Thánh

GIOAN BOATIXITA ĐINH VĂN THANH[1]

Thầy giảng (1796 - 1840)

Ngày tử đạo: 28 tháng 4

Quan lớn thương thì tôi sống, bằng quan lớn muốn bắt tôi bỏ đạo thì tôi bằng lòng chịu chết. Còn đạo thì tôi chẳng bỏ.

Thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh sinh năm 1796 tại làng Nộn Khê, xứ Hảo Nho, tỉnh Ninh Bình. Làng ấy khi trước thuộc về xứ Hảo Nho, nay thuộc về xứ Quảng Phúc, Giáo phận Phát Diệm. Cha mẹ cậu không có đạo. Năm mười tám tuổi, cậu theo đạo và lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở làng Phúc Nhạc.

Khi Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh đã lên bậc thầy giảng, thì bề trên sai thầy đi giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc.

Thầy Thanh có đức vâng lời, không làm sai ý bề trên bao giờ. Cha Khoan giao thầy giữ việc trại Đông Biên. Cha Khoan khen thầy là người chăm chút, siêng năng các việc và có tài riêng nữa.

Ngày 24-8-1837, thầy Thanh bị bắt tại Đông Biên cùng lúc với cha Khoan và thầy Hiếu. Cả ba vị bị giải lên tỉnh Ninh Bình.

Thầy Thanh hằng giữ lòng khiêm nhường, khi các quan tra hỏi thì thầy vẫn để cha Khoan thưa trước, rồi thầy thưa y như cha đã nói. Lần đầu tiên quan tra, thì thầy thưa rằng: “Tôi là đầy tớ đạo trưởng đây, người đã định làm sao, tôi cũng định như làm vậy. Bẩm quan lớn, quan lớn thương thì tôi sống, bằng quan lớn muốn bắt tôi bỏ đạo thì tôi bằng lòng chịu chết. Còn đạo thì tôi chẳng bỏ”.

Bấy giờ quan truyền đánh đòn, thì thầy chịu bằng lòng, chẳng mở miệng mà kêu một lời gì. Quan truyền đóng gông, đóng cùm mà giam thầy vào tù và lập án trảm quyết. Đêm trước ngày xử, thầy Thanh đọc kinh cả đêm.

Ngày 28-4-1840, quan cho xử cha Khoan và hai thầy giảng Hiếu và Thanh. Trên đường ra pháp trường ở chân núi Cánh Diều, ba vị vừa đi vừa hát kinh cảm ơn. Đến nơi xử, thầy Thanh đã lãnh án xử trảm. Đêm sau, giáo hữu đem xác thầy Thanh về Yên Mối, và sau đem về Phúc Nhạc.

Thầy giảng Gioan Baotixita Ðinh Văn Thanh được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ




[1] Có một số tài liệu ghi là Đinh Văn Thành, theo chữ Hán, nhưng tên thầy phải ghi là Đinh Văn Thanh 丁文清 . Chữ thanh  ở đây có nghĩa là trong sáng.