TẦM QUAN TRỌNG CỦA NIỀM TIN ĐƯỢC GIEO TRỒNG TỪ GIA ĐÌNH

M. Thécla Trần Thị Giồng - Dòng Đức Bà (CND)


I. NHỮNG GÌ QUÝ NHẤT CẦN ĐỂ LẠI CHO THẾ HỆ SAU?

- Với những phụ huynh: niềm tin
- Với những người công giáo: niềm tin
- Với các nhà giáo dục: niềm tin
- Với các nhà lãnh đạo và những người có trách nhiệm trong giáo hội, xã hội: niềm tin

Phải, niềm tin là điểm tựa vững chắc nhất cho một đời người.

Trước hết là xây dựng cho con cháu, học sinh, đàn em, cho hậu bối một niềm tin vào bản thân. Nếu không tin vào bản thân thì làm sao có thể dám tiến bước vào đời, dám dấn thân, dám sáng tạo, dám chịu trách nhiệm... và ngay cả dám sống theo niềm xác tín và ước mơ của riêng mình?

Niềm tin của trẻ vào cha mẹ, thầy cô hay người lớn chính là yếu tố tối cần để lời dạy dỗ của người lớn có uy tín, có hiệu quả. Nếu mất niềm tin đó, trẻ sẽ trở nên như đui, như điếc, và nguy hơn là trẻ sẽ có thể trở nên vô cảm trước những gì người lớn muốn truyền đạt.

Niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, vào xã hội, vào những người chung quanh... sẽ là nguồn hứng khởi giúp người trẻ hăng say tiến bước, nỗ lực để đạt mục tiêu và dự tính của đời mình, sẽ đứng vững giữa những khi sóng vỗ triều dâng... Trái lại, nếu mất niềm tin vào cuộc sống, người trẻ sẽ mất sinh lực, mất hứng thú, mất hướng đi. Khi đó, chúng sẽ buông xuôi không cố gắng để chiến đấu với bản thân để vượt qua, để đứng dậy sau những vấp ngã, để có một ánh sao mà vươn tới.

Niềm tin vào Giáo Hội sẽ giúp người trẻ sống đức tin của mình, soi sáng cho chúng biết phải hướng về đâu để tìm ra của ăn tinh thần trong xã hội vật chất và tục hóa này. Người trẻ sẽ biết chạy đến cùng ai để tìm sự trợ giúp, dẫn dắt họ tìm ra ý nghĩa của đời mình.

Niềm tin vào Chúa là điều tối ư quan trọng. Phải, đâu là điểm tựa chắc chắn nhất cho suốt đời người. Trên hành trình cuộc sống, có lắm hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng đầy dẫy cạm bẫy. Ai có thể lấp đầy khát vọng của con tim? Tình người dù cao cả mấy chăng nữa như tình cha, tình mẹ hay tình vợ chồng, tình yêu nam nữ... cũng không gì bảo đảm chúng sẽ kéo dài và chắc chắn. Nhu cầu yêu thương nơi mỗi con người luôn da diết ! Điều này có thể thấy nơi thánh Âu tinh. Một người, hơn ai hết sau bao năm lao mình tìm kiếm lấp đầy những trống vắng của cõi lòng vẫn chưa thỏa cơn đói, khát của con tim: “lòng con luôn khắc khoải bao lâu chưa được an nghỉ trong Chúa”. Nhờ tìm lại được niềm tin vào Chúa mà thánh nhân có phúc hơn biết bao người đã vô vọng khi đối diện với cái vô nghĩa trong đời mình. Cuối cùng cái chết là con đường họ tìm đến.

Thật vậy, Chúa, chỉ có Chúa mới lấp đầy cơn khát của con tim nhân loại. Đó là niềm xác tín của biết bao người, và của riêng tôi khi chiều tím cuộc đời đang buông xuống.

Ai có thể gieo trồng niềm tin vào Chúa trong lòng mỗi người khác hơn là cha, là mẹ, là gia đình? nơi mà bầu khí và cách giáo dục chính là thửa đất màu mỡ hay khô cằn? nơi hạt mầm đức tin trở nên vững mạnh hay èo uột.

