William-Adolphe Bouguereau, “The Flagellation
of Our Lord Jesus Christ,” 1880 (ảnh: Public Domain)
SUY
NIỆM VỀ VIỆC CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN
Kinh
Mân côi: Ngắm thứ hai Mùa Thương
Theo
Tin mừng Mt 27:26; Mc 15:15; Lc 23:16; Ga 19:1, 4-5
John
Grondelski
WHĐ (15.03.2024) – Những Mầu Nhiệm Mùa Thương của Kinh Mân Côi diễn
ra trong một khoảng thời gian im lặng đáng chú ý. Từ lúc Chúa Giêsu bị bắt trong
Vườn Giếtsimani cho đến lúc Chúa chịu đánh đòn đã xảy ra những việc sau:
- một cuộc xét xử kéo dài trong đêm của một thứ tòa án trá hình trong phiên
họp của Thượng Hội Đồng chỉ còn lại một số các thành viên, ở đó cơ chế Đền thờ
Do Thái đã ngược đãi thể xác Chúa Giêsu;
- việc bỏ trốn của các Tông đồ;
- việc chối Chúa của Phêrô;
- có lẽ một đêm tra tấn tiếp và giam giữ cho đến sáng;
- việc chuyển vụ án của người Do Thái chống Chúa Giêsu với những cáo buộc
bịa đặt tới quan tổng trấn Rôma, Phongxiô Philatô;
- Philatô cố gắng chuyển hướng vụ án bằng cách cho điệu Chúa Giêsu đến gặp
Hêrôđê Antipa;
- và Philatô trì hoãn vụ án nhằm mục đích tránh phải kết án chính Chúa
Kitô.
Ngược lại với tất cả những sự kiện đó, các bản văn Kinh thánh đề cập đến
việc Chúa Giêsu bị đánh đòn còn gọi là đánh bằng roi da tổng cộng nhiều nhất cũng
chỉ có bảy câu trong bốn Tin Mừng.
Tại sao Philatô đánh đòn Chúa Giêsu? Ba lý do. Philatô có lẽ đã hy vọng rằng
một hình phạt thể xác nào đó có thể làm thỏa mãn cơn khát máu gần như điên cuồng
của đám quần chúng vốn được huy động trước đó và được dàn dựng trước công đường
của ông ta. Nếu Chúa Giêsu phạm tội gì thì việc đánh đòn sẽ là một hình phạt có
giá trị. (Hãy nhớ rằng, công dân Rôma và công dân không phải công dân Rôma có vị
thế khác nhau trước luật pháp Rôma, ví dụ: một người Rôma không thể bị đóng
đinh). Và, đề phòng trường hợp Chúa Giêsu (hoặc bất cứ ai trong đám đông) có ý
tưởng về việc thách thức sự cai trị của Rôma hoặc làm bất cứ điều gì khác bất hợp
pháp, việc đánh đòn đích đáng sẽ khiến người ta từ bỏ những ý nghĩ như vậy.
Đánh đòn là một hình phạt của người La Mã có thể được áp dụng như một
hình phạt riêng lẻ hoặc như một hình phạt mở đầu cho việc đóng đinh. Như vậy,
Philatô có thể dừng lại ở đó hoặc cũng có thể là khúc dạo đầu cho việc đóng
đinh.
Đánh đòn là gì? Đó là một hình thức trừng trị. Thông thường đó là việc
trói hai cánh tay nạn nhân vào một vị trí cố định và sau đó đánh vào cơ thể trần
trụi của nạn nhân bằng dây da có gắn các vật như đá, xương động vật hoặc móc. Mục
đích là để gây ra những vết rách dài trên da thịt. Đó không chỉ là việc quất bằng
roi trơn.
Cựu Ước giới hạn số lượng roi tù nhân bị đánh là 40 (Sách Đệ nhị luật 25:3).
Tập tục Do Thái giới hạn số lượng roi ở mức 39, để không vô tình vượt quá mức
trần quy định trong Sách thánh. Nhưng thông lệ của người Rôma thường không có
những giới hạn như vậy. Những kẻ phạt roi tù nhân đánh đòn tù nhân cho đến khi
họ thấy chán, mệt hoặc nạn nhân của họ ngã gục, thậm chí chết. Việc đánh đòn có
thể gây tử vong bởi chính việc đánh đòn, hoặc do nhiễm trùng sau đó nếu nạn
nhân chịu nổi việc đánh đòn.
Việc đánh đòn gây ra những hậu quả tệ hại tới việc đóng đinh. Một tù nhân
bị đánh đòn có thể phải vác patibulum
(thanh ngang của thập tự giá) đến nơi hành quyết trên tấm lưng vốn đã bị xé nát
của mình và nếu bị đóng đinh, tấm lưng đó sẽ cọ vào các stipites (thanh dọc) của thập tự giá. Mặt khác, mức độ nghiêm trọng
của việc đánh đòn và mất máu cũng có xu hướng làm tù nhân suy yếu, dẫn đến cái
chết nhanh hơn.
Đó hẳn là bối cảnh pháp lý/văn hóa của việc Chúa Giêsu chịu đánh đòn.
Chúng ta cũng hãy suy ngẫm về những gì thần học đã gợi ý.
Đánh đòn là một hình phạt rất nặng về thể xác. Nhiều tội lỗi của con người
liên quan đến thể xác. Suy cho cùng, con người là một sinh vật có thể xác và tinh
thần, có sự tiếp xúc với thế giới thông qua các giác quan. Các giác quan có tác
động trực tiếp và mạnh mẽ đến con người: thức ăn và tình dục là những ham muốn
mạnh mẽ về thể chất. Ngay cả ma quỷ cũng không làm việc gì khó hơn mức nó phải
làm: tại sao lại phải cám dỗ ai đó phạm tội kiêu ngạo khi thói ham mê ăn uống,
dâm dục hoặc những tội lỗi khác đã đủ khiến họ phạm tội?
