“SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG: CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU ĐỜI
SỐNG LINH MỤC VÀ TU SĨ THÁNH HIẾN”
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long,
Giám mục Giáo phận Vinh,
Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng
Bài thuyết trình tại Khóa bồi dưỡng Thần
học và Truyền giáo
ngày 4.7.2019
tại Bãi Dâu, Vũng Tàu
I. Đặt vấn đề
Tiêu đề bài viết
cho thấy sứ mạng loan báo Tin Mừng gắn liền một cách thiết thân với các linh mục
và tu sĩ, là những người sống đời thánh hiến, như chiếc chìa khóa để mở cánh cửa.
Ai ai cũng nghĩ
và cho rằng các linh mục và tu sĩ là người được giao cho sứ mạng Loan báo Tin Mừng
trước mọi người khác. Thánh Mác-cô kể lại việc Chúa chọn các tông đồ như sau: “Rồi Ngài lên núi và kêu lại những kẻ Ngài muốn.
Và họ đến với Ngài. Ngài đã đặt một nhóm Mười hai, để họ ở với Ngài và để Ngài
sai đi rao giảng…” (Mc 3,13-14). Chúa kêu gọi và tuyển chọn ai, là nhằm mục
đích sai đi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng.
“Tông huấn Vita
Consecrata (VC) số 25: Có thể nói rằng ý nghĩa truyền giáo (missio) nằm ngay
trong lòng mọi hình thức đời tận hiến. Những người tận hiến sẽ trở thành những
nhà truyền giáo trước tiên bằng việc thường xuyên ý thức sâu xa rằng họ đã được
Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa, nên phải quy hướng và dâng hiến cho Người toàn
thể cuộc đời của họ và tất cả những gì họ có, bằng cách tự giải thoát khỏi những
trở ngại làm trì trệ việc đáp trả trọn vẹn trong tình yêu. Như thế họ sẽ trở
thành một dấu chỉ trung thực về Đức Kitô trong thế giới. Lối sống của họ phải
phản ánh lý tưởng họ tuyên xưng, khi xuất hiện như là những dấu chỉ sống động của
Thiên Chúa và là những nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù họ
thường im hơi lặng tiếng”[1].
Tông huấn
Evangelii Gaudium đưa ra danh từ kép ‘disciple-missionnaire’ (môn đệ-truyền
giáo): “chúng ta không còn nói mình là những
“người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những
“người môn đệ - truyền giáo” (EG số 120).
Tác giả José Cristo Paredes[2] trong bài viết “Mission: The key to understand consecrated life today - Sứ mạng: chìa khóa để hiểu đời sống thánh hiến hôm nay” nhận xét rằng: trong các cuộc hội thảo thần học hay tổng tu nghị của dòng, người ta bàn bạc nhiều vấn đề hầu cập nhật sự hiện diện và hoạt động của dòng, trong khi vấn đề cốt lõi là sứ mạng thì lại ít được đào sâu, bàn bạc. Ngài cho rằng “những vấn đề này càng trở nên tệ hại và nghiêm trọng hơn khi tinh thần truyền giáo suy yếu và chúng ta đã mất ý thức truyền giáo trong cuộc sống chúng ta”. “Nếu không có một ý thức mạnh về sứ mạng, thì đời sống thánh hiến trong Hội Thánh không có ý nghĩa gì, không có lý do hiện hữu”. “Một thần học mà không bắt đầu từ sứ mạng (và nhằm phục vụ sứ mạng) thì là một thần học không có phương hướng, không mục tiêu, không đam mê, không cảm xúc, nó không giải đáp được những câu hỏi lớn của thế giới chúng ta hôm nay”.[3]
Khóa bồi dưỡng thần
học của chúng ta hôm nay không ngoài mục tiêu giúp đào sâu ý thức về sứ mạng
Loan báo Tin Mừng, để thôi thúc sự thực hành.
Chúng ta cần hiểu
rõ ý nghĩa thần học của sứ mạng, sau đó dựa vào hoàn cảnh thực tế của mỗi nơi mỗi
thời, mà áp dụng vào đời sống và sứ vụ của mỗi người, mỗi hội dòng.
II. Thần học về sứ mạng
1. Sứ mạng,
nguyên ngữ latinh là Missio, từ động
từ Mittere và phân từ là Missum, có nghĩa là ‘sai đi’ hay ‘được sai đi’. Một
người được sai đi, được ủy thác thực hiện một nhiệm vụ, một sứ vụ. “Sự vụ lệnh”
là tờ giấy chỉ định một người làm một công vụ.
2. Sứ mạng hay sứ
vụ trước hết được thấy nơi chính Thiên Chúa. Missio Dei, ‘sứ mạng của Thiên Chúa’ là một phạm trù thần học rất
quan trọng, Thiên Chúa coi đây là sứ mạng của chính Ngài. Chúa Cha sai Chúa
Giêsu. Ngài là sứ giả của Chúa Cha, được sai đi với sứ mạng nói cho con người
biết về Thiên Chúa, qua công cuộc nhập thể và cứu chuộc, Chúa Giêsu thi hành sứ
mạng của một Đấng Cứu Thế.
