SỰ KHÔN NGOAN ĐỐI VỚI HÀNH TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Tiến sĩ Jessie Rogers

WHĐ (04.04.2024) - Tiến sĩ Jessie Rogers đã làm nên lịch sử gần đây, trở thành giáo dân đầu tiên và là phụ nữ đầu tiên làm viện trưởng trường St. Patrick’s College, Maynooth. Là người gốc Nam Phi, Tiến sĩ Rogers theo học Cao học tại Đại học Stellenbosch và đến Ireland vào năm 2007 để giảng dạy tại Đại học Mary Immaculate trước khi gia nhập Khoa Thần học tại St. Patrick’s College vào năm 2014. Là một học giả Kinh Thánh chuyên về Cựu Ước, công trình hàn lâm của bà tập trung vào văn chương Khôn ngoan trong Kinh Thánh. Trong những năm gần đây, công trình này đã được mở rộng bao gồm Linh đạo và tập trung vào Thần học thời thơ ấu. Tiến sĩ Rogers hiện là thành viên của Hiệp hội Kinh Thánh Ireland, Hiệp hội Nghiên cứu Cận Đông Nam Phi, Hiệp hội Thần học Công giáo Châu Âu và Trường Godly Play International College of Trainers.

1. Khôn ngoan là một khái niệm phong phú. Nó không chỉ là một khối kiến thức, mà còn đề cập đến những cách thế tồn tại và hành động trong thế giới. Khôn ngoan là một khả năng và một thiên hướng. Người khôn ngoan vừa biết hành động đúng vừa ước muốn làm điều đó. Khôn ngoan là khả năng lựa chọn những mục tiêu tốt nhất và phân định lộ trình tốt nhất để đạt được mục tiêu. Khôn ngoan liên quan đến việc sống cuộc đời của chúng ta phù hợp với những gì thiết thực để có thể đạt được điều tốt đẹp nhất. Khôn ngoan quan tâm đến cấu trúc sâu xa của thực tại và chọn những mục tiêu và phương pháp hài hòa với nó.

Vì vậy, tôi muốn bắt đầu với những gì chúng ta tin về Thiên Chúa, thế giới và sứ mạng của chúng ta trong thế giới. Thực tại đó cung cấp những phác thảo cơ bản của sự khôn ngoan đích thực. Các nhà hiền triết Israel đã dạy rằng “kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan” (Tv 111,10; Cn 1,7; 9,10; Hc 1,14). Ở đây, kính sợ biểu thị sự tôn kính; có nghĩa là coi trọng Thiên Chúa để cuộc sống và những cam kết của chúng ta được hình thành một cách có ý thức bởi những gì chúng ta biết về ý muốn và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho chúng ta và cho thế giới.

Sự tiến bộ của tri thức nhân loại mời gọi chúng ta coi vũ trụ như một mạng lưới liên kết với nhau đang trong quá trình trở thành. Đức tin của chúng ta đảm bảo với chúng ta rằng đây là thế giới của Thiên Chúa và Thiên Chúa đang hành động để hòa giải và phục hồi mọi sự trong Đức Kitô (x. Cl 1, 15-20). Chúng ta tuyên xưng rằng điểm đến cuối cùng là shalom phổ quát: hòa bình, trọn vẹn và phúc lành. Nhận thức được điều này, chúng ta có thể phân định Thần Khí của Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi thôi thúc hướng tới sự sống và tình yêu, ngay cả giữa những rạn nứt. Chúng ta cũng biết rằng sứ mạng của chúng ta là xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, được hiểu theo nghĩa rộng nhất, và trở thành kênh chuyển trao phúc lành của Thiên Chúa đến với thế giới.

