SUY TƯ VỀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI NỮ TU MẾN
THÁNH GIÁ TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY
Nữ tu Anna Nguyễn Thị Kim Loan
Dòng MTG Thủ Thiêm
1. Lát cắt
Một lần nọ tôi nhận được tin nhắn từ một nữ sinh năm thứ hai đại học,
em nhắn tin hỏi tôi về hôn nhân khác đạo và thủ tục chuẩn hôn phối khác đạo,
tôi lần lượt trả lời những câu hỏi của em theo những gì tôi biết. Những câu hỏi
ngày càng trở nên dồn dập và nghiêm túc hơn, có vẻ như em đang muốn chuẩn bị kỹ
lưỡng cho hành trình mới! Không thể như thế! Tôi biết em từ khi em còn là cô nữ
sinh cấp III sống tại lưu xá thuộc cộng đoàn chúng tôi mà tôi có trách nhiệm quản
lý, em một cô bé chăm học, thông minh, nhiều năng lượng, có ước mơ lớn và còn
đang xây ước mơ. Linh tính có điều bất ổn đã xảy ra với em và em đang cần sự trợ
giúp, tôi chủ động bấm điện thoại gọi em, thế nhưng mặc cho tôi gọi đến lần thứ
ba em vẫn không nhận cuộc gọi. Gửi cho em tin nhắn để xem chuyện gì đã xảy ra,
tôi nhận được hồi âm với những dòng chữ khiến tôi đứng lặng: “Con xin lỗi dì, con không đủ can đảm trực tiếp
nói với dì vấn đề của con. Con cảm thấy xấu hổ và tội lỗi quá! Con đã có thai.
Dì có tức giận với con không?'”. Tôi hình dung tại một góc tối nào đó, em
đang cố thu mình thật nhỏ tránh sự dòm ngó của người khác, những ngón tay run
run đang loay hoay bấm những con chữ trên bàn phím điện thoại, và lo lắng hồi hộp
chờ phản ứng của tôi. Bất cứ cái gì lúc này cũng có thể khiến em hoảng sợ, tôi
khẽ khàng trấn an em bằng lời nhắn gửi: “Con
yên tâm, dì hiểu tâm trạng con lúc này mà. Ngày mai con có thể đến gặp dì để
con và dì tìm cách giải quyết vấn đề”.
Cám ơn em đã cho tôi cơ hội
đi với em khi em chiến đấu với đại gia đình để giữ đứa con, khi em đau đớn vì sự
bội bạc của tình yêu đầu đời mà em đã trao hiến tất cả, khi em phải che mặt xấu
hổ với bạn bè và người thân, khi em oằn mình cố gắng vừa học vừa kiếm tiền gửi
ngoại nuôi con, và cho đến nay khi những vết thương vẫn thỉnh thoảng giằng xé,
những dang dở dọc ngang đang gào thét em vẫn để tôi được đi cạnh em.
Cám ơn em đã cho tôi bước
vào thế giới của người trẻ, thế giới không những đầy hoa bướm và những làn mây
tím mà còn là thế giới của những tìm tòi khám phá, của bâng khuâng ngỡ ngàng, của
những va vấp gãy đổ, của những hối hận muộn màng...
Cám ơn em vì từ câu chuyện
của em mà tôi cố gắng tìm hiểu sâu hơn đặc sủng của Đức cha Lambert vị Sáng lập
dòng Mến Thánh Giá (MTG), nhờ đó tôi cảm nhận hơn được lời mời gọi dấn cho các
hoạt động chăm sóc, bảo vệ và giáo dục giới nữ trong thời đại hôm nay.
2. Đặc sủng và tinh thần của dòng Mến
Thánh Giá
Đặc sủng là yếu tố chính tạo
nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống,
là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Đặc sủng mà các vị
sáng lập dòng nhận được có hai mục đích: một là trở về với Tin mừng với phương
cách phù hợp để thực hiện sự trở về này; hai là đáp ứng tình huống lịch sử của
Giáo hội, đặc biệt là trong mối quan hệ với nhu cầu cấp bách của Giáo hội.
Từ thời Trung cổ, nhiều
nhóm cam kết sống đời tu trì được thành lập để đáp ứng những tình huống lịch sử
nào đó, thể hiện bằng một sứ mệnh được thực hiện bên trong hoặc bên ngoài cộng
đoàn qua việc hãm mình và khẩn cầu cho trần thế trong đời sống chiêm niệm, hay
qua việc loan báo Tin Mừng bằng những hình thức phục vụ khác nhau. Trong thời Cận
đại, nhiều dòng tu đã ra đời để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của Giáo hội
hay xã hội, như giáo dục, chăm sóc bệnh nhân, người già, trẻ mồ côi, người tàn
tật, v.v.[1]
Riêng tại Việt Nam, vào
năm 1670, một hội mang tên Những Người Yêu Mến Thánh Giá Chúa ra đời với mục
đích “đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô chịu
đóng đinh. Đây là dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông được thành lập để cộng
tác với hàng giáo sĩ phục vụ các nhu cầu của Giáo hội địa phương với nhiệm vụ đặc
biệt là chăm sóc, bảo vệ và giáo dục giới nữ. [2]
Vào thế kỷ XVII, Việt Nam vẫn còn đang trong thời kỳ Phong kiến, thời mà giá trị
của người nữ được xã hội nhìn nhận theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết
vô”, cuộc sống của người nữ hoàn toàn bị phụ thuộc vào nam giới bằng quy định
“tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Xin trưng dẫn một đoạn
trích Trong Việt Nam Phong Tục, một biên khảo của Phan Kế Bính năm 1915 trong
phần nói về phận vụ của người phụ nữ thời bấy giờ:
“Người vợ trên phải phụng dưỡng cha mẹ chồng, có khi phải nuôi cả chồng;
giữa thì giúp chồng lo lắng công kia việc khác, gánh vác giang sơn cho nhà chồng;
dưới thì săn sóc nuôi con, thế mới gọi là nội trợ. Phụ hạnh là nết na người đàn
bà, nết na thì đến trên kính dưới nhường, ở trong nhà chiều chồng thương con,
và lấy nết hiền hậu mà ở với anh em họ hàng nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín
chắn, không hợm hĩnh mà cũng không cay nghiệt với ai.
