SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
DƯỚI BÓNG THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ
LM. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Tuần Thánh 2024
WHĐ (27.03.2024) – Sứ điệp Mùa Chay 2024 mang tên “Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua
sa mạc đến tự do”. Hòa trong dòng suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta
cùng suy nghĩ về sự tự do của con người dưới bóng Thập Giá Đức Kitô.
Nô lệ hay tự do? Nhìn
cuộc sống con người trong ánh sáng Mầu nhiệm Thập Giá thì nô lệ hay tự do đều
có ý nghĩa rất phong phú.
Như Đức Thánh Cha mời
gọi: Để Mùa Chay trở nên cụ thể, bước đầu tiên chúng ta phải nhìn thấy thực trạng
của mình. Cũng như dân Do Thái xưa, chúng ta phải nhận ra rằng mình đang quằn
quại dưới ách nô lệ của Pharaon ngày nay. Điều đó nghĩa là gì cho chúng ta hôm
nay? Chúng ta nghe lại lời thoại giữa Chúa Giêsu và người Do Thái:
Đức Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại
trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật,
và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông
Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các
ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai
phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà
luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi (Ga 8, 31-35).
Bình tâm suy niệm đoạn
Tin Mừng này hẳn phải dẫn chúng ta đến một nhận định: con người cũng đang phải
sống dưới thời nô lệ của những Pharaon ngày nay. Về phương diện xã hội, những
hình thức nô lệ ngày nay mang nhiều khuôn mặt phức tạp như sự cưỡng bức lao động,
sự trói buộc trong nợ nần, buôn bán tình dục và khai thác trẻ em; Về phương diện
cá nhân, sự nô lệ có thể tiềm ẩn sâu kín trong lòng con người, đó là những thói
quen phạm tội, những ước muốn, đam mê ích kỷ và bất chính, những thói quen cư xử
và hành động lỗi phạm đến Trời và đến Cha… Tuy nhiên, dưới bóng Thập Giá
của Đức Kitô, tự do của con người được phục hồi, phẩm giá con người được chuộc
lại bởi giá máu của Đức Kitô – Mầu nhiệm Thập Giá.
Trong khi nhân loại
hàng ngày đang chứng kiến quá nhiều khổ đau, bất công và chết chóc, Chúa Nhật Lễ
Lá hàng năm, cũng như ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội suy tôn Thập Giá Đức
Giêsu Kitô một cách đặc biệt. Trong ngày này, phụng vụ âm vang lên một cách trầm
hùng: “Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập giá.
Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên
mọi danh hiệu.” Liệu rằng sứ điệp của Giáo Hội có hấp dẫn con người ngày nay nữa
không? Thập Giá có còn ý nghĩa gì cho con người ngày nay nữa không?
Thực sự, từ buổi sơ
khai của Giáo Hội cho đến ngày nay, Thập Giá của Đức Giêsu vẫn là chướng ngại,
và là cớ vấp phạm cho bao nhiêu người. Thập Giá đã là điều ô nhục không thể chấp
nhận được với người Do Thái, và là điều điên rồ đối với người Hy Lạp (1 Cr
1, 23), Thập Giá cũng vẫn là “vấn nạn” khó tìm được lời giải đáp khả dĩ cho con
người ngày nay; thậm chí Thập Giá bị cho là gợi lên hình ảnh bạo lực, máu me,
phi nhân tính và chết chóc, hay bị kết án như một sự nhu nhược an phận đáng
trách!
Ngày hôm nay, nếu
chúng ta cũng chỉ khai thác khía cạnh tàn ác của những đau khổ thể xác mà Chúa
Giêsu phải trải qua trong hành trình thập giá; nếu chúng ta cũng chỉ nghiền ngẫm
“những điều điên rồ mang tên nhân loại” đã diễn ra trong “24 giờ sau cùng của
Chúa Giêsu” (như bộ phim The Passion), có lẽ chúng ta sẽ chỉ đạt được hiệu
ứng thị giác và cảm xúc về những đau khổ thể lý đến độ kinh hoàng! Nhưng nếu
như thế, làm sao chúng ta có thể tuyên xưng như thánh Phaolô: “Niềm vinh dự của
tôi là Thập Giá Đức Giêsu Kitô” (x. Gl 6, 14)? Nếu như thế thì làm sao
chúng ta có thể mời gọi nhân loại cùng đến tôn thờ Thập Giá nơi treo Đấng Cứu Độ
trần gian?
Nếu
không muốn đi vào lối mòn dễ dãi của suy tư như thế, nếu không muốn làm nghèo nàn hóa ý nghĩa
cao cả của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta phải mở rộng viễn quan, xuyên không gian và thời
gian, về mầu nhiệm cao trọng này.
Trong lời nguyện khởi
đầu phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội diễn tả ý nghĩa của Thập Giá khi đọc
rằng: “Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con vô ngần, Chúa đã vui lòng cho Con Một
Chúa đổ máu đào trên thập giá để hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, đem lại ơn cứu
độ cho loài người. Giờ đây, xin Chúa nhớ lại tình thương ấy mà thánh hoá và che
chở đoàn con luôn mãi.” Như vậy, trong ánh sáng Thập Giá Đức Kitô, mầu nhiệm
con người được tỏ lộ, hay nói cách khác, con người được giải thoát khỏi ách nô
lệ để trở nên tự do đích thực, phẩm giá cao quí của con người được phục hồi.
Nói theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: Qua Mầu nhiệm Thập Giá, “ơn cứu chuộc
được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm
hy vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng
ta” (Spe Salvi).
Ý nghĩa đó dường như
được sáng lên trong niềm xác tín của thánh Phaolô khi ngài rao giảng rằng: “niềm
vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Kitô,” cũng như lời trong mời của Giáo Hội:
“Chúng ta hãy đến tôn thờ Thập Giá Chúa Kitô”. Chúng ta suy tư về hai lời đó:
1. Thập giá Đức Kitô là vinh dự của chúng ta
(vinh dự ở khía nào?)
Theo Lời Tổng nguyện
thánh lễ thứ Hai Tuần Thánh, con người, vì quá yếu đuối, đã gục ngã thảm
thương, nhưng nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy và
tìm lại được sự sống. Hay nói cách khác, tuy con người nô lệ cho những đam mê,
dục vọng và tội lỗi của mình, nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người, trái lại,
như người Cha nhân hậu, Thiên Chúa dõi theo, tìm kiếm, kiên nhẫn chờ đợi, tha
thứ và trả lại cho con người phẩm giá làm con. Như vậy, điều trước tiên làm cho
con người được vinh dự nơi Thập Giá của Đức Kitô chính là: Nhờ Thập Giá, phẩm
giá và sự sống của con người được Thiên Chúa trân trọng và bảo vệ “bằng mọi
giá”. Điều huyền nhiệm đó được thánh Phêrô diễn tả rằng: “Tội lỗi của chúng
ta, chính Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã
chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1 Pr 2, 24). Mầu
nhiệm cao quí này chỉ có thể xảy ra vì lẽ “chúng ta được tiền định làm nghĩa
tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 5). Do đó, các giáo phụ diễn tả mầu
nhiệm Thập Giá như là hành vi Thiên Chúa “thần hóa con người”: Thiên Chúa dùng
sự vâng phục và giá máu của Người Con mà chuộc lấy nhân loại sa ngã, một
nhân loại đắm chìm trong vòng nô lệ tội lỗi. (T. Gioan Phi-sơ, Bài đọc 2, Thứ
Hai, tuần V, Mùa Chay).
Thứ đến, Thập giá là
niềm vinh dự theo nghĩa là con người được cứu chuộc trong tự do của mình. Thiên
Chúa cứu độ chúng ta qua Con Một của Người. Tuy nhiên, việc Thiên Chúa Cứu chuộc
(ý nghĩa của Thánh danh Giêsu trong tiếng Do thái) không phải là một luật ngẫu
nhiên hay một qui định bắt buộc làm suy yếu phẩm giá con người. Đúng hơn, Thiên
Chúa cứu chuộc con người qua Hy Lễ Thập Giá của Người Con, nhưng phải cần đến sự
tự do của con người cộng tác vào Hy Lễ đó, như thánh Augustinô đã thốt lên
trong hạnh phúc và niềm vui khi trở lại: Chúa dựng nên con không cần đến con,
nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự đáp trả tự do của con. Như vậy, mầu nhiệm
Thập Giá của Đức Giêsu mang một ý nghĩa kép đó là: Cứu độ là ân ban vô giá từ
Thiên Chúa và cũng là lời đáp trả tự do của người (Mt 16, 24). Điều này được Đức
Thánh Cha Bênêđictô diễn giải: “Con người nằm ở điểm giao tranh giữa hai trường
lực tương tác. Trước hết là sức nặng ghì kéo con người xuống những điều thấp
hèn như thân phận nô lệ, hướng về cái tôi ích kỷ, hướng đến những điều giả dối
và những điều xấu; trường lực này dìm chúng ta xuống thấp và đẩy chúng ta lìa
xa sự cao cả của Thiên Chúa. Mặt khác, có sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa: việc
được Thiên Chúa yêu thương và sự đáp trả bằng tình yêu tự do của chúng ta thu
hút chúng ta hướng mình lên cao” (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Lễ Lá 2011)
Nói tắt một lời, nơi
Thập Giá Đức Giêsu, sự tự do và phẩm giá của con người rất đáng quí và cao trọng
đối với Thiên Chúa. Hay chúng ta có thể nói ngược lại: Thiên Chúa đã tự hạ mình
đến tận cùng thế nào để giành lấy nhân loại từ tay ác thần, tội lỗi và sự chết.
Đó là lý do Giáo Hội hãnh diện Tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ
chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Vì vậy, cùng với thánh Phaolô, một lần nữa
chúng ta tuyên xưng: Niềm vinh dự của tôi là thập giá Đức Giêsu Kitô!
