TẠI SAO CHÚNG TA CẦN TRỞ THÀNH MỘT GIÁO HỘI BIẾT LẮNG
NGHE?
Brett Salkeld
WHĐ (25.3.2022) - Thượng Hội đồng đang được tiến hành, đây là lý do tại sao chúng ta cần trở thành một Giáo hội biết lắng nghe.
Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ tọa cuộc họp với đại diện các Hội đồng giám mục từ khắp nơi trên thế giới tại Vatican, năm 2021
Thượng Hội đồng Giám Mục về tính hiệp hành đã
đặt ra nhiều câu hỏi, một trong những câu hỏi quan trọng nhất đơn giản là: Ý tưởng
về “một Giáo hội lắng nghe” có nghĩa
là gì?
Mối quan tâm đến từ nhiều góc độ khác nhau.
Trong khi một nhóm lo ngại rằng Giáo hội có thể quá nghiêng về việc lắng nghe
những ý tưởng đến từ nền văn hóa đương đại không phù hợp với Phúc âm, thì một
nhóm khác lại cảm thấy rằng họ có thể được mời để phát biểu nhưng những đóng
góp của họ có thể bị phớt lờ. Bây giờ, chúng ta hãy lưu ý rằng nhiều người
trong cả hai nhóm này đều có xu hướng tưởng tượng mình là người bất lực, thậm
chí có thể bị đàn áp và coi nhóm kia là một mối đe dọa. Mỗi bên đều hy vọng
Giáo hội không nên lắng nghe những người kia.
Đối với tôi, có vẻ vấn đề cơ bản ở đây là
khuynh hướng của chúng ta nhìn đời sống trong Giáo hội về cơ bản cũng tương tự
như đời sống chính trị. Trong chính trị, chúng ta cố gắng đảm bảo quyền lực và
sau đó sử dụng quyền lực đó để áp đặt quan điểm của mình thông qua việc thực
thi chính sách. Điều này có thể được thực hiện thông qua các biện pháp hòa bình
nhưng nó không làm thay đổi động lực cơ bản. Là những công dân của các nền dân
chủ phương Tây, khi được giới thiệu về một thượng hội đồng như lần này, thì đối
với hầu hết chúng ta, những phạm trù thấy rõ nhất để hiểu các khái niệm như “một Giáo hội biết lắng nghe” đều được
rút ra từ kinh nghiệm chính trị này.
Ví dụ, điều này có nghĩa là nhiều người trong
chúng ta vô tình giải thích “một Giáo hội
lắng nghe” có nghĩa là một Giáo hội lắng nghe tôi, có trách nhiệm với tôi
và quan điểm của tôi theo cách tương tự như cách mà một đại diện chính trị chịu
trách nhiệm với tôi như một cử tri. Tuy nhiên, vấn đề ngay lập tức xuất hiện,
là người hàng xóm của tôi, người không đồng ý với tôi về nhiều vấn đề quan trọng
trong Giáo hội, cũng nghĩ như vậy! Và vì thế, thật dễ dàng để tưởng tượng rằng
vai trò của tôi trong Thượng hội đồng là làm cho tiếng nói của tôi được nghe vượt
lên tiếng nói của người hàng xóm của tôi.
Xin lưu ý rằng, trong cách hiểu này, “Giáo hội” về cơ bản có nghĩa là hệ thống
phẩm trật. Và câu hỏi trở thành, "Nhóm
tín hữu nào sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định của những người nắm quyền?"
Thượng hội đồng có thể được hiểu như một cuộc bầu cử. Và các cuộc bầu cử có kẻ
thắng người thua. Hãy nhớ lại, chẳng hạn, biết bao nhiêu bài diễn văn Công giáo
về thượng hội đồng Amazon đã tập trung vào một số ít các chủ đề gây tranh cãi
(mà chúng ta thường nói là “bán giấy” hay được tìm thấy từ những cú nhấp chuột
trên mạng) và tài liệu cuối cùng đã được đọc như thế nào: trong rất nhiều nơi,
hầu như người ta chỉ quan tâm đến những gì tài liệu nói về những chủ đề tranh
cãi đó. Nhiều người Công giáo ở Bắc Mỹ và Châu Âu dường như rất ít quan tâm đến
kinh nghiệm sống và đức tin của anh chị em chúng ta vào Chúa Kitô trong vùng
Amazon, nhưng lại quan tâm nhiều đến việc liệu những người nam đã kết hôn có thể
được truyền chức linh mục không; hoặc phụ nữ được nhận chức phó tế hay không.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng một Thượng
Hội đồng không phải là hình thức dân chủ mà là sự phân định. Điều này thường bị
hiểu lầm. Chúng ta tưởng tượng rằng các câu hỏi và câu trả lời tiềm năng của
chúng đã được đặt sẵn, giống như trên diễn đàn các đảng phái, và nhiệm vụ trước
mắt chúng ta là lựa chọn giữa chúng. Và không thiếu những người vận động hành
lang ở cả hai bên về bất kỳ vấn đề gây tranh cãi nào để củng cố một quan điểm
như thế. Tuy nhiên, lựa chọn như vậy chắc chắn sẽ làm cho những người mà lập
trường ưa thích của họ bị từ chối, cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề trong toàn
bộ quá trình, và sự chia rẽ trong Giáo hội sẽ chỉ càng sâu thêm. Nó cũng có
nghĩa là chúng ta đã đặt chân lý của Tin Mừng vào một cái gì đó giống như một
cuộc bỏ phiếu phổ thông. Và đó là một tin xấu ngay cả đối với những người chiến
thắng. Bởi vì những gì có thể được bình chọn là đúng ngày hôm nay có thể được
bình chọn là sai vào ngày mai.