Chúa Cha cũng sai
Thánh Thần để cộng tác vào sứ vụ tạo dựng (Missio
creationis), nhập thể (Missio
incarnationis) và cứu chuộc (Missio
redemptoris) của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần cũng linh hứng cho các ngôn sứ,
thúc đẩy họ thi hành kế hoạch của Thiên Chúa.
3. Thiên Chúa
không giữ sứ mạng này cho riêng Ngài, mà cho con người cộng tác vào sứ mạng với
Ngài. Qua việc được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, là nam và nữ kết thành
vợ chồng, và canh tác vườn địa đàng, Thánh Kinh muốn nói rằng con người được
Thiên Chúa trao cho sứ mạng rất vinh dự là được cộng tác với Ngài để trở nên “đồng
tạo dựng”, làm cho cuộc sống riêng của họ hạnh phúc, làm cho thế giới nên hoàn
hảo, và mối tương quan xã hội giữa con người với nhau tốt đẹp, vì tất cả đều là
con Chúa.
- Con người tham
dự vào sứ mạng sáng tạo (sứ mạng trần thế), khi xây dựng gia đình, kết thành vợ
chồng, sinh sản con cái; khi làm cho vũ trụ thêm xinh tươi, ích lợi, khiến cho
cuộc sống cá nhân và xã hội tốt đẹp.
- Con người tham
dự vào sứ mạng cứu chuộc (sứ mạng Nước Trời), khi xa tránh tội lỗi, để ơn cứu độ
của Chúa lan tới mình và mọi người, khôi phục vẻ đẹp và sự hoàn thiện lúc ban đầu
của vũ trụ và con người mà tội lỗi đã đánh mất, để Nước Chúa được hiển trị ngay
trong cõi đời này.
4. Chúa Giêsu thi
hành sứ mạng của Ngài. Đối với sứ mạng sáng tạo, không chỉ bởi Chúa Cha mà Chúa
Con và Chúa Thánh Thần cùng tham dự vào công cuộc này. Nhưng đặc biệt hơn, Chúa
Con thi hành sứ mạng Cứu chuộc, tái tạo công trình sáng tạo tốt đẹp thuở ban đầu.
Ngài thi hành sứ mạng này bằng nhiều cách thức: rao giảng Tin Mừng, làm theo ý
Chúa Cha, hiến dâng mạng sống trên thập giá. Ngài cũng chia sẻ sứ mạng này cho
các môn đệ khi kêu gọi, huấn luyện và sai họ đi rao giảng Tin Mừng: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo, ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ, ai không tin sẽ
bị luận phạt” (Mc 16,15-16).
“VC 72: Theo hình
ảnh Đức Giêsu, Con yêu dấu “mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga
10,36), những người Thiên Chúa gọi theo Người, cũng được thánh hiến và sai đến
thế gian để bắt chước gương Người và tiếp tục sứ mạng của Người. Điều này được
áp dụng cho mọi môn đệ nói chung. Tuy nhiên, nó được áp dụng cách riêng cho những
ai được mời gọi theo Chúa Kitô “sát hơn” trong hình thức đặc thù là đời thánh
hiến và lấy Người làm “tất cả” của đời mình. Như vậy, lời mời gọi, đối với họ,
bao hàm cam kết dâng hiến toàn thân cho sứ mạng; hơn nữa, dưới tác động của
Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi ơn gọi và mọi đoàn sủng, chính đời thánh hiến trở
thành một sứ mạng, như cả cuộc đời Đức Giêsu đã là một sứ mạng”[4].
5. Sau khi Chúa
Giêsu hoàn thành sứ mạng của Ngài, Chúa Thánh Thần đã được Chúa Cha và Chúa Con
sai đến thực hiện sứ mạng của Ngài (Missio
Spiritus Sancti) giữa lòng Hội Thánh. Đây là thời của Ngài. Cho đến nay,
Ngài vẫn luôn hiện diện và hoạt động nơi Hội Thánh qua việc dạy dỗ, hướng dẫn,
thánh hóa mọi công cuộc của Hội Thánh, qua đặc sủng nơi những người được ơn
này. Ngài là tác nhân chính của sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Ngài
không ngừng làm cho mọi thành phần dân Chúa nhận ra những dấu chỉ trong không
gian và thời gian (les signes des temps - signa temporum), được ví như những
“tiếng kêu của Thần Khí”, để Hội Thánh cộng tác với Ngài thực hiện.
6. Sau cùng là sứ
mạng khải huyền (Missio apocalyptica)
mà Giáo Hội nhắm tới, dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Sứ mạng này được thực
hiện giữa thế giới, có khi trong hoàn cảnh mà xem ra ma quỷ thắng thế và Giáo Hội
đang phải “rên la đau đớn, như phụ nữ sắp sinh con”. Giữa hoàn cảnh tối tăm bi
đát đó, Giáo Hội ý thức phải khẩn cấp thực hiện sứ mạng loan báo Triều đại
Thiên Chúa đang đến gần, thời gian sắp mãn, cầu nguyện liên lỉ, không tin tưởng
vào quyền lực hạn hẹp của con người, nhưng dựa vào quyền năng chiến thắng của
Thiên Chúa.