2. Đây là Thập Giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần
gian, chúng ta hãy đến thờ lạy!
Con người mọi thời vẫn
không ngừng chất vấn: tôn thờ Thập Giá ư, tôn thờ điều gì vậy? Cần phải minh định
rằng: Kitô giáo không tôn thờ đau khổ, bởi vì đau khổ tự nó chẳng có thể giải
thoát hay cứu độ ai! Như vậy, tôn thờ Thập Giá hẳn phải có một ý nghĩa lớn lao.
Ý nghĩa đó chính là sự “vâng theo ý Cha” của Chúa Giêsu. Theo thánh Phaolô, mầu
nhiệm Vượt Qua không chỉ đóng khung trong những ngày sau cùng của Chúa Giêsu; mầu
nhiệm đó quả thực đã khởi đầu từ muôn thuở, bằng sự vâng phục tuyệt đối của
Ngôi Lời trước thánh ý Chúa Cha, để cứu chuộc chúng ta, chọn chúng ta làm cơ
nghiệp riêng theo kế hoạch của Người (Ep 1, 3-14). Tác giả thư Do Thái đặt
sự vâng phục của Ngôi Lời Thiên Chúa ngay tại thời điểm khởi đầu khi Con Thiên
Chúa “vào trần gian” – “Này con xin đến để thực thi ý Cha”. Rồi trải dài cuộc đời
dương thế, Người trở nên như vị Thượng Tế “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của
chúng ta” bằng việc mang lấy vào thân mình những đau khổ thử thách về mọi
phương diện để “học bài học vâng phục,” bài học mà thánh Matthêu thuật lại, Người
đã phải cầu nguyện đến lần thứ ba “nói lại cũng những lời như trước”: Lạy Cha,
nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì “xin vâng ý Cha” (Mt
26); và sự kết thúc khi chính bản Người “đạt tới mức thập toàn”. Chúng ta cũng
nghe trình thuật của thánh Gioan nói về thời khắc “thập toàn” trong việc thực
thi ý Cha với những lời sau cùng trên Thập Giá: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người
gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19, 30) (Lc 23, 46: “Lạy Cha,
con phó thác linh hồn con trong tay Cha”). Khi “hoàn tất” Hy lễ Thập Giá như thế,
Đức Giêsu Kitô trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục
Người (vâng theo ý Người) (Dt 5, 7-9).
Đến đây, có một vấn đề
nảy sinh làm cho chúng ta không khỏi băn khoăn đó là: phải chăng “sự vâng phục
ý Cha” làm mất sự tự do cá nhân, hay làm suy giảm phẩm giá của con người?
Một đàng, nơi Thập Giá
Đức Kitô, chúng ta không tôn thờ đau khổ của con người dưới mọi hình thức, vì
thực sự đau khổ tự nó không thể cứu con người; đàng khác, chúng ta cũng không
nói về “sự vâng phục ý Cha” như một hành vi hèn nhát và lệ thuộc, nhưng đúng
hơn, Mầu nhiệm Thập Giá như một hành động dâng hiến hay hy lễ mà Người Con dành
cho Cha và cho nhân loại mọi thời. Như vậy, có thể nói rằng chúng ta tôn thờ và
rao giảng Thập Giá Đức Kitô nghĩa là rao giảng và tôn thờ một Đấng Kitô chịu
đóng đinh, Người là Con Chiên xá tội, Đấng đã mang lấy đau khổ của nhân loại và
đưa lên Thập Giá bằng một tình yêu vâng phục bất tận đối với Thiên Chúa Cha, và
một sự tự nguyện trao hiến sự sống cho nhân loại trọn vẹn và mãi mãi. Chính vì
vậy, chúng ta hãy đến thờ lạy Thập Giá Đức Kitô!
Qua một vài điểm gợi ý
từ Kinh Thánh, chúng ta có thể tin nhận rằng: Trong hy lễ Vượt Qua hay trong mầu
nhiệm Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô, sự tự hạ đến tận cùng của Con Thiên Chúa
tái tạo phẩm giá của nhân loại – phẩm giá hay sự tự do của con người được phục
hồi và hướng đến niềm hy vọng bất diệt; cũng vậy, sự vâng phục ý Cha trong tin
yêu đã làm cho những đau khổ trở nên hy lễ Vượt Qua của chúa Giêsu, một hy lễ cứu
độ có giá trị vĩnh viễn cho những ai tin và tự do đón nhận.
Giờ đây, chúng ta có
thể cùng với thánh Augustinô nói với toàn thể Giáo Hội: “Hỡi các bạn, chúng
ta hãy can đảm tuyên xưng, hãy công bố Đức Kitô đã bị đóng đinh của chúng ta. Đừng
sợ sệt nhưng hãy vui mừng, chớ xấu hổ nhưng phải hiên ngang mà nói lên điều đó”
(Bài đọc 2, Kinh Sách thứ Hai Tuần Thánh).