Tục ta trọng nam khinh nữ, quyền người chồng bao giờ cũng nặng hơn
quyền vợ. Một là tiền của. Tiền của, của hai vợ chồng làm ra, hoặc của người chồng
hay là do người vợ làm ra, cũng gọi là của chồng cả. Có câu rằng: “Giai tay
không chẳng ăn mày vợ, gái trăm vạn cũng thể nhờ chồng”. Hai là việc giao thiệp.
Ta chỉ người đàn ông có quyền giao thiệp với người ngoài, chớ đàn bà thì không
được dự gì đến việc nọ việc kia cả. Cho nên từ trong họ, đến ngoài làng, cho đến
việc tiếp khách, các việc ứng tiếp với xã hội, cũng không việc gì dự đến đàn
bà. Ta vì tục ấy mà đàn bà ít kiến thức, tựa như một phần người vô dụng ở đời.
Ba là quyền tự do. Ta chỉ người đàn ông được tự do, nghĩa là muốn chơi bời gì
thì chơi, muốn đi lại đâu thì đi lại, người vợ không có quyền ngăn cấm được, mà
vợ hơi có điều gì trái gia pháp thì chồng có thể chửi được. Chồng có thể lấy
năm, bảy vợ, mà vợ chỉ được phép lấy một chồng.”[3]
Trong Bản Luật Tiên Khởi với
sự linh hứng của Thánh Thần đã được chính Đức cha Lambert viết vào tháng 2 năm
1670 trong đó có những quy định mà Đức cha gọi là sứ vụ ưu tiên của những người
muốn đi theo Linh đạo MTG. Sứ vụ này như một sự đáp trả tiếng mời gọi phục vụ
Giáo hội địa phương bằng cách cộng tác với hàng giáo sĩ và đáp lại tình huống bất
ổn mà xã hội đối đãi với người nữ:
“Dạy các thiếu nữ, giáo cũng như lương những điều nữ giới cần biết. Nếu
không thể làm được vì tình huống hiện tại xảy đến cho đạo Thánh, chị em phải nhớ
rằng, khi hoàn cảnh cho phép, thì đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình;
Săn sóc những phụ nữ, thiếu nữ đau ốm bệnh tật cả giáo lẫn lương. Nhờ cơ hội
đó, khuyên bảo họ họ lo phần rỗi linh hồn và trở lại với Chúa; Cố gắng rửa tội
nơi giếng thánh cho những trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử... Dùng mọi cách kêu gọi những
phụ nữ và thiếu nữ trụy lạc ra khỏi lối sống vô luân.” [4]
Vị Sáng lập đã coi việc thực
hiện sứ vụ là cách để diễn tả tình yêu đối với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, trong bức
gửi nữ tu tiên khởi Anne và Paula, ngài ân cần nhắc lại: “Các con đã dâng mình trọn vẹn cho Người, để từ nay chỉ chuyên chú tìm sự
hiểu và yêu mến Người. và bằng cách thực thi các nghĩa vụ của tu hội các con”.
Hơn nữa, ngài còn coi việc trung thành với sứ vụ riêng của tu hội là cách đóng
góp và giúp ích cho Giáo hội thiết thực nhất:
“Hãy trung thành với các nghĩa vụ trên vì
biết chắc nhờ đó các con và toàn thể Giáo hội này sẽ lãnh nhận lợi ích lớn lao”[5].
Trong một xã hội mà hình
như mọi luật lệ, mọi quy định như đang chống lại hạnh phúc của người phụ nữ, Hội
Những Người Yêu Mến Thánh Giá Chúa được được quy tụ với sứ vụ ưu tiên bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục giới nữ được thành lập có thể được xem như kết quả của sự
suy tư, chiêm niệm lâu năm của vị Sáng lập về Tình yêu của Đức Kitô Chịu Đóng
Đinh và sự quan tâm sâu sắc những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội Giáo hội
được kết hợp trong sự dẫn dắt của Thánh Thần. Sứ vụ của Hội dòng MTG chính là lời
ngỏ yêu thương và sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với những người phụ nữ đang bị
bỏ lại đằng sau bởi quy định, phong tục của xã hội và thậm chí bởi chính những
người thân thương của họ.
Tình hình của giới nữ Việt
Nam hiện nay xét theo góc độ sức khỏe thể lý và tinh thần.