Kết luận: Sứ mạng
cần được hiểu toàn diện và trọn vẹn: đó là công cuộc của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội được Thiên Chúa cho tham dự vào sứ mạng đó: với Chúa Cha trong công cuộc
tạo dựng; với Chúa Con trong công cuộc nhập thể, cứu chuộc; với Chúa Thánh Thần
trong công cuộc cánh chung. Sứ mạng được trao cho mọi người, không ai giữ độc
quyền.
III. Sứ mạng, chìa khóa để hiểu đời sống thánh hiến
hôm nay
Là những người sống
đời thánh hiến - linh mục hay tu sĩ -, chúng ta ý thức cuộc sống và sứ vụ của
mình gắn liền với Chúa, tham gia vào sứ
mạng của Thiên Chúa (sứ mạng sáng tạo, cứu chuộc, cánh chung, sứ mạng của
Chúa Thánh Thần). Chúng ta phải để sứ mạng chi phối, điều khiển mọi hoạt động của
mình, trên căn bản các điểm nhấn sau đây:
a- Mọi công việc
chúng ta làm đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa. Chúng ta ý thức
mình tiếp nối sứ mạng của Ngài. Chúa Giêsu cho biết Ngài là sứ giả của Chúa
Cha, được sai đến thực hiện công việc của Người. Cũng thế, người thánh hiến xác
tín rằng họ được Chúa sai đi để cộng tác, thực hiện công việc của Chúa, sống
cho Chúa, lương thực của họ là làm theo ý Chúa, là rao giảng Tin Mừng Cứu độ
cho mọi người. Họ được gọi trở nên người thánh hiến là để cộng tác vào kế hoạch
của Thiên Chúa.
b- Sứ mạng này có
tính cấp bách. Kế hoạch của Thiên Chúa không thể bị kéo dài vô thời hạn. Đức
Maria đi thăm bà chị họ một cách vội vã. Các sứ giả của Đức Giêsu được Người
sai đi với lời dặn dò phải đi thẳng tới nơi thi hành sứ mạng, không được lãng
phí thời gian trên đường. Người thừa sai cần nhiệt huyết và mau mắn thi hành sứ
mạng chứ không lừng khừng, chần chừ. Ngoài ra, họ không quên chiêm niệm về
Thiên Chúa và mầu nhiệm của Người, để qua cầu nguyện, họ hiểu thấu ý nghĩa của
sứ mạng. Nhờ cầu nguyện và chiêm niệm, ý nghĩa và kế hoạch của Thiên Chúa trong
lịch sử nhân loại được tỏ lộ ra.
c- Mỗi hội dòng
có đặc sủng để tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh theo cách thế riêng. Tuy
nhiên, các hội dòng không nên quá chú trọng đến sứ mạng riêng mà quên mất họ cần
Chúa Thánh Thần hướng dẫn để trở nên khí cụ đích thực của Ngài cho sứ mạng
chung. Cần phân định xem trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội và xã hội, Chúa
Thánh Thần muốn hội dòng thực hành sứ mạng của mình như thế nào cho phù hợp và
hiệu quả (update, aggiornamento).
Đoạn văn sau đây
đáng chúng ta suy nghĩ:
“Sứ mạng đoàn sủng của một tu hội không cần
phải đáp ứng cái nhìn riêng của một bề trên nào đó, nhưng cần đáp ứng sự phân định
nghiêm túc của cộng đoàn về việc Thần Khí muốn gì. Sứ mạng được phân định khi
chúng ta suy tư sâu về thế giới mình đang sống, về thực tại và bằng cách lắng
nghe những tiếng kêu của Thần Khí. Có thể xảy ra trường hợp một Tu Hội đang thực
thi một sứ mạng không tương ứng với tiếng kêu của Thánh Thần. Có thể là tu hội ấy
đang đáp lại một số nhu cầu của xã hội và của thời đại mình đang sống, nhưng
không thực sự thi hành sứ mạng đoàn sủng mà Thần Khí Chúa đang dẫn đến. Cần nhiều
sự từ bỏ mình và khả năng nhận ra những quan tâm của Thiên Chúa. Chỉ khi biết lắng
nghe Tin Mừng và để cho Lời Tin Mừng soi sáng thực tại, chúng ta mới có thể đạt
được sự phân định đúng”.[5]
Nhận định trên
đây làm chúng ta băn khoăn khi thấy các dòng tu tại Việt Nam đều dốc lực vào những
công việc để… kiếm sống, mà không quan tâm đến sứ mạng chính yếu là rao giảng
Tin Mừng.
d- Các hội dòng cần
phân định việc thực hiện sứ mạng đoàn sủng của dòng có còn đúng đắn để
tiếp tục, hay lệch lạc để chấn chỉnh. Nếu không thực hiện sứ mạng đặc sủng ban
đầu (được gọi là ‘gia sản thiêng liêng’) thì hội dòng không còn hữu ích, và sự
hiện diện của dòng mất ý nghĩa.
Sứ mạng đoàn sủng
của các hội dòng cũng phải hướng đến viễn ảnh cánh chung. Hội dòng và các tu sĩ
trong cuộc sống tại thế phải làm chứng cho mọi người về sự quang lâm của Chúa
và Nước của Ngài. “Đời sống thánh hiến
trong sứ mạng là thi hành chức năng làm dấu chỉ và dụ ngôn về Nước Thiên Chúa.
