KITÔ GIÁO LÀ GÌ?
Tác phẩm cuối cùng, như một di
chúc thiêng liêng[1]
Tác giả: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Mục lục Giúp
đọc tác phẩm “Kitô giáo là gì?” Kitô
giáo là gì? Lời tựa của Biên tập viên Elio Guerriero CHƯƠNG
1: ĐỨC TIN KITÔ GIÁO VÀ CÁC TÔN GIÁO TRÊN THẾ GIỚI Tình
yêu thương chính là căn nguyên của việc truyền giáo CHƯƠNG
2: CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA TÔN GIÁO KITÔ Thuyết
độc thần và sự khoan dung Đối
thoại Kitô giáo - Hồi giáo CHƯƠNG 3: ĐỐI THOẠI GIỮA DO THÁI GIÁO VÀ KITÔ
GIÁO Ân sủng và ơn gọi
không hối tiếc: Bình luận về Chuyên luận De Iudaeis Giáo sĩ Arie Folger
Đáp lại: “Ân sủng và Ơn gọi không hối tiếc” Thư của Đức Bênêđictô XVI
gửi Giáo sĩ Arie Folger Thư của Giáo sĩ Arie
Folger gửi Đức Bênêđictô XVI CHƯƠNG 4: CHỦ ĐỀ THẦN HỌC TÍN LÝ Đức tin không phải là
một ý tưởng, mà là một sự sống Chức linh mục Công
giáo Ý nghĩa của việc rước
lễ CHƯƠNG 5: CHỦ ĐỀ THẦN HỌC LUÂN LÝ Giáo hội và vụ bê bối
lạm dụng tình dục CHƯƠNG 6: CÁC DIỄN VĂN VÀ TIỂU LUẬN TRONG CÁC DỊP
KHÁC NHAU Diễn văn dành cho Ủy
ban Thần học Quốc tế Bài viết nhân dịp một
trăm năm sinh nhật thánh Gioan Phaolô II Bài viết nhân dịp bảy
mươi lăm năm kể từ cái chết của linh mục Alfred Delp, Dòng Tên “Sự thinh lặng của
thánh Giuse cũng chính là cách thánh nhân nói”: Cuộc phỏng vấn Đức Bênêđictô XVI
về thánh Giuse PHẦN PHỤ LỤC: DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA ĐỨC GIÁOHOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI |
Một vài cảm
nhận về tác phẩm
“Cuốn sách “Kitô giáo là gì?” mà Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI muốn chỉ được xuất bản sau khi ngài đã qua đời. Trong những năm ngay
sau Công đồng Vaticanô II, với tác phẩm Nhập
môn Kitô giáo, đã giới thiệu với công chúng, một nhà thần học trẻ trung lỗi
lạc người Đức, Joseph Ratzinger. Ngày hôm nay, vào lúc cuối đời, và với tư cách
là nguyên Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI truyền lại tác phẩm này như một di sản
cho tất cả mọi người để chia sẻ những suy tư mới nhất của ngài về một số chủ đề
căn bản của Kitô giáo.
Ở trọng tâm của cuốn
sách chính là lòng thương xót của Thiên Chúa, được nảy sinh từ tình yêu say mê dành
cho mọi loài thụ tạo. Để phụng sự Thiên Chúa, các linh mục được mời gọi ứng trực
trước sự hiện diện của Thiên Chúa và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Tiếp đến
là các chủ đề đối thoại với các tôn giáo khác, với người Do Thái, với dân của lời
hứa, với đức tin Kitô giáo, và với thế giới. Tuy nhiên, cuộc đối thoại này
không thể bỏ qua những nội dung trọng tâm của tín biểu: Con Thiên Chúa nhập thể
làm người, niềm tin vào sự chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu, tin vào sự hiện
diện đích thực của Chúa trong bí tích Thánh Thể, sự hiệp thông huynh đệ trong Giáo
hội, những chủ đề trọng tâm của luân lý Kitô giáo.
Như phụ đề của cuốn
sách đã nêu rõ, tập sách này gần như một
di chúc thiêng liêng, được viết bởi một bậc thầy khôn ngoan và tâm huyết,
luôn quan tâm đến những mong đợi và hy vọng của các tín hữu. Trong những năm sống
ẩn dật tại Đan viện Mẹ Giáo hội [Mater
Ecclesiae], ở nội thành Vatican, lời cầu nguyện và sự hiện diện âm thầm của
ngài chính là một sự hỗ trợ quan trọng cho đời sống Giáo hội. Từ Đan viện đó,
ngài quan sát thiên nhiên một cách đầy nhân ái, như một tấm gương phản chiếu
tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng từ đó chúng ta xuất phát và chúng ta
đang tiến về cùng Người. Cũng từ Đan viện đó, Đức nguyên Giáo hoàng hướng về nước
Đức quê hương của mình, rồi ngài hướng tới nước Ý, nơi ngài đã trải qua phần lớn
cuộc đời mình, ngài hướng tới nước Pháp, nơi đã chào đón ngài vào Hàn Lâm viện
Pháp, ngài hướng tới toàn thể Âu châu. Với những quốc gia Âu châu này, Đức nguyên
Giáo hoàng tâm sự, bằng một giọng yếu ớt [vì tuổi tác] nhưng cũng đầy nhiệt huyết,
lời yêu cầu của ngài là đừng bao giờ từ bỏ di sản Kitô giáo, vốn là di sản quý
giá dành cho toàn thể nhân loại này. Trong cuộc sống, không phải lúc nào Đức Giáo
hoàng Bênêđictô XVI cũng được mọi người thấu hiểu. Tuy nhiên, không ai có thể
phủ nhận sự sáng suốt trong các suy tư của ngài, cũng như sức mạnh trong các lập
luận của ngài, điều mà tác phẩm mới nhất này đã kết hợp một cách xuất sắc tuyệt
vời.” — Nhà xuất bản Mondadori
“Sau khi Đức nguyên Giáo
hoàng Bênêđictô XVI từ chức giáo hoàng vào năm 2013, ngài tiếp tục suy tư và viết
lách. Gần cuối đời, ngài cùng với biên tập viên Elio Guerriero, đã tập hợp thành
một tuyển tập tài liệu mới, đề cập đến những chủ đề gần gũi nhất với tâm hồn ngài.
Đức nguyên Giáo hoàng đề nghị rằng, cuốn sách này sẽ chỉ được xuất bản sau khi
ngài đã qua đời mà thôi.
“Kitô giáo là gì?”, tác phẩm cuối cùng này đề cập đến một loạt các
chủ đề đa dạng phong phú: như mối liên hệ giữa đức tin Kitô giáo với các tôn
giáo khác, đặc biệt là đối với Do Thái giáo và Hồi giáo; thần học và cải cách
phụng vụ; chức linh mục; các vị thánh; Bí tích Thánh Thể; bi kịch lạm dụng; vẻ
đẹp của thiên nhiên; nền văn hóa của nước Ý và nước Đức; và còn nhiều chủ đề
khác nữa.
Với cái nhìn ngôn sứ
sâu sắc về thời đại chúng ta, Đức Bênêđictô XVI cảnh báo về một “sự thao túng
triệt để con người” nhân danh lòng khoan dung, ngài nhấn mạnh rằng “đối trọng
đích thực duy nhất đối với mọi hình thức bất khoan dung” đó chính là Chúa Kitô –
một Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Suốt đời là một người Công
giáo, Đức cố Giáo hoàng đã bày tỏ lòng kính trọng đối với một số nhân vật vĩ đại
của Kitô giáo, những vị mà ngài đã phục vụ trong nhiều năm như những ngôi sao dẫn
đường: vị tiền nhiệm của ngài là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cha Alfred
Delp, vị tử đạo Dòng Tên, người Đức, thuộc thế kỷ XX, và thánh Cả Giuse, người
thợ mộc thầm lặng, vị thánh Bổn mạng của ngài.
Cuốn sách “Kitô giáo là gì?” chính là một di chúc
thiêng liêng thẳng thắn từ một bậc thầy thần học, một giáo sĩ mến mộ một đức
tin của những tín hữu đơn sơ nhưng luôn kiên vững, ngay cả trong những ngày cuối
đời, sẵn sàng để đối thoại về mọi khía cạnh của đời sống con người, trong sự thật
và tình bác ái.” — Nhà xuất bản Ignatius
“Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI đã cho chúng ta thấy một Kitô giáo sống trung thành với lòng đạo
đức của một trẻ thơ vô tội, được giải thích với cái nhìn sâu sắc của một bậc thầy
vĩ đại, và đón nhận một cách khiêm tốn bởi một con người được kêu gọi chấp nhận
trọng trách lớn lao hơn bao giờ hết trong Giáo hội. Ước mong rằng tất cả những
ai rút tỉa từ tác phẩm cuối cùng của ngài, thì sẽ đến gần hơn với ngôi vị của
Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà ngài biết rằng, đó chính là mặc khải duy nhất và trọn
vẹn của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.” — Đức Hồng y Robert Sarah, nguyên Tổng trưởng, Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí
tích
“Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI [Joseph Ratzinger] là một trong những triết gia và thần học gia vĩ
đại nhất của mọi thời đại, không chỉ ở cấp độ thuộc về hàng giáo sĩ mà còn ở cấp
độ tuyệt đại đa số tín hữu. Tuyển tập này trình bày một số bài viết chưa được
xuất bản hoặc chưa được phổ biến trên nước Ý. Người ta có thể ít nhiều đồng ý
hoặc không đồng ý với tư tưởng thần học Joseph Ratzinger, và với những phân
tích của ngài về tình hình Giáo hội, cũng như về đức tin trong thế giới hiện
nay, về phần mình, lập tức tôi ủng hộ và đứng về phía ngài. Nhưng bất kể chúng
ta có đồng ý hay không, thì ở đây chúng ta cũng gặp được đức tin của một con người
đã tận hiến trọn đời mình cho Chúa Kitô và cho Giáo hội. Đó chính là lý do tại
sao đáng để thưởng thức, và không thể bỏ qua tác phẩm tuyệt vời này được!” — Gianluca - Magani Marco
“Ở đây chúng ta tìm thấy
một bộ sưu tập các tiểu luận hoặc các bài phát biểu về các chủ đề khác nhau của
một trong những vị Giáo hoàng thần học gia vĩ đại nhất trong lịch sử. Đọc các
tác phẩm của Đức Bênêđictô XVI luôn làm phong phú về mặt tâm tinh và trí tuệ.
Ngài đã để lại cho chúng ta một quà tặng quý giá biết bao! Những điều quan trọng
nhất về đức tin của chúng ta, được trình bày một cách thật chí lý. Những chủ đề
tuyệt vời được coi là điều mà ít người có thể làm được, và ngày nay rất hiếm
khi được nghe tới. Đọc tác phẩm này thật cuốn hút như đọc một cuốn tiểu thuyết
vậy. Tuy nhiên, cũng có thể chọn đọc từng chương khác nhau mà không cần đọc
theo trình tự của cuốn sách, nội dung của từng bài mang tính chuyên khảo độc lập.”— Brigitta
“Thật đáng tiếc, vì không
phải ai cũng hiểu được sự vĩ đại thực sự của vị Giáo hoàng Ratzinger, nhưng cuốn
sách này là một chuyên luận đích thực về Thần học thuần túy, chúng ta đừng quên
rằng, vào thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thì Joseph Ratzinger chính là ‘người
bảo vệ Giáo lý Đức tin’! Bản văn tóm tắt của nhà thần học Công giáo đương đại
vĩ đại nhất, được viết bằng những thuật ngữ mà ngay cả những người không đặc biệt
quen thuộc với các chủ đề được đề cập cũng có thể tiếp cận được. Như thường lệ
với Đức Bênêđictô XVI, chúng ta sánh bước với những điều cao cả. Tác phẩm trình
bày ở cấp độ rất cao nhưng vẫn nằm trong tầm hiểu được của mọi độc giả.” — Massimo Pometti
“Các bản văn được thu
thập trong tập sách này – trong cách diễn đạt rõ ràng, văn phong tươi mới và kiến
thức sâu sắc – nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta tưởng nhớ tới Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI biết bao! Joseph Ratzinger cho thấy mình là một môn sinh của vị
tôn sư Augustinô, khi trình bày một cách nhất quán các lập luận của mình trong
khuôn khổ Thánh kinh. Bất cứ ai yêu thích các tác phẩm thần học hảo hạng thì hẳn
sẽ cảm thấy thích thú với tác phẩm tuyệt vời này.” — Đức Giám mục Robert Barron, Giáo phận Winona-Rochester; người sáng lập,
Mục vụ Công giáo Word on Fire
“Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI đã giáo huấn cho Giáo hội để rồi chính Giáo hội có thể cống hiến
cho thế giới những chân lý sâu sắc nhất về chính mình. Việc nghiên cứu phi thường
của ngài, được thể hiện một cách rõ ràng trong những suy tư cuối cùng này, một
người đã sống một cuộc đời cao thượng, sẽ còn dạy cho cả Giáo hội và thế giới dài
lâu về sau trong tương lai nữa.” — George
Weigel, Thành viên cấp cao xuất sắc, Trung tâm Đạo đức và Chính sách công
“Những bài viết cuối cùng của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI một cách
nào đó là quý giá nhất. Không có thư viện nào về thần học Joseph Ratzinger sẽ được
coi là hoàn chỉnh nếu không có tuyển tập những kiến thức thần học cuối cùng này
của ngài, và có lẽ đây chính là tác phẩm sâu sắc nhất và cá vị nhất của ngài.”
— Tracey Rowland, Trưởng khoa Thần học
thánh Gioan Phaolô II, Đại học Notre Dame (Australia)
“Một đoạn kết thích hợp
cho sự dấn thân trọn đời của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI với các mầu nhiệm đức
tin trong cuộc đối thoại với tư tưởng và thực tiễn đương thời. Mỗi chủ đề được giải
quyết bằng sự mới mẻ độc đáo, vốn là dấu ấn riêng của ngài, với tư cách là một
nhà tư tưởng, được trình bày một cách đơn sơ và rất hùng biện, phản ánh sự
thành toàn trong các suy tư của ngài. Đây chính là một bản di chúc thiêng liêng
đích thực.” — D. Vincent Twomey, S.V.D., nguyên
Giáo sư của Đại học Giáo hoàng St. Patrick, Maynooth
“Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI luôn cung cấp những kiến thức sâu sắc về các lĩnh vực trọng tâm
và gây tranh cãi nhất của đời sống Công giáo đương đại. Cuốn sách này chứa đựng
một cú huých thần học mạnh mẽ và cho thấy thành quả trong những năm cuối đời của
Đức Bênêđictô XVI.” — Matthew Levering,
James N. Jr. và Mary D. Perry, Giám đốc Thần học, Chủng viện Mundelein
Giúp đọc tác
phẩm “Kitô giáo là gì?”
Cuốn sách “Kitô giáo là gì?” đã thu hút rất nhiều sự
chú ý, không chỉ vì nó tập hợp những bài viết cuối cùng của một trong những nhà
thần học vĩ đại nhất của thời hiện đại. Cuốn sách cũng đang được thảo luận vì
những báo cáo cho rằng Đức cố giáo hoàng người Đức chỉ muốn các tiểu luận được
xuất bản sau khi ngài qua đời, vì “sự ồn
ào đầy sát khí – murderous clamor”
xung quanh việc xuất bản các tác phẩm khác sau khi ngài từ nhiệm, vào năm 2013.
Lời tựa, Elio Guerriero, người Ý, giám đốc của tạp chí thần học Communio, giải thích nguồn gốc của cuốn
sách. Trước đây từng cộng tác với Đức Bênêđictô XVI trong một tập sách nói về
cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo và Kitô giáo, ông vốn khuyến khích Đức nguyên
Giáo hoàng xuất bản một cuốn sách gồm các bài viết của ngài kể từ khi ngài từ nhiệm.
Đức Bênêđictô XVI nói rằng ngài sẽ suy nghĩ về điều đó.
Guerriero viết rằng,
sau đó Đức Bênêđictô đã có chút do dự vào thời điểm năm 2020, bởi cuộc tranh luận
xung quanh bài viết của ngài cho một cuốn sách về sự độc thân linh mục, do Đức
Hồng y Robert Sarah xuất bản.
Nhưng trong một lá thư
gửi cho Guerriero, đề ngày 13 tháng 1 năm 2021, Đức Bênêđictô nói rằng, ngài muốn
các bài viết sau khi ngài từ nhiệm, sẽ được xuất bản – nhưng chỉ với điều kiện,
chúng phải xuất bản sau khi ngài đã qua đời. Ngài viết rằng: “Sự giận dữ của những
nhóm chống lại tôi ở Đức mạnh đến mức chỉ cần một lời nói nhỏ nhất của tôi xuất
hiện cũng lập tức gây ra một sự náo động khủng khiếp [horrible uproar] từ phía họ”.
Đức Bênêđictô bắt đầu
duyệt lại các bản văn, bao gồm cả việc mở rộng bài suy tư đã xuất bản trước đây
của ngài về chức linh mục. Ngài bày tỏ sự hài lòng lớn lao với bài tiểu luận mới
này, trong cuộc gặp với Guerriero vào ngày 28 tháng 6 năm 2021, trước dịp kỷ niệm
70 năm thụ phong linh mục của ngài.
Để mang lại cho bộ sưu
tập một cảm giác đầy đủ hơn, Đức Bênêđictô đã viết thêm các phần về các tôn
giáo ngoài Kitô giáo và về Bí tích Thánh Thể. Trong khi các bản văn nguyên thủy
được viết bằng tiếng Đức, Guerriero đã dịch chúng sang tiếng Ý, ngôn ngữ mà Đức
Bênêđictô muốn chọn làm ngôn ngữ quy chiếu, trở thành bản gốc.
