Đức TGM Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, trong buổi diễn thuyết tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, Washington DC, ngày 26. 4. 2023. (Hình OSV News photo/courtesy Patrick Ryan, CUA)

SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI HOA KỲ:
GIÁO HỘI KHÔNG THỂ MẮC KẸT TRONG QUÁ KHỨ

Maria Wiering

WHĐ (05.5.2023)Hôm 26. 4. 2023, Đức Tổng Giám mục (TGM) Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ đã có buổi diễn thuyết tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ (The Catholic University of America), nhân chương trình thường niên Cardinal Dearden Lecture nhằm tôn vinh cố Tổng Giám mục John Dearden của Detroit, người có công trong việc thực hiện các giáo huấn của Công đồng Vatican II tại Hoa Kỳ.

Trong bài thuyết trình khoảng một tiếng đồng hồ về chủ đề Thánh Thể và sự phân định mang tính Giáo hội, Đức TGM Pierre đề cập đến một số vấn đề chính như sau:

Giáo hội cần một trải nghiệm của việc được mở mắt

Đức TGM “tin chắc rằng Giáo hội ngày nay đang cần một trải nghiệm được mở mắt”, giống như trải nghiệm của hai môn đệ đã gặp Chúa Giêsu Phục sinh trên đường Emmaus, những người đã không nhận ra Người cho đến khi họ cùng nhau chia sẻ bữa ăn.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều anh chị em của mình vỡ mộng rời bỏ Giáo hội, nghĩ rằng Đức Kitô không phải là câu trả lời cho cuộc tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa của họ”.

Theo ngài,

"Hàng ngày, chúng ta trải nghiệm những khó khăn khi sống đức tin trước một xã hội ngày càng bị tục hóa và phân cực. Cám dỗ để cứ mãi mắc kẹt trong quá khứ là có thật; con đường phía trước thường khó phân định và sự ngã lòng có thể xuất hiện".

Nhưng giống như trước kia, giờ đây Đức Kitô Phục Sinh cũng đồng hành với chúng ta để giúp chúng ta tìm ra con đường. Ngài chính là đường, và chúng ta nhận ra Người qua việc bẻ bánh. Thánh Thể là nơi của cuộc gặp gỡ này mang lại sự phân định, mang lại một tầm nhìn mới về thực tại, một tầm nhìn về thực tại mang tính giáo hội”.

Thánh Thể là điểm tựa của sự phân định mang tính Giáo hội

Đức TGM giải thích Thánh Thể là “điểm tựa của sự phân định mang tính Giáo hội” như thế nào qua việc trình bày suy tư dựa trên 3 lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11, 25); “Ta là bánh trường sinh” (Ga 6, 35) và “Ta là đường” (Ga 14, 6).

Ngài nói:

Cả ba lời tuyên bố này cùng đi với nhau như những bước trong tiến trình thẩm thấu ngày càng sâu sắc hơn giữa cuộc đời của Đấng Phục Sinh và cuộc đời của mọi tín hữu. Trong Thánh Thể, Đức Kitô biến mình thành của ăn để sức mạnh phục sinh của Người có thể được trải nghiệm ở cấp độ hiện sinh cá nhân. Do đó, Thánh Thể trở thành nơi diễn ra cuộc gặp gỡ mang tính biến đổi, hướng đời sống của người tín hữu và đời sống của Giáo hội theo một hướng mới".

Theo Đức TGM, mối liên kết giữa Thánh Thể và mầu nhiệm vượt qua - kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và thăng thiên của Chúa Giêsu – là điều hiển nhiên trong Giáo hội sơ khai, nhưng theo thời gian, mối liên kết này đã bị che khuất bởi sự tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hiến tế của Bí tích.

Các trình thuật từ thời Giáo hội sơ khai cho phép các Kitô hữu đương thời có một cái nhìn thoáng qua về động lực ban đầu, liên kết Thánh Thể, mầu nhiệm vượt qua và sự phân định với nhau”. Đức TGM nhắc lại những ví dụ trong Tin Mừng nơi các môn đệ sợ hãi, buồn sầu, hoặc vỡ mộng, và nơi mà Chúa Giêsu chữa lành tình thế của họ qua việc chia sẻ bữa ăn, báo trước Bí tích Thánh Thể.

Tuy nhiên, "mối liên kết nội tại giữa thân phận thụ tạo và cứu cánh siêu nhiên của con người" đã bị lạc hướng trong điều mà Đức TGM cho là sự xuất hiện "khuynh hướng nhận thức về siêu nhiên theo cách làm cho Bí tích Thánh Thể trở nên siêu trần, loại bỏ những khía cạnh cụ thể nhất của thân phận con người, một mầu nhiệm đặt ra một khoảng cách nhất định và chủ yếu kêu gọi một thái độ chiêm ngưỡng".

Quan điểm phiếm diện như thế là gốc rễ của cuộc tranh luận ý thức hệ liên quan đến Thánh Thể, sự trang bị vũ khí của nó trong các cuộc chiến văn hóa và đôi khi, tập trung riêng biệt vào việc tôn sùng Thánh Thể.