Đời sống tu trì không phải là một đoàn sủng của Thánh Thần để giải quyết các vấn
đề của các Giáo Hội hay các xã hội tại địa phương; đúng hơn, ơn gọi đời tu là sự
tỏ lộ hình ảnh lý tưởng của Triều Đại Thiên Chúa và làm chứng rằng Triều Đại
Thiên Chúa không phải là kết quả của các cố gắng nhân loại của chúng ta, nhưng
là một hồng ân”.[6]
e- Các hội dòng
nên liên kết với nhau thực hiện sứ mạng, không độc lập, tách riêng trong sứ mạng.
Có sự hiệp nhất giữa các phần tử của dòng trong sứ mạng riêng, nhưng đồng thời
hiệp thông trong cùng sứ mạng chung giữa các hội dòng sống đời thánh hiến.
IV. Sứ mạng ở trọng tâm của đời sống thánh hiến
Khi sứ mạng được
đặt ở tâm điểm của đời sống thánh hiến, nó sẽ ảnh hưởng sâu xa đến linh đạo, đời
sống cộng đoàn và cơ cấu.
- Linh đạo của một
hội dòng phải phát xuất từ sứ mạng và quy về sứ mạng. Linh đạo dẫn các tu sĩ
tham gia sứ mạng của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sai họ vào thế gian để nói cho mọi người biết tình yêu của Thiên
Chúa; muốn thế, họ cần hiệp thông với
Chúa Giêsu đến mức là hiện thân của Ngài. Nếu như “ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy” (Ga 14,9), thì cũng vậy, ai thấy tu
sĩ thì như thấy Chúa Giêsu; sau cùng Chúa Thánh Thần đồng hành trong sứ mạng của hội dòng.
Linh đạo của dòng
phải khiến cho các tu sĩ say mê Chúa, đầy Chúa, tim họ bùng cháy Lời Ngài, tình
thương Ngài, đến mức họ được thúc đẩy ra đi chia sẻ cho người khác. Sứ mạng sẽ
thúc đẩy tu sĩ-thừa sai có những sáng kiến và hoạt động cho sứ mạng. “Từ tinh thần đến thân xác, từ lý trí tới trí
thông minh và trí tưởng tượng, mọi sự nơi người truyền giáo trở thành một bí
tích và một dụng cụ của hành động của Lời và Thần Khí của Thiên Chúa”[7]. Ta
thấy điều này nơi Maria Magđala, bị thu hút bởi lòng yêu mến, chạy ra mộ từ
sáng sớm, rồi khi được Chúa hiện ra, bà đã vội chạy đi báo tin cho các môn đệ.
Hay như hai môn đệ trên đường Em-mau. Phanxicô Xaviê, Phanxicô Átsidi, Charles
de Foucauld, biết bao tu sĩ-thừa sai khác cũng giống như thế.
- Hiệp thông: Cộng
đoàn tu sĩ là cộng đoàn hiệp thông với Chúa và với nhau, cùng chia sẻ một sứ mạng
chung là truyền giáo, vươn tới sự hiệp thông rộng lớn hơn với những người ở
ngoài để đưa họ vào trong Giáo Hội, hiệp thông với Giáo Hội. Điều này nói lên
công giáo tính, phổ quát tính của Giáo Hội.
“Có một mô hình cộng đoàn phát sinh từ sứ mạng,
và cộng đoàn là truyền giáo do bẩm sinh. Một cộng đoàn truyền giáo là cộng đoàn
có mục tiêu mở rộng sự hiệp thông, và là sự hiệp thông bắt nguồn từ Cha và Con.
Rao giảng có mục tiêu chính là tạo dựng sự hiệp thông. Ở đâu không có niềm say
mê hiệp thông truyền giáo với Thiên Chúa, làm sao một cộng đoàn có thể thực sự
là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị ? Vì lý do này, cộng đoàn được nuôi dưỡng bởi
trải nghiệm Lời Sự Sống. Khi trải nghiệm này diễn ra, có một nhu cầu nóng bỏng
phải truyền đạt và thông tri nó cho người khác. Khi có trải nghiệm này, sự hiệp
thông được mở rộng. Không cộng đoàn nào là một mục đích tự thân; đúng hơn, cộng
đoàn phải luôn luôn ở trong một tiến trình mở rộng thường xuyên”[8].
- Các dấu chỉ thời
đại và tiếng kêu của Thần Khí: Sứ mạng cần được làm mới và sống động nhờ những
dấu chỉ của thời đại, qua đó người ta nhận ra ý muốn của Thiên Chúa, được Chúa
Thánh Thần thôi thúc, và làm theo. Nói theo ngôn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô
là “ra đi đến vùng ngoại vi”.
“Một người và một cộng đoàn cảm thấy mình
quan tâm và say mê với sứ mạng thì trở thành những người lính gác khải huyền. Họ
luôn luôn tỉnh táo và nhạy bén trước ý muốn của Thiên Chúa được tỏ lộ qua các sự
kiện lịch sử. Họ có một sức mạnh lớn hơn sức mạnh của các cơ chế, các tập tục
và các truyền thống. Người truyền giáo đích thực luôn luôn sẵn sàng thay đổi, đến
phục vụ ở một nơi mới, nơi mà missio Dei trở thành cấp bách và cần có những người
cộng tác. Để có thể làm điều này, chúng ta không được đứng ngoài các vấn đề của
xã hội, nhưng phải dấn mình vào các vấn đề ấy. Cần mẫn và chăm chú nghiên cứu và
phân định bất cứ điều gì xảy ra xung quanh chúng ta là sức mạnh có khả năng kéo
chúng ta ra khỏi những thói quen hằng ngày, giúp chúng ta sẵn sàng phục vụ sứ mạng
đang ngày càng trở nên thúc bách hơn (x. Evangelii Nuntiandi, số 14).
Trong đời thánh
hiến, chúng ta dễ bị cám dỗ tìm sự an toàn, tiện nghi, thoải mái…, không dễ
dàng và mạnh dạn đứng dậy, mở cửa, đi ra, đến mọi chân trời, để thực hiện sứ mạng
căn để của mình. Các nữ tu trẻ, khi được thăm dò, hầu hết đều nói lên ước muốn
được sai đi truyền giáo, trong khi các bề trên thì ngại ngần sai đi, vì bị áp lực
nhiều mặt, nhất là về cơ chế, sự lo lắng vật chất, sự an toàn cho con cái mình,
sợ họ bị khổ cực… Tác giả José Cristo Paredes đặt tất cả chúng ta trước một
thách đố và đưa ra một đề nghị thẳng thắn như sau:
“Có những lúc mà để vâng lời Thần Khí, chúng
ta cần bất tuân bất cứ điều gì đi ngược lại ơn gọi truyền giáo chân chính của
chúng ta. Không còn được phép dung dưỡng trong đời sống tu trì tình trạng những
người chỉ lo làm việc, làm việc mà không có tinh thần truyền giáo, làm việc mà
không ý thức mình đang thi hành sứ mạng của Thiên Chúa. Lắm khi điều chúng ta
nhận thức được chỉ là thái độ cam chịu và vâng phục đối với công việc được giao
cho chúng ta, nhưng không thấy có khả năng sáng tạo nơi những người cảm thấy
mình được Thiên Chúa sai đi làm điều gì đó cho sự mặc khải và thể hiện Triều Đại
Thiên Chúa”[9].
- Quyền bính và sự
điều hành: Để cộng đoàn thánh hiến ra đi thực hiện sứ mạng, thì điều cần thiết
là chính bề trên, người nắm giữ quyền bính phải có niềm say mê truyền giáo trước.
Họ là người phải thổi luồng sinh khí truyền giáo cho các thành viên của hội
dòng. Tác giả José Cristo Paredes cũng đưa ra nhận định sau đây:
“Nét đặc trưng quan trọng nhất của một bề
trên tu sĩ là được cuốn hút bởi niềm say mê truyền giáo của Thiên Chúa cho thế
giới. Chúng ta không cần những nhà quản lý của các tổ chức hay các doanh nghiệp,
nhưng cần những ngôn sứ đích thực cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa đối
với dân của Người. Một việc phục vụ quyền bính của người tu sĩ mà thấm nhuần
tinh thần truyền giáo này thì sẽ có khả năng làm bùng cháy niềm phấn khởi cho mọi
thành viên của cộng đoàn. Thái độ lãnh đạo-phục vụ này sẽ là thái độ cảm thương
và thông cảm đối với những người yếu, nhưng đồng thời cũng ý thức rằng phương
thuốc hiệu quả nhất là chạm tới trái tim của các tu sĩ bằng một tinh thần truyền
giáo nóng bỏng. Việc phục vụ của quyền bính trong cộng đoàn tu sĩ phải kiến tạo
nên sự ý thức và hiểu biết rằng chúng ta là những đối tác của Đức Giêsu trong
giấc mơ của Người cho tương lai của thế giới. Như Evangelii Nuntiandi nói, các
nguồn lực và các tổ chức tu sĩ mà trong đó chúng ta không thấy có sự cảm hứng
truyền giáo mạnh thì không có lý do để tồn tại (x. các số 14-15). Một việc phục
vụ của quyền bính theo viễn tượng truyền giáo này thì không sợ hãi, nó dám mạo
hiểm để nghiên cứu và tìm kiếm những đường lối truyền giáo mới mẻ. Khi sự phục
vụ của quyền bính không được sinh động hoá bởi việc truyền giáo, sự phục vụ của
nó trở thành phục vụ sự chết”.[10] Hai câu
chuyện minh họa:
1- Cha
Dourisboure kể lại trong “Les sauvages Bahnar - Souvenirs d’un missionnaire”
(Paris 1873) việc đức cha Cuénot Thể sai cha Combes (Bê) và thầy Sáu Do đi lên
Kontum mở đạo năm 1850. Đoàn phải thoái lui vì gặp nhiều trở ngại.
“Thế là đành phải quyết định quay về, và các nhà
thám hiểm của chúng ta cảm thấy xấu hổ, khiêm tốn kể lại cho Đức Cha Cuénot lý
do tại sao và làm thế nào mà công việc thất bại, nói đúng hơn là bị đình trệ
như thế. Ngài thường lặp lại câu này: “Trong tiếng Pháp không có từ ‘không thể
được’”. Còn Đức Cha Cuénot thì cho rằng từ ấy lại càng không xứng hợp với người
tông đồ. Ngài lạnh nhạt tiếp đón những “chú thỏ đế” và nói với họ: “Vì thời tiết
xấu còn kéo dài, tôi cho các vị mười lăm ngày để nghỉ ngơi; sau thời gian này,
các vị sẽ lại lên đường. Và lần này, đừng có vô phúc mà quay về như vậy nữa!”;
2- Cha Jacques
Dournes kể lại trong quyển ‘Dieu aime les païens’ việc đức cha Paul Seitz đưa
cha đến vùng truyền giáo ở Cheo Reo, Phú Bổn, như sau:
“Hôm ấy là ngày mồng một tháng 8 năm 1955 vào
lúc 6 giờ chiều. Màu xám xịt của khung trời ngột ngạt tạo cảnh não lòng cho
làng Cheo Reo, lúc chiếc xe của Đức Giám Mục tới, đem một vị thừa sai đến nhiệm
sở mới. Ở đây không ai chờ đợi ngài. Hơn nữa, không ai muốn dung nạp ngài. Cho
đến thời ấy, cư dân vùng này chưa bao giờ nghe giảng Tin Mừng, vì họ từ chối.
Nhưng Đức Giám Mục lại muốn rao giảng Tin Mừng cho họ. Ngài để vị thừa sai và
rương hòm trên mảnh đất khô cằn trước những chiếc nhà sàn đóng kín.
Chiều lại, những người thượng Indiêng-Jơrai từ
nương rẫy về nhìn thoáng qua cách lãnh đạm những con người xa lạ ấy; màu da sậm
đen như màu áo, họ chui vào túp nhà sàn tranh tối tăm. Qua một người thông
ngôn, hai vị giáo sĩ xin một chỗ tạm trú trong làng.
- Các ông không biết sao, không một người ngoại
quốc nào có thể sống ở đây. Trời rất nóng nực.
- Đầy muỗi và chuột chạy khắp nơi!
- Và đàng khác, chúng tôi không có gì để ăn!
Một bà lớn tuổi trong làng, trung thành với truyền
thống hiếu khách của dân tộc trước kia vốn dân du canh du cư:
- Trời đã tối, không thể để người ngoại quốc này ở
ngoài nhà, vì như vậy là bỏ họ cho cọp rình rập.
- Cho ông ấy vào đây, nội đêm nay!
Và họ cho ngài ở tạm một đêm!
Vào 7 giờ, vị Giám Mục ra về, để lại người đại diện
của mình vun trồng Giáo hội tại Cheo Reo”[11].
- Đào tạo: Để môn
đệ - thừa sai có thể tự tin và nhiệt huyết thi hành sứ mạng, thì giai đoạn đào
tạo trong các chủng viện và học viện là rất quan trọng. Một phần, họ thủ đắc
linh đạo truyền giáo, kiến thức về truyền giáo học, đồng thời họ có thời gian
chuẩn bị cho sứ mạng tuyệt vời, tích lũy tâm hồn đầy niềm say mê Chúa, mở lòng
cho Chúa Thánh Thần đào tạo mình.
Giáo hội Việt Nam
cho đến nay, sau 400 năm đón nhận Tin Mừng, vẫn còn là miền truyền giáo, trực
thuộc Bộ Phúc Âm Hóa các dân tộc. Xem ra chúng ta vẫn còn bình chân như vại, ngại
ngùng thi hành sứ mạng. Ở các học viện và chủng viện có môn Truyền giáo học, Lịch
sử Truyền giáo, Thần học Truyền giáo, Mục vụ Truyền giáo…, nhưng không được coi
trọng. Các chủng sinh sau khi chịu chức, thường bằng lòng với việc mục vụ cho
chiên trong đàn, ít hướng đến chiên ngoài đàn, chiên lạc đàn… Cha Ngô Phúc Hậu
trong ‘Nhật ký Truyền giáo’ kể câu chuyện như sau:
“Chủ đề tĩnh tâm Giáo phận năm nay là truyền
giáo. Đức Giám mục hô hào đẩy mạnh phong trào truyền giáo. Phương pháp truyền
giáo là phát triển Dân Sinh, Dân Trí và Dân Đạo.... Bất ngờ ngài nói với anh em
một câu của một vị thừa sai nào đó: “Linh mục Việt Nam chỉ có tài coi sóc họ đạo,
chứ không biết gầy dựng họ đạo”.
Vì tự ái dân tộc, mình giơ tay và đứng bật lên
như một cái lò xo:
- Thưa Đức cha, không phải linh mục Việt Nam
không biết gầy dựng họ đạo, nhưng vì chưa có “Bài sai» (Văn thư bổ nhiệm một
linh mục do Đức Giám Mục ấn ký) của Đức cha.
Mình hung hăng chừng nào thì Đức Giám mục bình
tĩnh chừng ấy. Với giọng trầm buồn, ngài thủng thẳng trả lời:
- Tôi biết đi truyền giáo thì thiếu thốn và cực
khổ nhiều lắm, nên không nỡ tâm sai các cha đi. Cha nào tình nguyện thì tôi mới
dám. Vậy cha nào tình nguyện thì giơ tay lên.