Nghĩa trang không xác người
với những phần mộ ảo và những lời tâm sự xé lòng.
Không chỉ dưới thời phong
kiến mà đến tận ngày nay, khi xã hội đã rất văn minh, khi quyền phụ nữ đã được
coi trọng, khi người phụ nữ đã có chỗ đứng quan trọng trong gia đình và xã hội
thì ở góc nào đó giới nữ vẫn đang là đối tượng cần được quan tâm, bảo vệ và
giáo dục nhiều hơn.
Tại Việt Nam từ năm 2008,
khởi đầu với Website www.nhomai.vn, một mô hình nghĩa trang mới mà người ta có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng
xã hội được hình thành với tên gọi “nghĩa trang online”. Hiện nay có khá nhiều
những “nghĩa trang” như thế trên mạng xã hội, các nghĩa trang này ngày càng có
nhiều người quan tâm, chỉ riêng “nghĩa trang www.nhomai.vn” đã có gần 60.000 thành viên
tham gia với hơn 17.000 “ngôi mộ” đã được lập. Tại những nghĩa trang Online,
người tham gia sẽ tạo “phần mộ”cho người thân của riêng mình không khác gì ngôi
mộ ngoài đời thật. Mục đích ban đầu của những “nghĩa trang” này theo người “thiết
lập nghĩa trang” là “để đáp ứng nhu cầu tâm linh của mọi người. Nhất là những
quý vị ở xa lâu ngày không được về thăm mộ người thân. Là nơi tâm sự, an ủi lẫn
nhau của mọi người trong gia đình, bạn bè...”[6]
Thế nhưng, khi những nghĩa
trang không xác người với những phần mộ ảo này hoạt động rộng rãi thì người ta
nhận thấy số phần mộ của những sinh linh nhỏ bé có ngày chết không có ngày sinh
chiếm một phần khá lớn. Chỉ trong một “nghĩa trang” đã có đến hơn 14.000 ngôi mộ
có tên hoặc vô danh với số tuổi từ vài tuần đến vài tháng, những nghĩa trang
online khác cũng có cả trên dưới vạn “ngôi mộ” như thế. Những “người lập mộ”
cho những ngôi mộ thai nhi hầu hết là những bà mẹ, ông bố ở độ tuổi còn rất trẻ.
Cứ nghe những tâm sự dưới các “phần mộ” có thể mường tượng các ông bố bà mẹ này
còn đang ở tuổi ăn tuổi học. Bằng ngôn ngữ tuổi teen, những dòng tâm nghe sao
chát đắng: “Mẹ xin lỗi! ... Mẹ là một kẻ
hèn nhát, một kẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình để rồi đang tâm phá bỏ hai
sinh linh nhỏ bé. Mẹ ko mong hai con tha thứ. Mẹ chỉ mong hai con hãy hiểu cho
mẹ với một cô pé 16 thì mẹ không thể sinh và nuôi hai con một mình được. Lúc mẹ
nói mẹ đã mang thai hai con, papa của con đã không tin và hất hủi mẹ để theo một
người khác...”. Không ít những ông bố bà mẹ trẻ lập mộ cho con không những
một mà đến hai, ba lần với thời gian mỗi lần cách nhau chỉ trong một năm thậm
chí vài tháng, điển hình có bia ghi “5 Sinh Linh Bé Nhỏ Chưa Kịp Chào Đời' hoặc
bia mộ khác ghi tên 4 bé: Mai (1 tuần tuổi) - Sao (2 tuần tuổi) - Tuấn (3 tuần
15 ngày tuổi) - Tùng (5 tuần tuổi).
Bao nhiêu ngôi mộ ảo trên
nghĩa trang dành cho thai nhi là chừng ấy lý do để những ông bố bà mẹ giết những
đứa con mình. Nhưng dù có ngàn vạn lý lẽ được đưa ra đều không thể khỏa lấp được
mặc cảm tội lỗi và sự day dứt tận thâm tâm mà chỉ những ông bố bà mẹ đã giết
con mình mới có thể thấm hiểu. Họ không thể tha thứ cho chính mình nên đến những
nghĩa trang Online để gửi nỗi đau và sự hối hận muộn màng. Trên một phần mộ ẩn
chứa sự hối hận đến nhói lòng của người mẹ: “Những lời xin lỗi, những giọt nước mắt hay hàng ngàn hàng vạn lý do
cũng không thể xóa được tội lỗi mẹ đối với con yêu...Người mẹ có tên
“kimnen” đã lập mộ cho ba đứa con viết: “Mẹ
chọn tên kìm nén vì mẹ đã phải kìm nén, chôn chặt nỗi đau này trong lòng, tội lỗi
mà mẹ gây ra sẽ theo mẹ suốt đời. Mẹ ngàn lần xin lỗi các con.”. Dưới phần
mộ khác có ghi: “Sự day dứt của lương tâm
đau hơn bất cứ lời nói cay đắng nào”. Có cả những dòng chữ như cầu mong sự
thông cảm của người đời: “Xin đừng phán
xét. Hãy để những ông bố bà mẹ tội lỗi
như chúng tôi có nơi than khóc con mình, dù biết không thể chuộc lại lỗi lầm đã
gây ra cho con”; “Nếu không có nơi này tôi chẳng biết trút nỗi buồn vào đâu!”.
