Thánh
Giám mục Hội Thừa Sai Paris (1802 - 1861)
Ngày tử
đạo: 14 tháng 11
Tôi có chết đi, người ta có thể tìm người thay thế, lâu lắm là một
năm; nhưng khi một linh mục bản xứ hay một chủng sinh chết đi thì phải mất
20-30 năm mới có người thay thế.
Thánh Étienne Théodore Cuenot sinh ngày
08-02-1802 tại làng Le Bélieu, thuộc Giáo phận Besançon, nước Pháp. Sau cách mạng
Pháp 1789, nhà thờ Bélieu bị đóng cửa, bố mẹ cậu âm thầm đưa cậu đi lãnh Bí
tích Thánh tẩy trong một vựa lúa bên cạnh nhà.
Gia đình vốn tương đối khá giả, nhưng vì chiến
tranh, mất mùa, dịch tả... ảnh hưởng đời sống kinh tế gia đình, ông bà không
còn đủ phương tiện chăm lo cho con. Mùa đông năm 1816, Etienne phải nghỉ học.
Bà đã mang cả chiếc áo cưới đi nhờ bác thợ may biến chế thành chiếc áo choàng
cho con. Trước cử chỉ cao đẹp âu yếm của thân mẫu, Etienne đoan hứa: “Ngày
nào làm linh mục, con sẽ may đền mẹ một áo khác cũng đẹp như áo này”. Ngày
23-7-1817, hội đủ điều kiện học vấn, cậu xin gia nhập Chủng viện Hội Thừa Sai
Paris và được thụ phong linh mục ngày 24-9-1825.
Xuống tàu tại hải cảng Bordeaux ngày
27-01-1828, cập bến Ma Cao và năm sau thừa sai Etienne đặt chân đến phần đất
Đàng Ngoài. Nhà thừa sai trẻ đầy nhiệt huyết khởi hành chuyến đi bộ dài 83 ngày
đến Giáo phận Đàng Trong. Đức cha Taberd - Từ gởi cha Etienne về Chủng viện Lái
Thiêu học tiếng Việt, nhận tên Việt là Trí.
Bốn năm đầu tiên tại miền đất truyền giáo, cha
Trí bị cơn bệnh lao hành hạ gần chết. Mùa xuân năm 1833, tình hình cấm đạo căng
thẳng, các thừa sai miền Nam Kỳ lục tỉnh phải lánh nạn sang Xiêm (Thái Lan) rồi
qua Phố Mới (Hạ Châu: Singapore). Ngày 03-5-1835, Giám mục Jean Taberd - Từ,
đang lánh nạn tại Penang, nhận được sắc phong của Tòa Thánh, đã tấn phong thừa
sai Etienne Cuenot - Trí làm Giám mục phó Giáo phận Đàng Trong.
Sau lễ tấn phong, Đức cha Cuenot - Trí xuống
tàu tại Hạ Châu trở lại thương cảng Cửa Hàn. Trở lại Đàng Trong, Đức cha Cuenot
đổi tên mới là Thể, ẩn trú tại họ đạo An Ngãi (Quảng Nam) trong ba năm để chăn
dắt đoàn chiên, về sau chuyển đến họ đạo kỳ cựu Gò Thị.
Nhận trách nhiệm Chủ Chăn, đối diện với tình
hình mục vụ trên phần đất truyền giáo Giáo phận Đàng Trong quá bao la, ngăn
sông cách núi, Đức cha Thể quyết định triệu tập Công Đồng tại Gò Thị. Công Đồng
Gò Thị nhóm họp vào các ngày 5, 6 và 10 tháng 8 năm 1841, nhằm định hướng, quy
định sinh hoạt mục vụ, ấn định việc ban hành các bí tích và chương trình huấn
luyện hàng giáo sĩ bản quốc. Đức cha Thể tích cực khuyến khích việc gửi chủng
sinh sang tu học tại Chủng viện Penang.
Đức cha Thể còn đề nghị Tòa Thánh phân chia
Giáo phận Đàng Trong thành hai Giáo phận: Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và Đông Đàng
Trong (Quy Nhơn). Sáu năm sau, năm 1850, Đức cha Cuenot - Thể xin cắt phần đất
phía Bắc Sông Gianh đến chân đèo Hải Vân làm thành Giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế)
và ủy thác Đức cha François Pellerin - Phan coi sóc.
Mùa xuân năm 1854, khi tình hình bách hại trở
nên gay gắt, Đức cha Cuenot - Thể cương quyết ở lại giáo phận, nhưng khuyên các
thừa sai và linh mục bản quốc tạm thời đưa số chủng sinh xuống miền Nam Kỳ lục
tỉnh, ruộng đồng mênh mông, sông nước bao la, để còn cơ hội sống sót và còn hy
vọng bảo toàn tương lai giáo phận. Trong thư gửi về Chủng viện Hội Thừa Sai
Paris, Đức cha viết: “Những nguy hiểm tôi trải qua trong năm 1854 còn hơn tất
cả những gì tôi đã chịu đựng trong 22 năm bách hại”.
Chúa nhật, ngày 27-10-1861, sau khi Đức cha
dâng Thánh lễ tại gia đình bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, quan quân vây kín
làng Gò Bồi. Đức cha Cuenot - Thể cùng với thầy Tuyên (đại chủng sinh) và thầy
Nghiêm (tiểu chủng sinh) kịp trốn xuống hầm, nhưng chưa kịp cất giấu đồ lễ vì vừa
dâng lễ xong. Vì chứng cớ ấy mà quân lính thề phá nhà, nếu không tìm thấy đạo
trưởng Tây Dương. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lưu bị đánh đòn 17
roi.
Sau hai ngày và một đêm ở dưới hầm, Đức cha và
hai thầy khát khô cả cổ. Vả lại, vì quân lính không bỏ đi nếu chưa bắt được Đức
cha, nên cha tự ra nộp mình. Vừa thấy ngài, quân lính tới trói tay chân ngài lại.
Hôm sau, Đức cha bị nhốt trong cũi đưa về tỉnh Bình Định. Hai thầy, bà Lưu và
hai người lân cận cũng bị mang gông giải đi. Về sau, tất cả cùng bị xử tử.
Do những căn bệnh nguy hiểm vùng nhiệt đới, Đức
cha đã chết trong tù ngày 14-11-1861, dưới triều vua Tự Đức. Án lệnh gửi từ triều
đình Huế có viết: “Tên Thể, đạo trưởng
Tây Phương, đã đến ẩn náu trong xứ này 40 năm nay, giảng tà đạo đánh lừa dân
chúng. Hắn đã bị bắt, bị thẩm vấn và đã thú nhận. Chính lẽ ra phải trảm quyết,
bêu đầu, nhưng nay đã chết trong tù vì bệnh tật. Dù sao xác cũng phải buông
sông”.
Nhận được án lệnh từ kinh đô Huế, quan trấn ra
lệnh quật mộ Đức Cha. Tuy đã bị chôn ba tháng, nhưng lạ thay, xác Đức Cha vẫn
còn nguyên vẹn. Người ta bỏ xác Đức cha vào trong một chiếc thúng lớn đặt trên
ghe rồi chèo ra sông, đến ngang làng Phong thì binh lính liệng chiếc thúng xuống
dòng sông.
Giám Mục thừa sai Étienne Théodore Cuenot – Thể
được nâng lên hàng chân phước ngày 02-05-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày
19-06-1988.
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