Niềm tin vẫn luôn quan trọng trong mọi khía cạnh của đời người. Nhưng với khuôn khổ của bài này tôi chỉ xin được đề cập đến Niềm tin vào Chúa trong bối cảnh GIA ĐÌNH thôi.

Thương con, cha mẹ nào cũng muốn cho, muốn tặng, muốn trao, muốn hiến… cả cuộc đời mình cho con. Cha mẹ có tiếc gì với con đâu? Thế nhưng, không phải những gì cha mẹ muốn trao, con cái đều nhận lãnh và làm sinh hoa kết trái trong đời mình, cũng như không phải những gì cha mẹ cho con đều tốt cho chúng cả đâu !

Trong muôn vàn quà tặng cho con, đâu là món quà thật sự cần ích và lâu dài?

Tiền của ư?

Con em chúng ta có thể tiêu xài hoang phí hay trở nên lười biếng, có khi sẵn có nhiều tiền người ta đâm ra ăn chơi, hư hỏng phá huỷ cả cuộc đời của mình, ảnh hưởng cùng gây khổ đau cho những người thân yêu. Lắm lúc vì cuộc sống dễ dãi, mọi thứ đều có sẵn, con em chúng ta không biết quý trọng công sức của cha mẹ, giá trị của việc làm, hoặc cảm thông với người lao động, kẻ thiếu thốn… Sẵn tiền, trẻ có thể trở nên ỷ lại, không cố gắng tự lo cho bản thân và gia đình, tiềm năng không dùng đến sẽ bị mai một lãng phí. Một mặt nào đó, lắm phen “tiền thì quá bạc” !

Học thức ư?

Đây là món quà khó có ai lấy mất được, nhưng còn tuỳ thuộc vào bản thân trẻ, chúng có tận dụng vốn liếng ấy hay không? Người xưa thường nói: Để lại cho con ba dãy nhà ngói, cũng không bằng để lại cho con chút chữ nghĩa. Vốn liếng học thức giúp con em tự lo cho cuộc sống, thêm hiểu biết về nhiều mặt. Tuy vậy, những khi phong ba bão táp, những lúc thăng trầm hay gặp nghịch cảnh trong đời, dường như chúng chẳng giúp gì mấy.

Một nền giáo dục nhân bản ư?

Điều này thật sự có ích lâu dài, vì con em có thể dùng chúng bất cứ nơi đâu và với ai, Dạy con biết ứng xử, biết theo đuổi những gì mang lại giá trị và làm thăng tiến đời sống tinh thần là một vốn quý. Được giáo dục tốt chính là trang bị cho con hành trang để chúng có thể đi xuyên qua cuộc đời tương đối an toàn. Nhưng còn những lúc đau buồn, khổ nhục thì sao? Sợ rằng nền giáo dục nhân bản sâu xa cũng không thể đáp ứng những khát vọng về đời sống tinh thần hay giúp vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Một lòng TIN ư?

Phải, niềm tin vào bản thân và tin vào Chúa là hai món quà mà theo kinh nghiệm nhỏ bé của tôi, sẽ có giá trị lâu dài và giúp con em chúng ta trong trường đời. Tại sao hai điều này lại quan trọng như thế? Vì lòng tin chính là sức mạnh tự thân giúp con em chỗi dậy sau những vấp ngã, là sức mạnh giúp đứng vững và tiếp tục tiến bước trước những thách đố và cạm bẫy, trở ngại… trong đời.

Trong khuôn khổ của bài này, xin được phép chỉ đề cập đến Niềm tin vào Chúa thôi.

II. NIỀM TIN VÀO CHÚA

Trên đời, chúng ta luôn cần một điểm tựa. Thường tình cho thấy chỉ có những người yêu thương chúng ta mới là điểm tựa vững chắc nhất, như cha mẹ, vợ chồng, con cái hay anh chị em, và một số người thân thương…. Những khi cần, chúng ta có thể tựa nương nơi họ để đứng vững và tiếp tục bước đi… Nhưng phận người, dù thân cận đến đâu cũng không thể ở bên chúng ta mãi mãi, cũng không thể đồng hành với chúng ta trong mọi giây phút. Và nhiều lúc còn không hiểu chúng ta. Nhưng có một NGƯỜI thật sự yêu thương chúng ta hết mình. Một NGƯỜI mà chúng ta có thể chạy đến nương tựa bất cứ nơi đâu, và bất cứ lúc nào trên chặng đường lữ hành của chúng ta. Làm sao để con em biết, gặp gỡ và cảm nghiệm được điều này? Người đó là AI?