Lời nói đầu, trong lời nói đầu ngắn gọn đề ngày 1 tháng 5 năm 2022, Đức Bênêđictô giải
thích rằng ngài không có ý định viết thêm gì nữa sau khi từ nhiệm sứ vụ Giáo
hoàng, nhưng từ từ cầm bút trở lại sau cuộc bầu cử Đức Phanxicô. Sau đó, ngài
đưa ra một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về sáu chương của cuốn sách. Ngài nói rằng
ngài đã viết các bài này tại Đan viện Mater Ecclesiae, nơi ngài nghỉ hưu, trong
nội thành Vatican, và giao việc xuất bản cuốn sách này cho Guerriero, vì tác giả
người Ý này đã viết tiểu sử ngài bằng tiếng Ý, và được biết đến với chuyên môn
thần học.
Chương 1, với tiêu đề “Các tôn giáo trên thế giới và đức tin Kitô giáo”, chương
này mở đầu bằng một bản văn có tựa đề là: “Tình yêu thương chính là căn nguyên
của việc truyền giáo.” Đó là bài diễn văn của Đức Bênêđictô XVI, vào ngày 21
tháng 10 năm 2014, đánh dấu lễ khánh thành đại sảnh đường của Giáo hoàng Đại học
Urbanô, đã được trùng tu và đặt tên là “Đại sảnh Bênêđictô XVI” để vinh danh
ngài. Bản văn được trình bày nguyên vẹn ở đây, không thay đổi gì.
Sau đó, Đức Bênêđictô thêm
vào một bản văn ngắn khác với tựa đề: “Tôn giáo là gì,” theo ngài, mục đích là
làm sáng tỏ khái niệm về các tôn giáo mà Kitô giáo tìm cách tham gia đối thoại.
Bản văn này được hoàn thành vào ngày 19 tháng 3 năm 2022 và chưa được xuất bản
trước đó.
Chương 2, với tiêu đề “Các yếu tố nền tảng của đạo Kitô”, chương này đề cập đến
bản chất và tương lai của thuyết độc thần. Nó mở đầu bằng một tiểu luận, được
hoàn thành vào ngày 29 tháng 12 năm 2018, có tựa đề: “Thuyết độc thần và lòng
khoan dung”, mà một số nhà bình luận coi là điểm nổi bật của cuốn sách.
Trong bản văn, Đức
Bênêđictô than thở “sự bất khoan dung ngày càng gia tăng, được thực hiện chính
dưới danh nghĩa khoan dung” trong các xã hội Tây phương. Ngài viết: “Sự bất
khoan dung của thời hiện đại này rõ ràng đối với đức tin Kitô giáo chưa biến
thành cuộc bách hại công khai. Nhưng nó tự trình bày một cách độc đoán hơn bao
giờ hết, nhằm mục đích đạt được, với các luật lệ kèm theo, sự tuyệt chủng của
những gì là điểm chính yếu của Kitô giáo”.
Tiếp theo tiểu luận
trên là một suy tư ngắn gọn về điều mà Đức Bênêđictô coi là thiếu sót của nhiều
nỗ lực đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Bản văn có tựa đề “Đối thoại Kitô
giáo-Hồi giáo,” đã được hoàn thành vào ngày 1 tháng 3 năm 2018, nhưng cho đến
nay chưa được xuất bản.
Sau đó là bài “Âm nhạc
và phụng vụ,” một bản văn do Đức Bênêđictô XVI viết, nhân dịp nhận bằng tiến sĩ
danh dự từ Đại học Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Học viện Âm nhạc ở Kraków, Ba
Lan, tại Castel Gandolfo, vào ngày 4 tháng 7 năm 2015.
Tiếp theo là bài “Thần
học phụng vụ”, đó chính là một Lời tựa
mà Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết cho tập thứ 11, ấn bản bằng tiếng
Nga, trong toàn bộ các tuyển tập của ngài [bộ Tuyển tập các Bài giảng, Opera
Omnia, gồm 16 tập]. Bài viết này được hoàn thành vào ngày 11 tháng 7 năm
2015.
Chương 3, với tiêu đề “Đối thoại giữa Do Thái giáo và người Kitô giáo,” chương
này mở đầu bằng một tiểu luận dài “Ân sủng và ơn gọi không hối tiếc: Nhận xét về
chuyên luận Do Thái giáo [De Iudaeis],”
lấy cảm hứng từ một cuốn sách của nhà thần học Franz Mußner “về ý nghĩa tích cực
lâu dài của Cựu ước.” Bản văn được hoàn thành vào ngày 26 tháng 10 năm 2017, và
được xuất bản trong tạp chí Hiệp thông
[Communio], ấn bản tháng 7-8 năm
2018.
Tiếp theo tiểu luận là
một cuộc trao đổi thư giữa Đức nguyên Giáo hoàng và Giáo sĩ Arie Folger, Giáo
sĩ trưởng của Vienna, Áo, vào tháng 8 và tháng 9 năm 2018, suy tư về các chủ đề
được nêu ra trong tạp chí Hiệp thông, Communio.
Các bức thư trước đây đã được xuất bản bằng tiếng Ý trong cuốn sách năm 2019,
Do Thái giáo và Kitô giáo [Ebrei e
Cristiani], hợp tác giữa Đức Bênêđictô XVI và biên tập viên Elio Guerriero.
Chương 4, với “Các chủ đề về thần học tín lý,” chương này mở đầu bằng cuộc phỏng
vấn Đức Bênêđictô XVI, do Đức cha Daniele Libanori, S.J., (hiện nay là Giám mục
Phụ tá của Giáo phận Rôma) thực hiện. Cuộc trao đổi, có tựa đề “Đức tin không
phải là một ý tưởng, nhưng chính là một sự sống,” đã diễn ra để đánh dấu một hội
nghị chuyên đề ở Rôma, về ơn công chính hóa nhờ đức tin, vào năm 2015. Bản văn
được đăng trên tờ L’Osservatore Romano,
ngày 16 tháng 3 năm 2016, được dịch sang tiếng Ý bởi cha Jacques Servais, Dòng
Tên. Nó cũng xuất hiện trong cuốn sách năm 2016 của Libanori, có tựa đề là: “Nhờ
đức tin” [Per mezzo della fede], Đức nguyên
Giáo hoàng Bênêđictô nói rằng, mục đích của ngài trong cuộc phỏng vấn chính là
để giải thích làm thế nào chúng ta có thể hiểu được cuộc khổ nạn và cái chết của
Chúa Giêsu Kitô dành cho nhân loại hôm nay.
Tiếp theo là một tiểu
luận quan trọng có tựa đề: “Chức linh mục Công giáo”, một phiên bản được duyệt
lại của bản văn đã được xuất bản trong cuốn sách “Từ thẳm sâu tâm hồn chúng tôi”
của Đức Hồng y Sarah, năm 2020. Đức Bênêđictô nói rằng ngài muốn tạo cho bản
văn một “trọng tâm mới”, lấp đầy những gì ngài tin là “một lỗ hổng” còn thiếu
sót trong sắc lệnh Presbyterorum Ordinis
về tác vụ và đời sống linh mục, của Công đồng Vaticanô II. Bản văn đã được hoàn
thành vào ngày 17 tháng 9 năm 2019, sau đó được ngài chỉnh sửa và đào sâu thêm
cho ấn bản mới này.
Tiếp theo là một bản
văn có tựa đề: “Ý nghĩa của việc rước lễ,” trong đó Đức Bênêđictô đề cập đến cuộc
tranh luận về việc rước lễ chung giữa người Công giáo và người Tin lành, điều
mà ngài nhận xét rằng, thỉnh thoảng lại bùng lên ở nước Đức, quê hương của
ngài. Ngài suy tư về đời sống Thánh Thể của Giáo hội Công giáo ngày nay, nhận
thấy “một sự Tin lành hóa rất cao độ trong cách hiểu về bí tích Thánh Thể”, ở một
số khu vực, nơi những lời kêu gọi cho rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành
cũng đặc biệt gây ra sự ồn ào. Ngài gợi ý rằng phong trào đại kết đích thực đòi
hỏi một sự thừa nhận trung thực về những khác biệt sâu sắc về Bí tích Thánh Thể
giữa Công giáo và Tin lành vẫn còn tồn tại. Bản văn được hoàn thành vào ngày 28
tháng 6 năm 2018, và chưa từng được xuất bản trước đó.
Chương 5, với tiêu đề “Các chủ đề về thần học luân lý,” chương này dành riêng
cho các vấn đề luân lý. Nó bao gồm tiểu luận “Giáo hội và tai tiếng lạm dụng
tình dục,” được xuất bản lần đầu vào năm 2019 trên tạp chí Klerusblatt, một nguyệt san của hàng giáo sĩ vùng Bavaria [của Đức].
Chương 6, với tiêu đề “Các diễn văn và tiểu luận trong các dịp khác nhau”,
chương này tập hợp các bản văn đánh dấu các dịp kỷ niệm khác nhau. Chương này mở
đầu bằng diễn văn dành cho “Ủy ban Thần học Quốc tế”, một bài phát biểu vào
ngày 22 tháng 10 năm 2019, tại Đan viện Mater
Ecclesiae, để đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập ủy ban. Bản văn đã được phổ
biến trên trang mạng của Ủy ban Thần học Quốc tế, tại thời điểm đó, trong
chuyên mục: “Các bài Diễn văn của các vị Giáo hoàng”.
Tiếp theo là tiểu luận
nhân dịp “100 năm ngày sinh của thánh Gioan Phaolô II,” được viết vào ngày 4
tháng 5 năm 2020, trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị thánh Giáo hoàng
người Ba Lan, vào ngày 18 tháng 5 năm 2020. Bản dịch tiếng Anh của bản văn đã
được phát hành vào ngày 15 tháng 5 năm 2020, bởi Hội đồng Giám mục Ba Lan.
Tiếp theo là bài diễn
văn nhân kỷ niệm 75 năm ngày mất của cha Alfred Delp, một tu sĩ Dòng Tên, người
Đức, đã bị Đức quốc xã hành quyết vào ngày 2 tháng 2 năm 1945. Đức Bênêđictô đã
viết bản văn, có tựa đề: “75 năm kể từ cái chết của cha Alfred Delp, SJ”, vào
ngày 15 tháng 10 năm 2019. Bài này lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Ý.
Bản văn cuối cùng của cuốn sách chính là cuộc phỏng vấn về thánh Giuse, vị thánh Bổn mạng của ngài, có tựa đề là “Sự thinh lặng của thánh Giuse cũng là cách ngài nói.” Cuộc phỏng vấn đã được trao cho Regina Einig và được đăng trên tờ báo Die Tagespost của Đức, vào ngày 1 tháng 4 năm 2021, nhân dịp mừng Năm thánh Giuse. Bản văn chưa từng xuất hiện bằng tiếng Ý trước đây. Đức Bênêđictô nói rằng cuộc phỏng vấn phản ảnh sự hiểu biết của ngài, vốn trở nên rõ ràng hơn khi ngài càng thêm tuổi, rằng sự thinh lặng của thánh Giuse nói với chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến sự khôn ngoan (trích trong “What is Christianity?”: A reader’s guide to Benedict XVI’s last book, bởi JD Flynn).
Kitô giáo là
gì? Lời tựa của Biên tập viên Elio Guerriero
Vào năm 2019, tôi đã
biên tập một cuốn sách có tựa đề Do Thái giáo và Kitô giáo (Ebrei e cristiani)[2],
trong đó tôi đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Ý về bài báo của Đức nguyên
Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Ân sủng và ơn gọi không hối tiếc: Nhận xét về Luận
thuyết De Iudaeis”, tiếp đó là trao đổi thư từ giữa Giáo sĩ trưởng của Vienna
Arie Folger và Đức nguyên Giáo hoàng. Thật diệu kỳ, bài báo của Ratzinger, được
một số nhà thần học Công giáo trong thế giới nói tiếng Đức coi là một mối nguy
hiểm cho cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo-Kitô giáo, thì lại được bảo vệ bởi
giáo sĩ trưởng của Vienna và những người ủng hộ người Do Thái ở Ý và ở các nước
khác.
Việc xuất bản cuốn
sách đó đã mang lại thành quả tốt đẹp cho cuộc đối thoại, đến nỗi trong buổi giới
thiệu sách tại Đại học Lateranô ở Rôma, có sự tham dự của giáo sĩ Arie Folger, Riccardo
Di Segni, giáo sĩ trưởng của Rôma, và Renzo Gattegna, cựu chủ tịch của Liên
minh các quốc gia, cộng đồng Do Thái giáo tại Ý. Sự phổ biến của cuốn sách ở Ý
cũng rất tích cực và cũng có những ấn bản ở các nước khác nữa.
Được khích lệ bởi tiền
lệ này, trong một cuộc gặp gỡ mà tôi đã thông báo cho ngài về các sự kiện trên
đây, tôi đã đánh liều hỏi ngài rằng: “Tại sao lại không thu thập thành một tuyển
tập và xuất bản tất cả các bản văn được viết trong những năm sau khi ngài từ
nhiệm?” Theo thói quen mà tôi đã biết từ lâu, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô trả
lời rằng ngài sẽ suy nghĩ về điều đó. Sau này, tôi được biết rằng ngài đã bắt đầu
thu thập các tài liệu, và đây chắc chắn là một dấu hiệu tích cực.
Tình hình trở nên phức
tạp khi xuất bản tập sách Từ thẳm sâu tâm
hồn chúng tôi,[3] của Đức Hồng y Robert
Sarah, trong đó có một bài của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, về chức linh mục Công giáo. Theo một số nhà
bình luận ác ý [malevoli], trong đó điển
hình là có các tác giả thuộc vùng nói tiếng Đức, một lần nữa đã cho rằng, cuốn
sách dường như là một sự phủ nhận Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazon diễn
ra vào tháng 10 năm 2019, và thực sự dường như là một kiểu dự đoán về những kết
luận mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang chuẩn bị rút ra từ đó. Điều này dẫn đến một
phen hú vía, sau đó vị nguyên Giáo hoàng đã viết thư cho tôi rằng ngài đồng ý với
yêu cầu của tôi về xuất bản các bài viết của ngài, nhưng đặt ra một điều kiện bắt
buộc: tác phẩm này chỉ được xuất bản sau khi ngài đã qua đời. Trong thư ngài viết:
“Về phần mình, trong suốt quãng đời còn lại, tôi không muốn xuất bản thêm bất cứ
tác phẩm nào nữa. Sự giận dữ của các nhóm chống lại tôi ở Đức mạnh đến mức, mỗi
lời nói của tôi xuất hiện, ngay lập tức gây ra một sự náo động khủng khiếp [tiếng
hét giết người] từ phía họ. Vì thế, tôi muốn tránh cho bản thân mình và tránh
cho Kitô giáo khỏi điều này."[4]
Trong cùng một bức
thư, Đức Bênêđictô XVI xin lỗi vì vẫn chưa bắt đầu công việc chỉnh sửa các bài
viết của mình; tuy nhiên, ngài đã hứa với tôi rằng ngài sẽ sớm làm việc đó. Quả
thật, trong những tháng tiếp theo, ngài đã thực hiện điều đó. Vượt xa những yêu
cầu của tôi, ngài không giới hạn bản thân mình trong việc đọc lại các bài báo
đã được xuất bản. Ngài đã hoàn thiện cách đáng kể một số bản văn, trong đó có bản
văn về chức linh mục Công giáo xứng
đáng được đề cập một cách đặc biệt. Trong một cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày 28
tháng 6 năm 2021, một ngày trước lễ kỷ niệm 70 năm thụ phong linh mục của ngài,
ngài đã nhiệt tình nói với tôi về cuộc đời linh mục của ngài, và nhấn mạnh tầm
quan trọng của bản văn về chức linh mục sẽ được trình bày trong tác phẩm này. Ngài
hài lòng với thành quả mà ngài đã đạt được, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình.
Trong số những điều đó, ngài khẳng định rằng ngài đã góp phần vào việc khắc phục
lỗ hổng còn sót lại trong Sắc lệnh về Tác
vụ và Đời sống các Linh mục [Presbyterorum
Ordinis] của Công đồng Vaticanô II. Công việc đang tiến hành liên quan đến bản
văn vẫn chưa hề kết thúc. Vì muốn mang lại một cấu trúc nội tại và một cảm giác
hoàn chỉnh cho tuyển tập, nên ngài đã viết thêm một số bài luận bổ sung quan trọng
khác, chẳng hạn như những bài về các tôn giáo trên thế giới, và về sự hiện diện
đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Tóm lại, tập sách này
không phải chỉ là một sự tập hợp những bản văn đã phổ biến trước đây, rồi bổ
sung thêm một số bản văn mới, mà còn hơn thế nữa, đó chính là một di chúc thiêng liêng được viết ra với
tinh thần minh triết từ tấm lòng của một người cha luôn quan tâm đến những mong
đợi và hy vọng của các tín hữu và của tất cả mọi người. Như mọi người đã biết rằng
Đức Bênêđictô XVI viết bằng tiếng Đức. Việc dịch các bản văn [sang tiếng Ý] được
thực hiện bởi Pierluca Azzaro và tôi. Hơn nữa, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI
đã quyết định rằng ấn bản chính thức của cuốn sách hiện tại phải là ấn bản bằng
tiếng Ý.
Về phần cá nhân tôi, một
lần nữa, tôi vẫn muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Đức cố Giáo hoàng
Bênêđictô XVI, vì sự tín nhiệm mà ngài đã đặt để ở nơi tôi trong suốt những năm
qua.
Elio Guerriero
Lời tựa của Đức
Bênêđictô XVI
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong phòng làm việc
của ngài trong kỳ nghỉ tại les Combes ở Val d’Aosta, ảnh lưu trữ của ANSA
Vào ngày 11 tháng 2
năm 2013, khi tôi tuyên bố từ nhiệm sứ vụ của người kế vị thánh Phêrô, tôi
không có kế hoạch nào cho những gì tôi sẽ thực hiện trong hoàn cảnh mới của
mình. Tôi đã quá kiệt sức để có thể lên kế hoạch cho bất kỳ một công việc nào
khác. Hơn nữa, việc xuất bản cuốn sách Đức
Giêsu thành Nadarét: Thời ấu thơ
[5] dường như đã là một phần kết
hợp lý cho các tác phẩm thần học của tôi rồi.
