Carl Bloch, “Vườn Giếtsimani,” 1873 (ảnh: Public Domain)

SUY NIỆM VỀ CƠN HẤP HỐI CỦA CHÚA GIÊSU TRONG VƯỜN GIẾTSIMANI
Kinh Mân côi: Ngắm thứ nhất Mùa Thương
(Mt 26:36-56; Mc 14:32-52; Lc 22:39-54; Ga 18:1-14)

John Grondelski

WHĐ (06.03.2024) Thời gian mang những chiều kích khác nhau trong bốn chuỗi mầu nhiệm của Kinh Mân Côi. Các Mầu nhiệm Mùa Vui bao gồm các sự kiện trong 12 năm đầu đời của Chúa Giêsu, mặc dù các sự kiện này có thể được cho là 30 năm, vì việc tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thánh kết thúc bằng nhận xét rằng Chúa Giêsu đã “vâng lời” Đức Maria và Thánh Giuse trong ngôi nhà ở Nazareth, một khoảng thời gian có lẽ kéo dài đến khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai ở tuổi 30. Các Mầu nhiệm Mùa Sáng tập trung vào các sự kiện trong ba năm sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, mặc dù Bí tích Thánh Thể vẫn là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Các Mầu Nhiệm Mùa Mừng bắt đầu từ Lễ Phục Sinh dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.

Tuy nhiên, Mầu nhiệm Mùa Thương mời gọi chúng ta suy niệm về năm sự kiện đã xảy ra trong vòng chưa đầy một ngày, tức là từ tối Thứ Năm Tuần Thánh cho đến giữa trưa Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày đó là ngày vĩ đại nhất trong lịch sử loài người bên cạnh ngày Lễ Phục sinh. Tuy nhiên, cách nói đó không hoàn toàn chính xác: Cuộc Khổ nạn, Cái chết và Sự Phục sinh của Chúa Giêsu chỉ là một sự kiện, là Mầu nhiệm Vượt qua không thể tách rời và không thể phân chia, không có yếu tố nào có ý nghĩa nếu không có những yếu tố kia. Đó là lý do tại sao Giáo hội cử hành những ngày này như là “ba ngày trọng đại”, Tam Nhật Vượt Qua.

Ngày Chúa Kitô chết là ngày suy ngẫm về các Mầu nhiệm Mùa thương của chúng ta. Nhà văn người Mỹ Jim Bishop đã viết một cuốn sách có tên như thế vào năm 1957, sau đó được tái bản, đề cập đến 24 giờ cuối cùng của Chúa Kitô trên cơ sở bán hư cấu theo từng giờ (theo nghĩa là ông thêm thắt các chi tiết vào các sách Tin Mừng). Tuy nhiên, cuốn sách đó vẫn đáng đọc.

* * *

Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đến Vườn Giếtsimani để cầu nguyện. Rõ ràng theo Tin Mừng đây là một trong những nơi trú ẩn yêu thích của Ngài để cầu nguyện, đó là lý do tại sao nơi này được các Tông đồ, kể cả Giuđa biết đến: “Giuđa, kẻ nộp Ngài, cũng biết nơi này, vì Ngài thường tụ họp ở đó với các môn đệ” (Ga 18:2).

Trong số các tác giả Tin Mừng, Gioan không nêu tên Vườn Giếtsimani. Thánh sử nói về việc Chúa Giêsu băng qua suối Kítrôn để vào một “khu vườn”. Đó không phải là một sự bỏ qua không quan trọng.

Con người sa vào tội lỗi trong một khu vườn (điều này đòi buộc Thiên Chúa phải từ trời xuống thế). Trong một khu vườn, Adam đầu tiên đã từ chối ý muốn của Thiên Chúa. Trong một khu vườn mới, Adam thứ hai sẽ cầu nguyện: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha!”. Tội lỗi đã đi vào lịch sử loài người trong một khu vườn; sự diệt trừ tội lỗi cũng sẽ bắt đầu từ một khu vườn.