3. Đời thực và những con số biết
nói
Những tâm sự đau lòng và
những hối hận chất ngất của những phụ nữ trẻ đó chỉ là phần rất nhỏ của sự thật
đang diễn ra trên mảnh đất hình chữ S này. Theo World Population Review 2020,
Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao thứ hai trên thế giới với tỷ lệ 35,2
trên 1.000 phụ nữ, chỉ sau Nga 37,4[7]. Báo cáo của UNFPA 2018 về
tình hình giới trẻ cho biết, hàng năm, có khoảng 250.000-3000.000 ca phá thai
chính thức tại Việt Nam. Báo cáo còn cho biết đây là những con số có thể thống
kê được tại các bệnh viện và các cơ sở được phép hoạt động còn những trường hợp
khác không thống kê được nhưng có lẽ cũng không ít. Theo Tổng cục Dân số và Kế
hoạch hóa Gia đình, mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm qua đã giảm,
nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và thiếu nữ trẻ đang tăng, chiếm
hơn 20% số ca nạo phá thai của cả nước [8], tỷ lệ này được UNICEF xếp
vào hạng cao nhất Đông Nam Á và cao thứ năm trên thế giới[9].
Trong buổi hội thảo ngày 29/6/2016 GS Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện
SKSS và Gia đình, cho biết cụ thể có 8,4% phụ nữ ở độ tuổi từ 15 - 24 thừa nhận
đã ít nhất một lần nạo phá thai. Có không ít trường hợp đã bỏ thai đến lần thứ
ba và thậm chí lần thứ bốn[10].
Việc phá thai đi liền với
vấn đề quan hệ trước hôn nhân. Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên
tại Việt Nam do Bộ Y Tế và Cục Thống Kê (SAVY) cho thấy độ tuổi quan hệ tình dục
lần đầu của thanh thiếu niên Việt Nam ngày càng trẻ hóa. SAVY 1 năm 2003 cho biết
tuổi quan hệ lần đầu trung bình của thanh thiếu niên Việt Nam là 19,6 tuổi và
giảm 18,1 tuổi vào năm 2008 (SAVY2)[11].
Một khảo sát cá nhân làm tại một trường Đại học trong TP HCM năm 2020 cho thấy
các bạn trẻ khá cởi mở về việc “ăn cơm trước kẻng”. Có tới khoảng 73,66% trong
số gần 300 sinh viên tham gia khảo sát cho biết quan hệ tình dục trước hôn nhân
là phải có để kiểm tra sự hòa hợp cho hôn nhân sau này, 13,1% cho là chuyện
bình thường vì trước sau cũng cưới, 11,4% cho rằng cần thiết để chứng tỏ tình
yêu chân thành và số còn lại khá nhỏ (1,84) không đồng tình với việc quan hệ
trước hôn nhân.
Những lời tâm sự đắng lòng
và những con số thống kê chỉ trong một lãnh vực cũng đủ để thấy tình trạng đáng
lo ngại trong phần đông giới thanh nữ hiện nay. Nỗi đau lỡ làng một đời, nỗi
đau đánh mất chính mình, sự dày vò không tha thứ được cho bản thân vì đã đang
tâm chặn sự sống của con mình rất khó tìm được người để chia sẻ! Ai có đủ thời
gian và trái tim đủ rộng để giúp những thiếu nữ này tin rằng dù có thế nào họ vẫn
được Thiên Chúa yêu thương tha thứ để họ có thể lấy lại thăng bằng và làm lại
cuộc đời!!! Ai có đủ lửa nhiệt thành để đi tìm những lối đường giúp các thiếu nữ
trẻ không bị rơi vào hố tuyệt vọng này!!!
Những yếu tố tác động đến
xu hướng và hành vi của người trẻ, đặc biệt giới nữ.
4. Lối sống xã hội và sự lệch chuẩn
thần tượng
Người trẻ ở mỗi thời đại hầu
như ai cũng có những thần tượng của riêng mình để hướng lên, tuy khác nhau
nhưng những thần tượng thường là những người tài năng, có kiến thức uyên bác bởi
sự kiên nhẫn học hỏi, là người có chí lớn vượt qua nghịch cảnh và đều có chung
một nhân cách lớn và lối sống cao thượng dám hy sinh hạnh phúc riêng cho cộng đồng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thần tượng của giới trẻ Việt Nam có xu hướng
thay đổi theo hình mẫu lạ thường khiến những nhà giáo dục quan ngại và đã phải
đưa ra những lời cảnh báo.