Sau khi Đức Phanxicô
được bầu chọn làm Giáo hoàng, tôi dần dần tiếp tục công việc suy tư thần học của
mình. Vì vậy, trong những năm qua, hàng loạt những bài đóng góp ở dạng vừa và
nhỏ đã được hình thành, và chúng được trình bày trong tập sách này.
Chương 1, có bài diễn
văn của tôi nhân dịp khánh thành đại sảnh đường [Aula Magna] của Đại học Giáo hoàng Urbaniana, vào ngày 21 tháng 10
năm 2014. Nguyên văn bài này được in lại ở đây, không thay đổi chút nào.
Sau đó, tôi thêm vào một
bản văn để làm sáng tỏ khái niệm về các tôn giáo trên thế giới mà đức tin Kitô
giáo muốn tham gia vào cuộc đối thoại.
Chương 2, đề cập đến
chủ đề về bản chất và sự phát triển của thuyết độc thần. Đó là một bài viết ngắn
về phương pháp đối thoại giữa Kitô giáo-Hồi giáo, và sau đó là bài phát biểu
bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Đại học Giáo hoàng ở Kraków vì đã trao cho
tôi bằng tiến sĩ danh dự. Ngoài hai bản văn ngắn này, còn có thêm phần Lời tựa mà tôi đã viết cho ấn bản bằng
tiếng Nga, tập 11, chủ đề Thần Học Phụng
Vụ, trong bộ Tuyển tập các Tác phẩm
[Opera Omnia] của tôi, tất cả gồm 16
tập.
Trong chương 3, trình
bày bản văn mà tôi đã viết về mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo cũng
như việc trao đổi thư từ với Giáo sĩ Arie Folger mà tôi đã thực hiện vào tháng
8 và tháng 9 năm 2018. Thật vậy, tôi đã dứt khoát bác bỏ những cáo buộc liên
quan đến não trạng bài Do Thái bị cáo buộc là được thể hiện trong các suy tư của
tôi. Những nỗ lực của tôi đã được các độc giả Do Thái giáo đánh giá hoàn toàn
tích cực. Vì thế, tôi hy vọng rằng bản văn này vẫn còn có thể góp phần vào một
cuộc đối thoại tốt đẹp hơn.
Chương 4, bắt đầu với
cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện theo lời mời của cha Daniele Libanori. Nó đề
cập đến luận điểm rằng Đức Giêsu Kitô đã phải chết để khôi phục lại trật tự đã
bị tội lỗi làm đảo lộn. Câu trả lời kinh điển do thánh Anselmô thành Canterbury
đã đưa ra, hầu như không thể hiểu nổi đối với chúng ta ngày hôm nay. Trong cuộc
phỏng vấn, tôi đã cố gắng chỉ ra làm thế nào ngày nay chúng ta có thể hiểu một
cách hợp lý, động cơ dẫn đến cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu Kitô.
Hai bản văn tiếp theo bàn
về chủ đề chức linh mục và Thánh Thể. Bài viết về chức linh mục đã được xuất bản
lần đầu trong tập sách của Đức Hồng y Sarah, Từ thẳm sâu tâm hồn chúng tôi. Sau đó, tôi đã làm lại bản văn đó và
tạo cho nó một trọng tâm mới. Văn kiện của Công đồng Vaticanô II về chức linh mục
thừa tác đã cố gắng thể hiện lại vẻ đẹp của nó theo một cách mới mẻ. Tuy nhiên,
trong bối cảnh này, vẫn còn một thiếu sót quan trọng, do hoàn cảnh chú giải Kinh
thánh thời hiện đại gây ra. Quả thực, chức tư tế về cơ bản xuất hiện như một chức
vụ mục vụ, trong khi đặc điểm thiết yếu của chức tư tế [proprium sacerdotale] được cho là không có trong chức vụ mục vụ của
Tân ước. Tuy nhiên, tôi đã có thể chứng minh rằng, bất chấp điều này, chữ “presbyter”[6]
trong Tân ước chính là một sacerdos, ngay
cả khi theo một nghĩa mới được định nghĩa bởi thầy tế lễ thượng phẩm, đó chính
là Đức Giêsu Kitô trên thập giá. Hơn nữa, tôi đã đề cập đến cuộc tranh luận về việc rước lễ, vốn thỉnh thoảng lại được
đề xuất một cách mạnh mẽ ở Đức. Từ đó dẫn đến một cái nhìn sâu sắc hơn về sự hiện
diện thật của Mình và Máu Chúa Kitô, và theo đó là một định nghĩa mới về những gì có thể hoặc không thể có nghĩa,
qua cụm từ “ăn và uống Mình Máu Chúa Kitô”.
Chương 5, đề cập tới
các vấn đề luân lý. Một đóng góp cơ bản được trình bày ở đây liên quan đến vấn
đề Giáo hội và vụ bê bối lạm dụng tình dục.
Chương 6, chứa đựng những
đóng góp bắt nguồn chủ yếu từ những dịp kỷ niệm lịch sử: bài diễn văn của tôi nhân
dịp 50 năm thành lập Ủy ban Thần học Quốc tế; một kỷ niệm về thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II, nhân dịp 100 năm ngày sinh của ngài; thêm một bài viết kỷ niệm
75 năm ngày mất của cha Alfred Delp. Chương này kết thúc với một cuộc phỏng vấn
về thánh Giuse, một vị thánh đã được cha mẹ tôi đặt cho tôi như một vị thánh bảo
trợ suốt đời. Càng lớn lên, hình ảnh của vị thánh bổn mạng càng hiện rõ trong
tôi. Không có một lời nói nào của thánh Giuse được truyền lại cho chúng ta, mà chính
là khả năng biết lắng nghe và hành động của thánh nhân. Càng ngày tôi càng hiểu
rằng sự thinh lặng của thánh Giuse cũng chính là cách mà ngài muốn nói với
chúng ta, và ngoài kiến thức khoa học, thánh nhân còn mong muốn hướng dẫn tôi đến
sự khôn ngoan.
Tập sách này, tập hợp
những bài tôi viết [trong thời gian hưu dưỡng] tại đan viện Mẹ Giáo hội [Mater Ecclesiae], sẽ chỉ được xuất bản
sau khi tôi qua đời. Tôi giao nhiệm vụ biên tập tác phẩm này cho Tiến sĩ Elio
Guerriero, người đã viết về tiểu sử của tôi bằng tiếng Ý, và là người mà tôi nhìn
nhận về năng lực thần học của ông ấy. Vì thế, tôi sẵn lòng giao phó cho ông ấy
cuốn sách này, tác phẩm cuối cùng của đời tôi.
(đã ký)
Bênêđictô XVI
Tại Đan viện Mater Ecclesiae
Ngày 01 tháng 05 năm 2022, ngày Lễ kính thánh
Giuse Thợ
CHƯƠNG 1: ĐỨC
TIN KITÔ GIÁO VÀ CÁC TÔN GIÁO TRÊN THẾ GIỚI
Tình yêu
thương chính là căn nguyên của việc truyền giáo[7]
Trước hết, tôi xin bày
tỏ lời cám ơn chân thành nhất đến ngài Hiệu trưởng đáng kính và ban giảng huấn
của Đại học Giáo hoàng Urbaniana, đến các quan chức cấp cao và đại diện các
sinh viên về đề xuất đặt tên cho hội trường đã được tân trang lại là đại sảnh
Bênêđictô XVI theo tên tôi. Đặc biệt, tôi muốn cám ơn Đức Hồng y Fernando
Filoni, là Hiệu trưởng của trường đại học này, vì đã hoan nghênh sáng kiến này.
Đối với tôi, đó là một niềm vui lớn lao khi có thể luôn hiện diện theo cách này
trong các hoạt động của Đại học Giáo hoàng Urbaniana.
Trong một số chuyến viếng
thăm mà tôi có thể thực hiện trong tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin,
tôi luôn bị ấn tượng bởi bầu khí huynh đệ đại đồng mà người ta hít thở tại trường
đại học này, trong đó những người trẻ đến từ hầu hết các quốc gia trên thế giới,
để chuẩn bị cho việc phục vụ loan báo Tin mừng trong thế giới đương đại. Hôm
nay, tôi cũng thấy trong tâm trí, trước mắt mình, trong hội trường đã được tân
trang lại, một cộng đồng gồm nhiều người trẻ nam nữ giúp chúng ta cảm nhận một
cách sống động thực tại kỳ diệu của Giáo hội Công giáo.
Thuật ngữ “Công giáo”: thuộc tính này của Giáo hội,
vốn là một phần của việc tuyên xưng đức tin từ thời xa xưa nhất, mang trong
mình một điều gì đó của ngày Lễ Ngũ Tuần. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội
của Đức Giêsu Kitô chưa bao giờ chỉ quan tâm đến một quốc gia hay chỉ một nền
văn hóa nào đó, mà ngay từ đầu, Giáo hội đã được định sẵn cho cả nhân loại. Lời
cuối cùng Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Và vào thời điểm Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã nói
bằng mọi ngôn ngữ, và vì thế, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, các ngài có
thể biểu lộ sự tròn đầy đức tin của mình.
Kể từ đó, Giáo hội thực
sự phát triển trên khắp các châu lục. Các sinh viên rất thân mến, sự hiện diện
của các con, phản ánh khuôn mặt của Giáo hội phổ quát. Ngôn sứ Dacaria đã loan
báo về một vương quốc của Đấng Mêsia, Người sẽ thống trị từ biển này qua biển nọ,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất, và sẽ là một vương quốc hòa bình (Dcr 9,9-10).
Quả thật, bất cứ nơi nào cử hành Thánh Thể và nơi nào mọi người, theo sáng kiến
của Chúa, trở nên một Nhiệm Thể với nhau, thì ở đó có được sự bình an mà Đức
Giêsu Kitô đã hứa ban cho các môn đệ của Người. Các bạn thân mến, các con là những
cộng tác viên với nền hòa bình này, và trong một thế giới chia rẽ và đầy bạo lực,
thì việc kiến tạo và gìn giữ nền hòa bình này càng trở nên cấp bách hơn. Đây là
lý do tại sao hoạt động của trường đại học của các con rất quan trọng, trong đó
các con nhắm đến việc học biết Đức Giêsu Kitô một cách mật thiết hơn để có thể
trở thành chứng nhân của Người.
Chúa Phục sinh đã ủy
thác cho các tông đồ, và qua họ là các môn đệ của mọi thời đại, để mang sứ điệp
của Chúa đến tận cùng trái đất và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Công đồng Vaticanô
II, khi lặp lại trong Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội [Ad Gentes] một truyền thống có từ mọi thế
kỷ, đã nêu bật những lý do sâu xa của nhiệm vụ truyền giáo này, và vì thế, đã
trao nhiệm vụ này cho Giáo hội ngày nay với một sức mạnh mới.
“Nhưng liệu điều này
có thực sự vẫn còn hiệu lực nữa hay không?” nhiều người thắc mắc, cả trong và
ngoài Giáo hội. Liệu có đúng là công cuộc truyền giáo hiện nay vẫn còn được
quan tâm chăng? Gặp gỡ nhau trong cuộc đối thoại giữa các tôn giáo trên thế giới
và cùng nhau phục vụ sự nghiệp hòa bình trên thế giới chẳng phải là điều thích
hợp hơn sao? Câu hỏi ngược lại là: Liệu đối thoại có thể thay thế công cuộc
truyền giáo chăng? Thật vậy, nhiều người ngày nay có quan niệm rằng các tôn
giáo trên thế giới nên tôn trọng lẫn nhau, và trong cuộc đối thoại giữa các tôn
giáo, trở thành một lực lượng chung cho hòa bình. Theo cách suy nghĩ này, hầu hết
thường có giả định rằng các tôn giáo khác nhau là những biến thể của một và
cùng một thực tại; “tôn giáo” đó là một loại chung có các hình thức khác nhau
tùy thuộc vào các nền văn hóa khác nhau, nhưng dù sao cũng thể hiện cùng một thực
tại. Vấn nạn về “chân lý”, một vấn nạn từ ban đầu đã thúc đẩy các Kitô hữu hơn
bất cứ điều gì khác, được đặt trong ngoặc đơn ở đây. Suy cho cùng, người ta giả
định rằng chân lý xác thực về Chúa là không thể đạt được, và cùng lắm thì chúng
ta chỉ có thể biến điều không thể diễn tả thành hiện tại bằng nhiều biểu tượng
khác nhau. Sự từ bỏ chân lý này có vẻ thực tế và hữu ích cho hòa bình giữa các
tôn giáo trên thế giới. Tuy nhiên, nó gây triệt tiêu cho đức tin chân thực. Thật
vậy, đức tin sẽ mất đi đặc tính ràng buộc và tính nghiêm túc của nó nếu mọi thứ
bị quy giản thành những biểu tượng về cơ bản có thể hoán đổi cho nhau, chỉ có
khả năng quy chiếu từ xa đến mầu nhiệm thánh thiêng không thể tiếp cận được.
Các bạn thân mến, các con
thấy rằng vấn đề truyền giáo đặt ra cho chúng ta không những về các vấn đề cơ bản
về đức tin mà còn cả vấn đề con người là gì. Trong giới hạn của những lời phát
biểu ngắn gọn này, hiển nhiên cha không thể cố gắng phân tích một cách thấu đáo
loạt vấn đề đang làm quan tâm sâu sắc đến tất cả chúng ta ngày nay. Do đó, cha
muốn ít nhất là chỉ ra hướng mà suy nghĩ của chúng ta nên tiến hành. Cha sẽ thực
hiện điều này bằng cách khởi hành từ hai điểm xuất phát khác nhau.
I
1. Ý kiến chung cho rằng các tôn giáo trên thế giới, có thể nói, chỉ đơn
giản là nằm cạnh nhau, giống như các lục địa và các quốc gia riêng lẻ trên bản
đồ. Nhưng điều này là không chính xác. Các tôn giáo trên thế giới đang vận hành
ở cấp độ lịch sử, giống như các quốc gia và các nền văn hóa đang vận hành. Có
những tôn giáo mong đợi. Các tôn giáo bộ lạc thuộc loại này: chúng có thời điểm
lịch sử của chúng nhưng vẫn đang mong đợi một cuộc gặp gỡ lớn hơn sẽ đưa chúng
đến sự viên mãn. Chúng ta, những Kitô hữu, xác tín rằng, trong thinh lặng, họ
đang chờ đợi cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô, ánh sáng phát xuất từ nơi Người,
ánh sáng duy nhất có thể dẫn họ hoàn toàn tới chân lý của họ. Và Chúa Kitô đang
chờ đợi họ. Cuộc gặp gỡ với Chúa không phải là sự xâm nhập của một thứ gì đó
ngoại lai phá hủy nền văn hóa và lịch sử của chính họ. Đúng hơn, đó là một lối
vào một điều gì đó vĩ đại hơn mà họ đang hướng tới. Do đó, cuộc gặp gỡ này luôn
đồng thời là một sự thanh tẩy và một sự trưởng thành. Hơn nữa, cuộc gặp gỡ luôn
có tác động qua lại. Chúa Kitô chờ đợi lịch sử của họ, sự khôn ngoan của họ, tầm
nhìn của họ về mọi thứ. Ngày nay, chúng ta cũng thấy rõ ràng hơn một khía cạnh
khác nữa: trong khi Kitô giáo về nhiều mặt đã trở nên mệt mỏi ở những quốc gia
mà lịch sử vĩ đại của nó đã diễn ra, và một số nhánh của cây lớn mọc lên từ hạt
cải của Tin mừng đã trở nên khô héo và gãy đổ xuống đất, sự sống mới nảy sinh từ
cuộc gặp gỡ của các tôn giáo đang mong đợi với Chúa Kitô. Nơi mà trước đây chỉ
có sự mệt mỏi, thì nay những chiều kích mới mẻ của đức tin được biểu lộ và mang
lại niềm vui.
2. Tự bản chất, tôn giáo không phải là một hiện tượng nguyên khối. Một số
chiều phải luôn được phân biệt trong đó. Một mặt, có sự vĩ đại của việc vượt ra
ngoài thế giới để hướng tới Thiên Chúa vĩnh cửu. Nhưng mặt khác, sự vĩ đại này
chứa đựng những yếu tố bắt nguồn từ lịch sử nhân loại và từ việc thực hành tôn
giáo của họ. Dĩ nhiên, trong số đó, chúng ta có thể tìm thấy những điều tốt đẹp
và cao quý, nhưng cũng có những điều thấp hèn và hủy hoại, nơi mà lòng ích kỷ của
con người đã chiếm hữu tôn giáo và biến nó thành một sự khép kín thay vì được mở
ra. Do đó, tôn giáo không bao giờ chỉ đơn giản là một hiện tượng thuần túy tích
cực hay thuần túy tiêu cực: trong đó cả hai khía cạnh đều được giao thoa với
nhau. Trong thời gian đầu, sứ mệnh Kitô giáo đã nhận thức rất mạnh mẽ, trên hết,
các yếu tố tiêu cực của các tôn giáo ngoại giáo mà nó phải đối mặt. Vì lý do
này, lời tuyên bố của Kitô giáo thuở sơ khai hết sức chỉ trích các tôn giáo
khác. Chỉ bằng cách vượt qua những truyền thống của họ, mà một phần nó thậm chí
còn coi là ma quỷ, thì đức tin mới có thể thể hiện sức mạnh cải tạo của mình.
