BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật Lễ Lá năm A
(17.04.2011)
HƯỚNG MÌNH LÊN CAO
Lưu Minh Gian dịch
Như một truyền thống tốt đẹp tại Roma, ngày Quốc Tế Giới Trẻ theo cấp Giáo phận cũng được tổ chức vào chính ngày Lễ Lá. Đông đảo các bạn trẻ thuộc giáo phận Roma và nhiều giáo phận khác đã tề tựu về Quảng Trường Thánh Phêrô để tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chủ tế. Buổi phụng vụ bắt đầu vào lúc 9/30 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha làm phép lá cọ và những cành lá Oliu, sau đó là cuộc rước lá đến bàn thờ chính ở phía trước tiền đường của Đền Thờ Thánh Phêrô, tiếp đến Đức Thánh Cha long trọng cử hành thánh lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giêsu.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hướng đến các bạn trẻ đào sâu ý
nghĩa của việc tham gia vào cuộc rước lá và tưởng niệm cuộc hành trình lên
Giêrusalem của Đức Giêsu. Cuộc hành trình ấy có ý nghĩa gì cho con người, nhất
là những người trẻ trong cuộc sống hôm nay, giữa thế giới này. Đức Thánh Cha
nói:
Anh chị em thân mến,
Các bạn trẻ thân mến,
Thật cảm động khi cứ vào Chúa Nhật Lễ Lá hằng
năm, chúng ta lại cùng với Đức Giêsu tiến về Đền Thánh, và đồng hành cùng Người
trong chuyến hành trình lên núi. Trong ngày này, khắp mặt đất và xuyên qua mọi
thế hệ, những người trẻ và tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều cất cao lời
tung hô Người: “Hoan hô con vua
Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!”
Thế nhưng thật sự chúng ta làm gì khi chúng ta
tháp mình vào một cuộc rước kiệu như thế này, khi chúng ta hòa mình vào nhóm những
người cùng Đức Giêsu tiến lên Giêrusalem và tung hô Người như là vua của
Israel? Có điều gì hơn là một đám rước lễ hội chăng, hơn là một phong tục đẹp đẽ
chăng? Cuộc rước ấy có liên quan gì đến thực tế cuộc sống mỗi chúng ta và thế
giới của chúng ta?
Để tìm thấy câu trả lời, trước hết chúng ta hãy
phân biệt giữa điều Đức Giêsu muốn làm và điều thực tế Ngài đã làm. Sau lời
tuyên tín của Phêrô tại vùng Cesare Philiphê, phía cực bắc của Đất Thánh, Đức
Giêsu khởi hành như một khách hành hương hướng về Đền Thánh Giêrusalem để dự lễ
Vượt Qua. Đó là chuyến hành trình tiến về Đền Thờ của Thành Thánh, hướng về nơi
mà toàn dân Israel được đảm bảo bởi sự hiện diện gần gũi cách đặc biệt của
Thiên Chúa với dân Người. Đó là chuyến hành trình hướng đến đại lễ Vượt Qua, tưởng
nhớ cuộc giải phóng ra khỏi đất Ai-cập và là dấu hiệu cho niềm hy vọng về một
cuộc giải phóng chung cục. Đức Giêsu biết rằng một lễ Vượt Qua mới đang đợi
mình, và Ngài sẽ đảm nhận vị trí của Con Chiên Vượt Qua tinh tuyền, hiến dâng
chính mình trên Thập Giá. Ngài biết rằng trong việc trao ban mầu nhiệm
Bánh và Rượu, Ngài sẽ trao ban chính mình mãi mãi cho những kẻ thuộc về Ngài,
và mở ra cho họ cánh cửa hướng đến một con đường giải phóng mới, để hướng đến sự
kết hiệp với Thiên Chúa hằng sống. Đó là hành trình hướng đến sự cao vời của Thập
Giá, hướng đến giây phút của một tình yêu trao ban chính mình. Đích đến cuối
cùng trong cuộc hành hương của Ngài là sự cao cả của chính Thiên Chúa. Đấy là
chiều cao mà Ngài muốn nâng toàn bộ loài người lên.
Do đó, cuộc rước kiệu của chúng ta hôm nay phải
là biểu tượng của một điều gì đó sâu xa hơn, là biểu tượng của việc chúng ta
cùng bước đi với Đức Giêsu trong cuộc hành hương: trong nẻo đường vươn mình lên
cao, hướng đến Thiên Chúa hằng sống. Đây là hành trình mà Đức Giêsu mời gọi
chúng ta.
Thế nhưng làm sao chúng ta có thể đặt chân trên
chuyến hành trình vươn cao này? Hành trình ấy chẳng phải vượt quá sự yếu hèn của
chúng ta sao? Đúng vậy, hành trình ấy vượt xa mọi khả năng hữu hạn của chính
chúng ta. Tự muôn đời, và cả cho đến ngày nay, con người đã được đổ đầy bởi
khát vọng “trở nên như Thiên Chúa”, khát vọng vươn mình đến sự cao vời của
Thiên Chúa. Nói cho cùng, tất cả những phát minh của trí thông minh nhân loại đều
nhắm đến việc sở hữu một đôi cánh nhằm có thể nâng mình lên đến tầm cao của Hiện
Hữu Tuyệt Đối, để trở nên độc lập và hoàn toàn tự do như chính Thiên Chúa là Đấng
Tự Do. Đã có rất nhiều thứ được con người hiện thực hóa. Chúng ta có thể bay được.