Có vẻ như đã qua rồi cái
thời mà thần tượng của các bạn trẻ là những nhà văn hóa lớn, là những anh hùng
dân tộc, và đôi khi gần gũi mộc mạc như ông bà cha mẹ, như thầy cô... Thay vào
đó là những thần tượng có kiểu sống ngông cuồng, xa hoa dám “chi bạo” cho xế khủng,
cho nhà hoành tráng, cho những mặt hàng xa xỉ phẩm; những thần tượng có số đo
chuẩn, body đẹp không cần nhân cách đẹp, hành vi tốt và lối ứng xử tốt; những
hình mẫu tỏa sáng không có tài năng, không nỗ lực bằng mồ hôi nước mắt nhưng bằng
những chiêu trò... “Khá Bảnh” một thanh niên học bỏ học từ lớp 7, đã từng có
hành vi xâm hại sức khỏe người khác, dương tính với ma túy và mới bị bắt vì tội
danh “tổ chức đánh bài” đã nổi lên như một thần tượng của giới trẻ những năm vừa
qua. Bất chấp những lời thô tục trên mạng xã hội và lối sống ngông cuồng coi
thường Pháp luật, tài khoản cá nhân Facebook của Khá Bảnh đã từng có hơn
600.000 người theo dõi, còn trên YouTube cá nhân có 2 triệu lượt đăng ký mà đa
số là các bạn trẻ. Có lẽ nhiều người biết đến cô người mẫu với những phát ngôn
phản cảm và kiểu ăn mặc khiến nhiều người nhức mắt đã cán mốc 5 triệu lượt theo
dõi trên tài khoản Instagram và chỉ sau hai năm hoạt động, kênh YouTube cá nhân
đã có hơn 1,2 triệu người theo dõi mà chủ yếu cũng là người trẻ.
Không phải ngẫu nhiên các
bạn trẻ chọn người này người kia làm thần tượng nhưng đã bị lèo lái và một cách
vô thức các bạn trẻ đã để mình bị dẫn dắt một cách dễ dàng không kiểm soát. Lối
sống của người dân Việt, đặc biệt tại các khu đô thị lớn đang có sự thay đổi
đáng kể, điều này kéo theo thay những thay đổi bậc thang giá trị sống. Những
giá trị trước đây được đề cao như hiếu nghĩa, trọng tình, cần kiệm liêm chính,
thủy chung, nhân hậu đang bị thay thế bởi những giá trị khác như tiền tài, danh
vọng, sắc đẹp. Trước kia người giàu và người nghèo đều được dạy về giá trị của
sức lao động nhưng thời nay lại được cổ xúy cho việc làm nhiều tiền và tiêu xài
hoang phí theo kiểu “người ta giàu người ta có quyền” “người ta đẹp người ta có
quyền”. Các bạn trẻ không còn cơ hội thấy những gương mẫu sống đẹp, không còn
biết đến các danh nhân vĩ nhân đã quên hạnh phúc cá nhân để cống hiến cho đời
mà ngày ngày chỉ thấy những hình ảnh những ông to bà lớn bị phanh phui, bị bắt,
bị kỷ luật vì hành vi tham nhũng, tham ô, hối lộ. Thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện
giáo viên này quấy rối tình dục học trò, giáo viên khác tìm cách moi tiền phụ
huynh. Hình ảnh ai đó ngồi lặng mình chăm chú đọc sách hình như là xa xỉ trong
lối sống người Việt hiện nay mà thay vào đó là người người bận rộn với chiếc điện
thoại thông minh chăm chỉ với những tin tức rẻ tiền mà nội dung thường là dạy
cách hưởng thụ, cách làm đẹp, cách kiếm tiền còn những chủ đề dạy cách làm người
lại xuất hiện khá khiêm tốn.
Sống trong một bầu khí mà
vật chất được đặt lên hàng đầu, đời sống tinh thần tẻ nhạt thiếu sức sống,
thang giá trị bị đảo lộn, mẫu gương đời thực thiếu hẳn, các bạn trẻ sẽ học nơi
đâu những chuẩn mực đạo đức, tìm đâu sức sống để vươn lên! Người nữ được biểu
trưng cho cái đẹp sẽ xây dựng nét đẹp đời mình dựa trên nền tảng nào để có thể
giúp làm đẹp cho cuộc đời!
5. Cuộc sống gia đình trong xã hội
hiện đại
Từ năm 1986, cơ cấu kinh tế
của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp,
tăng khu vực
dịch vụ và công nghiệp. Những
khu công nghiệp, các công ty đa quốc gia thu hút một lực lượng lao động khá lớn
từ những khu vực sản xuất thủ công hoặc sản xuất nông nghiệp theo mô hình gia
đình. Trước đây, do đặc trưng của mô hình sản xuất nông nghiệp, vợ chồng con
cái thường làm việc với nhau, nghỉ ngơi cùng nhau và thậm chí giải trí cùng
nhau trong những hoạt động của đời sống gia đình và cộng đồng. Việc giáo dục
con cái được xem là chức năng quan trọng nhất của cha mẹ.
Trong xã hội hiện đại, vợ
chồng đi làm tại những nơi khác nhau, con cái cũng không còn thời gian ở tại
nhà vì lịch học dày đặc từ sáng tới tối. Những bữa cơm gia đình ngày càng ít
đi, khảo sát cũng cho biết 59.51% các gia đình không có bữa ăn chung. Thời gian
trò chuyện, dạy dỗ con cái ngày càng ngắn lại, chỉ có 25.10% cha mẹ sẵn sàng
trao đổi và giải thích thắc mắc của con cái về những vấn đề của cuộc sống. Vấn
đề giáo dục giới tính cho con cái cũng vì thế trở nên vội vã, thiếu kiên nhẫn,
thiếu những chỉ dẫn cụ thể mà chỉ còn là những lời răn đe, những lời khuyên nhủ
thiếu thực tế (63.15%), thậm chí quát nạt (5,1%), số khác cho là cha mẹ không
có thời gian nên không thể trao đổi (10.52%), trong khi chỉ có 21,23% cha mẹ sẵn
sàng dành thời gian cho con cái. Không còn thời gian cho con cái, cha mẹ sẵn
sàng chuyển nhượng vai trò giáo dục con cái sang cho trường học, những trường
bán trú, nội trú hoặc cứ thả trôi con mình cho môi trường xã hội. Họ quên mất
thiên chức của cha mẹ là dạy dỗ con cái nên lao vào kiếm tiền rồi dùng tiền đó
để thuê người giáo dục dạy dỗ con cái. Con cái được mất thế nào không quan trọng
bằng việc có nhiều tiền.
Đã có biết bao bạn trẻ đã
phải bỏ sau lưng cả tương lai vì mất định hướng sống, sống thiếu trách nhiệm với
bản thân và với xã hội mà nguyên nhân chính là thiếu hẳn sự hướng dẫn cẩn thận
của cha mẹ trong những quãng thời gian quan trọng của cuộc đời như tuổi dậy
thì, tuổi sửa soạn bước vào đời.
6. Giáo dục giới tính trong trường học
Giáo dục học đường là một
trong những nhân tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lối suy nghĩ và
lối sống của một con người sau vai trò giáo dục gia đình. Những kiến thức cung
cấp cho học sinh thường đa dạng phong phú, ở đây xin chỉ đề cập đến vấn đề giáo
dục giới tính trong trường học vì hoạt động này tác động trực tiếp đến sức khỏe
thể lý và tinh thần của các thiếu nữ trẻ là mối quan tâm hàng đầu của người nữ
tu MTG.
Giáo dục giới tính đã có tại
Việt Nam từ những năm 1980 nhưng đến năm 1998 mới chính thức đưa vào các trường
phổ thông cơ sở. Các nội dung giáo dục giới tính được đưa vào lồng ghép, tích hợp
trong bốn môn học: Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngữ văn của chương
trình giảng dạy chính khóa, tuy nhiên, hiệu quả thực hiện phương thức giáo dục
lồng ghép này không cao. Từ năm học 2006 - 2007, hoạt động ngoại khóa giáo dục
giới tính chính thức được đưa vào khung chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp
cho học sinh, sinh viên[12].Thế nhưng thực tế nội dung chủ yếu chỉ xoay quanh quan hệ tình dục
an toàn, làm sao giải quyết mang thai ngoài ý muốn. Học cách sống có trách nhiệm
với hành vi của mình, cũng như với người bạn của mình lại được dạy rất hạn chế;
lối sống lành mạnh, kỹ năng điều khiển cảm xúc, điều khiển ham muốn cũng không
được nhấn mạnh; những giá trị và chuẩn mực đạo đức hầu như bị bỏ qua.
Nội dung đơn điệu và phiến
diện đã vậy, cách giảng dạy lại cũng khá đơn giản. Đa số giáo viên chưa được
đào tạo nghiêm túc để dạy nội dung được coi là nhạy cảm này nên không thể nói một
cách tự nhiên với học sinh theo cách nhìn khoa học và cách có hệ thống. Hơn nữa,
do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông việc nói thẳng, gọi tên đúng sự vật sự việc tại
các vùng nhạy cảm đối với chuyên đề này là điều không dễ đối với giáo viên dạy
Địa lý, Giáo dục Công dân và Ngữ văn những người chưa được đào tạo để lên lớp về
chuyên đề này.
Nội dung và cách giảng dạy
đại khái thế này có khác gì “vẽ đường cho hươu chạy” vì thực tế cho thấy nhiều
học sinh lầm tưởng học giáo dục giới tính là học cách quan hệ tình dục an toàn
và cách giải quyết hậu quả nếu “lỡ”. Và có lẽ đó cũng là một trong những lý do
mà phần đông giới trẻ quan niệm những ai đã tốt nghiệp phổ thông trung học mà
còn “nguyên” là quê mùa, thiếu thực tế. Còn nếu đã lỡ mang thai ngoài hôn nhân
thì việc đầu tiên phần đông các bạn trẻ nghĩ đến đầu tiên chính là loại trừ
thai.
7. Sự lấp lửng của giáo dục cộng đồng
Lý thuyết Học hỏi Xã hội của
Albert Bandura cho rằng phản ứng của những người xung quanh đối với hành vi của
trẻ là cách củng cố hay giúp trẻ chấm dứt hành vi nào đó. Nếu một đứa trẻ bắt
chước một hành vi của “hình mẫu” (cha mẹ, bạn bè, hình ảnh trên tivi, quảng
cáo) mà hậu quả là được cha mẹ, bạn bè, xã hội chấp thuận thì có khả năng thực
hiện hành vi đó. Trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay, nếu để ý sẽ rất dễ
bắt gặp những “hình mẫu” lệch lạc về lối sống, dễ dãi với những chuẩn mực đạo đức.
Đặc biệt khi nói về vấn đề phá thai thì báo chí, mạng xã hội, những bảng hiệu
quảng cáo, thậm chí cả trong các bệnh viện thường dùng những hình ảnh mang
thông điệp và từ ngữ lấp lửng. Điều này, vô hình trung đưa các bạn trẻ đến lối
sống dễ dãi và một cách vô thức sẽ tìm đến các nơi được coi là “an toàn” để giải
quyết hậu quả của lối sống dễ dãi.