Tuy nhiên, có nhiều cách thế khác nhau để đạt được điều này. Chúa Thánh Thần tuôn đổ những hồng ân đa dạng và có vô số cơ hội để chúng ta trung thành sống theo ơn gọi của mình. Trên hết, chúng ta đang thực hiện cuộc hành trình với vị Thiên Chúa của những điều bất ngờ, Đấng đến gặp chúng ta từ một tương lai không xác định. Chúng ta không thể đoán trước cuộc hành trình sẽ đưa mình đến đâu. Thiên Chúa vừa trung tín vừa sáng tạo, luôn trung thực với chính Ngài và là Đấng bảo đảm các giao ước, tuy nhiên Ngài lớn hơn bất kỳ chiếc hộp nào chúng ta có thể tạo ra cho Ngài. Làm thế nào để chúng ta bước đi trong một vũ trụ mới nổi với một vị Thiên Chúa đáng tin nhưng hoàn toàn tự do, Đấng đã chọn để các thụ tạo của Ngài tham gia vào tiến trình sáng tạo và là Đấng đã ban cho chúng ta ý chí tự do để có thể đưa ra lựa chọn chống lại, hoặc ủng hộ, sự sống và sự sung mãn? Đó là thách thức của tính hiệp hành, của việc cùng nhau bước đi.

2. Cách duy nhất để tiến tới trong sự khôn ngoan là ở gần Thiên Chúa và những gì Ngài đang thực hiện. Điều này đòi hỏi phải bám rễ sâu, đồng thời phải mở ra. Hãy lắng nghe những lời ngỏ cùng dân Chúa lưu đày, những lời phác họa vũ điệu phân định này:

“Ðây là lời Ðức Chúa,
Ðấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
Ðấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã,
nào tướng mạnh binh hùng:
tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy,
đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.
Người phán như sau:
“Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43, 16-19)

Dân Chúa được mời gọi nhớ lại khi, bằng một vài cụm từ gợi lên sự liên tưởng đến cuộc vượt biển và sự chết chìm của đạo quân Pharaô, vị ngôn sứ nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa đang nói với họ là Thiên Chúa của cuộc Xuất hành, Thiên Chúa của tổ tiên họ và Thiên Chúa của truyền thống. Ngài là Thiên Chúa thành tín của các thời đã qua. Tuy nhiên, sau khi nhắc nhở họ một cách rõ ràng, ngôn sứ nói với họ: ‘đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước’. Họ phải quên vừa đủ để tạo không gian cho sự mới mẻ của Thiên Chúa. Nếu trong trí tưởng tượng của họ, họ quá bám vào việc Thiên Chúa đã hành động thế nào trong quá khứ, họ có thể bỏ qua điều mới mẻ mà Ngài đang thực hiện trong hiện tại. Họ cần nhớ để có thể nhận ra dấu ấn của Thiên Chúa, nhưng rồi không nhớ nữa kẻo những kỳ vọng dựa trên quá khứ khiến họ mù quáng trước những gì Thiên Chúa đang thực hiện bây giờ. Cũng là vị Thiên Chúa ấy và cũng cùng một câu chuyện thôi, nhưng bằng một chìa khóa khác. Hành trình thời Xuất hành đã dẫn cha ông họ qua biển để đến tự do thế nào, thì cuộc hành trình này sẽ đưa họ ra khỏi cảnh lưu đày, băng qua sa mạc và trở về quê hương.

Bạn có thể nghe thấy sự khôn ngoan ở đây đối với hành trình Thượng Hội đồng của riêng bạn chăng? Bạn được nuôi dưỡng bởi những truyền thống đã hình thành nên bạn, bởi những đặc sủng sáng lập của bạn, và bởi những câu chuyện cá nhân của riêng bạn, trong đó bạn đã nhận biết Thiên Chúa. Lịch sử đó mang lại cho bạn một chỗ đứng vững chắc; nó định hình sự hiểu biết của bạn về Thiên Chúa và Ngài hoạt động ra sao. Nhận thức này là chìa khóa để có thể nhận ra dấu chân của Thiên Chúa. Tuy nhiên, giống như một cây đâm nhánh mới, bạn cần mở lòng đón nhận tương lai, một tương lai mà bạn không thể đoán trước được, nhưng là một tương lai mà nếu chú ý, bạn có thể nhận ra những chồi non mới ngay trong hiện tại. Vị Thiên Chúa mà bạn đã biết là Thiên Chúa sẽ đưa câu chuyện đi xa hơn. Nhưng vị Thiên Chúa này không thể bị giới hạn trong những gì bạn đã biết.