Đức TGM nhận định, trong một số nhóm Công giáo, có những xu hướng nhắm tới “Tân lạc thuyết Pelagiô (neo-Pelagianism), nơi mà mọi người “cuối cùng chỉ tin tưởng vào sức mạnh của chính mình và cảm thấy vượt trội hơn những người khác bởi vì họ tuân theo các qui tắc nhất định hoặc trung thành một cách không khoan nhượng với một phong cách Công giáo cụ thể trong quá khứ".

Còn những người khác ủng hộ "Tân ngộ đạo thuyết " (neo-Gnosticism), mà ngài gọi là "một chồi khác của cùng một gốc", trong đó thực tại vật chất bị coi là xấu xa và thực tại tinh thần được nhìn nhận là tốt đẹp.

Theo ngài,

Thuốc giải cho những xu hướng này nằm ở sự kết hợp đúng đắn giữa tự nhiên và siêu nhiên trong nhiệm cục cứu độ. Lời mời gọi kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa nơi mỗi người có thể thấy rõ qua thân xác, qua sự khởi xướng lịch sử cụ thể của hữu thể. Hành động cứu độ của Đức Kitô được gián tiếp qua nhân tính thần linh của Người, và được chuyển thông qua các biểu tượng bánh và rượu mà Người đã chọn trở thành phương tiện của sự chuyển thông đó, và là những biểu hiện của chiều kích thụ tạo của con người. Biểu tượng mở ra từ tự nhiên tới siêu nhiên.

Khía cạnh cộng đoàn của Thánh Thể

Đức TGM cũng nhấn mạnh đến khía cạnh cộng đoàn của bữa tiệc Thánh Thể.

Việc gặp gỡ Đức Kitô diễn ra trong bối cảnh Phụng vụ cũng cho thấy đặc tính giáo hội của Thánh Thể. Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Thánh Thể. Chính trong lòng cộng đoàn Kitô hữu, người ta có thể cảm nghiệm được sự chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết. Chúng ta được tiếp nhận vào động lực của mầu nhiệm vượt qua của Người với tư cách là một cộng đồng tín hữu, chứ không phải với tư cách là những cá nhân. Do đó, Giáo hội trở thành bí tích cứu độ, nơi người ta có thể nhận thức sâu xa về Đấng Cứu độ và về ý muốn của Người.

Theo ngài, khi tự nhận mình là "đường", Chúa Giêsu đưa ra hướng dẫn cho những ai theo Người và "sự phân định trở thành sự gặp gỡ". Thánh Thể là nơi dành cho một cuộc gặp gỡ như vậy.

Tôi tin rằng nhiều khó khăn mà chúng ta gặp phải trong Giáo hội ngày nay, nhất là khi phải phân định con đường phía trước, và những khó khăn dẫn đến sự chia rẽ và phân cực, là do yêu sách phi lý đòi phân tích thực tại từ một thành trì ý thức hệ kiêu ngạo. Kitô hữu không bao giờ là khán giả. Chẳng có cách nào tốt hơn để khám phá ra Đức Kitô là ai cho bằng là bước vào mối tương quan với Người.

Kitô hữu loan báo Tin Mừng qua Hiệp hành tính

Trả lời cho thắc mắc làm thế nào các Kitô hữu loan báo Tin Mừng cho thế giới hiện đại, thì

chỉ có thể được tìm thấy bằng chính việc loan báo Tin Mừng với sự cởi mở với người khác mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang yêu cầu chúng ta có. Chính trong cuộc chiến đấu hàng ngày với tội lỗi, với nghèo đói, với những thách thức của chủ nghĩa thờ ơ và thuyết vô thần, chúng ta sẽ tìm ra con đường. Đặc sủng của người loan báo Tin Mừng là đặc sủng của người tìm đường, của người định hướng bằng tầm nhìn.

Đức TGM cho thấy rằng lập luận trên đây lời giải đáp cho lời mời gọi tham gia tính Hiệp hành của Đức giáo hoàng Phanxicô, vốn không phải là một nỗ lực lén lút nhằm giới thiệu một hệ thống nghị viện. Trái lại, đó là một sự thực hành của sự hiệp thông, vốn thể hiện cốt lõi cách thức hiện diện đích thực của Giáo hội.

Đề cập đến Thượng hội đồng về tính Hiệp hành, một tiến trình phân định kéo dài 3 năm trên toàn thế giới mà đỉnh cao là hai cuộc họp của các giám mục và các đại diện giáo hội khác tại Vatican vào tháng 10 năm 2023 và 2024, Đức TGM nói:

Tính Hiệp hành mời gọi chúng ta lắng nghe người khác, phá vỡ rào cản của sự cô lập để biết đâunhững đau khổ của anh chị em thân cận của chúng ta. Ở đây một lần nữa, Thánh Thể là Sao bắc đẩu dẫn chúng ta đi trên lộ trình Nhập Thể không phải để xét đoán, nhưng để yêu thương.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncronline.org (28. 4. 2023)