Mình đếm được sáu cánh tay giơ thật cao và thật
thẳng: Hai cha già, hai cha sồn sồn, và hai cha trẻ. Đức Giám mục cười và khôi
hài:
- Các cha đi truyền giáo thì bỏ họ đạo, bỏ chủng
viện, bỏ trường học cho ai?
Cả hội trường cười hì một cái. Thế là đánh trống
bỏ dùi. Vấn đề truyền giáo chỉ được nêu lên như một sự gợi ý và thăm dò. Rồi
đây, sau tuần tĩnh tâm, ai nấy lại trở về với họ đạo của mình và tiếp tục rao
giảng Tin Mừng cho người đã nghe. Tuyệt nhiên không nghĩ gì, không làm gì cho
người lương dân, những người chưa bao giờ được nghe Tin Mừng”[12].
Chúng ta hãy so
sánh lòng nhiệt huyết, sự năng động, tính quyết liệt của vít vồ tây và ta, cố tây và cha ta, xưa và nay!
Nói đến đào tạo,
thì cũng là nói đến thần học về sứ mạng. Theo cha José Cristo Parades, thần học
về đời sống thánh hiến và về mọi hình thức đời tu, chiêm niệm và tông đồ, về
các lời khấn, cộng đoàn… phải bắt đầu từ sứ mạng như là nguồn gốc lý do hiện hữu
của nó. Ngài mong ước việc đào tạo trong tương lai cho các tu sĩ được hình
thành theo con đường này.
V. Một số nhận định:
1. Tại Giáo Hội
Việt Nam hiện nay, trong lãnh vực học thuyết lẫn thực hành, thần học và mục vụ,
sứ mạng học vẫn chưa được quan tâm đúng mức. E rằng việc học hỏi lý thuyết sơ
sài không đủ để khơi lên ngọn lửa nhiệt huyết tông đồ, thì các linh mục và tu
sĩ khó lòng hăng say truyền giảng Tin Mừng kết quả được. Trong trao đổi thư tín
mới đây với cha Văn Yên SJ, đang làm việc tại Đài Vatican News, cha ấy có nhận
định: “Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng về một
“Giáo Hội đi ra” vẫn chưa được áp dụng nhiều trong Giáo hội tại Việt Nam, cả về
cơ cấu lẫn tinh thần của tín hữu”.
2. Giáo Hội Việt
Nam chúng ta còn đang loay hoay với việc xây dựng cơ sở, phát triển hội dòng mà
chưa đặt trọng tâm vào việc thi hành sứ mạng. Nhân lực và vật lực chưa được vận
dụng đúng và đủ cho việc thi hành sứ mạng, trách sao Giáo Hội không phát triển.
Trong khi đó, anh em Tin Lành không chú tâm tới cơ sở vật chất mà dồn mọi nỗ lực
cho sứ mạng, nên họ phát triển rất nhanh (vd: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La).
3. Nói rằng mọi
hoạt động của người thánh hiến cách nào đó đều liên quan đến sứ mạng thì cũng
đúng, nhưng cũng phải sẵn sàng dành người cho các hoạt động chuyên biệt và trực
tiếp đến sứ mạng (như Phaolô và Barnaba được Thánh Thần dành riêng để truyền
giáo cho dân ngoại). Liệu có dám dành 50% nhân sự cho sứ mạng này không ?
4. Hoàn cảnh ở dưới
chế độ vô thần hiện nay tại Việt Nam không cản trở sứ mạng, chúng ta vẫn có
trong tay mọi phương tiện hiện đại để loan báo Tin Mừng, chỉ tại ta không có
nhiệt huyết thôi. Cần áp dụng điều ĐGH Gioan-Phaolô II đã nói: “Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa đòi nhiệt huyết mới,
phương pháp mới và cách trình bày mới”. Phải chăng ta vẫn sống cho mình, tu
cho mình, chứ chưa sống cho anh em. “Hôm
nay chúng ta đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, gồm cả những người
thánh hiến nam cũng như nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của
bản thân, khiến họ coi công việc của mình như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ
không phải một thành phần thuộc căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng
liêng trở nên bị đồng hoá với một ít việc thực hành tôn giáo có thể đem lại một
sự an ủi nào đó chứ không khuyến khích việc gặp gỡ người khác, dấn thân vào thế
giới hay một niềm say mê loan báo Tin Mừng. Hậu quả là chúng ta thấy nhiều người
hoạt động rao giảng Tin Mừng, tuy họ vẫn cầu nguyện, nhưng có một lối sống rất
cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và sự nhiệt tâm trở nên nguội lạnh.
Cả ba điều xấu này tác động lẫn nhau” (EG số 78).
5. Đức Thánh Cha
Phanxicô khẳng định: “Giáo Hội phải ở
trong trạng thái truyền giáo, không ngưng nghỉ” (EG số 25). Hãy tránh thái
độ hô khẩu hiệu, căng biểu ngữ ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp nơi nơi’ rồi chẳng
làm gì! Tính cấp bách của sứ mạng phải thôi thúc ta.
6. Năm nay, 2019,
kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ban hành Tông thư Maximum Illud. Đọc
lại Tông thư này, ta thấy Đức Thánh Cha khích lệ những người thánh hiến tham
gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài có những lời huấn dụ cụ thể về việc thi
hành sứ mạng quan trọng này. Chúng ta nên đọc lại Tông thư này để thúc đẩy mình
hơn.