Trên mạng xã hội, chỉ cần
vào bất cứ phương tiện tìm kiếm nào và gõ “phá thai” lập tức sẽ có hàng loạt kết
quả “cơ sở phá thai an toàn” “viên thuốc an toàn”. Trên các áp phích, bảng hiệu
từ các cơ sở phá thai luôn luôn có câu “phá thai an toàn” với hình ảnh các bác
sĩ y tá ân cần quan tâm, sẵn sàng giúp người muốn chấm dứt thai kỳ. Những hình ảnh
này lặp đi lặp lại trước mắt, trong tâm trí người trẻ, theo thời gian sẽ hình
thành ý tưởng mọi người chấp nhận việc phá thai.
Việc nạo, phá thai tại các
bệnh viện và cả trong những giờ giáo dục giới tính tại trường học, việc hút nạo
thai không được gọi đúng tên mà thay vào đó là những từ khá mơ hồ theo kiểu “điều
hòa kinh nguyệt”, “kế hoạch hóa gia đình”, “một sự can thiệp của y khoa”. Còn
viên thuốc tránh thai thì được gọi một cách khó hiểu “viên thuốc 24 giờ”. Những
thuật ngữ và kiểu nói nghe tưởng chừng vô hại và không liên quan gì đến đạo đức
này khiến rất nhiều người đặc biệt là người trẻ ngộ nhận và tin rằng khi phá
thai họ đã không hề làm điều gì trái đạo đức, không hề chấm dứt cuộc sống của
con mình!
Từ năm 1989 luật pháp Việt
Nam cho phép phụ nữ được nạo hút thai theo yêu cầu mà không phải qua các thủ tục
phiền hà. Luật chỉ cấm phá thai vì lựa chọn giới tính và tuổi thai nhi quá 22
tuần chứ không có những quy định phá thai cho riêng vị thành niên. Điều này có
nghĩa là bất cứ phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi nào cũng có quyền yêu cầu được phá
thai tại các bệnh viện hoặc các cơ sở tư nhân. Thực tế tại các cơ sở phá thai
tư nhân, người ta sẵn sàng thực hiện việc phá thai cho vị thành niên mà không
đòi bất cứ thủ tục rườm rà nào bất chấp sức khỏe của các cô gái trẻ, bất chấp
thai kỳ trên 22 tuần.
Nghiên cứu của WHO cho biết
tại những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thuộc về quốc gia cấm khắt khe phá
thai và những quốc gia cho phép phá thai mà không có những quy định kèm theo.
Luật phá thai của Việt Nam quá dễ dãi hay tại cách thi hành Luật quá lỏng lẻo
đã khiến tỷ lệ phá thai nơi người trẻ Việt Nam ngày càng gia tăng?
8. Người nữ tu MTG nỗ lực thực hiện
sứ vụ trong bối cảnh xã hội hôm nay
Trước tình hình giới trẻ
càng nhiều người mất định hướng, nhiều thiếu nữ buông theo sự lèo lái của một
xã hội hưởng thụ không biết đến ngày mai để rồi chuốc lấy bao khổ đau, hối hận,
chua cay, hỏi ai là người chịu trách nhiệm cho điều này? Mỗi năm hơn 300 ngàn
thai nhi bị giết chết là 300 ngàn dấu ấn đau thương, hối hận in trên cuộc đời
những phụ nữ Việt Nam, ai sẽ là người giúp ngăn chặn điều này?
Hiện nay, tại khắp vùng miền
đất nước đều có những nhóm với tên gọi chung chung Nhóm Bảo Vệ Sự Sống. Tham
gia nhóm là những Phật tử, là những người Công giáo, là người bình dân, người
có địa vị xã hội, là những linh mục, những nam tu và nữ tu. Những anh chị em
này ngày ngày cần mẫn đào bới trên những đống đổ nát cuộc sống nhân sinh để tìm
cách giúp phục hồi những con người mà nhân phẩm bị đánh cắp. Họ đến những thùng
chứa đồ phế thải y tế, đến nghĩa trang để tìm kiếm những sinh linh bé nhỏ bị tước
quyền làm người và cho những em bé này một nơi yên nghỉ xứng đáng. Họ lăn xả
vào những ngóc ngách của bệnh viện tìm kiếm những chị em phụ nữ vì nhiều lý do
đang có ý định chấm dứt cuộc sống của con mình để đề nghị một lối giải quyết đầy
tính nhân văn nhân bản. Họ sẵn sàng ngồi hàng giờ nghe những tâm sự đau buồn,
những hối hận muộn màng để khơi dậy niềm tin, thắp sáng niềm hy vọng cho những
phụ nữ bị đẩy vào bước đường cùng. Trong đêm tối trần gian, những đốm sáng mong
manh đó vẫn miệt mài tỏa sáng thách thức sự im lặng bao trùm xung quanh, thách
thức cả quyền lực bóng đêm đe dọa.
Trung thành với đặc sủng của
vị Sáng Lập, Tu Luật đã được canh tân mà các nữ tu MTG gọi là Hiến Chương vẫn
quy định rất rõ phải gắn bó với Giáo hội địa phương để thực hiện sứ mạng tiếp nối
sứ mạng cứu độ của Đức Kitô bằng việc chuyển cầu nơi nguyện đường và dấn thân
phục vụ ưu tiên giới nữ và giới trẻ trong lãnh vực giáo dục, xã hội, y tế, luân
lý và đức tin.[13] Xã hội đổi mới, hoàn cảnh đổi
mới, những đòi hỏi của thời đại cũng thay đổi đưa người nữ tu MTG tới những
thách thức mới buộc phải thay đổi để có thể chu toàn sứ vụ.