Chính Thiên Chúa. Phải, chỉ Mình Ngài. Làm sao cho con em chúng ta cảm nghiệm được điều này? Chắc chắn không ai khác hơn là cha mẹ, làm sao đưa con em đến với:

- Một Người luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường
- Một Người luôn yêu thương, và luôn đem điều tốt lành cho chúng ta, dù đôi khi Ngài đã phải dùng “thuốc đắng”.
- Một Người thấu hiểu tận sâu kín của cõi lòng
- Một Người mà chúng ta có thể trút hết mọi nỗi buồn vui cuộc đời.
- Một Người mà chúng ta có thể nương tựa một cách an toàn, vững chắc.
- Một Người mà chúng ta có thể đặt trọn vẹn niềm tin mà không phải lo sợ bị phản bội vì Người ấy luôn trung tín.
- …

Chỉ có Chúa mới trọn hảo trong tình yêu thương và giúp đỡ. Vậy xin Phụ huynh luôn thao thức và tìm mọi phương thế dạy cho con về Chúa. Đây là món quà vô giá, là điều cần thiết và ưu tiên nhất và cũng là gia sản phụ huynh có thể để lại cho con: NIỀM TIN vào CHÚA. Làm sao để chuyển tải niềm tin của chúng ta cho con em? Qua kinh nghiệm, chúng ta đã biết có trăm phương, ngàn cách. Ở đây chỉ xin gợi lên vài ý cơ bản nói ra ai cũng biết, nhưng hôm nay chúng ta xem như nhắc nhở nhau vậy.

Trước hết xin được đưa ra một hình ảnh cụ thể về tình Chúa đậm nồng biết bao!:

Chúng ta thấy cửa nhà tạm hay bàn thờ của một số thánh đường có hình chén Thánh và hai con chim Bồ Nông, loài chim khi không tìm đủ thức ăn cho con, chúng lấy chính máu mình để nuôi con. Hình ảnh này đã gợi cho tôi những suy nghĩ sau đây:

Đây là biểu tượng tình thương. Tình Chúa đối với mỗi người và tình thương cha mẹ dành cho con. Thương đến cho đi tất cả, kể cả bản thân mình. Máu là dấu hiệu của sự sống, hiến máu mình là cho đi chính cuộc sống của mình. Yêu thương là thế đấy !

Khi trải qua kinh nghiệm nuôi con, chúng ta mới hiểu một cách thấm thía lời Chúa:

“Không ai thương yêu cho bằng kẻ hy sinh tính mạng cho người mình thương yêu”

Nhiều lần tôi đã được nghe các vị làm cha mẹ chia sẻ: « Tôi có tiếc gì với con tôi đâu, cuộc đời tôi có còn lo gì cho bản thân, tất cả chỉ vì con tôi thôi.»

Có khi nào quý ông bà lấy chính kinh nghiệm yêu thương con cái để nghĩ đến tình Chúa đối với bản thân mình không?

Hạnh phúc của con em là chính hạnh phúc của giới phụ huynh. Hầu như các bậc làm cha mẹ thường chăm lo cho cuộc sống của con em còn hơn là của chính mình.

Ai cũng mong muốn nhìn thấy con em mình lớn lên, vững vàng trong đức tin, bền lòng trông cậy và thờ phượng mến yêu Chúa, thành đạt, giàu có… và còn nên thánh nữa chứ?


Phụ huynh có thể chứng tỏ lòng yêu con đích thật qua những điều cụ thể nào?

Chắc chắn có trăm ngàn cách yêu, sau đây xin được đưa ra vài gợi ý.

1. Cầu nguyện, kiên trì cầu nguyện…

“Hãy truyền đạo đức cho con cái.. Chính đạo đức mới làm cho con cái quý vị sung sướng chứ không phải bạc vàng”. – Beethoven

Giả như con cháu chúng ta không nghe lời dạy dỗ, nó hư hỏng, khô khan… chúng ta đã và sẽ làm gì? Một tấm gương yêu con rất cụ thể mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe nói đến: Trước đứa con hư hỏng và bỏ Chúa, bà đã làm gì để biến đổi đứa con trai hư đốn của mình trở thành một giám mục, một vị thánh lớn của giáo hội, một người yêu mến Chúa hết lòng hết sức mình. Điều gì đã làm nên phép lạ này? xin mời quý phụ huynh suy nghĩ những lời ca sau đây về một người mẹ rất bình thường, nhưng là một người mẹ thánh: Monica

 “Monica, người mẹ mẫu gương,
mười mấy năm trường khóc con xa lạc,
chỉ mong con mau bước trở về,
…về nguồn chân lý duy nhất đời con,
về cùng Thiên Chúa hoan lạc đời con”

Người mẹ này không mong con trở về với mình, mà mong con trở về cùng Thiên Chúa.. Cái khác biệt của người mẹ thánh là ở chỗ này.

“Monica, trọn kiếp gian trần ước mơ một điều,
chỉ mong con nên thánh nên người,
Lời kinh nước mắt lay chuyển lòng con,
lời kinh tha thiết biến cải đời con.”

Một người mẹ suốt đời chăm lo cho con nên thánh nên người

 “Monica, ngời sáng gương lành đức tin can cường… 
Tình mẹ tha thiết thấu tận trời mây.”

Nước mắt và sự cậy tin kiên vững của Monica đã lay động lòng Trời, và Chúa đã nhậm lời cầu xin của người mẹ khổ đau nhưng luôn cậy dựa vào ơn Chúa giúp.

“Chúa đã lắng nghe lời, 
lời nguyện xin trong âm thầm nước mắt. 
Chúa chúc phúc cho người, 
Hằng cậy trông không nao núng sờn lòng”.

2. Dạy con về Chúa: Gương sống

“Tất cả trẻ con, dù ở tuổi nào cũng vậy, đều bịt tai trước những lời khuyên răn dạy bảo, nhưng chúng sẽ chăm chú, mở mắt thật to nếu người lớn làm gương cho chúng” – Thetablet

Đầu óc con trẻ như những tờ giấy trắng, như đất sét mềm mại; muốn cho con trở nên như thế nào, chúng ta cần uốn nắn từ khi trẻ còn nằm trong nôi, từ khi bập bẹ biết nói, biết đi. Chúng ta cần rót vào tai chúng những lời kinh, lời phúc âm, lời hát ru mang tính đạo đức, hát các Thánh vịnh, ngâm những bài thơ đạo hay và ý nghĩa… gieo vào đầu trẻ những ước muốn lành thánh, đưa vào mắt chúng những cử chỉ đạo đức như làm dấu Thánh Giá trước khi ăn, chắp tay, phủ phục trước Mình Thánh,… Gợi ý hướng dẫn con hướng đến những ước mơ mà chúng muốn xây đắp cho bản thân: “Khi lớn lên, CON MUỐN TRỞ NÊN… người như thế nào?”

Chắc chắn thánh Âu Tinh trong thời gian sống phóng đãng, vẫn còn vẳng bên tai những lời của mẹ nhắc nhở, Chính những gì bà Monica đã gieo, tạo nên sự giằng co trong tâm hồn… cho đến khi Thánh nhân dứt khoát trở về với Chúa…

3. Tạo cho con một môi trường lành mạnh

“Tình yêu của tuổi thanh xuân cao sáng, bao giờ cũng hướng tới sự cao thượng” – M. Goethe

 Tuổi trẻ rất nhạy bén về những giá trị đạo đức, tâm trí chúng còn trong sáng, phụ huynh cần gieo vào đầu trẻ những tư tưởng hướng thượng, quảng đại.

  Kể cho con cháu nghe chuyện các thánh, những gương sống tốt trong xóm, trong gia tộc… trẻ sẽ thích -> sẽ say mê –> và sẽ muốn bắt chước theo.

  Giải thích cho con về ý nghĩa những việc mình làm hay không làm (Ví dụ: Con có biết tại sao ba/má giúp người này nhiều hơn người kia không?... Con có biết tại sao ba làm thinh khi mẹ cằn nhằn không?...tại sao ba phạt hay khen con?… ).