Vậy, Đức
Thánh Cha Phanxicô có ý gì khi gọi quá trình này là một sự phân định?
Liệu tôi có thể gợi ý rằng tham chiếu chính đối
với “Giáo hội” trong cụm từ “một Giáo hội lắng nghe” không phải là phẩm
trật, không phải là những người có quyền tiếp cận với đòn bẩy quyền lực, mà là
tất cả những người đã chịu phép rửa không? Và câu hỏi thực sự không phải là
nhóm nào trong số những người đã chịu phép rửa (hoặc ngay cả những người chưa
chịu phép rửa!) sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến phẩm trật, mà là liệu những người
đã được rửa tội có thể học cách lắng nghe nhau hay không.
Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự muốn thay đổi
Giáo hội. Nhưng không phải theo cách mà nhóm này lo sợ và nhóm khác cổ vũ -
nghĩa là bằng việc thay đổi giáo huấn của Giáo hội. Những người đặt hy vọng vào
những thay đổi như vậy nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục thất vọng, ngay cả
khi những người lo sợ những thay đổi đó tiếp tục lo lắng, bị thúc đẩy bởi những
người nghiền truyền thông xã hội, những người đánh bơ bánh mì của họ bằng cách
giữ cho khán giả của họ ở trong trạng thái lo lắng thường xuyên.
Đúng hơn, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thay đổi
Giáo hội bằng việc trang bị cho tất cả những người đã được rửa tội tham gia vào
sứ mạng của Giáo hội. Và ít có kỹ năng nào cần thiết cho sứ mạng này hơn sự lắng
nghe. Lý do của điều này thật đơn giản: Chẳng ai sẵn sàng lắng nghe bất cứ người
nào khác nếu trước hết họ không cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu.
Chúng ta biết điều này là đúng nếu chúng ta chú ý đến các mối tương quan trong
cuộc sống của chính mình. Nếu Giáo hội muốn nói và được lắng nghe, thì Giáo hội
phải lắng nghe.
Hãy lưu ý rằng điều này không có nghĩa là Giáo
hội phải đồng ý và khẳng định mọi điều mà Giáo hội nghe được. Sự bất đồng không
chỉ có thể xảy ra mà còn là điều lành mạnh và đáng được mong đợi. Sự bất đồng
thậm chí có thể mang lại hiệu quả. Nhưng sự bất đồng sẽ chỉ có hiệu quả nếu những
người bị bất đồng ý kiến tin tưởng rằng trước hết họ đã được lắng nghe và thấu
hiểu. Không có gì ngăn cản sự giao tiếp bằng cảm giác rằng phía bên kia thậm
chí không quan tâm đến điều bạn phải nói ra.
Trong Chương 17 của Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu
liên kết rõ ràng sự hiệp nhất của Giáo hội với sứ mạng của Giáo hội. Người cầu
xin cho các môn đệ của Người được nên một, để thế giới có thể tin. Điều này có
nghĩa là, đối với tôi, dường như việc lắng nghe nhau trong Giáo hội phải là ưu
tiên hàng đầu của chúng ta. Chỉ có sự lắng nghe nhau cách chân thành mới có thể
bắt đầu hàn gắn những chia rẽ đang gây ra cho Giáo hội ngày nay.
Lắng nghe luôn là công việc khó khăn (bao gồm
cả phần khó nhất - cầu nguyện!) Bởi vì lắng nghe là cách luyện tập để cái tôi của
bạn im lặng đủ lâu để nghe điều trong trái tim của người khác. Sự to tiếng
trong chính trị và các phương tiện truyền thông xã hội đã làm cho hình thức lắng
nghe này trở nên khó khăn hơn nhiều. Chúng ta bị đe dọa nhau đến nỗi cái tôi của
chúng ta luôn trong trạng thái tự vệ. Nói cách khác, chúng ta ngày càng ít có
khả năng sống sự tự do được ban tặng trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta xem đó
không phải là điều hấp dẫn.
Trong bối cảnh
như vậy, tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất mà Giáo hội có thể
cống hiến cho thế giới là một cộng đoàn nơi mọi người thực sự biết cách lắng
nghe nhau. Và khi chúng ta thực sự lắng nghe nhau, chúng ta cũng lắng nghe Chúa
Thánh Thần – Thần Khí của sự hiệp nhất và sự thật – để điều chỉnh lại một cách
sáng tạo những vấn đề tưởng chừng khó chữa trong phạm vi giới hạn của chúng ta.
Nếu chúng ta có thể làm được điều này, chúng ta sẽ thấy Giáo hội đã thay đổi,
không phải vì phe chúng ta thắng hay thua trong trận chiến về một chủ đề nóng bỏng
nào đó, nhưng bởi vì chúng ta thấy chính mình đã thay đổi.
Nt. Anna Ngọc Diệp,
OP
Chuyển ngữ từ: osvnews.com 08.3.2022