Trên cơ sở các yếu tố thuộc loại này, nhà thần học theo chủ nghĩa Calvin Karl
Barth đã đối chiếu tôn giáo và đức tin, đánh giá đức tin đầu tiên theo cách
hoàn toàn tiêu cực là hành vi độc đoán của con người cố gắng nắm bắt Chúa một
mình. Dietrich Bonhoeffer chấp nhận thái độ này, tuyên bố rằng ông ủng hộ một Kitô
giáo “không có tôn giáo”. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một quan điểm đơn
phương không thể được chấp nhận. Tuy nhiên, thật đúng khi khẳng định rằng mọi
tôn giáo, để duy trì sự công bằng, luôn phải đồng thời phê phán tôn giáo. Rõ
ràng điều này đúng với đức tin Kitô giáo ngay từ đầu, phù hợp với bản chất của
nó. Một mặt, nó hết sức tôn trọng kỳ vọng bên trong và sự phong phú bên trong của
các tôn giáo trên thế giới, nhưng mặt khác, nó nhìn nhận một cách phê phán những
gì là tiêu cực. Không cần phải nói rằng đức tin Kitô hết lần này đến lần khác
cũng phải thể hiện khả năng phê bình đó đối với lịch sử tôn giáo của chính mình.
Đối với người Kitô hữu chúng ta, Đức Giêsu Kitô là Logos của Thiên Chúa, là ánh
sáng giúp chúng ta phân biệt bản chất của tôn giáo với sự biến dạng của nó.
3. Trong thời đại của chúng ta, tiếng nói của những người muốn thuyết phục
chúng ta rằng tôn giáo như vậy đã lỗi thời đang ngày càng lớn hơn. Họ nói, chỉ
có lý trí phê phán mới định hướng được hành động của con người. Đằng sau những
khái niệm như thế này là niềm tin rằng với tư tưởng thực chứng, lý trí với tất
cả sự trong sáng của nó đã chắc chắn nắm quyền kiểm soát. Trên thực tế, ngay cả
lối suy nghĩ và lối sống này cũng bị quy định trong lịch sử và được kết nối với
các nền văn hóa lịch sử cụ thể. Việc coi lối suy nghĩ này là lối suy nghĩ hợp lệ
duy nhất cuối cùng đã coi thường con người bằng cách lấy đi những chiều kích
thiết yếu trong sự tồn tại của Thiên Chúa. Con người trở nên nhỏ bé hơn, chứ không
lớn hơn, khi không còn chỗ cho một đặc tính phù hợp với bản chất đích thực của
con người, vượt ra ngoài chủ nghĩa thực dụng, khi không còn chỗ cho một cái
nhìn hướng về Thiên Chúa. Vị trí thích hợp cho lý trí thực chứng là trong các
lĩnh vực hoạt động kinh tế và công nghệ vĩ đại, nhưng nó không làm cạn kiệt tất
cả những gì thuộc về con người. Vì vậy, chúng ta là những người tin tưởng vào
việc mở rộng nhiều lần những cánh cửa vượt ra ngoài công nghệ đơn thuần và chủ
nghĩa thực dụng thuần túy để đến với toàn bộ sự vĩ đại của sự tồn tại của chúng
ta, đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống.
II
1. Những suy tư này, mặc dù hơi khó khăn, phải cho thấy rằng ngay cả ngày
nay, trong một thế giới đã thay đổi sâu sắc, nhiệm vụ truyền đạt Tin mừng của Đức
Giêsu Kitô cho người khác vẫn còn hợp lý. Và tuy nhiên, cũng có một cách thứ
hai, đơn giản hơn để biện minh cho nhiệm vụ này ngày nay. Niềm vui cần được
truyền đạt. Tình yêu cần được truyền đạt. Sự thật cần được truyền đạt. Một người
đã nhận được một niềm vui lớn không thể chỉ giữ nó cho riêng mình; anh ấy phải
bàn giao nó trên. Điều này cũng đúng đối với món quà tình yêu và món quà nhận
ra sự thật được bày tỏ. Khi gặp Đức Kitô, Anrê đã không thể không nói với anh
mình: “Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế” (Ga 1,41). Và khi Philípphê cũng được gặp
gỡ như thế, ông không thể không nói với Nathanael rằng ông đã gặp được Đấng mà
Môsê và các tiên tri đã viết về (Ga 1,45). Chúng ta hãy loan báo Đức Giêsu
Kitô, không phải để có được càng nhiều thành viên càng tốt cho cộng đồng của
chúng ta, càng không phải vì quyền lực. Chúng ta hãy nói về Người vì chúng ta cảm
thấy rằng chúng ta phải chia sẻ niềm vui đã được ban cho chúng ta. Chúng ta sẽ
là những người loan báo đáng tin cậy về Đức Giêsu Kitô khi chúng ta thực sự gặp
gỡ Người trong thâm tâm con người chúng ta, khi qua cuộc gặp gỡ với Người,
chúng ta đã lãnh nhận món quà là kinh nghiệm tuyệt vời về chân lý, tình yêu và
niềm vui.
2. Một phần bản chất của tôn giáo là sự căng thẳng sâu sắc giữa việc dâng
hiến thần bí cho Thiên Chúa, trong đó chúng ta hiến mình hoàn toàn cho Người,
và trách nhiệm đối với tha nhân và đối với thế giới do Thiên Chúa tạo dựng.
Mácta và Maria luôn luôn không thể tách rời, mặc dù đôi khi có thể nhấn mạnh đến
người này hay người kia. Điểm gặp gỡ giữa hai thái cực là tình yêu mà trong đó
chúng ta cùng lúc chạm đến Thiên Chúa và các thụ tạo của Người. “Chúng tôi biết
và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng tôi” (1Ga 4,16): câu này diễn tả
bản chất đích thực của Kitô giáo. Tình yêu, được thể hiện và phản ánh theo nhiều
cách khác nhau nơi các thánh của mọi thời đại, là bằng chứng xác thực cho chân
lý của Kitô giáo.
Tôn giáo là
gì?[8]
Một nỗ lực để xác định
khái niệm về tôn giáo
Khi chúng ta cố gắng
làm rõ bản chất của tôn giáo, điểm đầu tiên nổi lên là tôn giáo chỉ tồn tại
trong các tôn giáo thực sự. Không có bản chất trừu tượng của tôn giáo, mà chỉ
có những hình thức cụ thể của tôn giáo. Điều này dường như khiến nỗ lực tìm kiếm
các phương pháp đối thoại rơi vào ngõ cụt. Thật vậy, các tôn giáo thế giới
trông giống như một tòa nhà bao trùm các lục địa của không gian và thời gian.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, rõ ràng là các tôn giáo, bên ngoài các lục địa,
xuất hiện như những công trình xây dựng vĩ đại, hơn nữa, không thể được trình
bày một cách tĩnh tại, mà về mặt lịch sử, chúng được phát hiện là đang vận động,
nhờ đó cuối cùng chúng có xu hướng vượt qua chính mình. Tuy nhiên, trong phong
trào này, chúng không bị phá hủy mà được thanh lọc và đưa trở lại bản chất chân
thực hơn của chúng.
Cái gọi là tôn giáo bộ
lạc (từng được mô tả đơn giản là ngoại giáo) công nhận các vị thần được sắp đặt
cho các lĩnh vực cụ thể của cuộc sống. Các giáo phái sinh sản là những người dễ
thấy nhất. Các thành viên của họ hân hoan tôn kính mầu nhiệm sinh sản và do đó
đồng thời đón nhận mầu nhiệm ấy theo cách luôn mới mẻ. Do đó, nội dung cốt yếu
của những sự sùng bái này là siêng năng bảo tồn khả năng sinh sản, biết ơn vì
đã bảo tồn chúng và vui mừng vì điều đó. Tuy nhiên, khi làm như vậy, các tín đồ
tự động và ở khắp mọi nơi đạt đến điểm lạm dụng ngây ngất, trong đó các yếu tố
thần thánh và con người đan xen với nhau và do đó đánh mất phẩm giá đúng đắn của
chúng. Theo cách này, những giáo phái này đã dẫn đến sự hủy diệt của toàn bộ xã
hội, do đó đặt ra câu hỏi về bản chất của tôn giáo. Cuộc đấu tranh chống lại những
tà giáo này với những cám dỗ của chúng xác định một cách rộng rãi mối quan hệ của
đức tin Kinh thánh đối với các tôn giáo.
Đương nhiên cũng có mặt
tích cực đối với những tôn giáo này, vì chúng được ra lệnh để bảo tồn và màu mỡ
của trái đất. Trong xã hội cuối thời cổ đại, chúng xuất hiện không gì khác hơn
là bản chất của tà giáo, mà ngày nay được thể hiện một cách hoàn toàn tích cực
trong các đám rước, trong các nghi lễ và các cử chỉ tương tự. Kitô giáo, lúc đầu
không quen thuộc với những hình thức sùng kính này và trái ngược với tính tôn
giáo của vùng nông thôn, cuối cùng đã phải chấp nhận, thanh lọc và sửa chữa nhiều
yếu tố từ bối cảnh này, nhưng cũng phải chấp nhận những đề nghị mới và những
hình thức sùng kính cụ thể. Cái gọi là những kinh cầu lớn [litaniae maiores] được lưu giữ như những lời cầu nguyện khẩn cầu
cho đến ngưỡng cửa của thời đại hôm nay. Điều khởi đầu là tà giáo, vốn trái ngược
với đức tin, ngày nay là một loại nhãn quan Kitô giáo về cuộc sống và thế giới,
không may là định mệnh sẽ chết. Những gì rõ ràng là ngoại giáo, mà lúc đầu dường
như phải bị loại bỏ, cuối cùng đã góp phần vào việc đại diện cho một cuộc sống
luôn được tiếp nhận một lần nữa như đến từ Thiên Chúa.
Tôi muốn nhắc lại ở
đây một lĩnh vực đặc biệt quan trọng khác: nó liên quan đến cách đối phó với bệnh
tật và cái chết. Trong nghi lễ ngoại giáo, có những lời nói và cử chỉ vô cùng
xúc động, nhưng cũng có sự độc đoán lợi dụng thách thức do bệnh tật và cái chết
gây ra để lần lượt phát huy sức mạnh của nó. Ngày nay cũng như trong quá khứ, sức
mạnh của các pháp sư làm ô uế bộ mặt của các tôn giáo bộ lạc. Một biểu hiện thiết
yếu của mối quan hệ với người chết trong tất cả các tôn giáo bộ lạc là thờ cúng
tổ tiên, phần lớn trong quá khứ được coi là đối lập với tầm nhìn của Kitô giáo
về sự sống và cái chết. Dựa trên kinh nghiệm của mình, Horst Bürkle đã đề xuất
một cách phân bổ và trình bày mới về thờ cúng tổ tiên mà theo tôi có vẻ đáng
xem xét. Ông cho thấy rằng chủ nghĩa cá nhân phát triển ở phương Tây và đưa ra
sự phản kháng mạnh mẽ nhất đối với việc thờ cúng tổ tiên, trên thực tế, cũng đi
ngược lại với nhân học Kitô giáo coi chúng ta như được bảo vệ trong Nhiệm thể
Chúa Kitô. Mối quan hệ của con người với Chúa Kitô không chỉ là mối quan hệ
Tôi-Bạn mà còn tạo ra một Chúng tôi mới. Hiệp thông với Đức Giêsu Kitô đưa
chúng ta vào Thân thể Chúa Kitô, nói cách khác, vào cộng đồng vĩ đại của tất cả
những người thuộc về Chúa, và do đó, nó vượt ra ngoài ranh giới giữa cái chết
và sự sống. Theo nghĩa này, sự hiệp thông với những người đi trước chúng ta là
một phần thiết yếu của việc trở thành một Kitô hữu. Nó cho phép chúng ta tìm thấy
những hình thức hiệp thông với người chết, mà có lẽ ở Châu Phi thể hiện khác với
cách họ làm ở Âu châu, nhưng trong mọi trường hợp, nó cho phép chúng ta mang lại
một sự chuyển đổi phong phú về ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên.
Nhưng bây giờ câu hỏi
đặt ra là làm thế nào niềm tin vào một vị thần có thể vượt qua thế giới của các
vị thần. Nhà truyền giáo Ngôi Lời Thiên Chúa Wilhelm Schmidt, trong suốt cuộc đời
làm việc của mình, đã duy trì luận điểm rằng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất
nảy sinh từ nguồn gốc của lịch sử tôn giáo và dần dần ngày càng bị che khuất bởi
nhiều vị thần, cho đến khi nó có thể trấn áp các vị thần một lần nữa. Cuối
cùng, chính ông thừa nhận rằng một sự phát triển như vậy không thể được chứng
minh. Thay vào đó, bằng cách nào đó, người ta luôn biết rằng các vị thần không
chỉ đơn giản là số nhiều của Thượng đế. Chúa là Chúa ở số ít. Ngài tồn tại
duy nhất trong sự thống nhất. Đa số các vị thần hoạt động ở một cấp độ khác.
Trên thực tế, thế giới với các khu vực khác nhau được cai trị bởi các vị thần
chỉ có thể thống trị một phần của họ. Đối với Chúa duy nhất, những gì Erik
Peterson đã viết về ông trong chuyên khảo quan trọng đầu tiên của ông Thuyết độc
thần như một vấn đề chính trị là đúng: “Le
roi règne, mais il ne gouverne pas” [Vua trị vì, nhưng ông không cai trị].
Trong suốt lịch sử của các tôn giáo, Thiên Chúa được coi là một vị vua có quyền
lực đối với mọi thứ nhưng không thực thi quyền lực đó. Một Thiên Chúa có thật
không cần thờ phượng, vì Người không đe dọa ai và không cần ai giúp đỡ. Sự tốt
lành và quyền năng của một Thiên Chúa đích thực đồng thời quyết định sự tầm thường
của Người. Người không cần chúng ta, và con người nghĩ rằng họ không cần Thiên
Chúa. Với sự gia tăng niềm tin vào các vị thần, ngày càng có nhiều người khao
khát rằng Thượng đế thực sự với quyền năng của mình có thể giải phóng con người
khỏi chế độ sợ hãi mà trong đó niềm tin vào các vị thần đã phát triển mạnh mẽ.
Theo niềm tin của các Kitô hữu, đây chính là điều đã xảy ra với Đức Giêsu: vị
Thiên Chúa duy nhất đã đi vào lịch sử các tôn giáo và hạ bệ các vị thần. Henri
de Lubac đã đặc biệt chứng minh rằng Kitô giáo được coi là sự giải thoát khỏi nỗi
sợ hãi mà sức mạnh của các vị thần đã xiềng xích con người. Về cơ bản, thế giới
hùng mạnh của các vị thần đã sụp đổ vì một vị thần duy nhất bước vào hiện trường
và đặt ra giới hạn cho sức mạnh của họ.
Tôi đã cố gắng mô tả sự
kiện này chi tiết hơn một chút trong tuyển tập các tác phẩm Thiên Chúa trên trần thế [Gott in Welt] xuất bản nhân dịp sinh nhật
lần thứ sáu mươi của Karl Rahner, và tôi có thể chứng minh rằng có hai cách
thoát khỏi niềm tin vào các vị thần. Đầu tiên, các tôn giáo độc thần bắt nguồn
từ Ápraham, trong đó một Thiên Chúa với tư cách là một người gây ra cả thế giới.
Bên cạnh đó, còn có một lối thoát thứ hai, đó là các tôn giáo thần bí với Phật
giáo Tiểu thừa là hình thức trung tâm. Ở đây không có một Thượng đế cá nhân
nào, mà đúng hơn là ngay cả Thượng đế duy nhất cũng bị tan biến và trở nên phù
du. Con đường của Đức Phật hướng đến sự hủy diệt. Trên thực tế, hình thức giải
thể thần bí nghiêm trọng này của tất cả các nhân vật riêng lẻ đã không chiếm ưu
thế, nhưng trong thời gian gần đây, nó luôn được coi là mô tả cuối cùng và có
được sức hấp dẫn mạnh mẽ chính xác trong các nền văn hóa từng là Kitô giáo của
Âu châu. Trong thế giới nói tiếng Đức, người ta tìm thấy một thành ngữ trong
câu được cho là của Karl Rahner: “Kitô hữu tương lai sẽ là một nhà thần bí, nếu
không họ sẽ không còn tồn tại nữa - The
Christian of tomorrow will be a mystic, or else he will no longer exist.”
Rõ ràng điều này dự kiến
một sự nội tâm hóa và đào sâu đức tin bên trong. Tôi sẽ không cố gắng làm rõ ý
của Rahner qua câu này. Ngược lại, đối với nhiều người, nó chỉ che giấu chương
trình trình bày tất cả các hình thức đức tin cụ thể như thứ yếu để cuối cùng đi
đến một lòng mộ đạo khách quan, giống như chương trình mà Luise Rinser
[1911–2002, tác giả tiểu thuyết và truyện ngắn] đề cập như một hình thức ưu việt
của việc trở thành Kitô hữu mà cô ấy đã theo đuổi trong thời gian chờ đợi.
Nhà văn người Đức giải
thích với cá nhân tôi rằng mục đích công bố thư từ của bà với Karl Rahner là để
chứng minh rằng bà là một nhà thần bí và rằng cuộc hành trình tâm linh dài mà
bà đã thực hiện với Rahner trong những năm công đồng và hậu công đồng cuối cùng
đã dẫn đến sự giải thích thần bí của Kitô giáo. Tôi không hiểu rõ ý định của
Luise Rinser trong việc lôi kéo Rahner vào việc biến Kitô giáo thành một tôn
giáo thần bí ở mức độ nào. Trong mọi trường hợp, cô ấy muốn đưa ra lời giải
thích về cụm từ nổi tiếng của Rahner như một sự mở ra cho tương lai.
Trên thực tế, cách giải
thích Kitô giáo như vậy mâu thuẫn với ý định sâu xa nhất và cấu hình lịch sử cụ
thể của nó. Đối với một Kitô giáo, Thiên Chúa, Đấng trong Đức Giêsu Kitô tự
ràng buộc trái tim và bàn tay của mình với loài người chúng ta và Đấng đã chịu
làm người vì chúng ta và giữa chúng ta cho đến chết và bên kia cái chết, là
trung tâm của Kitô giáo. Toàn bộ cuộc tranh cãi trong lịch sử các tôn giáo giữa
Thượng đế và các vị thần không kết thúc với sự kiện là chính Thượng đế cuối
cùng cũng biến mất như một sự tôn sùng. Thay vào đó, nó kết thúc với chiến thắng
của Thiên Chúa chân chính duy nhất trước các vị thần không phải là Thiên Chúa.