Người Do Thái trong các dịp lễ lớn, con cháu tụ họp lại nghe ông bà kể chuyện lịch sử của Dân Chúa, Chúa đã thương và can thiệp vào đời sống của dân như thế nào? Và thế là những giá trị truyền thống được tiếp nối.

  Một gia đình chăm chuyên nghe nói về Chúa, sáng tối đọc kinh, lắng nghe và chia sẻ phúc âm, gia đình nhường nhịn nhau, nghĩ đến nhau, lo cho nhau (ví dụ: con nhớ dắt bà đi chậm nha, con nhớ để dành phần cho chị đi học về trễ…) Thật đúng là:trăm nghe không bằng mắt thấy”. Chính cha mẹ và người trong nhà làm việc lành cho con em thấy, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không ngờ.

 Giúp tìm bạn tốt cho con chơi, để ý xem những sách con đọc, phim con xem… những câu chuyện con kể… nhắc nhở học giáo lý… viếng Thánh Thể… cầu nguyện và cám ơn Chúa trong mỗi việc may lành hoặc khó khăn… (dẫn con cháu nhỏ đi nhà thờ, đi thăm người bệnh…)

4. Truyền cho trẻ một LÒNG TIN vững chắc

Mỗi lần làm phép lạ, Chúa đều dựa trên lòng tin của người cầu xin. “Đức tin của con đã cứu con”. Đức tin có sức mạnh vô lường. «Nếu con có đức tin bằng hạt cải, con sẽ chuyển được núi... ». Đời sống đức tin hay những lời tuyên xưng hoặc chứng tỏ niềm tin đều cần được truyền đạt dần dần cho trẻ, nhất là kể cho trẻ nghe những phép lạ Chúa làm trong Phúc Âm… Giúp trẻ biết chạy đến kêu cầu, phó thác đời mình, và mọi việc… trong tay Chúa, tin Ngài dẫn dắt, ban ơn khi cần… Một đức tin được chứng tỏ qua hành động. Chúng ta có cơ sở để phó thác, cậy trông vì Chúa đã dặn dò chúng ta:

 “Ơn Cha đủ cho con,”

“Đối với Thiên chúa mọi sự đều có thể...”

Chúng ta đã nhận được đức tin, một ơn huệ lớn lao vô cùng, cần trân trọng gìn giữ và chuyển giao lại cho con cháu. Thú thật trong đời sống, chắc chắn ở cảnh đời nào, chúng ta cũng đều có những lúc khó khăn như dòng sông có khúc trong, khúc đục… Chính qua kinh nghiệm sống, bản thân tôi cũng như biết bao anh chị em khác, chúng ta rất biết ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ… vì chính nhờ Đức Tin mà các vị chuyển trao, đã giúp chúng ta cậy dựa vào Chúa để có sức vượt qua những sóng gió và thăng trầm của cuộc đời với tâm hồn an bình cho đến ngày nay.

Niềm tin như chiếc la bàn, như người dẫn lối. Điều cần là làm sao chuyển giao cho trẻ càng sớm càng tốt.

Dạy trẻ tin Chúa hiện diện, luôn gần gũi chúng ta “Chúa ở khắp mọi nơi”, nhất là trong bí tích Thánh thể: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Mt 28:20…

Chuyện kể rằng: Một cha xứ, ngày nào cũng thấy một ông cụ già ngồi trong nhà thờ thật lâu, và ông cũng chẳng làm gì đặc biệt, chỉ ngồi đó thôi. Một hôm, cha sở lại gần và hỏi ông cụ tại sao ngày nào cũng đến ngồi đó. Ông cụ mỉm cười trả lời: “Tôi nhìn Chúa, Chúa nhìn tôi, và chúng tôi hạnh phúc...”

Chúa Giêsu trong Thánh Thể, Ngài ở đó mỗi ngày. Chờ đợi con cái mình… chúng ta cần giúp con em tập thói quen khi buồn cũng như khi vui, năng chạy đến với Chúa. Chúa đang chờ đợi để ban ơn, chia sớt những khổ đau vất vả của mỗi người.

“Hãy đến với ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho…”

Chúng ta cùng nhìn vào Đức Kitô, Ngài chỉ trở về với Chúa Cha sau khi đã cho chúng ta đến giọt Máu cuối cùng, như thế Ngài mới yên tâm – phụ huynh cũng cần trao cho con cháu kho tàng đức tin như thế mới tròn trách nhiệm làm cha mẹ được.

5. Vai trò và ảnh hưởng của người mẹ:

“Hôn nhân là một cuốn phim, trong đó người chồng chỉ giữ việc phân cảnh và dọn trang trí cảnh vật. Chính người vợ mới thực hiện phần âm thanh và đạo diễn” – Tư Phúc

Cả gia đình đều ảnh hưởng trên mỗi người, nhưng mẹ chính là người gần gũi con, theo sát và hiểu con nhiều nhất. « Con hư/nên tại mẹ, cháu hư/nên tại bà” ! Một người mẹ bình thường đã mang nhiều trách nhiệm, người mẹ công giáo còn là người ươm cây đức tin. Các chị em phụ nữ có trách nhiệm trước mặt Chúa về những đứa con Chúa trao ban. Làm sao để theo gương Thánh Monica, cầu nguyện cho đến khi Chúa hoán cải con mình.

Nhờ sự giáo dục và gương sáng đạo đức… biết đâu trong con cháu quý phụ huynh sẽ có một thánh Âu Tinh, một Têrêsa, một Vinh Sơn và nhiều vị thánh khác nữa… Giáo Hội không chỉ có các Thánh lớn, nhưng còn có những thánh âm thầm, nhỏ bé trước mặt Chúa.

Phúc thay gia đình nào đã có những đứa con đạo đức thánh thiện, có một Đức Tin vững chắc vào Chúa!

III. THẾ HỆ SAU, LIỆU NIỀM TIN CÓ CÒN NỮA KHÔNG?

Phần này xin được mạo muội chia sẻ vài tâm tình riêng tư. Nếu là riêng tư, chắc sẽ chủ quan và khiếm khuyết, hơn nữa, chuyện lòng bao giờ cũng khó nói; nhưng với chân tình, xin được chia sẻ cùng những phụ huynh đang lo lắng nghĩ đến việc để lại những gì cho thế hệ mai sau.

Sau 40 năm làm nghề giáo: giáo dục đức tin, kiến thức cũng như nhân bản. Kinh nghiệm của tôi cũng lớn dần theo năm tháng, từ lớp vườn trẻ, cấp một, hai cho đến đại học. Từ giới trẻ, cho đến các bậc có trách nhiệm đạo đời… và nhất là đã nhiều dịp tôi được hân hạnh tiếp xúc với các vị ở độ tuổi “gió heo may” cũng như tuổi “thu - đông”. Song song với bục giảng, qua Tư Vấn Tâm Lý, tôi còn có dịp nghe những câu chuyện lòng, lắm lúc cảm thấy tim mình như bị xé ra nhiều mảnh. Đúng là tôi đang dài dòng, nhưng điều gì còn đọng lại trong tôi qua chừng ấy năm tháng tiếp xúc với những con người”?

Xin được thưa rằng cảm nhận đầu tiên của tôi là “con người” kỳ diệu quá, nhưng phức tạp quá, mong manh quá ! Chính vì cái mong manh này mà vai trò gia đình quá quan trọng và bức thiết. Đó là cảm nhận thứ hai.

Càng ngày tôi càng xác tín: Gia đình chiếm vị trí tối ưu trong cuộc đời mỗi người, là gốc là rễ, từ đó cây đời của mỗi người được hình thành và định dạng, định giá, định cả tương lai về tinh thần cũng như thể chất. Mỗi lần nhìn thấy hay biết được những người cha, người mẹ và cách họ sống cũng như dạy con, tôi có cám dỗ mường tượng về tương lai những đứa con của họ sau này. Chắc chắn còn nhiều yếu tố khác như môi trường, tâm tính và tự do của mỗi người. Tuy thế, phần đóng góp của gia đình trong đời mỗi người vẫn là cơ bản.

Điều cảm nhận thứ ba là sự biết ơn. “Tạ ơn Chúa đã cho con được sinh ra trong một gia đình có đức tin. Cám ơn cha mẹ đã chuyển tải đức tin lại và nuôi dưỡng nó lớn lên trong tâm hồn con”. Qua những thăng trầm của một đời nay đã chuyển sang thu, ngẫm nghĩ lại xem đâu là điều quý giá nhất trong đời? Niềm xác tín của tôi không gì khác hơn là được sinh ra và nuôi dưỡng trong một bầu khí gia đình mà mọi sự luôn hướng về Chúa.

Ngay khi chưa chào đời, từ trong lòng mẹ hầu hết con trẻ trong gia đình công giáo đã cùng mẹ đến nhà Chúa dự lễ, đọc kinh, đã cầu nguyện, nhớ đến cùng kêu cầu Chúa nhiều phen trong ngày. Mẹ làm gì con đều được thông phần ngay từ khi chưa chào đời. Cũng thế. Khi được sinh ra hai hôm thì cha mẹ tôi vội vã cho tôi nhập hàng con Chúa. Khi có trí khôn, tôi còn nhớ cha tôi bảo rằng Làm con Chúa sớm ngày nào hay ngày ấy”. Cái niềm tin đơn sơ đó phải chăng đã chuyển tải phần nào cho con. Cũng trong dịp rửa tội ấy, cha tôi bảo “cha dâng con cho Đức Mẹ rồi”.

Ngày qua ngày, đã cùng gia đình đọc kinh thờ phượng Chúa. Và đồng thời mỗi việc, mỗi biến cố lớn nhỏ trong nhà đều luôn hướng về Chúa. Xin vâng ý Chúa”, “Xin Chúa cho xảy ra sao cho đẹp lòng Chúa”, “Xin Chúa phù hộ…”. Dường như nhiều mẫu đối thoại trong nhà tôi đều có Chúa trong nội dung. Khi còn quá bé tôi không ý thức được, nhưng khi thấy cha mẹ tôi dạy các cháu, tôi chắc mình cũng đã lớn lên như thế. Dù trẻ còn bồng trên tay, nhưng mỗi lần đi ngang qua tượng Chúa, tượng Mẹ, đều được nhắc nhở: “Lạy Chúa, lạy Mẹ đi con”. Khi con trẻ bập bẹ biết nói, hai tiếng đầu tiên được học chính là “Giêsu, Maria” chứ không phải tiếng ba hay . Được hỏi bé là con ai, trẻ trong nhà tôi được dạy là “con Chúa” hoặc khi hỏi bé là cháu của ai? câu trả lời luôn là “cháu bà Maria”, chứ không phải con ông nọ cháu bà kia. Lời ru của mẹ mỗi ngày à ơi bên tôi trong suốt tuổi thơ đó là truyện thánh A-Lê-Xù (Alexis) bằng thơ mà nay vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi.

Càng nhớ tới, lòng tôi càng dâng lên niềm vui nhẹ nhàng, vì nhờ là người công giáo mà bao nhiêu trẻ em và tôi có thể hưởng được một tuổi thơ lành mạnh. Bên cạnh đó tôi vẫn luôn ý thức rằng: Gia đình mình cũng như các gia đình khác đều có nhiều giới hạn và khiếm khuyết riêng.

Suy đi rồi nghĩ lại, tôi còn có những nỗi lo: Sợ rằng bây giờ cũng như mai ngày, tương lai con cháu mình có được những người cha, người mẹ, mộc mạc, chất phát nhưng trong lành và đức tin vững mạnh như thế không? Khi ý thức rằng mình là thế hệ trung gian giữa các thế hệ. Nhìn lên, thấy lòng đạo đức của cha, ông sao quá sâu đậm. Từ thế hệ ông bà nội, họ là những người dám sống và chết cho đức tin. Bà nội tôi đơn độc sống sót sau thời bắt đạo, vì còn quá bé, bảy tuổi ẩn trong đám lúa khi cả nhà bị càn quét bắt đi. Ông nội trên đôi má vẫn còn dấu vết bốn chữ: “Thừa Thiên tà đạo” được khắc sâu. Đến thời cha mẹ tôi, rồi thời chúng tôi, đời sống đạo đã phai dần, nhìn xuống thấy cháu chắt, đức tin đã lơi là lỏng lẻo. Một số khá đông phải rời quê nhà tản mác lo sinh sống, môi trường sống đạo không còn là cái khung che chở như xưa, thêm vào đó, một số lập gia đình với những người ngoài công giáo. Dù theo đạo và sống tốt đẹp mấy đi nữa, con cháu cũng không được hưởng gia tài đức tin như chúng tôi hồi thơ bé.