Từ đầu bên này đến đầu bên kia của thế giới, chúng ta có thể nhìn thấy nhau,
nghe thấy nhau và nói chuyện với nhau. Thế nhưng vẫn còn mạnh mẽ sức nặng ghì
kéo chúng ta xuống những điều thấp hèn. Cùng với sự phát triển những khả năng của
chúng ta, không chỉ có những điều tốt lành. Cả những khả năng xấu cũng phát triển,
và chúng như những cơn bão tố đầy đe dọa thổi qua dòng lịch sử của loài người.
Ngoài ra, cũng còn đó những giới hạn và yếu hèn của chúng ta: hãy nghĩ đến những
tai họa đã xảy ra trong những tháng vừa qua, và vẫn đang còn tiếp tục tấn công
vào con người.
Các Giáo Phụ đã diễn tả rằng con người nằm ở điểm
giao tranh giữa hai trường lực tương tác. Trước hết là sức nặng ghì kéo con người
xuống những điều thấp hèn, hướng về cái tôi ích kỷ, hướng đến những điều giả dối
và những điều xấu; trường lực này dìm chúng ta xuống thấp và đẩy chúng ta lìa
xa sự cao cả của Thiên Chúa. Mặt khác, có sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa: việc
được Thiên Chúa yêu thương và sự đáp trả bằng tình yêu của chúng ta thu hút
chúng ta hướng mình lên cao. Con người luôn thấy mình ở giữa sức hút hai chiều
này, và tất cả phụ thuộc vào việc xa tránh trường lực kéo chúng ta về sự xấu để
trở nên tự do và buông mình hoàn toàn cho sự cuốn hút từ sức mạnh của Thiên
Chúa, là sức mạnh làm cho chúng ta trở nên đích thực là mình, nâng chúng ta lên
và trao ban cho chúng ta tự do đích thật.
Sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, ở khởi đầu của Phụng
Vụ Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi chúng ta: “Sursum
Corda” – “Hãy nâng tâm hồn lên”, hay chính xác là “Hãy nâng con tim lên”. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, con
tim là trung tâm của con người, là nơi hội tụ của trí tuệ, ý chí, tình cảm,
thân xác và linh hồn. Tại trung tâm này, tinh thần trở nên thân xác và thân xác
trở nên tinh thần. Nơi đây ý chí, tình cảm, trí tuệ hội nhất với nhau trong việc
nhận biết Thiên Chúa và trong tình yêu dành cho Người. Con tim này cần phải được
nâng lên. Thế nhưng, như chúng ta đã thấy, chúng ta quá đỗi yếu đuối để có thể
nâng con tim của mình lên đến tầm cao của Thiên Chúa. Chúng ta không thể tự
mình làm điều ấy. Chính sự kiêu ngạo tự nâng mình lên sẽ dìm chúng ta xuống thấp
và đẩy chúng ta lìa xa Thiên Chúa. Chúng ta cần được Thiên Chúa nâng lên, và điều
này chính Đức Kitô đã khởi đầu trên Thập Giá. Ngài đã hạ mình xuống tận cùng điểm
thấp hèn của loài người, để nhờ đó lôi kéo mọi người đến với Ngài và đến với
Thiên Chúa hằng sống. Ngài đã khiêm nhường tự hạ, như lời của bài đọc hai mà
chúng ta vừa nghe. Chỉ như thế sự kiêu ngạo của chúng ta mới bị đánh bại: sự
khiêm nhường của Thiên Chúa là dạng thức tột cùng của tình yêu của Người, và
chính tình yêu khiêm hạ này cuốn hút chúng ta lên cao.
Bài Thánh Vịnh 24 mà chúng ta hát trong cuộc rước
hôm nay, được Giáo Hội xem như “bài ca tiến lên” chỉ ra những yếu tố cụ thể thuộc
về cuộc hành trình vươn lên cao của chúng ta, thiếu vắng những điều này chúng
ta sẽ không thể nào nâng mình lên được. Đó là: tay sạch, lòng thanh, từ khước những điều gian dối và tìm kiến Thánh
Nhan Thiên Chúa. Tất cả những thành tựu khoa học kỹ thuật lớn lao của chúng
ta chỉ có thể được giải phóng và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại khi
chúng ta có thái độ này: khi chúng ta có được đôi tay thanh sạch, con tim tinh
tuyền, khi chúng ta tìm kiếm chân lý và tìm kiếm chính thiên Chúa, khi chúng ta
để cho mình được đụng chạm và can thiệp bởi tình yêu Thiên Chúa. Tất cả những
điều này chỉ có thể hữu hiệu khi chúng ta biết nhìn nhận với sự khiêm nhường rằng
chúng ta cần phải được cuốn hút hướng lên cao, khi chúng ta từ bỏ ngạo khí muốn
tự biến mình trở thành chính Thiên Chúa. Chúng ta cần đến Thiên Chúa. Chính Người
sẽ cuốn chúng ta hướng lên cao. Khi chúng ta cậy dựa vào bàn tay của Người, Người
sẽ chỉ cho chúng ta một hướng đi đúng đắn và sẽ ban cho chúng ta một sức mạnh nội
tâm để nâng chúng ta lên. Chúng ta cần đến sự khiêm hạ của niềm tin, là sự
khiêm hạ tìm kiếm Thánh Nhan của Thiên Chúa và tín thác vào chân lý nơi tình
yêu của Người.
Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng của mình bằng
việc nhắc đến khuynh hướng triết học của các Triết gia thuộc trường phái Platon
thuộc thế kỷ thứ III và IV, những người luôn khắc khoải tìm những phương cách
thanh tẩy chính mình và giải phóng mình khỏi sức nặng ghì kéo mình xuống những
điều thấp hèn để vươn mình lên cao, hướng đến một hiện hữu đích thực và linh
thánh. Dừng lại ở những suy tư của Thánh giáo phụ Augustinô, Đức Thánh Cha nói
tiếp:
Thánh Augustino, khi tìm kiếm một con đường đúng
đắn, đã có một thời gian dài đi theo lối suy tư của những triết gia này. Nhưng
rốt cục, thánh nhân đã phải thừa nhận rằng câu trả lời của họ không đủ, rằng những
phương pháp của họ không thể thực sự chạm đến Thiên Chúa. Augustinô đã nói với
những người đại diện của trường phái triết học này: Các người hãy nhìn nhận rằng
sức mạnh của con người và tất cả những sự thanh tẩy mà con người tự làm cho
mình là không đủ để có thể đưa họ đến với sự cao cả của thiên Chúa, đến với
chính Thiên Chúa. Thánh nhân còn thêm rằng ngài sẽ tuyệt vọng về chính mình và
về cuộc hiện hữu của con người nếu không tìm thấy Đấng có thể thực hiện hoàn tất
những điều mà con người không thể thực hiện, Đấng nâng chúng ta lên với tầm cao
của Thiên Chúa, bất chấp tình trạng khốn cùng của chúng ta. Đấng ấy chính là Đức
Giêsu Kitô, phát xuất từ Thiên Chúa, hạ mình xuống đến với chúng ta, và bằng
tình yêu tự hiến trên thập giá đã cầm tay chúng ta và dẫn chúng ta bước đi trên
hành trình vươn mình lên cao.
Chúng đang bước đi cùng Đức Chúa của chúng ta
trong hành trình hướng lên cao. Chúng ta đang tìm lại con tim tinh tuyền và bàn
tay thanh sạch, chúng ta tìm kiếm sự thật và tìm kiếm Thánh Nhan của Thiên
Chúa. Chúng ta hãy bày tỏ với Thiên Chúa khao khát được trở nên công chính, và
chúng ta hãy khẩn nguyện với Người:
Lạy Chúa, xin hãy cuốn hút chúng con hướng lên
cao! Xin hãy làm cho chúng con được tinh tuyền! Xin hãy làm cho lời Thánh Vịnh
mà chúng con hát trong cuộc rước hôm nay trở nên hiện thực nơi chúng con. Xin
cho chúng con có thể thuộc về dòng dõi của những người tìm kiếm Chúa, những người tìm kiếm Thánh Nhanh Nhan của Đức
Chúa nhà Giacop (Thánh Vịnh 24, 6).
Kết thúc thánh lễ long trọng, Đức Thánh cha cùng đọc kinh Truyền Tin với
tất cả những khách hành hương có mặt tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Trước giờ
kinh, Ngài gởi lời chào đến tất mọi người bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức,
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, và cuối cùng là tiếng Ý. Ngài nói:
Tôi gởi lời chào thân ái đến tất cả các khách
hành hương nói tiếng Ý, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi hẹn gặp các bạn tại Madrid
trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ trong tháng 8 sắp tới đây.
Bây giờ, chúng ta hãy hướng lời cầu nguyện của chúng ta đến Mẹ Maria, xin Mẹ giúp sức để chúng ta sống Tuần Thánh này với niềm tin mạnh mẽ. Mẹ cũng đã vui mừng khi Đức Giêsu con mẹ bước vào Jerusalem, hoàn tất lời các ngôn sứ. Con tim của Mẹ, cũng giống như con tim của Con mình, cũng đã sẵn sàng cho cuộc Hy Tế. Chúng ta hãy học từ Mẹ, Đức Nữ Trinh trung tín, để bước theo Đức Chúa của chúng ta ngay cả khi con đường của Ngài mang chúng ta đến với Thập giá.
Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người.
Nguồn: archivioradiovaticana.va/storico (18.04.2011)
Đọc thêm: