HĐGMVN) lúc 08:30, ngày 03-5-2022
[2] X. Hiến chế Phụng
vụ Thánh, số 22; Huấn thị Bí tích Cứu
độ, số 62; Thư Bộ Phụng Tự gởi Ðức cha Chủ tịch UB Thánh Nhạc (03/02/2010);
ĐTC
Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini (11/11/2010), các số
243-245.
[4] Graduale
Simplex (2007) đơn giản hơn Graduale
Romanum (1974). Trong Graduale
Simplex ghi Đối ca với nét nhạc đơn giản hơn trong Graduale Romanum, nhưng có kèm theo
4-5 câu thánh vịnh; Còn trong Graduale
Romanum chỉ ghi Đối ca với nét nhạc hoa mỹ hơn, mà không ghi các
câu thánh vịnh ra, mà để tùy nghi ca đoàn chọn hát thêm mấy câu trong
Thánh vịnh đi kèm.
[7] X. Nathan Mitchell, OSB, “Six Minor Heresies in
Today’s Music,” trong Practical Music in
Practice, ed. Virgil C. Funk and Gabe Huck (Chicago: Liturgy Training
Publications, 1979), 69-71; Nguyễn Thế Thủ, Hướng
dẫn Cử hành Phụng vụ, 62-63.
[8] X. Ritus
Servandus in celebratione Missae 1962, “De oratione dominica et aliis usque
ad factam Communionem,” n. 6; McNamara,
“Có cần rung chuông khi Truyền phép không?” (24/08/2005), dg. Nguyễn Ngọc Đa, http://giaophanthanhhoa.net/phung-vu/co-can-rung-chuong-khi-truyen-phep-khong-27292.html.
[9] X. DeGrocco, A
Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011),
no. 86; Paul Turner, Let Us Pray: A Guide
to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 702.
[10] McNamara, “Reading of Notices After Communion” (20 Sep. 2016), https://www.ewtn.com/catholicism/library/reading-notices-after-communion-4823; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General
Instruction of the Roman Missal, no. 86; Turner, Let Us Pray, no. 723.
[12] “Vào hầu hết
các lễ Chúa nhật và những ngày khác, luôn luôn là thích hợp khi chọn
hát một trong những Thánh vịnh mà bao đời nay có nội dung gắn kết với
việc tham dự bữa tiệc Thánh Thể, như Thánh vịnh 23, 34 và 147. Cũng
đã có sẵn một tuyển tập những bài ca phụng vụ có ý diễn tả niềm vui
và lòng say mến khi được chia sẻ bữa tiệc của Chúa” (MVTN 183).
[17] X. East Asian Pastoral Review, Celebrate Life in Liturgy, vol. 33 (1996): nos. 1-4, 109; Lawrence E. Mick, Worshiping Well (Collegeville: The
Liturgical Press, 1997), 94; DeGrocco, A
Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 86.
[19] Kevin W. Irwin, Responses
to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 47.
[20] X. Lucien Deiss, Visions
of Liturgy and Music for a New Century, trans. Jane M. A. Burton
(Collegeville: The Liturgical Press, 1996),
171.
[21] X. Peter Elliott, Ceremonies
of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 252:
footnote số 15, 94; USCCB Committee on Divine
Worship, “Exploring the
Relationship between the Penitential Act and Kyrie at Mass,” truy cập 22/04/2022, https://www.canticanova.com/articles/liturgy/art9da1.htm; Jeff Ostrowski, “Is the Kyrie part of the
Penitential Rite?” (Feb. 24,
2014), https://www.ccwatershed.org/2014/02/24/kyrie-part-penitential-rite/.
[23] X. Vincie, “The Mystagogical Implications,” trong A Commentary on the Order of Mass of the
Roman Missal, ed. Foley Edward (Collegeville: The Liturgical Press, 2011),
130.
[24] Historia
Francorum X. 1; PL 105. 1113f trích lại trong Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, 163; Gélineau, Liturgical Assembly, Liturgical Song,
trans. Bernadette Gasslein (Portland:
Pastoral Press, 2002), 105.
[25] X. Phạm Đình Ái, SSS, “Tinh thần của Nghi thức Thống
hối trong Thánh lễ,” trong Nhìn lại một số
Vấn đề Phụng vụ tại Việt Nam (1) (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), 97-102.
[29] Phạm Đình Ái, SSS, “Những phần nên hát trong mọi
Thánh lễ,” trong Nhìn lại một số Vấn đề Phụng
vụ tại Việt Nam, 255-273.
[31] X. Augustinô, “Bài đọc Kinh Sách thứ Ba Tuần XXIX – Mùa Thường
Niên”; Jeremy Driscoll, What
Happens at Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2005), 118; Phan Tấn
Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu,
256-258; Josef A. Jungmann, SJ, The Mass:
An Historical, Theological, and Pastorical Survey, trans. Julian Fernandes,
SJ (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 205.
[33] Phạm Đình Ái, Để
Nhớ đến Thầy (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2018), 361-62; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General
Instruction of the Roman Missal, no. 81.
[34] Đây là cử điệu của người đang cầu nguyện/van nài được
thực hiện trong tư thế đứng, khuỷu tay sát vào hai bên thân thể và hai tay dang
ra, còn lòng bàn tay thì ngửa hướng lên trên như chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước
(2 Mcb 14,34;15,12.21; G
11,13-15; Tv 68,32…): x. Charles Herbermann, ed., “Orans”, Catholic
Encyclopedia (New York: Robert Appleton Company, 1913).
[35] X. McNamara,
“Holding Hands at the Our Father” (18 Nov. 2003), https://www.ewtn.com/catholicism/library/holding-hands-at-the-our-father-4289.
[36] Musicam sacram
(5 March 1967), 34, AAS 59 (1967),
310.