Hòa cùng nhịp sống của
Giáo hội, người nữ tu MTG cũng đang tìm lối đường thích hợp để một mặt giữ sự
trung thành với Đặc sủng của vị Sáng lập, một mặt đáp ứng nhu cầu Giáo hội Việt
Nam lúc này. Chắc chắn trong những hoạt động bảo vệ sự sống có sự góp mặt của
nhiều nữ tu MTG. Xa hơn nữa, ngoài việc giải quyết hậu quả, một mô hình những
lưu xá cho nữ sinh đang được hình thành tại một vài dòng MTG; một số cơ sở cũng
có những lớp dạy nghề hoặc cấp học bổng để tạo điều kiện cho nữ giới hỗ trợ việc
học hành cho nữ sinh; đâu đó cũng có những khóa dạy những giá trị và kỹ năng cần
thiết cho các thiếu nữ, chăm sóc thiếu nữ lỡ lầm, bảo vệ thai nhi... Tuy nhiên,
tất cả những hoạt động này đang chỉ ở mức tự phát, manh mún và mang tính cảm
tính chứ chưa có một chương trình dài hạn, rõ ràng, cụ thể và quy mô đủ.
9. Lời kết
Lời mời gọi của sứ vụ ngày
càng khẩn thiết, lửa nhiệt huyết không thiếu, với con số hơn mười ngàn nữ tu
MTG, trong hoàn cảnh hiện tại, việc làm nên kỳ tích để giúp các thiếu nữ trẻ là
có thể khả thi, nếu:
Mọi nữ tu MTG cùng nhìn về
một hướng và nắm chặt tay nhau bắt đầu một chương trình cụ thể, rõ ràng và quy
mô đủ; tạo mạng lưới các hoạt động cho các giới nữ trong các dòng MTG để tương
tác, hỗ trợ nhau;
Các dòng MTG sẵn sàng mở rộng
hoạt động và mời gọi các nữ tu tham gia: mở văn phòng tư vấn hoặc làm việc tại
các văn phòng tư vấn cho giới nữ; đào tạo và tăng cường nhân sự trong các hoạt
động giáo dục tiểu học, phổ thông cơ sở, trung học phổ thông, đại học; mở phòng
khám chữa bệnh ưu tiên cho giới nữ; mở trung tâm dạy nghề hoặc trung tâm giới
thiệu học nghề và giới thiệu việc làm cho giới nữ; tổ chức thêm các khóa giá trị
sống, kỹ năng sống và giáo dục giới tính cho giới trẻ; dành một khoản thu nhập
nhất định để cung cấp học bổng cho trẻ nữ nghèo; tạo sân chơi lành mạnh trên
các trang mạng xã hội và tại các cộng đoàn;
Các lãnh vực hoạt động lâu
năm của các nữ tu MTG như dạy trẻ mầm non, làm bệnh viện, coi ca đoàn, ...đều đặt
ưu tiên cho việc giáo dục giới nữ;
Mỗi nữ tu MTG mỗi ngày
dành một lời cầu nguyện đặc biệt cho một trẻ gái cụ thể nào đó đang gặp khó
khăn;
Thiết nghĩ, bằng những hoạt
động cụ kết hợp cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cùng lời khẩn nguyện nài van người
nữ tu MTG mới có thể đi vào Mầu Nhiệm tự hiến của Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh
là “sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đàn chiên và để chiên được sống dồi dào”. Và
như vậy, Linh đạo và Đặc sủng MTG mới có thể phát triển trong Thánh ý Thiên
Chúa, tinh thần của Đức cha Lambert mới thiết thực và sống động trong thế giới
hôm nay.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 81 (Tháng 3 &
4 năm 2014)
WHĐ (03.6.2021)
[1] Lm JB Nguyễn Hữu Hạnh (FSF), Đặc sủng của Đấng Sáng Lập, tại conggiaovietnam.net, tham khảo 15/9/2020.
[4] Nhóm Nghiên
cứu Linh đạo MTG (2017). Tuyển tập Bút
tích (Di cảo) ĐC Lambert De La Motte vị Đại diện Tông toàn Đàng Trong, Đấng
Sáng lập dòng MTG 1624-1679. Trang 29. Nội bộ
[8] Mai Xuân Phương, Những con số giật mình về mang thai ở tuổi vị thành niên, tuyengiao.vn, truy cập ngày 03.6.2021
[10] Hiền Minh, 70% số ca phá thai chui ở độ tuổi vị thành niên, thanglong.chinhphu.vn, truy cập ngày 03.6.2021
[11] Đào Hồng Lê, Báo cáo chung
Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2, tại ifgs.vass.gov.vn, truy cập ngày 03.6.2021
[12] Mai Xuân Phương, Thực trạng chung về mang thai tuổi vị thành niên và các chương trình/chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, dansokhhgd.soctrang.gov.vn, truy cập ngày 03.6.2021
[13] Hiến chương dòng MTG, điều
4&6