Mặt khác, Thánh Gioan không trình bày chi tiết nỗi thống khổ của Chúa Giêsu trong khu vườn đó. Các tác giả Tin Mừng khác cũng vậy. Thánh Mátthêu kể cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã cùng các Tông đồ đến khu vườn đó như thế nào, bỏ lại chín người trong số họ, rồi tiếp tục cùng với các môn đệ thân cận của Ngài – Phêrô, Giacôbê và Gioan – cầu nguyện. “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện” (Mt 26:36). Sau đó Ngài đi cầu nguyện.

Thánh Gioan nói rõ khi: “Chúa Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình …” (18:4) thì “buồn đến chết được” (Mt 26:38). Luca, một thầy thuốc, thêm một chi tiết độc đáo: Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu (22:44). Sự đổ mồ hôi máu của Ngài không phải là một thủ pháp nghệ thuật: có một tình trạng bệnh lý khiến cho sự lo lắng hoặc sợ hãi cực độ dẫn đến vỡ các mao mạch, đổ mồ hôi lẫn máu. Mátthêu và Máccô kể lại rằng Chúa Giêsu sau khi cầu nguyện đã trở lại với nhóm Tông đồ cốt cán đó - Phêrô, Giacôbê và Gioan - ba lần, để rồi chỉ thấy họ vẫn đang ngủ.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là gì? Luca cho chúng ta biết rằng Ngài xin Cha Ngài cất chén đắng khỏi Ngài, “nhưng không theo ý con mà theo ý Cha” (22:42). Chúa Giêsu biết điều gì đang chờ đợi Ngài. Một truyền thống Công giáo lâu đời cũng khẳng định Ngài biết tại sao. Truyền thống đó cho rằng Chúa Giêsu đã thấy trước mọi tội lỗi của thế gian sẽ đưa Ngài đến thập tự giá. Tất cả chúng ta đều có thể thấy sự to lớn của sự dữ hiển hiện trong thế giới của chúng ta. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng ra sức nặng nghiền nát mà Chúa Giêsu hẳn đã phải trải qua trong âm mưu của tất cả sự dữ trên thế gian đổ lên vai Ngài không?

“Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Ngài” (Lc 22:43).

Cha Ngài có thờ ơ với Ngài không? Không. Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã định sẵn từ cõi đời đời để cứu độ chúng ta, hoàn toàn nhận thức được rằng đây là khoảnh khắc cuối cùng con người xa cách Thiên Chúa, là những việc làm cần thiết để xóa bỏ những gì con người đã làm theo ý chí tự do của mình. Khi chúng ta nói về lý do tại sao Thiên Chúa trở thành con người, câu trả lời rất rõ ràng trong Vườn Giếtsimani: chỉ vì trọng lượng, sức mạnh và quy mô của sự dữ do tội lỗi gây ra, sự nghèo nàn tột độ của con người, không thể nào được xóa bỏ bởi một con người đơn thuần, mặc dù một người đã phải làm điều đó. Những gì con người đã buông ra thì họ không còn khả năng lấy lại được, cho dù bản tính bị thương tích của con người vẫn có thể khiến họ muốn làm điều đó. Thiên Chúa có ý định sửa chữa những sai lầm của con người, nhưng không có cách chữa trị nào khác.

Chúa Giêsu ở một mình. Các Tông đồ của Ngài đang ngủ. Chỉ có một thiên thần nâng đỡ Ngài. Và mặc dù biết rằng Chúa Cha sẽ không bao giờ bỏ rơi mình, nhưng Chúa Kitô vô tội vẫn muốn cảm nhận những gì con người tội lỗi trải qua: sự vắng mặt của Thiên Chúa và bị Thiên Chúa bỏ rơi. Chúng ta vẫn thường nói về sự cô đơn hiện nay như một bệnh dịch. Nhưng liệu có người nào cô đơn hơn con người trong Vườn Giếtsimani không?

Và nếu chỉ nói đến sự cô đơn thôi thì vẫn chưa đủ, cả một đội quân dự bị được trang bị “kiếm và gậy” lao xuống bắt giữ Ngài, đó là một đội quân ngày xưa mà ngày nay tương đương với một Đội Đặc Nhiệm Phản Ứng Nhanh khi thực hiện nhiệm vụ truy bắt một tên khủng bố. Và đội đặc nhiệm đó được dẫn dắt bởi một trong những Tông đồ của chính Ngài, tông đồ này sẽ xác định mục tiêu bằng một nụ hôn!