Bản văn Kinh Thánh mời gọi chúng ta tạo ra một khoảng trống trong ký ức của mình để ngăn chặn chúng ta đừng cố nhốt tương lai trong chiếc lồng của quá khứ. Chúng ta được mời gọi để mở ra và đón nhận những điều mới mẻ mà Thiên Chúa đang thực hiện. Trong thời điểm hiện tại, khoảng cách giữa quá khứ mà chúng ta nghĩ rằng mình đã biết và tương lai vẫn đang hình thành, chúng ta có thể đón nhận sự không chắc chắn với sự tò mò. Chúng ta được yêu cầu phải chú ý, bởi vì những gì Thiên Chúa đang hành động không thể được gọi tên trước, nhưng có thể được nhận biết nếu chúng ta tỉnh thức và chú ý. Có một sự liên tục trong công trình của Thiên Chúa, mặc dù nằm ngoài dự đoán, nhưng có thể cảm nhận trong hiện tại và được xác nhận sau này.

Đâu là những khuynh hướng và thái độ của trái tim sẽ giúp chúng ta trong vũ điệu của sự phân định, hồi tưởng, quên lãng, và chú ý này? Tôi nhớ những lời Chúa Giêsu phán với các môn đệ sau khi Người mời gọi họ phân định Nước Thiên Chúa qua lăng kính của các dụ ngôn vừa mở ra vừa khơi gợi và dẫn vào một cách thức mới để trải nghiệm về Thiên Chúa trong thế giới: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả mới lẫn cái cũ”. (Mt 13,52). Khi khôn ngoan, chúng ta không cứng nhắc và mắc kẹt trong quá khứ, cũng không bị cuốn theo mọi mốt mới. Chúng ta vừa bén rễ vừa đáp ứng. Chúng ta có thể phân định điều gì nên trân trọng trong cái cũ và điều gì nên đón nhận trong cái mới. Chúng ta biết những câu chuyện và lịch sử của mình. Nhưng chúng ta cũng thoáng thấy được tương lai huy hoàng mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta hướng tới. Bị treo lơ lửng giữa quá khứ và tương lai, chúng ta chú ý đến những dấu chỉ của Thiên Chúa đang hành động trong hiện tại.

Không phải mọi thứ trong quá khứ đều có thể được đưa trở lại như một kho báu. Tự do đòi hỏi lòng can đảm để đương đầu với bóng tối trong quá khứ của chúng ta, cá nhân và tập thể. Chúng ta cần cho đi và nhận lại sự tha thứ vì điều gì? Chúng ta phải từ bỏ điều gì? Chúng ta có thể bắt nguồn từ những khía cạnh mang lại sự sống của quá khứ mà không cần cố gắng biện minh cho những phần bị hỏng và có hại của nó hoặc những phần không còn phục vụ tốt cho chúng ta nữa. Nhưng chúng ta hãy tán dương những yếu tố tiếp tục mang lại sự sống. Những người phụ nữ khôn ngoan ca hát và nhảy múa về những câu chuyện giải thoát của họ, giống như Miriam ở bên kia Biển Đỏ, đã cầm trống lục lạc và dẫn đầu những người phụ nữ trong điệu nhảy: “Hãy hát mừng Ðức Chúa, Ðấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương” (Xh 15,21).