7. Tháng 10 năm
2019 được tổ chức đặc biệt hơn các năm khác, gọi là ‘Tháng ngoại thường về truyền
giáo’ (Mois Missionnaire Extraordinaire 2019, với đề tài “Được rửa tội và được
sai đi” - Baptizés et envoyés - Baptized and sent), nhằm khuyến khích mọi tín hữu
ý thức mình được Rửa tội và sai đi thi hành sứ mạng, thế thì huống gì là người
sống đời thánh hiến, xét như là linh mục và tu sĩ, thì càng cần ý thức về sứ mạng
hơn. Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã dịch các bài suy niệm về sứ mạng trong tháng
10 năm 2019 và đã phổ biến rộng rãi, để như tài liệu giúp đào sâu ý thức về sứ
mạng này.
8. Cũng năm 2019,
Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã mời gọi tái lập hay lập mới tại Việt Nam bốn Hội
Giáo Hoàng Truyền Giáo (Œuvres Pontificales Missionnaires), nhằm khích lệ việc
tham gia vào sứ mạng, đó là:
- Hội Giáo Sĩ
Truyền Giáo (Œuvre Pontificale Missionnaire);
- Hội Thiếu Nhi
Truyền Giáo (Œuvre Pontificale de l’Enfance Missionnaire);
- Hội Truyền bá Đức
Tin (Œvre Pontificale de la Propagation de la Foi),
- Hội Thánh Phêrô
(Œuvre Pontificale de Saint-Pierre Apôtre).
Chúng tôi mời gọi
các linh mục giáo phận và tu sĩ tham gia vào các hội Giáo Hoàng này (dĩ nhiên
là trừ Hội Thiếu Nhi Truyền Giáo!).
Tôi xin kết thúc
bài thuyết trình với nguyện ước như cha José Cristo Rey García Paredes: “Xin Chúa Thánh Thần, như Người đã thấm nhập
Đức Maria, Thánh Giuse, Thánh Êlidabét, Chúa Giêsu và các Đấng Sáng Lập các Tu
Hội thế nào, thì cũng thấm nhập chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta thành một
biểu hiện sống động của Sứ Mạng”[13].
WHĐ (29.8.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 114 (Tháng 9 & 10 năm 2019)
[1] Cha Vinh-sơn Phạm Xuân Hưng,
‘Thánh hiến và sứ vụ của Tu sĩ hôm nay’, bài phát biểu tại Hội nghị Thường niên
2014 Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam năm 2014.
[2] Cha José Cristo Rey García
Paredes CMF, là một thừa sai dòng Claret, thần học gia nổi tiếng về Thánh Mẫu học,
chuyên gia về đời sống thánh hiến, hiện là Giám đốc Viện Thần học về Đời sống
Thánh hiến ở Madrid, Tây Ban Nha.
Cha
là tác giả của một loạt sách về Đời sống thánh hiến như ‘Dụ ngôn Nước Trời’, ‘Đức
Maria và Vương quyền của Thiên Chúa’, ‘Thần học về đời sống thánh hiến trong kỷ
nguyên hậu hiện đại’. Cha là diễn giả nổi tiếng của Tuần lễ Đời sống Thánh hiến
tại Philippines, và là một thần học gia được kính nể trong Liên hiệp Bề trên
Thượng cấp.
Là một
giáo sư đầy kinh nghiệm và thông thạo trong lĩnh vực của mình, cha truyền cảm hứng
cho các sinh viên của mình và nhẹ nhàng hướng dẫn họ - những người nam và nữ
thánh hiến -, theo cách của Chúa.
[3] José Cristo Rey García
Paredes CMF, “Sứ mạng: chìa khóa để hiểu
đời sống thánh hiến hôm nay”, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-mang-chia-khoa-de-hieu-doi-song-thanh-hien-hom-nay-39071 (29.8.2020)
[4] Cha Vinh-sơn Phạm Xuân Hưng,
‘Thánh hiến và sứ vụ của Tu sĩ hôm nay’, bài phát biểu tại Hội nghị Thường niên
2014 Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam năm 2014.
[5] José Cristo Rey García
Paredes CMF, “Sứ mạng: chìa khóa để hiểu
đời sống thánh hiến hôm nay”, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-mang-chia-khoa-de-hieu-doi-song-thanh-hien-hom-nay-39071, truy cập ngày 29.8.2020
[11] Jacques Dournes, “Dieu aime
les païens “, Aubier 1963, trang 11, dẫn trong trang web giáo phận Kontum, https://gpkontum.wordpress.com/2011/10/25/jacques-dournes-va-tam-linh-b%E1%BA%A3n-d%E1%BB%8Ba/, truy cập ngày 29.8.2020
[12] Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu,
“Nhật Ký Truyền Giáo”, tại https://isach.info/story.php?story=nhat_ky_truyen_giao__linh_muc_pio_ngo_phuc_hau&chapter=0000, truy cập ngày 29.8.2020
[13] José Cristo Rey García
Paredes CMF, “Sứ mạng: chìa khóa để hiểu
đời sống thánh hiến hôm nay”, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-mang-chia-khoa-de-hieu-doi-song-thanh-hien-hom-nay-39071, truy cập ngày 29.8.2020