Do đó, nó kết thúc với món quà tình yêu giả định trước sự hiện hữu của Thiên
Chúa. Vì thế, đối với con người cũng vậy, nó kết thúc bằng việc con người hoàn
toàn trở thành một con người bằng cách đón nhận hồng ân được Thiên Chúa yêu
thương và trao ban cho con người.
CHƯƠNG 2: CÁC
YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA TÔN GIÁO KITÔ
Thuyết độc thần
và sự khoan dung[9]
Sau khi lần đầu tiên đề
cập đến mối liên hệ giữa thuyết độc thần và sự bất khoan dung, về cơ bản vẫn
còn ở bề nổi, Eckhard Nordhofen đã giải quyết vấn đề một cách chi tiết hơn
trong chuyên khảo sâu rộng của ông, tạm dịch là: “Tuyển tập. Sức mạnh hỗn loạn của thuyết Độc thần - Corpora. Die anarchische Kraft des
Monotheismus.[10] Tuy nhiên, tôi có ấn tượng
rằng khía cạnh lịch sử thuần túy có thể được nghiên cứu khám phá sâu hơn. Chính
vì vậy, bài tiểu luận này đã ra đời, trong đó tôi tìm cách đưa ra một cái nhìn
thoáng qua về sự phức tạp của những gì đã xảy ra. Tôi nghĩ rằng những gì từ quá
khứ xa xôi cũng có ảnh hưởng đến hiện tại thì nó cũng sẽ tự động xuất hiện, và
do đó, không cần phải thảo luận theo cách phân tích. Điều này đặc biệt đúng đối
với đoạn cuối, trong đó, nhìn bề ngoài, sức mạnh to lớn của văn hóa và tôn giáo
Hy Lạp - được hiểu như một lực lượng khoan dung hiện đại - bắt gặp hiện tượng bất
khoan nhượng và không thể khoan nhượng của một nhóm thù địch với quan điểm khai
sáng, tức là Do Thái giáo, và vì lý do này mà nó trở nên bất khoan dung. Tuy
nhiên, từ quan điểm ngày nay, cũng có thể có một đánh giá khác về tình hình lúc
bấy giờ: những Kitô hữu chúng ta, những người dứt khoát coi hình thức thiết yếu
nơi đức tin của chúng ta là bắt nguồn từ Do Thái giáo, nhận thấy mình chính là
nạn nhân của tình trạng bất khoan dung ngày càng gia tăng, được thực hiện ngay
trong thế giới này, nhân danh sự khoan dung. Trong bài tiểu luận này của tôi,
tôi đã cố tình không nói về những vấn đề thời sự trong quá khứ; Tôi xin để lại
nhiệm vụ này cho quý độc giả tự suy gẫm.
Tuy nhiên, sự phức tạp
của quá trình bắt đầu từ rất sớm. Ví dụ, trong tình tiết nổi tiếng về con bê bằng
vàng (x. Xh 32), vấn đề không chỉ đơn giản là vấn đề tuyên xưng một Thiên Chúa duy
nhất, mà còn là mối tương quan trung tín của dân Israel với Thiên Chúa của
mình, mối tương quan đã thất bại vì dân chúng đã biến Thiên Chúa thành một bức
tượng. Mục đích của đoạn văn này không phải là để bảo vệ tính duy nhất của
Thiên Chúa mà đúng hơn là để lên án sự bất trung của dân Israel, một dân tộc,
qua Giao ước, đã bước vào một kiểu tương quan trung thành đặc biệt với Thiên
Chúa.
Việc xem xét sự hiểu
biết về “thuyết độc thần” trong sách Giôsuê, sách Thủ Lãnh và sách Các Vua, với
các đoạn tương ứng, sẽ dẫn chúng ta đi quá xa. Vì vậy, tôi chỉ muốn phân tích
ngắn gọn đoạn sách Giôsuê, chương 24,15-28, bởi vì ở đó chúng ta tìm thấy phần
trình bày về mối tương giao của dân Israel với Thiên Chúa của họ, mối tương
giao mang tính quyết định đối với tất cả mọi việc tiếp theo. Dân Israel tự do
chấp nhận Giao ước độc quyền với Thiên Chúa, trong khi họ có cơ hội rõ ràng để
từ chối Giao ước đó, và như vậy, được giải phóng khỏi các nghĩa vụ, vốn đặt ra
trong Giao ước đối với Thiên Chúa. Mối ràng buộc độc nhất này với Giavê Thiên
Chúa, và kết quả là loại trừ tất cả các ngẫu thần khác, cũng như cuộc đấu tranh
chống lại chúng, không được trình bày như một hệ quả của thuyết độc thần trừu
tượng, mà đúng hơn là kết quả duy nhất từ mối tương quan Giao ước cụ thể với
Thiên Chúa, Đấng dành cho Israel, là một vị Thiên Chúa duy nhất, và là Đấng có
thể tuyên bố độc quyền cho mình một cách hiệu quả một vùng đất dường như thuộc
về các vị thần khác. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, ở một giai đoạn khác của
lịch sử thánh thiêng, sự bất khoan dung đối với các dân tộc trước đây đã từng sinh
sống trên miền Đất hứa, dường như được thúc đẩy bởi một động lực khác. Ở đó,
người ta nói rằng những dân tộc này đã làm ô uế quá mức các vùng lãnh thổ, bằng
những điều ghê tởm mà các vị thần của họ mong muốn – đặc biệt là bằng việc hiến
tế chính con người – đến nỗi họ không còn bất kỳ quyền nào đối với vùng đất đó
nữa; và người ta nói rằng Giavê Thiên Chúa đã ban vùng đất đó cho Israel để người
dân của họ có thể sống ở đó theo Lề luật của Người, khôi phục lại phẩm giá cho
vùng đất đó. Trên thực tế, một phần đáng kể dân số trước đây vẫn còn ở lại vùng
đất đó, và kết quả là dân Israel đã không sống trọn vẹn theo thánh ý Thiên Chúa,
đồng thời cũng dạy các dân tộc khác sống công bình. Thay vào đó, điều ngược lại
đã xảy ra: dân Israel đi chệch khỏi lối sống đã được ban cho mình và buông theo
lối sống của những dân ngoại đó. Mặt khác, trong trường hợp này cũng vậy, điều
định nghĩa “sự bất khoan dung” của họ đối với các dân tộc khác không phải là
thuyết độc thần trừu tượng, mà đúng hơn là mối ràng buộc giữa luân lý và đức
tin, điều đó cũng âm thầm kêu gọi lý trí làm chứng cho hành động đúng đắn của
Thiên Chúa.
Những quan điểm thiết
yếu liên quan đến vấn nạn về mối tương quan giữa thuyết độc thần và lòng khoan
dung cũng có thể được tìm thấy trong câu chuyện về vua Salômôn và những người
phụ nữ, vì yêu chiều họ mà ông đã xây dựng các đền thờ để tôn vinh các ngẫu thần
của họ. Một mặt, Salômôn xuất hiện với tư cách là vị vua lý tưởng, với tư cách
là bậc thầy về sự khôn ngoan, người thông qua các cuốn sách khôn ngoan, tiếp tục
nói với thần dân của mình, và nói bao quát hơn, là với cả nhân loại này. Nhưng
mặt khác, sự thành công đã quyến rũ ông ta, dẫn ông ta đến một lối sống buông
thả - trong đó có một hậu cung lớn - bao gồm cả việc xây dựng các đền thờ của
thế giới ngoại giáo. Theo tiêu chí hiện đại, có thể nói rằng Salômôn là một vị
vua khai sáng, người đã tạo không gian cho nhiều tôn giáo khác nhau cùng hiện hữu,
từ đó cho phép họ có sự khoan dung lẫn nhau. Sử sách chính thức của Israel có
quan điểm mâu thuẫn về ông. Một mặt, Salômôn được trình bày như vị vua vĩ đại
và khôn ngoan, người đã được ban cho quyền trị vì kéo dài bốn mươi năm. Nhưng đồng
thời, chính trong thời gian trị vì của ông, đã khai mào sự chia rẽ tiếp theo giữa
Israel và Giuđa, và lòng khoan dung tôn giáo của ông bị chê bai là đã từ bỏ sự
khôn ngoan và sa vào sự ngu ngốc tột cùng trong việc thờ ngẫu tượng. Trong Tân
ước, câu chuyện về thánh Stêphanô cho thấy ngôi đền thờ lộng lẫy mà Salômôn xây
lên thay thế cho Lều thánh, tượng trưng về mặt tâm linh cho sự chuyển đổi sang
lòng mộ đạo giả dối, bởi vì Thiên Chúa chân thật thì không ngự trong những tòa
nhà bằng gỗ đá, mà vẫn là một Thiên Chúa đang đồng hành tiến bước.
Các vấn đề hoàn toàn
khác dưới triều đại của vua Akháp. Vì tình yêu với người vợ ngoại giáo của
mình, bà I-de-ven, vua Akháp đã ban cho các vị thần của hoàng hậu I-de-ven tất
cả không gian mà bà ấy muốn; chính vì lý do này, mà ông ta xuất hiện với tư
cách là nguyên mẫu của một vị vua tồi tàn xấu xa, mặc dù từ các sự kiện được
thuật lại, rõ ràng rằng, trong giới hạn của những gì có thể xảy ra, và có thể
được mong đợi sau đó, ông ta là một vị vua tốt cho dân của mình: khi ông bị trọng
thương trong cuộc chiến chống lại dân Syria, toàn thể dân Israel đã thương tiếc
cho cái chết của ông. Cuộc đụng độ kịch tính giữa thuyết độc thần (niềm tin vào
một Thiên Chúa duy nhất) và sự sai lầm của việc thờ ngẫu tượng đã diễn ra trong
cuộc xung đột giữa ngôn sứ Êlia và hoàng hậu I-de-ven. Do chính sách của I-de-ven,
Êlia vẫn là vị ngôn sứ của một vị Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của Sinai, và
đã bị 450 ngôn sứ của Baal phản đối. Sự phán xét của Thiên Chúa, vốn được cả
hai bên nhìn nhận, đã được Êlia thi hành bằng việc tàn sát tất cả các ngôn sứ của
thần Baal. Do đó, trên thực tế, chiến thắng mà thuyết độc thần giành được dường
như đặt ngôn sứ Êlia về phía cánh hữu, nhưng sự cân bằng quyền lực thực sự đã
đe dọa Êlia, cả tâm hồn lẫn thể xác, và buộc ông phải chạy trốn. Êlia quay trở
lại con đường hướng tới ngọn núi của Đức Chúa, núi Sinai, để nhận những chỉ dẫn
mới ở đó. Theo một cách giải thích vẫn còn gây tranh cãi, về cuộc gặp gỡ với Thiên
Chúa dành cho Êlia, nên được hiểu là sự lên án bạo lực được sử dụng trong cuộc chiến
chống lại các vị thần. Thiên Chúa không ở trong lửa và không ở trong bão tố; mà
sự hiện diện của Người được cảm nhận trong tiếng gió hiu hiu.
Khoảng ba trăm năm
sau, khi bắt đầu hoạt động của phần thứ
hai của sách Isaia [Deutero-Isaiah][11], chúng ta lại bắt gặp tiếng
nói huyền nhiệm loan báo chấm dứt cuộc Lưu đày, giải phóng dân Israel. Nửa
thiên niên kỷ sau, chúng ta lại nghe thấy nó một lần nữa, và bây giờ nó đã trở
thành tiếng nói của một con người, đó là Gioan Tẩy Giả, một người cũng diễn ra quá
trình chuyển tiếp từ Cựu ước sang Tân ước. Khi ý nghĩa của tiếng nói dần dần trở
nên cụ thể, thì sự mặc khải cho Êlia trên núi Sinai trở nên rõ ràng trong phần
phân tích cuối cùng: Thiên Chúa chiến thắng, không phải bằng bạo lực như Êlia
đã thực hiện, nhưng qua vị Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, Đấng được chính Thiên
Chúa can thiệp trong lịch sử. Ngay cả khi vấn nạn về ý nghĩa ban đầu được trao
cho sự hiển linh của Êlia vẫn còn bỏ ngỏ, thì sự tái trình bày của điều đó
trong sách ngôn sứ Isaia và nơi Gioan Tẩy Giả, vẫn cho phép chúng ta khẳng định
rằng, trong đó một định nghĩa huyền nhiệm và mới mẻ được công bố để định hình vấn
nạn về quyền năng và sự bất lực của Thiên Chúa trên trần gian này.
Bản thân Êlisê dù
không tiếp tục chính sách bạo lực, dường như cũng chưa hiểu được phản ứng này.
Thay vào đó, chính sách bạo lực được tiếp tục dưới triều đại của vua Giê-hu, với
một chế độ cực kỳ đẫm máu dẫn đến cuộc tàn sát toàn bộ gia đình Akháp. Mặt
khác, vua Giê-hu tuyên bố rằng theo cách này, ông đang làm theo chỉ dẫn của Êlisê.
Kinh thánh không nói liệu ngôn sứ Êlisê có biết về chế độ bạo lực đó hay không,
và nếu có thì cuối cùng ông có bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này hay
không. Trong mọi trường hợp, rõ ràng là sự cai trị đẫm máu của vua Giê-hu, bất
chấp thực tế là Êlisê đã trao cho ông nhiệm vụ đó, không còn liên quan gì hơn đến
thuyết độc thần–với sự lựa chọn giữa một vị Thiên Chúa duy nhất và nhiều vị thần
của Baal–mà chỉ liên quan đến một cuộc tranh giành quyền lực trong dân Israel.
Tuy nhiên, chúng ta
hãy cố gắng phân tích kỹ hơn từng đoạn riêng lẻ của trình thuật này. Cuộc thảm
sát kinh hoàng của Êlia nên được hiểu như một câu trả lời cho câu hỏi về Thiên Chúa
hằng sống. Cuộc tàn sát do Êlia thực hiện trong sự im lặng của các thần Baal,
và trước sự phản ứng mạnh mẽ của Thiên Chúa của ông. Do đó, nó không nên được
hiểu là một chiến thắng của thuyết độc thần đối với thuyết đa thần. Thay vào
đó, trong hoàn cảnh hiện tại, nó xuất hiện như một phản ứng cụ thể trước mối đe
dọa chính đức tin mà dân Israel nhận được từ tổ tiên của họ đã phải đối diện. Đức
tin của tổ tiên họ được bảo vệ trước sự kiêu ngạo của Hoàng hậu I-de-ven, người
chỉ muốn dành chỗ cho các vị thần của mình. I-de-ven, một vai chính khác của bi
kịch Cát Minh, kẻ đã mang theo các vị thần của mình và coi chúng là hiện thân cho
sức mạnh của mình. Trên hết, bà bị quở trách vì đã đối xử với đức tin của dân
Israel, được đại diện bởi Navốt, với sự hoài nghi quyền lực. Navốt xem vườn nho
mà ông được thừa hưởng từ tổ tiên của mình như món quà của trái đất mà Thiên
Chúa của Israel đã hứa với dân Người, và điều đó đối với ông được tượng trưng một
cách cụ thể bởi vườn nho đó. Vườn nho đối với ông là sự tham gia của ông vào lời
hứa, món quà tặng của đất đai nhận được từ tổ tiên của ông và ông được thừa kế.
Lời đề nghị hào phóng của vua Akháp để đổi lấy một vườn nho có giá trị tương
đương hoặc cao hơn không quan trọng đối với Navốt: điều quan trọng đối với ông
là di sản của tổ tiên ông. Hoàng hậu I-de-ven chống lại đức tin này bằng một sự
cao ngạo về quyền lực, vốn coi sự phỉ báng thậm chí là một phương tiện hiển
nhiên để đạt được mục đích. Tác giả Cựu ước nhìn thấy ở đây bản chất của tôn
giáo thờ thần Baal và thấy được thể hiện ở đây sự tương phản cơ bản với niềm
tin vào Thiên Chúa của tổ tiên. Sự sùng bái thần Baal là sự sùng bái sinh sản,
trong đó ranh giới giữa Thiên Chúa và con người bị tan biến đi: sự linh thánh bị
hạ thấp, và phẩm giá của nó bị biến dạng trong một sự tiêu tan không thể so
sánh được. Theo nghĩa này, các giáo phái sùng kính thần Baal bộc lộ chính mình
là lý do thực sự dẫn đến sự hủy hoại đạo đức của người dân, từ đó mà đất nước cần
phải được giải phóng.
Trên cơ sở này, chúng
ta có thể hiểu ý nghĩa của điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn, vốn được coi
là đòi hỏi căn bản đích thực, thiết yếu của luật Thiên Chúa một cách khá rõ
ràng, mà các giới răn tiếp theo chỉ giải thích một cách cụ thể: một Thiên Chúa
duy nhất thì vượt trên tất cả mọi thực tại của con người. Trong sự siêu việt
thuần túy của chính mình, Thiên Chúa đồng thời là Đấng bảo đảm cho phẩm giá của
con người. Cuộc đấu tranh cho Thiên Chúa hằng sống, chống lại thần Baal là cuộc
đấu tranh cho công lý của con người, được thể hiện cụ thể qua điều răn thứ tư đến
điều răn thứ mười. Ở đây, vấn nạn về sự khoan dung hay bất khoan dung của các
tôn giáo vẫn còn bỏ ngỏ. Theo nghĩa này, đối với tôi, dường như không thể rút
ra kết luận dứt khoát nào từ hành động của ngôn sứ Êlia trên Núi Cát Minh, liên
quan đến vấn đề khoan dung hay bất khoan dung đối với thuyết độc thần. Quả thật,
cuộc hành trình lên Núi Sinai đã mở ra một khái niệm mới mẻ, hơn nữa, khái niệm
này sẽ chỉ được phát triển và khẳng định về sau này mà thôi.
