Thánh

ANRÊ TRẦN AN DŨNG (LẠC)

Linh mục (1795 - 1839)

Ngày tử đạo: 21 tháng 12

Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy, đừng chuộc tôi làm gì.

Thánh Anrê Trần An Dũng sinh năm 1795 tại thị trấn Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi cha mẹ vào Kẻ Chợ[1], cậu Trần An Dũng cũng đi theo và xin vào đạo. Cậu ở nhà xứ với Cố[2] Chính Lan, bề trên Tiểu chủng viện Kẻ Vĩnh.

Anrê Trần An Dũng sáng dạ cách lạ lùng, xem từ gì hai lần liền thuộc. Người thông chữ Nho và tiếng Latinh. Tính người hòa nhã vui vẻ cùng lịch sự phần đời, cho nên các thông lại và những người chữ nghĩa cùng nể trọng. Người học chủng viện ba năm, rồi chịu chức linh mục vào ngày 15-3-1823.

Người được cử về giúp cha Khiết ở xứ Đồng Chuối bốn tháng, rồi giúp cha Thi ba năm, sau giúp cha Duyệt ở xứ Sơn Miêng. Đức cha Du sai cha Anrê Trần An Dũng làm chính xứ trong Thanh độ ba bốn tháng, rồi làm chính xứ Kẻ Đầm. Bấy giờ cha Anrê Trần An Dũng đã ngoài bốn mươi tuổi.

Cha Anrê Trần An Dũng giảng rất sốt sắng, việc phần đời phân xử rạch ròi. Cha cư xử nhẹ nhàng nên bổn đạo ai cũng vâng phục. Cha ăn mặc đơn sơ, giữ chay trọn mùa chay cùng các ngày quy định ăn chay trong năm.

Dù đang lúc bị bắt đạo, cha vẫn năng hỏi thăm và giúp đỡ những người nghèo. Khi được đón đi giúp kẻ liệt, cha không cho đầy tớ theo sợ họ bị quan lính bắt. Cha thường sai các thầy đi lại các họ đạo, giục người ta đến gặp cha để xưng tội.

Cha Anrê Trần An Dũng lập nhà xứ trong làng Kẻ Sui được bảy tám tháng thì bị bắt giải lên quan phủ. Bấy giờ, tổng Thìn đưa sáu nén bạc cho quan huyện Hào Khánh ở Đôn Thư, cùng cậy liệu việc với quan phủ cho cha khỏi bị án. Ông huyện ăn bốn nén, đút lót cho quan phủ hai nén mà thôi, cùng thưa rằng: “Cậu tôi về xem lễ ở Kẻ Sui và quan bắt thì xin tha cho cậu tôi”. Ông huyện nói với quan phủ rằng cha là cậu ông ấy, cho nên quan phủ tha cho cha về. Nhân vì sự ấy, cha Anrê Trần An Dũng phải cải tên là Lạc.

Về sau, cha Dũng Lạc bị lý Pháp cùng bốn đầy tớ bắt làm một với cha Thi khi hai cha đến xưng tội với nhau. Giáo hữu lo tiền để chuộc nhưng hai cha bị quan huyện bắt lại vào ngày 10-10-1839.

Có giáo hữu định cầm cố cả cơ nghiệp lấy tiền mà chuộc hai cha và viết thư cho cha Lạc rằng: “Lạy cha! Cha chịu tử vì đạo thì được một mình Cha lên Thiên Đàng, nhưng nếu Cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ, xin Cha nghĩ lại”. Người nhà quan cũng đã nói rằng: “Hễ khi có tiền, thì chúng tôi bỏ người vào võng mà võng ra”. Thế nhưng, cha Lạc cấm và nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy, đừng chuộc tôi làm gì”.

Qua ba ngày, quan huyện giải hai cha lên Kẻ Chợ. Đến tỉnh, hai cha bị tra hỏi ba lần. Khi quan án bảo bước qua thập giá để quan tha, các cha cương quyết chẳng chịu. Hai cha biết chắc mình sẽ bị xử quyết, thì hằng đọc kinh cầu nguyện dọn mình. Cha Lạc yên ủi Cha Thi rằng: “Ta hãy chịu khó ít nữa để ta được gặp Cha Cả”.

Ngày 01-11-1839, ông tổng Thìn dẫn cha Trân đưa Mình Thánh vào cho hai cha. Ngày 21-12-1839, hai cha bị đưa ra bãi ngoài cửa ô Cầu Giấy. Cha Lạc thưa với quân lý hình: “Quan sai các ông thì các ông cứ việc, tôi xin các ông thong thả cho tôi một chốc”.

Cha Lạc chắp tay cầu nguyện một ít lâu rồi cùng chịu xử trảm với cha Thi. Các tín hữu rước thi hài hai đấng tử đạo về an táng tại nhà bà Lý Quý, gần Cầu Giấy, sau đó chuyển về nhà thờ Hà Nội và được lưu giữ cho đến ngày nay.

Linh mục Anrê Trần An Dũng Lạc được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ



[1] Kẻ Chợ: thành phố lớn, nay là Hà Nội.

[2] Cố: cách xưng hô với linh mục thừa sai.