Làm sao người ta có thể cho điều mình không có? Vì thế, niềm đau của tôi là thấy các thế hệ sau trong gia đình, đời sống đạo dần dần mai một đi, và đức tin cũng trở nên èo uột vì hạt giống đức tin không được nuôi dưỡng, vun tưới đầy đủ ngay từ khi còn là những mầm non. Trông qua những gia đình khác, tôi cảm thấy cũng không khác chi mấy.

Nỗi bận tâm của những người lớn trong gia đình: Với thời gian dần qua, các thế hệ tiếp nối, con, cháu, chắt của những anh chị tôi bây giờ liệu còn có đức tin và sống đạo nữa không? Nếu còn, đó là loại đức tin và lối sống đạo nào đây???. Thiết nghĩ đây là vấn đề chung của mỗi gia đình công giáo.

Chúng ta, những người có trách nhiệm, làm gì để “chuyển lửa - niềm tin” cho con em các thế hệ đang đến, và sẽ đến trong tương lai? Dù biết nhiều gia đình, nhiều lớp trẻ còn có đức tin và lòng gắn bó với Chúa rất sâu xa. Tôi vẫn thao thức: làm sao để củng cố đời sống đạo trong gia đình công giáo? Giáo lý cần được chuyển tải như thế nào? khi mà môi trường sống hiện nay là thửa đất tốt cho vật chất, cho của cải, kiến thức, cho giao tiếp nảy mầm, nhưng là rào cản cho hạt giống đức tin phát triển. Đó là nói đến những gia đình đã được gieo hạt giống tốt, còn những thửa đất không được đón nhận hạt giống, hay những hạt mầm đã bị phân hoá, biến dạng thì làm sao cây đức tin mọc lên và sinh hoa kết trái?

Để kết thúc, xin được mạn phép kể câu chuyện một người Nga, ông đã trở thành linh mục và quay về với đạo nhờ đức tin của bà nội. Đây là một chứng từ trước không biết bao nhiêu người trẻ trong ngày giới trẻ thế giới gặp Đức Bênêđictô XVI tại Đức năm 2005. Câu chuyện được tóm như sau:

“Tôi được lớn lên cùng bà nội, được bà dạy cầu nguyện, đọc kinh và dạy cho biết Chúa. Khi đến trường, là một môi trường hoàn toàn khác, chống đạo và nhạo báng đức tin của tôi. Tôi vào đoàn, vào đội và lớn lên vào quân ngũ. Trong những lúc đêm khuya canh gác, trước sự giết chóc, bạo lực… tôi suy nghĩ lại ý nghĩa cuộc đời, và thấy khủng hoảng. Một hôm về nghỉ phép, bà nội hiểu tâm trạng của tôi, bà giúp tôi lấy lại bằng an bằng cách dạy tôi cầu nguyện, tôi phải chép và học lại kinh Lạy Cha, Kính Mừng và mỗi ngày cầu nguyện với bà. Khi về lại quân trường, tôi cố gắng cầu nguyện và đọc kinh, dần dần lấy lại được bình an và niềm tin. Xong bổn phận quân ngũ, tôi trở về đời thường, học hỏi thêm và sau cùng vào chủng viện…”.

Hạt giống đức tin của bà nội gieo đã xém chết ngạt, nhưng rồi lại được phục hồi. Giả như hạt giống ấy không được gieo trồng từ nhỏ, làm sao có thể nảy mầm trong tương lai?

Theo tâm lý, giai đoạn tuổi thơ quan trọng nhất trong đời, nhất là từ khi mới sinh cho đến năm tuổi. Nhân cách được hình thành cũng ở trong giai đoạn này. Những gì đã gieo trong tuổi thơ sẽ in dấu rất đậm nét trong đời. Các phụ huynh cùng ông bà, chúng ta muốn con cháu chúng ta lớn lên sẽ là người như thế nào? Xin hãy tạo môi trường, và gieo hạt ngay. Vội lên, đừng trì hoãn nữa. Thời gian qua nhanh, và sẽ không chờ đợi chúng ta đâu!

WHĐ (8.1.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 68 (Tháng 11 & 12 năm 2011)