Điều gì sẽ giúp chúng ta nhìn thấy điều mới mẻ mà Thiên Chúa đang thực hiện giữa chúng ta và trong thế giới? Một thái độ ngạc nhiên chiêm niệm, sự chăm chú trắc ẩn và hy vọng. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta:

Chúng ta hãy tin vào Tin Mừng khi Tin Mừng nói với chúng ta rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế giới này và đang lớn lên, ở đây và ở kia, cách này hay cách khác: giống như hạt cải nhỏ xíu lớn lên thành một cây to, giống như nắm men làm cho dậy cả đấu bột, và giống như hạt giống tốt mọc lên giữa cỏ dại và luôn luôn có thể làm chúng ta ngạc nhiên thích thú. Nước Chúa đang ở đây, nó trở lại, nó đấu tranh để không ngừng phát triển. Sự phục sinh của Đức Kitô khắp nơi làm phát sinh những hạt giống cho thế giới mới ấy; nếu chúng bị yếu đi, chúng lại mọc trở lại, vì sự phục sinh đã âm thầm được đan vào trong cơ cấu của lịch sử này, vì Đức Giêsu đã không sống lại một cách vô ích” (Tông huấn Evangelii gaudium, 278).

Nếu chúng ta tin điều đó, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang hành động, và nếu chúng ta khao khát được trở thành một phần của cuộc hành trình hy vọng sống động này, thì chúng ta sẽ thoáng thấy điều mới mẻ mà Ngài đang thực hiện.

3. Thiên Chúa của cuộc Xuất hành được mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Mầu nhiệm Vượt qua là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Thiên Chúa hoạt động theo những cách lạ lùng. Đó phải là trọng tâm trong ký ức của chúng ta, bởi vì những người đi theo Chúa Giêsu Kitô được kêu gọi ôm lấy sự khôn ngoan trong nỗi yếu đuối. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng Tin Mừng mà chúng ta loan báo là Đức Kitô chịu đóng đinh. Điều mà thế gian coi là yếu đuối, điên rồ, và thất bại, thực ra là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang hành động. “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25). Trước sự chống đối quyết liệt, Chúa Giêsu tránh những phản ứng theo bản năng trước nguy cơ của sự chiến đấu hoặc bỏ chạy. Người không tìm cách chiến thắng bạo lực bằng vũ lực, đó là cách thức của nhà cách mạng. Người cũng không chọn chủ nghĩa hòa bình bằng cách chạy trốn hoặc im lặng. Chúa Giêsu chấp nhận cách thứ ba, đó là phản kháng bất bạo động. Người vẫn trung thành cho đến cùng. Bằng việc đón nhận bạo lực mà không trả đũa hoặc lùi bước, không giao chiến cũng không trốn chạy nhưng kiên trì trung thành vâng phục Cha, Chúa Giêsu đã vạch trần những lời dối trá của kẻ quyền thế và chịu đau khổ trong tình liên đới với những người yếu thế. Cái chết của Chúa Giêsu đã tạo ra khả năng hòa giải và những khả năng mới cho những người bị áp bức cũng như những kẻ áp bức được phục hồi nhân tính của họ. Đó là sức mạnh biến đổi của tình liên đới dễ bị tổn thương mà Thiên Chúa đáp lại bằng tiếng ‘Vâng’ vang dội trong sự phục sinh.

Làm sao chúng ta có thể ôm lấy sự khôn ngoan của tính dễ bị tổn thương? Điều này có nghĩa là gieo những hạt giống hy vọng, ngay cả khi chúng ta đang khóc, và trao phó sự lớn lên của chúng cho Thiên Chúa (Tv 126). Điều này có nghĩa là mạo hiểm đời sống và tương lai của chính mình vì thế giới và tương lai của thế giới. Điều này có nghĩa là chấp nhận rằng sự thay đổi không xảy ra bằng vũ lực, mà bằng việc đón nhận người khác, qua đề nghị hòa giải. Chúng ta cần thấm nhuần cách sống của Chúa Giêsu, đi ngược lại văn hóa quen thuộc trong thế giới. Sự khôn ngoan thông thường có thể nói với chúng ta rằng chỉ có thể tạo ra sự thay đổi từ một vị trí có quyền lực và ảnh hưởng, hoặc chúng ta cần kiểm soát câu chuyện, hoặc mục đích biện minh cho phương tiện. Nhưng đó không phải là cách Thiên Chúa mang lại sự mới mẻ.

Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng trong một thế giới gia trưởng, sự cám dỗ mà phụ nữ phải đối diện thường bị đảo ngược. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình thì sẽ cứu được (Mt 16,27). Nhưng có những động lực khác nhau dẫn đến việc hy sinh mạng sống. Những người khác sẽ muốn lấy nó từ chúng ta bằng cách yêu cầu chúng ta hy sinh bản thân cho những mục tiêu hoặc mong muốn của họ. Từ bỏ chính mình để tạo điều kiện cho người khác sống ích kỷ hoặc phá hoại, đó không phải là sống tính dễ bị tổn thương theo khuôn mẫu của Đức Kitô. Chúng ta phải xác tín về giá trị vô giá của mình trước mắt Thiên Chúa để tìm thấy sự tự do nội tâm khi trao ban chính mình vì tình yêu. Khi nghe lời khẳng định của Chúa Cha “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (x. Lc 3,22), chúng ta sẽ có sức mạnh để nói ‘không’ với những cám dỗ có thể làm chúng ta chệch hướng khỏi sứ vụ, giống như Chúa Giêsu đã làm trong hoang địa (Lc 4,112). Đôi khi sự cám dỗ bị thúc đẩy bởi lòng kiêu hãnh, nhưng cách riêng đối với phụ nữ, những tiếng nói cần phải chống trả lại thường xuất phát từ một cảm nhận mình không tương xứng, hoặc từ kỳ vọng về mặt văn hóa đã ăn sâu trong lòng rằng chúng ta nên sống cuộc sống của mình theo ý muốn của người khác. Chúa Giêsu không phải là một tấm thảm chùi chân, và chúng ta cũng vậy. Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hành động từ một nơi có tự do đích thực. Nếu chúng ta biết rằng cuộc đời mình thuộc về Chúa và cuộc đời ấy quý giá không thể đo lường được, chúng ta sẽ từ bỏ mạng sống vì những lý do chính đáng.

4. Sự khôn ngoan nắm lấy những mục tiêu tốt nhất và chọn những lộ trình tối ưu để đạt được mục tiêu ấy. Để sống khôn ngoan và cùng nhau bước đi trong một thế giới tương liên, vươn lên, mang dấu ấn Thiên Chúa, đấu tranh và tươi đẹp, chúng ta cần có những giá trị và hành động nào?

Nếu Thiên Chúa như được tỏ hiện nơi Đức Kitô (Christlike God) đang hoạt động trong và qua các thụ tạo của Thiên Chúa và nếu Thiên Chúa đang hòa giải mọi sự trong Đức Kitô (Cl 1,16), thì sự khôn ngoan không hệ tại ở quyền lực thống trị hay ở những chân lý trừu tượng được áp đặt. Trái lại, sự khôn ngoan được tìm thấy trong sự đồng hành, trong việc bước đi cùng nhau. Nơi có những chồi non vươn lên về phía ánh sáng, người phụ nữ khôn ngoan tưới nước, làm cỏ và chờ đợi trong hy vọng. Bà dành sự quan tâm trắc ẩn và đáp ứng các nhu cầu bằng cách trao quyền và khuyến khích. Bà có sự kiên nhẫn và can đảm để kìm nén những căng thẳng trong khi một điều gì đó mới mẻ xuất hiện. Bà khai thác khả năng sáng tạo mà Thiên Chúa ban tặng cho mình và mời gọi sự sáng tạo của người khác. Bà không làm việc một mình. Nhận thức sâu sắc về những mối liên kết hình thành nên mạng lưới cuộc sống, bà  tôn vinh cuộc sống và tình yêu chảy qua, hàn gắn những liên kết yếu, khai thông những liên kết bị tắc, thương tiếc những liên kết bị hỏng và rèn giũa những liên kết mới. Bà xây dựng cộng đoàn và bản thân mình được những người khác nuôi dưỡng và hỗ trợ. Bà tiếp tục mở rộng vòng kết nối. Một cuộc sống như vậy bén rễ và lớn lên trong những trái tim cởi mở, sáng tạo, tin tưởng và sẵn sàng dấn thân trên những lộ trình mới.