Suy niệm của chúng ta về Vườn Giếtsimani nên có hai điều:

Sự cô độc hoàn toàn của Chúa Kitô dưới sức nặng không thể cân đong nổi của lịch sử tội ác của con người - quá khứ, hiện tại và tương lai - mà Ngài, với tư cách là Chiên Con vô tội của Thiên Chúa, gánh thay cho tất cả mọi người: có những người sẽ tận dụng được ân sủng yêu thương của Ngài và cũng có những người ném lại ân sủng yêu thương đó vào mặt Ngài, thậm chí có thể với một nụ hôn như nụ hôn của Giuđa.

Nhận ra tội lỗi chứa đựng những gì và phải trả giá như thế nào. Bởi vì, không giống như Chúa Kitô trong vườn Giếtsimani, khi chúng ta quyết làm theo ý muốn của con thay vì ý muốn của Cha, chúng ta đã góp phần vào cái giá phải trả đó. Tội lỗi – sự dữ - có thể là sự vắng mặt của Đấng là Thực Thể Siêu Việt và sự thiện hảo, nhưng sự vắng mặt đó không làm cho tội lỗi kém có thực hơn chút nào. Khi chúng ta suy ngẫm về những gì sẽ khôi phục lại điều mà lẽ ra phải có trong con người, chúng ta sẽ hiểu được những gì là có thực và ác tính thực sự của sự dữ.

Mầu nhiệm thứ nhất Mùa Thương được miêu tả bằng nét vẽ của họa sĩ người Đan Mạch, Carl Bloch. “Một thiên thần an ủi Chúa Giêsu trước khi bị bắt trong vườn Giếtsimani” có từ năm 1873 và được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đan Mạch lưu giữ.


Tôi chọn bức tranh này vì nó làm nổi bật sự cô độc hoàn toàn của Chúa Giêsu Kitô vào thời điểm quan trọng đó. Nhưng Chúa Giêsu cô độc là để chúng ta có được ánh sáng và sự trợ giúp siêu nhiên, được minh họa bởi thiên thần. Cảnh nền có màu đen, điều mà bài ca mừng Giáng sinh gọi là “bóng tối kéo đến”[1] ám chỉ sự xâm lấn của tội lỗi. Cái cây hầu như đã chết: người ta chỉ còn nhìn thấy một vài chiếc lá trong bóng tối. Mặt đất đầy sỏi đá. Chúa Giêsu mặc áo đỏ, và ướt đẫm mồ hôi, điều này hướng sự chú ý của người xem vào Cuộc Khổ nạn của Ngài.

Nhưng hai tay Ngài đang chắp lại cầu nguyện. Ngài sẽ làm theo ý muốn của Cha Ngài. Adam thứ hai sẽ làm điều mà Adam thứ nhất đã từ chối. Sự thống trị của tội lỗi kết thúc. Bây giờ.

“Đứng dậy, ta đi nào!” (Mt 26:46). Đó không chỉ là những lời nói với các môn đệ đang ngủ say của Ngài. Đó là quyết tâm của chính Chúa Giêsu. Cùng với Cha của mình, Ngài sẽ chỗi dậy và bước tới để chấm dứt nỗi kinh hoàng vốn đã tạo ra đêm này.

Sự đáp trả duy nhất của chúng ta chỉ có thể là một sự đáp trả xuất phát từ lòng biết ơn trọn vẹn.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (15.02.2024)

Đọc thêm:

1. Suy niệm về cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsimani

2. Suy niệm về việc Chúa Giêsu chịu đánh đòn

3. Suy niệm về việc Chúa chịu đội mão gai



[1] Người dịch chú thích: bài ca mừng Giáng Sinh We Three Kings of Orient are, John Henry Hopkins Jr. năm 1857, “Myrrh is mine, its bitter perfume, Breathes a life of gathering gloom; Sorr’wing, sighing, bleeding, dying, Sealed in the stone cold tomb. https://www.youtube.com/watch?v=AWnkNm8VQNI