Bây giờ chúng ta hãy cố
gắng xác định chính xác hơn mối tương quan giữa niềm tin của dân Israel vào Thiên
Chúa và tôn giáo thờ thần Baal. Đặc điểm quyết định đối với đức tin của dân Israel
là sự kiện chỉ có một Thiên Chúa duy nhất hằng hữu trước dân Israel và tất cả
các dân tộc khác trên trái đất. Mối tương quan của Thiên Chúa đối với thế giới
nói chung có thể được định nghĩa là siêu việt. Ngược lại, đối với các tôn giáo
sinh sản, với thần Baal của họ, điều quan trọng là không có ranh giới, không thể
vượt qua giữa thế giới của thần thánh và thế giới của loài người. Thật vậy, bản
chất của tôn giáo, như đối với Israel, không hệ tại ở sự vâng phục của con người
đối với Thiên Chúa siêu việt, mà chính xác là ở việc đan xen những điều của con
người với những thuộc về thần thánh. Cốt lõi của tôn giáo là mầu nhiệm vĩ đại về
khả năng sinh sản, điều mà trong các tôn giáo [nguyên thủy] được thưởng thức và
trải nghiệm về sự huy hoàng cũng như sức mạnh hủy diệt của nó. Bởi vì nhờ Thiên
Chúa của Israel, những nghi lễ xen lẫn giữa thần thánh và con người bị coi là
kiêu ngạo, xét cho cùng chính là sự hủy diệt thế giới và loài người, nên Israel
phải bác bỏ tất cả những điều này. Do đó, hơi phiến diện, chúng ta có thể nói rằng
việc sùng bái sinh sản là một tôn giáo của bản sắc, trong khi chúng ta có thể định
nghĩa việc thờ phượng Thiên Chúa siêu việt như một tôn giáo của sự tuân phục. Như
chúng ta đã thấy, nội dung của sự tuân phục này, được bao gồm trong Mười Điều
Răn – mà theo một nghĩa nào đó có thể được coi là sự đại diện đích thực của
Thiên Chúa. Bằng cách thực hành sự tuân phục này, con người trở thành hình ảnh
của Thiên Chúa và giống như Người.
Nhìn vào sách ngôn sứ
Amốt cung cấp thêm thông tin rõ ràng. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là cách
Amốt trình diện với nhà vua. Amátgia, tư tế đền thờ Bết Ên, thánh địa trung tâm
của vương quốc phía bắc, nói với Amốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa,
[…]! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của
quân vương, đây là đền thờ của vương triều” (Am 7,12-13). Câu trả lời của Amốt
cũng quan trọng không kém: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người
thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung”
(Am 7,14). Điều này có nghĩa là sứ điệp của Thiên Chúa độc lập khỏi chính trị,
và có nghĩa là sự tự do của vị ngôn sứ trước quyền lực chính trị. Trong trường
hợp cụ thể này, nó còn có ý nghĩa hơn thế nữa. Thật vậy, một đặc điểm trong
hoàn cảnh cụ thể của Israel vào thời điểm đó là sự tương phản giữa dân số nông
thôn và sự phát triển kinh tế đô thị, với sự giàu có ngày càng tăng của các
thành phố và quyền lực của các cơ cấu xã hội của họ, điều gần như chắc chắn đã
khiến dân cư nông thôn rơi vào tình trạng bần cùng hóa. Vì vậy, trong trường hợp
cụ thể này, Amốt đã trở thành người đấu tranh cho sự bình đẳng và công bằng xã
hội. Giống như sứ điệp của Thiên Chúa không phụ thuộc vào bất kỳ thẩm quyền nào
của loài người, thì nó cũng biểu thị sự dấn thân thực hiện công lý đối với tất
cả mọi người. Khi chúng ta phân tích bộ sách Ngũ kinh và các sách Lịch sử của
Israel, yếu tố thứ ba nổi lên: sự quan tâm đến các góa phụ, trẻ mồ côi và khách
ngoại kiều. Họ được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương và bảo vệ chở che.
Hơn nữa, một khía cạnh
khác nên được xem xét. Sách Amốt bắt đầu với một loạt lời đe dọa trừng phạt các
dân: những tai họa được báo trước một cách đáng kinh ngạc cho họ vì những hành
vi sai trái mà họ đã gây ra. Những lời đe dọa trả thù các dân tộc khác rất phổ
biến ngay cả bên ngoài Israel. Điều mới lạ, mà vị ngôn sứ thậm chí còn đảo ngược
khuôn mẫu thông thường, hệ tại ở chỗ, đây là sự phán xét của Thiên Chúa lên đến
đỉnh điểm, với sự phán xét chống lại chính dân của Người.[12]
Mục đích hành động của Thiên Chúa cuối cùng là cứu rỗi tất cả mọi dân tộc: tính
phổ quát được công bố ở đây có thể được coi là lý do cơ bản cho hành động của
Thiên Chúa trong Cựu ước.
Trong mọi trường hợp,
rõ ràng là không chính xác khi coi thuyết độc thần là một nhãn hiệu có thể áp dụng
cho các tình huống lịch sử khác nhau, và có thể liên kết với các khái niệm cụ
thể cho thời đại của chúng ta như sự khoan dung hoặc bất khoan dung.
Cuối cùng, chúng ta
hãy nhìn vào thời Lưu đày và thời Macabê. Chỉ trong thời Lưu đày, thuyết độc thần
mới phát triển trọn vẹn ở Israel. Cho đến thời điểm đó, rõ ràng là Israel chỉ
có một Thiên Chúa duy nhất, và tất cả các thần khác đều là ngẫu tượng. Nhưng liệu
chúng có tồn tại hay không, và chúng được phân loại như thế nào về mặt hữu thể
học là những vấn nạn nằm ngoài phạm vi lợi ích của Israel. Tuy nhiên, giờ đây Israel
đã bị cướp mất đất đai, và điều này thường chấm dứt sự thiêng liêng của một quốc
gia hay một dân tộc. Một vị thần không có khả năng bảo vệ người dân và đất đai
của mình thì không thể là một vị thần. Ngược lại, ở Israel, người ta lại theo một
lối suy nghĩ ngược lại. Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác và Giacóp, Thiên Chúa
của Sinai, Đấng cai trị toàn cõi địa cầu. Người có thể gửi dân của Người đến Ai
Cập trong nhiều thế kỷ, có thể cứu họ khỏi sự tàn bạo của Pharaô, và có thể dẫn
họ qua sa mạc để đến Đất hứa; và thậm chí ở đó, Người có thể khiến họ bị đánh bại
và bị lưu đày sang Babylon. Người không phải là Thiên Chúa của một vùng đất cụ
thể nào, cũng không chỉ là Thiên Chúa của một số người cụ thể nào đó mà thôi.
Trong thời Lưu đày, khái niệm sáng tạo trở thành trung tâm. Thiên Chúa là Đấng tạo
thành trời đất. Một mình Người đã sáng tạo ra thế giới từ hư vô. Chỉ một mình
Người mới thực sự là Thiên Chúa.
Đức tin của Israel khiến
chúng ta phải đối mặt với nghịch lý này, đó là Thiên Chúa duy nhất trên tất cả
các thần, đã tuyển chọn dân Israel, đã lôi kéo dân này về với mình bằng tình
yêu của Người, mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ cách nào. Thiên Chúa không cần bất
kỳ nơi tôn nghiêm nào, bởi vì tất cả trái đất đều thuộc về Người. Như tác giả Thánh
vịnh đã nói, thật là tuyệt vời khi tất cả trái đất chỉ là một vật nhỏ bé mà Người
nắm giữ trong tay. Thiên Chúa có thể sử dụng sức mạnh của trái đất cho mục đích
của mình và chọn Cyrus làm tôi tớ của mình, Đấng dẫn đưa Israel trở về vùng đất
của mình. Rõ ràng là trong hoàn cảnh này, Israel không thể nghĩ đến việc tuyên
bố vị Thiên Chúa này cho riêng mình thông qua sự bất khoan dung về chính trị.
Trong hoàn cảnh lưu đày, dân Israel chỉ có thể tin tưởng phó thác vào trong tay
Thiên Chúa, chỉ một mình Người mới có quyền năng trên tất cả mọi thực tại.
Tuy nhiên, điều này
cũng có nghĩa là, trong cuộc tranh chấp với các dân tộc, Israel giờ đây cũng viện
đến lý do chung: Thiên Chúa mà họ nói đến không chỉ có thể hiểu được trong đức
tin của Israel. Rõ ràng là các tôn giáo đa thần không nghĩ mình có một nền tảng
hợp lý, trong khi Thiên Chúa duy nhất mà Israel tin tưởng và tôn thờ cũng muốn
được xác định và hiểu theo một quan điểm hợp lý về thế giới. Việc chế nhạo các
vị thần có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy, ở một khía cạnh nào đó, có
thể bị coi là thô thiển; tuy nhiên, nó thể hiện chính xác bước tiến mới này đã
được thực hiện đối với thuyết độc thần hoàn toàn. Điều này chuẩn bị cho cuộc gặp
gỡ với tư tưởng Hy Lạp, mà bản Bảy Mươi [Septuaginta]
tự đưa ra như một công cụ, và sau đó được sử dụng lại một cách rõ ràng trong
văn chương khôn ngoan sau này. Bằng cách này, cuộc gặp gỡ, được thực hiện một
cách dứt khoát trong Kitô giáo, giữa tư tưởng triết học và đức tin của dân
Israel cũng đã được chuẩn bị.
Tư tưởng của Socrates,
vừa sùng đạo vừa phê phán, theo cách riêng của nó, đã có tác dụng bộc lộ bản chất
hão huyền của các vị thần. Ngày nay chúng ta thấy mình phải đối mặt với sự chuyển
động trái ngược của não trạng nhân thế. Tư duy hiện đại không còn muốn thừa nhận
chân lý của hiện hữu, mà muốn giành lấy quyền lực đối với sự hiện hữu. Nó muốn
định hình lại thế giới theo nhu cầu và mong muốn của chính nó. Với định hướng
này - không phải hướng tới chân lý mà là quyền lực - chắc chắn chúng ta chạm đến
vấn đề thực sự của thời điểm hiện tại, vấn đề mà chúng ta sẽ còn phải trở lại ở
phần kết luận.
Chúng ta hãy xem xét lại
sách Macabê. Một không gian văn hóa rộng lớn của Hy Lạp nảy sinh từ những chiến
thắng của Alexander Đại đế, nơi đã có được hình thức văn hóa và chính trị ở các
vương quốc Diadochi [Διάδοχοι]. Những hình thức sống truyền
thống vốn cản trở sự thống nhất đang được thiết lập, phải bị bãi bỏ để ủng hộ nền
văn hóa nguyên khối [monolithic] thống nhất gắn kết mọi thứ lại với nhau. Do
đó, rõ ràng là, cùng với những hình thức khác, các hình thức sống của người Do
Thái được quy định bởi bộ Ngũ kinh (cắt bì, giới luật ăn kiêng, v.v…) cũng phải
biến mất, vì chúng không tương thích với nhà nước thống nhất hiện đại; cũng như
đức tin, lối sống và ngôn ngữ của Israel không tương thích với mô hình văn hóa
thống nhất mới.
Một bộ phận không nhỏ
của người Israel rõ ràng đã vui mừng chào đón sự hợp nhất của họ với lối sống
khai sáng hiện đại do chủ nghĩa Hy Lạp; những người khác xa lánh nó, vì nó thiếu
các lựa chọn thay thế. Nhưng cả đức tin lẫn các hình thức sống của dân Israel,
trong đó ngôn ngữ cũng là một phần, sớm muộn gì cũng gặp phải phản ứng. Sách Macabê
quyển thứ nhất, mô tả một cách hiệu quả cách Máttítgia, một con người có thẩm
quyền và rất được kính trọng, đã nổi dậy chống lại những yêu sách đó, từ chối
những lời hứa của xã hội mới và chống lại đại sứ của nhà vua. Ông phản đối những
lời hứa hẹn giàu có to lớn dành cho ông, cũng như yêu cầu dâng của lễ cho các
tượng thần. “Ông Máttítgia lớn tiếng đáp lại: “Cho dù tất cả các dân tộc trong
vương quốc của vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ phượng của cha
ông mình và tuân theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn
trung thành với Giao ước của cha ông chúng tôi. Không đời nào chúng tôi bỏ Lề luật
và các tập tục! Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của
chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái” (1Mcb 2,19-22).
Sau khi những lời này
được nói ra, khi một người Do Thái chuẩn bị hiến tế trên bàn thờ ngoại giáo
theo yêu cầu của nhà vua: “Trước cảnh tượng đó, ông Máttítgia bừng lửa nhiệt
thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng: ông
nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có
nhiệm vụ cưỡng bức người Do Thái tế thần” (1Mcb 2,24-25). Sách Macabê biện minh
cho hành động này là sự khôi phục lại “lửa nhiệt thành” mà sách Dân Số (x. Ds
25,7tt) đã nói khi liên quan đến hành động của Pin-khát. “Lửa nhiệt thành” giờ
đây đã tăng lên mức độ của một nguyên tắc cơ bản trong cuộc nổi dậy chống lại nền
văn minh Hy Lạp nguyên khối: Máttítgia chạy trốn lên núi, và nhiều người đi
theo anh ta. Khi nó đã phát sinh theo cách này, phong trào Macabê đã có thể chống
lại sức mạnh quân sự của nhà nước và thành lập một nhà nước Israel mới được
thành lập dựa trên đức tin, trong đó Đền thờ Giêrusalem cũng được tái lập.
Phong trào Macabê được
thành lập dựa trên sự trung thành dứt khoát của Israel với bản sắc riêng của
mình. Sự chung thủy này hoàn toàn không được hiểu là sự gắn bó cứng nhắc với những
truyền thống cổ xưa nhưng giờ đã lỗi thời. Vì Thiên Chúa của Israel là Thiên
Chúa thật, Đấng cũng có thể được biết đến một cách hợp lý, nên trung thành với
luật pháp của Ngài là trung thành với sự thật. Chắc chắn tinh thần của phong
trào này không bị nắm bắt bằng cách dán nhãn không khoan dung độc thần lên nó.
Đúng hơn, đây là cuộc đối đầu giữa sự không khoan dung của nhà nước hiện đại
(cùng với lối sống duy nhất mà nó coi là hợp lệ) và sự trung thành với đức tin
của những người cha (cùng với lối sống phù hợp với nó).
Một cái nhìn về bối cảnh
đương đại được yêu cầu ở đây. Trên thực tế, nhà nước hiện đại ở thế giới phương
Tây, một mặt, tự coi mình là một lực lượng khoan dung vĩ đại, phá vỡ những truyền
thống ngu ngốc, phi lý của tất cả các tôn giáo. Hơn nữa, với việc thao túng con
người một cách triệt để và bóp méo giới tính thông qua hệ tư tưởng giới tính,
nó chống lại Kitô giáo theo một cách đặc biệt. Tuyên bố độc tài này luôn đúng,
do tính hợp lý rõ ràng, đòi hỏi phải từ bỏ nhân học Kitô giáo và lối sống bắt
nguồn từ nó, vốn được coi là phi lý trí. Sự không khoan dung đối với tính hiện
đại rõ ràng này đối với đức tin Kitô giáo vẫn chưa biến thành cuộc đàn áp công
khai nhưng lại thể hiện theo một cách ngày càng độc đoán và lập pháp theo đó,
nhằm đạt được mục tiêu tiêu diệt những gì thực chất là Kitô giáo. Thái độ của Máttítgia
- “Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua” (luật pháp hiện đại) - là thái độ của
Kitô hữu. Tuy nhiên, “lòng nhiệt thành” của Máttítgia không phải là hình thức
thể hiện lòng nhiệt thành của Kitô hữu. “Lòng nhiệt thành” đích thực lấy hình
thức cốt yếu từ thập giá Đức Giêsu Kitô.
Cuối cùng, chúng ta
hãy cố gắng rút ra một số kết luận từ việc xem lướt qua một số giai đoạn của lịch
sử đức tin Cựu ước vào một Thiên Chúa duy nhất.
Trước hết, chúng ta có
thể khẳng định không cần bàn cãi thêm rằng thuyết độc thần trong lịch sử xuất
hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, nó không thể được định nghĩa một
cách rõ ràng theo cùng các tiêu chí hiện đại như một hiện tượng nguyên khối.
Người ta đi đến thuyết độc thần, theo nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ này theo
cách sử dụng hiện đại của nó, chỉ khi nó gắn liền với câu hỏi về sự thật. Ở
Israel, đoạn văn này xuất hiện một cách cơ bản bắt đầu từ cuộc Lưu đày, mặc dù
không theo nghĩa suy tư triết học đích thực và thích hợp. Biến cố cách mạng,
xét từ góc độ lịch sử các tôn giáo, xảy ra với sự chấp nhận niềm tin vào Thiên
Chúa duy nhất của người Kitô hữu, vốn đã được chuẩn bị trên khắp lòng chảo Địa
Trung Hải bởi nhóm “những người kính sợ Thiên Chúa”. Mặt khác, sự khẳng định dứt
khoát về tuyên bố phổ quát về một Thiên Chúa duy nhất vẫn bị cản trở bởi thực tế
là Thiên Chúa duy nhất này đã tự ràng buộc mình với Israel, và do đó, Người chỉ
có thể tiếp cận hoàn toàn ở Israel; những người ngoại giáo có thể tôn thờ Người,
cùng với Israel, nhưng không thể hoàn toàn thuộc về Người. Chỉ có đức tin Kitô
giáo, với tính phổ quát của nó mà thánh Phaolô đã dứt khoát bảo đảm, giờ đây
cho phép Thiên Chúa duy nhất có thể được tôn thờ cách cụ thể cũng nơi Thiên
Chúa của Israel, Đấng đã tỏ mình ra. Cuộc gặp gỡ do sứ mệnh Kitô giáo mang lại
giữa “Thiên Chúa của các triết gia” và Thiên Chúa cụ thể của tôn giáo Do Thái
là biến cố cách mạng hóa lịch sử phổ quát.
Trong phân tích cuối
cùng, sự thành công của nhiệm vụ này dựa trên cuộc gặp gỡ đó. Như vậy đức tin Kitô
giáo đã có thể tự hiện diện trong lịch sử như là tôn giáo đích thực (religio
vera). Tuyên bố của Kitô giáo về tính phổ quát dựa trên sự mở rộng của tôn
giáo đối với triết học. Đây là cách giải thích tại sao, trong sứ mệnh phát triển
từ thời cổ đại của Kitô giáo, Kitô giáo không coi mình là một tôn giáo mà trước
hết là sự tiếp nối của tư tưởng triết học, hay nói cách khác là sự tìm kiếm
chân lý của con người. Thật không may, điều này đã ngày càng bị lãng quên trong
thời kỳ hiện đại. Tôn giáo Kitô hiện được coi là sự tiếp nối của các tôn giáo
trên thế giới và bản thân nó được coi là một tôn giáo trong số hoặc trên các
tôn giáo khác. Do đó, “hạt giống của Logos”,
mà thánh Clementê Alexandria nói về xu hướng của lịch sử tiền-Kitô giáo đối với
Chúa Kitô, thường được đồng nhất với các tôn giáo, trong khi chính thánh Clementê
Alexandria coi chúng là một phần của quá trình tư tưởng triết học trong đó con
người suy nghĩ tiến bộ bằng cách thử và sai đối với Chúa Kitô.
Chúng ta hãy trở lại
câu hỏi về lòng khoan dung. Cuộc thảo luận trước đây có nghĩa là Kitô giáo tự
hiểu về cơ bản là sự thật và dựa trên cơ sở này để tuyên bố về tính phổ quát của
nó. Nhưng chính tại thời điểm này, sự phê phán Kitô giáo đương thời đã can thiệp,
vốn coi yêu sách về sự thật là không khoan dung. Chân lý và lòng khoan dung dường
như trái ngược nhau. Sự không khoan dung của Kitô giáo sau đó sẽ được kết nối
chặt chẽ với yêu sách của nó đối với sự thật. Cơ sở của khái niệm này là sự
nghi ngờ rằng bản thân sự thật là nguy hiểm. Vì lý do này, xu hướng cơ bản của
tính hiện đại ngày càng rõ ràng hướng tới một hình thức văn hóa độc lập với sự
thật. Nền văn hóa hậu hiện đại–nền văn hóa biến con người thành kẻ sáng tạo của
riêng mình và tranh cãi về món quà ban đầu của sự sáng tạo–biểu lộ ý chí tái tạo
thế giới trái ngược với sự thật của nó. Trước đây chúng ta đã thấy chính thái độ
này nhất thiết dẫn đến sự không khoan dung như thế nào.
Nhưng đối với mối quan
hệ giữa sự thật và lòng khoan dung, lòng khoan dung gắn liền với bản chất của sự
thật. Trong khi đề cập đến cuộc nổi dậy của Macabê, chúng ta đã thấy một xã hội
chống lại sự thật là chế độ toàn trị và do đó cực kỳ không khoan dung như thế
nào. Về phần sự thật, tôi chỉ muốn nói về Origen. “Đấng Kitô không thắng được kẻ
nào không sẵn lòng. Người chinh phục chỉ bằng sự thuyết phục. Người là Ngôi Lời
của Thiên Chúa không phải vì điều gì cả.”[13]
Nhưng cuối cùng, như một đối trọng đích thực đối với mọi hình thức bất khoan
dung, chính là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Chiến thắng của đức tin luôn luôn
chỉ có thể đạt được trong sự hiệp thông với Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh. Thần học
về Thập giá là câu trả lời của Kitô giáo cho câu hỏi về tự do và bạo lực; và
trên thực tế, ngay cả trong lịch sử, Kitô giáo chỉ giành được những chiến thắng
nhờ vào những người bị đàn áp chứ không bao giờ đứng về phía những kẻ đàn áp.
Đối thoại Kitô
giáo - Hồi giáo[14]
Tôi thường xuyên có dịp
quan sát thấy rằng không chỉ các cuộc đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo được đặc
trưng, theo chủ đề, bởi sự thiếu hiểu biết về các bản văn thiêng liêng của Kitô
giáo và Hồi giáo, mà thậm chí chúng còn được đóng khung không chính xác về mặt
cấu trúc. Một mặt, người ta nhấn mạnh rằng cả Kinh Koran [Qur’an][15] và Kinh thánh Kitô giáo đều
nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, và do đó, mệnh lệnh phải yêu thương là
hiện hữu, và mặt khác, bạo lực cũng được dạy trong cả hai bản văn. Và vì vậy,
như thể đặt mình lên trên hai tôn giáo và nguồn gốc của chúng, người ta khẳng định:
cả hai đều có mặt tốt và mặt xấu; do đó, điều cần thiết là chúng ta phải giải
thích các bản văn theo cách giải thích về tình yêu bằng cách phản đối bạo lực,
liên quan đến cả hai.
Cách tiếp cận này bỏ
qua những khác biệt cơ bản về cấu trúc đề cập đến các cấp độ khác nhau.
1. Kinh Koran là một
cuốn sách được phát triển trong nhiều tình huống khác nhau trong suốt cuộc đời
của Mohammad. Tuy nhiên, cuốn sách này được coi không phải là tác phẩm của một con
người, mà là được Thiên Chúa trực tiếp soi dẫn và do đó tuyên bố, trong mọi phần
của nó, sở hữu một thẩm quyền đến từ Thiên Chúa.
Ba yếu tố cơ bản về mặt
cấu trúc giúp phân biệt Kinh thánh Kitô giáo với Kinh Koran:
- Kinh thánh của các
Kitô hữu không phải là một cuốn sách mà đúng hơn là một bộ sưu tập, đã trưởng
thành trong lịch sử khoảng một nghìn năm, gồm các cuốn sách khác nhau với một
tuyên bố thần học khác nhau. Theo đức tin của người Do Thái cũng như của người
Kitô hữu, họ không bị Thiên Chúa sai khiến trực tiếp, nhưng đúng hơn, đến từ
Người theo một cách khác, là một diễn giải về hành trình mà cộng đồng dân Chúa
thực hiện dưới sự hướng dẫn của Người. Chúng là Lời Chúa qua trung gian lời của
con người. Thẩm quyền của họ là khác nhau, và các phần riêng lẻ chỉ có thể được
hiểu một cách chính xác trong toàn bộ hành trình mà họ đại diện.
– Trong nền văn học
thiên niên kỷ đa dạng này, đối với Kitô hữu, có một phân khu định tính hơn nữa,
phân khu giữa Cựu ước và Tân ước. Tân ước cũng vậy, là một tuyển tập gồm nhiều
sách khác nhau, chỉ có thể được hiểu như một tổng thể và theo nghĩa của tổng thể
này. Đối với người Do Thái, chỉ có Cựu ước là “Kinh thánh”. Tuy nhiên, đối với
các Kitô hữu, chỉ có thể hiểu Cựu ước một cách chính xác theo cách giải thích mới
mà nó có trong lời nói và hành động của Đức Giêsu Kitô. Tân ước đưa ra bằng chứng
hợp lệ cho cách giải thích này. Hai tuyển tập bản văn–Cựu ước và Tân ước–liên
quan đến nhau theo cách mà Tân ước là chìa khóa giải thích Cựu ước. Theo quan
điểm của Kitô hữu, chỉ khi xét về Tân ước, chúng ta mới có thể xác định ý nghĩa
thần học lâu dài của Cựu ước là gì.
– Vì lý do này, không
thể nói về sự soi dẫn bằng lời của Kinh thánh. Ý nghĩa và thẩm quyền của các phần
riêng lẻ chỉ được thu thập một cách chính xác từ toàn bộ Kinh thánh và dưới ánh
sáng của sự tái lâm của Đấng Kitô.
2. Tất cả những điều
này có nghĩa là đức tin Kitô giáo không phải là một tôn giáo trong sách.[16] Sách Thánh chỉ nói trong cộng
đoàn sống động của Giáo hội. Có một sự trao đổi kép ở đây, một mối quan hệ của
cấp dưới và cấp trên. Một mặt, Giáo hội rõ ràng phụ thuộc vào Lời Chúa, vì Giáo
hội phải luôn để cho Lời hướng dẫn và phán xét mình; mặt khác, Kinh thánh, xét
về tổng thể, chỉ có thể được giải thích thỏa đáng trong Giáo hội hằng sống.
Vị trí này, được toàn
thể Giáo hội chấp nhận cho đến thế kỷ XVI, đã bị bác bỏ trong cuộc Cải cách với
nguyên tắc “chỉ duy Kinh thánh - sola
Scriptura”. Kitô giáo bây giờ xuất hiện như một tôn giáo của cuốn sách. Tuy
nhiên, trên thực tế–vì đặc điểm riêng của Kinh thánh Kitô giáo, mà chúng ta đã
nói trước đây với sự phân biệt giữa Cựu ước và Tân ước, và vì tính chất “tương
đối hóa” cố hữu của các bản văn riêng lẻ trong đó, có thể hiểu và truy tìm nguồn
gốc trở lại nguồn gốc thiêng liêng chỉ liên quan đến toàn bộ–nguyên tắc của Kinh
thánh không được áp dụng một cách tuyệt đối cứng nhắc. Adolf von Harnack đã diễn
đạt khái niệm đó bằng những thuật ngữ sau: “Cựu ước chỉ có giá trị tương đối, đứng
bên cạnh Tân ước…. Đối với Kinh thánh, việc thờ ngẫu tượng tuyệt đối chữ cái [Grammatolatrie] hoàn toàn không thể xảy
ra…. Kinh thánh đã nhận được sự sửa chữa đáng khen ngợi của nó trong thẩm quyền
của sự giảng dạy của các sứ đồ, được đặt bên cạnh ‘Kinh thánh’, tổ chức và phân
định thẩm quyền của nó. Theo yêu cầu của Erik Peterson để làm rõ thêm về vấn đề
này, Harnack trả lời rằng “cái gọi là ‘nguyên tắc chính thức’ của đạo Tin Lành
truyền thống là một điều không thể thực hiện được.”[17] Tuy nhiên, người ta đánh giá cụ thể công thức này của nhà thần học Tin lành vĩ
đại, vẫn rõ ràng là ngay cả trong quan niệm Tin lành, Kinh thánh theo nghĩa đen
đơn giản là không đứng vững trên đôi chân của chính nó.
Bất cứ ai xem xét những
khác biệt về cấu trúc này sẽ cảnh giác với những sự so sánh vội vàng.
Âm nhạc và phụng
vụ[18]
Kính thưa quý vị Hồng
y Giám mục! Kính thưa quý giáo sư và quý vị thân mến,
Tại thời điểm này, tôi
chỉ có thể bày tỏ lời cám ơn chân thành nhất vì vinh dự mà quý vị đã dành cho
tôi khi trao cho tôi bằng tiến sĩ danh dự [doctoratus
honoris causa]. Tôi cám ơn Đức Hồng y Stanislaw đáng mến, là vị Chưởng ấn
cao cả, và ban giảng huấn của cả hai trường đại học. Tôi đặc biệt vui mừng vì bằng
cách này, mối liên hệ của tôi với Ba Lan, với Kraków, quê hương của thánh Gioan
Phaolô II vĩ đại của chúng ta đã trở nên sâu sắc hơn. Bởi vì nếu không có ngài,
hành trình tâm linh và thần học của tôi thậm chí không thể tưởng tượng được. Với
tấm gương sống động của ngài, thánh Gioan Phaolô II cũng cho chúng ta thấy niềm
vui của thánh nhạc vĩ đại có thể đi đôi với bổn phận cùng nhau tham dự Phụng vụ
thánh, niềm vui long trọng với sự đơn sơ của một việc cử hành đức tin khiêm nhường.
Trong những năm của thời
kỳ hậu Công đồng Vaticanô II, một cuộc xung đột lâu đời về điểm này đã bộc lộ với
một niềm say mê được canh tân. Bản thân tôi lớn lên ở vùng Salzburg, nơi được
đánh dấu bằng truyền thống vĩ đại của thành phố đó. Một nơi, điều hiển nhiên là
các Thánh lễ long trọng có ca đoàn và dàn nhạc đồng hành là một phần không thể
thiếu trong kinh nghiệm đức tin của chúng ta trong việc cử hành phụng vụ. Chẳng
hạn, nó vẫn in sâu trong ký ức của tôi về việc ngay khi những nốt nhạc đầu tiên
của Bộ lễ Đăng quang [Krönungsmesse][19] của Mozart vang lên thì các
tầng trời liền mở ra, có thể nói như vậy, và tôi đã cảm nghiệm được sự hiện diện
của Chúa một cách sâu sắc. Tuy nhiên, đã hiện diện cùng với điều này, cũng là
thực tế mới của phong trào phụng vụ, đặc biệt là qua một trong những tuyên úy của
chúng tôi, người sau này trở thành phó Giám đốc, và sau đó, là Giám đốc của Đại
Chủng viện ở Freising. Sau đó, trong thời gian học ở Munich, một cách rất cụ thể,
càng ngày tôi đi sâu vào tinh thần của phong trào phụng vụ qua các bài giảng của
Giáo sư Joseph Pascher, một trong những chuyên viên quan trọng nhất của Công đồng
về các vấn đề phụng vụ, và nhất là qua đời sống phụng vụ trong cộng đoàn ở Chủng
viện. Do đó, dần dần, sự căng thẳng trở nên rõ ràng giữa sự tham gia tích cực [participatio actuosa] vào nghi thức phụng,
vụ do Công đồng Vaticanô II đề xuất, và âm nhạc trang trọng bao quanh hành động
thiêng liêng, mặc dù tôi chưa cảm nhận được điều đó một cách mạnh mẽ.
Công đồng Vaticanô II
đã viết rất rõ ràng trong Hiến chế về phụng vụ: “Phải tận tâm gìn giữ và
phát huy kho tàng thánh nhạc.”[20]
Mặt khác, bản văn nhấn mạnh rằng sự tham gia của tất cả các tín hữu vào hành động
thánh là một phạm trù phụng vụ cơ bản. Trong hiến pháp, hai mệnh lệnh này vẫn
sát cánh bên nhau một cách hòa bình, nối tiếp nhau; trong buổi tiếp tân của hội
đồng, họ thường có mối quan hệ căng thẳng kịch tính. Các giới có ảnh hưởng của
phong trào phụng vụ khẳng định rằng trong tương lai sẽ có chỗ cho các tác phẩm
hợp xướng lớn và chắc chắn là chỉ dành cho dàn nhạc dàn dựng Thánh lễ trong
phòng hòa nhạc, không phải trong phụng vụ. Ở đây có thể có một nơi chỉ để hát
và cầu nguyện chung cho các tín hữu. Mặt khác, có sự thất vọng về tình trạng
nghèo nàn về văn hóa của Giáo hội nhất thiết phải xảy ra sau đó. Làm thế nào
hai điều có thể được dung hòa? Làm thế nào hội đồng có thể được thực hiện toàn
bộ? Đây là những câu hỏi mà tôi và nhiều người Công giáo khác phải đối mặt, những
người bình thường không kém gì những người được đào tạo thần học.
Tại thời điểm này, có
lẽ công bằng khi đặt câu hỏi cơ bản: Thực tế, âm nhạc là gì? Nó đến từ đâu, và
nó hướng tới điều gì?
Tôi nghĩ rằng chúng ta
có thể xác định ba “địa điểm” mà từ đó âm nhạc bắt nguồn.
Một nguồn đầu tiên của
nó là kinh nghiệm của tình yêu. Khi con người bị chiếm đoạt bởi tình yêu, thì một
chiều kích khác của hữu thể đã mở ra cho anh ta, một sự vĩ đại và bề rộng mới của
thực tại. Và nó cũng thúc đẩy anh ấy thể hiện bản thân theo một cách mới. Thơ
ca, ca khúc và âm nhạc nói chung được sinh ra từ hiện tượng này, từ việc mở ra
một chiều kích mới của cuộc sống.
Nguồn gốc thứ hai của
âm nhạc là trải nghiệm về nỗi buồn, sự xúc động trước cái chết, nỗi buồn và những
khoảnh khắc khó khăn trong sự tồn tại của con người. Trong trường hợp này cũng
vậy, những chiều kích mới của hiện thực được mở ra, theo hướng ngược lại, không
còn có thể tìm thấy câu trả lời chỉ bằng lời nói.
Cuối cùng, nguồn gốc
thứ ba của âm nhạc là cuộc gặp gỡ với thần thánh, mà ngay từ đầu đã là một phần
của những gì định nghĩa con người. Thậm chí còn hơn thế nữa, đây là nơi mà Đấng
Hoàn toàn Khác hiện diện: Đấng Hoàn toàn Vĩ đại khơi dậy trong con người những
cách thức mới để thể hiện bản thân. Có lẽ có thể nói rằng trong thực tế, trong
hai lĩnh vực còn lại–tình yêu và cái chết–người chạm đến chúng ta là mầu nhiệm
thiêng liêng, và theo nghĩa này, được Chúa chạm đến là điều tạo nên nguồn gốc của
âm nhạc nói chung. . Tôi thấy thật cảm động khi quan sát làm thế nào, chẳng hạn
như trong Thi thiên, thậm chí không còn bài hát nào là đủ cho con người nữa, và
tất cả các nhạc cụ đều được kêu gọi. Âm nhạc ẩn giấu của sự sáng tạo được đánh
thức lại, ngôn ngữ bí ẩn của nó. Với Thánh Vịnh, trong đó cũng có hình bóng của
hai motif tình yêu và cái chết, chúng ta thấy mình đã đi đúng vào cội nguồn của
âm nhạc Hội Thánh của Thiên Chúa. Người ta có thể nói rằng phẩm chất của âm nhạc
tùy thuộc vào sự thuần khiết và cao cả của cuộc gặp gỡ với thần linh, với kinh
nghiệm về tình yêu và nỗi buồn. Trải nghiệm đó càng trong sáng và chân thực thì
âm nhạc được sinh ra và phát triển từ nó cũng sẽ càng thuần khiết và vĩ đại
hơn.