Phải chăng “tội tinh thần” tệ hơn “tội xác thịt”? Đúng thế. Nhưng tội lỗi
tinh thần không làm cho tội lỗi xác thịt ít là tội hơn. Ung thư não tiến triển
có thể “tồi tệ” hơn bệnh tim lâu dài, nhưng cuối cùng bạn cũng sẽ chết vì một
trong hai thứ bệnh đó. Trong lĩnh vực tâm linh cũng vậy. Mẹ Fatima cảnh báo rằng
“tội khiến hầu hết các linh hồn phải sa hỏa ngục là tội xác thịt”. Điều đó sẽ
ngăn cản chúng ta giảm thiểu tầm quan trọng của tội xác thịt, ngay cả khi so
sánh chúng với những tội lỗi hiểm ác độc địa hơn.
Khi chịu đòn roi, Chúa Giêsu đã mang trong thân xác mình những tội lỗi mà
chúng ta phạm phải. Hãy nhớ rằng, ngay cả khi chúng ta ăn năn tội lỗi, đó vẫn
chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Thiên Chúa có thể tha thứ cho tội lỗi của
chúng ta, nhưng các nhà thần học thường nói đến “hình phạt tạm thời” do tội lỗi
gây ra. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một bản tính mà tội lỗi đã làm biến dạng.
Việc xưng tội có thể xóa bỏ cảm giác tội lỗi của chúng ta, nhưng không đương
nhiên xóa bỏ đi những thèm muốn, những nghiêng chiều, những quyến luyến của
chúng ta với những tội đó. Đó là lý do tại sao chúng ta thường không chống cự nổi
cám dỗ.
Giờ đây, Thiên Chúa không muốn lấy lại bản tính rách nát, đầy lỗ hổng tâm
linh mà chúng ta đã gây ra cho bản tính vốn được Ngài ban cho chúng ta (hoặc phục
hồi cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội). Sự tha tội là một chuyện; phục hồi những
khung tâm linh bị bẻ cong của chúng ta là một chuyện khác. Chúa Giêsu, khi chịu
đựng đòn roi, đã chịu đau khổ để sửa chữa những khung tâm linh méo mó của chúng
ta.
Vì vậy, trong Mầu Nhiệm Thứ Hai của Mùa Thương, chúng ta hãy suy ngẫm về
“tội xác thịt” mà chúng ta có thể có khuynh hướng phạm phải, quyết tâm chiến đấu
với “cái gai trong xác thịt” mà nhiều người trong chúng ta phải mang. Chúng thường
liên quan đến tình dục: quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại tình, thủ dâm,
khiêu dâm, tránh thai… Thiên Chúa muốn chúng ta thoát khỏi những thứ nô lệ đó,
nhưng điều đó không hẳn dễ dàng. Hãy xem Chúa Giêsu vô tội đã phải chịu đựng những
gì trong xác thịt.
Mầu Nhiệm Thứ Hai của Mùa Thương được họa sĩ người Pháp William-Adolphe
Bouguereau miêu tả bằng nét vẽ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bouguereau được
biết đến như một người theo chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật và thường tập
trung vẽ các nhân vật, tức là thân thể con người chính xác về mặt thể lý.
Điều đó được thể hiện rõ ràng trong bức vẽ “Chúa Giêsu bị đánh đòn - The
Flagellation of Christ”, có từ năm 1880. Chúa Giêsu là nhân vật trung tâm. Thân
thể Ngài nhẹ bẫng, trắng nhợt, gần như xanh xao như một xác chết. Những tương
phản giữa ánh sáng và bóng tối không chỉ là bóng mờ tự nhiên; chúng cũng gợi lên
một sự chia rẽ về mặt đạo đức.
Hầu hết trang phục của Chúa Giêsu nằm trên sàn nhà. Kỹ thuật đánh đòn đặc
trưng thời bấy giờ đang được thực hiện. Cánh tay của Chúa Giêsu bị kéo lên phía
trên để phần thân trên của Ngài bị phơi bày ra hoàn toàn và vẫn bị treo lơ lửng,
ngay cả khi hai chân của Ngài khuỵu xuống bên dưới. Việc đánh đòn bằng roi dường
như chỉ mới bắt đầu, vì những vết thương trên lưng Ngài vẫn chưa nhiều, mặc dù
chân Ngài đã khuỵu xuống và mắt Ngài trợn ngược ra phía sau.
Hai kẻ tra tấn, mỗi bên một người, đang thay phiên nhau sử dụng những chiếc
roi có nhiều sợi dây của họ. Hai người khác - một người mặc áo sơ mi trắng và một
người quỳ dưới đất, sẵn sàng nhập cuộc hoặc cung cấp thêm “công cụ” khi cần thiết.
Nhiều nhân chứng khác nhau, có lẽ bao gồm cả hai thành viên Thượng Hội Đồng ở
bên phải, đang theo dõi. Hầu hết các nét mặt đều thể hiện sự khoái trá tàn ác khi
làm việc đó: giống như trong thời đại chúng ta, liệu những kẻ bênh vực cho tội
lỗi xác thịt có thường mê đắm trong những cuộc truy hoan của họ không?
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (21.02.2024)
Đọc thêm:
1. Suy niệm về cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsimani
2. Suy niệm về việc Chúa Giêsu chịu đánh đòn
3. Suy niệm về việc Chúa chịu đội mão gai