Có hai thực hành có tầm quan trọng đặc biệt đối với tính hiệp hành: biết khi nào nên nói, khi nào nên im lặng, và thực hành lòng hiếu khách. Người thuyết giáo trong sách Giảng viên nhắc chúng ta rằng ‘Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời’, kể cả ‘một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng’ (Gv 3, 1.7b). Có lẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu một số hành động luôn luôn đúng và một số hành động khác luôn luôn sai! Nhưng sự khôn ngoan cốt ở chỗ biết chọn đúng thời điểm. Lộ trình hiệp hành là một tiến trình kết nối, lắng nghe và phân định, và can đảm nói lên sự thật. Thời điểm để chúng ta phát biểu là sau khi chúng ta đã lắng nghe sâu sắc. Đó là khi chúng ta mở ra với người khác trong tình trạng dễ bị tổn thương thực sự. Lời nói chân thành là sự hiện diện đích thực. Đây cũng là thời điểm để phát biểu khi tiếng nói của chúng ta có thể làm nổi bật quan điểm của những người bị loại trừ. Chúng ta phải lên tiếng chống lại những hành động áp bức hoặc khinh suất mà im lặng.

Nói không đúng lúc là chúng ta nói trước khi lắng nghe - lắng nghe Chúa, lắng nghe chính mình và lắng nghe người khác. Những lời nói vô nghĩa xuất phát từ chỗ thiếu suy nghĩ, tự mãn, khi chúng ta nghĩ rằng mình biết và không có gì mới để học. Lời nói có thể là một cách để nhấn chìm những gì chúng ta không muốn nghe, bởi vì chúng ta kiêu ngạo hoặc sợ hãi, thậm chí có thể là cả hai. “Lời nói ra đúng lúc đúng thời khác chi táo vàng trên đĩa bạc chạm trổ” (Cn 25,11). Lời nói thích hợp vào đúng thời điểm sẽ tạo ra khả năng kết nối.

Còn sự im lặng thì sao? Im lặng khi lẽ ra nên nói là từ chối kết nối, hoặc tước đi khỏi người khác những hiểu biết độc đáo của chúng ta. Khi một quan điểm về một vấn đề phức tạp không được lắng nghe, thì sự phân định chung của cộng đoàn đối với một giải pháp có thể bị sai lệch và không đầy đủ. Im lặng không đúng lúc có thể tạo cơ hội cho cái ác sinh sôi nảy nở và tước đi cơ hội được bênh vực của người nghèo. Sự im lặng tốt là để phục vụ cho việc lắng nghe một cách chăm chú. Nó tạo ra một không gian để hiểu biết, để chuyển đổi và để phát triển. Sự im lặng chú ý là một hành động thể hiện lòng hiếu khách triệt để.