Tại thời điểm này, tôi
muốn bày tỏ một suy nghĩ mà trong thời gian gần đây ngày càng chiếm lĩnh tôi,
khi các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau ngày càng có mối quan hệ với nhau nhiều
hơn. Trong phạm vi của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, nền văn học vĩ đại
hiện diện cùng với kiến trúc vĩ đại, hội họa vĩ đại và tác phẩm điêu khắc vĩ đại.
Và ở đâu cũng có âm nhạc. Và, tuy nhiên, không có một lĩnh vực văn hóa nào khác
có âm nhạc vĩ đại ngang bằng với âm nhạc được sinh ra trong lĩnh vực đức tin Kitô:
từ Palestrina đến Bach, đến Handel, cho đến Mozart, Beethoven và Bruckner. Âm
nhạc phương Tây là một cái gì đó độc đáo, không có gì sánh bằng trong các nền
văn hóa khác. Điều này sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Chắc chắn, âm nhạc
phương Tây vượt xa phạm vi tôn giáo và Giáo hội. Và, tuy nhiên, nó tìm thấy nguồn
gốc sâu xa nhất của nó trong phụng vụ, trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Ở
Bach, mục đích cuối cùng của tất cả âm nhạc là vinh quang của Chúa, điều này
khá rõ ràng. Sự đáp ứng tuyệt vời và thuần túy của âm nhạc Tây phương được phát
triển trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng, trong phụng vụ, hiện diện với
chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Âm nhạc đó, đối với tôi, là một bằng chứng về sự
thật của Kitô giáo. Khi một phản ứng phát triển theo cách này, thì cuộc gặp gỡ
với sự thật đã xảy ra, với Đấng Tạo Hóa thực sự của thế giới. Vì lý do này,
thánh nhạc vĩ đại là một thực tại có cấp độ thần học và có ý nghĩa lâu dài đối
với đức tin của tất cả các tôn giáo tự xưng theo đấng Kitô, mặc dù nó không nhất
thiết phải được trình diễn mọi lúc mọi nơi. Mặt khác, rõ ràng là nó không thể
biến mất khỏi phụng vụ và sự hiện diện của nó có thể là một cách hoàn toàn đặc
biệt để tham dự vào việc cử hành thánh, vào mầu nhiệm đức tin.
Nếu chúng ta nghĩ về
phụng vụ do thánh Gioan Phaolô II cử hành trên mọi lục địa, chúng ta thấy trong
biến cố phụng vụ toàn bộ chiều rộng của những khả thể diễn tả đức tin; và chúng
ta cũng thấy rằng âm nhạc vĩ đại của truyền thống phương Tây không xa lạ với phụng
vụ như thế nào, nhưng được sinh ra và phát triển từ nó và bằng cách này giúp nó
lặp đi lặp lại hình thức. Chúng ta không biết tương lai của nền văn hóa và âm
nhạc thiêng liêng của chúng ta. Nhưng có một điều rõ ràng: nơi nào thực sự xảy
ra cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng đến với chúng ta trong Chúa Kitô,
thì ở đó cũng nảy sinh và lớn lên một câu trả lời mới mà vẻ đẹp của nó đến từ
chính sự thật.
Hoạt động của hai trường
đại học đang trao bằng tiến sĩ danh dự này cho tôi là một đóng góp thiết yếu để
món quà âm nhạc tuyệt vời đến từ truyền thống đức tin Kitô giáo có thể tồn tại
và có thể giúp đảm bảo rằng lực lượng sáng tạo của niềm tin cũng sẽ không bị dập
tắt trong tương lai. Vì điều này, tất cả các bạn xin chân thành cám ơn, không
chỉ vì vinh dự mà các bạn đã ban cho tôi, mà còn vì tất cả những công việc mà
các bạn đang làm để phục vụ vẻ đẹp của đức tin. Xin Chúa chúc lành cho tất cả quý
vị.
Thần học phụng
vụ[21]
“Đừng lấy gì làm hơn Việc
Chúa - Nihil Operi Dei praeponatur” (Tu
luật, ch 43,3). Với những lời này, trong Tu luật của mình, thánh Bênêđictô đã
thiết lập ưu tiên tuyệt đối của việc Thờ phượng Thiên Chúa trên mọi nhiệm vụ
khác của đời sống đan tu. Câu châm ngôn này, ngay cả trong đời sống đan tu, đã
không trở nên rõ ràng ngay lập tức, bởi vì đối với các đan sĩ, công việc của họ
trong nông nghiệp và học tập cũng là một nhiệm vụ thiết yếu. Cả trong nông nghiệp
và cả trong thủ công mỹ nghệ và trong công việc đào tạo chắc chắn có thể có những
vấn đề cấp bách về thời gian có vẻ quan trọng hơn phụng vụ. Đối mặt với tất cả
những điều này, thánh phụ Biển Đức, khi ấn định ưu tiên cho phụng vụ, đã nhấn mạnh
một cách rõ ràng ưu tiên của chính Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta: “Tới
giờ kinh Thần vụ, vừa nghe hiệu báo, ai nấy phải bỏ ngay những gì đang cầm
trong tay và nhanh chân đến dự” (Tu luật, ch 431).
Trong ý thức của con
người ngày nay, những gì thuộc về Thiên Chúa, và do đó, phụng vụ không có vẻ cấp
bách chút nào. Mỗi điều có thể có tính cấp bách của nó. Nguyên nhân của Chúa dường
như không bao giờ khẩn cấp. Giờ đây, có thể lập luận rằng đời sống xuất gia
trong bất kỳ trường hợp nào cũng khác với đời sống của đàn ông và phụ nữ trên
thế gian, và điều này tất nhiên là đúng. Thế mà sự ưu tiên của Thiên Chúa mà
chúng ta đã quên là đúng cho tất cả mọi người. Nếu Thiên Chúa không còn quan trọng
nữa, tiêu chuẩn để quyết định điều gì là quan trọng sẽ thay đổi. Khi gạt Thiên Chúa
sang một bên, con người tự đặt mình vào những ràng buộc khiến họ trở thành nô lệ
của các thế lực vật chất và do đó trái ngược với phẩm giá của họ.
Trong những năm sau
Công đồng Vaticanô II, một lần nữa tôi ý thức về ưu tiên của Thiên Chúa và của
Phụng vụ thiêng liêng. Sự hiểu lầm về cuộc cải cách phụng vụ lan rộng trong Giáo
hội Công giáo đã dẫn đến việc ngày càng đề cao khía cạnh giáo huấn cũng như hoạt
động và sự sáng tạo của chính mình. Những việc làm của con người gần như khiến
chúng ta quên đi sự hiện diện của Chúa. Trong tình hình như vậy, ngày càng rõ
ràng rằng sự tồn tại của Giáo hội phụ thuộc một cách sống động vào việc cử hành
phụng vụ đúng đắn và Giáo hội đang gặp nguy hiểm khi quyền tối thượng của Thiên
Chúa không còn xuất hiện trong phụng vụ và do đó trong cuộc sống. Lý do sâu xa
nhất của cuộc khủng hoảng làm đảo lộn Giáo hội nằm ở chỗ ưu tiên của Thiên Chúa
trong phụng vụ bị lu mờ. Tất cả những điều này đã khiến tôi dấn thân vào chủ đề
phụng vụ một cách rộng rãi hơn so với trước đây, bởi vì tôi biết rằng việc đổi
mới thực sự phụng vụ là điều kiện tiên quyết cơ bản để đổi mới Giáo hội. Các
nghiên cứu được thu thập trong tập XI hiện tại của Các tác phẩm được sưu tầm bắt
nguồn từ cơ sở xác tín này. Nhưng về cơ bản, ngay cả với tất cả những khác biệt,
bản chất của phụng vụ là một và giống nhau ở phương Đông và phương Tây. Và vì vậy
tôi hy vọng rằng cuốn sách này cũng có thể giúp các Kitô hữu ở Nga hiểu theo một
cách mới và tốt hơn về hồng ân cao cả được ban cho chúng ta trong Phụng vụ
thánh.
[1] Nguyên tác tiếng Ý:
CHE COS’È IL CRISTIANESIMO
Quasi un testamento spirituale
Edited
by Pierluca Azzaro and Elio Guerriero
©
2023 Mondadori Libri S.p.A., Milan, Italy
Bản
tiếng Anh:
WHAT IS CHRISTIANITY?
The Last Writings
Translated
by Michael J. Miller
©
2023 by Ignatius Press, San Francisco
Bản
tiếng Việt:
KITÔ GIÁO LÀ GÌ?
Tác phẩm cuối cùng, như một di
chúc thiêng liêng
Tác
giả: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI
Chuyển
ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Bản
quyền tiếng Việt © 2023. Giuse Phan Văn Phi, O.Cist., giữ bản quyền dịch và xuất
bản cuốn sách “Kitô Giáo Là Gì?” [Che Cos’è Il Cristianesimo? What Is
Christianity?] bằng tiếng Việt trên toàn thế giới, theo hợp đồng bản quyền
ký kết với nhà xuất bản Mondadori Libri S.p.A., Milan, Italy. All rights
reserved.
Việc
dịch tác phẩm này được giúp đỡ bởi Trung tâm Văn hóa Đọc sách [Centro per il Libro e la Lettura], thuộc
Bộ Văn hóa của Italia. Mọi quyền đã được bảo hộ.
La
traduSione di quest’opera è stata finanziata dal Centro per il Libro e la
Lettura, parte del Ministero della Cultura italiano. Tutti i diritti riservati.
The
translation of this work was funded by the Centro per il Libro e la Lettura,
part of the Italian Ministero della Cultura. All rights reserved.
Bìa
và phần trình bày dựa trên nguyên bản tiếng Ý, bởi Nadia Morelli.
[2] Benedetto XVI in dialogo con il rabbino Arie
Folger, Ebrei e cristiani, a cura di
Elio Guerriero, Cinisello Balsamo, San Paolo, 2019.
[3] Robert Sarah con Benedetto XVI - Joseph
Ratzinger, Dal profondo del nostro cuore,
a cura di Nicolas Diat, Siena, Cantagalli, 2020.
[5] Prima parte in ordine biografico e ultima in
ordine di pubblicazione della trilogia dedicata a Gesù. L’opera venne
inizialmente pubblicata da Rizzoli in tre volumi con i seguenti titoli: Gesù di Nazaret. Dal Battesimo alla
Trasfigurazione, Milano 2007; Gesù di
Nazaret. Dall’ingresso in Gerusalemme fino alla risurrezione, Milano 2011; L’infanzia di Gesù, Milano 2012. Tác phẩm
Đức Giêsu thành Nadarét (gồm 3 tập) sau đó đã được xuất bản thành một tập duy
nhất trong ấn bản Opera Omnia, Città
del Vaticano, LEV, 2013. Tập Opera Omnia,
số VI/1 này, khôi phục lại trật tự thời gian của cuộc đời Đức Giêsu, từ thời
thơ ấu tới lúc phục sinh.
[6] Kỳ mục, linh mục (Hl presbyter: kỳ lão). Thuật ngữ ám chỉ chức sắc trong Hội đường Do
thái, thành viên của Thượng Hội đồng tại Giêrusalem. Trong Tân ước, đây là những
người lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem và Antiôkia. Họ là kỳ mục - presbyteroi (Cv 11,30; 14,23), hay giám quản - episkopoi (Pl
1,1; Tt 1,5.7). Theo thánh Inhaxiô Antiokia (k.35-k.107), các kỳ mục (hoặc linh
mục) là thành phần dưới quyền của giám quản (hoặc giám mục) và ở trên các phó tế.
Ngày nay, thuật ngữ “presbyter” được
hiểu là linh mục, người được truyền chức thánh để hiến thánh và hiến dâng Mình
và Máu Chúa Kitô trong thánh lễ (x. Giáo luật, điều 1015; GLHTCG, số
1562-1568).
[7] Sứ điệp “Tình
yêu thương bắt nguồn từ công việc truyền giáo” đã được đọc nhân dịp khánh
thành đại sảnh đường [Aula Magna] đã
được tân trang lại của Đại học Giáo hoàng Urbaniana, được đặt theo tên của Đức
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, vào ngày 21 tháng 10 năm 2014.
[8] “Tôn
giáo là gì?”, trước đây chưa được xuất bản, bản văn được hoàn thành vào
ngày 19 tháng 3 năm 2022.
[9] Bản văn “Thuyết
Độc thần và sự khoan dung” được hoàn thành vào ngày 29 tháng 12 năm 2018.
Thuật ngữ “Monotheism”: Thuyết Độc thần, Nhất thần
luận. Niềm tin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Tạo thành vũ trụ. Đây là
niềm tin sơ khai của mọi Hữu Thần Thuyết,
bởi vì nhận biết cách toàn tâm toàn ý sự hiện hữu của một Thiên Chúa có ngôi vị,
là Đấng thực sự tách biệt với thế giới do chính Người đã sáng tạo nên. Điều này
khác biệt với Nhất Nguyên Thuyết, đồng
hóa Thiên Chúa với vũ trụ. Hơn nữa thuyết này còn quả quyết rằng Thiên Chúa
siêu việt và hữu ngã là Đấng duy nhất chứ không có nhiều, do đó cũng đối lập với
đa thần thuyết và nhị nguyên thuyết (Nguyên ngữ Hy Lạp monos, đơn nhất, chỉ một + theos,
thần).
Thuật ngữ “Tolerance”: Bao dung, chịu đựng (Lt tolerantia: nhẫn nại, chịu đựng). Theo
nguyên ngữ, từ này mang nghĩa tiêu cực là thái độ chấp nhận miễn cưỡng một điều
xấu nhằm tránh một tai họa lớn hơn. Với dòng thời gian, thuật ngữ này biến
nghĩa từ thái độ “nhắm mắt làm ngơ” đến việc chấp nhận những quan điểm, tín ngưỡng,
lối sống khác với mình. Ngày nay, thuật ngữ được áp dụng cách riêng trong lãnh
vực tín ngưỡng, được hiểu như “tự do tín ngưỡng” (religious freedom), tuy không thể nào coi như đồng nghĩa với sự
lãnh đạm thờ ơ đối với chân lý (x. GLHTCG, số 2108). “Intolerance”: Bất khoan
dung, không tha thứ, không dung dị, cố chấp, hẹp hòi. – ND.
[10] Eckhard Nordhofen, Corpora. Die anarchische Kraft des Monotheismus [Bodies: the anarchic power of monotheism],
Freiburg im Breisgau: Herder, 2018; Eckhard Nordhofen, một nhà thần học người Đức,
người đã cho rằng, có một mối liên kết giữa việc khẳng định một Thiên Chúa duy
nhất và sự bất khoan dung. Đức Bênêđictô XVI bác bỏ lập luận này, đồng thời,
ngài than thở rằng, sự kiện Kitô giáo ngày nay chính là “nạn nhân của sự bất khoan dung ngày càng gia tăng nhân danh lòng khoan
dung.” Ngài bác bỏ lời buộc tội cho rằng Kitô giáo không khoan dung vì nó
tuyên bố nắm giữ sự thật, trái lại, Kitô giáo bảo đảm với chúng ta rằng: “Chúa Kitô chịu đóng đinh chính là đối trọng
đích thực đối với mọi hình thức bất khoan dung.” - Người dịch chú thích thêm.
[11] Deutero-Isaiah
là tên được đặt trong nghiên cứu về tác giả ẩn danh của Isaia, chương 40–55 và
tác phẩm của ông. Tiếng Hy Lạp deuteros
(δεύτερος) có nghĩa là “thứ hai” – do
đó tên gọi “Isaiah thứ hai” cũng được sử dụng.
[14] Bản văn “Đối
thoại Kitô giáo-Hồi giáo” được hoàn thành vào ngày 1 tháng 3 năm 2018 và
trước đó chưa được xuất bản.
[15] Kinh Koran [Qurʾān] là văn bản tôn giáo quan trọng nhất của đạo Hồi. Người Hồi
giáo tin đây lời nói mặc khải cuối cùng của Thượng đế, là nguồn gốc căn bản cho
đức tin và hành động của mỗi người Hồi giáo và được coi là kiệt tác hoàn hảo nhất
trong văn học Ả Rập cổ điển.
[16] x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 108, và
Tông huấn Hậu Thượng hội đồng năm 2008, Verbum
Domini.
[17] Adolf von Harnack, “Das Alte Testament in den
Paulinischen Briefen und in den Paulinischen Gemeinden”, in Sitzungsberichte der Preussischen Akademie
der Wissenschaften (Berlin: Preussischen Akademie der Wissenschaften,
1928), 141; Erik Peterson, Theologische
Traktate (Munich: Kösel Verlag, 1951), 295.
[18] Bài phát biểu của Đức Bênêđictô XVI bày tỏ
lòng biết ơn đối với việc Đại học Giáo hoàng Gioan Phaolô II ở Kraków và Học viện
Âm nhạc Kraków trao bằng tiến sĩ danh dự cho ngài. Castelgandolfo, ngày 4 tháng
7 năm 2015.
[19] Coronation
Mass; Krönungsmesse (tiếng Đức
nghĩa là Bộ lễ Đăng quang); Bộ lễ số
15 cung C trưởng, K. 317; đôi khi là Bộ lễ số 16, sáng tác năm 1779, là một
trong những bản phổ biến nhất trong số 17 bản phối phổ thông còn tồn tại của của
Bộ lễ Wolfgang Amadeus Mozart.
[21] Lời nói đầu cho ấn bản bằng tiếng Nga của tập
XI, Thần học Phụng vụ, Tuyển tập các Tác phẩm của Joseph Ratzinger - Bênêđictô XVI. Bản văn được hoàn thành vào ngày 11 tháng 7 năm 2015, Lễ thánh Biển Đức.