Lòng hiếu khách là một trong những đặc điểm nổi bật của Tin Mừng trong hành động, đặc biệt khi nó được mở rộng ra đối với người xa lạ (Rm 12,13; Dt 13,2). Việc thực hành tính hiệp hành phản ánh sự thực hành tình bằng hữu dung nạp của chính Chúa Giêsu trong các bữa ăn; nó nhường chỗ trên bàn ăn. Lòng hiếu khách không chỉ cho khách lạ ăn mà còn mang lại cho họ một vị trí trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiếu khách phải được đón nhận cũng như cung cấp một cách khiêm tốn. Sự khôn ngoan của tính dễ bị tổn thương nhận ra những cách thức mà chúng ta phụ thuộc vào lòng hiếu khách triệt để của người khác. Tôi nghĩ về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ ra đi, bảo họ đừng mang theo gì khi đi đường, và dặn họ ở lại nơi họ được tiếp đón và ăn bất cứ thứ gì họ được cung cấp (Lc 10). Lòng hiếu khách nhắc chúng ta rằng chúng ta không tự cung tự cấp; lòng hiếu khách dệt nên những sợi chỉ để vượt thắng sự chia rẽ và cô lập. Sự hiếu khách là điều cần thiết cho tính hiệp hành vì nó tạo ra những khả năng biến đổi thông qua sự gặp gỡ.

5. Tôi kết thúc bằng một lời mời hết sức hào phóng từ thư Giacôbê, một bản văn khôn ngoan của Tân Ước:

“Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” (Gc 1, 5-6).

Bạn có cần sự khôn ngoan không? Nếu có, hãy xin và bạn sẽ nhận được! Thiên Chúa tha thiết mong muốn chúng ta bước đi một cách khôn ngoan trên hành trình Thượng Hội đồng. Thiên Chúa rộng lượng của chúng ta sẵn lòng ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta cần khi chúng ta phát triển thành một cách tồn tại và phục vụ hiệp hành. Lời mời gọi không thể rõ ràng hơn: hãy xin những gì bạn cần!

Chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta phải cầu xin với đức tin, đừng bao giờ nghi ngờ. Làm sao chúng ta có thể làm được điều này? Có lẽ ngay cả trước khi cầu xin sự khôn ngoan cho hành trình hiệp hành, chúng ta cần cầu xin Chúa giúp chúng ta tin tưởng, tin rằng Thiên Chúa đang hành động, tin rằng Nước Chúa đang bén rễ và phát triển ngay cả ở những nơi khó có thể xảy ra nhất, và tin rằng chúng ta có thể nghe thấy lời mời gọi của Thần Khí trong trải nghiệm của người khác, nhất là của những người ở bên lề.

Thánh Giacôbê nhấn mạnh rằng đức tin không phải là điều chúng ta nói rằng mình tin, mà là những gì chúng ta làm. Đức tin thể hiện qua hành động (Gc 2, 17.26). Do đó, nghi ngờ là từ chối thực hiện hành động mà đức tin đòi hỏi. Nếu chúng ta cầu xin sự khôn ngoan và sau đó không thực hiện bước đầu tiên, cho dù cảm thấy do dự đến đâu, thì chúng ta đang xin mà không có đức tin, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ khám phá ra sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đừng rơi vào cám dỗ nghĩ rằng nói về tính hiệp hành và thực hành tính hiệp hành cũng giống nhau thôi. Đừng nghiên cứu tính hiệp hành mà không trải nghiệm nó.

Trở thành một Giáo hội hiệp hành có nghĩa là cùng nhau bước đi. Có nghĩa là cởi mở với người khác, lắng nghe và nói lên, suy tư và phân định, và cùng nhau thực hiện bước tiếp theo. Con đường được hình thành bằng việc bước đi trên đó. Sự khôn ngoan được tìm thấy trong việc đáp lại lời mời gọi của Chúa để bước đi với Thần Khí, với nhau, và cuối cùng là với tất cả thụ tạo khi chúng ta cùng tạo ra một tương lai vốn là giấc mơ của Thiên Chúa dành cho thế giới.

Nt. Anna Ngọc Diệp,
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: Jessie Rogers, Wisdom for the Synodal Journey, Bulletin UISG 178, 2022, trang 39-45

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 137 (Tháng 9 & 10 năm 2023)